Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Danh Gia Vọng Tộc
Tỳ kheo Thích Thiện Hữu

Danh gia vọng tộc là cụm danh từ mà hầu hết con người đều ước ao tham muốn. Danh gia để mọi người kính nể, xã hội tôn sùng. Vọng tộc để ai ai cũng phải cúi đầu hầu hạ. Danh gia vọng tộc là điểm đến của biết bao người trong mọi thành phần, mọi thời đại và mọi xã hội. Thế nên, chỉ vì hai chữ danh gia mà con người tìm đủ mánh khoé để lọc lừa, đánh tráo trong vũng bùn địa vị. Cũng vì hai chữ vọng tộc mà con người có thể nói tiếng khước từ bao kẻ thân thương, chối bỏ những người yêu quí. Cũng vì danh gia vọng tộc mà con người có thể nghoảnh mặt với tất cả việc phước thiện, quay lưng với những hành động lành của người khác.

 

Hơn nữa, con người có khi còn tránh né những thực tế tưởng chừng quá tầm thường, quá thấp bé, để cố chạy tìm, cố nắm bắt những điều phi thường, cao tột, rộn ràng và ồn ào trong cuộc sống. Đến lúc chiều tà xế bóng, mới chợt tỉnh hồn, chợt nhận ra một thực tế, một bài học tâm linh là, tất cả mọi thành trụ hoại không của kiếp nhân sinh, mọi danh gia hay vọng tộc đều nằm vỏn vẹn nơi chữ “nghiệp”. Chính vậy mà không ai có thể cố gắng giữ được nét ‘danh gia’ quí phái mãi mãi; không ai có thể che đậy những ảo ảnh bên ngoài để trưng bày cái ‘vọng tộc’ hào nhoáng, không hợp thời, không lợi ích nữa. Thế mới biết, ở đời, không ai dỡ hơn ai, hay không ai tài hơn ai, chẳng qua chỉ là người có đủ đầy ‘phước đức’, có hợp ‘thiên thời, địa lợi, nhân hoà’ hay không mà thôi.

 

Trong cuộc sống, ai trong chúng ta không muốn trở thành những danh gia, đủ đầy kẻ hầu người hạ, xã hội tôn sùng? Ai trong chúng ta không muốn trở thành những gia đình vọng tộc, có kẻ đón người đưa, cộng đồng kính trọng nể vì? Nhưng có mấy gia đình, có bao nhiêu cá nhân tận hưởng trọn vẹn, giữ được những tiếng thơm lâu dài. Có phước lắm cũng chỉ đến đời cháu, hay thế hệ chắc là tan hoang, sập tiệm rồi. Ngẫm lại câu Ngạn ngữ Việt nam “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” thật chí lý biết dường nào!

 

Mặt khác, xuyên qua các thời đại, có biết bao người suốt đời cứ đặt nặng bằng cấp, học hàm, địa vị để làm nền tảng, làm thước đo cho danh gia vọng tộc. Nhưng, giả dụ, khi có đủ duyên học hành, thành đạt được tất cả những mảnh bằng mong muốn, thì tuổi đời càng lớn, địa vị càng cao, con người vô cùng bận rộn, sẽ dễ bị cuống vây trong những toan tính, hơn thua, tốt xấu, phải quấy, thấp cao. Yếu tố tâm lý danh gia vọng tộc ngày càng đè nặng trong tâm hồn, và vì vậy, họ có thể bất chấp mọi thủ đoạn, mọi phương tiện, miễn sao đạt được, duy trì được một gia đình, một dòng họ bên ngoài tuy có được tiếng thơm lễ giáo, gia phong, nhưng bên trong là cả một cánh đồng hoang dại, hỗn loạn thối nát. Những ngôn từ đạo đức răn đời, như “tự trọng, khiêm cung, thanh bạch, tội phước, nhân quả, nghiệp báo…” bắt đầu dần dà chẳng còn hiện hữu trong tâm thức và trong lối sống của gia đình họ nữa.

Hơn thế, những gì thuộc về tôn giáo hầu như xa lạ với họ. Những khói hương nghi ngút nơi Chùa chiền, Thánh đường, Giáo đường hay Đền thờ miếu mạo hình như đưa tay vẫy chào, nói lời chia biệt với họ.

Thậm chí, những khoảng trời xanh hi vọng, những khu rừng rợp bóng mát tình người, hay những tháng ngày gió lạnh đông về, mang lại nhiều làn sương mờ ảo, có khi hoàn toàn xa lạ với những thành phần có địa vị văn bằng, có nhà cao cửa rộng, có công danh thênh thang mênh mông, hay đã có sẳn ‘danh gia vọng tộc’.

 

Trong xã hội đời thường, những thành phần học thức, văn bằng, địa vị cao đều được trọng vọng nể vì, đều có chung nhãn hiệu ‘tri thức’. Nếu họ thực sự đóng góp cho dòng chảy của xã hội, cố tâm xây dựng xã hội phồn vinh, chung vai đào tạo nhân tài cho cộng đồng đất nước, hầu mang nguồn hạnh phúc, ấm no cho toàn xã hội, thì xứng đáng được tôn vinh là những con người đạo đức gương mẫu. Từ đó, con đường đi đến 4 chữ ‘danh gia vọng tộc’ thật quá dễ dàng. Nhưng bên cạnh đó, rất có thể, những thành phần này, xã hội tự động sẽ tạo cho họ một thế đứng riêng và chính chỗ đứng này đã là hàng rào ngăn cách con đường đi đến cảm thông giữa họ và tha nhân hay giữa những thành phần ‘danh gia vọng tộc’ và những thành phần thấp kém trong xã hội.

Hơn nữa, còn một thành phần trong xã hội, vì lý do riêng tư nào đó, trong đời sống, họ ít giao tiếp với mọi người xung quanh, ít quan tâm đến đời sống tha nhân thì được cuộc đời dành cho những dòng chữ: ‘phách lối, kiêu căng, ngã mạn’. Hay có một số người, không thích tiếp xúc, giao du với những thành phần ‘danh gia vọng tộc’, hay giới trí thức thượng lưu, thì bị xã hội và nhóm người này tặng cho những dòng chữ: ‘khinh khi vô lễ, phản bội vong ơn’.

Còn có những thành phần, cứ thể hiện nếp sống thật thà, giản dị, bình dân thì bị nghi ngờ, theo dõi, dáng cho hàng chữ: ‘đạo đức giả, làm màu, mưu đồ’.

Lặng lờ phớt tỉnh cũng bị hiểu lầm vô trách nhiệm. Năng động xông xáo lại bị xem có dụng ý âm mưu. Thật mới thấm câu người xưa thường nói: “ở sao cho được lòng người, ở rộng người cười, ở hẹp người chê”.

 

Tất cả chúng ta ai cũng hiểu và thấy rõ ràng, cả cuộc đời chắc chiu, dành dụm, tranh thủ bay nhảy, mưu tính đủ điều, đến ngày xuôi tay nhắm mắt có đem được gì không? Nếu có đem theo chỉ vỏn vẹn hai chữ: ‘Tội và phước’. Biết hết, hiểu nhiều, ấy vậy mà con người hết đời vẫn cứ đổ xô cất công giành giật ‘vọng tộc danh gia’ về mình.

 

Danh gia ít ra phải được hiểu là một hành động thiện, một hành nghiệp mang lại lợi ích cho cộng đồng nhân giới. Một tâm hồn đẹp phải chứa đầy cả một trái tim trinh khiết, nhân hậu cao thượng. Một tinh thần thượng võ, không đánh người ngả ngựa, không nói xấu sau lưng, không bới lông tìm vết là tinh thần khai phóng, chứa đầy những biểu hiện của thương yêu, hào phóng và thanh cao thoát tục như mây trắng thong dong trên vòm trời tự tánh.

Vọng tộc ít ra phải được hiểu là một gia đình, dòng họ, xuyên suốt nhiều đời chỉ tôn sùng, khuôn phò con đường đi đến Chân-Thiện-Mỹ. Mọi hành động, suy nghĩ và lời nói từ đời Tổ phụ đến thế hệ cháu con, đều ẩn chứa hay toát ra những vẻ đẹp sâu thẩm của tâm hồn, hầu đưa con người đến chỗ bình an, toàn chơn, thánh thiện.

 

Hơn nữa, một người, một gia đình xứng đáng với ‘danh gia vọng tộc’ phải là những con người, những gia đình, luôn thật sự quan tâm đến nỗi khổ đau của kẻ khác, luôn hy sinh và ban phát những lợi ích riêng tư của gia đình mình cho đại thể chúng sinh. Bởi vì, có biết bao người không đủ cơm ăn, không đủ áo mặc, không một mái che trước nắng cháy trưa hè, hay phong ba bão táp, họ rất cần bàn tay che chở của những thành phần ‘vọng tộc danh gia’ dang rộng ra chút nữa. Những thành phần đáng thương này rất cần hơi ấm của tình người, xuất phát từ những con người được cuộc đời xưng tụng là ‘danh gia vọng tộc’.

Nếu không hiểu hết ý nghĩa này, nếu không quán triệt đạo lý mầu nhiệm này, nếu không thấy hết chân giá trị này, thì con người không nên mất nhiều thời giờ tìm đức Phật nơi ngôi chánh điện trang nghiêm rực rỡ, không nên bỏ nhiều công sức tìm đức Chúa nơi những thánh đường đồ sộ nguy nga, hay đừng nuôi niềm hy vọng trở về cõi tịnh lạc sau khi qua đời, đừng tìm cõi thiêng đường nơi đất thánh sau khi mãn phần, mà hãy tìm đến những nỗi đau khổ của con người ngay trần gian này để xẻ chia đôi phần, để thực hiện tinh thần ban vui cứu khổ.

 

Nếu hiểu và thực hành được trọn vẹn như vậy, thì người có ‘danh gia vọng tộc’ là người có một nội tâm hướng thiện, một tấm lòng luôn nở ngàn đoá thiên hoa, để dâng cúng Ta bà, hay trăm nụ tâm hồng để hiến dâng đất thánh khiết tịnh. Những nụ tâm hồng, những đoá hoa lòng, tràn ngập tình thương luôn hoà quyện với nhiều đoá hoa vô sắc trong đêm đông lạnh lùng, hay những buổi sáng tuyết trắng, lấp lánh trăm viên bảo châu như ý-như ý với vạn loại chúng sanh và với chính cõi lòng thanh tịnh, như nhiên của mình.

 

Nói gọn lại, ‘danh gia vọng tộc’ không cần phải tìm kiếm xa xôi nơi khung trời đại học, hay sau đại học, không cần phải ngồi ngất ngưỡng trên những chiếc ghế danh thơm, hay trên những vị trí tột bực. Danh gia vọng tộc phải là niềm chân phúc ngàn đời, vĩnh cửu trong từng phút giây tĩnh tại, thiên thu trong từng ý niệm thương người giúp đời, vượt ngoài thời gian và không gian tạm bợ.

Danh vọng, sự nghiệp nếu chỉ để phục vụ cho một cá nhân nhỏ bé, hay cho một gia đình ít người, thì chưa đủ để nhận lãnh cái ân sủng cuộc đời ban tặng.

Hãy trải lòng mình mênh mông như biển cả, hãy cho tâm thức ngọt ngào như suối mát trần gian, hãy mang ánh sáng chân lý vào mọi ngỏ nghách của đau khổ bất an, để tất cả đều trở về vô tận, trở thành nét đẹp thiên thu, đủ đầy ý nghĩa ban sơ của cụm danh từ ‘danh gia vọng tộc’. Được vậy thì cả đời mặc tình hát ca, muôn kiếp thong dong cất bước, nơi nơi đều thấy ngàn hoa diễm lệ!!

 

Chùa Phật Đà, Úc Châu

Tháng 11 năm 2008

           

                                                                                 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/danhgiavongtoc.htm

 


Vào mạng: 04-11-2008

Trở về mục "Quà tặng cuộc sống"

Đầu trang