Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

Tây Nguyên - Bão Lũ

Minh Mẫn

 

Trong nhiều năm qua, Tây Nguyên chưa bao giờ hứng chịu sự hung hãn của thiên tai như cơn bão số 9 vừa qua.

 

Bão lụt, kể cả lũ là chuyện thường niên của quê hương khốn khó Trung Việt. Đất hẹp, sỏi đá nhiều hơn cỏ dại, mùa nắng cơn nóng từ Hạ Lào tràn qua, các tỉnh miền Trung hứng chịu hơi thở khô khốc của khí trời, toàn bộ người dân phải ra sân, ngồi dưới bóng râm, hoặc bên các giòng nước, con sông, hy vọng nước bốc hơi giảm phần oi bức, nhưng hấp tia nắng mặt trời, nước từ các giòng chảy cũng hâm hấp như nước trên lò đang đun. Mình mẩy con người luôn rịn mồ hôi như thợ làm bánh đứng trước miệng lò… Ấy thế mà, cơn mưa Thu-Đông ập đến, luôn mang theo tai hoạ khôn lường, để rồi cư dân tích góp nửa năm của cải, gia súc, kể cả hoa màu mùa màng, được Hà bá mang đi một cách ngang ngược; một số người dân bổn mạng hạp với Long cung, cũng bị rước đi một cách ngỡ nàng không hề được thông báo! Trời làm cơn lụt mỗi năm cứ như là chuyện thường ngày ở huyện.

 

Riêng Tây nguyên, chuyện ông Trời nổi nóng là chuyện không bình thường, chính vì thế mà các cấp chính quyền cho đến cư dân vẫn ỷ y như người vô sự, vì xưa nay Tây nguyên, ngoài cuộc chiến, thời tiết khí hậu chưa bao giờ đe doạ cuộc sống người dân, thậm chí, người sắc tộc vẫn tự tin mình là con cưng của  ông Giàng, và  những di dân từ các tỉnh miền Trung và phía Bắc vào lập nghiệp cứ nghĩ họ là người lương thiện nhất, đem mồ hôi nước mắt đổ lên luống đất tô đắp cho đời sống, đem công sức phá rừng san núi để xây dựng cơ đồ; và những kẻ săn bắn từng dầm mưa dãi nắng đêm ngày để bắt những loại thú quý hiếm cung ứng cho thị trường; công ty xí nghiệp giải quyết cuộc sống cho nhiều công nhân, thỉnh thoảng, thải chút ít độc khí hoặc nước bẩn môi trường xem như là điều tất yếu…

 

Nhưng, cuộc sống càng phát triển theo sự phát triển của các thành phố lớn, Tây nguyên đã mất dần sự thơ mộng của phố núi; Xứ sở sương mù như Đà Lạt, giờ đây phải dùng máy lạnh. Rừng cao su, đồi thông đã được thu hẹp cho phố thị phát triển. Màu xanh của núi rừng bạt ngàn tiếp nối Trường Sơn  nhạt màu bởi gỗ quý bị triệt hạ. Lá phổi thiên nhiên đã teo dần thì khí hậu phải đổi thay theo luật nhân quả công bằng, kết quả, cơn bảo số 9 thăm viếng các tỉnh cao nguyên, để lại cho Daklak,Gia Rai, Kontum một chứng tích thương đau thế kỷ!

 

Sau cơn bảo, các tôn giáo và người dân đã bắt tay vào cuộc kịp thời cứu tế những người còn sống và mai táng những kẻ kém may vừa ra đi. Từ Quảng Trị trở vào, các chùa  nhận sự đóng góp và hướng dẫn những tấm lòng nhân ái đến tận nơi thăm viếng ủy lạo. Chính quyền địa phương bắt tay chỉnh trang quốc lộ, hương lộ, cầu cống, nhà cửa cho đồng bào. Các kiều bào cũng chia sớt niềm đau bằng những đồng tiền khó nhọc kiếm sống trên quê người, gửi qua các ban từ thiện đưa đến tay đồng bào ruột thịt tại quê hương.

 

Ngày 14/10/09, chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Liên Hoa, Kỳ Quang…cũng đưa phẩm vật đến, mà trước đó cũng từng có nhiều đoàn từ thiện sớm có mặt. Theo tổng kết chưa đầy đủ, tại làng Mố Bành, xã Dakna, huyện Tu mơ Rông đã có 30 người thiệt mạng, 5 người bị thương, 6 người mất tích, 49 nhà sập đổ hoặc bị cuốn trôi, 52 nhà hư hỏng nặng. và một người mất tích do lỡ núi. Cầu Daktrăm bị sập. cầu Dakrơ ông bị cuốn trôi. Tại xã Yaxiar huyện Sa Thầy 12 ngôi nhà dân bị đánh sập. 9 hộ dân ở xã Dakha bị chìm trong lũ. Huyện Konprong cũng thiệt hại nặng nề. Mực nước sông Dakbla lên cao. Tại TP Kontum, một số nơi cũng bị sạt lở nặng như Dã tượng. Suối Dactơcan cuốn trôi cầu sắt Benlây. Làng Konhnông, lúa và hoa màu bị nhấn chìm trong nước. Xã Dakna làng Mô Bành gần 10 người bị nước cuốn trôi, nhiều nhà sập đổ. Làng Tamring, sắc tộc Xê đăng ruộng rẫy hoa màu đều ngập chìm trong lũ. 3 người trong gia đình bị núi lở chôn vùi mất xác. Xã Dakrơ có 4 người chết, 21 căn nhà sụp đổ, hai cầu treo hư hại, trên 30 trâu bò bị trôi, hàng trăm gia cầm mất mát, hai đập thủy lợi bị phá hủy hoàn toàn.

 

Tuy Tây nguyên không là trọng điểm của bão lũ, nhưng đã để lại sự tàn phá nặng nề với huyện Daktô và Tumơrông, trên 50 mạng người mất, ước tính trên 2 ngàn tỷ đồng cho toàn Kontum, một sự cố nằm ngoài khả năng của địa phương tự khắc phục. Trước mắt, đã có các tổ chức phi chính phủ hổ trợ 2,8 triệu USD và 20 tấn gạo cho miền Trung và Tây nguyên. Riêng UBMTTQ Kontum đã nhận được 6tỷ7 tiền mặt và hàng nghìn thùng mì ăn liền, 7 tấn gạo, 600 suất quà, áo quần, chăn mền… từ các doanh nghiệp như Hoàng Anh Gia Lai 1 tỷ đồng, công ty Đầu tư SG-Tây nguyên 500 triệu, Viettel Kontum 200 triệu, cty cổ phần nông sản thực phẩm Quảng Ngãi 50 triệu, tổ chức lương nông Liên Hiệp Quốc hổ trợ Kontum 200.000 USD. Binh chủng phòng không- không quân cũng góp phần vận chuyển vật phẩm từ Đà Nẵng lên Kontum, bộ đội Kontum cũng xông pha vào vùng sâu vùng xa vận chuyển lương thực và giúp đồng bào về chỗ an toàn.

Ngoài ra những đơn vị như Y tế, hội chữ thập đỏ, báo chí,các cơ quan, đơn vị và tư nhân đã nổ lực vận chuyển cứu trợ kịp thời.

 

Trong chiều hướng đó các chùa và Phật tử ráo riết vận động quyên góp hàng ngày đều có các chuyến hàng chuyển về Tây nguyên như: Chùa Kỳ Quang, chùa Liên  Hoa Quận 5, chùa Vĩnh Nghiêm…mỗi ngày trên 10 chuyến hàng cứu trợ. Sáng 15/10/09, văn phòng Ban Thường Trực TW GHPG cũng có mặt.

Đoàn chùa Kỳ Quang 2 kết hợp với thầy Truyền Cường, quý sư cô và Phật tử người Hoa, thầy Huệ Minh, Minh Khương, Minh Thọ, Vân Phong…vào tận xã Dak p’xi, cách Dakha trên 30km đường lầy lội.phải nhờ xe cẩu đưa các xe bị lún sình qua truông, thế nhưng, vào hơn 10km nữa, đến xã Dak P’xi, đoàn phải chuyến xe hai bánh để vào 9 ấp vào sâu trong vùng chập chùng núi rừng. Trên 10 km đường lầy lội, có nơi phải qua bộ, nước chiếm hầu hết các truông và vùng trủng, thậm chí cắt đứt ngang đường, tạo một hố sâu, xe phải lội nước lấy trờn lên đồi dốc thật cao, có xe bị trơn trượt lật ngã rơi xuống suối.  Con đường bình thường bắt qua bởi chiếc cầu đúc, nay sình ngập lên đến thành cầu. Mặc dù đường đất đỏ ôm sát sường núi, nhưng mặt đường biến thành những rãnh lươn sâu hoắm, xe hai bánh vất vả lắm mới khỏi lọt bánh xuống mương. Đáng ra, chính quyền phải thông báo cho dân biết  quy tập ra xã để nhận hàng, tuy ban tổ chức đã thông báo trước, nhưng khi hàng vào đến nơi, dân không ai biết, đoàn phải chia làm nhiều toán vào tận các ấp thì lúc đó dân đi rẫy!

Chiều phát tại Dak H’ring quà, sáng hôm sau lại vượt trên 80 km đến trao quà cho dân tại huyện K’long. Tuy đường sâu, xa và mệt, nhưng mọi người đều hoan hỷ.

 

Các  ấp vùng xa bị cắt đứt với thế giới bên ngoài bởi sông suối và đất lở; Có vùng, tuy dân không bị thiệt mạng nhưng tài sản không còn gì, ruộng rẫy bị ngập chìm dưới khối sình hơn một thước. Nhà  bên nay song của xã Dak P’xi, số nhân mạng thất thoát cũng như tài sản thiệt hại quá lớn, hầu như không còn gì để gầy dựng lại sự nghiệp; Các chuyến cứu trợ không cách nào vào tận nơi.

Người dân quanh năm sống bằng nương rẫy, mùa thu hoạch cà phê cũng là lúc đồng bào sắc tộc đi làm thuê có thêm con mắm con khô cho bữa ăn  mặn mòi, thường họ ăn lá khoai mì hoặc rau rừng thiếu cả muối hột.Nhưng  người sắc tộc có 2 vấn đề mà chính quyền nên truyền thông cho thích hợp với cuộc sống, đó là con quá đông và thường uống rượu quá nhiều.

Người dân hiền hòa chất phát, các vùng sâu đa số theoTin Lành. Dak hà là Huyện sung túc nhất trong 7 huyện. Dak hà có 5 hồ mà hồ Dak Uy lớn nhất tỉnh. Riêng Dakhà có 8 xã, cuộc sống Dak Hà khá sung túc  và nhiều ưu thế hơn các xã khác.

 

Vị trí địa lý:

Kon Tum là một tỉnh miền núi vùng cao, biên giới ở phía Bắc Tây Nguyên. Nằm trong tọa độ địa lý, có kinh độ kéo dài từ 107o20’12" đến 108o32’30" độ kinh đông; có vĩ độ từ 13o55’10" đến 15o27’15" vĩ độ bắc.

Tỉnh Kon Tum phía Bắc giáp với tỉnh Quảng Nam, có chiều dài 142 km, phía Nam giáp tỉnh Gia Lai với chiều dài 203km; phía Đông giáp Quảng Ngãi với chiều dài 74km; phía Tây giáp 2 nước bạn Lào và Campuchia dài 275km. Dân số gần 38 vạn  người, với các dân tộc bản địa là Xê Đăng, Jẻ Triêng, Ja Rai, Ba Na, Brâu, Rơ Mâm và dân tộc Kinh và nhiều dân tộc thiểu số khác cùng chung sống

Đến nay Kon Tum có 9 đơn vị hành chính là thị xã Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Kon Rẫy, Kon Plông, Đăk Hà, Đăk Tô, Tu Mơ Rông, Ngọc Hồi và Đăk Glei. Với diện tích gần 10.000 km2 chiếm 3,1% diện tích cả nước. Với diện tích gần 10.000 km2 chiếm 3,1% diện tích cả nước. Với 2 vùng khí hậu Đông Trường Sơn và Tây Trường Sơn.

Nhìn chung, phần lớn lãnh thổ Kon Tum nằm ở phía Tây Trường Sơn, địa hình có hướng thấp dần từ bắc xuống nam và từ đông sang tây. Địa hình đa dạng: đồi núi, cao nguyên và thung lũng xen kẽ nhau.

 

 

 1. Dân số chia theo giới tính, thành thị/Nông thôn và đơn vị hành chính 1/4/2009

Tỉnh/thành phố

Tổng số

Thành thị

Nông thôn

Tổng số

Nữ

Tổng số

Nữ

Tổng số

Nữ

 

Kon Tum

430.037

211.662

145.484

72.208

284.553

 

139.454

 

 

(tư liệu của hành chánh Kontum) 

 

 

Như vậy, với mật độ dân số và diện tích như thế, Kontum có nhiều lợi thế để phát triển. Qua cuộc loạn lũ và bão, cho thấy Kontum chuẩn bị khá tốt nên tổn thất tương đối nhẹ so với các bản làng xa xôi có nơi trên dưới trăm km. Tại xã huyện Dak Hà, ông chủ tịch Phạm Đức Hạnh đã đích thân vào các xã ấp để điều động nhân sự ứng cứu cấp thời. Ông ta cũng thiết lập một số  thùng đựng nước để cho nhân dân các xã có nước dùng khi con suối đã đục màu khốn khổ.

 

Một số núi bị cày xới,không đủ rễ để giữ đất, đưa đến sạt lở, cây to bị sát phạt nên bảo dễ hoành hành, nước tuôn từ thượng nguồn làm ngập các thôn làng; những yếu tố môi trường không được bảo vệ tốt, người dân đã xem nhẹ các nguyên nhân đưa đến thiên tai khủng khiếp như hiện nay.

 

Thiên tai không chừa một ai, các nhà khoa học và tôn giáo, các nhà lãnh đạo tâm linh luôn báo động về tình trạng thay đổi khí hậu hiện nay, nhưng chưa quốc gia nào có biện pháp chế tài để người dân nghiêm chỉnh chấp hành hầu bảo vệ hành tinh xanh và cuộc sống an lành của nhân loại.

 

Tây Nguyên hay miền Trung, Việt Nam hay Indonesia, Philippines, Ấn độ  bất cứ quốc gia nào cũng đều là nạn nhân của sóng thần, của núi lửa,  còn dấu tích trên hành tinh nầy động đất, bảo tố  lũ lụt. Đã có trên 25 hòn đảo chìm vào đại dương và 200 hòn đảo có nguy cơ không còn trên địa dư thế giới. Dự báo  vào năm 2050, miền Tây Nam bộ Việt Nam sẽ bị biển xâm lấn phần lớn.

Phải chăng, Thiên tai đến với Việt Nam qua cơn bảo số 9 là một cảnh báo khẩn mà nhà nước nên quán triệt đến toàn dân về nguy cơ môi sinh, về cách sống bản thân và ngay cả thực dưỡng.

 

Cứu trợ để chia sớt, Chứng kiến để cảm thông, cũng chưa đủ mà phải cảm nhận cái khổ  đó là của chính mình, của dân tộc mình trước cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Ta làm gì hơn chứ không chỉ chia sẽ và cảm thông là đủ.

 

                                                           

                                                                                    15/10/09

 

  

***

  http://www.buddhismtoday.com/viet/baolut/taynguyen.htm

 


Vào mạng: 21-10-2009

Trở về mục "Bão Lụt"

Đầu trang