Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Nhân mùa xuân nói về mô hình phát triển tâm linh
Trần Trung Phượng

BA MÔ HÌNH PHÁT TRIỂN CỦA THẾ GIỚI HIỆN ĐẠI

Chúng ta đang sống trong một thế giới mà chưa bao giờ từ ngữ "phát triển " lại có một ý nghĩa đa dạng và sinh động đến như thế . Ở khắp mọi nơi, vượt qua tất cả các rào cản địa lý, chủng tộc, văn hoá, chính trị… "phát triển" đã trở thành mục tiêu chung cuả các cá nhân và các cộng đồng . Nói như nhà xã hội học Pháp Edgar Morin, " phát triển " là một từ then chốt nhất , có tính chất xuyên suốt mọi ý thức hệ chính trị và đã trở thành một nỗi ám ảnh chung cuả cả nhân loại, nhất là đối với những người và những dân tộc còn đang oằn oại trong nỗi đau khổ vì nghèo đói , bệnh tật . Có thể nói, trong suốt nửa sau thế kỷ XX , một thế kỷ nghịch lý nhất trong toàn bộ lịch sử loài người, chuyến tàu phát triển của nhân loại đã tăng tốc mạnh mẽ hơn bao giờ hết , đưa một số ít dân tộc tiến xa về phía trước , nhưng đồng thời cũng đã bỏ lại đàng sau nó một phần đông nhân loại vẫn đang tiếp tục vật lộn trong cảnh nghèo khổ , khốn cùng. Đối với những người này, sự lựa chọn của họ không phải là " phát triển" , mà đơn giản là để sống sót trước những thách thức gay gắt của cuộc sống . Thậm chí theo quan điểm của Oswaldo de Rivero, một nhà ngoại giao Peru, ngọn cờ " phát triển " mà loài người đã giương lên trong mấy thập kỷ vừa qua chỉ là một huyền thoại không hơn không kém và ẩn giấu sự thật đằng sau nó là " sự khốn cùng còn rất sâu sắc " của một phần lớn nhân loại . (Theo ước tính vào năm 2000, gần 1,5 tỷ người sống trong cảnh nghèo túng với thu nhập chưa đầy một đô-la mỗi ngày )

Trên bình diện lý thuyết , các quan niệm và học thuyết về phát triển được tạo ra rất nhiều , nhưng tựu trung có thể nêu ra hai quan điểm cơ bản như sau : Với quan điểm thứ nhất, một quan điểm lấy tăng trưởng làm trung tâm (Growth-centered development ) , "phát triển hầu như là sự tăng trưởng về giá trị kinh tế của hệ thống sản xuất xã hội mà không hề lưu ý đến hậu quả về nguồn tài nguyên dự trữ và môi sinh, hay ngay cả những đóng góp thực sự vào đời sống của con người . Tiến bộ và đời sống của một quốc gia bị qui vào một chỉ số duy nhất , đó là tăng hay giảm toàn bộ sản lượng kinh tế theo thời giá của thị trường" (1). Trái lại, với quan điểm thứ hai , một quan điểm lấy con người làm trung tâm (People-centered development) , phát triển được hiểu là một tiến trình , qua đó các thành viên của xã hội tăng cường được những khả năng cuả cá nhân và định chế của mình để huy động và quản lý các nguồn lực nhằm tạo ra những thành quả bền vững và được phân phối công bằng nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống phù hợp với nguyện vọng của họ . Quan điểm thứ hai chủ trương phát triển phải phục vụ cho con người chứ không phải là con người phục vụ cho phát triển.

Bước sang thế kỷ XXI, quá trình phát triển của nhân loại nói chung có thể diễn ra theo kịch bản của một trong ba mô hình sau đây:

Mô hình hy vọng : Với sự chiến thắng của lý trí ( giả sử là có một lý trí phổ quát của nhân loại và phần đông nhân loại , nhất là giới cầm quyền biết hành động theo lý trí sáng suốt của mình) loài người biết khắc phục một cách có hiệu quả những nhân tố phi hoặc phản phát triển như : sự bùng nổ dân số, sự ô nhiễm môi trường , cạn kiệt các nguồn tài nguyên , nạn mù chữ, sự sa đọa về mặt đạo đức , những thiệt hại do thiên tai gây ra , chiến tranh, bạo lực , bệnh dịch … Trong mô hình hy vọng này , các nhân tố phát triển có một sức mạnh và ưu thế vượt trội hơn các nhân tố phi hoặc phản phát triển , và chính điều này tạo ra một niềm hy vọng vào tương lai.

Mô hình kinh sợ : Trái lại, dưới con mắt của những người bi quan, trong thế kỷ sắp tới , những nhân tố hủy diệt , mà mầm mống đã xuất hiện ngay từ trong thế kỷ XX này, sẽ ngày càng chiếm ưu thế áp đảo hơn so với các nhân tố xây dựng và sáng tạo, và cuối cùng sẽ là một sự bế tắc hoàn toàn đưa đến sự tự hủy diệt hoặc bị hủy diệt từ bên ngoài của nền văn minh nhân loại. Các nhà tiên tri ảm đạm này cảnh cáo rằng con người chỉ rút ra được các bài học bổ ích sau những thảm họa thực tế, chứ không có khả năng phòng tránh được các thảm họa này duy chỉ nhờ vào các luận cứ hay học thuyết , dù rằng các luận cứ , học thuyết này được đặt trên một nền tảng khoa học khá chắc chắn.

Mô hình vừa kinh sợ vừa hy vọng : Đối với những người theo quan điểm thực tế , không bi quan cũng như không lạc quan, quá trình phát triển của nhân loại hiện nay và trong vài thập kỷ sắp tới là một thực tế đan xen cả niềm hy vọng lẫn nỗi kinh sợ về một tương lai vừa hứa hẹn lại vừa đe dọa . Và sự cân bằng giữa kinh sợ và hy vọng này, một sự cân bằng có tính chất tương đối, có thể bị phá vỡ bất cứ lúc nào từ chính bàn tay của con người hoặc của các lực lượng của giới tự nhiên . Đối với những người thực tế này, vấn đề không phải là suy tưởng một cách bi quan hay lạc quan, mà vấn đề là hành động một cách không chậm trễ, hành động một cách mạnh mẽ, có hiệu quả để nuôi dưỡng và phát triển các nhân tố hy vọng và giảm đến mức thấp nhất các nhân tố kinh sợ.

 

THẾ KỶ XXI VÀ CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN TÂM LINH :

Nếu thế kỷ XX được mệnh danh là thế kỷ của sự phát triển vượt bậc của khoa học – kỹ thuật và các lực lượng vật chất – kinh tế, thế kỷ của sự bùng nổ dân số và sự đảo lộn môi trường sinh thái , của những cuộc chiến tranh lớn nhất trong lịch sử , những cuộc cách mạng chính trị –xã hội và của những cuộc khủng hoảng liên tiếp xảy ra trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống nhân loại , thì bước sang thế kỷ XXI này, những gì đã diễn ra ở thế kỷ xx sẽ tiếp tục một cách sâu sắc hơn , theo kịch bản của một trong ba mô hình phát triển như vưà nêu, nhất là mô hình thứ ba.

Sự tiến bộ về vật chất mà con người đã thừa hưởng được trong thế kỷ XX này tuy là một điều kiện cần nhưng không đủ để đem lại hạnh phúc và sự thỏa mãn lâu dài cho con người . Đúng như Đạt lai Lạt ma đã nhận định, cuộc sống hiện đại cho thấy càng tiến bộ về mặt vật chất, con người càng cảm thấy bất an và luôn sống trong nỗi sợ hãi thường trực . Để tạo nên một thế quân bình lớn trong lịch sử loài người, sự phát triển các lực lượng khoa học, kỹ thuật và vật chất cần phải được đối trọng bằng một sự phát triển tinh thần toàn diện mà đỉnh cao của nó chính là sự phát triển tâm linh . Nói cách khác, không phải như nhận định của một số người cho rằng khoa học càng phát triển thì lãnh vực của tôn giáo càng bị thu hẹp dần : trái lại, chính trong bối cảnh của sự phát triển vượt bậc các lực lượng khoa học , vật chất , vai trò của tôn giáo chân chính , trong đó có đạo Phật , càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết . Bởi một lý do đơn giản : Con người nói chung không chỉ là một thực thể tâm sinh lý- xã hội, mà còn là một siêu thể tâm linh và" lý do chính yếu để con người tin tưởng và thực hành một tôn giáo nào đó là vì sự tiến bộ vật chất không luôn luôn đồng hành với hạnh phúc của con người "( Đạt lai Lạt ma).

Như vậy, nếu có một " biện chứng pháp của quá trình phát triển " trong lịch sử loài người , cả trên bình diện cộng đồng lẫn bình diện cá nhân , thì phát triển tâm linh không phải là một giai đoạn phủ định đối với sự phát triển vật chất, hay nói cách khác, nếu xem đây là loại hình phát triển có tính chất mâu thuẫn với nhau thì đây không phải là một sự mâu thuẫn triệt tiêu mà là một sự mâu thuẫn có tính chất biện chứng . Và chính trong quá trình biện chứng của sự phát triển lịch sử này mà một sự tổng hợp văn hóa lớn lao mới có thể diễn ra trong thế kỷ XXI , khi văn minh phương Tây và văn minh phương Đông thực sự hội nhập với nhau, và sự dị biệt văn hoá không phải là nguyên nhân chính tạo ra sự đối kháng và xung đột về mặt chính trị , xã hội.

Một trong những thành tựu quan trọng nhất của học thuyết phát triển trong nửa cuối thế kỷ XX này là đã sáng tạo ra khái niệm "phát triển con người" với ý nghĩa là mọi hoạt động phát triển trên bình diện kinh tế - xã hội đều phải quy về cho con người và vì con người. Phát triển vì nhân sinh chứ không phải phát triển vì phát triển , đó là một tư tưởng nhân văn cao đẹp , và tư tưởng nhân văn này sẽ trở nên toàn diện và sâu sắc hơn nếu nó gắn liền với sự phát triển tâm linh hiểu như mục đích sau cùng của qúa trình phát triển con người.

Tất nhiên, không thể lãnh hội được ý nghĩa của sự phát triển tâm linh duy chỉ bằng kiến thức thuần tuý hoặc bằng các thao tác phân tích và lập luận của lý trí, mà chỉ bằng con đường thực nghiệm và quán thông sâu sắc của tôn giáo ý nghĩa này mới được khai thị trong sự từ bỏ triệt để những ảo tưởng và ảo vọng . Trong cơn khủng hoảng của con người và thế giới hiện đại , đề cập đến sự giải thoát tâm linh không phải là một sự lảng tránh hoặc đối phó tiêu cực với những vấn đề của nhân loại , mà đó mới thực sự là góp phần quan trọng vào việc mở một hướng ra cho việc giải quyết những bế tắc hiện nay , nhất là những bế tắc về mặt tinh thần.


(1) David C. Korten:"Bước vào thế kỷ XXI : Hành động tự nguyện và chương trình nghị sự toàn cầu ", Chính trị quốc gia, 1996.

http://www.buddhismtoday.com/viet/xuan/002-tamlinh.htm

 


Cập nhật: 14-1-2001

Trở về mục "Xuân"

Đầu trang