Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

NHÂN MÙA BÁO HIẾU ĐỌC KINH VU LAN LIÊN HỆ

KINH TIỂU SƯ TỬ HỐNG, KINH ƯỚC NGUYỆN       

-----------------------o0o------------------------

Nguyên Nghĩa

Kính dâng cha, mẹ.

I .CHỮ HIẾU:

 

Chữ hiếu là nền tảng của đạo đức. Gia đình là nền tảng của xã hội. Trong gia đình chữ hiếu là nền tảng để xây dựng hạnh phúc, đem đến sự an vui, an lạc cho tất cả mọi người.

Con cái có hiếu với cha mẹ, ngoài việc mang lại niềm hạnh phúc chung trong gia đình, còn mang đến cho chính mình sự an lạc, bình an. Mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong xã hội, mỗi công dân của một quốc gia có an lạc, bình an thì xã hội, quốc gia đó mới có an lạc bình an, và mỗi xã hội, mỗi quốc gia có an lạc bình an thì  thế giới của chúng ta mới được an lạc, bình an.

Không có tình yêu thương kính trọng vô điều kiện đối với cha mẹ thì không thể có tình yêu thương thật sự đối với người khác. Một xã hội không có những cá nhân có tình yêu thương thật sự, chỉ có những cá nhân, mà lòng yêu  thương trong họ chỉ tồn tại khi các điều kiện xuất phát từ  lòng tham dục đã được thỏa mản, nếu không đúng theo sự ham muốn, nếu trái với ý muốn, thì tình thương đó sẽ tan biến, dể biến thành sự khinh khi, đố kỵ, ganh ghét và hận thù. Như thế thì xã hội đó, sẽ không thể có được sự an lạc, sự an bình thật sự.

Phong tục tập quán của các dân tộc, giáo lý của các tôn giáo đều khuyên dạy, đề cao và hướng con người đến việc nhận thức và thể hiện lòng hiếu hạnh của mình đối với đấng sinh thành. Đặc biệt nước ta với nền văn minh phát triển từ rất lâu, văn hóa Nho-Phật-Lão đã ảnh hưởng sâu đậm trong xã hội ngay từ thời lập quốc. Chữ hiếu đã hình thành và tồn tại trong từng cá nhân như là bản tính tự nhiên vốn có từ khi chúng ta mới chào đời.

        “ Công cha như núi thái sơn

           Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

           Một lòng thờ mẹ kính cha

           Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

        ‘ Tu đâu cho bằng tu nhà,

          Thờ cha kính mẹ mới là chân tu “

Mỗi người Việt Nam, không ai là không thuộc nằm lòng những câu câu ca dao ấy và chúng ta có thường xuyên nhớ tới, để tìm cách thể hiện lòng hiếu thảo của mình trong thực tế  ở mức độ như thế nào, còn tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện của mỗi người.

Hơn nữa, do khả năng nhận thức của mỗi cá nhân có sai khác, nên chữ hiếu có được ý thức và thực hiện ở mức độ cao hay thấp, lại tùy thuộc vào khả năng nhận thức của người đó. Thậm chí có trường hợp bản tính hiếu thảo đối với cha mẹ vốn có sẳn từ khi mới sinh, nhưng đến nay, sau hơn 20 năm, 30 năm, có khi đến 50, 60 năm vẩn còn đang  nằm bất động dưới tận  đáy sâu tâm hồn, bị che phủ, che lấp dưới lớp trầm tích của vô minh và tham dục.

Đây là trường hợp đại bất hạnh cho người đó, họ đang ở trong cảnh giới đại ngu si, liệt tuệ, si ám. Thật đáng thương!

 

 Phật giáo là một trong những tôn giáo luôn đề cao chữ hiếu, luôn tôn trọng cha mẹ ở mức độ cao nhất:

           “ Gặp thời không có Phật, khéo thờ cha mẹ tức là thờ Phật “

                                                                                 [ Kinh Đại Tập ]

           “ Thờ trời đất quỹ thần, không bằng có hiếu với cha mẹ, vì cha mẹ là vị thần minh  cao nhất trong các thần minh “

                                                                                              [ Kinh Tứ Thập nhị Chương ]

           “ Phạm thiên, này các Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha.

             Các đạo sư ngày xưa, này các Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha.

             Đáng được cúng dường, này các Tỳ-kheo, là đồng nghĩa với mẹ cha.

                                                                                                                [ Tăng Chi II A]

Phật giáo xem chữ hiếu là giới hạnh cao nhất, là điều thiện tối cao và bất hiếu là đều ác lớn nhất:

 

             “ Điều thiện tối cao không gì hơn hiếu,

                Điều ác, ác nhất không gì hơn bất hiếu “

                                                  [ Kinh Nhẩn Nhục ]

             “ Làm con đối với cha mẹ, khi đem dâng vật dụng cho cha mẹ, dù nhỏ đi nữa thì được phước vô lượng,

               Khi làm điều bất thiện đối với cha mẹ, dù một chỉ một chút thì tội cũng vô lượng “

                                                                                                          [ Kinh Tập Bảo Tạng ]

     Đức Phật, bậc Giác ngộ, bậc Thầy của tất cả cõi trời và người, bậc Đại trí huệ, bậc được khắp sáu cõi Tôn kính, bậc Chánh Đẳng Chánh Giác . . . sau khi thành đạo đã thể hiện lòng từ hiếu của mình với phụ vương, mẫu hậu, kế mẫu vừa theo thường pháp vừa đúng Chánh Pháp.

    Thế Tôn đã đi bộ, vượt ngàn dặm đường hiểm trở để trở về thăm phụ hoàng, khi người sắp lâm chung, Ngài lại vượt đường xa để đến bên cạnh vua cha và tự khiêng một góc linh sàng của người đến tận nơi hỏa táng.Với kế mẫu, Ngài luôn tỏ lòng từ hiếu.

    Bên cạnh việc thể hiện chữ hiếu theo thường pháp, lòng từ hiếu của Đức Phật còn nhằm mục đích hướng tất cả chúng sinh đến việc hiểu và hành Chánh Pháp để được giải thoát. Trong những lần gặp gở phụ thân và kế mẫu, Ngài đã thuyết pháp để độ cả hai  chứng đắc quả A-La-Hán, với mẫu hậu Ngài đã ngự lên cõi trời Đao Lợi để thuyết pháp cho mẹ { Phật thăng Đao Lợi vị mẫu thuyết pháp kinh}

 Chữ Hiếu, sự thể hiện của lòng từ bi. Được Ngài thể hiện với tất cả bà mẹ đang  cư ngụ tại thế gian, trên thiên giới hay đang thọ nghiệp nơi các cõi dử.  Ngài đã phương tiện thuyết pháp, đưa họ từ nơi tối tăm đến nơi ánh sáng, từ chốn khổ đau đến nơi bình an hạnh phúc.

           “ Các ngươi nghĩ như thế nào, này các Tỳ-kheo? Cái gì là nhiều hơn? Sửa mẹ mà  các ngươi đã uống, trong khi các ngươi lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài, hay là nước trong bốn biển ?

              …………………………………………………………………………………

          “ Cái nầy là nhiều hơn, này các Tỳ-kheo, tức là sữa mẹ các ngươi đã uống, trong  khi các ngươi lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài, chớ không phải nước trong bốn biển “   

Đức Phật luôn khuyên dạy chúng ta việc nhớ ơn và trả ơn cha mẹ: /p>

         “ Phụng sự cha mẹ không thiếu thốn, phàm làm việc gì phải thưa trình trước cho cha mẹ rỏ . . . .”

                                                                                                        [ Kinh Trường A Hàm ]

Phụng dưỡng, cúng dường cha mẹ là điều nên làm. nhưng vì cha mẹ mà làm điều ác, vì muốn cha mẹ được sung sướng mà làm việc bất nhân, thời nhất định không thể chấp nhận. Vì làm như vậy chỉ đem lại tai hại cho tự thân và còn đem lại sự nguy hại cho mẹ cha:

         “ Người đã làm ác để nuôi dưỡng cha mẹ, cũng không thể nào tránh khỏi quả báo của hành vi bất thiện của mình; và như vậy, không thể lấy lý do nuôi dưỡng cha mẹ để tự cứu mình và để bào chữa cho nhữnh hành vi bất chánh của mình”

                                                                                                                [ Kinh Trung Bộ ]

Chúng ta hiếu dưỡng mẹ cha không những hưởng được rất nhiều hạnh phúc từ sự yêu quý của cha mẹ, người thân trong gia đình, mà còn nhận được sự tán thán kính trọng của xã hội, còn được hưởng những quả báo tốt lành do lòng hiếu dưỡng mang lại:

          “Người nào theo thường pháp

           Nuôi dưỡng mẹ và cha,

           Chính do công hạnh này,

           Đối với cha và mẹ,

           Nhờ vậy, bậc Hiền thánh,

           Trong đời nầy tán thán,

           Sau khi chết được sanh

           Hưởng an lạc chư thiên”

                                         [ Kinh Tương Ưng]

          “ Thờ mẹ cha đúng pháp,

            Buôn bán đúng, thật thà,

            Gia chủ không phóng dật,

            Được sanh Tự Quang Thiên”

                                         [ Kinh Suttanipata]

         “ Cha mẹ là Phạm thiên

           Bậc đạo sư thời trước,

           Xứng đáng được cúng dướng,

           Vì thương đến con cháu.

           Do vậy bậc Hiền trí,

           Đảnh lễ và tôn trọng,

           Dâng đồ ăn và uống,

           Vải mặc và giường nằm,

           Thoa bóp cả thân mình,

           Tắm rửa cả chân tay,

           Với sở hành như vậy,

           Đối với mẹ và cha,

           Đời nầy người hiền khen,

           Đời sau hưởng thiên lạc

                                   [ Tăng Chi II A]

          “ Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy con cái kính lễ cha mẹ, những gia đình ấy được chấp nhận ngang bằng Phạm Thiên. Những gia đình nào, này các Tỷ-kheo, trong ấy con cái kính lễ cha mẹ, những gia đình ấy được chấp nhận như các Đạo sư thời xưa”

                                                                                                             [ Tăng Chi Bộ Kinh ]

Mục đích của người con Phật là phải thực hiện lời Đức Từ phụ chỉ dạy, luôn hướng đến mục đích thoát khổ, mang đến hạnh phúc, sự an lạc thật sự, vững bền cho mình, cho người khác ngay trong hiện tại và trong tương lai lâu dài. Thế nên việc phụng dưỡng song thân đầy đủ vật chất là điều tốt, nhưng càng tốt đẹp hơn nữa, một khi chúng ta tìm cách hướng cha mẹ mình đến với Phật pháp. Chúng ta đến với Đạo Phật, tìm hiểu và hành trì theo những điểu Thế Tôn chỉ dạy, chúng ta được may mắn, được phần nào hưởng được hương vị Chánh pháp thì lẽ nào lại không cúng dường cha mẹ mình điều tốt đẹp đó sao. Món ăn ngon ta còn dâng lên cha mẹ, huống chi đây lại là Pháp lạc cao quý nhất trong những điều cao quý.

          “ Muốn báo ân cha mẹ, nên khuyên cha mẹ đến với Tam bảo; đối với các pháp nhân quả . . . cha mẹ chưa tin, tìm cách khuyên giải để cha mẹ tin; cha mẹ tin rồi, tìm cách để lòng tin tăng trưởng. Cha mẹ không giữ tịnh giới, thì khuyến khích, hướng dẩn giữ tịnh giới. Cha mẹ có lòng xan tham, thì khuyến khích, hướng dẩn  làm việc bố thí, quán niệm xả ly; giúp cha mẹ khéo tự điều phục, an trú trong chánh pháp. Như vậy mới gọi là chân thực báo ân cha mẹ.

                                                                                                                        [ Cảnh Sách]

Hoặc như cha mẹ lở đang có nếp sống không lành mạnh, nhiều bất thiện, thời phải cương quyết tích cực tìm cơ duyên thích hợp mà khuyên giải, hướng dẩn để họ từ bỏ nếp sống ấy mà làm các thiện hạnh về thân, về lời nói, ý nghĩ, sống một đời sống hướng thiện.

Không những Thế Tôn khuyên dạy về chữ Hiếu cho hàng Cư sỹ, mà đối với các Tỷ-kheo Ngài luôn nhắc nhở:

           “ Các thầy Tỷ-kheo, có hai vị Phật sống đang sống trong nhà các ngươi, đó là cha     và mẹ”

                                                                                                                    [ Vạn 35/154A]

            “Các thầy Tỷ-kheo, có hai người mà dù các thầy có hướng dẩn họ làm điều thiện đi nữa, cũng vẩn chưa trả ơn được, đó là cha và mẹ. Các thầy phải phụng dưỡng cha mẹ, luôn luôn hiếu thuận cho đúng lúc, không lỡ mất cơ hội”

                                                                                                                [ Chính 2/601]

Khi cha mẹ còn sống, phải tranh thủ khoản thời gian quý báu nầy, để ân cần chăm lo săn sóc, thăm viếng. Như thế gọi là đúng lúc. Nếu bằng không, thì khi cha mẹ chết đi sẽ không còn cơ hội nào nữa. Lúc ấy dù cho ta có hối hận, có tổ chức làm lễ, cúng giổ to lớn đến thế nào đi nữa cũng không còn ý nghĩa.

Do đó thật may mắn cho những ai đang có được cơ hội đền đáp công ơn sinh thành:

             “ Phụng dưỡng cha và mẹ

               Là vận may tối thượng”

                                  [ Hạnh Phúc Kinh]

Không những hàng cư sỹ, mà người xuất gia có hiếu với cha mẹ cũng hưởng được quả báo to lớn:

            “ Có hai việc được đại công đức, được  đại quả báo, được vị cam lộ, ấy là phụng sự cha và phụng sự mẹ. Vì vậy, các thầy Tỷ-kheo, hãy luôn nhớ mà hiếu thuận phụng dưỡng cha mẹ”

 Như trên, chúng ta thấy rỏ, từ người xuất gia là các Tỷ-kheo, cho đến người tu tại gia là các cư sỹ, cho đến người ngoại đạo, tất cả đều được Thế Tôn khuyên dạy về lòng hiếu thảo đối với cha mẹ, và nhờ vậy, đối với người Việt Nam chúng ta, lòng hiếu thảo vốn in sâu đậm trong tâm hồn, được thể hiện qua biết bao câu ca dao, tục ngữ; thì  nay, chữ Hiếu lại càng có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống của người dân Việt

               “ Tâm hiếu là tâm Phật,

                  Hạnh hiếu là hạnh Phật”

II. NHỮNG SUY NGHĨ VỀ NGÀY TỰ TỨ:

 

       Trong suốt 45 năm hoằng pháp, từ lúc thuyết pháp đầu tiên, đến những năm tuổi già sức yếu, cho đến những ngày sắp nhập Niết bàn vào năm 80 tuổi. Thế Tôn vẩn ngày qua ngày, du hành đến khắp nơi chốn, từ các làng quê nghèo khó thuộc vùng thảo nguyên  rừng núi với vực sâu, vách đá; đến các thị thành thuộc vùng bình nguyên sông nước mênh mông khó vượt. Đôi chân Ngài đã bước đi trên những con đường mà vào thời ấy chắn hẳn là rất nhỏ hẹp, đầy đất đá, buội mù, bùn lầy nước đọng. Lục địa Ấn Độ khi xưa, thiên nhiên rất khắc nghiệt, mùa nắng thì nóng bức khô hạn nhiệt độ lên đến 40 độ C, mùa mưa thì lủ lụt triền miên, mùa đông không khí lạnh từ phương bắc thổi về mang theo cái lạnh thấu xương.

 Việc đi lại rất khó khăn, từ làng nầy đến làng kia, từ thị trấn nầy đến thị trấn nọ cách nhau rất xa. Do Thế Tôn có dáng đi oai nghi thong thả, nên nhiều khi phải mất nhiều  tháng trời mới đến nơi được. Đường xá hiểm trở, đầy rừng cây bụi rậm, côn trùng và thú dử luôn rình rập. Trên bước đường thuyết pháp độ sinh, hàng đêm Thế Tôn vẩn dừng chân an nghỉ tại tại các nơi chốn thật đơn sơ giản dị, lều tranh mái cỏ, gốc cây, hang đá . .    Ngài chỉ ngụ trong các tịnh xá mái lá tại các bìa rừng trong mùa an cư.

 Cứ vào mỗi bưổi sáng, Thế Tôn vẩn tự mình thực hiện hạnh khất thực  từng nhà với ba y một bình bát, đến trưa trở về dưới gốc cây dùng bửa theo hạnh nhất tọa thực với đồ ăn thức uống thô sơ đạm bạc, có gì ăn nấy. Trên quảng đường hoằng pháp xa xôi vạn dặm, cơ cực, gian khổ, nhiều nguy hiểm ấy, không phải lúc nào bậc Đạo sư và các đệ tử đều được hoan nghênh, có người từ chối bố thí thức ăn, nước uống, thậm chí buông lời  nhục mạ. Với lòng từ bi vô hạn, với lòng thương tưởng vì lợi ích, vì hạnh phúc và sự an lạc của chư thiên và loài người, Thế Tôn đã khéo dùng biết bao phương tiện, biết bao công sức, ròng rả suốt 45 năm trời, chỉ với mục đích duy nhất là giúp tất cả chúng sinh, thuộc đủ mọi giai cấp, mọi thành phần, trong đủ mọi loài thoát khỏi cảnh khổ đau, thoát khỏi sầu bi khổ ưu não.

Nhân ngày tự tứ, là ngày phê bình và sám hối của các vị xuất gia sau 3 tháng an cư, chúng ta tuy là cư sỹ, vào dịp quý báo nầy, cũng phải thành tâm nhìn lại mình, nhìn lại trong thời gian qua, chúng ta có sống theo đúng lời dạy của Thế Tôn chưa, điều gì đã thực hiện được, điều gì chưa thực hiện được, do đâu? Bởi nguyên nhân gì? Để sau đó thành tâm sám hối mà quyết tâm nổ lực hơn nửa!

Để có thêm điều kiện tham khảo trong việc kiểm tra lại lối sống của chúng ta hôm nay có đúng với Chánh pháp hay không, chúng tôi xin được mạn phép thử đối chiếu sơ lược về một số lĩnh vực trong đời sống thường ngày của chúng ta hiện nay với đời sống của các vị Tỷ-kheo thời Thế Tôn còn tại thế.

1/  Nơi ở:

 

1.1.Khi xưa:

           - Tại các vùng hẻo lánh không gian tĩnh lặng, xa chốn thị thành, thuộc vùng thảo nguyên, rừng núi;

           - Tại các khu rừng thuộc vùng ngoại ô thành thị.

1.2. Hôm nay:

           - Tại các vùng tập trung dân cư ở thôn quê, xã, huyện

           - Tại các chốn thị thành ồn ào, náo nhiệt, dân cư đông đúc.

2/ Chổ ở:

 

2.1.Khi xưa:

           - Trong hang đá, nghĩa trang, dưới gốc cây, đống rơm . . .

           - Trong thảo am chỉ đủ cho một người, cất ở ven rừng hay trong tịnh xá .

2.2. Hôm nay:

           - Nhà cấp bốn, nhà phố, chung cư, căn hộ cao cấp, biệt thự,  

           - Tịnh xá, giảng đường, chùa, thiền viện, viện . . .đủ chổ cho hàng trăm hay nhiều ngàn người

3/ Đi lại:

3.1.Khi xưa:

           - Đi bộ

           - Đường giao thông rất nghèo nàn, thô sơ, hiểm trở, lệ thuộc vào thiên nhiên

           - Môi trường thiên nhiên hoang dã, nhiều hiểm nguy về cướp bóc, thú dử, bệnh tật     

3.2. Hôm nay:

       - Đi xe gắn máy, xe ô tô  máy lạnh, xe lửa, tàu thủy, máy bay

       - Giao thông thuận lợi, rút ngắn khoảng cách về địa lý

       - An ninh xã hội bảo đảm, các nguy hiểm trong tự nhiên rất ít.

4/ Độ nhật:

4.1.Khi xưa:

       - Đi khất thực từng nhà

       - Thọ thực cúng dường tại nhà gia chủ

       - Dân cư thưa thớt, kinh tế chưa phát triển, đời sống nông dân còn thiếu thốn nhiều, việc bố thí lương thực bị hạn chế.

4.2. Hôm nay:

       - Thọ thực tại tịnh xá, giảng đường, chùa, thiền viện, viện . . .

       - Tại nhà thí chủ

       - Tại tiệm cơm, nhà hàng

       - Kinh tế phát triển, đời sống người dân đầy đủ, dể thực hiện việc bố thí.

5/ Thức ăn, thức uống:

  5.1.Khi xưa:

       - Không phân biệt loại thức ăn ( trừ các loại thịt không phải là tam tịnh nhục )   

       - Chứa chung các loại thức ăn trong bình bát

       - Một ngày chỉ ăn một buổi, vào giửa trưa, quán tam tướng. . . khi ăn, thuyết pháp cho thí chủ khi nhận cúng dường

       - Hầu như chỉ có một loại đồ uống là nước lả, thường là nước ao hồ, sông suối

   5.2.Hôm nay:

       - Phân biệt thức ăn chay và mặn

       - Rất nhiều loại thức ăn, nhiều loại thức ăn chay có tên và mùi vị nhân tạo giống thức ăn mặn.

       - Rất nhiều đồ dùng, chén bát, trang trí đủ kiểu

       - Thường phân biệt mặn lạt, nóng nguội, ngon dở, ít nhiều . . .

       - Rất nhiều loại đồ uống: bia, rượu, trà, cà phê, nước tinh khiết, nước rau quả . . .

6/Y phục:

  6.1. Khi xưa: Mỗi người chỉ có 3 y ( y dưới, y trên, y ngoài ), y làm bằng:

       - Phấn tảo y ( y rách nát, nhặt được do người khác vứt bỏ )

       - Y may bằng nhiều mảnh nhỏ, vải củ rách hay thô xấu

       - Y chỉ có màu đất

       - Y mặc chừa trống vai phải

       - Không đội mủ, nón, găng tay

       - Thường không mang dép trừ trường hợp bị bệnh

  6.2. Hôm nay:  Cá nhân có nhiều y phục làm bằng:

       - Rất nhiều loại vải sợi

       - Rất nhiều kiểu dáng, nhiều màu sắc

       - Luôn ủi là tươm tất

       - Đội mủ, nón; mang găng tay, giày, dép nhiều kiểu, nhiều màu sắc

7/ Tiện nghi sinh hoạt giải trí, học tập, làm việc:

 7.1. Khi xưa:

       - Không có tiện nghi sinh hoạt giải trí

       - Thời gian trong ngày bao gồm ngủ, khất thực, thọ thực, thiền định, thăm viếng đàm     luận, thuyết pháp, nghe thuyết pháp, đi kinh hành . . .

       - Không có kinh sách

       - Không trường lớp, bàn ghế

       - Không bằng cấp, học vị

       - không nhiều chức vụ, quyền hạn, quyền lợi

       - Tự thuyết giảng hay sẳn sang thuyết giảng, giải đáp khi có người hỏi, không phân biệt giai cấp, giàu nghèo

7.2. Hôm nay:

       - Rất nhiều tiện nghi sinh hoạt giải trí ( vì tâm trí bị cột  nên cần phải giải )

       - Rất nhiều phương tiện làm việc, thuyết giảng

       - Rất nhiều tiện nghi: Mắt kiếng, đồng hồ, giày dép, tiền, điện thoại di động, tivi, video, máy tính, internet, máy lạnh, tủ lạnh, bếp ga, máy giặt, máy nước nóng, lò viba, xe Honda, xe hơi, nhà cửa, đất đai, chứng khoán. . .

       - Nhiều trường trung cấp, cao đẳng, đại học; thư viện, giảng đường, kinh sách, báo tạp chí, phim ảnh, micro, máy chiếu, vi tính, internet, Mp3, Mp4, băng dĩa . . .

       - Nhiều loại bằng cấp, học vị, học bổng

       - Rất nhiều chức vụ ở nhiều ngành, nhiều cấp bậc với nhiều quyền hạn, quyền lợi

8. Y tế:

 8.1. Khi xưa:

       - Chỉ dùng thuốc từ thảo dược

       - Điều kiện chăm sóc y tế còn đơn sơ.

       - Tuổi thọ thấp

 8.2. Hôm nay:

       - Nhiều loại thuốc phòng trị bệnh

       - Điều kiện chăm sóc y tế  phát triển

       - Tuỗi thọ cao

Qua bảng đối chiếu sơ lược trên, chúng ta nhận thấy việc tu học hôm nay có nhiều thuận lợi hơn khi xưa rất nhiều, điều kiện và phương tiện để tu tập phong phú và đa dạng hơn bao giờ hết.

Khi xưa, thời Đức Phật có rất nhiều vị Tỷ-kheo, Tỷ-Kheo-Ni đắc A-La-Hán, các vị ấy thuộc nhiều thành phần, có vị thuộc giai cấp thấp nhất trong xã hội thời bấy giờ.

Do bị ràng buộc bởi đời sống thế tục, nên người cư sỹ gặp nhiều khó khăn trên con đường tu học, dù vậy vẩn có nhiều vị  đắc A-La-Hán. Tăng Chi Bộ Kinh ghi lại, có đến 21 vị gia chủ trở thành A-La-Hán mà chưa hề xuất gia làm Tỳ-Kheo.

Đến nay, chưa có công trình nghiên cứu, thống kê đáng tin cậy về các vị xuất gia và cư sỹ đắc đạo trong khoản thời gian nhiều thế kỷ qua, các kinh sách cũng chưa ghi lại nhiều các trường hợp đắc A-La-Hán. Thế nên các trường hợp nầy, chắc hẳn là rất ít.

         “ Bạch Thế Tôn, do nhân gì, duyên gì, lúc xưa các học giới ít hơn, nhưng các Tỳ-Kheo ngộ nhập tri kiến nhiều hơn. Bạch Thế Tôn, lại do nhân gì, duyên gì, ngày nay các học giới nhiều hơn, nhưng các Tỳ-Kheo chứng nhập tri kiến ít hơn “     [ Kinh Trung Bộ ]

                                                                                                           

 III. CƯ SỸ VÀ NGÀY TỰ TỨ, RẰM THÁNG BẢY

Ngày Tự Tứ là ngày hoan hỷ Phật, do đức Phật lấy làm vui mừng, khi thấy đệ tử của mình, các vị Tỷ-Kheo sau 3 tháng an cư thân tâm được thanh tịnh.

Chúng ta là người cư sỹ cũng là đệ tử Phật, đức Phật sẽ hoan hỷ nhiều hơn khi thấy  chúng ta được thanh tịnh, được an lạc. Như các bậc cha mẹ bao giờ cũng vui mừng, động viên khen thưởng nhiều hơn khi thấy đứa con vốn ngu muội lại mải lo chơi bời, lười biếng hơn những đứa con khác, nay nó thay đổi, trở nên ngoan hiền, siêng năng, biết lo học.

Vào ngày rằm tháng 7, chúng ta chắp tay trước bàn thờ Phật, nhìn thẳng vào Đức Phật  mà suy nghĩ đến công ơn của người, suy nghĩ đến lòng từ bi bao la đối với chúng sinh, nghĩ đến Ngài là Bậc tối cao trong sáu cõi, là Bậc cao quý nhất, là Bậc đáng tôn kính nhất, là Phật, đấng Giác ngộ đại trí huệ.

Vậy mà Đức Phật vì lòng thương yêu chúng ta, đã không quản bao công sức, bao khó nhọc, vượt bao vạn dặm đường, xa xôi hiểm trở, để tùy theo từng căn tánh của từng người, dù là người phàm phu hạ tiện đi nữa, mà tận tình chỉ dạy cho chúng ta cách thức vượt thoát ra khỏi bể khổ trầm luân mà chúng ta đang mải mê đắm chìm.

 Rồi chúng ta lại suy nghĩ, cho dù giờ đây ta có quá nhiều điều kiện, quá nhiều phương tiện, đầy đủ thuận cảnh để tu tập, nhưng sao ta lại vẩn chưa làm được gì để đền đáp tình yêu thương, sự hy sinh vô bờ bến của đức Phật?  Không những vậy, tâm hồn ta nay có quá nhiều cấu uế, có quá nhiều ô nhiểm, quá nhiều điều xấu xa, ham muốn, sân hận, ganh ghét, đố kỵ, ích kỷ, nhỏ nhen, hèn kém. Ta đã làm những điều không phải, ta đã làm cho nhiều người phải đau buồn. Ta là đứa con hư hỏng, ta không xứng đáng là đệ tử  đức Phật, ta đã không lảm đúng với những điều ta đã hứa lúc quy y. Nghĩ đến đây tự dưng nước mắt ta tuôn trào, ta hổ thẹn quá, ta xấu hổ quá. Cầu xin Từ Phụ tha thứ cho con, tha lỗi cho con, từ nay con xin sám hối, từ nay con xin nguyện làm mới mình, những nghiệp quả con gây ra con xin nguyện kham nhẩn thọ nhận với lòng thanh thản. Kể từ bây giờ, con nguyện ra sức chiến đấu với tham sân si đang tồn tại trong con, dù cho thân thể con bị tan nát, bị đau đớn tột cùng con vẩn luôn kiên trì, nổ lực, chuyên cần, tinh tấn, ghi nhớ và làm theo những lời dạy của Từ phụ, nghiêm trì những giới điều mà con đã thọ lúc quy y, luôn phòng hộ sáu căn, luôn làm các thiện hạnh về thân, khẩu, ý. Con ý thức rằng, Tâm con có thanh tịnh, có an lạc, con mới có thể đem sự thanh tịnh, sự an lạc đến cho người khác, cho cha mẹ, anh chị em, bà con, bạn bè, những người thân quen và những người không quen biết.

Sau khi sám hối với Đức Phật, ta sám hối với cha mẹ ta. Nếu cha mẹ ta đã quá cố, ta đứng chấp tay trước bàn thờ người mà kiểm điểm lại những việc ta đã làm, có xứng đáng là người Phật tử, có xứng đáng là người con hiếu thảo không, rồi ta hứa với cha mẹ, ta sẽ ra sức tu dưởng, để trở thành người có ích cho gia đình, cho xã hội.

Nếu cha mẹ ta còn hiện tiền, thì ta sẽ đến bên người mà lựa lời thưa gởi, lựa lời tâm sự theo những suy nghĩ chân thành của ta, như ta đã sám hối.

Khi ta đã sám hối, đã nguyện hứa, trong ta sẽ khởi lên ý chí mảnh liệt để tự vươn mình lên cao hơn nửa, gần với thánh đạo hơn nữa. Giờ đây tâm hồn ta được thanh tịnh, được an lạc, thì Đức Phật và cha mẹ ta hẳn sẽ hoan hỷ lắm, vì họ luôn thương yêu ta, luôn tha thứ lỗi lầm của ta, luôn mong muốn ta trở về nằm trong vòng tay thân yêu của họ, trở về với chánh pháp.

Dù rằng cuộc sống của ta hiện nay có nhiều tiện nghi quá, nhưng không sao cả, vì tất cả pháp hữu vi chỉ là phương tiện, cứu cánh là sự an lạc trong hiện tại và trong tương lai lâu dài, mà chỉ có sự xả ly, từ bỏ, tri túc thiểu dục  mới mang đến niềm an lạc, hạnh phúc thật sự.

IV. KINH VU LAN LIÊN HỆ KINH TIỂU SƯ TỬ HỐNG, KINH ƯỚC NGUYỆN

 

   Kinh Vu lan ghi lại những lời Đức Phật dạy chúng ta về bổn phận của con cái đối với cha mẹ hiện tiền hay quá cố, tình thương đối với  những người đang ở trong cảnh khổ và cách thức thực hiện tình cảm và bổn phận ấy; nhân dịp  thưa hỏi của Đức Mục kiền Liên.

  Bài kinh tuy ngắn, nhưng ý nghĩa vừa cao vợi,  lại vừa  thiết thực, đáp ứng lòng từ bi hiếu thảo của mọi người mong muốn đền ơn đấng sinh thành, cứu giúp cha mẹ, người thân và những người khác đang phải chịu cảnh khổ.

   Kinh Vu Lan tuy thuộc Đại thừa, nhưng bên trong vẩn mang tinh thần Nguyên thủy. Thế nên việc tìm hiểu kinh Vu Lan trong sự liên hệ với các bài kinh Tiểu Sư Tử Hống, Ước Nguyện, trong Kinh Trung Bộ thuộc Nguyên thủy là điều rất thú vị. Chúng tôi xin mạn phép có cái hiểu thô thiển như sau:

SƠ LƯỢC NỘI DUNG KINH VU LAN

 Nội dung kinh vu Lan gồm 3  phần:

 Phấn 1:  Nguyên nhân đức Phật thuyết kinh

-          Đức Mục Kiền Liên, với lòng hiếu thảo đã lâu, nay nhân dịp đạt được sáu thứ  thần thông nên muốn dùng phép ấy tìm xem người mẹ quá cố của mình, nay đang ở đâu để đền đáp ân đức sinh thành.

-          Ngài dùng thiên nhản nhìn khắp sáu cõi, thì biết rằng mẹ mình đang ở cõi ngạ quỹ, bị bỏ đói chỉ còn trơ da xương, khốn khổ vô cùng. Thấy vậy, đức Mục Kiền Liên liền mang cơm đến cho mẹ ăn

-          Được cơm, bà mẹ vội lấy tay trái che dấu, tay phải bốc cơm mà ăn. Nhưng thương thay, nắm cơm chưa tới miệng đã biến thành cục lửa than, nên không thể nào ăn được, cứ như thế tái diển mãi, tình cảnh rất thương tâm

-          Đức Mục Liên không thể cứu giúp mẹ được, rất bi ai, liền trở về bạch với đức Phật sự việc như thế để nhờ Thế Tôn giúp đở.

Phần 2:  Thế Tôn chỉ dạy đức Mục Kiền Liên biện pháp cứu mẹ khỏi thảm cảnh

-          Thế Tôn giải thích: vì căn tánh ( tham sân si ) của mẹ Ngài quá nặng nề, nên không phải một mình tôn giả không cứu được, mà thậm chí các vị đạo sỹ, các vị thiên thần, địa thần, quỹ thần, cho đến Tứ thiên vương cũng không thể làm gì được

-          Chỉ có biện pháp duy nhất là phải nhờ uy lực của chư tăng trong mười phương mới mong cứu đặng. ( Nhưng mà tăng chúng ở thập phương tứ xứ  rất nhiều, thì biết cầu thỉnh người nào và có biết ai đang ở đâu mà thỉnh cầu ).

-          Thế Tôn Giải thích tiếp: Nhân ngày tự tứ vào ngày rằm tháng 7, các hiền thánh tăng, các vị Tỷ-Kheo đã giác ngộ từ bậc Tu đà hoàn đến Bồ tát đều quy tụ về để thọ lễ tự tứ. Tất cả các vị nầy đều đạo cao đức trọng, đầy đủ giới định tuệ nên tạo thành giới pháp thanh tịnh.

Nhân dịp nầy, nếu bất cứ ai cúng dường tăng chúng nầy, với đầy đủ lễ vật ( lòng thành ) xin các ngài chú nguyện cho cha mẹ hay bà con đã quá vãng, hay những người không quen biết đang ở trong vòng khổ nạn, thì những người ấy được thoát khổi khổ ải trong ba cõi dử. Cha mẹ còn sống thì được sống lâu, thậm chí cha mẹ trong bảy đời được sinh lên thiên giới

-             Đức Mục Kiền Liên làm theo lời dạy, nên mẹ Ngài được thoát cảnh thống khổ kiếp ngạ quỹ.

 Phần 3 : Thế Tôn chỉ dạy, đã là đệ tử Như Lai thì phải thực hành chữ Hiếu.

-             Bổn phận người con, hơn nữa lại là Phật tử thì phải hiếu thảo, báo đáp công đức sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ hiện tại và cả cha mẹ trong bảy đời quá khứ.

-             Muốn thực hiện chữ Hiếu thì, một là phải thành tâm, thường xuyên tưởng nhớ đến cha mẹ hiện tại và quá khứ, hai là cúng dường tăng chúng vào ngày tự tứ, rằm tháng bảy hàng năm để chú nguyện cho cha mẹ.

LUẬN:

  Nội dung kinh Vu Lan có mấy điểm cần ghi nhận:

1/ Việc cứu giúp người đang thọ nghiệp dử trong cảnh khổ, giúp tăng tuổi thọ cho người còn sống tương đối dể thực hiện. Chỉ cần cúng dường đầy đủ phẩm vật cho tăng chúng, để họ chú nguyện cho người cần giúp đở, là người đó được thoát khỏi khổ cảnh, hay được tăng tuổi thọ.

2/  Số lượng các chùa, tăng chúng có giới hạn, nhu cầu báo hiếu của những người con là rất lớn, việc cúng dường tăng chúng chỉ diển ra vào ngày tự tứ. Do đó việc thực hiện báo hiếu theo lễ Vu Lan sẽ bị hạn chế.

3/  Tăng chúng thực hiện lễ Vu Lan là những hiền thánh tăng đầy đủ giới đức, trí tuệ; từ  quả vị Tu đà hoàn đến Bồ tát, đã thông qua lễ tự tứ, có giới pháp thanh tịnh; mới có nguyện lực sâu rộng để cứu giúp người trong khổ cảnh.

4/ Vật phẩm cúng dường rất đa dạng, nhiều mùi vị, nhiều chủng loại, thuộc loại tốt, ngon nhất. Thế nên đối với người nghèo rất khó sắm sửa đủ để thực hiện việc báo hiếu theo lễ Vu Lan.

Nếu chỉ thuần túy hiểu kinh Vu Lan theo sự phân tích trên, thì theo tôi, là chưa thật sự hiểu hết ý nghĩa của bài kinh.

Kinh Vu Lan tuy đề cập đến tha lực, đến Bồ tát đại sỹ, đến Thập địa. Nhưng thật ra bên trong hàm chứa ý nghĩa tự giác giác tha, tự lực giải thoát. Nhận xét như thế căn cứ vào các điểm sau:

I/ Về phương diện từ bị cứu khổ:

1/ Đoạn kinh mô tả các đạo sỹ ngoại đạo, các thiên thần, địa thần, quỹ thần, cùng Tứ thiên vương không có khả năng cứu mẹ ngài Mục Kiền Liên, chỉ có các vị hiền thánh tăng mới có khả năng ấy. Đoạn nầy có thể hiểu như sau:

 Mỗi chúng sinh đều tạo  nghiệp và nhận quả báo tương ứng, không ai có thể thay đổi, trừ chính người đó. Khi người đó đươc chỉ dạy, được giải thích, được hướng dẩn để đánh thức, để khởi lên sự hiểu biết trong họ, thì họ hiểu ra vấn đề, thì họ thanh thản thọ nghiệp, khi ấy với họ vấn đề  thọ nghiệp hay không, không còn quan trọng nữa, nên việc đang thọ nghiệp không tồn tại nửa, chỉ tồn tại đối với thân, không tồn tại đối với tâm, tâm được giải thoát khỏi ám ảnh, nên họ được an lạc, nên họ được giải thoát khỏi nghiệp đó.

 Nhưng làm sao để họ đươc chỉ dạy, được giải thích, được hướng dẩn để được đánh thức, để khởi lên sự hiểu biết trong họ.

Đó là nhờ nguyện lực của chư hiền thánh tăng dựa trên định lực và huệ lực. Nhưng tại sao chư hiền thánh tăng làm được mà các đạo sỹ, thiên thần, quỹ thần cùng Tứ đại thiên vương không làm được?

Vì các hiền thánh tăng là đệ tử Thế Tôn, họ là các Sa môn thứ nhất, Sa môn thứ hai, Sa môn thứ ba, Sa môn thứ tư. Nên họ chơn chánh hiển thị sự liễu tri tất cả các thủ. Các ngọai đạo khác không có các Sa môn thứ nhất, Sa môn thứ hai, Sa môn thứ ba, Sa môn thứ tư. Những Sa môn, Bà la môn của các ngoại đạo không chơn chánh hiển thị sự liễu tri tất cả các thủ, nên họ không có tịnh tín với Đạo sư, với Pháp hoàn toàn, không có giới luật hoàn toàn, không có tình thương hoàn toàn:

    “ . . . Chư Tỷ-kheo, trong pháp luật như vậy, nếu có tịnh tín đối với Đạo sư, tịnh tín ấy được xem là không hoàn toàn; nếu có tịnh tín đối với Pháp, tịnh tín ấy được xem là không hoàn toàn; nếu có thành tựu viên mản các Giới luật, sự thành tựu ấy được xem là không hoàn toàn; nếu có sự thương mến đối với những pháp hữu, sự thương mến ấy được xem là không hoàn toàn “

                                                                                                     [ Kinh Tiểu Sư Tử Hống ]

Nguyện lực thanh tịnh của chư hiền thánh tăng, đệ tử Thế Tôn xuất phát từ định lực, tuệ lực có được do sự tịnh tín hoàn toàn đối với Đạo sư, với Pháp; do sự thành tựu hoàn toàn viên mản các giới luật; do từ lòng từ bi, sự thương mến hoàn toàn và vô điều kiện với tha nhân. Nguyện lực ấy có năng lực cao diệu, có khả năng nhiệm mầu, đánh thức thiện tâm nơi mẹ của tôn giả Mục Kiền Liên, và tự nội tâm bà khởi lên sức mạnh để tự mình sám hối, tự mình làm trong sạch thân khẩu ý, đưa đến sự ly tham, xả ly ( Do quá tham lam ích kỹ, sợ chia xẻ cơm với người khác, nên dùng tay trái che lại ). Do nội tâm được an tịnh, trí huệ phát sinh, trong bà khởi lên sự hiểu biết, bà hiểu ra vấn đề và thanh thản thọ nghiệp. Thế nên tuy mẹ ngài Mục Kiền Liên thân đang thọ nghiệp ngạ quỹ, nhưng tâm bà được an tỉnh, tự tại, không bị nghiệp chi phối, không bị nghiệp nhiếp phục, tức là bà được giải thoát khỏi nghiệp ngạ quỹ.

2/ Như phần ghi nhận trên, việc thực hiện báo hiếu theo lễ Vu Lan sẽ bị hạn chế, do số tăng chúng không thể đủ, để thực hiện lễ báo hiếu vào ngày tự tứ cho nhiều người cùng lúc. Nhưng nếu ta để ý tìm hiểu kỹ câu kinh, thì vấn đề sẽ không như thế, mà ý kinh dẩn đến khả năng tuyệt diệu, mở ra cơ hội báo hiếu cho tất cả mọi người, mở ra một thế giới tốt đẹp, trong đó có rất nhiều hiếu tử, rất nhiều chúng sinh thoát khỏi khổ cảnh.

 Đệ tử Như lai/thực hành từ hiếu/thì mỗi ý nghĩ/thường thường tưởng nhớ/cha mẹ hiện tại/ cho đến cha mẹ/ bảy đời quá khứ/.

Câu kinh chỉ rỏ, muốn thực hành từ hiếu, thì phải luôn tưởng nhớ đến cha mẹ trong mỗi ý nghĩ. Điều nầy có nghĩa là ta phải tưởng nhớ đến cha mẹ ta trong chánh niệm, trong tỉnh giác, mà muốn luôn có được tỉnh giác chánh niệm, thì tâm trí ta phải định tĩnh, không còn tạp niệm, tà niệm, vọng tưởng, điên đảo tưởng, tham tưởng, sân tưởng . . . muốn thế ta phải thực hiện hạnh xả ly, từ bỏ, ly tham, ly bất thiện pháp. Từ bỏ tham sân si, từ bỏ ngã chấp ngã dục, thành tựu viên mản các giới luật . . . Khi ta có chánh niệm, chánh tư duy, chánh định, ta sẽ có tuệ lực, sẽ có định lực mạnh mẻ, có năng lực nhiệm mầu để cảm ứng đến những đối tượng ta mà luôn thương yêu, mà ta luôn mong muốn giúp đở, dù người đó đã quá vãng hay còn sống.

   . . . Cho đến cha mẹ/ bảy đời quá khứ “

Là ý nói lên tình thương thật sự, vô điều kiện, tình thương bình đẳng không phân biệt người cha trong đời nầy tốt hay xấu hơn, thương ta nhiều hơn hay ít hơn người cha trong các đời khác; Là lòng từ bi với tất cả mọi chúng sinh. Dù khi ta đạt nhiều thành tựu, nhưng khi ta có lòng từ bi, thì định lực, tuệ lực càng lớn lao hơn nửa, nó có khả năng, có năng lực nhiều hơn nữa để đánh thức, làm khởi lên, làm tăng trưởng thiện tâm và khả năng tự giác ngộ của người ta muốn cứu giúp.

Trong Kinh Ước Nguyện, Đức Phật dạy chúng ta điều nầy rất rỏ:

     “ Này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo có ước nguyện: Mong rằng những bà con huyết thống với ta, khi họ chết và mệnh chung, nghĩ đến ta với tâm hoan hỷ, và nhờ vậy họ được quả báo lớn, lợi ích lớn! Tỷ-kheo ấy phải thành tựu viên mản giới luật, kiên trì, nội tâm tịch tĩnh, không gián đoạn Thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống tại các trú xứ không tịnh.”

                                                                                                    [ Kinh Ước Nguyện ]

Kinh Ước Nguyện đã mở cho chúng ta khả năng báo hiếu vừa mầu nhiệm, vừa thực tế lại vừa vĩ đại cao quý chưa từng thấy. Đọc xong bài kinh nầy, ta quá hân hoan, quá mừng rở, rồi quá đổi xúc động, chúng ta bật khóc, chúng ta càng tôn kính Thế tôn hơn bao giờ hết, Người đã quá thương yêu chúng ta mà chỉ dạy con đường báo hiếu vô cùng quý báu nầy .

Bấy lâu nay, ta không biết làm thế nào để đền ơn, đáp nghĩa, để giúp đở cha mẹ quá cố của ta. Nhớ lại thuở còn non trẻ, ta chưa ý thức được thế nào là chữ hiếu, ta đã mải rong chơi, đã lơ là bổn phận người con, để rồi khi ta trưởng thành, ta nhận ra ý nghĩ cao quý của lòng hiếu thảo, ta có điều kiện vật chất nhiều hơn, thì cha mẹ ta không còn nữa. Những lúc được nghe lời hát từ bài Bông hồng cài áo của Thầy Nhất Hạnh, ta không thể kềm được nước mắt, lúc nầy ta thương cha mẹ ta quá, ước giờ đây có cha mẹ bên cạnh, để ta nói rằng “ con thương cha mẹ lắm.“  Ta buồn tủi, ta hối hận, ta thấy xót xa trống vắng quá. Những ngày giổ, càng bày yến tiệc lớn chừng nào là lòng ta lại buồn chừng nấy, cảm thấy vô vị và rống rổng.

Kinh Ước Nguyện đã mang đến cho ta sự hân hoan, hy vọng, tin tưởng quá lớn lao. Giờ đây, ta có thể giúp đở đền ơn báo hiếu cha mẹ ta một cách  thực tế và hết sức cụ thể.

Cha mẹ ơi! ngay bây giờ đây, ngay tại thời điểm nầy đây, con xin hứa với cha mẹ, con xin hứa với Đức Phật rằng, con nguyện luôn nổ lực, chuyên cần, kiên trì tinh tấn sống đúng theo giới luật; giữ gìn thân, khẩu, ý thanh tịnh; thực hành thiền định; tinh cần giử chánh niệm, thực hiện hạnh xả ly, quán tưởng vô thường, khổ, vô ngã; nổ lực thực hiện việc chia xẻ, bố thí tài vật, tận tâm giúp đở mọi người; sống đời sống chân chánh, chính trực trong mọi nơi, mọi lúc.

Cha mẹ ơi! như thế là con sẽ được gần gủi cha mẹ, cha mẹ sẽ nghĩ đến con với niềm hân hoan, với sự phấn khởi, hạnh phúc, cha mẹ sẽ hảnh diện, vui mừng vì thấy con hôm nay không những trưởng thành trong đường đời, mà còn trưởng thành trong Chánh pháp.

Cha mẹ được hạnh thúc và an lạc, cha mẹ sẽ có trí tuệ, lòng mong muốn hướng về Phật pháp, quy y Tam Bảo đang ngủ yên trong cha mẹ được đánh thức và phát triển lớn mạnh. Với niềm tin mảnh liệt, con tin tưởng là như thế, vì đó là quy luật, đó là điều đã được Đức Phật, vị Cha nhân từ, tôn kính của chúng ta và muôn loài, chỉ dạy.

Như thế thì tất cả mọi người, ai cũng có thể tự mình trở thành hiền thánh tăng để thực hiện lễ Vu Lan cho chính mình, tự giải thoát mình, tự chuyển hóa tâm hồn ngạ quỹ, địa ngục trở thành tâm hồn thanh tịnh an lạc. Từ đó, thực hiện lễ Vu Lan cho cha mẹ mình và cho những người khác.

Và như thế xã hội chúng ta sẽ có nhiều hơn nữa những người con có hiếu, nhiều hơn nữa những bà mẹ được siêu sinh tịnh độ, và nhiều hơn nữa những người hiền đức có ích cho đời.

 II/ Về phương diện phương tiện:

 

    1/ Đức Phật nhân dịp ngài Mục Kiền Liên thưa hỏi, mà chỉ dạy các đệ tử về chữ Hiếu và cách thức thực hiện chữ Hiếu, nhưng cũng qua đó hàm chứa sự khuyến khích đệ tử nổ lực tu hành, thành tựu giới hạnh, gia tăng định lực, tăng trưởng trí tuệ và phát triển tâm từ bi hỷ xả, hướng đến mục đích tự giác giác tha.

    2/ Đoạn kinh:

           “ Đức Thế Tôn dạy/Đại Mục Kiền Liên/Thân mẫu tôn giả/gốc rể tội chướng/kết đã quá sâu/không phải năng lực/một mình tôn giả/có thể giải cứu. . .”

      Đoạn kinh nầy vô cùng quan trọng, chỉ rỏ khả năng cứu khổ có thực hiện được hay không, hiệu quả thế nào, không những tùy thuộc vào phẩm chất, nguyện lực của người cứu khổ, mà còn tùy thuộc vào phẩm chất của ngưởi được cứu khổ.

 Sự hiểu biết, ý chí tự giải thoát của từng người tùy thuộc vào căn tánh của người đó, vốn được hình thành trong quá trình huân tập, tập nhiểm, tích lũy các hoạt động về thân, khẩu, ý trong quá khứ. Khi còn sống, chúng ta có căn tánh, phẩm chất như thế nào, thì khi sang các cõi khác cũng sẽ như vậy.

 Do đó giai đoạn  sống ở trần gian rất quan trọng, bên cạnh việc tích lũy vật chất ( nếu thật sự cần thiết ), chúng ta cần phải ra sức tích lũy cho mình số vốn về tinh thần, năng làm điều thiện, xả bỏ điều ác. Vì khi sang cõi dữ, chúng ta rất khó có điều kiện làm được; bởi ở khổ cảnh, ta phải luôn đối phó, luôn chịu đưng sự đau khổ, thống khổ hành hạ, thì đâu còn thời gian, đâu còn tỉnh táo để phân biệt điều hơn lẽ phải.

 Thế nên, là người con có hiếu, khi phụng dưỡng cha mẹ mình lúc còn sống, cung phụng cho phụ mẫu, món ngon vật lạ, tiện nghi thoải mái, tiền bạc đày đủ là điều tốt, nhưng vẩn phải chú ý đến khuynh hướng tâm tính của họ, sự phụng dưỡng như thế có làm sinh khởi, làm phát triển lòng tham sân si không, có làm tăng trưởng ngã chấp, ngã dục của họ không.

 Thương yêu cha mẹ thì phải làm sao cho cha mẹ được hưởng hạnh phúc, không những trong hiện tại mà còn trong tương lai lâu dài. Thứ hạnh phúc không còn hay còn rất ít, hoặc ít ra cũng bớt đi sự hiện diện của sầu bi khổ ưu não bên cạnh. Thứ hạnh phúc nào, ta đang nổ lực hướng đến, thì ta  phái tìm cách làm sao để cha mẹ ta được như vậy.

    3/ Sự chuẩn bị đầy đủ phẩm vật với nhiều loại ngon quý, ý muốn nhấn mạnh đến sự quyết tâm muốn báo hiếu, lòng chân thành luôn mong muốn báo đáp ân đức cha mẹ, giúp đở mọi người  thoát khỏi cảnh khổ.

KẾT:

 

    Kinh Vu Lan tuy thuộc Đại thừa, nhưng lại hàm chứa ý nghĩa thuộc nguyên thủy, trong đó ý nghĩa tự lực và tha lực hòa quyện nhau có tác dụng hổ tương, cùng là nhân quả của nhau. Theo đó để thực hiện việc báo hiếu viên thành, viên mãn, có hiệu quả thiết thực, đúng Chánh Pháp, thì có sự hiện diện của các yếu tố sau:

     1/  Bản thân người muốn cứu khổ phải tự lực, tự mình ra sức tu dưỡng, rèn luyện vươn lên tầm cao Thánh đạo, để có phẩm chất tốt đẹp của người Phật tử;

     2/  Phẩm chất tốt đẹp trên, có năng lực mầu nhiệm để tạo duyên, gieo đến người đang thọ khổ ( gieo nhân Pháp duyên )    

     3/ Người đang thọ khổ nhờ sự cảm ứng, trợ lực, nhờ tác động của nhân Pháp duyên đó mà khả năng, năng lực tự vươn lên, tự giải thoát được đánh thức, để chính người đó tự giác ngộ đi đến thoát khổ.

     4/ Khả năng, năng lực tự vươn lên, tự giác ngô, tự thoát khổ của người thọ khổ như thế nào, ở mức độ nào, là tùy thuộc vào phẩm chất của người thệ nguyện và căn tánh của người thọ khổ.

     5/ Thế nên, việc tu dưỡng của người muốn cứu khổ và cách sống (thiện hay bất thiện ) của người được cứu khổ lúc còn tại thế có vai trò rất quan trọng.

 Quá trình Tự giác giác tha, tự lực giải thoát  là quá trình xuyên suốt không gián đoạn, hướng đến mục đích từ bi hỷ xả, cứu khổ cứu nạn, không những cho cha mẹ mình mà còn hướng đến thập loại chúng sinh và tất cả những ai đang đắm chìm trong bể khổ, như tấm lòng nhân ái của đại thi hào Nguyễn Du.

Hơn thế nữa, để ngày Đại lễ Vu Lan vào dịp tự tứ, ngày rằm tháng bảy được kết quả mỹ mản trong mọi gia đình, trong mỗi tâm hồn chúng ta; thì lễ Vu Lan nên được chúng ta thực hiện mỗi tháng, hay mỗi tuần, hay mỗi ngày, mỗi phút giây của cuộc sống. Được như vậy, tâm hồn chúng ta sẽ là cõi tịnh độ, gia đình chúng ta là cõi tịnh độ, xã hội chúng ta và thế giới chúng ta sẽ là cõi tịnh độ.

Bên cạnh đó, từ sự thương yêu, chia xẻ, đùm bọc giúp đở người bất hạnh, người nghèo khó thiếu thốn, người khổ nạn cụ thể về mặt tinh thần và vật chất dù nhiều hay ít mỗi khi có cơ hội, là chúng ta đã góp phần xây dựng thế giới hạnh phúc, an lạc, thanh bình, mà  trong đó cha mẹ chúng ta và mọi người cùng cư ngụ.

                                                                                                             Mùa Vu Lan 2009

                                                                                                                 Nguyên nghĩa

  Sách tham khảo:

-          Kinh Trung Bộ, HT Thích Minh Châu, 1992

-          Chữ hiếu trong đạo Phật, HT Thích thiện Siêu-Thích Minh Châu, 1993

-          Kinh Vu Lan, HT Thích Trí Quang, 1984

-          Bông hồng cài áo, HT Thích Nhất Hạnh

-          Đức Phật Lịch sử, Trần Phương Lan, 2000

 -----------------------------------------------------------------------------------------------------------

  

http://www.buddhismtoday.com/viet/vulan/vulan_kinhuocnguyen.html

 


Vào mạng: 1-9-2009

Trở về mục "Vu-lan-bồn"

Đầu trang