Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Ngàn năm nữa con người ta vẫn vậy

Đã nhiều người hát Trịnh Công Sơn, đã vịn vào câu hát Trịnh Công Sơn mà đứng dậy trong những lúc ngã lòng mệt mỏi. Vậy đó, sự nhận thức của con người ta quả không biết đâu mà lần. Nhiều người cứ lo sợ rằng nỗi buồn, thực cũng không hẳn là buồn mà đó chỉ là những băn khoăn thân phận, sẽ khiến con người ta cùn chí mềm lòng mà không  chịu thấy rằng chính những lúc ngồi xuống bên thềm ấy rồi sẽ khiến con người ta đứng dậy với một tinh thần mạnh mẽ hơn, dũng cảm hơn và nếu cần thì sự hy sinh cũng quyết liệt hơn,

Những lời ca của Trịnh Công Sơn là vậy, Hoàng Phủ Ngọc tường đã rất đúng khi nói rằng Trịnh Công Sơn luôn đẩy con người ta đến chỗ phải đối diện với hư vô ( gọi là vô cùng, vĩnh cửu, vĩnh hằng với những băn khoăn thân phận ... đều được). Mà không riêng gì Trịnh Công Sơn, cả thế hệ của anh ở các đô thị miền Nam lúc ấy, một thế hệ đứng trước các trào lưu tư tưởng lớn của nhân loại và mỗi người đều phải tự tìm lấy câu trả lời của riêng mình. Để dễ hình dung có thể ví nếu bây giờ mỗi người là một nhà kinh tế hoặc một nhà Tin Học thì lúc ấy mỗi người là một nhà triết học. Đó không chỉ là những triết lý đơn thuần mà nó còn quyết định những lối sống, những hành vi cụ thể, không phải chỉ đối với riêng bản thân của mỗi người mà còn là sự tồn tại của mỗi gia đình và của cả dân tộc. “Ta là ai, ta từ đâu đến và ta đi về đâu ?” Cái câu hỏi muôn thuở ấy có lẽ đã được đặt ra từ thời tiền sử và trong suốt lịch sử phát triển của mình nhân loại đã không ngớt đi tìm câu trả lời. Và đến thế kỷ 20, sau khi Gauganh lấy nó làm tên một bức tranh của mình, thì ông đã thay mặt cả thế kỷ 20 để nói to lên cái câu hỏi ném vào hư không suốt nhiều ngàn năm qua ấy. Cái trào lưu suy tư từ đầu thế kỷ ấy kéo dài đến những năm 60  và Trịnh Công Sơn đã tiếp nối chúng với toàn bộ ca khúc của mình trong đó điển hình những “ Cát bụi”, “Ở trọ”, “Một cõi đi về”..., với những ngôn ngữ rất tôn giáo như vô thường, hình hài, kiếp con người...và toàn bộ thi pháp của anh là cái nhìn bước một của Thiền tông, bước ra khỏi cơ thể mình rồi nhìn lại Con mắt còn lại nhìn tôi thở dài; Một lần năm mơ tôi thấy tôi qua đời... Cái bước một của Thiền Tông này thường khá ngậm ngùi, nó nhìn mọi sự vật vừa xa xôi vừa gần gũi, vừa quen thuộc vừa lạ lẫm; gây một cảm giác nhớ thương tiếc nuối với cả những vật đang nhìn thấy trước mắt, đang cầm trên tay. Bước hai, bước ba của Thiền Tông sẽ khiến con người  lớn lên và bình tĩnh rất nhiều trước vũ trụ, nhưng với chỉ bước một thôi Trịnh Công Sơn đã giúp chúng ta rất nhiều trong việc chịu ngồi xuống bên thềm mà bước ra khỏi cái thân xác suốt ngày phải chiều lụy này để nhìn lại mọi vật chung quanh và nhìn chính hình hài mình. Chính vì thế mỗi chiếc lá, hòn sỏi , dòng sông, tiếng bước chân...bất cứ sự vật gì trong thi pháp của Trịnh Công Sơn cũng đều mang âm hưởng luyến tiếc nhớ thương đến tuyệt vọng. Sao mà không tuyệt vọng cho được khi mà rồi sẽ đến ngày ta nhìn mọi sự vật mà chẳng thấy được gì hết, chẳng sờ được gì hết !

Tất cả những điều đó chẳng mới nếu không nói là rất cũ. Chỉ có điều là trong những năm 60 ấy ở các đô thị miền Nam nỗi băn khoăn thân phận như một trào lưu ấy phổ biến đến mức như một mốt thời thượng  của lớp trẻ. Trên kệ sách của bất cứ hiệu sách nào thì sách triết học của tất cả các loại chủ nghĩa và tôn giáo đều được bày ở chỗ sang trọng nhất. Không kể tầng lớp sinh viên đi đâu cũng kẹp trong nách ít nhất vái cuốn hoặc của Kant, hoặc của Krishnamuti, hoặc của Phật... ngay các bạn trẻ đang học Trung học cũng hiểu ở mức độ nào đó về Hiện sinh, Khắc kỷ, Zen... Cùng thời với Trịnh Công Sơn chúng ta cũng còn có những Phạm Công Thiện, Nhất Hạnh, Bùi Giáng...Đặc điểm của họ lúc ấy là rất trẻ, ba nhân vật chúng ta vừa đề cập đến ở trên đều chưa ai quá 30, thậm chí họ đã tuyên ngôn lập thuyết công bố tác phẩm ngay từ hồi chưa được 20. Trong cái không khí ấy Trịnh Công Sơn đã cất lên tiếng ca về thân phận con người. Và khi đạn bom cũng lên tiếng thì tiếng ca của Trịnh Công Sơn càng mang thêm nhiều ý nghĩa mới. Nhiều người chỉ cho rằng chính nhờ đạn bom chiến tranh mà Trịnh Công Sơn mới có được những lời ca thân phận hay đến vậy. Nói như vậy chúng ta sẽ không trả lời được là lúc bình yên con người ta cũng cần Trịnh Công Sơn không kém và liệu 100 năm nữa còn có ai còn hát Trịnh Công Sơn ?

Ta là ai ? Ta từ đâu đến ? Ta đi về đâu ?  Trong tất cả tài sản của nhân loại đã khám phá và tích lũy từ hàng chục ngàn năm qua có lẽ cái tàn sản lớn nhất là toàn bộ những câu trả lời cho cái câu hỏi cũ kỹ ấy. Trong tất cả các thứ tài sản mà nhân loại đã tích lũy được thì bất cứ tài sản nào cũng đều có thể kế thừa, thế hệ sau không cần phải lặp lại những thí nghiệm, trải nghiệm của các thế hệ trước, chỉ riêng tài sản tư tưởng thì không, nó buộc mỗi người tự đặt câu hỏi rồi tự mình đi mà tìm lấy câu trả lời và và chỉ chấp thuận sau khi lặp lại đúng các trải nghiệm mà người trước đã nêu ra. Lịch sử nhân loại đã cho thấy bất cứ lúc nào và ở đâu, một tư tưởng nào đó cho dù là đúng đắn thế nào chăng nữa mà một khi trở thành có khả năng áp đặt các tư tưởng, hệ thống của mình lên người khác, buộc người khác không cần phải suy nghĩ, chỉ có chấp nhận thì ngay tức khắc sinh ra các bi kịch. Cái bi kịch lớn nhất là đời sống tinh thần của con người ta sẽ nghèo đi, đơn điệu, chậm chạm , thiếu sáng tạo và nhiều tha hoá.

Chính vì thế chúng ta tin rằng rồi 100 năm nữa người ta sẽ vẫn hát Trịnh Công Sơn . Những vui buồn thời đại này rồi cũng sẽ qua nhưng những băn khoăn thân phận ấy thì một ngàn năm nữa con người ta cũng vẫn vậy.

http://www.buddhismtoday.com/viet/vanhoc/trinhcongson.htm

 


Vào mạng: 1-8-2002

Trở về mục "Văn học"

Đầu trang