Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
TRUYỆN THƠ TIỀN THÂN ĐỨC PHẬT
( Tập 2 )

 

KẾ HOẠCH HOÀNG TỬ
Người kể truyện:
* DIỆU PHƯƠNG XUẤT BẢN 2005 *

 ***

* 13 *

CÂY BÀNG MỌC LÊN

 Ngày xưa có một cây bàng

Thân to vươn giữa thênh thang núi rừng

Bên sườn núi tuyết chập chùng

Nơi ba con vật ở cùng với nhau

Sống chung thân thiết từ lâu

Một là chim trĩ đậu đầu ngọn cây,

Hai là khỉ thích đu dây,

Ba là voi nọ da dầy, to thân

Cả ba con vật quây quần

Thông minh tài trí cũng gần tương đương

Dù quen biết, dù yêu thương

Vẫn luôn tranh cãi chẳng nhường nhịn chi

Hiếm khi đồng ý chuyện gì

Luôn cho mình phải rồi chê ý người.

Thời gian hoài phí dần trôi

Sợ rằng tình bạn tới thời rã tan

Ba con vật cùng họp bàn

May thay đồng ý dễ dàng buổi nay:

“Kẻ nào có ý kiến hay

Đó là kẻ sống dạn dày bản thân

Tuổi nhiều kinh nghiệm vô ngần

Tất nhiên nhận xét có phần cao xa!”

Ngờ đâu rắc rối xảy ra

Ngày sinh, tuổi tác, cả ba quên rồi

Không còn nhớ vì lâu đời

So ra chẳng biết ai thời cao niên.

*

Một hôm nắng đẹp khắp miền

Nhìn cây bàng lớn êm đềm gió bay

Nảy ra sáng kiến tuyệt hay

Thế là chim trĩ hỏi ngay bạn vàng:

“Này voi cố nhớ rõ ràng

Lần đầu bạn thấy cây bàng ra sao

Cây to lớn như thế nào?”

Mơ màng voi đáp: “Ở vào thời xưa

Khi tôi nhỏ thường chơi đùa

Cây bàng chỉ thấp ngang vừa bụng tôi!”

Chim quay qua khỉ thốt lời:

“Vậy còn bạn khỉ thì thời đó đâu?”

Tay vuốt mặt, tay gãi đầu

Khỉ nhăn nhó nói: “Từ lâu lắm rồi

Khi tôi nhỏ tới đây ngồi

Chỉ cần vươn cổ đụng chồi ngọn cây

Cây bàng còn thấp lắm thay

Tôi ăn chồi đó hàng ngày khó chi!”

Voi và khỉ hỏi: “Vậy thì

Bạn chim trĩ có nhớ gì hay chăng?”

Đáp lời chim trĩ nói rằng:

“Khi tôi còn nhỏ phải băng núi đồi

Qua nơi xa lắc kiếm mồi

Cây bàng rừng lạ lâu đời sum sê

Trái nhiều chín mọng ngon ghê

Tôi ăn trái đó rồi về lại đây

Hôm sau đứng tại chỗ này

Tôi đi tiêu chảy ra ngay hột bàng

Hột bàng mọc với thời gian

Thành cây to lớn vươn ngang giữa rừng!”

*

Voi và khỉ vội chúc mừng:

“Tuổi đời bạn đã thuộc từng lớp trên

Bạn chim là vị cao niên

Chúng tôi kính trọng và nên nghe lời

Bạn khôn ngoan, bạn thạo đời

Chắc rằng kinh nghiệm hơn người khác thôi

Bạn nên hướng dẫn chúng tôi

Tránh đường sai sót, tránh nơi lỗi lầm

Vì hòa khí, vì tình thân

Bạn nên đứng đắn và luôn chân thành!”

Chim hoan hỉ: “Thật tốt lành!

Cám ơn hai bạn đã dành cho tôi

Những lời kính trọng tuyệt vời

Tôi xin hứa sẽ suốt đời chẳng quên

Sống theo sự tín nhiệm trên

Việc mong hoàn tất, tình thêm chan hòa!”

 

(phỏng dịch theo bản văn xuôi THE BIRTH OF A BANYAN TREE của Ven. Kurunegoda Piyatissa & Tod Anderson)

 

* 14 *

VÀ CUA

 

Một trong nhiều  kiếp trước đây

Có ông thần ở trên cây cao vời

Cây to, mọc đã lâu đời

Giữa hai đầm nước ngay nơi ven rừng

Một đầm nhỏ, nước lưng chừng

Chàng cua và lũ cá chung họp bầy,

Đầm kia rộng rãi đẹp thay

Lá sen phủ kín, nước đầy, xanh tươi.

Một năm hạn hán khắp nơi

Nước trong đầm nhỏ bốc hơi cạn dần

Nhưng bên đầm lớn ở gần

Nước nhờ sen phủ mười phần còn nguyên.

Cò kia đi dạo phía trên

Thấy bầy cá nhỏ cò liền dừng chân

Trong lòng tính toán phân vân

Nghĩ mưu lừa cá, bắt dần lên ăn.

Cò bèn tỏ vẻ quan tâm

Nói cùng bầy cá: “Nước đầm mau vơi

Các em rồi chết khô thôi

Khổ thân! Tội nghiệp! Mau rời khỏi đây!”

Cá nghe hoảng hốt cả bầy

Xin cò tìm cách ra tay cứu mình.

Cò bèn lên giọng nghĩa tình:

“Đầm sen là chỗ an bình trú chân

Di cư qua đấy cũng gần

Mỏ dài anh giúp quắp dần từng em!”

Cua nghe vội vã la lên:

“Coi chừng kẻo mắc bẫy tên cò này

Thật là chuyện lạ xưa nay

Giống cò nào có thương bầy chúng ta

Đói lòng nó đến thôi mà!”

Cò bèn trổ giọng ba hoa nhân từ:

“Các em muốn rõ thực hư

Cử ngay đại diện anh đưa đi liền

Qua chơi cho biết đầm sen

Bơi xong thỏa thích anh đem trở về

Anh đây tử tế khỏi chê

Giúp người hoạn nạn có nề hà chi,

Các em chớ có hồ nghi

Hãy mau thoát chốn hiểm nguy kịp thời!”

Cá nghe, bàn tán chọn người

Cá già được cử đi chơi thăm dò.

Cá già về, ca tụng cò:

“Anh chàng thật tốt! Chớ lo ngại gì!

Đầm sen rộng rãi đẹp ghê

Bồng lai, tiên cảnh khó bề sánh ngang!”

Thế là bầy cá vội vàng

Tranh nhau xin được dời sang đầm này.

Cuộc di cư dễ dàng thay

Anh cò bụng đói giúp ngay cho mà

Quắp từng em cá đưa qua

Gốc cây cổ thụ nhả ra rỉa mồi

Chỉ còn vứt lại xương thôi

Tàn đời lũ cá tin lời gian manh!

*

Đến khi hết cá bơi quanh

Trong đầm còn lại một mình chàng cua

Khôn ngoan, thủ đoạn có thừa

Cua vừa thắc mắc, lại vừa nghĩ suy:

“Mình rời đầm cạn ra đi

Phải lo đối phó, phòng khi mắc lừa”.

Cò ta vồn vã hỏi cua:

“Bạn cua có muốn ta đưa giúp nào?”

Cua nghi ngại: “Đưa làm sao?”

Cò ta dụ dỗ: “Quắp vào mỏ thôi

Cũng như đưa cá vừa rồi!”

Cua bèn than vãn: “Vỏ tôi cứng còng

Lại trơn tuồn tuột thấy không

Mỏ dài anh quắp khó lòng lắm thay

Sợ rơi xuống đất tan thây

Chi bằng tôi bám nhẹ ngay cổ này

Cổ anh rất khỏe xưa nay

Mọi người vẫn phục là tay anh hùng!”

Thịt cua mùi chợt thơm lừng

Thêm lời nịnh hót tưng bừng sướng tai

Cò vươn ngay chiếc cổ dài

Cua bèn bám cổ. Cả hai đi liền.

Khi gần tới cạnh đầm sen

Ăn quen lối cũ cò bèn dừng chân.

Cua nghi, hỏi giọng băn khoăn:

“Sao anh ngừng lại? Phải chăng mệt rồi?”

Loay hoay tìm cách trả lời

Cò đang nghĩ quẩn, cua thời nhìn quanh

Thấy ngay xương cá rành rành

Gốc cây cổ thụ chất thành đống to.

Cua nhanh nhẹn bóp cổ cò

Hai càng chắc nịch xiết cho rụng rời,

Cua la: “Mày chết cò ơi!

Lừa tao sao nổi! Tao đời nào thua!”

Cò đau đớn khẽ van cua:

“Đầm sen gần tới! Tôi đưa đi liền!”

Cua ra lệnh: “Đi mau lên!

Giở trò bịp bợm chết liền nghe em!”

Cò đưa cua tới đầm sen

Cổ dài vươn xuống ngang trên mặt đầm

Để cua xuống nước cho gần

Để cò mau thoát khỏi phần đớn đau

Nào ngờ cua có tha đâu

Hai càng xiết mạnh cứa sâu cổ dài

Cổ cò đứt đoạn làm hai

Tàn đời xảo trá! Hết loài gian manh!

*

Thần cây rõ chuyện ngọn ngành

Răn đời: “Thâm độc có thành công đâu

Rước vào kết quả thảm sầu

Ác giả, ác báo từ lâu vậy mà!”

 

(phỏng dịch theo bản văn xuôi THE CRANE AND THE CRAB của Ven. Kurunegoda Piyatissa & Tod Anderson và Truyện Cổ Phật Giáo của  Nguyễn Thế Vinh)

Mục lụcLời nói đầu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9-10 | 11- 12 | 13 -14 | 15-16 | 17-18 | 19-20 | 21-22 | 23-24 | 25-26 | 27-28 | 29-30 | 31- Nhận diện tiền thân.

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/tienthanphatII.htm

 


Vào mạng: 7-8-2005

Trở về mục "Truyện Phật giáo"

Đầu trang