Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Đoản bút:
NGƯỜI ĐI TÌM LỜI THƠ
Cư sĩ Liên Hoa

 

 

Vô tình lá rụng trên sân
vô tình người đã ngại ngùng nhặt lên
vô tình gió thổi hững hờ
vô tình còn lại trên đời bài thơ
 
Hữu tình trên lá viết thơ
hữu tình người đã ngẩn ngơ cõi lòng
hữu tình ôm gió trong tay
hữu tình nên để thơ bay ngàn trùng…

 

          Trước sân nhà hôm nay, sau cơn mưa rả rích suốt chiều qua, lá rụng nhiều. Tôi đi quét lá, cái chổi cùn mòn lười biếng gom góp lá lại một chổ để dễ dàng hốt, vì lá nằm rải rác nhiều nơi. Trong những chiếc lá rơi rụng xuống, có lá đã vàng chín, có lá vẫn còn xanh tươi như ôm nhiều mộng đẹp, nhưng chỉ vì làn gió, cơn mưa hay vì đến thời gian phải ra đi, đã rơi rụng xuống, lìa cành cây.

Nhìn những hình ảnh của chiếc lá rơi, dù xanh non hay vàng vọt, vàng rộm…nhưng vẫn là chếc lá lìa cành. Giống như một đời người, chúng ta chỉ biết là vô thường có mặt trong bất cứ vạn vật dù là tinh thần hay vật chất, dù là vô tình hay hữu tình, nhưng duyên sinh diệt vẫn luôn tiềm ẩn tự nội tại.

Chiếc lá cho ta nhiều bài học về cuộc đời, biến thiên trên dòng sanh tử nầy. Từ hạt giống nhỏ nhoi được rơi xuống ngẫu nhiên từ đâu đó hay được uơm mầm dưới đất, có mưa có nắng, có ánh sáng mặt trời, có sương rơi, có ngày và đêm, cây đã nẩy mầm và vươn mình cao lớn theo thời gian, và lá đã nương theo tuần tự trổ ra, mọc trên các cành .

Sức sống của lá là do thân cây có đủ chất dinh duỡng được rễ bám chặt và đi sâu vào lòng đất để lấy duỡng tố nuôi lớn thân cây và cũng do những yếu tố ngoại tại của thiên nhiên bồi đấp, có tuới tẩm thêm vào.

Thân cây to lớn, có nghĩa là một thân mình rất vững vàng xuất hiện trên mặt đất, cũng có nghĩa là những ràng buộc, liên hệ đến lá đến hoa v.v… Mọi vật đều muốn hiện hữu, trường tồn mãi với thời gian, nhưng theo định luật: Thành-trụ-hoại-không, thì không có gì vĩnh viễn tồn tại mãi.

Trong Kinh Kim Cang nói rằng:

Nhứt thiết hữu vi pháp.
Như mộng huyễn bào ảnh.
Như lộ diệc như điện,
ưng tác như thị quán."

 

          Dù không phải là người theo đạo Phật, ai nấy cũng đều cảm nhận được hết thân mạng vô thường của con người, và thấy thân như là “mộng huyễn, là bọt, là ảo ảnh, là điện chớp…” và từ đó, cần phải tìm ra con lộ thênh thang cho chính mình, và vì mình chính là người hành giả cô đơn trên đường trở về.

Mỗi người đều tự chọn cho mình con đường đi, đi đâu, về đâu, ra sao? Và con đuờng là hiện thân trên từng bước chân đi, không ở một nơi nào khác, dù là có hướng tìm về. Từng hòn đá trước mặt, từng chỗ lồi lỏm của con đường, từng cây gai vuớng mắc, từng hạt sỏi, cát, bùn lầy trên bước đi và từng những vọng niệm luôn rỉ chảy trong tâm, nếu chúng ta bỏ qua hết, thì chính ta lại vướng vào con đường vong thân, không nhìn theo bước chân huyền diệu trên mặt đất nầy.

chỗ nào em ở
đường xưa còn mãi
bóng xanh hàng cây
con chim đang hót
 
ta nói với nhau
mây ở trên cao
như là mầu đất
bao la của tâm
 
sao lại đi tìm
bóng cây hoang dại
sao lại bỏ tâm
vẫn ở bây chừ…
 

Có một lần, vào năm 2001, trong Tiểu luận Kim Cang Bộ, khi quán chiếu đến những hoạt cảnh vô thường của Thân và Tâm, tôi đã chập chững ghi nhận như sau : 

 «Trong thiên nhiên, mỗi năm có bốn mùa tuần tự như Xuân Hạ Thu Đông. Sau những tháng dài trầm mình trong lạnh lẻo, khi gió Xuân bắt đầu thổi về, thì vạn vật đều như bừng tĩnh dậy, sống động, hồi sinh. Những cành cây bắt đầu đâm chồi nẩy tược. chim chóc reo vui. Mùa Xuân cũng là mùa của hy vọng, của yêu đương tràn trề. Xuân là khởi đầu của một mùa mới và phương Đông, khi vừng hồng vừa ló dạng cũng là bắt đầu của một ngày mới. Mùa Xuân hay phương Đông cũng tượng trưng cho tuổi trẻ đầy sức sống, đầy nhiệt tình, hăng say, cũng là những năm tháng gầy dựng sự nghiệp cho tương lai. Tuổi trẻ lúc nào cũng đầy ước mơ, lý tưởng, tinh khôi.    

Trong cơ thể học, Phong trực thuộc về can (Gan)- chủ về Mộc hay những hoạt động, vận động hoặc gân cốt. Những người mà cơ năng gan điều tiết tốt, người vui vẻ, da mặt hồng hào, không xanh mét hay hơi thở chua hôi. Càng lớn tuổi, gan suy yếu từ từ, nên người già đi đứng, tay chân hay run rẩy. Tuy nhiên, trong tất cả mọi cơ năng đều có sự chuyển động (Phong), chứ không riêng gì Can. Nếu một cơ quan nào trong cơ thể mà không hoạt động, thì báo hiệu sự suy tàn sắp đến. Phong còn biểu lộ qua ánh mắt đầy tươi sáng hy vọng. Đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Can hoạt động điều hòa, mắt sẽ luôn tươi nhuận, nhìn qua đôi mắt sẽ biết được tình trạng sức khỏe (Bệnh chứng Hư hay Thực) hay tâm thần của một con người. Những Du huyệt (Huyệt di động) trong cơ thể bị đau, rát, nhức v.v...cũng có thể biết phần nào bệnh của cơ quan đó. Can còn chủsự phẩn nộ, tính khí của con người. Một người khi đang tức giận, mắt đỏ ngầu, mặt xanh mét, tay chân run rẩy "Nộ thương can= giận làm hại gan".

Can còn biểu hiện của sự can đảm. Khi một người có gan tốt, thì ít khi sợ hãi cũng như can đảm để đối phó với hoàn cảnh. Ghi chú: Can đảm khác với vô úy, vì can đảm là trạng thái tinh thần biểu hiện sự xung khí, có ngã có nhân, có sự tính toán, sự phản kháng. Vô úy thì ngược lại, vì đã diệt phiền não, tâm không còn phân chia, vướng mắc, nên tất cả việc làm đều vô ngại, lợi tha, không có bốn tướng (Nhân, ngã, tướng chúng sanh, tướng thọ giả) Khi nghiên cứu về thời sinh học (Chronobiology), qua các "Nhịp sinh học", thì sự chuyển động càng biểu lộ được nhận thấy rõ rệt qua các sự biểu hiện liên đới giữa giờ giấc (Thời gian), sự tuần hoàn của thiên nhiên (Không gian) v.v.. ứng với từng bộ phận cơ thể.

Đến Đạo học Đông phương như trong Đạo đức kinh, chương 42 có nói: Vạn vật phụ âm nhi bảo dương, xung khí dĩ vi hòa" mô tả đến tình trạng rất linh động của sự sống vì sự sống là tập hợp tất cả những mâu thuẫn nhưng luôn luôn dung hòa lẫn nhau. Nếu không có sự mâu thuẫn thì không có Động. Ví dụ: Dương mộc mạnh hơn âm mộc sanh Động, nếu Âm mộc mạnh hơn Dương sẽ sanh Tỉnh, Động và Tỉnh chính là sự chuyển vận, biến hóa hay Phong Đại. "Tương phản nhi bất khả dĩ tương vô" xung đột nhưng luôn luôn cần nhau. Trong Thiên can chỉ có 10 như Giáp Át Bính Đinh Mậu Kỹ Canh Tân Nhâm Quí, nhưng Địa chi thì có 12 (Tý Sửu Dần v.v...) và tháng Tý đã bắt đầu từ tháng 10 của năm cũ, chứ không phải tháng đầu của năm mới. Sự sai biệt nầy để tạo thành sự chuyển động, sinh sinh hóa hóa.

Do đó, sự chuyển động được gọi là Phong, biểu tượng cho Thức uẩn, vì Thức là tánh biết biểu lộ của năm giác quan, nhưng luôn phân biệt, giao động từ chập nầy đến chập khác khi đối với cảnh. Thức (Vijnãna) là một trong năm uẩn mà trong Lục thức thì đứng đầu (Thức uẩn) hoặc trong Bát thức, thì A-lại-gia thức lại là Thức chủ. Thức uẩn do nhiều điểm khác nhau tập họp mà thành và là tên gọi khác của Tâm và chính Thức biến hiện ra tất cả vạn vật. nên được Tông Duy thức coi đó là Tâm vương”.

Những tìm tòi, ghi nhận như trên chỉ với mục đích nhìn rõ lại hướng đi, mà đôi khi vì do chủ quan, chúng ta quên mất đến bản chất thực tại của các Pháp, một sự chuyển động không ngừng trong không thời gian.

Tâm thức cũng ví như là Phong, tức gió. Có nguời cho đó là vọng, là không thật và không cần quan tâm đến, nhưng lại sao đặt thành vấn đề khi cho là không thật, là huyễn. Con người, một thân mạng hữu tình đã nhiều khi vì vọng mà đau khổ chất chồng, nước mắt đã từng tuôn rơi và quay cuồng theo vọng, do không thực chứng được Tánh không của thực tại. Như vậy, vọng là thực hay là mộng huyễn?

Trên mỏm đá cheo leo giữa núi rừng âm u, ai đó đã ngồi dưới bầu trời, lắng nghe tiếng nói của tự tâm, không một câu trả lời, biển nghìn trùng dậy sóng, mưa tầm tã có rơi, trút nước, núi đã từng lay động, nhưng sự an nhiên của người hành giả là bất động, là chiêm nghiệm, nhìn đến với nụ cười. Thiền sư và nụ cười, đạo sĩ và bóng giai nhân của ảo hoá “maya”.

Trong Phẩm Thập địa của Bát thập Hoa nghiêm có nói: “Mọi vật trong tam giới đều do tâm tạo”. Biết là tâm tạo, biết là vọng, thì phải đi nhẹ nhàng với con đường thể nhập qua các pháp môn tu tập, chuyển hoá.

Trong dòng sông tâm thức của con người, sự cuồn cuộn chảy của thức để làm cho con người có cái ảo giác là mình hiện hữu. Hiện hữu qua sắc thanh, hương, vị, xúc, pháp, qua những gì mình gánh nặng, qua những tưởng tượng v.v...

Cho nên, mọi hiện tượng diễn biến khách quan hay nội tại luôn được sinh khởi từ hạt giống thiện hay ác tiềm ẩn trong tâm thức và khi gặp thuận duyên thì các hạt giống đó hiện hành. Vì thế, dòng nước của con sông nầy có những lưu thủy sai biệt, có khi là nước lớn, nước ròng, nước dậy sóng, nước lặng lẽ im lìm…..ứng với những hoa quả của tâm, nhưng tựu chung lại là:

1-  Nước quả báo: Có hình sắc, tánh lỏng, nhìn thấy đặng và sức tàn phá của nó đi từ địa ngục cho đến đệ nhị thiền. Do sự tưởng mà mỗi loại chúng sanh theo vị trí của mình mà chấp trước, đau khổ, rồi trôi giạt trong sáu nẻo.

2-  Nước ác nghiệp: Tuy vô hình, nhưng có sức lối cuốn chúng sanh làm nhiều tổn hại, qua thân, ngữ, ý tác tạo.

3- Nước phiền não: Nước nầy do lòng tham dục, sân hận, si mê chấp ngã, tuy không hình tướng, nhưng nó tàn hại khốc liệt làm trôi lăn trong sanh tử luân hồi.”

           Đang khi tìm soạn lại những bài cũ viết đã lâu rồi, khi lúc đó tâm vừa chín mùi, có quán chiếu, có nghiền ngẫm…. nhưng rồi với thời gian sinh diệt, đôi khi những mộng chứng ban đầu đã không còn nhuần nhuyễn và đưa đi phiêu du với cái tâm biến đổi không lường.

           Có thể giữa đất trời sương gió, giữa khối vô minh vẫn còn níu kéo, với cái tâm còn vọng đọng như bao thưở đến giờ, nhưng trong góc sâu của nội tâm, chúng ta vẫn hằng mong muốn làm gì đó có ích lợi cho con người, dù là vì với cái bản ngã che mờ, dù là vì lý do nào đó có thể không nhìn rõ những vi tế của tâm. Chúng ta có tâm nguyện muốn đem Bốn Pháp lợi tha để chia sẻ và làm lợi ích đến mọi người như là Bốn Nhiếp Pháp: Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành, Đồng sự.

           Dù sao, dù chưa đi đến ngọn ngành, hay đi sâu vào tinh yếu của giáo Pháp cao thượng, nhưng chỉ một lần uống được dòng sữa ngọt đề hồ của Pháp Phật, chúng ta đã vô tình nuôi dưỡng được hạt giống Phật trong tâm và chỉ cần khai triển, cũng như dám dấn thân để làm những việc hy hiến vô ngã hay không, thì đó cũng là tạo cho đoá hoa tâm vừa hé nở trong con người bình thường, để thực hiện tâm bồ đề.

           Đạo Phật của tôi là đạo Phật lãng mạn, của những làn sóng tràn bờ không ngằn mé, do vì thường quán tâm, đi sâu vào từng ngả ngách của tâm để tìm ra cái duyên sanh duyên hợp và để nhận thức đúng bản chất của tâm, của thực tại.

           Từ những sự quán chiếu đó, dòng thơ đã vô tình tuôn chảy, lời văn khuyến khích nhau nuơng theo dòng viết, những tư tưởng chập chùng theo nhau đi vào đời, vẫn là với tâm nguyện chia sẻ, đem lại niềm vui hay ích lợi gì đó cho con người.

           Và bổng nhận thấy rằng, do sự tu tập, do thường quán chiếu tâm thì dù rằng trên cuộc đời nầy có nhiều lầm lổi do vô tình hay cố ý, do các mầm của si tham sân vẫn còn và do những nghiệp lực tác động, nhưng trong lòng người còn Phật do huân dưỡng niệm lành, bỏ ác, làm lành….thì lúc nào cũng muốn hoá giải những nghiệp lực, dù biết rằng “tội vốn do tâm và từ tâm sanh diệt”.

           Xã hội ngày nay biến chuyển thật nhanh, xáo trộn ở mọi nơi chốn, nhưng bản chất khổ đau vẫn tiềm ẩn trong mọi cuộc sống, đời người. Nếu chúng ta không tìm đến tâm linh, lo cho tâm, một lúc nào đó, chúng ta sẽ ngả gục trước những vấn nạn của cuộc đời, và không tìm ra cho được một lối thoát.

           Đi từ chiếc lá rụng sau cơn mưa gió, chúng ta khám phá sự vô thường của vạn vật, và từ đó, cũng tìm ra được những duyên sinh duyên hợp và những sự liên hệ cộng huỡng cộng sinh của các pháp. Nếu không nắm được căn bản của mấu chốt vấn đề, chúng ta mãi mãi đau khổ và đi tìm, vì cứ tưởng những khổ đau, bất hạnh hay hạnh phúc đó là ở ngoài tâm.

           Ánh sáng của trí tuệ sẽ bùng lên để nhìn rõ bộ “mặt thật muôn thuở của con người” và chất liệu từ bi sẽ được nuôi lớn từ những nhận thức duyên sinh như đã nêu.

           Nếu tâm thường lôi kéo trong u tối, không quán chiếu và tu tập , hay vướng mắc, cưu mang mộng tưởng ảo ảnh của các Pháp, thì dù sống trong rừng sâu, trú xứ xa vắng, trong thành thị hay bất cứ nơi đâu, cũng đều cảm thấy bất an, sợ hãi. Bởi vì chúng ta sợ cái rỗng không, tỉnh lặng, bình dị v.v...nên bằng cách gom góp, vun xới, bồi đắp cho gia tài hiện hữu, nên tâm thường trực tranh đấu, bất an, lo sợ. Làm sao tránh được tâm bất an nầy? Phải nhận rõ đó chỉ là những bóng trần xuất hiện của tâm thức, rỗng không. Khi tâm thanh tịnh, thì những huyễn cảnh kia sẽ diệt như những đợt sóng trào dâng, nay trở lại lặng lẽ hiền hòa trong lòng đại dương bao la.”.

           Mặc dù biết là giả hợp duyên sinh, nhưng nếu không có sự tu tập, nhận thức đúng, chúng ta cứ hay bị tâm đánh lừa và khó thoát ra khỏi những mắc mớ căn nguyên của bất hạnh, khổ đau, do cố chấp.

           Tâm bình thường sẽ đem đến những sự bình thường, tâm rắc rối sẽ đem đến những trạng thái triền miên đau khổ và điều đó, cũng chính tự chúng ta là người chọn lựa, tìm đến..

           Khi nhận thức được sự đau khổ và sự mỏng manh giới hạn của kiếp người, khi biết rằng trong chiều sâu của nội tâm, có một cái thường hằng, bất sanh bất diệt hay Phật tánh. Tánh đó thoát ra khỏi mọi nghiệp lực. Chúng ta đến với đạo Phật khi đã nhận chân được điều nầy và khi đi sâu và tắm mình trong giáo Pháp, tìm cho mình một Đạo lộ dấn bước.

           Người hành giả sau đó, sẽ làm hiển lộ phương trời bao la của tâm với tâm đại bi- đại nguyện. Không có hai tâm nầy vì nẩy sanh ra từ trình độ thâm nhập chân tâm, thì người hành giả chỉ lao đầu để ôm từ những ảo tưởng nầy qua những ảo tưởng khác, dù được khoác lên trên đó là thần thông, pháp thuật hay gì đi nữa, và trở  thành một trò ảo thuật rẻ tiền. Tất cả chỉ là phù phiếm, rỗng không, và chỉ cần một cơn gió thoảng qua có thể xô đẩy hết tất cả thành trì, dù là vô cùng kiên cố vì được xây đấp lâu đời của thành kiến về ngã chấp”.

           Mong rằng với chút hiểu biết, chút lòng thành qua kiến văn hạn hẹp về Phật Pháp, với chút tu học, xin được chia sẻ đến mọi người với cái tâm cảnh khi nhìn sự vật và chợt thấy vô thường hiện diện, có mặt trong bản chất của sự vật.

           Phải chăng vô thường là một pháp duyên tuyệt đẹp khiến cho con người khi nhận thức được, sẽ yêu mến cuộc đời, dấn thân vào cuộc đời và tìm đến với nhau để chia sẻ những khổ đau hay bất hạnh, xây dựng cuộc đời và đưa nhau về một nơi chốn bình yên của nội tâm. Tâm an là tâm Phật, mà đâu cần phải là chứng đắc mới được tâm an, mà chỉ cần quay đầu lại, áp dụng pháp chuyển hoá tâm, thì bước chân như đã một lần và là khởi điểm của con đường thênh thang Hạnh phúc.

           Đó phải chăng là Pháp của nhà Phật, vì “Phật Pháp bất ly thế gian”. Cho nên, những pháp nào có thể đưa con người đến bờ An lạc va Hạnh phúc, giải thoát khỏi khổ đau, thì đó là Phật Pháp.

 Mong lắm thay !

Một phút giây xúc động
 Ngày 31. 05.2009

  

___________________________________________

* Tiểu luận Kim Cang Bộ do Cư sĩ Liên Hoa viết năm 2000.

       

http://www.buddhismtoday.com/viet/truyen/nguoiditimloitho.htm

 


Vào mạng: 10-06-2009

Trở về mục "Truyện Phật giáo"

Đầu trang