Trang tiếng Anh

    Đạo Phật Ngày Nay

Trang tiếng Việt

   

...... ... ..  . ..  .  .
Mặc Giang – Thơ 26

   01.    Thương cho cảnh người già

02.    Thương trẻ thơ quê nghèo khốn khó !

03.    Chết, sẽ còn hay mất !

04.    Đàn gảy tai trâu ! Nước đổ lá khoai !

05.    Bịnh tham ô nằm ụ, ù lì !!!

06.    Cái nghề bán cái !

07.    Lá rụng về cội

08.    Uống nước nhớ nguồn

09.    Nào có nghĩa một vành cong trời đất !

10.    Ta đây, hiện hữu vô cùng !

 

Thương cho cảnh người già !

Mặc Giang * Tháng 03-2005

  

Căn nhà nhỏ, có cụ già tựa cửa

Đưa mắt mờ, vò võ ngó xa xôi

Da nhăn nheo trổ hoa gấm đồi mồi

Đầu trắng hếu phất phơ làn tóc bạc

 

Trời oi ả, cụ ngồi hong hóng mát

Chừng lâm râm, nổi lửa, bắt cơm chiều

Cào mớ than, hâm lại trã kho tiêu

Chỉ ngần ấy cũng xong, thời đạm bạc

 

Võng kẽo kẹt bên ngọn đèn leo lét

Cụ buồn trông những tấm ảnh trên tường

Rồi thì thầm : đứa nào tao cũng thương

Nhưng ở chung thì già nầy chưa muốn

 

Cái chuyện đó, nay mai, đâu có muộn

Còn bây giờ, lo liệu được, yên thân

Khi ở xa, thì nói nghĩa, nói ân

Chứ ở gần, chén ly khua, phải biết !!!

 

Nếu không còn cựa nổi, đành chịu thiệt

Chừng nào chừng, thì lúc ấy hẵn hay

Đành rằng, con con, cháu cháu, vui vầy

Nhưng một khi lo cho già, thì tha hồ kể lể

 

Con thì con, nhưng còn dâu còn rể

Cháu thì cháu, nhưng cháu nọ cháu kia

Rồi bơ phờ, cầm cây gậy, quơ quơ !!!

Đóng cửa lại, và cài then, thở dốc !!!

 

Thương trẻ thơ quê nghèo khốn khó !

Mặc Giang * Tháng 03-2005

 

 

Có những chuyến buồn buồn đi thăm vội

Nhìn những em bé nhỏ ở miền quê

Từ sáng tinh mơ, cho đến chiều về

Tôi đều thấy các em ngày hai buổi

 

Sống quanh quẩn chung quanh nhà, cặm cụi

Tưới nước, bón phân, nhổ cỏ, vun trồng

Lượm hột, hái điều, lang, sắn, ngô đồng

Da bánh ít, mái tóc thề, óng mượt

 

Vừa chị, vừa em, quây quần lũ lượt

Em lặt rau, chị thổi lửa nấu cơm

Thỉnh thoảng trông, mỗi sáng đến chiều hôm

Tôi không thấy những gì là đèn sách

 

Nghĩ thấy tội cho nên tôi tìm cách

Hỏi xa gần rồi lại hỏi gần xa

Khi nghe xong thì tôi đã hiểu ra

Nhà nghèo khó nên làm sao đi học

 

Những vùng sâu vùng xa, và nhiều nơi heo hút

Từ ê a, cho đến hết vỡ lòng

Hay đánh vần xuôi ngược, thế là xong

Đọc lấp bấp “con nhà quê nghèo khó”

 

Thôi giã từ, nghe các em nho nhỏ

Đi đó đây, tôi vẫn nhớ xa xôi

Thật cảm thương cho những đứa em tôi

Đời khép lại như quê nghèo khốn khó !!!

 

Chết, sẽ còn hay mất !!!

Mặc Giang * Tháng 03-2005

  

Hãy tìm hiểu, chết sẽ còn hay mất ???

Hãy nhìn xem sự việc ấy thế nào

Một trăm năm chẳng có nghĩa là bao

Cõi trần thế hỏi ai không có chết ???

 

Nếu bảo chết là không còn gì hết

Thân trả về cát bụi thế là xong

Hỏi thỏ mấy sừng, hỏi rùa mấy lông

Ta chưa chết thì làm sao nói được

 

Thế tại sao không nhìn về phía trước

Dùng chuyện xưa để nói đến chuyện nay

Dùng chuyện nay để nói đến chuyện mai

Để sự thật hiển bày cho ra lẽ

 

Nào Bố Đại Hòa Thượng từng hiện thế

Nào Quán Âm cứu độ cỡi vầng mây

Nào Mẹ Maria cứu tế khắp đó đây

Có tạm đủ cho chúng ta tin tưởng

 

Thêm chút nữa để nhìn vài hiện tượng

Ai đã từng xem “lên cốt xuống đồng”

Ai đã từng xem “ma nhập hốt hồn”

Ai đã từng xem “cầu cơ han hỏi”

 

Về tôn giáo, ta xin không nói tới

Ta chỉ xin đề cập chuyện hiển nhiên

Chứ cũng không đá động chuyện Thần Tiên

Và cũng không Thiên Đàng hay Địa Ngục

 

Trong chúng ta ai không từng có lúc

Tự vấn riêng, chết sẽ mất hay còn

Mất, thì con người như sỏi đá, nào hơn !

Còn, thì đi đâu, sao ta không biết

 

Bỡi chưa chết nên ta chưa có biết

Nếu chết rồi ta sẽ biết đi đâu

Chưa bước đi vào ngưỡng cửa nhiệm mầu

Nhưng khi chết, sẽ còn không có mất !!!

 

Đàn gảy tai trâu ! Nước đổ lá khoai !

Mặc Giang * Tháng 03-2005

 

 

Đàn gảy tai trâu, có tội không đàn ?

Nước đổ lá khoai, có thương không nước ?

Nước cứ đổ, có lỗi gì bỡi nước !

Đàn cứ kêu, nào có lỗi chi đàn ?

Chỉ tiếc trâu, nặng óc, không nghe vang

Chỉ tiếc lá, trơn tru, nên chẳng thấm

Nước cứ chảy bỡi tình non nghĩa nặng

Đàn cứ kêu bỡi đàn quyện cung đàn

Đàn không kêu, ai biết được âm vang

Nước không chảy, ai nặng tình non nước

Nước ta đó, tự ngàn xưa gọi nước

Của giống Lạc Hồng, quốc hiệu Văn Lang

Của người con cháu da vàng

Đồng bào một bọc cung đàn thương yêu

Lên non ngân vọng cao siêu

Xuống nước nghĩa nặng như triều Biển Đông

Ngàn năm con Lạc cháu Hồng

Nước cùng nguồn cội giống giòng chẳng phai

Ngàn năm trổi điệu âm giai

Tiếng kêu không đổi nhớ hoài Việt Nam

Trâu thì trâu nhưng đàn cứ gảy

Lá thì lá, nước nhuận non sông

Oai linh Tiên Tổ vô cùng

Khí thiêng thạch trụ như đồng chẳng xao

Từ ngàn xưa biết bao tình tự

Đến ngàn sau đậm nét son vàng

Cho giang sơn tổ quốc Việt Nam

Trao thế hệ muôn đời dấn bước

Nước réo gọi, nước non non nước

Đàn kêu vang tích tịch tình tang

Cùng reo réo rắc cung đàn

Cùng reo non nước huy hoàng muôn năm.

 

Bịnh tham ô, nằm ụ, ù lì !!!

Mặc Giang * Tháng 03-2005

  

Từ cơn quốc biến gia vong

Quê hương nổi trận cuồng phong

Sản sinh ra những loài đục khoét

Khoét từ thượng tầng đan kết

Đục từ trứng nước đục ra

Khoét, đục cho tan nát nước nhà

Mọi hang ổ, chỗ nào không có

Dù là đục to đục nhỏ

Dù là khoét ít khoét nhiều

Không qui, không sách, không chiêu

Dày chằng chịt nên khó bề cứu chữa !!!

Giây muốn bứt, nhưng động rừng, vướng nứa

Hang muốn vào, nhưng đụng ổ, hết ra

Nên chỉ bắt một vài con tép cho qua

Hay chỉ chụp một vài con chim gãy cánh

Đục và khoét có vây có cánh

Bịnh tham ô, cửa thế cửa quyền

Không những ăn vàng bạc của tiền

Mà ăn cả vật tư, động sản

Hỡi những kẻ leo đồi nhũng lạm !

Hãy nhìn kia, thế nước, lòng dân !

Hay lớn nhỏ đều cùng nhau can dự chia phần

Nên không thể mạnh tay tận diệt !!!

Muốn sửa sai, tái thiết

Phải chận đứng tham ô

Muốn xây dựng cơ đồ

Phải sạch trong pháp trị

Nếu che đậy, kết bè, thì cùng nhau chết dí !

Nếu tranh giành, chống chế, thì dãy dụa tiêu ma !

Đất, ngày thêm ũng thối xì ra

Nước, ngày thêm bùn lầy ứ đọng

Đã phóng mãi trên đường dài giải phóng !

Những quan liêu, nhũng lạm, trì trệ,

Hãy phóng giải sạch đi !!!

Hay bao che, bảo thủ, độc tôn

Nên nằm ụ, ù lì !!!

Thì đất nước không tròng trành sao được ???

 

Cái nghề bán cái !

Mặc Giang * Tháng 03-2005

 

 

Có một cái nghề

Không được liệt kê

Và cũng không cần trải qua trường lớp

Vậy mà đua nhau nườm nượp

Có khi còn được cấp bằng

Cái nghề không lập thành văn

Ở đời, ai ai cũng có !

Hãy nói cho nghe nho nhỏ

Cái nghề bán cái, phải không ?

Ta đang mở chuyện lòng vòng

Lại kêu đích danh mà nói !

Nghề bán cái, xưa nay không học hỏi

Mà người người tự điêu luyện mới hay

Sự kiện diễn ra, vừa mới hiển bày

Là đã hiểu cái nghề bán cái

Con nít ranh, mũi còn nhỏ dãi

Đến cụ già tóc bạc hoa râm

Người thế, quyền, càng lớn càng thâm !

Người dân giả, hơi thô hơi thiển !

Cái nghề bán cái, xưa nay có tiếng

Không cấp bằng nhưng ăn đứt mọi nghề

Kẻ thuộc quyền, bị đì, hết chỗ chê

Kẻ nhẹ dạ, bị thường xuyên lợi dụng

Chuyện thơm tho, thì thi nhau tranh tụng

Chuyện cỏn con thì đem đẩy cho người

Chuyện ngon ăn thì rạng rỡ tươi cười

Nuốt không vô, thì dí cho thiên hạ

Còn con nít, bày trò mặc cả

Còn người lớn, rẻ rúng đãi bôi

Rồi ung dung hinh hỉnh ngạo đời

“Họ đang làm, do ta đó chớ !”

Có một chuyện vô tình làm duyên cớ

Cái nghề bán cái cảm thấy hay hay

Nói, thế nào, tôi cũng viết bài này

Chữ bán cái mà thành thơ chớ nị !!!

 

Lá rụng về cội

Mặc Giang * Tháng 03-2005

 

 

Lá rụng về cội

Nghĩa là sao mà ta thường hay nói

Để cùng nhau nhắc nhở lại cho đời

Nghĩa thật gần và cũng thật xa xôi

Vừa nghĩa đen lại còn thêm nghĩa bóng

 

Này em nhé ! Ngồi đây chơi, đỡ nắng

Em coi kìa, chiếc lá rụng, về đâu

Còn đu đưa phơn phớt gió xanh màu

Khi rớt xuống, cho vàng bay chiếc lá

 

Rụng về cội, em nghe hơi thấy lạ

Rớt gốc cây, em thấy đó, phải không

Cây với cội cùng một nghĩa theo dòng

Xa hơn nữa, đó là nguồn lịch sử

 

Từ dưới đất, cây vươn lên đấy chứ

Qua thời gian, cây đâm lộc nẩy chồi

Dù cây non, hay đại thọ sống đời

Cỡi vô thường băng ngang dòng cát bụi

 

Lá rơi rụng, vàng vàng bay, mục, thúi

Từ đất lên, trả về đất, tốt tươi

Một ngày kia, khi em đứng tuổi rồi

Em mới nhớ, những gì xa xưa cũ !

 

Nhớ, nhớ mãi, không bao giờ biết đủ

Của những gì, xa xưa nữa, em ơi

Tục ngữ kia dù chỉ có mấy lời

Nhưng giải bày thì vô cùng thâm thúy

 

Nói ít hiểu nhiều, mới càng ý vị

Lá rụng về cội, là thế nghe em

Khi về chiều, em sẽ hiểu bóng đêm

Càng thấm thía, nhớ thương về nguồn cội !!!

 

Uống nước nhớ nguồn

Mặc Giang * Tháng 03-2005

 

 

Uống nước nhớ nguồn

Mỗi một ngày, em thường uống luôn luôn

Hễ thấy khát, là em cần đến nước

 

Miễn là nước, dù nước gì cũng được

Khi uống vào, em sẽ hết khát ngay

Chỉ một câu ngắn gọn, nhưng thật hay

Vậy, uống nước nhớ nguồn, là sao nhĩ !!!

 

Ra bờ sông, nhìn dòng sông đang chảy

Nước ở đâu, mà cứ chảy tuôn hoài

Hãy hình dung một chút để thử coi

Nước chảy đó, tức có nơi xuất phát ?

 

Em hãy bước lên đầu non ca hát

Con suối reo róc rách đó, là nguồn

Đã là nguồn, thì nước mãi trào tuôn

Hễ có mưa là nước nguồn tuôn chảy

 

Và sao nữa, mà ông cha mình dạy

Uống nước nhớ nguồn, nghĩa lý cao siêu

Như hôm nay, em khôn lớn bao nhiêu

Nhờ công sức của mọi người mới có

 

Và kia nữa, như tấm thân em đó

Vương hình hài, nhờ cha mẹ sinh ra

Sống ở đời phải có cửa có nhà

Dù hơi tệ, thì nhà tranh, công viên, xó chợ

 

Và còn nữa, em ơi ! Luôn ghi nhớ

Phàm con người, phải có Tổ có Tiên

Có quê hương, dân tộc, đất nước mọi miền

Có lịch sử và những gì ông cha để lại

 

Uống nước nhớ nguồn, nhớ hoài nhớ mãi

Nhớ và trao nhau, từng thế hệ điểm tô

Nhớ và trao nhau, cùng gìn giữ cơ đồ

Chứ đừng sống vô tình,

Và chỉ biết mình em, em nhé !!!

 

Nào có nghĩa một vành cong trời đất !

Mặc Giang * Tháng 03-2005

 

 

Trời đất rộng nhưng lòng người sao hẹp ?

Bỡi riêng tư vị kỷ phủ sâu dày

Bỡi túi tham không đáy cỡi trên mây

Bỡi ham hố lợi danh đeo quá nặng

 

Hay lại bảo, sức con người có hạn

Trời rỗng không nên rộng rãi bao la

Đất mênh mông nên nào nghĩa tiểu đa

Người bé nhỏ thì làm sao sánh được

 

Bỡi trần thế, nên thế trần triền phược

Bỡi thế nhân, nên nhân thế khổ đau

Lòng âm u nên chất chứa đủ màu

Làm rách nát mảnh tâm hồn trong trắng

 

Sống vị mình, lòng nhân từ trống vắng

Sống vị người, lòng rộng mở thênh thang

Sống thanh cao, quí hơn ngọc hơn vàng

Sống ích kỷ, nặng tiền, sanh tệ bạc

 

Dòng đời, là một bản trường ca, ca hát

Tình đời, là cung nhạc tình tự yêu thương

Sao không đi trên đại lộ đường trường

Mà lại bước nẻo quanh co nhỏ hẹp

 

Lòng rộng mở thì nào ai khép được

Hồn thanh cao, nào ai nỡ chối từ

Hãy nhìn kia, cho cùng tận thái hư

Nào có nghĩa một vành cong trời đất !!!

 

Ta đây, hiện hữu vô cùng !

Mặc Giang * Tháng 03-2005

 

 

Trông qua chiếc bóng thời gian

Ta xin nhìn lại trên đàng ta đi

Trông qua mấy nẻo kinh kỳ

Ta xin nhìn lại, còn chi đến giờ

Cuộc đời như một giấc mơ

Nổi trôi từng đoạn trên bờ phiêu du

Trăng mờ vì khuất mây mù

Chợt nghe tiếng vọng thiên thu giật mình

Từ trong cát bụi tử sinh

Ta xin nhớ lại bóng hình của ta

Từ trong tỉnh mộng đêm qua

Ta xin nhớ lại quê nhà xưa nay

Nghe không tiếng vỗ bàn tay

Một bàn tay vỗ mặt mày nát tan

Vỡ toang, chấn động ba ngàn

Mười phương thế giới chưa tràn chân lông

Huyễn sinh còn nhẹ hơn bông

Vô sinh còn nhẹ hơn dòng tử sinh

Như ta nói chuyện với mình

Như bóng nói chuyện với hình, vô chung

Ta đây, hiện hữu vô cùng !

 

 


Vào mạng: 1-5-2006

Trở về thư mục "Thơ Phật giáo"

Đầu trang