Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
VÔ MÔN QUAN  -  無門関
Chữ Vô của Phương Đông
Nguyên tác Vô Môn Quan: Vô Môn Huệ Khai
Dẫn nhập và chú giải: Nishimura Eshin
Bình luận: Giáo sư Akizuki Ryômin
Biên dịch: Nguyễn Nam Trân
Bản Thảo   - 2009 -

Tắc số 16: Nghe chuông mặc áo bảy màu (Chung thanh thất điều)[1].

七条

Bản tắc:

Hòa Thượng Vân Môn nói:

-Thế giới bao la khoảng khoát như thế này, cớ chi mỗi khi nghe chuông (chúng tăng) lại phải (bó buộc trong chuyện) mặc áo cà sa bảy màu[2] (đi xuống trai phòng)?

 

Bình Xướng:

Vô Môn nói rằng:

Phàm các tăng sĩ tham Thiền học Phật thường phải để ý tuyệt đối không cho âm thanh, sắc tướng của thế giới chung quanh (thế giới của giác quan) lôi cuốn (tai và mắt). Vẫn biết có kẻ (như Hương Nghiêm) nghe âm thanh mà hiểu đạo hay (như Linh Vân) nhìn thấy màu sắc mà sáng lòng[3], những chuyện như vậy không xa lạ gì đối với người tu thiền cả. Tuy nhiên, ngay cả những kẻ tự phụ ở trong thế giới của thiền gia (nạp tăng gia) hình như cũng chưa hiểu điều quan trọng sau đây: họ (phải có cái chủ thể tính) có thể ngồi cưỡi lên (chế ngự) âm thanh đến từ bên ngoài, ôm choàng (bao trùm) được vật có hình sắc, thu nhận và biện biệt từng cái một, lập được quan hệ xảo diệu với chúng. Nói là nói vậy chứ ta nào biết âm thanh bay đến bên tai ta hay tai ta tìm đến nó[4]. Ngay cả kẻ đạt đến trình độ thoát khỏi  sự phân biệt giữa âm thanh (tiếng) và tĩnh lặng (im) cũng không biết cách giải quyết vấn nạn này. Lúc ấy, nếu lấy tai để nghe tiếng thì sẽ không nhận thấy gì cả. Phải lấy mắt mà nghe[5] thì âm thanh mới có thể hòa nhập vào người của ta.

Tụng:

Bèn có bài tụng:

Hội tắc sự đồng nhất gia,
Bất hội vạn biệt thiên sa.
Bất hội sự đồng nhất gia,
Hội tắc vạn biệt thiên sa.
[6]

會 則 事 同 一 家 
不 會 萬 別 千 差 
不 會 事 同 一 家 
會 則 萬 別 千 差

(Hiểu ra, như chung nhà,
Không hiểu thành khác lạ.
Không hiểu coi là một,
Hiểu lại vạn lần xa)

 

Lược dịch lời bàn của Giáo sư Akizuki Ryômin:

Câu nói của hòa thượng Vân Môn Văn Yển có nghĩa là thế giới bao la khoảng khoát như một khoảng chân không vô tướng. Người đang đứng ở ngay chính giữa cõi ngộ này phải biết thể nghiệm tự do[7] của mình. “Vì cớ gì” lại bị trói buộc trong cái chuyện phải mặc áo bảy màu xuống trai phòng khi nghe chuông báo giờ cơm. 

Thể nghiệm tự do chân thực là máy động chân không (chân không diệu dụng), cắt tuyệt được với cái tư nghì của phàm phu. Người ngộ rồi thì “cái cùi chỏ cũng không vòng ra ngoài”[8]. Họ như con chim sống bên bờ nước (thủy điểu) khi đi khi về không để lại dấu vết nhưng không bao giờ chim quên lối quên đường.

Trường hợp này cũng vậy , câu hỏi “Vì cớ gì?” là câu hỏi cực kỳ quan trọng. Nhiều việc mỗi ngày được coi là chuyện đương nhiên có lúc bắt ta ý thức lại các vấn đề của chúng. Không nên quên rằng, bằng công án, cổ nhân đã có lòng từ bi để khơi gợi vấn đề ấy nhằm giúp ta, bởi vì khi họ “phủ định là để khẳng định”. Nhân đó, các tăng dưới trướng các vị như Trích Thủy, Long Uyên của tăng đường Thiên Long đã tìm ra một kiến giải về điều này rất độc đáo (xem “tiếng vượn kêu”, trong lời bàn của Ryômin về tắc 12).  

Riêng về Vô Môn, ông muốn nói rằng cho dù kẻ đã đạt đến chỗ tâm cảnh bất nhị (tâm là chủ quan, cảnh là khách quan), để cho thanh và ngã, nội ngoại đả thành nhất phiến, cũng không thể giải thích được việc âm thanh tìm đến tai hay tai tìm đến âm thanh. Cho nên nếu nghe bằng tai sẽ khó lĩnh hội, chỉ có nghe bằng mắt thì mới cảm thông được.

Lúc thân đang nghe và để tâm hồn trống không,
Giọt nước đọng nhểu xuống từ mái hiên đã biến thành ta.

            (Thiền sư Dôgen)

Nhìn bằng tai, nghe bằng mắt, sẽ hết hoài nghi,
Ta tự biến mình thành giọt nước đọng nhểu xuống từ mái hiên.

              (Đại Đăng Quốc Sư)[9]

Nghe bằng mắt có nghĩa nghe bằng cả linh hồn lẫn thể xác. Cả trời đất chỉ còn ngưng lại ở một âm thanh mà thôi và nó là cái tự ngã bản lai. Đấy là trạng thái “trực hạ vô tâm”, nghe trực tiếp bằng trạng thái trống không của tâm vậy. Thể nghiệm được mình đang đứng ở chính giữa thế giới, một không gian bao la khoảng khoát, và cứ thế mà nghe. Nếu ông bố già cất tiếng ho, thì lặng lặng bưng tách trà tới. Đó là phương pháp duy nhất để đặt mình vào một hoàn cảnh mà mọi câu hỏi trở nên thừa. Cốt lõi của công án nằm ở đấy. Và như tôi đã có dịp đề cập, cái đó gọi là “Đông Sơn hạ ám hiệu bí lệnh” (mật lệnh của môn phái Đông Sơn). Đông Sơn ở đây chính là tên ngọn núi của bậc tập đại thành của công án thiền, thiền sư đời Tống: Ngũ tổ Pháp Diễn.

Còn về bốn câu tụng thì hai câu 1.2 là để diễn tả quan điểm của “thủy giác môn” nghĩa là phải giác ngộ trước đã (theo đó, ngộ là bình đẳng, mê là phân biệt), hai câu 3.4 đứng trên lập trường “bản giác môn”tức là đã bình đẳng ngay từ buổi đầu (ngộ và mê, bản lai đều bình đẳng). Theo quan điểm thứ hai này, thế giới bao la và con người bản lai tự do, không bị trói buộc (vô thằng vô phược). Thế nhưng, cả chân lý “chúng sinh bản lai Phật” trong “bản giác môn” lẫn quan điểm chỉ có khi liễu ngộ thì mới thể đắc bình đẳng của “thủy giác môn” đều cần phải thông qua giai đoạn tu chứng (tu hành và chứng ngộ) mới thực sự thể đắc được lần đầu tiên. Hơn nữa, trong cái ngộ (bản giác, bản chứng) của sự bình đẳng lại phải có máy động (diệu dụng, diệu tu) khó lay chuyển của sự phân biệt. Liền bên chỗ “bất lạc nhân quả” là “bất muội luân hồi” đấy. Vậy thì khi nghe chuông rung, hãy mặc áo cà sa của “như pháp”[10] mà đưa mặt ra.    


 


[1] Truyện này có chép trong Vân Môn Quảng Lục quyển thượng và Ngũ Đăng Hội Nguyên quyển 15, chương Vân Môn.

[2] Thất điều (áo bảy mảnh, bảy màu) là trung y, còn gọi là Uất đa la tăng, một trong tam y. Người tu thiền mặc nó vào dịp, hội họp, lễ lạc.

[3] Hương Nghiêm văn thanh ngộ đạo, Linh Vân kiến sắc minh tâm. Chuyện tăng Hương Nghiêm Trí Nhàn (?-898) nghe tiếng đá đập vào cây trúc và tăng Linh Vân Chí Cần (không rõ năm sinh năm mất) chỉ nhìn hoa đào mãn khai mà ngộ đạo .

[4] Lời trong kinh Lăng Nghiêm (Đại Chính Tạng 19-115 hạ).

[5] Trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 15,chương Động Sơn Lương Giới có chép: “Vô tình thuyết pháp bất tư nghì, Nhược tương nhĩ thính chung nan hội, Nhãn xứ văn thanh phương khả tri”. Ý nói nghe thuyết pháp có khi dùng mắt lại hiểu hơn dùng tai. 

[6] Hai câu đầu đứng trong tư thế người hãy còn mê, để bảo nếu ngộ tất cả trở thành bình đẳng, còn không thì sẽ mất sự thống nhất. Hai câu sau ở lập trường người ngộ, cho rằng cho dù không ngộ thì vẫn bình đẳng, ngộ thì mỗi người sẽ tự phóng quang ra.

[7] Xin hiểu “tự do” trong nghĩa cổ điển của đạo học có từ Đường Tống (tự do tự tại, không bị ràng buộc).

[8] Trữu bất quăng (chữ có chép trong Luận Ngữ)

[9] Tức Thiền Sư Nhật Bản thời Kamakura tên là Shuuhô Myôchô (Tôn Phong Diệu Siêu, 1282-1337).

[10] Cái gì đi đúng với đạo lý của nhà Phật.

 


http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/vomonquan_19.htm

 


Vào mạng: 10-4-2009

Trở về thư mục "Thiền Phật giáo"

Đầu trang