Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

DUY LỰC NGỮ LỤC
QUYỂN THƯỢNG (TỪ NĂM 1983 - 1989)
Ban Văn Hóa Thành Hội Phật Giáo TP. Hồ chí Minh Thực Hiện
Nhà Xuất Bản Tôn Giáo Hà Nội P.L.2545 - D.L. 2001


PHẦN 6 (CUỐN 71 - 95)

06-2

Hỏi : Trước tu Tịnh Độ, nay chuyển qua tham Tổ Sư Thiền được không ?

Đáp : Mục đích tu Tịnh Độ hay tham Tổ Sư Thiền đều là để giác ngộ thành Phật, giải quyết tất cả khổ. Chỉ là Pháp Tịnh Độ thuộc pháp thiền gián tiếp, Tổ Sư Thiền là pháp thiền trực tiếp. Đức Phật dạy tám mươi bốn ngàn pháp môn, chỉ có Tổ Sư Thiền là pháp trực tiếp, ngoài ra đều là pháp gián tiếp. lại, tu pháp môn nào phải đúng theo tông chỉ pháp môn đó mới được thành tựu, nếu tu không đúng, chẳng những không được thành tựu, có thể trở thành ngoại đạo.

Pháp môn Tịnh Độ là do pháp sư Huệ Viễn đời nhà Tấn Trung Quốc dựa theo Kinh Di Đà và Kinh Vô Lượng Thọ sáng lập, chứ chẳng phải do Phật Thích Ca sáng lập hay từ Ấn Độ truyền qua. Trong đó có bảy vị Tổ là tu theo Tổ Sư Thiền kiến tánh rồi, tùy theo nhân duyên giúp cho Tịnh Độ hoằng pháp. Đến Tổ thứ 13 là Pháp sư Ấn Quang , sau đó mấy mươi năm nay chưa có Tổ thứ 14.

Còn Tổ Sư Thiền là do Phật Thích Ca truyền cho ngài Ma Ha Ca Diếp, rồi do Tổ sư từng đời truyền xuống, đến đời tôi, mỗi đời đều có sự truyền thừa rõ ràng.

Đối với Lịch sử Thiền tông ở Việt Nam tôi chưa được rõ , nghe nói Tổ Sư Thiền ở Việt Nam là truyền từ Thiền sư Vô Ngôn Thông hay ngài Liễu Quán. Từ nhà Lê đến nay đã thất truyền gần hai trăm năm, có Tổ sư từ Trung Quốc qua Việt Nam dạy về pháp môn Tổ Sư Thiền, sau đó cũng thất truyền.

Còn Tổ sư Tịnh Độ của Việt nam thì không nghe nói, cũng không biết do vị Tổ nào sáng lập, đa số do tự mình xem sách, nhiều người tự lấy ý mình tu, cho tụng kinh niệm Phật là tu Tịnh Độ. Còn hỏi về tông chỉ của Tịnh Độ thì nói là ; Tụng kinh, niệm Phật, ăn chay, phát nguyện.

Sự thật, tông chỉ của Tịnh Độ là Tín, nguyện, hành.

Hỏi : Vậy Có tông chỉ của Tịnh Độ không ?

Đáp : Theo Phật pháp, nguồn gốc của Bản thể là Phật tánh, Đức Phật gọi là Chơn như Phật tánh. Bản thể của Phật tánh không dính líu với có không . Có Không là nguồn gốc của 62 kiến chấp, phàm có đối đãi là nhị biên, là biên kiến, thuộc một trong năm thứ ác kiến. Hễ chấp thật Có và Không đều lọt vào biên kiến, nên Phật dạy phải lìa tứ cú, tuyệt bách phi, nếu chấp thật sự có và không, đã nghịch với bản thể tự tánh, dẫu cho siêng năng tu tập, cũng chẳng thể thành tựu.

Hỏi : Thiền tông và Tịnh độ một thể, phải không ?

Đáp : Nói thì đúng, nhưng sự hiểu không đúng. Cách thực hành giữa Tổ Sư Thiền và Tịnh Độ có khác, nhưng mục đích không khác, chỉ là pháp thiền trực tiếp hay gián tiếp mà thôi. Tức Tổ Sư Thiền có thể kiến tánh lúc còn sống, không cần đợi sau chết mới vãng sanh.

Tịnh Độ dù được vãng sanh, vẫn chưa được kiến tánh. Tại sao ? Vì tất cả pháp đều không ngoài nhân quả. Nhân vô vi mới được quả vô vi, nhân hữu vi chỉ được quả hữu vi. Do cách tu của Tịnh độ chỉ gieo được nhân hữu vi, bản thể Tự tánh không đối đãi, chẳng thuộc có không, nên khi thực hành theo đường lối, phải gieo nhân vô vi mới được quả vô vi.

Tịnh độ cuối cùng cũng thành Phật, nhưng còn xa, vì là pháp gián tiếp.Người được sanh cõi Tịnh độ mới bắt đầu tu, nếu sanh nơi biên địa, là chưa được vào cõi Tịnh độ, sanh nơi hạ phẩm phải ở trong hoa sen mười hai đại kiếp mới được ra; Môt đại kiếp gồm bốn trung kiếp, một trung kiếp gồm hai mươi tiểu kiếp, một tiểu kiếp là mười sáu triệu năm. Quý vị thử nghĩ xem là bao lâu ?

Còn tu pháp Tổ Sư Thiền, có thể ngay trong kiếp này được kiến tánh, như Long nữ trong Kinh Pháp Hoa tám tuổi thành Phật. Cho nên, pháp trực tiếp với pháp gián tiếp có khác, nhưng khi thành Phật là không khác.

Như trên đã nói, phải gieo nhân vô vi mới được quả vô vi, người tu Tịnh độ sau khi sanh cõi Tịnh độ, lòng tin vững chắc rồi, bỏ được chấp tâm , mới chuyển từ niệm Phật qua tham thiền, từ nghi đến ngộ. Nghi tình là nhân vô vi, mới được sự ngộ là quả. Tại sao nói nghi tình là nhân vô vi ? vì nghi tình là tâm không biết, chẳng dính mắc gì cả. Hễ có dính mắc là hữu vi .

Hỏi : Trong kinh Duy Ma Cật, lúc ngài Duy Ma Cật bệnh, tại sao hàng đệ tử của Phật không ai dám đi thăm bệnh ?

Đáp : Ấy là muốn tỏ bày: Bệnh của chúng sanh hay chấp thật, chấp có Phật, chấp không Phật.bất cứ chấp vào cái gì đều là bệnh, nói "tất cả chúng sanh đều có Phật tánh", hễ chấp "thật có Phật tánh" cũng là bệnh, chấp "không Phật tánh" cũng là bệnh, có chấp tức thành bệnh. Do đó Phật Thích Ca vừa thuyết liền phá, chỉ vì sợ chúng sanh chấp thật vào đó, khiến chẳng được giải thoát.

Trong Kinh Duy Ma Cật, mọi người khó hiểu nhất là về đoạn "Tu Bồ Đề không xứng đáng đi thăm bệnh":

Tu Bồ Đề đến nhà Duy Ma Cật khất thực, ngài lấy bát đựng đầy cơm, nói với Tu Bồ Đề :

- Này Tu Bồ Đề, đối với sự ăn bình đẳng thì các pháp cũng bình đẳng, các pháp bình đẳng sự ăn cũng bình đẳng. Khất thực như thế mới được lấy ăn.

Lại nói :" Nếu Tu Bồ Đề chẳng thấy Phật, chẳng nghe pháp, ngoại đạo là thầy của ông, vì họ xuất gia bị đọa, ông cũng đọa theo, mới được lấy ăn.

Chỗ này, nhiều người chú giải kinh muốn đem những đoạn văn phi lý trên giải thành có lý, đều đã hiểu sai lầm. Kỳ thật, đoạn này là do Tu Bồ Đề và Duy Ma Cật hợp tác để diễn tả lại nghĩa "Văn tự tánh không".

Tu Bồ Đề chẳng phải không biết, nhưng muốn thị hiện việc sợ hãi bỏ chạy, để ngài Duy Ma Cật diễn tả về "Văn tự tánh không", nên ngài nói :

- Này Tu Bồ Đề, cứ lấy bát đi đừng sợ. Ý ông thế nào? Nếu đem việc này hỏi người huyễn hóa của Như Lai làm ra, người ấy có sợ chăng ?

Đáp : Không ạ.

- Tất cả các pháp , tướng như huyễn hóa, tất cả ngôn thuyết đều chẳng lìa tướng huyễn hóa.

Nhiều người giảng kinh Duy Ma Cật đến chỗ này đều miễn cưỡng dùng lời giải hợp lý để giải thích sự bất hợp lý , ấy là sai, là chấp thật vào văn tự lời nói. Nay phần nhiều học Phật đều chấp thật vào lời nói kinh điển, nên ở đoạn này , Duy Ma Cật chuyên phá vào những chấp thật như thế, nói "tánh văn tự tự lìa văn tự, tất cả các tướng đều như thế."

* Về đoạn "Pháp môn Bất nhị": ngài Duy Ma cật im lặng, Bồ tát Văn Thù tán thán là "Chẳng có lời nói văn tự mới là chơn nhập pháp môn bất nhị" . nhưng hễ chấp vào sự im lặng của ngài là chơn nhập pháp môn bất nhị cũng là sai. Tại sao ? Trong tứ cú : cú thứ nhất là ngôn ngữ, cú thứ nhì là im lặng, cú thứ ba : cũng ngôn ngữ cũng im lặng; cú thứ tư : chẳng ngôn ngữ chẳng im lặng . Hễ chấp vào im lặng tức lọt vào cú thứ nhì, cho nên, chúng ta tu Phật pháp, xem kinh phải hiểu ý Phật, chớ hiểu theo lời nói là sai. Ý Phật chẳng ở nơi lời nói, lời nói chỉ là công cụ phá chấp mà thôi.

Hỏi : Con trùng đứt làm hai thì tánh nó ra sao ?

Đáp : Bản thể Tự tánh khắp không gian thời gian, đâu thể ở khúc này hay khúc kia ? Nếu có ở khúc này hay khúc kia là không cùng khắp, chẳng phải bản thể tự tánh.

Hỏi : Tham thiền vô ngôn thuyết, lấy gì để dạy người ?

Đáp : "Vô ngôn thuyết" là bản thể, cách thực hành chẳng phải là bản thể, là để đi đến bản thể. Ở trên đã nói, im lặng vẫn còn không được, như Kinh Kim Cang nói :" Do vô vi mà có sự sai biệt của các bậc Thánh hiền". Vô vi làn sao có sai biệt ? Thế nào là sai biệt ? Tại chưa đến chỗ vô vi, đang trên đường đi, nên có đủ thứ sai biệt. Sai biệt thế nào ? Giáo môn từ Thập tín, Thập trụ, Thập hạnh, Thập hồi hướng, Thập địa, cho đến Đẳng giác. Đến Diệu giác là chỗ vô vi rồi, đâu còn sai biệt ? Chỗ đó là chỗ vô ngôn thuyết.

Ví như từ Chợ Lớn đến Sài gòn, nếu cứ một mực tiến thẳng là mau đến nơi, hễ ngó qua ngó lại những quang cảnh hai bên đường, nào là rạp hát, nào là điểm vui chơi.vậy làm sao vô ngôn ? Nên phải một mực thẳng tiến, chẳng bị cảnh giới quyến rũ. Có đi thẳng cũng phải đi đúng hướng, nếu không thì lệch ra ngoại ô chứ chẳng thể đến Sài Gòn.

Do đó, cách đi phải dùng ngôn thuyết, nói Thiền tông "Bất lập văn tự", bất lập văn tự chẳng phải phế bỏ văn tự, nên có mười hai bộ kinh của Phật, chứ Đức Phật có phế bỏ văn tự đâu ! Chỉ là đừng bị văn tự chướng ngại , đừng dính mắc vào văn tự thôi.

Cách thực hành phương pháp tham Thiền rất dễ, rất giản dị, nhưng lòng tin tự tâm rất khó, đáng lẽ Thiền môn chẳng cần dùng kinh giáo, nhưng vì tôi muốn tăng trưởng lòng tin tự tâm cho hành giả tham Thiền,nên có dịch thêm Kinh Lăng Nghiêm, Kinh Kim Cang, Kinh Viên Giác, Kinh Duy Ma Cật, Yếu chỉ Hoa Nghiêm, Yếu chỉ Pháp Hoa .

Hỏi : Trước khi tắt thở, chúng con phải làm gì ?

Đáp : Tôi thường nói , chẳng có phương tiện gì khác, chỉ có "thuốc thoại đầu" là duy nhất, vì thuốc này đưa mình đến kiến tánh, kiến tánh rồi còn gì không giải quyết ?

Nói đến vấn đề này, chẳng những già trẻ, lớn bé đều có thể chết thình lình, đã biết sanh tử vốn là không có, do vọng tâm chấp thật mới thành, đâu cần sợ sanh tử nữa ? Chỉ giải quyết việc sanh tử thôi. Muốn giải quyết việc sanh tử, chỉ nhờ câu thoại đầu, nói đi nói lại muôn ngàn lần , cũng chỉ là câu thoại đầu .

Hỏi : Khi liệm có cần mang y theo không ?

Đáp : Nếu nói về Tự tánh thì sanh tử vốn chẳng có, làm sao có y ? Người thọ giới rồi là có y, nhưng đối với giới Thanh văn, từ ngũ giới, mười giới, sa di giới, cho đến Tỳ Kheo 250 giới, Tỳ Kheo Ni 348 giới, chỉ là tận hình thọ, tức thọ suốt một đời, hình hoại là hết, tự nhiên xả giới, vậy đem theo y làm gì ?

Hỏi : Đến một ngày nào, niệm chẳng còn sanh diệt, đó là cảnh giới như thế nào ?

Đáp : Đó là cảnh giới vô thỉ vô minh.

Hỏi : Thế nào là sự thấy của người trí và kẻ ngu ?

Đáp : Diệt sanh diệt rồi, cho là không sanh diệt, đó là cảnh giới vô thỉ vô minh, ngoại đạo chấp đó là cứu cánh. Người thế gian diệt chỗ sanh diệt rồi, cho cái "không sanh diệt" là xuất thế gian, chẳng biết hai cái đều là thế gian, chưa phải xuất thế gian.Thật ra, trong Phật tánh vốn chẳng có cái "sanh diệt" để cho mình diệt, nếu có sanh diệt để diệt là còn nằm trong tương đối.

Nay đã biết sự sanh diệt là pháp thế gian, vốn là không , tại sao còn muốn phân biệt, muốn biết để làm gì ? Vì biết là tai họa, là tướng bệnh, khiến tướng mạnh chẳng thể hiện ra.

Hỏi : Vậy thế nào là pháp xuất thế gian ?

Đáp : Điều đó phải tự ngộ mới biết, nay hễ có nói được đều là pháp thế gian, đều là tương đối. Chẳng những là lời của tôi, dù là lời của Phật cũng vậy.

Hỏi : Pháp môn Tổ Sư Thiền là Tối Thượng Thừa, nhưng nếu hành giả tham thiền có ý cho pháp của mình tu là cao hơn thì không đúng, phải không ?

Đáp : Tác dụng của bộ não là tướng bệnh, tham thiền dùng cái không biết chấm dứt tất cả tướng bệnh, để tướng mạnh được hiện ra.

Hỏi : Ý nghĩa xuất gia như thế nào ?

Đáp : Nếu muốn chơn tu giải thoát, thì Lục Tổ nói :" Xuất gia hay tại gia đều chẳng khác". Xuất gia hay tại gia là tùy theo hoàn cảnh cá nhân, mỗi người có hoàn cảnh khác nhau, nhân duyên khác nhau, xuất gia hay không là tùy duyên, chứ không phải có sự nhất định, chẳng cần để tâm nhiều khiến chướng ngại.

Còn nói đến công đức lợi ích, thì theo Kinh Duy Ma Cật, xuất gia chẳng nói về công đức về lợi ích . Trong Truyền Đăng Lục, từ ông vua, Thừa tướng, Quận trưởng, Tỉnh trưởng, đến tay bưng vai gánh, bán rau ngoài phố. người gì cũng có thể kiến tánh, kiến tánh rồi cũng chẳng bỏ nghề : Vua vẫn làm Vua, Thừa tướng vẫn là Thừa tướng, đâu cần xuất gia mới tu được ?

Hỏi : Trong các kinh Đại thừa liễu nghĩa, đều có một vị đại diện đương cơ để hỏi Phật. Riêng trong kinh Duy Ma Cật, ngài Duy Ma Cật là một cư sĩ tại gia, lại dám phê bình các vị đại Thánh Tăng về khuyết điểm này, khuyết điểm kia v.v. Vậy ngài là ai ? Chắc chắn là chẳng phải tâm phàm phu chúng con có thể biết được ?

Đáp : Duy Ma Cật là một vị cổ Phật , thị hiện Bồ Tát trụ pháp bất khả tư nghì, hơn các bậc Bồ tát thượng thủ của Phật Thích Ca, đầy đủ tất cả phương tiện trí huệ để dẫn dắt chúng sanh vào đạo Bồ tát chơn thật. Nếu là cư sĩ phàm phu, đâu có trí huệ năng lực và phương tiện như thế ! Hễ cư sĩ phàm phu bắt chước là tạo tội nặng, thuộc tội phỉ báng, làm sao so sánh được !

Phàm tất cả kinh điển thuộc về Giáo môn, là pháp thiền gián tiếp, phải qua văn tự , lời nói, từ cạn vào sâu. Ví như phẩm Pháp môn bất nhị, Duy Ma Cật dùng lời nói quét lời nói, sau cùng dùng im lặng quét lời nói, và quét cả sự im lặng.

Còn Tổ Sư Thiền chẳng có cấp bậc, chẳng qua suy nghĩ lời nói, đi thẳng đến cứu cánh.

Hỏi : Trong Kinh Duy Ma Cật có nói đến pháp cúng dường, vậy chúng con phải cúng dường như thế nào mới đúng pháp ?

Đáp : Đó thuộc về Giáo môn. Tổ Sư Thiền là giáo ngoại biệt truyền, không cần bắt chước Giáo môn, chỉ là giữ được nghi tình tức cúng dường tất cả. Vì Tự tánh khắp không gian thời gian, đâu phải ở ngoài ? Có ở ngoài là nhị.

Hỏi : Công phu thành khối không còn biệt niệm, sao lại còn các thứ bệnh ?

Đáp : Cái "Nghi tình" trong Tham Thiền Cảnh Ngữ thuộc về chơn nghi, chơn nghi hiện tiền tức đến thoại đầu, chứ chẳng phải nghi tình mà hiện nay chúng ta đang tập tham. Chơn nghi phát khởi thình lình, lúc đó chỉ còn tâm không biết, mới là "nghi tình được phát khởi". Chơn nghi phát khởi là tất cả đều không biết, hễ còn biết tức tâm trộm cắp, chưa phải chơn nghi. đi đến chơn nghi là lạc đường tự tại.

Hỏi : Tham đến chơn nghi rồi, có khi nào bị thoái chuyển không ?

Đáp : Nếu thật đến chơn nghi, đến thoại đầu thì không bị thoái chuyển nữa, sẽ thẳng đến kiến tánh, muốn không kiến tánh cũng chẳng được. Nếu chưa đến mà nói đã đến là bị thoái chuyển.

Hỏi : Có chí quyết định nhưng chưa đến thoại đầu, có bị thoái chuyển không ?

Đáp : Chưa đến chơn nghi, gặp nhân duyên có thể bị thoái chuyển, nhưng chỉ một thời gian nào thôi,không bị thoái chuyển luôn, vì chánh nhân đã gieo thì chánh quả sẽ đến.

Hỏi : Người tham Thiền hay bị lạc vào các lối tẻ, gặp những trường hợp đó, làm sao biết được ?

Đáp : Tôi thường nói "Chữ biết là cửa của tất cả tai họa", chỉ cần giữ cái "không biết" mới không lọt vào lối tẻ. Nên Tổ Sư Thiền cần có nghi tình, đã không biết thì làm sao biết lọt vào lối tẻ hay không ?

Hỏi : Người tham thiền có rơi vào sự chướng và lý chướng không ?

Đáp : Nếu có biết là rơi vào hai thứ trên, nếu không biết thì làm sao có cái hợp lý hay chẳng hợp lý, mà nói lọt vào lý chướng ? Vì không biết thì chẳng đối đãi, tự nhiên chẳng lọt vào cái nào hết, hễ có biết là muôn ngàn sai biệt, muôn ngàn đường lối, chẳng lọt vào cái này cũng lọt vào cái kia.

Hỏi : Trong Triệu Luận nói "Bát nhã quán không" và "Phương tiện quán hữu" như thế nào ?

Đáp : Triệu Luận thuộc Giáo môn, nói "phương tiện và trí huệ phải đi đôi mới là đại huệ". Đó là đối với người hoằng pháp, có trí huệ phải có phương tiện.

Kỳ thật, nói Phương tiện và trí huệ phải đi đôi là ở trong Kinh Duy Ma Cật, rồi ngài Tăng Triệu dẫn chứng trong Triệu Luận mà thôi. Chính ngài Tăng Triệu do đọc kinh và dịch kinh Duy Ma Cật phát trí huệ, mới biết hồi xưa học về thuyết của Lão Trang chưa cứu cánh. Ngài có những thiên tài diễn tả những gì người khác chẳng diễn tả được. Mặc dù diễn tả được, nhưng đều là pháp gián tiếp, phải qua bộ não suy nghĩ, đối với Giáo môn thì được, đối với Thiền môn còn cách xa lắm.

Nói "Bát Nhã quán không" và "Phương tiện quán hữu" là phần diễn tả, Tự tánh luôn luôn như thế, chẳng có quán không và vào hữu. Người tu Thiền quán của Giáo môn, như Tông Thiên Thai là quán không, tức Không Quán, cũng gọi là Sa Ma Tha, quán Hữu là Giả Quán, tức Tam Ma Bát Đề, quán trung đạo là Thiền Na . thuộc pháp thiền gián tiếp.

Còn Thiền môn rất giản dị, chẳng quán không, cũng chẳng quán hữu, chẳng quán Trung đạo, chẳng năng quán sở quán, chỉ cần khởi lên nghi tình không hiểu không biết, là bao gồm tất cả kinh điển, giáo môn, pháp thế gian công thương kỹ nghệ, pháp xuất thế gian, thừa Thanh Văn, Duyên giác, Phật v.v. Có với không đều không biết, chẳng năng sở đối đãi, thẳng vào chỗ cứu cánh, nên chẳng lập phương tiện, cũng chẳng nói đến trí huệ.

Hỏi : Tại sao Thiên nữ trong Kinh Duy Ma Cật lại có thần thông biến hóa ?

Đáp : Thiên nữ là bậc Bồ tát dùng để phá chấp của Thừa Thanh Văn Duyên Giác, để được bước đến Đại thừa. tất cả đều là phương tiện để phá chấp, chẳng phải có lý lẽ cao siêu. Nên chư Tổ nói " Ý của chư Tổ chẳng tại văn tự lời nói", do người học đạo chấp vào lời nói, mới thành tà tông kiến giải.

Hỏi : Ý chánh Kinh Duy Ma Cật như thế nào ?

Đáp : Ý chánh là phá chấp thật, bất cứ Kinh luận nào cũng vậy.

Hỏi : Tại sao Thiên nữ lại biến Xá Lợi Phất thành người nữ ? Là để phá chấp gì ?

Đáp : Để phá chấp của Xá Lợi Phất. Vì Xá lợi Phất chấp có nam có nữ, hỏi Thiên nữ :

- Tại sao không chuyển biến thân nữ đi ?

Thiên nữ đáp : Tôi chẳng phải người nữ mà hiện thân nữ, cũng như Xá lợi Phất chẳng phải người nữ mà hiện thân nữ.

Kỳ thật đâu có phân biệt ! Do chấp tâm mới phân biệt nam nữ. Dục giới phân biệt nam nữ, Sắc giới vẫn còn phàm phu, nhưng đã không có nam nữ; đến Vô Sắc giới vẫn còn phàm phu, chẳng còn sắc thân, làm sao có thân nam nữ ? Tại có người chấp "phải chuyển thân nam mới được thành Phật", vốn là chẳng phải nữ, lấy gì để chuyển ?

Ví như Thiên nữ rải hoa cúng dường, hàng Bồ tát đều không dính mắc, chỉ có hàng Nhị thừa , không muốn bị hoa dính thân lại bị dính mắc, đó là do có tâm chấp thật nên bị dính mắc, tâm chấp đã hết thì không bị dính mắc vậy.

Hỏi : Thế nào là "dùng cái không biết chấm dứt tất cả biết" ?

Đáp : Chỉ là nhờ câu thoại đầu khởi lên nghi tình, nghi tình là không biết, giữ được cái không biết, tự nhiên tất cả biết đều chấm dứt, chứ không phải cố ý muốn khởi niệm chấm dứt. Giữ được nghi tình tức là chấm dứt , sự chấm dứt đó tự động, hễ khởi ý muốn không biết, muốn chấm dứt cũng không được.

Nói "chấm dứt" chỉ là để giải thích tác dụng của nghi tình, không giải thích thì nghi tình cũng tự động chấm dứt tất cả biết. Ví như khi sáng thì tối mất, khi tối thì sáng mất.

Hỏi : Thế nào là khảo công phu sau mỗi kỳ Thiền thất ?

Đáp : Khảo là khảo sát, theo quy củ của Thiền đường, sau một kỳ Thiền thất là khảo sát công phu, xem có thật sự dụng công hay không ? Như ngài Lai Quả nói :" trong Kỳ Thiền thất, bao nhiêu người phải bận rộn, Long thiên hộ pháp, người hộ thất v.v. nếu hành giả không có công phu thì phụ lòng bao nhiêu người hộ trì cho đả thất". Nên người chủ thất phải khảo sát mọi người trong Thiền thất có dụng công hay không, hỏi là biết liền.

Hỏi : Tới cảnh giới yên tịnh là thế nào ?

Đáp : Cảnh giới tốt cũng chẳng thật, cảnh giới xấu cũng chẳng thật, có cũng chẳng thật, không cũng chẳng thật, nếu chấp cái "không " cho là thật, bệnh càng nặng hơn. Phàm đối đãi là biên kiến, cảnh giới gì cũng chẳng sao, chỉ là đừng chấp thật. Trường hợp tham đến cảnh giới yên tịnh, thân thể lắc lư cũng không chướng ngại, chỉ cần giữ nghi tình không biết, chỉ chú trọng đến nghi tình, tất cả biết sẽ bớt dần , bớt đến không còn biết gì cả, còn lại tâm không biết. Cuối cùng tâm không biết bùng nổ, tức các bệnh kiến văn giác tri hết, tác dụng của bộ não chấm dứt, cái biết của tự tánh hiện ra, gọi là Chánh biến tri, cũng gọi kiến tánh thành Phật.

Hỏi : Trong Cội Nguồn Truyền Thừa có đoạn " Tánh Thiền không trụ, lìa trụ nơi Thiền định; tánh Thiền vô sanh, lìa sanh có Thiền tưởng" . Thế nào là lìa sanh có thiền tưởng ?

Đáp : Người tham thiền nếu giữ được nghi tình, làm sao có sanh khởi thiền tưởng ? Có thiền tưởng tức biết mình tham thiền, phải luôn cả tham thiền cũng chẳng biết, mới thật sự không biết. Hễ còn biết tức bệnh còn, chưa phải cái biết bản thể Tự tánh khắp không gian thời gian.

Hỏi : Làm sao tháo gỡ tam độc tham sân si ?

Đáp : Kinh Duy Ma Cật nói :"tánh tham sân si là giải thoát". Nếu chấp thật có ba thứ tham sân si thì tham sân si là tam độc, nếu chẳng chấp thậtù, tham sân si vốn chẳng thật có, tức thành giải thoát, đó là nói theo Giáo môn. Còn Thiền môn càng giản dị : Chỉ cần không biết, đã là trị, đã là lìa rồi, cũng chẳng cần biết tới có chấp thật hay không chấp thật, nếu biết là tai họa.

Hỏi : Con theo Sư phụ đã lâu, đến nay vẫn chưa được cái gì, ấy cũng do chấp tâm của con, nên Sư phụ cho một bài kệ :" Thấy gió động là tự tâm thổi cây, biết mây sanh là Tự tánh nổi trần. Nếu biết rõ việc hôm nay, thì che khuất mặt bản lai". Nhưng sao cho đến nay con vẫn thấy cây còn động ?

Đáp : Do kiến giải quá nhiều, lại tự cho kiến giải của mình cao hơn người khác, chính những cái đó làm chướng ngại công phu. Kinh Pháp Bảo Đàn nói :" Trực tâm là đạo tràng", tâm phải ngay thẳng, tâm không ngay thẳng thì dù tu cách nào cũng chẳng thành chánh pháp, chỉ thành tà ma ngoại đạo.

Bệnh này cũng vì chưa tin tự tâm, muốn có sở đắc có sở cầu, có sở sợ, hễ tin tự tâm đầy đủ, tự nhiên tin nhân quả; có nhân mới có quả, chứ chẳng phải có thể dùng trí thức của mình, dùng thủ đoạn có thể mong cầu được. Khỏi cần mong cầu, nếu nhân đã gieo thì chẳng cầu quả cũng đến. Nếu không gieo nhân, mà muốn dùng thủ đoạn, trí thức để đắc, dù đắc được cũng là gieo cái ác nhân, sau này được ác quả, chẳng phải hưởng được quả do mình đoạt.

Hỏi : Dụng công thế nào mới được thâm nhập công phu ?

Đáp : Chẳng có phương tiện gì khác, chỉ cần đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, chính cái nghi tình không hiểu không biết, hễ giữ được nghi tình là tất cả giải quyết. Tham Tổ Sư Thiền rất chú trọng nghi tình, ngoài ra chẳng phương tiện nào khác.

Hỏi : Có phải Đức Phật là người đầu tiên được giác ngộ ?

Đáp : Kinh Viên Giác nói vấn đề trước sau là việc trong chiêm bao, còn ở trong luân hồi. Nếu đã ra khỏi luân hồi thì chẳng còn việc trước sau, chẳng còn đối đãi. Nay chưa ra khỏi luân hồi, trong chiêm bao nói mê ngộ, trước sau, sanh tử . cũng là việc trong chiêm bao, cứ đem việc chiêm bao nghiên cứu mãi, cho là hợp lý hay không hợp lý, là việc đáng buồn cười, vì vốn chẳng có thật ! Nên chư Phật chỉ muốn chúng ta thức tỉnh, để không còn bị lý chướng.

Hỏi : Chúng con có thể tự giác ngộ, hoặc lý bắt buộc phải có thầy ?

Đáp : Chẳng có lý bắt buộc. Trong Kinh Viên Giác nói : Thừa Thanh Văn, nghĩa là do nghe âm thanh của Phật mà giác ngộ, còn Bích Chi Phật nghĩa là độc giác, phải tự mình giác ngộ. Chính ngài Lục Tổ nói :" Tự tánh mình saün có thiện tri thức", cũng có người chẳng nhờ thầy thuốc mà hết bệnh, nhưng nay do chấp tâm quá nặng, phải có thầy thuốc mới được,

Hỏi : Tại sao có những sách giác ngộ, tác giả nói "Nếu có sơ sót, xin hãy chỉ giáo cho" ? Đã là sách giác ngộ, tại sao còn sơ sót ?

Đáp : Chớ nói là sách của phàm phu, dù là kinh Phật , vẫn còn có sơ sót. Lại, khi in phải qua khâu sắp chữ, khâu in, làm sao tránh khỏi sai sót ? Chính từ câu nói của Phật, cũng còn mâu thuẫn : Ví như nói "Từ vô thỉ đến nay", đã vô thỉ làm sao đến nay ? Ví như Phật nói " Chỉ có nhất Phật thừa, chẳng có hai và ba." , chính Phật dạy thừa Thanh Văn, Duyên giác, Đại thừa. vậy đâu có đúng ? thế là lời Phật tự mâu thuẫn sao ? Vì bản thể Tự tánh chẳng thể nói, chẳng thể suy lường, hễ dùng lời nói của thế gian tự nhiên phải có sai sót vậy.

Hỏi : Con đồng ý là ngôn ngữ có giới hạn, nhưng sự giác ngộ làm sao có sơ sót ?

Đáp : Nay tôi kể một công án làm bằng chứng cụ thể :

Ngài Cao Phong, Nguyên Diệu Thiền sư đã phá được Trùng quan, thầy của ngài hỏi :

- Ban ngày ồn ào, làm chủ được không ?

- Được.

- Ban đêm chiêm bao, làm chủ được không ?

- Được.

- Lúc ngủ mê chẳng chiêm bao, chẳng suy nghĩ, chủ ở đâu ?

Ngài trả lời không được. Thầy bảo :

- Từ nay về sau, chớ học thiền học đạo, cứ đói ăn mệt ngủ, khi thức giấc rồi phải tự hỏi "nãy giờ ngủ mê chẳng chiêm bao, chủ ở đâu?".

Như thế tham thêm 5 năm, một hôm đang ngủ, người đồng tham ngủ bên cạnh đánh rơi chiếc gối phát ra tiếng, khiến ngộ triệt để, mới đến Mạt hậu Lao quan.

Trước kia do bị sự ngộ của Trùng quan chướng ngại, chẳng thể đến Lao quan, nay sự ngộ ấy tan rã, mới đến được Lao quan. Người đã triệt ngộ, do giữ sự ngộ còn không được, nay ông chưa ngộ, cứ muốn ôm cái ngộ đó, làm sao được ? Kinh vốn chẳng đúng sai, do ông chấp thật, cho là kinh phải đúng, nên mới thành sai , ấy là tâm của ông sai.

Trong Kinh Pháp Bảo Đàn , có người hỏi Lục Tổ :

- Pháp của Huỳnh Mai người nào được ?

Đáp : Người ngộ thì được.

Tổ có được không ?

Đáp : Tôi chưa ngộ.

Nếu chấp thật, thì Lục Tổ nói đúng hay sai ? Cho nên, đuổi theo lời nói là con chó đuổi theo cục xương. Hễ tôi trả lời theo câu hỏi của ông cũng là sai.

* Tòng lâm Trung Quốc là người nào đến ở cũng được, người ở lại Tòng lâm gọi là thường trú, mọi người như là người chủ trong chùa, bất cứ ở lại một ngày, mười ngày hay mười năm, tất cả quyền lợi và nghĩa vụ đều bằng nhau, đến khi nào đi khỏi mới thôi.

Trụ trì của chùa thường là người đã kiến tánh, do quan chức địa phương thỉnh về làm chức vị Trụ trì.

Có một vị Trụ trì đặt ra ba điều kiện, người nào hội đủ ba điều kiện mới được ở lại. Do ba điều kiện đó quá khắc khe, khó thực hành, nên chẳng ai được thông qua.

Một hôm, có một vị Tăng đến , đi gặp thẳng ngài Trụ trì, Trụ trì hỏi :

- Đã thông qua ba điều kiện chưa ?

Đáp : Điều kiện gì chẳng cần biết, nay con chỉ muốn ở lại !

Ngài Trụ trì mừng rỡ, liền sắp xếp chỗ ở cho vị đó.

Tại sao ? Vì bấy lâu nay cả ngàn người đến mà mọi người do chấp theo lời nói, nên chưa ai được vào.

Hỏi : Giới Thanh Văn như Ngũ giới, mười giới, Sa di giới, Tỳ Kheo v.v. đều chỉ là tận hình thọ, vậy Bồ Tát giới thì sao ?
Đáp : Bồ tát giới thì khác, từ kiếp này qua kiếp khác, từ thân này đến thân Phật, mãi mãi không mất, cho đến chứng quả vẫn còn. Tại sao ? Vì Bồ tát giới là giới tâm địa, hễ tâm không mất thì giới không mất. Vì là giới tâm địa, nên mống tâm là phạm.

Hỏi : Trong Trung Phong Pháp Ngữ có bài ca Liền Thôi ( Tức Hưu Ca ), chữ THÔI này là thôi cái gì ? Có phải thôi cái vô thỉ vô minh ?

Đáp : Tất cả lời của chư Phật chư Tổ đều là phương tiện tạm thời, bản thể Tự tánh gọi là bất nhị, lấy gì để thôi ? Vô minh vốn chẳng có, làm sao có gì để thôi?

Tất cả đều do vô minh mới có sanh khởi; từ vô minh sanh nhất niệm vô minh, tức tác dụng bộ não, rồi chia thành muôn ngàn sai biệt. Người kiến tánh phá tan vô thỉ vô minh, tất cả đều không còn, tức bản tri hiện, gọi là kiến tánh thành Phât.

Nay do chúng sanh chấp thật có, nên nói là "thôi", nếu không còn chấp, lấy gì để thôi ? Đó chỉ là phương tiện, nay khi thực hành, khởi lên nghi tình không hiểu không biết, đã là thôi rồi ! Bát nhã không qua sự tác ý, không qua sự tác ý là chẳng làm, chẳng làm mà làm, do sự dụng của Bát nhã tự làm, có qua sự tác ý là vọng, là tác dụng của bộ não.

Hỏi : Con nghe nói Tịnh độ niệm Phật một câu tiêu tám muôn ức kiếp tội, nay tham thiền thì sao? Được mau tiêu tội không ?

Đáp : Chớ nói niệm một câu Phật hiệu tiêu được tám muôn ức kiếp tội, hễ niệm Phật một câu tiêu được một ngày tội cũng đủ rồi ! Cứ suốt ngày tạo tội, chỉ cần niệm một câu Phật liền tiêu, vậy thì đâu có sợ tạo tội ! Một kiếp biết bao lâu không ? Hễ một câu niệm Phật tiêu được tám muôn ức kiếp tội, thì hiện nay tội đã không còn.

Niệm Phật hiệu rất dễ, đời người chỉ có một trăm năm, vậy cứ tạo tội mãi mà chẳng sao! Nếu được như thế, đâu cần làm thiện, cực khổ tu hành làm gì ? Nên biết câu nói trên là sai, vì không có nhân quả, tức tạo ác nhân cũng được thiện quả ? Việc không có nhân quả là phá hoại Phật pháp, không nên theo.
Hỏi : Đại Thừa Khởi Tín Luận từ đời ngài Mã Minh đến nay , đã trải qua gần hai ngàn năm không đính chính, sao đến nay ngài Nguyệt Khê mới đính chính ? trong khi các Phật học viện đều dùng luận này làm tài liệu giảng dạy ?
Đáp : Phật pháp gọi là tùy duyên, chư Tổ từ xưa nay đều là tùy duyên, kể cả việc hoằng pháp. Phật Thích Ca nói :"Không có duyên là không độ được", duyên chưa đến, nói ra người ta chẳng tin cũng vô ích, duyên đã chín mùi, nên nói ra là người tin.

Pháp sư Nguyệt Khê chẳng những đề cập đến tác phẩm Đại Thừa Khởi Tín Luận, còn nói đến Chứng Đạo Ca : Ngài nói tác giả bài Chứng Đạo Ca chẳng phải là của Vĩnh Gia Đại sư, mà là của Thần Hội,, có dẫn chứng cụ thể trong cuốn Cội Nguồn Truyền Thừa.

( Sư phụ dẫn dụ về Chơn như duyên khởi, lượt qua )

Hỏi : Tất cả cảnh giới đều chẳng thật, tại sao kinh nói "Bát nhã vô biên nên ngũ uẩn vô biên"?

Đáp : Nếu có thật phải có biên, làm sao vô biên ? Vì chẳng thật nên nói là vô biên.

Hỏi : Vì sao Kinh Kim Cang có hai phần giống nhau : Đức Phật đã thuyết ở phần trước, phần sau lại thuyết thêm một lần nữa ? Ví dụ Phật thuyết : " chẳng phải có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp " ?

Đáp : Phật thuyết về bề mặt thì người ta chấp về bề trái, rồi Phật lại phải phá bề trái. Ví như Phật nói "phá chấp thật", mọi người không chấp cái thật, lại chấp cái giả cho là thật; Phật nói "tất cả đều chẳng thật", chúng ta lại đuổi theo câu nói đó, cho là thật có cái " tất cả đều chẳng thật" ấy, nên phải thuyết hai lần: Lần trước phá chấp thật, lần sau phái cái chấp "Chẳng thật" đó.

Hỏi : Có phải khi tham đến nghi tình thành khối mới thật sự chấm dứt cái biết ?

Đáp : Đúng. Nghi tình thành khối là chơn nghi, mới thật sự chấm dứt được, còn bây giờ có lúc biết có lúc không biết, chưa phải thật chấm dứt. Nhưng phải tiến dần, giữ được nghi tình lâu thì sự biết giảm bớt, và cái không biết thêm dần.

Hỏi : Ngài Tăng triệu nói "huyền đạo ở nơi tuyệt xứ, nên không biết mà biết". Không có xứ sở làm sao biết ?

Đáp : Tuyệt xứ là nghĩa vô sở trụ, không có chỗ mới khắp không gian, đâu có thiếu sót !

Hỏi : Thế nào là "tham là chánh tri, nghi là chánh hạnh" của Lai Quả Thiền sư ?

Đáp : Chánh tri là không biết. Giữ được nghi tình là chánh tri, tức chánh hạnh. Vì không có chỗ biết , khắp không gian thời gian, nên gọi là chánh tri.

Một vị tăng trình công phu: Gần đây, công phu của con có những hiện tượng như là : làm việc thì làm, đi đứng nằm ngồi tựa như vô ký nhưng không phải vô ký. Có khoảng độ nửa giờ, con không biết mình là cái gì, rồi thấy tối hết cả bầu trời , rồi bù đầu bù óc, lỗ tai nghe một tiếng bừng, nhường như bể tung cả đầu hoặc điếc cả lỗ tai. Trải qua ba-bốn ngày như thế. rồi con tự nói "Mặt mũi của ta không phải như thế này!" vậy nên như thế nào và không nên như thế nào ?

Đáp : Ở trên đã nói, chánh tri chánh hạnh là nghi tình, những gì sư mới kể đó là biết hay không biết ? Nếu không biết làm sao kể ra ? Đó là cái biết chứ chẳng phải cái không biết của nghi tình.

Sách Nho nói :" Một ngày là ba năm, ba năm như một ngày", ấy còn có biết về thời gian, Sư nói "không biết", thì làm sao biết rõ khoảng khắc đó là nửa tiếng? Đó là do không giữ được nghi tình, nếu thật sự không biết, thì luôn cả cái không biết cũng không biết.

Nay tôi kể một công án cho sư tăng trưởng lòng tin tự tâm :

* Ngài Đại Huệ là vị Tổ sư danh tiếng, dù đã kiến tánh, nhưng chưa ra hoằng pháp chính thức. lúc ngài còn làm Thủ tọa ở một Tòng lâm, vì ngài đã kiến tánh, nên được mọi người ghi lại tất cả lời nói thành ngữ lục. Trong đó có một vị tăng, đang đọc Ngữ lục của ngài được giải ngộ, mừng rỡ tưởng đã chứng ngộ, bèn tìm đến ngài để xin ấn chứng,

Nói :

- Con xem Ngữ lục của ngài được ngộ, nay đến trình sự ngộ của con.

Đại Huệ nói :" Không phải, không phải, hãy đi đi !"

Tăng nói : Con chưa trình ra, sao nói không phải ?

Đại Huệ nói :" Không phải, không phải."

Tăng muốn nói hai ba lần mà ngài cứ đuổi đi. Vì hễ ngộ là lạnh nóng tự biết, sao lại phải trình ? Sự ngộ đâu phải đuổi theo lời nói để trình ? Hễ có trình tức chưa ngộ. Ví như sự ngộ của ngài Lâm Tế, ( Sư phụ kể về công án Lâm Tế được ngộ, lượt qua ) Sau khi ngộ, Lâm Tế đánh lại Huỳnh Bá, vậy mà Huỳnh Bá cười ha hả. Ấy là trình sự ngộ, đâu có kể ? Về sự ngộ của Thiền sư Nam Tuyền : Thầy của ngài hỏi :
- Hôm nay nấu cơm đủ ăn không ?

- Ngậm cái miệng chó lại !

Aáy là trình sự ngộ. Người đã ngộ đâu có vấn đáp gì, hễ còn kể ra là chưa đến ngộ, là lý chướng, là tác dụng của bộ não. Nay muốn đạt đến pháp yên ổn, phải chấm dứt tướng bệnh, cứ ôm tướng bệnh cho là đúng thì làm sao đạt đạo ?

Hỏi : Xin Sư phụ khai thị về ý chỉ những công án trên ?

Đáp : Người đã ngộ là chứng pháp vô sanh, pháp đã vô sanh, lấy gì để nói ? Làm sao có cái gọi là hợp lý ? Ví như công án của Mã Tổ và Hoài Nhượng, hỏi : "Xe bò không đi, đánh xe phải hay đánh bò phải ?" Theo lẽ thường của thế gian là phải đánh bò, nhưng nếu hiểu như thế không bao giờ ngộ. Hễ kể ra có lý tức chưa ngộ,còn chấp vào lời nói văn tự, kẹt nơi lý chướng. Những công án kể trên là sự chướng và lý chướng đã không còn.

Hỏi : Xin Sư phụ chỉ cho cách buông bỏ ?

Đáp : Bản thể tự tánh bất nhị, do A La Hán chưa kiến tánh triệt để, chỉ ở nửa đường, nên ngài ca Diếp mới bảo phải buông bỏ. Chẳng những quả A La Hán, chứng quả Phật vẫn còn phải buông bỏ, nếu cho "ta đã chứng quả Phật" tức còn ngã chấp, trong kinh gọi là chúng sanh tướng. Nếu còn trụ nơi Niết bàn là Thọ giả tướng, còn giữ cảnh ngộ tức chưa cứu cánh.

Hành giả tham thiền đề câu thoại đầu khởi lên nghi tình, giữ được nghi tình là buông bỏ.

Hỏi : Thế nào là "con chó nhảy qua tường" và "con chuột qua sừng trâu" trong Thiền Thất Khai Thị Lục ?

Đáp : Thí dụ chỉ là phương tiện tạm thời, Tự tánh bất nhị, chẳng thí dụ nào có thể đến. Lời nói, văn tự, suy nghĩ còn chẳng thể đến, nói gì đến thí dụ ? Chớ nói là thí dụ, dẫu cho tên gọi, như ngài Tăng Triệu nói " Tên chẳng đúng thật, thật chẳng đúng tên", chấp thật thí dụ là kẹt nơi danh tướng, người tu hành phải lìa danh tướng, chớ bị kẹt vào danh tướng.

Lời nói của chư Phật chư Tổ chỉ để tăng cường lòng tin của mình để quyết tử tu, chứ không phải để chấp vào thí dụ.

Hỏi : Làm sao biết là khai tiểu ngộ ?

Đáp : Tiểu ngộ tức giải ngộ, cũng là cái biết của người mù, chướng ngại cho đại ngộ. Đại ngộ là chứng ngộ, tri giải đã tuyệt, chẳng còn kiến giải nào mới được chứng ngộ. Nói " mạng căn" tức là sự ngộ, , "mạng căn chưa dứt" là còn giữ cái ngộ, chỉ là tiểu tử tiểu hoạt, dù đã ra khỏi sanh tử luân hồi, nhưng sự dụng chưa được đại cơ đại dụng, nên gọi thọ mạng tướng. Mạng căn dứt là đến Lao quan, khi nào sự ngộ ấy tan rã mới đến Lao quan.

Nay hành giả tham Thiền cần lo đi đến ngộ, đang tham thiền hiểu thiền hiểu đạo còn không cho, làm sao muốn biết đến sau khi ngộ ? Chưa ngộ mà cứ muốn ôm cái ngộ trước, ấy là sự chướng ngại, không khi nào ngộ được.

Hỏi : Chúng con đi dự đám tang, có thể mang theo chuông báo hiệu không ?

Đáp : Hành giả tham Thiền không có nghi thức gì cả, nghi lễ lâm chung phải làm sao ư ? Phật pháp chỉ cần giải thoát khổ sanh tử , hồi thời Phật đâu có những thứ này ? Ấy do người đời sau bày đặt ra, là thuận theo thế tục , người ta làm theo nghi lễ phiền phức, nay mình cũng hành theo, vậy đâu có khác ! Chính Phật Thích Ca ngăn ngừa những nghi lễ này, nhưng sau này con cháu còn làm quá hơn Bà La Môn. Nay thấy Tông Tịnh độ có nghi lễ của Tịnh độ, lại muốn đặt ra nghi lễ của Thiền tông để thay thế, có khác gì thay sợi dây xích sắt bằng sợi dây xích vàng ! Chi bằng cởi bỏ, có phải tự do không ?

Ngài Lục Tổ nói :"Thiền định giải thoát là nhị, chẳng phải Phật pháp", nay chúng ta tu pháp môn nào cũng vì muốn đạt đến giải thoát, nhưng tại sao Lục tổ nói giải thoát không phải Phật pháp? Do chấp thật có sự trói buộc, nên phải giải thoát, Vốn chẳng có trói buộc, đâu cần giải thoát ! Như tôi thường thí dụ về căn nhà xoay, căn nhà vốn không có xoay, làm sao nói là ngưng xoay ?Thiền tông tự ngộ vốn chẳng trói buộc, nên không có giải thoát.

Hỏi : Việc đốt liều trên thân như thế nào ?

Đáp : Ngày nay thọ giới Bồ Tát phải đốt liều trên đầu, nhưng việc này không có trong giới luật. Những Luật sư chính thức bên Luật tông , cũng như trong cuốn Giới Luật Học Cương Yếu nói " đó là những thói quen xấu do người đời sau bày đặt ra". Trong Kinh Phật cũng có nói về vấn đề đốt liều, nhưng phải hiểu ý Phật, hãy xem kỹ lại Kinh Lăng Nghiêm về phần lược giải của tôi sẽ hiểu sâu sắc hơn.

Hỏi : Thế nào "không trụ tướng bố thí" ?

Đáp : Người bố thí thường cho ta là năng thí, có người nhận sự bố thí, trong đó có tài vật bố thí, ấy là trụ tướng bố thí. Hành giả tham thiền chỉ giữ nghi tình tham tới mãi, bố thí mà chẳng biết mình bố thí, chẳng có năng sở, tức không trụ tướng bố thí.

Nhưng, bố thí tài vật thân mạng, không bằng bố thí tri kiến : Nhiều người bảo họ bỏ thân mạng thì được, bỏ tri kiến thì không, dù bỏ thân mạng, bằng mọi cách cũng phải bảo vệ tri kiến, giữ lại tri kiến của mình, bằng mọi lý do chống cự lại người phá tri kiến của mình, vậy làm sao đến được tri kiến Phật ?

Trung Quán Luận nói :"Diệt kiến yên ổn pháp", phải dứt sạch tất cả tri kiến, mới có thể đến tri kiến Phật, được pháp yên ổn. Pháp yên ổn tức pháp Niết bàn, hễ còn năng sở đối đãi thì không bao giờ đến được.

Kinh Duy Ma Cật nói :" Pháp chẳng thể kiến văn giác tri, nếu hành theo kiến văn giác tri, ấy là kiến văn giác tri, chẳng phải cầu pháp".

Hỏi : Bố thí tất cả tri kiến có phải còn trụ nơi Hữu Dư Niết Bàn ?

Đáp : Đã bố thí tất cả tri kiên, làm sao có tri kiến Niết bàn ? Nếu chấp có Niết bàn thật để trụ, cũng là tri kiến vậy.

Hỏi : Trong Triệu Luận nói :" Đại tượng vô hình, không thấy mà thấy", là thấy thế nào ?

Đáp : Cái thấy của bản thể khắp không gian thời gian, luôn luôn như thế, cái thấy của bộ não chẳng thể thấy. Có hình và vô hình là đối đãi, sự thấy của bản thể vốn chẳng dính dáng với có hình và vô hình, vì đã cùng khắp.

Hỏi : Thế nào là tri chẳng có hai người, pháp chẳng có hai thứ ?

Đáp : Tri là biết, cái biết của bản thể là Chánh biến tri, khắp không gian thời gian, ở ngoài không gian chẳng có không gian, ở ngoài thời gian chẳng có thời gian. Chỉ có một cái tri, nay thêm vào cái tri chẳng cùng khắp của bộ não, thành hai cái tri, vậy thành có hai người sao ? Thực tế chỉ là một cái tri, còn cái tri của bộ não là tướng bệnh, khi mạnh thì không . Nay tham thiền là chấm dứt tướng bệnh, cho tướng mạnh hiện ra.

Hỏi : Vậy cái tri của bộ não có phải là cái bóng của Chánh biến tri ?

Đáp : Nói là bóng cũng không đúng. Kinh Lăng Nghiêm nói "Bản tri là đệ nhất nguyệt", do con mắt bệnh mới thấy mặt trăng thứ hai, chứ chẳng phải bóng của mặt trăng thứ nhất.

Hỏi : Sư phụ nói "pháp chẳng hai thứ", nhưng tại sao Đức Phật dạy vô lượng pháp môn ?

Đáp : Vô lượng pháp môn là phương tiện, vì bệnh chấp của chúng sanh vô lượng, nếu bệnh chấp của chúng sanh không có thì một pháp cũng chẳng có. Cho nên nói :" Không có pháp gọi là Phật pháp". Kinh Kim Cang nói " Pháp còn phải bỏ, huống là phi pháp!" , " Ai nói Như Lai có thuyết pháp là phỉ báng Phật", " Vốn chẳng có một pháp do Như Lai thuyết ".

Hỏi : Ngài Bảo Phương dạy "Sau khi ngộ lấy vô tâm làm chánh dụng", ngài Lai Quả nói "Sau khi ngộ khởi vọng tưởng cho nhiều", hai điều trên có chống đối nhau không ?

Đáp : Lời của chư Tổ đều là tùy bệnh cho thuốc, chúng sanh chấp cái nào phá cái đó. Nếu nói vô tâm là dụng, thì Tổ sư lại nói :"Vô tâm còn cách núi muôn trùng". Bất cứ chấp hữu chấp vô đều là bệnh, nếu chấp VÔ là thật, tức chấp vào đoạn diệt, thành ngoại đạo. còn nói về "sau ngộ phải nổi vọng tưởng" là bảo nhiệm, tất cả chỉ là lời diễn tả, không thật.

Hỏi : Ngài Nguyệt Khê đã ngộ, sao còn đi bác sĩ chữa bệnh ?

Đáp : Ở thế gian phải tùy duyên của thế gian, có bệnh thì đi tìm thầy thuốc, người kiến tánh cũng vậy. Ấy là thị hiện thân bệnh, đến lúc lâm chung cũng thị hiện sanh tử, chẳng có đặc biệt hay khác hơn người thường. Nên nói pháp xuất thế gian chẳng hoại pháp thế gian, nếu có hoại pháp thế gianthì chẳng phải chánh pháp. Do đó, pháp thế gian, pháp xuất thế gian bất nhị, chẳng phải có hai, do người chấp thật mới thành hai.

Hỏi : Nghiên cứu Thiền Đạo Tu Tập của Trương Trừng Cơ và Thiền Luận của Suzuki có lợi ích gì ?

Đáp : Chẳng có lợi ích, vĩnh viễn không thể đạt đến kiến tánh. Tác dụng của Tổ Sư Thiền là muốn trị hết tướng bệnh của bộ não, nên phàm lọt vào suy nghĩ, lời nói văn tự, đều là tướng bệnh. Có lý cũng là tướng bệnh, hễ lập ra chơn lý là phải đúng lý hay không đúng lý, Tự tánh bất nhị, làm sao có đúng hay không đúng, hợp hay chẳng hợp ?

Suzuki dạy người giải công án chứ không phải tham công án, cứ giải thấu công án này rồi dạy công án khác để tìm hiểu đáp án, chỉ là kiến giải, là kéo dài tướng bệnh, chẳng thể trị hết bệnh mù.

Kinh Lăng Nghiêm nói "Tất cả tri kiến đều là căn bản của vô minh, thuộc pháp sanh diệt, chẳng kiến lập tất cả tri kiến mới là tri kiến Phật". " Tri kiến vô kiến, tư tức Niết bàn", Niết bàn không sanh diệt, làm sao dùng bộ não có thể giải được !

Còn Trương Trừng Cơ cao hơn Suzuki một chút, cũng là bệnh chấp thật, ( Sư phụ dùng chữ VÔ của Bát nhã Tâm kinh để dẫn chứng, lượt qua ). Phải diệt hết tất cả lý chướng và sự chướng, mới có thể kiến tánh thành Phật.

Hỏi : Ra sức tham Thiền có ảnh hưởng gì không ?

Đáp : Ông đạp xích lô là phải ra sức đạp, nhưng tham thiền khởi lên nghi tình chỉ là dùng cái không biết chấm dứt tất cả biết, đã không biết thì làm sao biết ra sức ? Chỉ là cảm thấy không biết, cái không biết đó chạm với tánh sẳn biết rồi tự thành nghi tình, khỏi cần ra sức.

Lúc đầu hoằng dương Thiền tông, do mọi người đối với pháp Tổ Sư Thiền còn mới lạ, vì muốn tăng trưởng lòng tin của mọi người, nên tôi dùng phương tiện khuyên hành giả ráng, dù nhức đầu, tức ngực, khó thở cũng không sao.

Cũng như Phật Thích Ca dạy người tu Tiểu thừa, đến khi chứng quả A La Hán, Bích chi Phật rồi, bảo người Nhị thừa bỏ pháp đó, để tiến tu Đại thừa. Lời của tôi cũng vậy, là khiến cho mọi người có lòng tin, đến nay lòng tin pháp môn đã vững, tôi nói là phải tin tự tâm : Nếu lòng tin tự tâm đầy đủ thì khỏi cần ra sức. Vì "ra sức" chỉ là phương tiện tạm thời cho lúc ban đầu, nếu ra sức mãi sẽ có hại.

Hỏi : Sau khi Sư phụ ra đi, đối với những người phát tâm tham thiền thì sao ?

Đáp : Sự thật chẳng phải có pháp nhất dịnh gọi là Phật pháp. Kinh Kim Cang nói "Pháp, phi pháp, phi phi pháp", chẳng có pháp nhất định mà Như Lai thuyết. Chánh pháp chỉ là trị bệnh chấp thật của chúng sanh mà thôi.

Theo cơ bản cuốn Đường Lối Thực Hành Tham Tổ Sư Thiền này, nếu tin tự tâm đầy đủ thì biết tự tâm mình bằng như chư Phật, tức Chánh biến tri khắp không gian thời gian, tự nhiên thực hành được chín chữ " Vô sở đắc, vô sở cầu, vô sở sợ", tự nhiên đúng với tông chỉ Tổ Sư Thiền. Dù kiếp này chưa kiến tánh, kiếp sau cũng sẽ kiến tánh. Vì có nhân ắt có quả, đến trước hay sau cũng sẽ đến. Có tôi ở đây hay vắng tôi cũng chẳng khác, chỉ là theo Đường lối thực hành tham Tổ Sư Thiền để thực hành, và có thể đọc thêm một số Kinh sách để tăng trưởng lòng tin tự tâm, chứ không phải dạy thêm giáo lý..

Hiện nay mỗi tháng hai kỳ giải đáp thắc mắc cũng chỉ vì hành giả chưa đủ lòng tin, mới đưa ra câu hỏi, và tôi giải đáp để tăng cường lòng tin cho quý vị mà thôi, chứ không phải là tôi cho biết thêm giáo lý cao siêu.

Kinh Kim Cang nói :" Pháp còn phải bỏ, huống là phi pháp", lại , "như chiếc bè qua sông, đến bờ thì phải bỏ bè", đâu có pháp thật ? Nếu chấp có pháp thậât là nghịch với ý Phật vậy.


Mục Lục | Phần 1 | Phần 2 | Phần 3 | Phần 4 | Phần 5 | Phần 6

 


Vào mạng: 1-1-2002

Trở về thư mục "Thiền Phật giáo"

Đầu trang