Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
 
Huệ Siêu hỏi Phật
trích từ Bích Nham lục 碧巖錄
Thiền sư Tuyết Đậu Trọng Hiển & Viên Ngộ Khắc Cần trứ
Wilhelm Gundert dịch Đức ngữ và chú giải
Chân Nguyên dịch Việt sau khi đối chiếu nguyên bản Hán văn
(Các chú giải trong ngoặc […] và phần lớn cước chú được Giáo sư Gundert thêm vào, cước chú bắt đầu bằng kí tự ✧ xuất phát từ người dịch Việt)

 

慧超問佛
Viên Ngộ thuỳ thị

C

hỉ một câu đi trước lời nói ấy thôi – nghìn thánh chẳng ai truyền cho các ngươi. Nếu chưa từng thân kiến thì nó có vẻ như cách xa hàng nghìn thế giới.

Thiết sử ai đó đạt được một nhận thức về những gì đi trước tiếng nói, có khả năng tiệt đoạn lưỡi thiên hạ – hắn vẫn chưa phải là một kẻ tháo vát đích thật.

Vì thế mới bảo: Trời chẳng thể che, đất chẳng thể chở, hư không chẳng thể dung chứa, mặt trăng mặt trời không thể chiếu rọi. Ở nơi không Phật mà có thể tự vỗ ngực xưng tôn, lúc ấy mới có thể chấp nhận đôi chút.

Như thế có thể vẫn chưa phải. Nhưng, nếu các ngươi thấu hiểu điểm sáng ở đầu cọng tóc ấy, thấy nó phóng ánh sáng chói loà thì lúc ấy có thể đi bảy bước dọc, tám bước ngang, có thể tự do tự tại chính trong vạn pháp, nắm bắt tất cả những gì lọt vào tay, và lúc này không còn gì là không phải cả.

Các ngươi thử nói xem: Đạt được gì mà có thể thực hiện những điểm kì đặc như thế? Và ta đây lại nói nữa: Đại chúng các ngươi có thấu hiểu hay không?

Ngựa xưa đẫm mồ hôi, giờ đây còn ai biết?

Những công trình xưa vang bóng một thời – người ta không bao giờ khen đủ.

Những gì ta vừa nói tạm gác qua một bên! Nhưng công án Tuyết Đậu vừa đề ra thì sao? Hãy xem những gì được ghi lại dưới đây!

Bản tắc của Tuyết Đậu

T

ăng vấn Pháp Nhãn: Huệ Siêu có việc muốn hỏi Hoà thượng: Thế nào là Phật?

Pháp Nhãn bảo: Ngươi là Huệ Siêu.

Trước ngữ của Viên Ngộ

»Tăng vấn Pháp Nhãn:« – Muốn gì đây? – Hắn đã mang tờ kết án trên vòng cổ. [Chỉ hành động đến hỏi thôi cũng cho thấy hắn chưa an ổn trong lòng. Ai thâm tâm bình an chẳng cần hỏi nữa làm gì.]

»Huệ Siêu có việc muốn hỏi Hoà thượng: Thế nào là Phật?« – Nói gì vậy? – Tròng mắt lọt ra ngoài.

»Pháp Nhãn bảo: Ngươi là Huệ Siêu.« – Cứ được tuôn ra từ khuôn đúc của ông ta. – Một cái bánh sắt! – Ngươi chiếm một con cờ, ta cũng đoạt của ngươi một con. [Ngươi đến đây hỏi Phật, ta đáp ngươi Huệ Siêu.]

Viên Ngộ bình xướng về bản tắc

Thiền sư Pháp Nhãn am hiểu đặc điểm đồng thời của hiện tượng con gọi mẹ giúp[1] cũng như việc ứng dụng kĩ xảo này. Chính vì vậy nên Sư mới có khả năng đưa ra một lời đáp như trên, một lời đáp – như người ta thường nói – siêu việt âm thanh sắc tướng. Nó là biểu hiện của một tâm thức tự do tự tại đế vương, có thể đưa đoạt tuỳ thời, giết chết hoặc làm sống lại tuỳ ý. Quả thật là kì đặc.

Nhưng trước sau vẫn có nhiều người lấy công án này làm đối tượng thương lượng, không ít người lấy tình thức mà suy đoán nó. Họ không biết là cổ nhân phàm đưa ra một câu nửa câu tương tự như một người ban đêm lấy đá cọ xoẹt lửa, như một làn điện chớp chiếu sáng, chỉ cốt rọi sáng, mở toang con đường chân chính cho người khác thấy. Người sau chỉ biết suy ra từ ngôn cú rồi giải thích: Huệ Siêu chính là Phật rồi, đó chính là ý nghĩa trong câu trả lời của Pháp Nhãn. Kẻ khác lại bảo: Huệ Siêu này giống như một người cưỡi trâu đi tìm trâu. Lại có người bảo rằng: Chính câu hỏi đã đúng rồi [trong câu hỏi đã có Phật]! Nào có tương can gì đến sự việc? Nếu suy ngẫm như thế thì họ không những cô phụ chính mình, mà còn chôn vùi cả cổ nhân.

Nếu các ngươi muốn thấy được toàn cơ của vị thầy này thì trừ phi là một người đánh một gậy chẳng quay đầu lại, răng như rừng kiếm, miệng như chậu máu; một người chạy thẳng đến ngay mục đích nằm ngoài ngôn ngữ. Chỉ như vậy mới có được chút phần tương ưng. Nếu chỉ cắm đầu vào tình thức tìm cách giải đáp thì các ngươi hệ thuộc vào những người đang tiệt đoạn chủng tộc của lão Hồ [tăng-già của đức Phật] trên thế gian. Việc Thiền khách Huệ Siêu nghe câu nói ấy liền ngộ rồi ra đi chỉ có thể được hiểu là ông ta đã lấy việc tu tập cũng như tham vấn những bậc cao minh làm trách nhiệm, hoạt động hằng ngày. Chỉ như vậy nên khi nghe câu trả lời trên, ông ta mới có cảm giác như cái thùng lủng đáy vỡ toang.

Cũng tương tự như trường hợp vị Giám viện tên Tắc trong pháp hội của Pháp Nhãn, chưa từng đến hỏi hoặc nhập thất nơi thầy mình bao giờ. Ngày nọ, Pháp Nhãn hỏi ông ta: Giám viện Tắc vì sao không đến ta nhập thất? Tắc đáp: Hoà thượng không biết con đã đút đầu vào chỗ của Thanh Lâm rồi hay sao? Pháp Nhãn bảo: Nói thử xem! Tắc thuật lại: Con hỏi thế nào là Phật. Thanh Lâm đáp: Hai đồng tử Bính và Đinh đến xin lửa.[2] Pháp Nhãn bảo: Lời dạy hay; nhưng ta ngại là ngươi hiểu sai. Giải thích kĩ hơn xem! Tắc bèn nói: Bính và Đinh có liên hệ với lửa; như vậy thì chúng đi xin lửa mặc dù đã có lửa, giống như con đã là Phật mà còn đi tìm Phật! Pháp Nhãn bảo: Thấy chưa, Giám viện Tắc! Ngươi quả nhiên hiểu sai! Tắc bực tức, đứng lên từ giã rồi một mình sang sông đi mất. Pháp Nhãn bảo chúng: Nếu ông ta quay trở lại thì có thể cứu được, bằng không thì vô phương cứu chữa. Giữa đường, Giám viện tự nhủ: Ông ta là thiện tri thức đứng đầu năm trăm chúng, không lí nào lại lừa gạt ta? Nghĩ như thế bèn quay lại, một lần nữa yết kiến Pháp Nhãn. Pháp Nhãn nói: Ngươi cứ hỏi đi, ta sẽ vì ngươi trả lời. Tắc bèn hỏi: Thế nào là Phật? Pháp Nhãn đáp: Hai đồng tử Bính và Đinh đến xin lửa. Tắc nghe câu này liền đại ngộ.

Thời nay có người chỉ biết mở to mắt nhìn trừng rồi bảo: Giám viện Tắc có lí với câu nói của ông ta và câu trả lời của Pháp Nhãn cũng chẳng phản đối chút nào!! Ai đã từng tham học lâu dài thì chỉ nghe qua những loại công án như thế này là thông suốt được ngay điểm tinh yếu được đề ra. Trong trường hợp này thì môn đệ trong tông môn Pháp Nhãn thường nói: »Hai mũi tên đương đầu nhau.« Họ chẳng sử dụng ›Ngũ vị quân thần‹ [của Thiền sư Lương Giới tại Động sơn], hoặc ›Tứ liệu giản‹ [của sư Lâm Tế Nghĩa Huyền], mà chỉ luận về trường hợp hai mũi tên trúng nhau. Đây chính là gia phong của Pháp Nhãn. Hạ một cú là người ta thấy ngay được then chốt. Vừa gặp được một điểm sáng thì đã thấu hiểu được tất cả. Nếu nghe câu nói trên mà suy nghĩ lâu dài thì các ngươi sẽ mò mẫm trong bóng tối không biết chừng nào mới thôi.

Từ khi công khai hoá độ, Pháp Nhãn dẫn đầu năm trăm chúng với kết quả là Phật pháp thời bấy giờ rất hưng thịnh. Lúc ấy có Quốc sư Đức Thiều [sau trụ tại núi Thiên Thai],[3] nương học nơi Sơ Sơn [đệ tử Động Sơn Lương Giới] đã lâu. Sư ta tự cho mình đã đạt được tông chỉ của thầy mình, viết lại những lời dạy của Sơ Sơn cũng như sưu tầm hình tượng của vị này và giờ đây, lĩnh chúng hành cước [xem như tự xưng là thầy của thiên hạ]. Đến hội của Pháp Nhãn, Sư cũng không đoái hoài đến việc nhập thất tham thỉnh, chỉ lệnh đồ chúng của mình theo vào thất tham vấn. Ngày nọ, sau khi Pháp Nhãn thăng toà, một vị tăng bước ra hỏi: Thế nào là một giọt nước nguồn Tào?[4] Pháp Nhãn đáp: Là một giọt nước nguồn Tào. Vị tăng buồn bực, ra vẻ thất vọng và trở về chỗ cũ. Nhưng ngược lại, Đức Thiều đứng trong đại chúng nghe đấy bỗng nhiên đại ngộ.[5] Sau đó xuất thế kế thừa Pháp Nhãn.[6] Sư có bài tụng trình Pháp Nhãn như sau:

Thông Huyền, đỉnh núi đơn độc này

Nó chẳng phải là chỗ của nhân gian

Tâm là tất cả, chẳng có gì bên ngoài

Con mắt chứa đầy núi xanh.

通 玄 峰 頂, 不 是 人 間

心 外 無 法, 滿 目 青 山

Thông Huyền phong đỉnh, bất thị nhân gian

Tâm ngoại vô pháp, mãn mục thanh sơn.

Pháp Nhãn nghe tụng liền đóng dấu ấn của mình với những lời sau: Chỉ bài tụng này cũng đủ kế thừa Ngũ tông. Ngươi sau này được vương hầu tôn kính, ta chẳng bằng.[7]

Hãy xem! Cổ nhân giác ngộ như thế đấy! Thế nào? Đạo lí gì ư? Các ngươi không thể giản đơn để sơn tăng này giải thích. Mỗi người bọn ngươi phải tham cứu câu này ngày ngày hai lần mười hai giờ, tập trung tinh thần chuyên cần tu tập. Sau đó thì chẳng còn gì khó nữa khi một ngày nọ thõng tay vì người hoá độ tại ngã tư đường.

Đó chính là nguyên do vì sao Pháp Nhãn đáp câu hỏi Phật của vị tăng: Ngươi là Huệ Siêu. Nào có ai cô phụ ai ở đây! Câu hỏi này đúng, không sai. Và câu trả lời của Pháp Nhãn cũng tương tự như vậy. Các ngươi không nghe Vân Môn nói hay sao: »Nếu ai nghe thầy dạy mà không hướng nội tìm hiểu thì câu hỏi và câu trả lời lệch nhau. Còn suy nghĩ tư lượng mãi thì chừng nào mới ngộ được đây?« Các ngươi sẽ tìm thấy bài tụng của Tuyết Đậu ở trang sau, quả thật là hiển hách! Hãy xem thử!

Tuyết Đậu tụng

G

iang quốc gió xuân muốn thổi – nhưng thổi chẳng xong

Chá Cô kêu ríu rít trong lùm hoa rậm

Nơi tam cấp cá vọt nhảy hoá rồng

Còn kẻ si thì giữa đêm còn thấy tát nước nơi bờ đê.

江 國 春 風 吹 不 起

鷓 鴣 啼 在 深 花 裏

三 級 浪 高 魚 化 龍

癡 人 猶 戽 夜 塘 水

Giang quốc xuân phong xuy bất khởi.

Chá Cô đề tại thâm hoa lí

Tam cấp lãng cao ngư hoá long

Si nhân do hỗ dạ đường thuỷ

Trước ngữ về kệ tụng của Viên Ngộ

»Giang quốc gió xuân muốn thổi nhưng thổi chẳng xong« – Từ đâu mà có tin tức này vậy? [Sự kiện này chẳng tương can đến bản công án!] – Nhưng người ta cũng đã thấy được chút ít vẻ xuân. [Huệ Siêu đã có phần ngộ nhập.]

»Chá Cô[8] kêu ríu rít trong lùm hoa rậm« – Ríu rít như thế làm chi? [Chá Gô kêu làm chi? Người ta cũng biết là xuân đến rồi.] – Và gió lại thổi đến với chúng ta bằng điệu khác rồi. [Ban đầu thì nói xuân chẳng muốn đến, bây giờ thì bài tụng lại mang một nhịp điệu khác rồi!] – Nào có chuyện gì đâu! [Các đệ tử không nên lưu tâm nơi những hình tượng này, chúng chẳng có gì quan trọng.]

»Nơi tam cấp cá vọt nhảy hoá rồng« – Ông ta không nên qua mặt đại chúng nghiêm túc! [Chúng ta cũng là những người tương tự như Huệ Siêu. Quá bất lịch sự nếu cứ nói về rồng ...] – Con rồng như thế thì người ta nên đạp vào đầu! Nếu không thì nguy hiểm.

»Còn kẻ si thì giữa đêm còn thấy tát nước nơi bờ đê.« – Họ đứng chặt trên mặt đất, tay thì mò mẫm nơi bờ tường. – Họ đứng bên cổng [để rình ông chủ đã vắng nhà từ lâu]. – Những trò này chẳng phải là việc của nạp tăng. – Như thế là: Ôm gốc cây đợi thỏ.[9]

Viên Ngộ bình xướng về kệ tụng

Tuyết Đậu là một tác gia. Từ những lời lãi nhãi khó cắn, khó nhai, khó thấu, khó thấy, đầy khúc mắc quanh co của cổ nhân mà Sư làm thành một lời tụng để người khác thấy được thì quả thật kì đặc. Sư biết rõ then chốt của Pháp Nhãn; và cũng biết Huệ Siêu ngứa ngáy ở chỗ nào; thêm vào đó thì Sư cũng lo âu việc hậu nhân chỉ hướng theo ngôn cú của Pháp Nhãn mà suy ngẫm sai lệch. Đây chính là những điều kiện tiên quyết của bài tụng Sư trình bày bên trên.

Vị tăng đưa ra câu hỏi như bản công án trình bày, và Pháp Nhãn đưa ra câu trả lời của mình. Đây chính là điểm mà Tuyết Đậu muốn nói đến trong hai câu: »Giang quốc gió xuân muốn thổi nhưng thổi chẳng xong. Chá Cô kêu ríu rít trong lùm hoa rậm.« Hai câu này [nên nhớ!] chỉ là một [nó thành lập một đơn vị tương tự như gà con trong trứng lấy mỏ cạ vào vỏ trứng, khiến gà mẹ biết được, dùng mỏ cứng mạnh của mình tháo gỡ vỏ giúp con]. Các ngươi thử nói xem: Tuyết Đậu nghĩ gì với hai dòng kệ này? Phần lớn mọi người, dù bên Giang nam hay Giang tây, họ đều hiểu việc này hai mặt và quả quyết rằng: Câu đầu »Giang quốc gió xuân muốn thổi nhưng thổi chẳng xong« hướng về lời đáp của Pháp Nhãn »Ngươi là Huệ Siêu«. Ngoài ra họ chẳng còn gì để nói. Như vậy thì gió xuân cũng chẳng có can đảm dấy lên [cự lại câu trả lời oai phong khiến tất cả câm nín của Pháp Nhãn]. Câu kệ thứ hai »Chá Cô kêu ríu rít trong lùm hoa rậm« được hiểu như những cuộc tranh luận sôi nổi về câu nói của Pháp Nhãn, tương tự như tiếng kêu ríu rít của bầy Chá Cô trong lùm cỏ rậm. Nào có tương can gì đến sự việc! Họ chẳng hề biết là hai câu của Tuyết Đậu chỉ là một. Nơi đây phải lành lặn không được có một chỗ vá, chỗ nứt nào. Ta nói với các ngươi rõ ràng ràng nơi đây: Ngôn trình bày đúng và ngữ cũng trình bày đúng. [Tuyết đậu cũng nói tương tự như vậy trong bài kệ tụng của công án thứ hai.] Nó che đậy cả trời lẫn đất. Kẻ kia hỏi: Thế nào là Phật? Pháp Nhãn đáp: Ngươi là Huệ Siêu. Và Tuyết Đậu nói thêm vào: »Giang quốc gió xuân muốn thổi nhưng thổi chẳng xong. Chá Cô kêu ríu rít trong lùm hoa rậm.« Nếu các ngươi gom góp tất cả lại được [như một người đánh bạc thắng gom tiền của mình] thì sẽ một mình đi dưới vầng hồng. Còn nếu lấy tình thức mà suy ngẫm, giải thích thì còn phải trải qua ít nhất ba cuộc sống nữa, nếu không muốn nói là sáu mươi kiếp!

Trong câu thứ ba và tư thì Tuyết Đậu quá ư từ bi, đã vì người thuyết phá [những gì Sư ám chỉ mập mờ trong hai câu đầu]. Sư trình bày sự kiện Thiền sư Huệ Siêu nhân câu nói của Pháp Nhãn mà đại ngộ và so sánh nó với hai câu »Nơi tam cấp cá vọt nhảy hoá rồng. Còn kẻ si thì giữa đêm còn thấy tát nước nơi bờ đê.« Tam cấp tại Vũ Môn – cũng được gọi là Long Môn[10] – được hình thành [theo truyền thuyết xưa] là nhờ vua Vũ cho khoan thủng dãy núi nơi ấy và dựng ba đập nước [để giảm được phần nào sức nước mãnh liệt cũng như dẫn nước tưới ruộng đồng]. Và khi hoa đào nở vào ngày mồng ba tháng ba thì trời đất sở cảm, khiến từng con cá [cụ thể là những con cá chép lớn mạnh] bơi ngược dòng, nhảy vọt qua những thác nước, qua Long Môn này. Nếu con nào nhảy vượt Long Môn được thì đầu mọc sừng, đuôi kéo dài ra như bờm ngựa, rồi vồ lấy mây mà bay đi. Con nào không vượt qua được phải quay trở lại, đầu mang thương tích.

Nếu kẻ si nào cứ cắn nhai ngôn cú [tức là câu hỏi của Huệ Siêu và lời đáp của Pháp Nhãn] thì họ giống như những người »giữa đêm còn thấy tát nước nơi bờ đê« để tìm cá. Họ hoàn toàn không biết là cá đã hoá rồng lâu rồi. Sư ông Thủ Đoan[11] có một bài tụng như sau về sự việc này:

Ông ta rút một tờ tiền sáng ngời

Và mua một cái bánh chiên

Nhâm nhi, nuốt vào bụng

Chẳng hề nghe ông ấy than đói.

一 文 大 光 錢

買 得 箇 油 糍

喫 向 肚 裏 了

當 下 不 聞 饑

Nhất văn đại quang tiền

Mãi đắc cá du từ

Khiết hướng đỗ lí liễu

Đương hạ bất văn cơ.

Bài tụng này rất hay; chỉ có điều quá thô vụng. Ngược lại, bài tụng của Tuyết Đậu thì quá khéo; nó chẳng có góc cạnh sắt bén nào làm tay người bị thương. Xưa kia có một vị Tạng chủ tên Khánh[12] rất thích bài tụng của Tuyết Đậu, thường hỏi đệ tử: Ngươi nghĩ thế nào về câu: »Nơi tam cấp cá vọt nhảy hoá rồng«? Ta tự thấy câu hỏi này chẳng cần thiết. Chỉ muốn hỏi các ngươi như sau: Nơi nào ngày nay mà cá còn hoá rồng bay mất?

Wilhelm Gundert bình giảng

Về năm đoạn của lời thuỳ thị

1. Theo truyền thuyết về cuộc đời đức Phật tại Đông á thì hoàng hậu Ma-da, vợ của vua Tịnh Phạn muốn về nhà cha mẹ tại Koli để sinh con. Nhưng dọc đường, bà chuyển bụng bất ngờ, đành phải dừng chân tại Lam-tì-ni để rồi sinh đứa con trai đầu tiên của mình tại đây. Ngay sau khi sinh thì có bốn vị thiên thần xuất hiện, tán tụng đứa bé. Đứa bé sơ sinh này quay nhìn bốn phương tám hướng, đứng dậy đi bảy bước. Sau đó, nó lấy tay phải chỉ đất, tai trái chỉ thẳng lên trời vào bảo: Trên trời dưới đất chỉ có ta là đáng tôn kính. Tam thế đều là khổ. Ta sẽ an tĩnh chúng.

Qua một cách rất mộc mạc, đơn giản mà người ta đưa vào thế giới quan của chúng ta một quan điểm hoàn toàn mới lạ, ngược đời. Một câu nói nhỏ được gán vào mồm của một đứa bé sơ sinh – một câu mà chẳng ai có thể nói được, bởi vì ngay lập tức sẽ bị thiên hạ cho là cuồng điên, là nhảm nhí. Nhưng mặc dù vậy, những người mang tâm thức nhạy bén, cảm nhận được điều bí ẩn huyền diệu nơi đức Phật, họ không thể trình bày điểm bí ẩn này bằng một cách nào khác hơn là chính cái »câu nói nhỏ« ấy. Nó đứng phía trên tất cả những người tu học đạt Phật quả như một ngôi sao dẫn đường, như vậy đặc biệt là những người trong thiền lâm. Chỉ một điều là mọi người trong giới thiền cũng đã biết đây là điều bí ẩn sâu kín nhất mà đương đầu với nó, mỗi lời phát biểu đều phải thất bại. Nó chẳng thể nào trở thành một câu nói đầu lưỡi. Nó chính là »câu nói nhỏ« trung tâm, nhưng lại đi trước tiếng nói. Chính vì vậy mà nó không để người truyền miệng và người nào chưa thân kiến vẻ tôn nghiêm bao trùm của nó trong thâm tâm thì có lẽ thấy nó xa tít thăm thẳm.

2. Nhưng mà – sẽ có những người suy nghĩ ›khách quan‹ kháng biện –, câu ấy đứng rõ ràng trên giấy mực! Nó được ghi lại trong Phật sở hạnh tán,[13] trong Cāryanidāna[14] cũng như những thánh điển khác. Và không phải là những vị Tổ sư trong tăng-già đã dùng tri thức sắc bén của mình để phân tích nó ra từng thành phần để người khác, để hậu nhân tầm đạo có thể nghiên cứu, luận giải để rồi thuyết giảng cho quần chúng hay sao? Những Cao tăng theo giáo môn thời Viên Ngộ đã có những công thức rõ rệt để xác định thế nào là thể tính của một vị Phật và một người nào đó có thể tu học thành Phật như thế nào. Nhưng, chính qua đó mà những gì đi trước ngôn ngữ lại bị lôi cuốn, sa lạc vào ngôn ngữ, và ›sự việc ấy‹ giờ đây – nó bị thất lạc.

3. ›Sự việc‹ được nói đến, chính nó lại siêu việt tất cả không gian, chỉ được trực chứng trong thâm tâm. Và khi nó xuất hiện thì tất cả những bức tường ngăn cản trước đây sụp đổ như cát bụi. Phật-đà, hình tượng gương mẫu, kẻ cứu nhân độ thế, người mang niềm vui đến nhân loại bỗng dưng tan biến, trở thành một kẻ vô danh. Bản ngã, và cùng với nó, những cái ngã xung quanh chìm đắm. Từ chiều sâu thăm thẳm lại xuất hiện một tự tính thanh tịnh, chẳng còn gì khác tồn tại hơn là một sự tôn nghiêm bất khả xâm phạm. Và cá nhân trước đây – vừa kinh động vừa sung sướng – tự nhận được chính mình trong chiều sâu thăm thẳm này: Nó đích thật là ta.

4. Nhưng chính sự việc này – như Viên Ngộ nói tiếp –, nó vẫn chưa phải là cứu kính. Ai chỉ an trú trong cõi tịch tĩnh vừa đạt được sẽ nhận thấy là toàn thế giới xung quanh biến chuyển. Những biến chuyển huyền diệu xuyên suốt tứ hướng thập phương này chính là cái được đề cập, phát triển một cách triệt để ngoạn mục trong bộ kinh Đại phương quảng phật hoa nghiêm. Viên Ngộ nhắc đến những sự việc này với thâm ý; bởi vì Sư hiểu rõ Lão sư Pháp Nhãn, biết là ông ta lúc nào cũng nhận thấy thế giới huyền diệu này ngay trước mắt trong lúc tiếp độ bất cứ một học nhân nào. Đó chính là thế giới của chân tự do, của chân hạnh phúc, nhưng lại chẳng phải là một thế giới nào khác hơn thế giới mà chúng ta đang sống trong ấy. Nó chính là thế giới Pháp Nhãn muốn chỉ học nhân thấu đáo khi Sư gọi Huệ Siêu ngay chính tên của ông ta.

5. Viên Ngộ rất đau lòng khi chứng kiến chúng đệ tử ngay trước mặt. Liệu họ thấy được những gì cổ nhân đạt được sau những cuộc chiến đấu nhọc nhằn? Sư chẳng có thể làm gì khác hơn ngoài việc nhắc lại ví dụ của tiên sư Ngũ Tổ Pháp Diễn trong một câu kệ, so sánh cuộc đấu tranh nội tâm của đức Phật với những thành tích, hành động của những vị anh hùng xa xưa.

Pháp Nhãn Văn Ích, Khai tổ tông Pháp Nhãn

Cũng tương tự như Vân Môn, Thiền sư Pháp Nhãn[15] hệ thuộc vào dòng thiền của hai vị Đức Sơn và Tuyết Phong, mặc dù chỉ nhỏ hơn Vân Môn 21 tuổi, nhưng tính theo hệ thống truyền thừa kể từ Sơ tổ Đạt-ma thì lại sau vị này hai bậc, như vậy là ở thế hệ thứ mười lăm. Sư xuất xứ từ tỉnh Chiết Giang, tại thành phố Dư Hàn gần Hàng Châu. Năm lên sáu, Sư được gửi vào một ngôi chùa tu học và năm lên hai mươi, Sư đến một ngôi chùa tại Thiệu Hưng, vịnh Hàng Châu thụ giới cụ túc. Không bao lâu sau, Sư đến một ngôi chùa cổ kính tại thành phố cảng Ninh Ba, vốn được một vị du tăng người Ấn là Pháp Hữu[16] khai sáng trước đó khoảng 450 năm để tưởng niệm đến vị vua hộ trì Phật pháp danh tiếng người Ấn là A-dục.[17] (Pháp Hữu đi khắp nước Trung Hoa hoằng dương Phật pháp cũng như những kĩ thuật thiền định, có thể được xem là tiền nhân của Bồ-đề Đạt-ma.) Nơi đây, trong ngôi chùa A-dục vương này, người ta còn chú trọng đến việc giữ giới luật truyền thống và đó cũng chính là nhiệm vụ mới của vị tăng trẻ mới đến. Nhưng ngoài đó ra, Sư cũng có những nhu cầu khác như pháp danh được ban khi thụ giới cụ túc của Sư cho thấy: Văn Ích, gọi theo Nhật ngữ: Bun-eki, có nghĩa là ›Lợi ích của văn hoá‹ hoặc ›Ngày càng học biết nhiều hơn‹, tuỳ trường hợp. Thư viện to lớn của ngôi chùa này có vẻ rất thích hợp sở thích của Sư, không những cho phép Sư nghiên cứu kinh điển song song với việc chuyên trì giới luật, mà còn tạo điều kiện để Sư học hỏi, trau dồi văn học cổ điển cũng như thi pháp. Với thời gian, Sư đạt một trình độ rất cao trên những lĩnh vực này. Sau nhiều năm tìm hiểu Phật pháp qua kinh điển, Sư tự phát nguyện tham vấn các vị Thiền sư đương thời, từ biệt chùa A-dục vương và đi về phía miền Nam tỉnh Phúc Kiến, nơi vị Thiền sư trứ danh là Tuyết Phong Nghĩa Tồn từng hoằng hoá và giờ đây, không ít người thừa kế vị này đang hoá độ ngay nơi ấy hoặc những vùng lân cận. Môn đệ đầu tiên của Tuyết Phong Sư yết kiến là Thiền sư Trường Khánh, người mà Viên Ngộ đã nhắc lại trong lời bình giải qua bài kệ ›Băng trong lò‹ trong bản công án vừa qua, lúc này đang trú tại một ngôi chùa với vài trăm chúng đệ tử dưới trướng, cách cửa Tây thành phố Phúc Châu khoảng hai giờ đường bộ. Vẻ tôn nghiêm của vị Đại nhân hiếm có này khiến Sư rất kính phục. Sư nhiều lần thỉnh vấn nhưng không tìm được ánh sáng mong chờ. Và như vậy, Sư trở về thành phố Phúc Châu, đi từ cửa Tây sang Tây hồ, giữa đường gặp một cơn mưa như trút nên đành phải tạm dừng ở Thiền viện Địa Tạng.[18] Vị trụ trì ở đây là môn đệ của Huyền Sa, cũng là một đại đệ tử của Tuyết Phong như Vân Môn và Trường Khánh. Vị cháu của Tuyết Phong này đã kiến lập Thiền viện đây với sự giúp đỡ của Mân vương, mang hiệu của thiền viện là Địa Tạng. Ông ta chỉ hơn Văn Ích mười sáu tuổi, nhưng đó chính là điểm thuận lợi cho việc thông hiểu nhau giữa khách và chủ. Họ luận đàm nhiều với nhau, bởi vì vị thiền khách từ chùa A-dục vương tại Ninh Ba đã đi quá giới hạn của Phật giáo thuần tuý, rất chuộng bàn luận về những vấn đề triết học.

Một ngày nọ, hai người đang nói về những bài luận của một vị Cao tăng với pháp danh Tăng Triệu (384-414), được gọi chung là Triệu luận, với nội dung là những vấn đề như tồn tại, phi tồn tại, nhất thể, đa dạng và những điểm tương tự. Luận bàn đến chỗ: »Ta có cùng gốc với trời đất; ta cùng tất cả vạn vật là Một«, Địa Tạng hỏi đệ tử mình: Thế thì ngươi cùng sơn hà đại địa là một, hay khác biệt? Khác biệt, Văn Ích trả lời. Địa Tạng chỉ đưa hai ngón tay lên mà chẳng nói lấy một câu. Văn Ích vội chỉnh lại: Là đồng. Địa Tạng lại đưa hai ngón tay ra, không nói thêm một câu nào rồi đi mất. Văn Ích thâm tâm rối loạn, chỉ biết ngồi lặng yên.

Sau một thời gian, Văn Ích đã trở thành Thủ toạ tại thiền viện Địa Tạng. Nhưng Sư vẫn còn muốn hành cước, vẫn còn ôm ấp nguyện vọng tham vấn các vị Thiền sư khác. Một hôm, Địa Tạng hỏi Sư: Thủ toạ Văn Ích, ông muốn đi đâu khi trời quang mây tạnh, đường đi rộng mở? Văn Ích đáp: Con chẳng có một mục đích cố định nào, chỉ muốn là một du tăng hành cước mọi nơi. Địa Tạng hỏi: Sự việc mà vì nó, nạp tăng khắp nơi hành cước – nó về phía ngươi ra sao? Văn Ích thưa: Con chẳng biết thế nào. Ngươi bảo con chẳng biết, Địa Tạng nói tiếp; cái ›chẳng biết‹ này mới thật là đúng vậy. Ngay lúc này Văn Ích có chút ít ngộ nhập. (Cuộc đàm thoại này được đưa ra làm một công án trong Thong Dong lục, ra đời không bao lâu sau quyển Bích Nham.)

Đến lúc li biệt, Địa Tạng tiễn vị Thủ toạ của mình đến cổng. Đi ngang qua một phiến đá trang trí vườn cảnh, Địa Tạng bỗng nhiên chỉ phiến đá hỏi: Ngươi thường bảo: »Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức«. Như vậy thì phiến đá kia thật trong tâm ngươi, hay ở bên ngoài? Văn Ích, nương vào câu chân ngôn kia bèn nói: Tất cả đều do tâm tạo; con thiết nghĩ phiến đá kia cũng chẳng ở ngoài tâm. Địa Tạng thở dài bảo: Một gã hành cước quá tốt đẹp! Không biết hắn có lí do gì mà lại đặt phiến đá vào tâm của mình! Văn Ích muốn thưa trình, nhưng chẳng biết mở miệng ra sao; Sư nhận biết thâm tâm chưa ổn, xin phép Địa Tạng được ở lại thêm để hầu cận.

Địa Tạng cho phép Sư lưu lại, nhưng từ đấy lúc nào cũng giữ một khoảng cách nhất định. Văn Ích phải tự tham cứu, càng lúc càng hành hạ mình với những vấn đề triết học, lấy những gì được trình bày trong kinh Đại phương quảng phật hoa nghiêm làm chủ đề nghiên cứu, đặc biệt là phẩm Hoa nghiêm[19] với những giáo lí »Sự sự vô ngại«, »Lí sự vô ngại« v.v… Nhưng mỗi lần Sư trình bày những mối suy nghĩ của mình trước vị thầy, ông ta chỉ cười to chế nhạo và nói: Ngươi vẫn chưa biết thế nào là Phật pháp; nó hoàn toàn khác những lí thuyết này. Văn Ích cùng quẫn, không biết làm gì khác hơn là quì vập đầu lễ bái cầu khẩn: Hoà thượng từ bi. Lời con đã hết, lí con đã cùng. Địa Tạng đầy đủ uy nghiêm, đứng thẳng lên và bảo: Cứ chỉ luận về Phật pháp một cách chân chính thôi thì tất cả sẽ hiện thành. Văn Ích nghe những câu này có cảm giác như màng nhĩ bị thủng. Mồ hôi toát ra ướt đẫm. Thùng nước đã vỡ đáy, nước chảy tràn lan, chẳng còn mặt trăng nào có thể phản chiếu trong ấy. Sư tự nhận được cõi trống không mênh mông, tất cả đều mang một gương mặt mới. Địa Tạng giờ đây không còn một chút nghi ngờ nào, truyền tâm ấn của thầy mình là Huyền Sa cho Văn Ích và vị này giờ đây có thể an tâm đi con đường riêng của mình. Theo một thông tin thì sự kiện trên xảy ra vào năm 935; nếu quả thật như vậy thì Văn Ích đạt trình độ hoằng hoá đúng lúc năm mươi tuổi! Người xưa quả thật nghiêm túc trong việc tu học đến nơi đến chốn, chờ đợi cho đến khi cơ duyên thật đầy đủ.

Từ Phúc Châu tỉnh Phúc Kiến, Văn Ích đi đến Giang Tây, đến thành phố Phú Châu. Nơi đây, Sư nhận lời mời của một vị quan trụ trì một ngôi chùa, bắt đầu thâu nhận đệ tử công khai hoằng hoá. Học chúng đến rất đông. Không bao lâu sau, vương triều tại Nam Kinh cũng nghe danh, thỉnh Sư trụ trì một ngôi chùa lớn tại đây. Vua thường mời Sư vào cung thưa hỏi. Sau đó, Sư đến ngọn núi đẹp nhất của thủ đô trụ trì, Thanh Lương sơn ở hướng Tây thành phố, vẫn còn nằm trong phạm vi của bờ thành vĩ đại này. Từ đây người ta có thể chiêm ngưỡng con sông Dương Tử to lớn, có một tầm nhìn xuống thành phố rất ngoạn mục. Từ lúc này, Sư lấy ngọn Thanh Lương này làm trụ điểm của tông Pháp Nhãn, một tông phái có những nét rất đặc biệt trong phạm vi Ngũ gia thất tông tại Trung Hoa. Theo gương của vị Khai tổ Pháp Nhãn, môn đệ của tông này lúc nào cũng lưu tâm đến những vấn đề triết học, đặc biệt là việc nghiên cứu bộ kinh Hoa nghiêm và giáo lí xuất phát từ kinh này. Một thời gian ngắn trước khi tịch, trong lúc vương triều Hậu (Nam) đường dần dần bị nhà Hậu chu lấn áp từ miền Bắc, rồi hoàn toàn rơi vào tay của vương triều mới (tiền thân nhà Tống sau này) vào năm 956, Sư còn được Chu Thế Tông (921-959) kính trọng, thường đến tham thỉnh. Mùa hè năm 958, trong một buổi lễ long trọng, Sư được Thế Tông thuỵ hiệu là Đại Pháp Nhãn và dưới danh hiệu này, Sư đi vào lịch sử nhà Thiền.

Trong quyển thứ ba của bộ Thiền luận[20] của mình, nhà văn Phật học rất được mến chuộng là D. T. Suzuki giảng thuật mối liên hệ giữa Thiền tông và giáo lí Tứ pháp giới của kinh Đại phương quảng phật hoa nghiêm, đặc biệt là phẩm Hoa nghiêm trong bốn bài luận rất đặc sắc. Ông diễn giảng rằng, sự phản bác mạnh mẽ của những tông phái khắt khe trong thiền lâm cuối cùng là nguyên do chính vì sao bộ kinh Hoa nghiêm cũng như các công trình nghiên cứu kinh này hoàn toàn bị quên lãng. Ông rất tiếc khuynh hướng phát triển này, bởi vì, nếu xem xét kĩ thì Thiền chẳng gì khác hơn là việc thực hiện giáo lí Hoa nghiêm, áp dụng nó trong cuộc sống hằng ngày; hai chiều hướng gắn bó rất chặt chẽ với nhau đối với những người biết tư duy. Và mối liên hệ mật thiết nêu trên hiển hiện rất rõ qua cuộc đời hoằng hoá của sư Pháp Nhãn. Sau cuộc đàm thoại quan trọng với Địa Tạng, Sư vẫn thường lấy kinh Hoa nghiêm ra nghiên cứu, khuyên chúng đệ tử nên chú tâm vào bộ kinh với những hệ thống triết học siêu việt này. Mặc dù vậy, sau cuộc diễn biến nội tâm nơi Địa Tạng thì Sư đã trở thành một người khác, hoàn toàn khác một học giả Hoa nghiêm đơn thuần. Sư đã đi đến nơi mà những con đường quanh co được miêu hoạ trong kinh này hội tụ, đã đến một biển ánh sáng, đã sống trong nguồn ánh sáng rực rỡ này và tìm cách mở mắt thế nhân để họ cũng có thể chứng kiến được. Trong bản công án kế theo sau thì những vinh hoa của Phật-đà được miêu tả trong kinh mặc dù là bối cảnh quan trọng, nhưng lại hoàn toàn không được nhắc đến chút nào. Điểm quan trọng được trình bày nơi đây chỉ là việc thân kiến, trực chứng nội tâm, và nó lúc nào cũng bắt đầu bằng một cách rất âm thầm kín đáo. Như ví dụ sau đây chỉ rõ, tài năng kì đặc của Thiền sư Pháp Nhãn nằm ở chỗ Sư nhìn thấu được những hoạt động nội tâm mặc dù cặp mắt thế nhân không thể thấy, tai không thể nghe, và qua đó biết được tâm thức của đệ tử có chín mùi chưa, có sẵn sàng tiếp nhận ánh sáng chưa để rồi hạ một cú hỗ trợ quyết định. Thiền sư Kính Thanh mà chúng ta sẽ gặp trong bản công án 16 có lẽ là người đầu tiên so sánh hiện tượng tâm tâm thấu hội mật thiết giữa thầy và trò với hiện tượng gà con kêu gà mẹ mổ. Ngay lúc đạt đủ năng lực thoát khỏi vỏ trứng thì trên đầu mỏ gà con mọc lên một cái mỏ phụ bằng chất sừng, và với dụng cụ này, nó bắt đầu mài cọ vỏ trứng từ bên trong. Đồng thời, gà mẹ cũng nghe tiếng động này, giúp con mình bằng cách mổ từ bên ngoài, tháo gỡ vỏ trứng. Trong nghệ thuật độc đáo này, Pháp Nhãn là một bậc Đại tông sư.

Một ví dụ điển hình chính là bản công án được trình bày. Nó nhắc đến một vị Thiền sư Huệ Siêu và thời điểm Pháp Nhãn làm vị này sáng mắt. Ngoài sự kiện trên thì người ta cũng không biết nhiều thêm, chỉ biết Sư rất được kính trọng và tịch vào năm 979.

Lời phát biểu của Pháp Nhãn trong bản công án cực kì ngắn gọn, đúng theo phong cách của Sư. Viên Ngộ vì thế lại càng muốn xoay hướng tầm nhìn của khán thính giả về những hoạt động, những diễn biến nội tâm giữa hai thầy trò; Chính vì thế cho nên lời thuỳ thị của Sư kì này rất rõ, lời bình rất sáng sủa và đầy đủ.

Về bản công án

Câu hỏi về nội dung và ý nghĩa của danh hiệu Phật-đà là câu hỏi trung tâm mà mỗi người phải tự đặt ra trong trường hợp muốn tìm hiểu đến nơi đến chốn nguồn tâm lực siêu việt này. Nó là câu hỏi đầu tiên, và cũng là câu hỏi cuối cùng của một cuộc chuyển hoá, phát triển nội tâm, tương tự như câu hỏi trong Cơ-đốc giáo: Các ngươi nghĩ thế nào về đức Chúa![21] (Matth. 22, 42). Trong những Thiền viện thì nó cũng là câu hỏi được đưa ra nhiều nhất, và những câu trả lời của những vị thầy cũng đạt đến hàng trăm. Điểm khác biệt giữa câu hỏi về Phật và Chúa chỉ nằm ở chỗ là trong câu hỏi sau, nhiều hiện tượng ›lịch sử‹ được đưa ra như những điều kiện tiên quyết phải được chấp nhận: Thượng đế dẫn dắt dân Do-thái, điềm lành báo tin xuất hiện của một đấng cứu độ, cuộc đời, cái chết và hiện tượng phục sinh của đức Chúa Nazareth, những hiện tượng mà mỗi người sùng tín phải đương đầu đối diện. Cách nhìn đối chiếu khắt khe giữa chủ quan thế nhân một bên và khách quan siêu nhân một bên như vậy hoàn toàn xa lạ đối với những hệ thống triết học như Vedānta và Phật giáo. Dĩ nhiên là Phật tử tưởng niệm một cách tôn sùng ngày thái tử Tất-đạt-đa Cồ-đàm đản sinh, việc ngài rời cung điện tìm đạo giải thoát, đặc biệt là đêm ngài giác ngộ, cuộc sống cao thượng cứu độ nhân thế, thời điểm nhập niết-bàn. Nhưng ngay từ đầu thì những hành động trên đã vạch cho người đời thấy rõ là con đường giác ngộ của đức Phật là đường đi dành cho mỗi người. Phật-đà là khởi điểm, và cũng là điểm cuối cùng của tất cả những thành tựu, mỗi bức tường ngăn cách giữa đức Phật và một thế nhân nào đó có thể sụp đổ vào bất cứ thời điểm nào cho nên người ta không thể nào quả quyết được là: Phật nơi đó, ta nơi này. Nhìn phía Cơ-đốc giáo thì quan điểm của Johannes-Evangelium có lẽ gần quan điểm nhà Phật nhất. Thánh kinh này cũng thuật lại câu chuyện của đức chúa Jesus, chẳng bao giờ xa lìa nhân thế, nhưng lại có liên hệ mật thiết với một sự luân chuyển vĩnh hằng, bắt đầu bằng câu tuyên bố: tất cả ngay từ đầu đã nằm trong tay Thượng đế, đã Thượng đế và chấm dứt với tâm thức, với Thánh linh. Nhưng chính ngay đây, người ta cũng không hề bỏ qua sự phân biệt khắt khe giữa Thượng đế và thế nhân, giữa đức Chúa và tín đồ. Trường hợp lại hoàn toàn khác biệt trong Phật giáo. Chẳng phải vì Phật tử không biết phân biệt rõ ràng như vậy. Thiền sư Viên Ngộ đã tuyên bố trong lời thuỳ thị »Nếu chưa từng thân kiến thì nó có vẻ như cách xa hàng nghìn thế giới.« Nhưng, chỉ Phật giáo mới đưa ra một quả quyết khó có thể tin được là, sự cách biệt này chỉ là một tấm màn che đậy tạm thời, chúng ta có thể phá tan tấm màn hư huyễn này, có thể cảm nhận sự sụp đổ của tất cả những bức tường ngăn cách trong thâm tâm; thậm chí ngay trong lúc bị tấm màn u mê vây phủ thì chúng ta cũng chỉ có thể sống trong sự đồng nhất này. Hướng về câu hỏi Phật như vậy là, ý nghĩa của hiện tượng thái tử Tất-đạt-đa Cồ-đàm trở thành một vị Phật không phải là điểm quan trọng bậc nhất. Người ta thường nhắc lại một câu nói của ngài: Ta một vị Phật đã thành, các ngươi là những vị Phật sẽ thành. Tu học để thành Phật là điểm quan trọng hàng đầu, chẳng phải việc hiểu biết rõ Phật đã là nhân vật nào. Đề tài này được Huệ Siêu lưu tâm đến trước khi tham vấn Pháp Nhãn. Và nếu chúng ta lưu ý đến cái vẻ thẹn thùng lạ lùng của Sư Huệ Siêu, có vẻ như e ngại bậc Đại tông sư trước mặt chê cười mình vì sao vẫn chưa giải đáp vấn đề này thì có thể suy ngẫm ra được rằng, Sư đã quan tâm đến việc tu học trở thành Phật từ nhiều năm nay, không phải chỉ nghiên cứu văn tự không thôi, mà còn vật lộn, đấu tranh dai dẳng với sự việc tối trọng này. Sư biết tất cả về đức Phật, về truyền thuyết, xem Phật là bậc thầy tôn nghiêm nhất và tu tập ngày ngày để một ngày nào đó có thể bằng ngài. Nhưng, càng tiến triển trên đường tu học thì mục đích lại càng xa dần, và câu hỏi Phật lại càng trở nên quái gỡ.

Như vậy thì giờ đây, Pháp Nhãn thấy nỗi lòng của vị tăng mới đến. Sư biết rõ vấn đề này, và có thể Sư đã chờ đợi giây phút này từ lâu. Sư nhìn thấy ngay hạt bụi cản trở trong mí mắt kẻ đang hỏi. Hạt bụi quấy nhiễu này chẳng phải gì khác hơn chính danh hiệu: Phật. Ông ta vẫn còn ôm ấp quan niệm là Phật ở trước mặt, ở bên ngoài, Phật vẫn còn là một sự việc xa lạ. Dĩ nhiên, nếu như thế thì chẳng bao giờ ông ta đạt được mục đích. Sự việc này tương tự như lời thuỳ thị của Viên Ngộ: »Ở nơi không Phật mà có thể tự vỗ ngực xưng tôn....«. Tuyệt nhiên không được nói về Phật. Ngươi là Huệ Siêu, như vậy đã đủ. Vị tăng này chẳng thiếu gì cả, chỉ cần được gọi tên một lần thôi là đủ. Chẳng cần phải tư lượng gì cả. Như Thiền sư Viên Ngộ thuật lại, ông ta thấy ánh sáng chói loà ngay trước mặt.

Về kệ tụng

Dưới dạng Tứ tuyệt, một dạng thơ bao gồm bốn câu, mỗi câu bảy chữ, được các thi hào Trung Hoa đời Đường phát triển đến tuyệt đỉnh, Thiền sư Tuyết Đậu ca tụng hiện tượng huyền diệu xảy ra giữa Pháp Nhãn và Huệ Siêu trên ngọn Thanh Lương, nơi người ta có một tầm nhìn bao la, nhìn thấy cả con sông Dương Tử. Nơi đây, vị tăng từ lâu đã tranh đấu dành lấy ánh sáng tự do tâm thức. Mùa đông đối với ông đã quá dài. Nhưng, đông càng dài thì xuân lại càng gần. Như chúng ta đã thấy, Viên Ngộ rất muốn nghe ra những nét mừng xuân đầu tiên từ những câu »... muốn thổi nhưng thổi chẳng xong«.

Nhưng chúng ta chẳng cần diễn giảng, tô hoạ ảnh tượng được trình bày nơi đây làm gì. Nó muốn được thưởng thức trọn vẹn với tất cả những nhịp sống, những làn hơi thở nồng nhiệt trong đó. Lời thơ thuyết minh rất rõ. Vùng đồng bằng hạ lưu sông Dương Tử vẫn còn bị ảnh hưởng của sự khác biệt nhiệt độ rất lớn giữa mùa đông và mùa xuân, một đặc tính khí hậu chung của lục địa Trung Hoa. Vì ảnh hưởng của bờ biển lạnh nên thời gian giao tiết đông xuân thậm chí kéo dài hơn cả miền Bắc với khí hậu khô ráo ở đây. Tháng tư rồi mà Thượng Hải vẫn chẳng ấm hơn thủ đô Bắc Kinh bao nhiêu mặc dù thế giới thực vật đã đua nhau đâm hoa đâm chồi. Chỉ khi nước biển đã thâu nhập đủ năng lượng, đủ ấm thì những làn gió xuân ấm áp đầu tiên mới bắt đầu thổi từ phương đông. Huệ Siêu chính là đứa con của miền đất này. Gió xuân đã chuẩn bị lâu trong thâm tâm Sư. Đã đến lúc phải hiện diện. Nhưng, cảm giác xuân vẫn chưa đến, vẫn còn để người mong đợi. Sự việc này thôi thúc thâm tâm Sư, khiến Sư đến Pháp Nhãn tham vấn.

Mặc dù vậy, xuân đã đến! Trong những bụi cỏ rậm trên đồng hoang thì Chá Cô, một loại gà rừng bên sông Dương Tử đã bắt đầu nuôi nấng đám con mới nở của mình. Gà con vừa nở ra thì người ta đã nghe tiếng gọi của mẹ chúng: ›Nam, nam‹, xem như đó là tiếng gọi mừng xuân. Người ta không thể nào trình bày âm thầm nhẹ nhàng những hiện tượng xảy ra giữa Pháp Nhãn và vị tăng Huệ Siêu hơn là cảnh tượng được miêu hoạ. Chá Cô kêu Nam nam; sư phụ gọi: Huệ Siêu! Như gà con rõ được ý nghĩa của tiếng gọi Nam nam, Huệ Siêu cũng lĩnh hội được sự việc khi vị thầy gọi ngay tên của mình. Như vậy đã đủ, cao siêu hơn bất cứ một giáo lí, bất cứ một trí huệ nào khác. Đó chính là, như Rilke có lẽ phát biểu nơi này, »Một cảm nhận sung sướng nắm giữ đáy lòng của chúng ta một cách thầm lặng«. Nó chính là, như Thiền sư Viên Ngộ đã nói, »một câu nhỏ đi trước lời nói«.

Trong phần thứ hai của bài kệ thì cảnh tượng đã được biến đổi, được dời từ sông Dương Tử đến miền Bắc, nơi sông Hoàng mãnh liệt sau một hướng chảy xuôi Nam bỗng nhiên bẻ gắt qua hướng Đông, lìa miền cao nguyên núi đồi ngăn cản, để rồi tuôn xuống miền đồng bằng miền Bắc Trung Quốc. Theo truyền thuyết cổ thì vua Vũ đã cho khoan phá rặng núi, xây tam cấp để chuyển hướng chảy và giảm sức mạnh của dòng sông cũng như sử dụng nó làm thuỷ lợi, tưới nước đồng ruộng. Và truyền thuyết cho rằng, hễ vào ngày mồng ba tháng ba thì cá chép tụ họp lại và tìm cách vượt ba cấp của thác nước này. Nếu vượt được tam cấp thì nó trở thành rồng, Hán ngữ »Long«, hiện thân hạnh phúc của tất cả những năng lực hướng thượng được tìm thấy trong những vùng cao nguyên, nói rõ hơn là hiện thân của hơi nước bay cao trở thành mây, chuyển biến tự do tự tại để rồi hội tụ, gây sấm chớp long trời lở đất. Tuy nhiên, phần lớn những con cá này không kham nổi công trình vượt thác, phải quay lại với đầu mang thương tích.

Với dòng kệ này, độc giả sẽ nhận ra Tuyết Đậu chỉ ngay vị tăng Huệ Siêu và với dòng cuối cùng, Sư hướng về những người không tin vào những điểm huyền diệu vừa được nêu trên. Và Viên Ngộ cũng chẳng quên đóng góp phần của mình vào mẩu chuyện thú vị này.

 

 


禪宗年表〘簡畧〙

Bối cảnh lịch sử Thiền tông

Công Nguyên

 

25-220

Nhà Hậu Hán 後漢

Phật giáo được du nhập vào Trung Hoa

147-189

Hoàn đế 桓帝

~ 150

Những bộ kinh đầu tiên được dịch sang Hán ngữ.

221-263

Thời Tam quốc 三國: Thục Hán 蜀漢, Nguỵ và Ngô .

221-280

Công trình dịch kinh tiến triển, kinh hệ Bát-nhã 般若 lần đầu tiên được dịch sang Hán ngữ.

265-419

Nhà Tấn

317-419

Khu vực vương triều Tấn hạn chế ở miền Nam Trung Hoa.

Tăng chúng Trung Hoa bắt đầu khai thác tư tưởng hàm chứa trong các bộ kinh, tu học trên núi đồi hoang vắng.

401-414

Cưu-ma-la-thập 鳩摩羅什 (s: kumārajīva), một Cao tăng Ấn Độ, xuất thân từ Diêu Tần 姚秦, hướng dẫn công trình dịch thuật kinh điển to lớn dưới ảnh hưởng của hai vị Đại luận sư Ấn Độ là Long Thụ 龍樹 (s: nāgārjuna) và Thánh Thiên 聖天 (hoặc Đề-bà 提婆; s: āryadeva).

414

Tăng Triệu 僧肇, sáng tác Triệu luận 肇論, được xem là những bài luận đầu giúp tăng chúng Trung Hoa hiểu được khái niệm Không (s: śūnyatā)

thời gian kế đến

Các bản dịch thành công hơn của kinh Diệu pháp liên hoa 妙法蓮華 (s: sad­dhar­mapuṇḍarīka) và những bộ kinh khác; công trình nghiên cứu giáo lí phát triển mạnh, giới luật được phát triển, công phu thiền định được thực hiện một cách phổ biến.

 

420-589

 

 

Thời Nam Bắc triều 南北朝.

420-478

Nhà Tống

 

420-557

Nhà Bắc Nguỵ 北魏

429

Phật-đà Bạt-đà-la 佛陀跋陀羅 (s: buddhabhadra) dịch Đại phương quảng Phật hoa nghiêm kinh 大方廣佛華嚴經 (s: avatasaka-sūtra)

444-446

Phật giáo bị cấm, sau đó tăng-già bị bức hại.

433

Trúc Pháp Hộ 竺法護 (s: dhar­ma­raka), dịch kinh Niết-bàn.

452-465

Văn Thành đế 文成帝 ủng hộ tăng-già; nhiều hang động có dấu tích Phật giáo tại tỉnh Sơn Tây (Vân Cương).

~470

Bồ-đề Đạt-ma 菩提達磨 từ miền Nam Ấn Độ đến Quảng Đông.

 

 

479-502

Nhà Tề

532

Bồ-đề Đạt-ma tại Tung sơn 嵩山. Tổ thứ nhất của Thiền tông Trung Hoa.

502-556

Nhà Lương

 

 

502-549

Lương Vũ Đế 梁武帝 ủng hộ Phật giáo nhiệt tình.

542

Đàm Loan 曇鸞, Khai tổ của Tịnh Độ tông 淨土宗.

557-589

Nhà Trần

 

 

—569

Chân Đế 眞諦 (s: paramārtha) dịch các bài luận của Vô Trước 無著 (s: asaga)

 

 

—597

Trí Khải 智顗, Đại luận sư của tông Thiên Thai 天台宗.

593

Huệ Khả 慧可, Tổ thứ 2 của Thiền tông

589-618

Nhà Tuỳ

Đỉnh cao của giáo lí Thiên Thai.

—606

Tăng Xán 僧璨, Tổ thứ 3 của Thiền tông

 

618-906

 

Nhà Đường

—844

Thời phát triển mạnh nhất của Phật giáo; sự phân chia thành nhiều tông phái khác nhau; chùa chiền được kiến lập rất nhiều, đất đai của nhà chùa cũng tăng lên.

627-649

Hoàng đế Thái Tông 太宗; đỉnh cao của thế lực nhà Đường.

629-649

Huyền Trang du học, viếng thăm các thánh tích Phật giáo tại Ấn Độ; hồi hương với rất nhiều kinh sách; khai sáng Pháp tướng tông 法相宗 (s: vijñaptimātratā).

—651

Đạo Tín 道信, Tổ thứ 4 của Thiền tông.

—675

Hoằng Nhẫn 弘忍, Tổ thứ 5 của Thiền tông.

—698

Ba thế hệ của các vị Tổ của Luật tông 律宗.

684-705

Vũ Hậu 武后; triều đình sa sút; chùa chiền được hiến tặng nhiều phẩm vật.

—712

Pháp Tạng 法藏, Khai tổ của tông Hoa Nghiêm 華嚴宗.

—713

Huệ Năng 慧能, Tổ thứ sáu của Thiền tông.

713-756

Hoàng đế Huyền Tông 玄宗, đỉnh cao thứ hai của nhà Đường.

—740

Thanh Nguyên Hành Tư 清原行思 (thế hệ thứ 7 của Thiền tông, nhánh thứ nhất).

754-757

Loạn An Lộc Sơn 安祿山; nhà Đường bắt đầu suy đồi.

—759

Thi hào Vương Duy 王維 trình bày tư tưởng Phật giáo trong thi ca.

756-762

Hoàng đế Túc Tông 肅宗.

763-779

Hoàng đế Đại Tông 代宗.

—774

Ba thế hệ của các vị Tổ tông Chân Ngôn 眞言宗.

—774

Nam Nhạc Hoài Nhượng 南嶽懷讓 (thế hệ thứ 7 của Thiền tông, nhánh thứ hai).

—775

Quốc sư Huệ Trung 慧忠 ở Nam Dương 南陽.

—778

Mã Tổ Đạo Nhất 馬祖道一 (Thiền tông thế hệ thứ 8).

kể từ 800

Nho gia phản đối, chống Phật giáo, đặc biệt phản bác uy thế ngày càng lớn dần của chùa chiền.

806-820

Hoàng đế Hiến Tông 憲宗.

—814

Bách Trượng Hoài Hải 百丈懷海 (Thiền tông thế hệ thứ 9), phối hợp công phu hằng ngày của tăng sĩ với lao động. »Một ngày không làm một ngày không ăn« 一日不作一日不食.

819

Hàn Dũ 韓愈, văn hào giữ chức cao trong triều đình, công khai chỉ trích những hành vi lạm dụng trong Phật giáo.

820-824

Hoàng đế Mục Tông 穆宗, con của Hiến Tông 憲宗.

824-826

Hoàng đế Kính Tông 敬宗, con của Mục Tông 穆宗.

826-840

Hoàng đế Văn Tông 文宗, con của Mục Tông.

840-846

Hoàng đế Vũ Tông 武宗, con của Mục Tông.

844

Pháp nạn. Lệnh thu hồi tài sản của chùa chiền; tăng-già bị cấm đoán; 260.000 tăng ni phải hoàn tục; hơn 4000 ngôi chùa bị phá huỷ; các tông phái Phật giáo tan vỡ, hoặc bị tổn hại lâu dài; hầu như chỉ có Thiền tông vượt khỏi nạn này.

—846

Đại thi hào Bạch Cư Dị 白居易, tự là Lạc Thiên 樂天, rất hâm mộ Phật pháp. Ông có hiệu là Hương Sơn cư sĩ 香山居士.

847-859

Hoàng đế Tuyên Tông 宣宗, em của Mục Tông 穆宗, thu hồi lệnh cấm tăng-già của Vũ Tông 武宗, kiến lập chùa, tuy không bằng số lượng trước đó.

—850

Hoàng Bá Hi Vận 黃檗希運 (Thiền tông thế hệ thứ 10).

—853

Qui Sơn Linh Hựu 潙山靈祐 (Thiền tông thế hệ thứ 10), Khai tổ tông Qui Ngưỡng 潙仰宗.

—865

Đức Sơn Tuyên Giám 德山宣鑒 (Thiền tông thế hệ thứ 11).

—867

Lâm Tế Nghĩa Huyền 臨濟義玄 (Thiền tông thế hệ thứ 11), Khai tổ tông Lâm Tế 臨濟宗.

—869

Động Sơn Lương Giới 洞山良价 (Thiền tông thế hệ thứ 11), Khai tổ tông Tào Động 曹洞宗.

874

Nông gia nổi loạn vì kinh tế lụn bại; nhiều cuộc kháng chiến bùng lên. Nhà Đường suy tàn.

—897

Triệu Châu Tòng Thẩm 趙州從諗 (Thiền tông thế hệ thứ 10).

905-906

Chu Ôn 朱溫 diệt nhà Đường, lập một vương triều mới với tên Lương . Nhà Đường vong.

907-960

Tại Bắc Trung Hoa, năm triều đại »Hậu Đường« được các vị tướng thay phiên kiến lập, mang tên Lương , Đường , Tấn , Hán và Chu , lúc nào cũng bị chủng tộc Khế Đan 契丹 đe doạ từ miền Bắc. Tỉnh Hồ Bắc đã lọt vào tay của họ.

Ở miền Nam thì đầu tiên có mười chư hầu, sau đó bị những chư hầu láng giềng xâm chiếm dần. Họ tự xưng Vương, xưng Hoàng đế. Những vùng họ cai trị là: Thục (Tứ Xuyên), Sở (Hồ Nam), Ngô (hạ lưu sông Dương tử), Ngô Việt 吴越 (Chiết Giang), Mân (Phúc Kiến) và Lĩnh Nam 嶺南 (Quảng Đông)

—908

Tuyết Phong Nghĩa Tồn 雪峯義存 (Thiền tông thế hệ thứ 12). Miền Nam Trung Hoa trải qua một thời văn hoá cao, được thúc đẩy bởi kĩ thuật in ấn (bản gỗ).

—908

Huyền Sa Sư Bị 玄沙師備 (Thiền tông thế hệ thứ 13).

—932

Trường Khánh Huệ Lăng 長慶慧稜 (Thiền tông thế hệ thứ 13).

—949

Vân Môn Văn Yển 雲門文偃 (Thiền tông thế hệ thứ 13), Khai tổ tông Vân Môn 雲門宗.

—958

Pháp Nhãn Văn Ích 法眼文益 (Thiền tông thế hệ thứ 15), Khai tổ tông Pháp Nhãn 法眼宗.

959-960

Tướng Triệu Khuông Dận 趙匡胤 diệt Chu, kiến lập nhà Tống.

 

960-1127

 

Nhà Bắc Tống 北宋

 

960-976

Hoàng đế Thái Tổ 太祖 (Triệu Khuông Dận 趙匡胤); hàng phục dần dần các nước miền Nam. Trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá của Trung Hoa được dời về miền Nam. Miền Bắc luôn bị giặc Khế Đan 契丹 (giặc ›Hồ‹ trong Bích Nham lục) đe doạ. Ngành thương mại phát triển mạnh. Thái Tổ ủng hộ cả Nho giáo lẫn Phật giáo. Hai thế giới quan này ngày càng đến gần nhau. Chùa chiền được kiến lập. Các bản dịch kinh điển được giáo đính lại.

971-983

Đại tạng kinh được in theo chỉ thị của Hoàng đế; hơn 130.000 bản khắc gỗ, 5048 bộ kinh.

976-997

Hoàng đế Thái Tông 太宗 tiếp tục chính sách của anh mình rất thành công. Nội bộ Phật giáo thì các thiền viện nắm ưu thế. Tông Thiên Thai lại phất lên một thời gian. Phép niệm Phật A-di-đà đã vượt khỏi giới hạn của Tịnh Độ tông, hoà nhập vào những tông phái khác, thậm chí cả Thiền tông.

kể từ 1000

Nhà Tống bị đe doạ từ phía Bắc và Tây bắc; thay vì gia tăng lực lượng quân đội thì triều đình chịu dâng lễ vật cho Khế Đan; chính sách kinh tế thiên về những nhà thương mại lớn, bỏ bê nông gia và thương mại nhỏ.

—1052

Tuyết Đậu Trọng Hiển 雪竇重顯, tác giả của những bài kệ tụng trong Bích Nham lục.

1068-1085

Hoàng đế Thần Tông 神宗.

1068-1076

Chính trị và tư tưởng gia Vương An Thạch 王安石 nhiều lần cố gắng thực hiện những cải cách mới do chính ông vạch ra, nhằm bảo vệ nhà nông cũng như các thương gia nhỏ; các đảng phái tranh chấp nhau mãnh liệt, cuối cùng thì bên bảo thủ thắng.

—1101

Tô Thức 蘇識, tức Tô Đông Pha 蘇東坡, một thi hào, văn hào rất hâm mộ Thiền.

1100-1125

Hoàng đế Huy Tông 徽宗, trình độ văn hoá cao, hoạ sĩ kiêm thi sĩ; đỉnh cao của nền văn hoá nhà Tống, nhưng về mặt đạo đức và chính trị thì có nhiều nhược điểm.

1102

Đảng cải cách của Vương An Thạch 王安石 lại có dịp nắm lấy chính quyền; một lần nữa, những tranh chấp giữa các đảng phái lại bộc phát.

1110-1111

Trương Thương Anh 張蒼英 (Trương Vô Tận 張無盡), Thừa tướng cuối cùng của đảng cải cách thất bại.

1111

Viên Ngộ Khắc Cần 圓悟克勤 tại Giáp sơn 夾山, Lễ châu 澧州, biên soạn tác phẩm Bích Nham lục 碧巖錄. Khế Đan bị nhà Kim đe doạ từ phương Bắc. Nhà Tống đặt niềm hi vọng vào vương triều Kim này.

1125

Nhà Kim chinh phục Khế Đan, tấn công luôn cả nhà Tống. Huy Tông thối vị.

1126

Thủ đô Khai Phong bị chiếm; Huy Tông và hoàng tộc bị bắt giam.

 

1127-1279

 

 

Nhà Nam Tống 南宋

1127-1162

Hoàng đế Cao Tông 高宗, con thứ 9 của Huy Tông, trốn thoát về miền Nam, tiếp tục kéo dài vương triều Tống phía Nam sông Dương Tử. Trọng tâm của nhà Tống vẫn còn, và Hoàng đế Cao Tông vẫn trị vì theo chính sách nhượng bộ như xưa, không lưu tâm đến một quân đội hùng mạnh, chỉ giữ thái độ chấp nhận thoả hiệp đối với nhà Kim.

—1135

Viên Ngộ Khắc Cần 圓悟克勤, lúc này là vị Thiền sư nổi danh nhất đời nhà Tống.

—1163

Đại Huệ 大慧 (Thiền tông thế hệ thứ 22), đệ tử của Viên Ngộ, ra lệnh thu thập tất cả những bản hiện hành của Bích Nham lục rồi thiêu huỷ.

1187-1191

Vinh Tây 榮西 (j: eisai), thiền tăng Nhật Bản được hướng dẫn tu tập Thiền theo tông môn Lâm Tế; về Nhật thành vị Tổ đầu tiên của tông Lâm Tế tại đây.

1210

Thành Cát Tư Hãn 成吉思汗 (Thiết Mộc Chân 鐵木眞) bắt đầu tấn công địa phận nhà Kim. Nhà Tống đặt niềm hi vọng vào ông.

1215

Thành Cát Tư Hãn chiếm Bắc Kinh.

1223-1227

Đạo Nguyên 道元 (j: dōgen) được hướng dẫn vào Thiền Tào Động; trở thành vị Tổ thứ nhất của tông Tào Động tại Nhật.

1234

Quân Mông Cổ diệt nhà Kim, cai trị miền Bắc Trung Hoa.

kể từ 1250

Vì mối đe doạ của quân Mông Cổ, nhiều vị Thiền sư Trung Hoa lánh sang Nhật.

1260-1293

Hốt Tất Liệt 忽必烈 sáng lập vương triều Nguyên.

Nhà Tống kháng cự lúc mạnh, lúc yếu.

1276

Hàng Châu, thủ đô của Nam Tống bị xâm chiếm.

1279

Nam Tống sụp đổ.

 

1280-1368

 

 

Nhà Nguyên ; người Mông Cổ trị vì đất Trung Hoa.

Thủ đô là Bắc Kinh; vương triều xa hoa phí phạm, dân chúng đói nghèo.

~1300

Trương Minh Viễn 張明遠 sưu tầm những bản cũ của Bích Nham, duyệt lại và sau đó cho xuất bản.

kể từ 1330

Thiền tăng Nhật Bản đem Bích Nham lục sang Nhật.

 

 

 



[1] Xem thêm trong lời bình giảng về Thiền sư Pháp Nhãn Văn Ích.

[2] Theo vũ trụ quan và hệ thống lịch Trung Hoa, Bính và Đinh là tên của cặp đối đãi âm dương, là biểu thị của yếu tố hoả, một trong năm yếu tố (Ngũ hành): Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả và Thổ. Trong lời văn trên thì Bính Đinh được hiểu là cặp anh em.

[3] Xem đồ biểu truyền thừa III A, 16.

[4] Cái tên »Tào Khê« cũng xuất xứ từ con suối Tào (Tào nguyên) này, nơi Lục tổ Huệ Năng đã đóng dấu ấn đặc biệt của mình cho Thiền tông cũng như những thế hệ truyền thừa sau này.

[5] Theo một bài văn khác thì sư hoát nhiên đại ngộ, nước mắt tuôn ướt đẫm ca-sa. Pháp Nhãn vui mừng, ấn khả và bảo rằng, sư sẽ trở thành một Đại tông sư hoằng dương Phật pháp.

[6] Sư sau này trụ tại rặng núi Thiên Thai ở tỉnh Chiết Giang, trên đỉnh Thông Huyền nổi danh vì địa thế hiểm trở cao vút. Sư nhắc đến đỉnh Thông Huyền này trong một bài thơ ngắn, chuyển đến Pháp Nhãn và giờ đây, nó được Viên Ngộ trích dẫn.

[7] Quả thật như lời tiên đoán trên. Sư chẳng những có công phục hưng trường phái giáo môn trên rặng Thiên Thai vốn đã khô kiệt từ nhiều thế hệ theo ý nghĩa Thiền của Pháp Nhãn mà thêm vào đó, được vị vương triều tại Chiết Giang kính trọng. Sư tịch năm 972, thọ 81 tuổi.

[8] Một loại gà rừng tương tự như con gà gô.

[9] Người ta thường nhắc lại câu chuyện sau: Một nông gia ra đồng thấy một con thỏ chạy đâm đầu vào gốc cây mà chết mất. Quá sung sướng vì món quà không cầu mà đến dễ dàng như vậy nên ông ta quẳng gánh, bỏ cả việc cày cấy, chỉ còn ngồi ở gốc cây đợi con thỏ thứ hai.

[10] Nơi Hoàng hà rời miền núi, tuôn xuống miền đồng bằng Bắc Trung Quốc, chính ngay chỗ nó đang chảy xuôi dòng Bắc nam bỗng dưng bẻ gắt qua hướng Đông.

[11] Bạch Vân Thủ Đoan, 1025-1072, thầy của Ngũ Tổ Pháp Diễn, vị thầy của Viên Ngộ.

[12] Một người bạn đồng học của Viên Ngộ trong thời gian lưu lại Qui sơn.

[13] s: buddhacarita.

[14] Dịch giả người Việt không rõ tên Hán Việt ra sao.

[15] Pháp Nhãn Văn Ích (法 眼 文 益), xem đồ biểu truyền thừa III A, 15.

[16] s: dharmamitra.

[17] s: aśoka.

[18] s: kṣitigarbha.

[19] s: gaṇḍavyūha.

[20] e: Essay in Zen-Buddhism, vol. III.

[21] g: »Wie dünkt Euch um den Christus!«


http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/HueSieuhoiPhat.htm

 


Vào mạng: 1-1-2002

Trở về thư mục "Thiền Phật giáo"

Đầu trang