Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Nepal và vườn Lumbini
Nguyên Anh lược dịch

Nepal là một thung lũng nằm giữa những núi đồi của vùng Hy-mã-lạp Sơn, giáp biên giới vùng Đông Bắc Ấn Độ. Về phía Bắc, Nepal giáp Tây Tạng, về phía Đông giáp Sikkim; phía Nam giáp Bengal và Uttar Pradesh; phía Tây giáp Kumaon. Trên biên thùy vùng Bắc Nepal, có rất nhiều đỉnh núi cao nhất của dãy Hy-mã-lạp Sơn: Dhawalagiri (26.837 ft), Machapuchar, Gaurishankicr và Yasa (24.000 ft), Gosain than (26,313 ft), đỉnh Everest (29.002 ft), Kinchinjunga (28.146 ft) v.v...

Vào lúc thời tiết trong sáng người ta có thể thấy rặng núi đầy tuyết phủ đẹp lộng lẫy theo một đường hầu như dài bất tận, bắt đầu từ đỉnh của một vài rặng núi thấp gần Kathmandu.

Những đường bộ đi đến Nepal vẫn còn đầy tính cách nguy hiểm, đường dễ nhất để vào thung lũng Nepal là đường hàng không bay từ Patna đến. Ngay chính từ thành phố này mà hồi xưa được gọi là thành Pataliputra, vị vua Phật tử vĩ đại là Asoka đã khởi hành để đi chiêm bái nơi Thánh địa Đản sinh của đức Phật, vào năm 250 (trướcT.C). Bay trên những dãy núi của Hy-mã-lạp Sơn với một độ cao khoảng sáu nghìn bộ (6.000 ft), người ta có thể thấy được một phong cảnh đẹp như tranh vẽ của cảnh núi đẹp tuyệt vời với những sông dài, những rừng cây, những khoảng rừng thưa, những thung lũng và những đỉnh núi cao đầy tuyết phủ. Sau khoảng một giờ bay thì người ta phải lưu ý là chiếc máy bay đang hạ thấp xuống dần để hành khách có thể nhìn quanh và nhận ra một thung lũng êm ả với những cánh đồng lúa, những nhà nông bận rộn, những bầy gia súc và cừu và những căn nhà gỗ nhỏ có ba hoặc bốn tầng. Quang cảnh đó có nghĩa là thung lũng Kathmandu là phần đất quan trọng nhất của Nepal.

MỘT VÙNG ĐẤT NHIỀU ĐỀN CHÙA

Nepal là một xứ có nhiều đền chùa: Một cách chắc chắn là con số lên đến 2733 ngôi. Hai bên những con đường hẹp ở Kathmandu và Lalipur người ta có thể thấy những kiến trúc đền chùa trong nhiều dặm. Những đền chùa nầy đều là những cấu trúc bằng gạch có nhiều phù điêu bằng gỗ thanh tú...

Ở Nepal có những "dagoba" kiến trúc theo cùng kiểu như những "dagoba" đã thấy ở Sri Lanka (Tích Lan) và cũng có những "Dagoba" kiến trúc kiểu Ấn Độ theo kiểu chùa của Đại tháp Bồ Đề (The Maha Bodhi temple) ở Bồ Đề Đạo Tràng (Buddha Gaya). Nơi thờ phụng thiêng liêng nhất của Phật giáo Nepal là ngôi tháp Swayambhunath xây trên đỉnh ngọn đồi Swayambhunath ở Kathmandu. Một nét đặc trưng riêng biệt của các ngôi "dagoba" ở Nepal là hình vẽ hai con mắt lên mỗi mặt của một cấu trúc hình khối vuông bên dưới một tháp hình nón cao (11 tầng) mang hình một cái lọng (bên trên lại còn một chóp nhọn nữa). Những cặp mắt này là biểu hiện cặp mắt từ bi của đức Bổn Sư. Những ngôi "dagoba" và những nơi thờ phụng thiêng liêng khác ở Nepal là Both Nath, Namo Buddha, Maha Bodhi, Machindranath, Shrigha Vihara và Charumathi.

NHỮNG LIÊN QUAN TIỀN SỬ VỚI PHẬT GIÁO

Xứ Nepal đã có quan hệ với Phật giáo từ thời tiền sử, trước cả biến cố lịch sử của đức Gautama Buddha. Theo truyền thuyết Nepal và kinh sách về tôn giáo thì chư vị cổ Phật: Dipankara, Vipassa, Kakusanda, Konagama và Kashyapa đã từng đến thăm viếng cõi xứ Nepal này. Theo truyền thống Đại thừa rất có uy tín ở Nepal thì cõi đất xứ này được tạo cho con người đến sinh tụ nhờ một hành động của đức Phật Vipassi (Tỳ Bà Thi). Người ta bảo rằng vào ngày xa xưa, thung lũng Nepal là một cái hồ đẹp có đủ tất cả mọi loài thủy thảo trừ ra cây hoa sen. Đức Phật đến viếng cái hồ này và Ngài để ý rằng giữa nhiều loại thủy thảo trong hồ thì Ngài không thấy có hoa sen. Bởi vậy, Ngài đã mang đến một củ sen, ném nó vào trong nước và nói rằng một ngày nào đó, khi củ sen nảy lên một "ngó" sen và vào lần nở hoa đầu tiên của cây sen thì một vị Chúa tể của Vũ trụ sẽ sinh ra ở trung tâm của đóa hoa sen có dáng một cây đèn tuyệt vời và nó sẽ thắp sáng toàn bộ vũ trụ. Người ta cũng kể rằng vào một thời đại sau, Bồ-tát Văn Thù (Manjusri) đã từ Trung Quốc đến hồ này và tạo một đường nứt theo vành núi xung quanh với cây kiếm "chandrahasa" của Ngài, làm cho nước cạn róc đi. Như vậy là xứ Nepal được cấu tạo cho hợp với sự sinh tụ của con người. Đường nứt trong dãy núi bị cắt bởi Ngài Văn Thù, truyền thuyết nói tiếp, hiện nay được gọi là thung lũng Kodwa mà sông Dhagmati đang chảy qua.

SỰ SUY ĐỒI PHẬT GIÁO Ở NEPAL

Hai giống dân đông nhất ở Nepal là giống người Newars và giống người Gorhhas. Người ta cho rằng người Gorhhas là hậu duệ của giai tầng Bà-la-môn, Ấn Độ và giống dân Bajputs bị người Hồi giáo (Pruslims) đuổi chạy và đã đến tìm nơi trú ẩn ở Nepal. Họ là người Ấn Độ; còn giống Newars thì đa số là tín đồ Phật giáo. Sự suy đồi của Phật giáo ở Nepal chủ yếu là do sự phá hoại của Shunkaracharya. Thiên anh hùng ca Vamsavali của Nepal đã nói: "Shunkaracharya đã phá hủy tín ngưỡng Phật giáo và không cho phép một "người nào theo đạo Phật, nhưng ông bị buộc phải để lại một số Phật tử trong một số nơi với tư cách là những Tăng sĩ giữ các chùa miếu, tại những nơi ấy ông thấy rõ rằng không có một người nào khác có đủ khả năng có thể làm hài lòng các thần linh do các Phật tử vĩ đại đã tôn trí trong các chùa miếu đó. Sau đó, ông quay về bờ biển, để lại phần đất phía bắc của thế giới không binh phục nữa"."Những xứ núi non nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ đã có đủ điều kiện an toàn cho những kẻ tội phạm của một sự đàn áp tôn giáo. Kể từ đầu, ở Nepal, Bhosu, và Tây Tạng, tín ngưỡng Phật giáo đã được đón nhận một cách chân thành và đã được nâng đỡ một cách nhiệt tình; và mặc dầu Sankaru xua toán người lánh nạn từ Hinduslan vào thung lũng Nepal, và đã giáng những đòn tổn hại nhất vào nền văn học và kiến trúc thuộc tôn giáo của người Newars; nhưng ông vẫn không thể phá đổ hoàn toàn tín ngưỡng của họ được".

Cho đến nay, Một ngàn năm đã trôi qua kể từ khi Sankara mất ở Tây Tạng và sự nỗ lực phá hủy sự tôn thờ đức Phật của ông là vô ích, vì đạo Phật đã vẫn chiến thắng trên mọi cuộc đàn áp của ông; và tại các xứ núi non ấy, đạo Phật đã vẫn tiếp tục là một quốc giáo cho đến tận ngày nay (lược trích từ cuốn Nepal của Dr. U. A. Oldlield, nguyên văn chú). Theo nhà chiêm bái Trung Quốc là Pháp Hiền thì bất chấp những nỗ lực của Shankaracharya để quét sạch Phật giáo ra khỏi Nepal, Phật giáo vẫn đã long thịnh ở xứ này khá muộn vào thế kỷ thứ VI T.C. Sau T.C Ngài Pháp Hiền đã đến Nepal vào năm 406 A.D. trong cuộc hành hương đến các Thánh địa có liên quan đến đời sống của đức Phật. Trong tập "Phật Quốc Ký". Ngài Pháp Hiền đã miêu tả một số địa điểm ở Nepal. Những địa điểm nầy gồm có cả Kapilavastu, thủ đô vương quốc của vua Suddhodana (Tịnh Phạn) và rừng Lumbini (Lâm-tỳ-ni) là nơi mà Thái tử Siddharta (Tất-đạt-đa) đã đản sinh...

LUMBINI, NƠI ĐỨC PHẬT ĐẢN SINH

Theo lời giải thích trong những cuốn sách cổ thì Lumbini ngày xưa hẳn phải nằm trong số những vườn cây đẹp đẽ nhất. Nhưng, hỡi ôi, vương quốc Kapilavastu nhỏ bé ngay tức khắc đã trở thành một minh họa sáng chói về lời kinh Phật thuyết rằng mọi sự mọi vật đều chuyển biến. Chưa đầy một thế kỷ sau ngày Đản sinh thì bộ tộc Sakyas cai trị ở đây đã bị sụp đổ hoàn toàn và đô thành của họ đã bỏ hoang phế. Vườn Lumbini đẹp mỹ miều nhất, cùng chung số phận này, đã rơi trở lại vào nanh vuốt của rừng nhiệt đới hoang rậm xung quanh, luôn luôn hăm hở chực vồ lấy nó. Vì vậy mà nhà chiêm bái Trung Quốc, Ngài Pháp Hiền, khi đến vùng lân cận đó vào đầu thế kỷ thứ V của kỷ nguyên T.C đã nói: "Vương quốc Kalilavastu (Ca-tỳ-la-vệ) là nơi hoang vắng vô cùng, dân cư thưa thớt, những đàn voi và sư tử hoang dã thường được bắt gặp ở trên các con đường cũ ". Nơi Đản sinh thì hiện nay khó lòng biết được vị trí thực sự là ở chỗ nào, nếu giả như không có Đại đế Asoka (A-dục), vị Quốc vương tuyệt vời nầy, người đã sống vào thế kỷ thứ III trước T.C. nhờ nghe được lời dạy của đạo Phật, mà đã được chuyển đổi từ một tên độc tài khát máu và rất hiếu chiến thành một nhà cai trị nhân đạo và một người xiển dương Phật giáo hết sức nhiệt tình; vào năm thứ 12 thời nhà vua trị vì, Asoka đã tổ chức một cuộc hành hương vĩ đại và đã dựng lên nhiều trụ đá rất lớn tại các vùng thánh địa với những lời miêu tả chi tiết. Ngay trong thời tại thế của Ngài, đức Phật đã nổi tiếng một cách dị thường. Hầu như là người ta không thể nghi ngờ được, sau một khoảng thời gian dài gần 3 thế kỷ, vua Asoka đã có nhiều phương tiện phong phú để chỉ rõ từng địa vực một cách chính xác.

Lumbini, như tôi đang thấy trước mắt, vẫn là một địa điểm quạnh vắng. Vào một buổi chiều, tôi đã đến Nautanwa là điểm cuối cùng của một đường xe lửa nhỏ giống như một ngón tay chỉ về hướng Nepal. Bên sau những dãy đồi có mây trùm cả đỉnh đi về phía bắc là nhiều núi non hoang vắng không có đường sắt, đường bộ chi cả...

... Phải cần tới ba giờ mới tới vườn Lumbini. Ở đây, cũng vậy, rừng nhiệt đới đã được phát quang. Thực ra nó có vẻ hoang vắng và chẳng có gì đẹp đẽ. Ngay cả rừng nhiệt đới nguyên thủy hình như cũng có vẻ giống là vườn cây hơn là những cánh rừng đầy vết sẹo của các công trình khảo cổ học chưa hoàn tất. Cái cột còn lại của trụ đá Asoka, bị những kẻ xâm lược đập gẫy xuống nằm trên đất đã 800 năm qua, đã được bảo vệ bằng một hàng rào sắt xấu xí và đối diện bởi một đền thờ Ấn Độ giáo hoàn toàn vô ý nghĩa. Về phía bên kia là những ụ gạch đã được chính quyền Nepal dựng lên vào những năm trước đây theo một hình tháp, nhưng nó hoàn toàn thiếu hẳn vẻ mỹ thuật. Trong một lúc, tim tôi đau nhói, nhưng rồi tâm trạng của tôi đã thay đổi, vì tôi bắt đầu nhận ra những dấu hiệu Lumbini đang trở lại dáng vẻ riêng của nó. Một ngôi chùa hình vòm khả ái có nhiều cánh cửa bằng gỗ "teak" được chạm khắc mỹ diệu đang được xây cất lên cùng với nhiều nhà trọ cho khách hành hương, một con đường cho xe ô-tô đi đang được xây dựng, và những phế tích của các tu viện cổ đang được khám phá một cách kiên nhẫn. Lumbini đã được dự định để trở thành một công viên dễ mến một lần nữa với những bồn cỏ xanh lục và những rừng cây "Sal" có những cành nặng trĩu hoa màu đỏ thắm.

CÂU VĂN TRÊN TRỤ ĐÁ CỦA VUA ASOKA Ở LUMBINI

... Bây giờ, sau một thời gian dừng lại ở Lumbini lâu như vậy là bởi vì tất cả chúng tôi muốn hiểu biết những sự mới lạ và chân thực về những khảo cứu đối với Ấn Độ do các nhà du lịch, các nhà văn và các sử gia Hy Lạp viết, nhiều hơn là sách vở của chúng tôi, đó là bộ "Mahàvamsa" (Đại Sĩ). Chúng tôi vẫn còn nhớ lại trong trí mình cái việc bất ngờ đã xảy ra khi một quan chức có trách nhiệm trong chính quyền Mint ở Calcutta, ông James Prinsep, là người đầu tiên đã giải được những chữ viết tay của vua Asoka. Nhà học giả này đã bị rối trí trong một thời gian dài bởi loại chữ viết bí mật tìm thấy trên những đồng tiền cổ Ấn Độ. Sau khi được một trong những đồng tiền trong đó có một bản văn Hy Lạp và những chữ viết không thể biết được trên mặt bên kia của đồng tiền. Ông chợt nảy ra một ý kiến: Hẳn rằng nó phải là một bản dịch của một truyện cổ Hy Lạp; ông đọc từng vần của thứ chữ mới này, trong lúc ông theo nguyên bản văn Hy Lạp, ông đã chuyển giải sang tiếng Brahmi và sau đó chuyển dịch sang chữ viết Kharosti là căn nguyên có họ hàng với chữ Devanagari và tất cả các thứ chữ viết khác của Ấn Độ và của những xứ nằm sát biên thùy Ấn Độ đều có lối viết của họ theo chữ viết từ xứ Ấn Độ cổ thời.

Ngay sau sự việc bất ngờ đầy hy vọng này, xảy ra vào năm 1834 - 1835 C.E; Prinsep là nhà học giả đầu tiên trong thời hiện đại đã giải thích được sự bí mật của những lời văn khắc trên bia đá cứng. Khi ông được cho xem một bản dập của một trong những Sắc Luật khắc trên đá (the Rock Edicts), ông đã giảng giải được câu dẫn nhập sau này: "Devànampiye Piyadasì làjà hevam àha" là "Đức vua được yêu mến của các vị thần linh, ngài đã nói với tính cách đường bệ nhân từ của ngài như thế". Từ biến cố đáng ghi nhớ ấy, thì một sự tìm tòi có tính cách khảo cổ học rộng lớn và sự nghiên cứu nhiều phần đất của nước Ấn Độ lại phải cần nhiều năm nữa trước lúc cột đá của Asoka tại vườn Lumbini được khám phá vào năm 1896 và câu văn khắc trên cột đá là: "Hida Pudhe Jàta Sàkyamunìti" có nghĩa "Đây là nơi đấng Giác Ngộ, là đấng Hiền Sĩ của họ Sàkya đã đản sinh" trở thành nổi danh trên thế giới từ đó.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO ĐỂ DỊCH THUẬT

1) K.G.Amaradasa, Buddhism in the land of the Buddha, tạp chí Jayanti V.2 N.II March 1957, trang 17 trở đi.
2) John Blofeld, Lumbini Where the Buddha was born, tạp chí Jayanti V.2 N.9, 10 Jan - Feb. 1957, trang 13 trở đi.
3) Ven. C. Nyanasatta thera, Twenty - five centuries of Buddhism, tạp chí Jayanti V.1 N. 10 Feb. 1956 trang 01 trở đi. Tạp chí này xb ở Colombo, Tích Lan.

http://www.buddhismtoday.com/viet/phattich/012-lumbini.htm

 


Cập nhật: 1-8-2001

Trở về mục "Phật tích và Danh thắng"

Đầu trang