Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
PHÁP MÔN CHĂN TRÂU
CƠ SỞ PHẬT HỌC TỊNH QUANG CANADA

I. MỞ ĐỀ:

Trong một bài hát, mọi người quen thuộc, có câu sau đây: “Ai bảo chăn trâu là khổ? Chăn trâu sướng lắm chứ!”. Đó là lời hát, mở đầu ca khúc, nói về sinh hoạt, của các mục đồng, chuyên nghiệp chăn trâu, ở nơi thôn quê.

Ở trong Phật giáo, chư vị Tổ sư, thường mượn hình ảnh, của người chăn trâu, để mà chỉ dạy, phương pháp tu tập, hàng phục tâm niệm, lăng xăng lộn xộn, và cách an trụ, bản tâm thanh tịnh. Phương pháp tu đó, thường được gọi là: “Pháp môn chăn trâu”.

Trên thế gian này, hầu như ai ai, thẩy đều nghĩ rằng, cũng tự cho rằng, mình là người thiện, không ai chịu nhận, mình là người xấu, mình là kẻ ác. Nếu mình không phải, là người lương thiện, bực nhứt trên đời, thời mình cũng là, người không làm gì, gây nên tội lỗi, chắc là sau khi, từ giã cõi đời, được lên thiên đàng, được sang cực lạc, không có việc gì, đắn đo lo lắng. Muốn chắc ăn hơn, nhớ dặn thân nhơn, sau khi mình chết, thỉnh thiệt nhiều sư, rước thiệt nhiều cha, mời nhiều ông bà, về nhà cầu nguyện, đăng báo phân ưu, tụng kinh cầu siêu, cầu chúc tiêu diêu, nơi miền cực lạc, hoặc thăng nơi cõi, thiên đàng vĩnh viễn!

Nếu như ai đó, có lời khuyên mình, tu tâm dưỡng tánh, thì liền nghĩ rằng: người đó chắc khùng! Không khùng sao được, bởi chuyện tu hành, là việc quý sư, tu ở trong chùa, chuyện của quý cha, trong các tu viện, không phải là chuyện, người đời đang sống, ở ngoài thế gian, bận rộn lang thang, với trăm thứ chuyện, trần thế nhiễu nhương, tương đương đánh trận, lận đận khôn lường, lao đao khôn kể, còn thì giờ đâu, nói chuyện tu hành?

Có người nghĩ rằng: tu học làm chi, biết nhiều thêm khổ, không biết không tội, khỏi lội qua sông, tốn công học hỏi, khỏi có nhọc nhằn, như vậy khỏe re!

Thực ra chuyện đời, cũng như chuyện đạo, đâu ai có thể, lý luận nghĩ suy, một cách quá là, đơn giản như vậy! Con người vì bởi, vô minh che lấp, chân tánh chân tâm, nhiều đời nhiều kiếp, cho nên lăn lộn, sanh tử luân hồi, sống trong cơn mê, sống trong mộng tưởng, sống trong điên đảo, không hề hay biết. Tại sao như vậy? Bởi vì con người, sống trong cơn mê, vô tình cố ý, gây tạo quá nhiều, tội nghiệp oan khiên, liên miên vô kể, từ trước đến nay.

Chẳng hạn như khi, lái xe phạm luật, rồi tự cho là, mình không hề biết, luật lệ giao thông, được miễn tội sao? Chẳng hạn như khi, khai gian giấy tờ, rồi tự cho là, không biết ngoại ngữ, xong chuyện được chăng? Chẳng hạn như khi, mình gây tù tội, tạo bao phiền não, đem lại khổ đau, đến cho người khác, và gia đình họ, dù họ đáng tội, đáng bị trừng phạt, mình vẫn yên tâm, ăn ngon ngủ yên, có được hay chăng, cái tâm như vậy, đó là tâm gì?

Bởi vì con người, thích sống trong mộng, luôn luôn mơ ước, cảnh giới thiên đường, tây phương cực lạc, không biết không nhớ, sống trong hiện tại, không biết rằng mình, đang sống một đời, hết sức vô nghĩa, chẳng làm được gì, ích lợi cho ai, chỉ biết suốt ngày, nằm dài ăn ngủ, đủ thứ thụ hưởng, giành giựt đấu tranh, hơn thua phải quấy, rồi chờ đến ngày, phải chết là hết!

Bởi vì con người, sống trong điên đảo, cho nên nhận lầm, giả tưởng là thực, khổ cho là vui. Chẳng hạn như là: ai ai cũng biết, cờ bạc mua vui, thua lỗ là khổ, nhưng có nhiều người, vẫn cứ nhào vô, mình thắng người khổ, mình thua mình lỗ, tự mình chuốc khổ, chớ có than van!

Chẳng hạn như là: nhiều người cứ tưởng, cái xác thân này, chính là "mình" đây, sau này đương nhiên, mang cái xác đó, đi lên thiên đàng, hưởng phước giàu sang, hoặc mang xác đó, lên cõi cực lạc, thực sướng tấm thân! Đâu chẳng biết rằng: sau khi hết thở, chính cái xác này, gọi là thây ma, ai dám đến gần? Cát bụi rồi sẽ, trở về cát bụi!

Thực ra chỉ có, nghiệp báo thiện ác, tạo tác trong đời, luôn luôn theo “mình", như hình với bóng, không bao giờ rời, qua bao nhiêu kiếp, liên tiếp về sau. Còn "mình" là ai, thì lại chẳng biết! "Con người chân thật", đã bị vô minh, che lấp chôn vùi, tự lâu lắm rồi, thế mà con người, vẫn không thức tỉnh, để nhận cho ra!

  • Người nào thức tỉnh, dừng nghiệp chuyển nghiệp, trí tuệ bừng sáng.

Chính ngay lúc đó, chắc chắn con người, an nhiên tự tại, tự mình bước ra, khỏi màn vô minh, tự mình thoát khỏi, sanh tử luân hồi, không còn phiền não, chẳng còn khổ đau, cuộc sống hiện đời, an lạc hạnh phúc. Ví như khi nào, mây đen tan hết, bầu trời trong sáng, mọi thứ cảnh vật, hiện rõ trước mắt, con người nhìn thấy, muôn sự mọi việc, "đúng như sự thực", không còn mơ hồ, không còn điên đảo, nhận biết rõ ràng: "mình" là ai đây, không còn nghi ngờ, chút gì nữa cả. Nhưng biết làm sao, để mà thức tỉnh, làm sao để được , trí tuệ bừng sáng?

Đó chính thực là, mục đích cứu cánh, chính Phật chỉ dạy, cũng là kết quả, tinh tấn thực hành: “Pháp môn chăn trâu”.

Mục lục | Lời tựa | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15  16 | 17 |

 


Vào mạng: 3-9-2004

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang