Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

Bàn Về Thiện Và Ác

Thích-Chân-Tuệ

Cơ-sở Phật-học Tịnh-Quang Canada


 

“Bức xúc trước những hiện tượng xuyên tạc, bóp méo Phật giáo một cách vô ý hay cố tâm của một vài thành phần bất thiện nào đó, và cũng tự xấu hổ thầm vì sự kém tài, bất lực, vô quyền thế của chính mình, con đã ước mơ phải chi con có thể trở về thời xưa, gặp lại được các bậc chánh khách anh hùng, các võ sư bất khuất can đảm cứu nguy độ thế như các kiếm khách trong các bộ phim truyện nổi tiếng của Kim Dung tiên sinh như Quách Tỉnh, Hoàng Dung trong bộ Anh Hùng Xạ Điêu, Dương Quá trong bộ Thần Điêu Đại Hiệp, Tạ Tốn, Trương Vô Kỵ trong Tiếu Ngạo Giang Hồ hay Hoàng Phi Anh, Hoàng Phi Hùng, v.v.

 

Ôi chao, những tay kiếm khách anh hùng đó đã một mình một bóng tung hoành ngang dọc giang hồ với đường kiếm tuyệt luân chém gục hết bọn xấu ác cứu nguy cho quần hùng võ lâm hay tiếng hét sư tử hống của Tạ Tốn làm chấn động đám tà giáo phải rởn tóc gáy trốn chạy sút giây lưng, hoặc Nhất Phiến Đa Tình Sở Lưu Hương, một trang tuấn kiệt hào hoa phong nhã, trên tay chỉ có một chiếc quạt giấy thôi mà đánh gục hết lũ côn đồ ngang ngược hay bọn tham quan ô lại…”

 

Đoạn văn trên đây trích trong bài viết của một vị Ni sư tu học từ năm 20 tuổi, tốt nghiệp nhiều bằng cấp ngoại điển cũng như nội điển, thế học cũng như Phật học, trong cũng như ngoài nước, viết và dịch nhiều sách, hiện đang hành đạo tại hải ngoại, được đăng trên một tập san Phật giáo. Tạm thời bỏ qua thắc mắc tại sao một vị nữ tu lại bỏ phí nhiều thời gian tu tập, để tu luyện lắm bộ phim võ hiệp, chúng ta thử bàn về Thiện và Ác.

 

Theo từ điển, ác có nghĩa là hành động, lời nói hay ý nghĩ xấu, thường gây tai họa, đau khổ cho chính mình, cho người khác, hoặc cho cả hai, khiến người lánh xa, không ưa thích, có tác dụng xấu, bất lợi, đem đến hậu quả khó lường. Thiện có nghĩa là hành động, lời nói hay ý nghĩ tốt, thường đem lại an vui, hạnh phúc cho chính mình, cho người khác, hoặc cho cả hai, khiến người thương mến, thích thân cận, có tác dụng tốt, đem đến kết quả mong đợi.

 

Tuy nhiên ranh giới giữa thiện và ác lắm khi không rõ rệt, có thể dễ bị hiểu lầm. Chẳng hạn như một vị thầy dạy văn, dạy võ, dạy nghề, hay dạy đạo, thường hay quở trách, la rầy học trò, xem qua có vẻ ác nhưng thực chất là việc thiện lành, vì đem lại tương lai cho đệ tử. Trái lại, có người ăn nói nhỏ nhẹ, vui vẻ, hành động dễ cảm tình, trông qua có vẻ thiện, nhưng thực chất là việc xấu ác, vì làm hư người khác, dụ dẫn người khác vào chỗ sa đọa, mất hết tương lai. Sách có câu: Giáo đa tất oán. Ngọt mật chết ruồi, chính là nghĩa đó. Như vậy, muốn xét thiện hay ác, còn phải xét xem tâm con người muốn gì, khi hành động, nói năng hay suy nghĩ với mục đích gì. Người ngoài cuộc phê bình, phán xét đôi khi không chính xác, nên thận trọng.  Làm sao biết rõ việc nào thiện, việc nào ác.  Có những điều mà ở thời buổi này, địa phương này, tôn giáo này, xã hội này cho là điều thiện; ở thời buổi khác, địa phương khác, tôn giáo khác và xã hội khác cho là điều ác. 

 

Cõi đời này thường, tàn độc nhẫn tâm, thiện ác bất phân! Con người thường hay, nhân danh công lý, bảo vệ chính nghĩa, bảo vệ Chánh pháp, đấu tranh tự do, lo cho nhân quyền, đòi hỏi công lý, thực thi pháp trị, thực chất chỉ là, gieo rắc khổ đau, cho bao kẻ khác, chan rải thù hận, cùng khắp nơi nơi. Nếu như con người, biết rõ điều thiện, sẵn sàng tha thứ, cho các người khác, cũng như đã từng, nhiều lần trong đời, đã tha thứ cho, chính bản thân mình, cảnh giới thiên đàng, niết bàn cực lạc, chính là nơi đây!

 

Trên cõi đời này, cũng có những người, phát tâm xin tha, cho phạm nhân đã, sát hại tàn nhẫn, thân nhân của mình, được khỏi tội chết. Tại sao như vậy? Bởi vì người đó, thấm thía hoàn cảnh, thấu rõ cảm giác, của sự mất mát, người thân thế nào, cho nên không muốn, gia đình người khác, dù là phạm nhân, tức là kẻ thù, lâm vào cảnh ngộ, đau thương tương tự.

 

Thường thường chỉ có, những người đã từng, rơi vào hoàn cảnh, khốn khổ thảm thương, mới biết cảm thông, thương xót người khác. Những người có tâm, đại từ đại bi, dường ấy mới có, cuộc sống an lạc, không có hận thù, không có phiền não, và không khổ đau, đồng thời tạo được, an lạc hạnh phúc, cho mình cho người. Ðó là những người, thụ Bồ tát giới, hành Bồ tát đạo, sống với tâm Phật, không sống tâm ma, luôn luôn cảnh giác, luôn luôn tĩnh thức. Ðó chính là những, người biết sống với, Chân Tâm Phật Tánh, của chính bản thân.

 

Ngày xưa, vị Tổ sư thứ hai mươi bốn Aryasimha, trước khi bị vua Kế Tân chém đầu, đã phát nguyện: Ngay khi đắc thành đạo quả sau này, người đầu tiên tôi sẽ độ, chính là bệ hạ! Tại sao vậy? Bởi vì, có gặp tai nạn lớn lao, tai họa khủng khiếp, thậm chí mất mạng, mới có thể chứng minh trình độ tu tập, chứng tỏ quá trình tu chứng của con người. Không phải chúng ta mong cầu khổ nạn đến để thử thách công phu tu tập của mình. Tuy nhiên, một khi khổ nạn xảy ra, do hiểu sâu nhân quả, chúng ta biết ngay: đã đến lúc phải trả nghiệp quả, từ nghiệp nhân, do chính mình tạo tác, từ nhiều kiếp trước hoặc kiếp này. Cho nên, chúng ta vẫn giữ được thái độ bình tĩnh thản nhiên, chấp nhận đền trả quả báo, mới là đáng quí, chứ van xin cầu nguyện, có được gì đâu? Phân biệt thiện ác chỗ này chỉ làm loạn tâm mà thôi!

 

Mỗi thời đại lịch sử, mỗi xã hội, và có thể ngay trong mỗi con người, lại có cách phân biệt thiện ác khác nhau. Có người quan niệm: cái gì hợp với quyền lợi, với phong tục tập quán của ta là thiện, cái gì trái với quyền lợi, với phong tục tập quán của ta là ác! Chẳng hạn như trong xã hội, quan niệm về chữ hiếu khi ông bà cha mẹ lớn tuổi, sức khoẻ kém, chúng ta cố gắng chăm sóc về phương diện sức khoẻ và về phương diện tinh thần, cầu mong ông bà cha mẹ sống đời với con cháu, cho tới khi họ mãn phần số, thì địa táng hoặc hỏa táng. Nhưng cũng có các bộ tộc quan niệm rằng khi ông bà cha mẹ lớn tuổi, già yếu, bệnh hoạn khổ sở, cho nên họ bắt người già leo lên cây, con cháu xúm nhau rung gốc cây một lát. Người nào còn đủ sức khoẻ bám chặt ngọn cây, xong rồi leo xuống, con cháu mừng vui hỉ hả. Người nào rớt xuống chết, họ ăn thịt bởi vì họ thương ông bà cha mẹ, nên không chôn dưới đất, hoặc hỏa thiêu, tội nghiệp!

 

Thí dụ khác, trong xã hội chúng ta hiện nay, nhiều người đang tranh cãi, chưa có kết thúc về chuyện trợ tử, tức là giúp cho bệnh nhân hết cách chữa trị được chết mau chóng, là thiện hay ác, là hợp pháp hay phi pháp? Thí dụ khác nữa, trong xã hội chúng ta hiện nay, nhiều người thường cho rằng các tôn giáo luôn luôn dạy điều tốt, điều thiện, điều lành. Nhưng có vài tôn giáo tự cho rằng tôn giáo mình mới thực sự là thiện lành, công chánh, còn các tôn giáo khác là ngoại đạo tà giáo, là yêu ma quỉ quái, phải xa lánh và phải tiêu diệt. Cho nên trong việc hôn nhân, có tôn giáo nhân danh cái thiện của tôn giáo mình, ép buộc, cưỡng bách người theo tôn giáo khác phải cải đạo, mới chịu làm phép hôn phối, bất chấp nỗi phiền não khổ đau của hai gia đình và hai người muốn thành tựu hôn nhân và sống cuộc đời lương thiện. Trong trường hợp này, các chức sắc tôn giáo đó là thiện hay ác đây?

 

Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy:

Lấy oán báo oán,

oán nghiệp chập chùng.

Lấy ơn báo oán,

oán nghiệp tiêu tan.

 

Bị người thù ghét, dù thực vô cớ, vô lý quá chừng, chúng ta cũng đừng, khởi tâm tức giận, nên hiểu nguyên do, hiểu sâu nhân quả, chắc chắn phải có, nhân duyên đời trước, duyên cớ đời này, chỉ vì chúng ta, không biết đó thôi. Chẳng hạn như là: lời nói vô tình, cử chỉ vô ý, cũng có thể là, nguyên nhân của chuyện, thù ghét oán hờn. Cạnh tranh nghề nghiệp, hay tâm ganh tị, đố kỵ gièm pha, đó cũng là những, nguyên nhân dễ hiểu. Tuy nhiên nếu ta, có dịp giúp đỡ, được những người đó, trong lúc họ gặp, hoàn cảnh khó khăn, hay đang hoạn nạn, chúng ta có nhiều, cơ hội hóa giải, thù hận oán hờn, biến thù thành bạn. Như vậy chắc chắn, tốt đẹp hơn là, tiếp tục tranh chấp, thù hận người ta, để rồi nơm nớp, sợ bị trả thù, phập phồng âu lo, đời sống bất an, không lúc nào yên, làm sao sống nổi?

 

Thông thường, làm ơn được coi là việc thiện, gây oán được coi là việc ác. Làm ơn giúp người thường được xem là việc thiện, nhưng giúp người làm chuyện gian dối, phi pháp, thì nên xem là việc ác. Làm việc thiện nguyện, thiện chí, công quả thường được xem là việc thiện, nhưng gặp trở ngại, khó khăn hay gặp kẻ ác gây rối, phá hoại, bèn khởi vọng tâm tức giận, la lối, mắng chửi, trở thành thô tháo, bất thiện. Ấn tống kinh sách, băng giảng thường được xem là việc thiện, nhưng nội dung kinh sách hay băng giảng đó không phải là chánh pháp, là tà pháp, thì nên xem là việc ác. Chúng ta cần thận trọng khi góp phương tiện hay công sức, in ấn phổ biến các loại gọi là kinh sách hay băng giảng, mà mình chưa biết rõ nội dung, chưa biết chắc là chánh pháp hay tà pháp, như vậy đắc tội không phải phước, gây oán không phải ơn, tạo ác không phải thiện!

 

Một người có tuổi phát nguyện vô chùa tu tâm dưỡng tánh là việc thiện, nhưng bất hiếu bỏ cha mẹ vô chùa khi tuổi xế chiều bệnh hoạn không chăm sóc, thì phải xem là việc bất thiện, vô lương tâm, nếu không muốn nói là việc ác. Bởi vậy cho nên, khi làm việc thiện, việc phước, mà khởi vọng tâm, khởi tâm sân, khởi tâm kiêu mạn phách lối, thiện biến thành ác! Tu hành cần quan tâm thiện ác, luôn quán sát hành động, lời nói và ý nghĩ của mình không làm tổn hại, gây đau khổ cho người khác vì tâm tham, tâm sân và tâm si. Người khác nhắc nhở sự sai sót là việc thiện giúp mình tốt hơn, mình lại nổi sân thì nên xem là việc bất thiện. Người có tâm bất phân thiện ác là người nguy hiểm, vô đạo đức, nên tránh xa.

 

Trong Kinh Pháp Cú, đức Phật có dạy:

Chư ác mạc tác.

Chúng thiện phụng hành. 

Tự tịnh kỳ ý. 

Thị chư Phật giáo. 

Nghĩa là:

Không làm các điều ác.

Hãy làm các hạnh lành. 

Giữ tâm ý thanh tịnh. 

Là lời chư Phật dạy.

 

Chúng ta thấy rõ chủ yếu của đạo Phật là chuyển hóa nghiệp ác thành nghiệp thiện và thanh lọc tâm cho thanh tịnh.  Cho nên đạo Phật chủ trương chuyển hóa người ác thành người thiện, chuyển hóa phàm nhân thành thánh nhân, chuyển hóa phân rác thành hoa tươi, chuyển hóa nước đục thành nước trong, chứ không chủ trương tiêu diệt tất cả kẻ ác trên đời. Bông sen từ bùn nhơ vươn lên tỏa hương thơm ngát là ví dụ tượng trưng cụ thể người xấu cũng có thể chuyển hóa thành người tốt, nếu như biết sám hối ăn năn, quyết tâm chuyển ba nghiệp xấu ác, trở thành ba nghiệp thanh tịnh. Trên đời không ai hoàn toàn xấu ác, cũng không ai toàn thiện, cho nên người tu theo Phật cố gắng biết các điều ác nên bỏ, biết các việc thiện nên làm. Được như vậy, mọi người trong xã hội sống chung trong hòa hợp, bình an, và ngăn ngừa các mâu thuẫn, xung đột giữa người với người.  Tuy nhiên sự khác biệt của đạo Phật với các tôn giáo khác nằm ở câu kệ thứ ba: "Giữ tâm ý thanh tịnh". 

 

Khi con người làm nhiều việc phước thiện, làm nhiều công quả cho chùa, làm nhiều Phật sự cho giáo hội, thường nghĩ đến công sức đóng góp lớn lao của mình, không cần học giáo lý, không biết pháp môn quán tâm, trí tuệ không khai mở, lăng xăng lộn xộn, không biết giữ tâm ý thanh tịnh, nên tự cao tự đại, mục hạ vô nhân, thượng đội hạ đạp, khinh người tu sau mình, gây bao ác cảm với người chung quanh, không ai dám nhắc nhở, không chịu nghe ai góp ý, không đọc kinh sách dạy kinh nghiệm tu hành, chỉ hướng tâm thích sách nào, người nào nói chuyện  viễn vông cõi trên sung sướng, lại còn đoan chắc rằng nhứt định mình phải được vãng sanh sau này, nếu không thì nhân quả không đúng! Như vậy là thiện hay bất thiện? Thiệt là tội nghiệp vô cùng!

 

Con người đang tu tập, chưa biết "bỏ ác làm thiện" được hoàn toàn chưa, thường vội tự hào, cho mình là người thiện, người tốt, người lành, bèn khởi tâm tự đắc, đó là vọng tâm, chưa phải minh tâm. Nếu tâm mình còn nổi sân khi thấy chuyện bất thiện, chuyện chẳng lành trên thế gian, khởi vọng tâm, vọng niệm muốn trừng phạt nặng nề kẻ xấu ác, thậm chí đòi tiêu diệt tất cả kẻ ác trên đời, ước mơ phải chi mình có võ công xuất chúng, có quyền thế vô song, để tung hoành ngang dọc giang hồ với đường kiếm tuyệt luân chém gục hết bọn xấu ác, thì lúc đó không biết: ai ác hơn ai?  Bởi vậy cho nên, tu theo đạo Phật, cốt yếu là luôn luôn sống với bản tâm thanh tịnh, có nghĩa là lúc nào cũng niệm Phật, tức là niệm thiện, không khởi niệm ma, tức là không khởi niệm ác, không khen mình khinh người, không lợi mình hại người, niệm Phật phải gắng tu, không chạy theo vọng tâm vọng niệm, tự thanh lọc tâm ý mình, cho được minh tâm kiến tánh.

 

Tu thiện nghiệp, hay tu cầu phước, tức là mình đang gieo nhân lành, mình sẽ gặt quả lành, được hưởng phước báu nhân thiên, chứ chưa giải thoát ra khỏi vòng sinh tử luân hồi. Còn chấp chuyện làm phước phải hưởng phước, niệm Phật phải vãng sanh, cúng đèn được hưởng sáng suốt, cúng hoa được hưởng sắc đẹp, như vậy tâm mình vẫn còn vọng động, bởi dính mắc tâm tham, thi ân còn cầu báo, cho bánh ít đi, mong bánh qui lại, nên tâm chưa thanh tịnh, chưa được minh tâm, làm sao kiến tánh?

 

Muốn thanh tịnh được tâm ý, con người phải vượt qua sự chấp thiện và ác. Tuy vẫn cứu người giúp đời, vẫn làm việc phước thiện, vẫn niệm Phật chuyên cần, vẫn thường xuyên cúng hương đăng hoa quả, vẫn tinh tấn công quả cúng chùa, vẫn nhất tâm kính lễ tôn tượng đức Phật với tâm kính ngưỡng noi gương chư Phật, chư Tổ, nhưng không mong cầu bất cứ điều gì cho bản thân, cho thân bằng quyến thuộc, như thế bản ngã mới dần tiêu mòn, chuyện khổ vì cầu bất đắc không còn. Mình không cố chấp thiện và ác, để khỏi khởi vọng tâm chấp kính trọng người thiện, khinh khi kẻ ác, chứ không phải chẳng phân biệt thế nào là thiện, thế nào là ác, như một ít người lầm tưởng. Vượt qua được sự cố chấp thiện và ác, tức là mình thoát khỏi sự trói buộc của thiện nghiệp và ác nghiệp, mới đi đến giác ngộ giải thoát hoàn toàn.

 

Trong sách có câu: "Giáo đa tất oán". Nghĩa là dạy nhiều sinh thù oán. Trong đạo cũng như ngoài đời, thường khi những người có lòng, muốn chỉ dạy nhiều cho thế hệ sau, muốn truyền dạy tất cả những điều cần thiết, muốn những người nối dõi đạt được những thành tích khả quan. Tuy nhiên, chính vì muốn quá nhiều như vậy, cho nên chỉ dạy quá nhiều, kỷ luật nghiêm khắc, rèn luyện khổ công, kiểm soát chặt chẽ, sách tấn thường xuyên, nhiều người thế hệ sau chẳng những đã không biết ơn, đã không hiểu thấu tấm lòng của thế hệ trước, trái lại, còn sanh tâm oán trách, hờn giận, tệ hơn nữa là, sanh tâm thù hận! Ðúng là "làm ơn mắc oán" đó vậy!

 

Cổ nhơn có dạy: "Người chê ta mà chê phải tức là thầy ta. Người khen ta mà khen phải tức là bạn ta". Ðối với người đời, quan niệm này quả là kim chỉ nam cho bực quân tử, trong việc xử thế ở đời. Tuy nhiên, đối với người biết tu tâm dưỡng tánh, theo quan điểm của đạo Phật, người khác khen hay chê, dù phải hay không phải, chúng ta đều tôn trọng họ như bực thầy lành hoặc bạn tốt. Còn hơn thế nữa, chúng ta nhìn họ như những bực bồ tát. Tại sao vậy? Bởi vì, người giúp đỡ phương tiện cho mình tu tập, hoằng pháp lợi sanh, cũng như người chuyên phá rối, bằng hành động cũng như bằng lời nói, đều là bực "thiện hữu tri thức" của mình.

 

Hạng người thứ nhứt được ví như bồ tát thuận hạnh, chẳng hạn như thầy dạy học hay bạn hữu hằng giúp đỡ chúng ta, thường ban cho những lời khen thưởng thực tình, đúng lúc, để khuyến khích, động viên tinh thần, hoặc chê trách hay quở phạt với tất cả tấm lòng từ bi, vì sự tiến bộ của chúng ta, chứ không vì bản ngã của họ. Hạng người thứ hai được ví như bồ tát nghịch hạnh, chẳng hạn như giám khảo trường thi hay trường đời. Những người này nhiều khi khen chê không phải lúc, không phải vì thiện tâm, lại có dụng ý, ác tâm, không phải vì chúng ta, mà vì bản ngã của họ.

 

Nhờ hạng người thứ nhứt, chúng ta có được sự hiểu biết, có được kiến thức, đạt được giác ngộ, vững tâm tu học, biết đường ngay lẽ phải để noi theo. Nhờ hạng người thứ hai, chúng ta có được bằng cấp ở đời, nếu vượt qua được sự khảo hạch và thi đậu, hoặc chúng ta biết được trình độ tu tâm dưỡng tánh của mình đã đến đâu, đạt được trình độ nào, chăn trâu tới giai đoạn thứ mấy.

 

Trong các chùa luôn luôn có thờ tôn tượng của cả hai hạng người trên đây: tượng đức Hộ Pháp và tượng Tiêu Diện Ðại Sĩ. Tượng đức Hộ Pháp với khuôn mặt khôi ngô tuấn tú, tay cầm kiếm trí tuệ cắt đứt phiền não, vượt qua khổ đau, đạp lên trên con rắn độc có ba đầu dưới chân, biểu tượng của tam độc: tham sân si, không phải là một vị, mà tượng trưng cho tất cả những người có công với Chánh Pháp, là hạng người thứ nhứt nói trên. Tiêu Diện Ðại Sĩ với khuôn mặt dữ dằn, lè lưỡi phun lửa máu, đầu có đội ba ngọn núi, khẩu phún xuất hỏa, đầu thượng tam sơn, không phải là một vị, mà tượng trưng cho tất cả những người có công giúp đỡ Chánh Pháp được sáng tỏ hơn, là hạng người thứ hai nói trên. Bởi vậy cho nên, chúng ta luôn luôn chân thành cảm niệm ơn đức của cả hai hạng người nói trên, đã giúp đỡ chúng ta tiến tu trên mọi phương diện.

 

Tóm lại, khi tu theo Phật, chúng ta không nên khởi vọng tâm, không nên khởi vọng niệm, không mong cầu được điều này, đắc điều kia, không cầu khẩn van xin khấn vái, trái lại, phải nên hiểu sâu luật nhân quả, khai mở trí tuệ, hiểu suốt thiện ác. Nghĩa là, khi mình gieo nhân bỏ điều ác, làm việc thiện, tức là chúng ta có đủ phước báu thiện lành, chỉ cần khai mở trí tuệ giác ngộ, đạt bản tâm thanh tịnh, thì hưởng quả giải thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Đó là mục đích chính của đạo Phật. Trong kinh sách có câu: Tam Nghiệp Hằng Thanh Tịnh Đồng Phật Vãng Tây Phương, chính là nghĩa đó vậy.

 

Một điều cần biết thêm, trong kinh sách, chư Phật và chư Tổ có khuyên chúng ta, chỉ nên cầu nguyện đời đời được gặp Chánh pháp, tránh xa tà pháp, để tu hành đến khi giác ngộ và giải thoát, chớ không nên mong cầu đắc thần thông, khi chưa đắc đạo. Tại sao vậy? Bởi vì, khi con người chưa đắc đạo, lại đắc thần thông, thí dụ như đắc thiên nhãn thông hay thiên nhĩ thông, sẽ thấy được chuyện xảy ra cách xa ngàn dặm, nghe được chuyện xuyên sơn cách vách, thường là những chuyện bất như ý, những chuyện mích lòng, chắc chắn con người sẽ nổi tam bành lục tặc liền, vì chưa chưa đắc đạo, nên không nhẫn nổi!

 

Có thần thông trong tay, hay là hình thức quyền lực của thế gian, con người sẽ khởi bất minh tâm, dù là người tu nhưng chưa đắc đạo, đòi tiêu diệt một vài thành phần bất thiện nào đó, hay nghĩ đến chuyện đánh gục hết lũ côn đồ ngang ngược hay bọn tham quan ô lại, xóa sổ tất cả những kẻ xấu ác trên đời, thế là hòa bình không còn, chiến tranh xảy ra, thiên hạ phiền não, chúng sanh khổ đau, hận thù tràn lan, bất ổn triền miên, tội ác chất chồng, than oán ngút ngàn!

 

Đạo Phật không chủ trương lấy thiện diệt ác. Đạo Phật chủ trương chuyển hóa nghiệp ác thành nghiệp thiện, chuyển hóa ba nghiệp chưa thanh tịnh thành ba nghiệp thanh tịnh, chuyển hóa kẻ hung ác thành người lương thiện. Đạo Phật chủ trương đem lại niềm an lạc cho cá nhân, hạnh phúc cho gia đình và hòa bình cho xã hội. Người tu theo đạo Phật phải trưởng dưỡng tâm từ bi, phát triển tánh sáng suốt, đạt minh tâm thì được kiến tánh, cho nên không gây thù hận, không có kẻ thù, chỉ có người chưa thông cảm hay hiểu lầm mà thôi.

 

Cảm thông và thương yêu là cửa ngõ an lạc và hạnh phúc.

Từ bi và trí tuệ là yếu tố giác ngộ và giải thoát.

Tất cả đều ở ngay trên thế gian này. ٱ

 

Tỳ-Khưu Thích-Chân-Tuệ

cutranlacdao@yahoo.com

***

 

  http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/badenghi.htm

 


Vào mạng: 01-06-2009

Trở về mục "Đức Phật và Phật pháp"

Đầu trang