Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
SƯ TRƯỞNG NHƯ THANH: CUỘC ĐỜI và SỰ NGHIỆP
Chùa Huê Lâm

Sư trưởng Như Thanh với sự hình thành và phát triển NI BỘ NAM VIỆT
Trần Hồng Liên

1- Sau sự chiếm đóng của Pháp ở Nam kỳ, cuối thế kỷ 19, đạo Phật miền Nam đi vào tình trạng suy thoái toàn diện, kéo dài đến đầu thế kỷ 20. Đây cũng là giai đoạn manh nha trong bản thân Phật giáo, trong tâm tư các tu sĩ hết lòng vì đạo pháp và dân tộc những đòi hỏi bức bách phải đi đến sự thay đổi, phải bắt tay xây dựng lại một nền Phật giáo mới, cần thiết phải nâng cao nhận thức cho người tu về cả hai mặt đạo và đời. Muốn vậy, điều cần làm ngay là thành lập phong trào chấn hưng Phật giáo, thực hành cho được ba việc lớn: Chỉnh đốn Tăng-già, kiến lập Phật học đường, diễn dịch và xuất bản kinh sách Việt ngữ.

Song song với sự ra đời phong trào chấn hưng Phật giáo là sự hình thành của các Hội Phật học. Sự xuất hiện của Nam kỳ nghiên cứu Phật học hội vào năm 1931 mở ra một giai đoạn mới trong sinh hoạt Phật giáo ở miền Nam. Đây là Hội Phật học đầu tiên trong cả nước ra đời ở Sài Gòn. Tiềm lực và những bước phát triển đầu tiên xuất phát từ các trường học mang tên trường Gia giáo, có mặt ở Nam bộ từ năm 1927. Đa số là những Ni trường như Ni trường Giác Hoa (1927) do Sư cô Hồng Nga tổ chức tại Bạc Liêu, thu hút trên một trăm Ni tham dự… là Ni trường đầu tiên ở Nam bộ. Từ đây cùng với nhiệm vụ tu học của mình, trong hàng ngũ Ni giới, các Sư cô như Diệu Tấn, Diệu Tịnh, Diệu Thuận, Huệ Tâm, Như Hoa, Diệu Tánh (Như Thanh) đã thao thức, trăn trở nghĩ suy về vai trò của một Ni cô và những cống hiến của giới này cho đồng đạo, cho đạo pháp. Đó là những tiền đề cho sự phát triển của một tổ chức Ni giới đầu tiên ở Nam bộ: Ni Bộ Nam Việt và đó cũng là những điều kiện lịch sử xã hội, đã thúc đẩy một Ni cô hãy còn khá trẻ bước vào con đường xây dựng và củng cố tổ chức Ni giới đầu tiên ở Nam bộ: Sư trưởng Như Thanh.

 

2- Sau sự thành công của Ni trường Giác Hoa ở Bạc Liêu, năm 1933, Sư cô Diệu Tịnh, đệ tử của Hòa thượng Như Nhãn, đã viết bài đăng trên báo Từ Bi Âm, kêu gọi chấn hưng, tổ chức cho Ni giới Nam bộ. Tại Sa Đéc, chùa Giác Linh khai mở lớp Gia giáo cho Ni chúng, Sư cô Huệ Tâm đã đóng góp nhiều Phật sự quan trọng, đưa đến việc sắc tứ chùa của vua Khải Định, mang tên Sắc Tứ Tân Hòa Tự. Các trường Hương ở Giác Hoàng (1933) tại Bà Điểm; trường Hương ở Thiên Bửu (1934) tại Lái Thiêu; trường Ni Vạn An (1940) Sa Đéc; Ni học đường Vĩnh Bửu (1940) Mỏ Cày – Bến Tre; trường Ni Linh Phước (1941) tại Sa Đéc; Ni trường Bảo An (1941) Cần Thơ.

Qua việc khai mở các lớp học, Ni trường dành cho Ni giới, chư Ni được đào tạo tại đây đã dần dần trở thành những vị Ni lỗi lạc, có tài đức và một số là những người lãnh đạo trong tổ chức Ni giới đầu tiên ở Nam bộ sau này (1956), như các Ni tiền bối Diệu Tịnh, Diệu Tấn, Diệu Kim, Diệu Ngọc, Như Hoa, Diệu Ninh, Diệu Tánh (Như Thanh)...những vị này có điều kiện tham học nhiều nơi. Ngoài các lớp Gia giáo ở Nam bộ, các Ni còn đi ra Bắc, Huế, đi sang Nhật Bản như Sư cô Diệu Ninh vào năm 1969 để tham dự khóa tu Thiền.

Những năm 1939- 1945 tại Gia Định, Ni trường do Sư cô Diệu Tấn khai mở tại chùa Kim Sơn (Phú Nhuận) đã góp phần đào tạo các vị lãnh đạo Ni bộ sau này. Ngoài số Ni sinh tại chỗ, Sư cô Diệu Tấn còn gởi một số Ni ra Huế và về Cao Lãnh học. Điều này đã góp phần vào việc tạo ra mối quan hệ gắn bó giữa các Ni trường, các lớp Gia giáo, tạo cho việc hoằng pháp được đẩy mạnh và góp phần vào sự hình thành tổ chức Ni giới những năm sau đó.

Năm 1947, dưới sự lãnh đạo và tổ chức của Sư cô Diệu Tánh, Ni viện Huê Lâm (quận 11, Chợ Lớn) được khai mở, thực sự trở thành một trung tâm đào tạo Ni giới trên mọi lãnh vực: hoằng pháp, từ thiện xã hội, tạo tiền đề vững chắc cho sự ra đời một tổ chức tại đây bằng một Đại hội thành lập Ni Bộ Nam Việt vào năm 1956.

 

3- Như vậy, từ sau phong trào chấn hưng Ni giới do Sư cô Hồng Thọ (Diệu Tịnh) phát khởi, thể hiện qua hai câu thơ:

Trời chơn hiện rõ bóng viên quang,
Rung chuông thức tỉnh hàng Ni giới...

Từ 1927 đến 1956, gần 30 năm nhen nhúm ấy, Sư cô Diệu Tánh đã dày công đi hoằng truyền lý tưởng hợp nhất Ni giới về một mối, đưa chư Ni vào một tổ chức. Với hoài bão đó, suốt 30 năm dài, từ Sài Gòn, Sư cô Diệu Tánh đã lặn lội không quản ngại về miền Tây, gặp gỡ trao đổi với từng vị Ni ở những chùa quê hẻo lánh, để tìm người cùng tâm nguyện. Từ Mỹ Tho, Cai Lậy, Sa Đéc, Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau, Châu Đốc... Đến đâu, Sư cô cũng âm thầm khuyến khích, cổ động, nêu lên vai trò của Ni giới và sự cần thiết có một tổ chức Ni giới trong giai đoạn hiện nay. Chương trình hoạt động lại được Sư cô đưa ra bàn bạc trao đổi với quý Sư cô Diệu Kim (chùa Bảo An, Cần Thơ), Như Huệ (chùa Vĩnh Bửu, Bến Tre), Hữu Chí (chùa An Hòa, Châu Đốc), Liễu Tánh (chùa Phật Bửu, Tiền Giang), Như Hoa (chùa Phước Huệ, Sa Đéc), Tâm Nhàn (chùa Giác Thiên, Vĩnh Long)... đã toàn tâm đồng ý, đồng lòng với hoài bão tha thiết và hợp lý ấy. Bên cạnh sự hỗ trợ hết lòng của quý chư Ni, Sư cô còn được sự đồng tình chấp thuận và ủng hộ của chư Tăng trong Giáo hội Tăng Già Nam Việt, của đức Pháp chủ và Hòa thượng Trưởng ban trị sự (cố Hòa thượng Thiện Hòa).

Tất cả những nhân tố nội lực và ngoại sinh ấy, hơn 30 nhen nhúm, đã có cơ duyên để thành tựu. Lời hiệu triệu của Sư cô Diệu Tánh như tiếng chuông báo giờ khắc, thời điểm đã chín muồi, nhân duyên đưa đến việc thành lập tổ chức Ni giới đã hội đủ:

"...Nếu chị em chúng ta không đoàn kết lại để cứ rời rạc mãi, thì chẳng khác chi những đứa con không cha mẹ, anh chị, bơ vơ giữa biển đời sóng gió, tự mình đã bỏ rơi mình ra ngoài đoàn thể vậy. Một lần nữa, chúng tôi xin đem tất cả tâm thành trông mong chị em sau khi tiếp bức thư này, hãy quay về với tất cả chị em Ni chúng để cùng dìu dắt nhau lên đường giải thoát cho xứng đáng một vị Thích nữ..."

Ngày 06 và 07 tháng 10 năm 1956, Đại hội thành lập Ni Bộ Nam Việt được tổ chức tại chùa Huê Lâm. Sư cô Diệu Tánh là Trưởng ban tổ chức. Trong bản tuyên ngôn của Ni chúng Nam Việt, với lời lẽ tràn đầy nhiệt huyết, Sư cô đã làm toát lên ý chí mạnh mẽ và quyết tâm xây dựng tổ chức:

"Cuộc Đại hội này mới mở màn sáng suốt trong tinh thần đoàn kết của Ni chúng vừa thân mật, vừa hùng biện cho một đoàn thể biết giữ gìn giá trị cao quý của mình. Trong những ngày tươi sáng trang nghiêm, cuộc Hội nghị đã thâu hoạch một thành tích xứng đáng cho Ni giới miền Nam. Tiếp tục trên bước viễn hành, mỗi người Ni sẽ là một gương lành sáng chói trong Giáo hội Ni. Tất cả bản dự thảo công tác sẽ là một bức gấm sắp dệt thành do bàn tay siêng sắng của Ni chúng đáng kính yêu..." ()

Đại hội kết thúc sau khi đã thông qua một văn bản nội quy Ni chúng bộ gồm 26 điều khoản. Nội dung đã được phát hành rộng rãi vào năm 1957. Ni bộ được thành lập. Trải qua 4 nhiệm kỳ (1956-1975), Sư trưởng Như Thanh (Sư cô Diệu Tánh) đều ở cương vị lãnh đạo Ban quản trị Ni bộ. Nhờ đó, hoạt động của Ni giới ngày càng khởi sắc và phát triển.

 

4- Với cơ cấu tổ chức hợp lý, Sư trưởng Như Thanh đã cùng nhiều Sư bà trong Ban quản trị tiến hành đồng loạt nhiều nội dung hoạt động phong phú, thiết thực cho việc định hướng tu tập của Ni chúng bằng cách đề ra tu tập nội hướng, lấy tinh thần Giới Định Huệ làm giá trị căn bản, chủ trương kết hợp Thiền–Tịnh song tu. Đây là một phương pháp tu hành được đa số tán đồng, thể hiện sự thích ứng với tính chất của Phật giáo Việt Nam, là sự tổng hợp của ba yếu tố Thiền Tông, Tịnh Độ Tông và Mật Tông.

Ngoài phần nội điển, Sư trưởng còn quan tâm đến phần ngoại điển, tạo điều kiện cho Ni chúng sống tu kết hợp được đạo và đời. Lấy hoạt động từ thiện xã hội làm căn bản. Con số 41 cơ sở Ký nhi viện cho 7.132 cháu và 6 cơ sở Cô nhi viện cho 1.132 cháu trong thời gian chưa đầy 20 năm là một thành quả vượt bậc của Ni Bộ Nam Việt trong hoạt động từ thiện xã hội. Hội từ thiện Phật giáo Việt Nam đã được thành lập bên cạnh sự ra đời của khá nhiều phòng khám bệnh miễn phí, lớp dạy nghề miễn phí, tạo điều kiện bảo đảm cuộc sống cho người dân nghèo bằng nỗ lực tự thân của chính họ. Ngoài ra, 14 ngôi trường được xây dựng trong thời gian Ni Bộ Nam Việt hoạt động là con số không nhỏ, nói lên định hướng của Ni chúng trong vấn đề nâng cao dân trí cho người nghèo.

Cùng với nỗ lực chung của Ni giới toàn miền Nam, Ni Bộ Nam Việt ngày càng phát triển, đưa đến sự hình thành một tên gọi mới vào năm 1972: Ni Bộ Bắc Tông. Điều đó thể hiện sự lớn mạnh và những thành quả đó có được từ những suy nghĩ trăn trở, đặt nền móng vững chắc của nhiều Sư bà tiền bối, sự hỗ trợ của hàng hàng lớp lớp Ni chúng và nhất là từ sự lãnh đạo của Sư trưởng Như Thanh.

Thành quả của Ni Bộ Bắc Tông, mà trước hết là một hệ thống Ni đoàn đông đảo khắp Nam bộ, xuất phát từ chiếc nôi đào tạo của Ni trường, đã góp phần mang lại ngày càng nhiều chư Ni trụ trì tại các chùa ở Nam bộ và thành phố là đệ tử của Sư trưởng. Những vị Sư cô ấy, với đạo hạnh khiêm cung, với tấm lòng vị tha trời biển, hàng chục năm qua đã san sẻ và ấp ủ nhiều cuộc đời bất hạnh quanh mình; đã góp phần lớn vào việc xua tan nỗi khổ đau vì chiến cuộc, nghèo đói và bệnh tật của hàng chục, hàng trăm ngàn gia đình thiếu may mắn! Có được một hàng ngũ Sư cô như vậy chính từ sự hình thành và phát triển của tổ chức Ni giới, chính từ những trăn trở suy tư và quyết tâm vượt khó, vượt khổ của nhiều Sư bà và của Sư trưởng Như Thanh. Tổ chức Ni Bộ Bắc Tông là phương tiện tốt đẹp, là lò rèn luyện, un đúc chí kiên cường, bất khuất, là lò thử thách gian khổ và hy sinh vì hạnh phúc mọi người, của nữ tu sĩ Phật giáo Việt Nam. Trong thời điểm mà những giá trị về năng lực của người nữ xuất gia còn bị xem nhẹ, phụ nữ chưa được bình đẳng với nam giới, chưa thể có điều kiện cho người nữ xuất gia thực hiện ước nguyện lớn của mình: rời xa gia đình, bôn ba khắp chốn, vì hạnh phúc và sự trường tồn của đạo pháp, hành động của Sư trưởng Như Thanh trong thời điểm đó là hành động thể hiện lòng từ bi, sự dũng cảm và một trí huệ tuyệt vời! Với khả năng đó, Sư trưởng đã nối kết được những thuận lợi đã có, vun đắp thêm những điều kiện mới và một quyết tâm để hoàn thành thắng lợi. Sự thành công của ý chí và quyết tâm đó chính là sự phát triển của Ni Bộ Bắc Tông, là thành quả của nhiều hoạt động từ thiện xã hội, là hạt giống tình thương đã được gieo rắc và nảy nở khắp nơi từ con người đạo hạnh khiêm cung và nghiêm trì Giới luật, đó là

Sư trưởng Như Thanh, người nữ xuất gia đã góp phần quan trọng vào sự hình thành và phát triển của Ni bộ ở miền Nam.

Trọng Hạ 1998.
Trần Hồng Liên

 


Cập nhật: 4-3-2001

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang