Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
SƯ TRƯỞNG NHƯ THANH: CUỘC ĐỜI và SỰ NGHIỆP
Chùa Huê Lâm

Lễ khánh thành Quan Âm Bảo Điện chùa Hải Vân
Ni sư Như Đức

Lễ khánh thành Quan Âm Bảo Điện của chùa Hải Vân được tổ chức nhân ngày lễ vía Bồ-tát Quan Âm ngày 19- 02 Nhâm Thân (nhằm 22- 3- 1992). Buổi lễ đặc biệt, vì đây là ngôi Bảo điện hùng vĩ nhất trong số các Bảo điện Quan Âm và người tạo dựng là Sư trưởng Như Thanh, Viện chủ Tổ đình Huê Lâm, vị lãnh đạo Ni chúng miền Nam.

Trong hai ngày 18 và 19 ÂL, con đường vòng núi Nhỏ dẫn đến chùa Hải Vân tấp nập xe và người. Không khí lễ hội lan tràn từ những dãy cờ xí tung bay, một lá phướn dài treo nơi sân chùa uốn mình trong gió, tiếng micro vang vang, hồi trống Bát-nhã đổ dồn... Người người gặp nhau chuyện trò rôm rả. Ni chúng từ khắp miền thành phố, các quận huyện, các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Sông Bé, Đồng Nai, một vài tỉnh xa như Lâm Đồng, Thuận Hải đều câu hội. Trong niềm vui khánh chúc công trình của Sư trưởng còn có cái vui hội ngộ – những người từng là bạn đồng học, đồng liêu… một thuở, lâu lắm mới có dịp như hôm nay.

Chiều 18, sau thời kinh Phổ Môn, Ban kinh sư lập đàn "Chiêu linh thủy lục" ngay bờ biển trước mặt chùa. Bi nguyện cứu khổ của Bồ-tát về theo lời phúng tụng. Từng lớp người đứng trải dài từ các bậc tam cấp lên chùa và vây quanh một vùng bãi biển, im lặng cung kính góp phần cầu nguyện cho các vong linh. Mặt trời xuống dần trên mặt biển, hoàng hôn ánh lên màu y vàng, gió khơi, sóng nước chung quanh thổi động lá phướn có 6 chữ "Nam mô A-di-đà Phật" Nam mô A-di-đà Phật lời kêu gọi từ ái, tất cả trở về trong pháp giới tàng thân.

Thời thuyết pháp của Thượng tọa Tổng vụ Hoằng pháp, giảng đường nghiêm trang hai hàng thính chúng. Đêm lắng dịu, gió mát, tâm hồn người nghe thanh lương theo lời giảng dạy. Bồ-tát được xưng tụng là mẹ hiền, nhưng không phải hiền là dễ dãi. Quỷ sứ, ma vương đều khiếp sợ trước Tiêu Diện Đại sĩ, một hóa thân của Quan Âm. Đó mới thật là mẹ hiền sửa trị con hư. Cuối bài giảng, Thượng toϡ nêu lên so sánh: "Sư trưởng như bà mẹ hiền của Ni chúng, đã thâu nhiếp, giáo hóa, tổ chức chư Ni theo nề nếp, kỷ cương. Có người bảo: Sư trưởng khắt khe, nhưng theo tôi, đó chính là đạo đức, tình cảm của người có trách nhiệm lớn." Lời khen ngợi của Thượng tọa đối với Sư trưởng, không phải chỉ để xã giao, mà đó là đạo tình giữa các bậc lãnh đạo với nhau.

Đêm 18 chấm dứt bằng trai đàn chẩn tế lúc quá 12 giờ khuya. Mật chú, âm thanh Phạm ngữ để truyền thông với cõi vô hình, vận dụng thật nhiều âm thanh và ấn quyết làm chấn động đến các tần số yếu ớt, tản mạn dật dờ quanh đây. Phần triệu thỉnh là cả một kho tàng văn chương và triết lý Đại Thừa: nào ai khanh tướng công hầu hay thư sinh mặt trắng, nào Tăng Ni đạo tục, dù tài ba hiển hách hay lưu lạc phong trần..., tất cả đều bình đẳng trong lý vô thường, và bình đẳng trong hội thí Vô-già.

Đêm sang canh, người lao xao giành đồ cúng thí, xin lưỡi Ông Tiêu về cho trẻ nít đeo trong mình, người ngồi chiêm nghiệm về những thành, trụ,oại, không… tất cả đều nghỉ ngơi. Dưới gốc cây, bên đường đi, trong sân chùa đều có người. Nhà bếp còn thức suốt đêm để chuẩn bị thức ăn. Dưới chân núi, biển cả vẫn mải miết xô gợn rì rầm, mặt biển không bao giờ yên nghỉ, liên tiếp đưa từng đợt sóng vào bờ, sóng này vừa tan sóng kia tiếp nối.

Sáng 19, lễ chính thức. Nơi giảng đường, ngồi bên cạnh Sư trưởng là quý Sư bà trong Ban lãnh đạo Ni Bộ Bắc Tông, như từ trước đến giờ các vị từng ở bên cạnh Sư trưởng, chung lo giềng mối của Ni chúng. Kế đến quý Ni sư trụ trì các tự viện, được đào tạo từ hệ thống Ni bộ, Ban giám đốc các Ni viện Từ Nghiêm, Dược Sư, chen lẫn vào đó là bóng y vàng của chư Ni Khất sĩ. Trên bàn chứng minh được sự quang lâm của Hòa thượng Trưởng ban trị sự Thành phố Hồ Chí Minh, Thượng tọa Đạt Hảo trong Hội đồng chứng minh, Thượng tọa Trưởng ban tăng sự, quý Thượng tọa trong Ban trị sự thành phố Vũng Tàu, chư Đại đức Tăng ở Ấn Quang, Huệ Nghiêm, trường Cao cấp Phật học, trường Cơ bản Phật học Đồng Nai... phía chính quyền có quý vị Công an, Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban nhân dân Bà Rịa- Vũng Tàu… Tất cả hòa hợp trong tình đạo, theo đúng trật tự và luật pháp thế gian.

Sư trưởng nói đôi lời khai mạc, giọng xúc động. Thời gian và công việc khiến dáng Người gầy sút, lòng Ni chúng nao nao khi thấy bậc Tôn trưởng của mình già yếu. Ni sư Như Châu thay Sư trưởng đọc diễn văn, nói về ý nguyện khi xây Bảo Điện Quan Âm. Vũng Tàu đã có hai thắng cảnh Phật giáo là Niết Bàn Tịnh Xá và Thích Ca Phật Đài, nhưng Ni giới không ngại tài hèn sức mọn, thành lập Bảo điện. Trong hoàn cảnh đất nước thống nhất, Phật giáo thống nhất, xã hội đổi mới, Ni giới xin đóng góp một phần làm đẹp quê hương. Đạo từ của Thượng tọa Trưởng ban tăng sự, kể lại một câu chuyện có ý nghĩa sâu xa. Muốn vẽ hình tượng Bồ-tát Quan Âm, phải dùng bút lông con rùa, cán bằng sừng thỏ, mài mực vô chung, trên giấy bạch tịnh. Để ngụ ý rằng, chúng ta nên thực hiện tính Bồ-tát Quan Âm cho chính mình, không phải bằng điều kiện vật chất hiện hữu, mà phải bằng tinh thần trong sáng của Bạch tịnh thức.

Sau phần nghi thức tại giảng đường, chư Tôn quý khách đi sang Bảo điện cắt băng khánh thành. Đường núi rợp bóng y vàng, lưng trời mây lành hoan hỷ, từng chùm bong bóng ngũ sắc bay bổng lên không, chim bồ câu tung đôi cánh mừng rỡ, rừng cây lay động nghiêng đầu tán thán: Nam mô Vô Lượng Công Đức.

Bảo Điện Quan Âm, một công trình kiến trúc của con người hòa hợp với thiên nhiên. Bề thế dàn dựng từ lưng núi cao nhìn ra biển, có cái bao la của khoảng không gian, cái vững chãi của núi, thêm nét đẹp tỉ mỉ của đường hoa văn trang trí. Tường thành bao bọc chung quanh điện xây đá da quy, lối đi dẫn từ chùa sang điện, tầng lớp tam cấp tiếp nối như những gợn mây, ẩn hiện dưới từng cội cây bông sứ, hoa trắng điểm từng chùm. Ngoài cùng là tiền sảnh, cao 200m kể từ mặt biển, đột ngột hùng tráng vươn lên giữa trời. Bờ thành vững chắc đỡ chân tiền sảnh, bề mặt trang trí các bài thơ của Sư trưởng dưới tên Nhàn Đàm Khách, các bài Biển Trời Nghị Luận, Sóng Nước Đàm Bàn, Núi Đồi Tâm Sự, lời và ý đượm nhuần lẽ đạo, để du khách có dịp suy gẫm về triết lý của đời. Suốt chiều ngang tiền sảnh, một bức hoành đúc xi măng tô đá mài, trang trí hoa văn các đường viền uốn cong, đắp nổi bốn chữ "Quan Âm Bảo Điện" uy nghiêm như nhắc nhở đây là nơi tôn quý. Tiền sảnh là nơi chuẩn bị tư thế để bước vào điện chính. Đứng đây có thể nhìn bao quát toàn cảnh điện bên trên, lòng sanh khâm ngưỡng. Nhìn xuống mặt biển bao la phía dưới, trước cái cao rộng của trời biển, sẽ thấy mình rất nhỏ nhoi, phủi bớt bản ngã và những phiền não phát sanh từ nó. Theo lời của Sư trưởng, tiền sảnh mang ý nghĩa một lò hương lớn, mỗi người lên đấy là một nén hương, tự thân tâm cúng dường lên Bồ-tát.

Từ tiền sảnh vào điện chính, trải qua ba sân chiêm lễ, hay ba bái đường, từ thấp dần lên cao, theo kích thước 12mx08m cũng là biểu hiện cho Bát chánh đạo, Thập nhị nhân duyên. Ý Sư trưởng là mỗi con số chiều ngang, chiều dài đều có ý nghĩa giáo lý.

Điện chính trên cao, mái ngói cong như một dợn sóng, trên nóc điện gắn một lá phướn đúc ciment, nhưng đường nét mềm như đang bay trong gió. Ba chữ "Vạn" trên mặt phướn nổi hẳn trên nền trời. Tượng Bồ-tát cao gần 10m, kể từ chân bệ, nghi dung hiền hòa mang nét phụ nữ Việt Nam.

Hai câu đối bên trong điện:

- Từ cứu duyên triển công đức ngộ chánh trí chứng chơn như.
- Bi hóa chúng thoát mê tình đại hải trung ly sanh tử.

Tạm dịch:

- Lòng từ cứu người hữu duyên, phát huy công đức, ngộ chánh trí chứng chơn như.
- Tâm bi độ chúng sanh, thoát tình chấp u mê, ra khỏi biển lớn sanh tử.

Hai câu đối ngoài điện, hai chữ đầu mỗi câu nói lên pháp tu của Bồ-tát:

- QUÁN CHIẾU kiến nguyện độ sanh vô lượng kiếp cứu quần mê.
- ÂM THANH văn hành chánh đạo tùy cơ duyên ly khổ hải.

Từ điện nhìn ra, vách tường thành bên tay mặt trang trí tích truyện Quan Âm hóa độ mãng xà, đắp nổi. Vách bên tay trái là hình Thiện Tài bái Quan Âm, theo ý trong kinh Hoa Nghiêm. Mặt tường phisau tượng Bồ-tát, lại được vẽ hình Quan Âm ngồi ở Phổ Đà sơn, Nam Hải. Tư thế ngồi thong dong, nhưng mặt biển dưới chân Bồ-tát tượng trưng bể sanh tử thì Người ngồi đó không phải để ngồi chơi. Theo dự trù, tất cả mặt vách tường chung quanh Bảo điện, sẽ khắc những bài thơ đạo, và có thể một bài Bát-nhã, cốt tủy của hạnh tu quán năm uẩn đều không, qua khỏi tất cả khổ ách.

Như thế, công trình Bảo Điện Quan Âm không phải chỉ đơn thuần là một thắng cảnh du lịch, mà còn mang trên đó những lời chỉ dạy nhắc nhở, đánh thức khách trần ai. Với đường nét kiến trúc mềm cong, lượn quanh theo chiều núi, toàn thể Bảo điện hợp với ý nghĩa Hải Vân – Mây và Biển, điểm xuyết cho vùng núi Nhỏ thành đất trang nghiêm.

Bảo Điện Quan Âm ở Hải Vân là công trình thứ hai của Sư trưởng, sau đài Quan Âm ở Huê Lâm II, Đại Tòng Lâm. Mấy năm trước khi công trình còn đang được xây cất ở Huê Lâm II, tôi đến thăm Sư trưởng, Người chỉ cho tôi xem công việc đang làm và nói: "Thiết lập đài Quan Âm để làm nơi chiêm ngưỡng cho Phật tử, cũng là một Phật sự đó con. Người lễ lạy sẽ phát khởi tâm sùng kính Tam Bảo, kết duyên với Phật pháp."

Tôi bỗng nhớ một đoạn Kinh Pháp Hoa: "Nếu chỉ giơ một tay lễ Phật… nhẫn đến đồng tử giỡn chơi vẽ hình Phật, đều thành Phật đạo."

Quả thật, đứng trước toàn cảnh Bảo điện, một công trình kiến trúc quy mô như hiện nay, người xem không thể nào không phát lòng kính tín. Với Sư trưởng, mỗi lần có dịp viếng thăm sức khỏe Người, tôi đều được nhận một vài bài học: đôi lúc chỉ là lời nói, đôi lúc chỉ là cử chỉ, nhưng thật là quý báu đối với tôi.

Tôi còn giữ nhiều kỷ niệm về Sư trưởng. Thời Thầy tôi, Sư bà Vĩnh Bửu, còn hiện tiền có lần tôi theo hầu Thầy, sang chùa Huê Lâm (Chợ Lớn) để nghe Sư trưởng giảng dạy. Hôm ấy, quý Sư bà và quý Ni sư đến rất đông. Sư trưởng giảng một đoạn Kinh vào buổi sáng, trưa dùng cơm xong, lại bắc ghế ngồi giảng tiếp về một từ Hán văn trong đoạn sắp đến. Tôi nhớ Sư trưởng giảng chữ "liễu lãng" nghĩa là hàng liễu gió thổi như sóng đùa. Trời trưa, không khí oi nồng mà Sư trưởng chỉ chú tâm vào hai chữ "liễu lãng" như là trước mặt có sóng liễu lao xao. Một thị giả của Sư trưởng kể chuyện với tôi: "Thầy làm việc tập trung cao độ. Có hôm em ngồi đọc bài cho Thầy dò suốt buổi mấy tiếng đồng hồ, Thầy ngồi võng tay cầm quyển kinh, giữ nguyên thế ngồi suốt buổi không hề xoay trở, còn em đổi bộ hết cỡ, không còn cách để đổi." Mới thấy sức định của Người thế nào!

Những câu chuyện rất bình thường trong đời sống hằng ngày của Sư trưởng, một lúc nào đó sẽ trở thành vô giá đối với những người có duyên được gần gũi. Tôi vô cùng khâm phục đại nguyện của Sư trưởng và tìm thấy một điểm tương đồng giữa các bậc tiền bối đồng thời với Người. Sư cụ Diệu Tịnh (1910–1942), chùa Hải Ấn; Sư cụ Diệu Tấn (1910–1947), chùa Kim Sơn đều có lời phát nguyện trở lại Ta-bà hóa độ chúng sanh. Sư bà Diệu Không, năm nay 87 tuổi, đã từng nói: "Tôi không nguyện về Tịnh độ lăn xả vào cõi này, làm thân nữ, độ người nữ."

Sư trưởng năm nay 82 tuổi cũng nói: "Sẽ trở lại độ Ni vì người nữ yếu ớt lắm."

Câu này tôi được nghe một lần khi đến chùa Hải Vân thăm Người. Rất gần đây, hôm đó, công việc xây cất gấp rút để hoàn tất kịp ngày khánh thành, thợ thuyền giàn giá nghinh ngang. Sư trưởng ngồi bên chiếc bàn mây, trước mặt là cuốn kinh, cái kính lúp. Sư trưởng cho biết một vài dự định của Người đối với chùa Hải Vân: xây cất chánh điện, mở Thiền viện dạy Ni các nơi tu thiền, lập Ban phiên dịch, in một số sách… Công việc nhiều, tôi lo cho sức khỏe của Người. Sư trưởng nói, với một giọng rất bình thường, có một chút an ủi của người lớn đối với con nít: "Sẽ trở lại." Câu nói đó chấn động trong tôi.

Thời của Sư trưởng hành đạo buổi đầu, tức vào khoảng các Sư cụ Diệu Tịnh, Diệu Tấn, Diệu Ấn, Diệu Không… Ni giới chưa có tổ chức, chưa có chùa Ni và chưa được nâng đỡ nhiều như ngày nay. Biết bao gian khổ từ đó đến nay, vậy mà không ai không phát nguyện trở lại, như một lời hẹn với sanh tử. Các bậc Long Tượng anh hùng của Ni giới như vậy, luôn luôn đặt tâm nguyện thiết tha độ Ni lên hàng đầu. Chí nguyện lớn, nên việc làm lớn, tôi chỉ ghi được đôi điều thấy nghe, như nhặt hạt cát từ đại dương.

Ngày 20–02–Nhâm Thân.(23–3–1992)
Ni sư Như Đức
(Thiền viện Viên Chiếu)

 


Cập nhật: 4-3-2001

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang