Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
SƯ TRƯỞNG NHƯ THANH: CUỘC ĐỜI và SỰ NGHIỆP
Chùa Huê Lâm

Sư trưởng Như Thanh với sự nghiệp giáo dục
Ngọc Minh Trần Thị Phụng

Phật giáo Việt Nam có truyền thống lịch sử luôn gắn bó với đất nước và dân tộc. Ngay từ thuở mới du nhập vào đất nước bốn nghìn năm văn hiến, đạo Phật luôn là thành viên đáng tin cậy trong cộng đồng dân tộc trải qua các thời kỳ dựng nước và giữ nước. Các vị chân tu yêu nước qua các thời đại đã để lại cho đời những tấm gương sáng cho thế hệ hiện tại và mai sau.

 

1. Sư trưởng với sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ:

Tiếp nối truyền thống cao quý bất diệt của Phật giáo, vào thập niên 50 của thế kỷ 20, để tiếp độ hậu lai, cống hiến cả cuộc đời cho đạo pháp, cho dân tộc, cho sự nghiệp hoằng pháp độ sanh và sự nghiệp giáo dục, Sư trưởng xây dựng cơ sở giáo dục đầu tiên vào năm 1952 là trường Tiểu học Kiều Đàm (miễn phí). Đây là trường thế pháp đầu tiên do một chùa Ni thành lập, nhằm mục đích mang ánh sáng văn hóa đến những trẻ em nghèo khó, bất hạnh trong xã hội theo quan điểm của Sư trưởng:

Người có học như thuyền có lái,
Tùy quanh co, thuận phải xoay chiều.
 
Không ngại ngùng, chẳng tự kiêu,
Vững tâm lèo lái đủ điều lướt qua.
Nhưng cõi học bao la rộng khắp,
Tùy nhân duyên sưu tập một hai,
Nhỏ chuyên học hỏi văn tài,
Lớn lo kinh nghiệm những bài học cao. (1)

Người thường dạy đệ tử: "Trong một thế hệ mà văn hóa và đạo đức không đạt đến mức đỉnh cao, phần nhiều người đời cứ đổ lỗi cho những người không có duyên được tu, được học, do hoàn cảnh nghèo không được đến trường, phải sống âm thầm trong bóng tối vô minh. Thật sự họ không có tội mà vì họ thiếu thiện duyên..."

Sang thập kỷ 60, Sư trưởng thành lập ngôi trường Kiều Đàm thứ hai tại Gò Vấp.

Lần lượt vào các năm 1970, 1971 những ngôi trường Kiều Đàm tiếp tục hình thành ở Thị xã Vũng Tàu.

Năm 1967, ngôi trường Tiểu học được xây dựng cao tầng và chuyển thành Trung Tiểu học Kiều Đàm cho đến ngày đất nước thống nhất.

Sau 30- 4- 1975, Trung Tiểu học Kiều Đàm được công lập hóa. Do cơ sở vật chất không đáp ứng yêu cầu của chương trình cải cách giáo dục, Sư trưởng đã được tiếp nhận lại cơ sở để phát triển các lớp học Phật pháp của Ni viện Huê Lâm.

Những ngôi trường Kiều Đàm do Sư trưởng sáng lập là nơi đào tạo những học sinh giỏi, con ngoan của gia đình, công dân tốt cho xã hội. Hình ảnh vị Ni sư hiền hòa, đạo hạnh oai nghi với phong cách của vị Bồ-tát tại thế hành đạo đã để lại ấn tượng sâu sắc trong ký ức của một số lớn học sinh vùng Chợ Lớn, Cây Mai, quận 6, quận Gò Vấp, quận 11 và thị xã Vũng Tàu.

Bằng tình cảm bao dung của bậc chân tu khả kính, Sư trưởng đã gieo ánh sáng văn hóa, truyền bá kiến thức, văn học nghệ thuật, nhận thức tình cảm và hành vi đạo đức cho thế hệ trẻ lúc bấy giờ. Các em biết yêu đất nước, yêu dân tộc. Các em được củng cố thế giới quan khoa học bên cạnh lý tưởng sống đạo đức cao đẹp như những hoạt động sôi nổi của gia đình Phật tử Chánh Tâm, trực thuộc Ni viện Huê Lâm. Đa số các em có bản lĩnh và nghị lực xây dựng cuộc sống, vượt qua những chặng đường khó khăn của đất nước, đứng vững cho đến ngày hôm nay.

Như những nhà giáo dục học, Người đã nghiên cứu truyền bá tư tưởng chánh pháp vào ý thức của thế hệ trẻ. Các em đã được học những kiến thức về văn hóa, khoa học, đạo đức và những hoạt động nhằm phát triển thể lực. Các em được thu nhập những kiến thức mới để tiếp tục duy trì, bảo tồn những giá trị tinh thần của dân tộc. Nhân cách của các em đã phát triển toàn diện trong việc chuyển hóa tư tưởng thành niềm tin và hành động.

Bên cạnh những tác động có tính tự phát, chủ quan, Người hành động với mục đích cao cả, có kế hoạch để giúp thế hệ trẻ tự vươn lên với sự phát triển của quá trình tư tưởng, nhận thức. Việc tổ chức những cơ sở giáo dục được gắn chặt với việc quản lý trong quá trình xây dựng môi trường giáo dục và đào tạo học sinh có hiệu quả, có chất lượng.

Ngoài hoạt động về văn hóa, Sư trưởng rất quan tâm đến hoạt động nghệ thuật. Những bài hát, những mẩu chuyện đạo được các em học sinh, các em oanh vũ, thiếu niên, thiếu nữ của gia đình Phật tử thể hiện qua các vở kịch ngắn, tạo ảnh hưởng về giáo dục đạo đức cho tuổi trẻ.

Hạnh nguyện của Sư trưởng trong nội dung một bài giảng luôn biểu hiện vẻ thâm diệu nhưng rất gần gũi:

"Dù đời hay Đạo, công việc giáo dục vẫn là sự nghiệp căn bản và thiết yếu trong vấn đề đào tạo con người. Là mầm mống vững chắc xây dựng xã hội, đạo pháp tốt đẹp mai sau." *

"Hàng đệ tử của Phật, nếu đặng có người tinh thông văn hóa, nghệ thuật... sẽ có sự đóng góp lớn lao cho Phật giáo. Cụ thể như đời Nam Đường có ngài Thích Cự Nhiên cúng dường một bức họa, vẽ toàn cảnh giới tuyết đông rực rỡ, cao khiết, vượt trội hơn các thời đại xa xưa. Đời nhà Minh có tám vị đại Tiên vẽ bức họa siêu trần thoát tục. Bức họa trở thành cảnh giới linh động, đem lại niềm vui thanh cao, thoát tục và được bao người ngắm nhìn, ngưỡng mộ. Do đó, sự truyền bá về văn học, nghệ thuật của đời, sẽ giúp cho văn học, nghệ thuật của đạo ngày càng phát triển. Sự hoằng dương Phật pháp là đem văn hóa cao đẹp thâm nhập vào đời sống tâm linh của quảng đại quần chúng, là nền tảng đắp xây xã hội ngày càng tốt đẹp hơn lên." *

Sư trưởng thường xuyên giáo huấn đệ tử:

"Nếu đã làm việc lành, hãy nên thường làm mãi, nên vui làm việc lành, hễ chứa lành, nhất định thọ lạc." (Cẩm Nang Người Phật Tử, 1970)

"Đức Phật là bậc Nhất Thiết Trí, nhìn thấy tất cả chúng sanh trong trời đất này, trên bản tánh không có gì sai khác, nhất loạt bình đẳng. Bởi người nào cũng có giác tánh nên đều có thể thành Phật. Song vì căn cơ nghiệp cảm không đồng mà quả báo thọ hưởng có sai khác: kẻ giàu, người nghèo, kẻ sướng, người khổ, kẻ đẹp, người xấu... Giáo lý Phật dạy: "Phàm là người con Phật thời phải có tâm hạnh từ bi." Cho nên, chúng ta không thể nào quay lưng ngoảnh mặt trước nỗi thống khổ của chúng sanh muôn loài. Người xưa nói rằng: "Người yếu cũng như mình yếu. Người đói cũng như mình đói. Đem tâm nhìn người và nhìn ta xem như đồng một thân thể không khác. Xem việc cứu vớt nhà người cũng đồng như cứu độ mình." Cho nên, ngoài việc mở trường giáo dục về văn hóa và nhân cách, còn phải kiến lập Ấu trĩ viện và Dưỡng lão viện để nuôi nấng, chăm sóc, vỗ về những cô nhi cùng những người già yếu, bệnh hoạn, tàn tật, thiếu vắng tình thâm cốt nhục, không cửa, không nhà, không chỗ tựa nương. Chúng ta phải có bổn phận chăm nom, chiếu cố, giúp cho những người kém phước hơn mình đặng lìa khổ được vui. Bởi nhân sinh trong lúc tuổi hãy còn thơ ấu, hoặc khi tuổi đã về chiều, lưng mỏi, mắt mờ, tai lảng, chân run... mạng sống rất là yếu ớt, mỏng manh, không chống ngăn nổi với những cơn gió táp mưa sa, cùng bệnh hoạn gây ra do thiếu cơm, thiếu áo.

Chúng ta cần phải bảo dưỡng, ủng hộ, giúp cho trẻ em cùng những người già yếu neo đơn kia có chỗ nương tựa, đặng hưởng chút ấm no của kiếp sống làm người, nhất là lúc yếu đau. Đó là những nỗi khổ lớn nhất trong tất cả những nỗi thống khổ của nhân loại. Họ không đủ sức tìm Thầy, chạy thuốc, chỉ biết nằm chờ chết mà thôi. Thật là thê thảm, thật đáng buồn thương, chua xót biết bao!" *

Bài giảng của Sư trưởng là cả một tình cảm bao la như biển trời. Người đã quyết tâm khai mở nhiều phòng, nhiều trường nuôi dạy trẻ miễn phí, như hai trường Kiều Đàm tại Gò Vấp, Vũng Tàu, các Ký nhi viện, Cô nhi viện vào những năm 1960, 1961, 1966, để nuôi con nhà nghèo, mồ côi, không đủ điều kiện đến trường lớp.

Nhiều lớp hướng nghiệp, dạy nghề cho thanh thiếu niên được hình thành, giúp nhiều thế hệ thanh thiếu niên có nghề nghiệp vững chắc, đảm bảo nuôi sống được bản thân, gia đình và làm công tác xã hội.

Sư trưởng cũng chính là ngọn đèn dẫn dắt Ni chúng vượt khó trên đường tu học, lao động chơn chính, chủ động tổ chức cuộc sống an bình nơi tự viện và đem công sức của mình đóng góp vào sự nghiệp giáo dục con em gia đình lao động thiếu cơm ăn, áo mặc. Ánh đuốc trí tuệ của Sư trưởng và Ni chúng đã tỏa sáng lan dần đến đội ngũ trí thức và các em học sinh.

Như một nhà giáo dục học, Sư trưởng sớm nhận ra được sự cần thiết trong việc xây dựng trường học. Quan điểm của Sư trưởng về giáo dục giúp cho chúng ta có những kết luận sư phạm hết sức đúng đắn:

1- Con đường giáo dục cá nhân trẻ tốt nhất là hình thành một tập thể trẻ em lành mạnh.

2- Việc dạy và học là để điều khiển, hướng dẫn lao động trí óc của các em sau này.

3- Không có tập thể thì không thể giáo dục cá nhân.

4- Lao động sư phạm của Thầy, Cô giáo nếu là Phật tử, sẽ đòi hỏi Thầy, Cô giáo phải lấy toàn bộ nhân cách, cá tính của mình để rèn nhân cách, đạo đức của học sinh.

5- Ảnh hưởng nhân cách của người làm công tác giáo dục tới tâm hồn, nhân cách trẻ, không thể có châm ngôn đạo đức nào có thể thay thế được.

Sư trưởng đã không ngại gian lao, vất vả để làm công tác giáo dục bằng tình thương cao cả đối với thế hệ trẻ. Từ tình yêu trẻ, Sư trưởng đã yêu quý lao động sư phạm.

Thật đáng khâm phục những công trình của một vị chân tu, thầm lặng chọn lựa những chất liệu tinh túy nhất của cuộc đời để kiến tạo và hun đúc sự phong phú của tâm hồn trẻ thơ. Hạnh phúc lớn lao của Sư trưởng là khi Người cảm nhận được niềm vui của trẻ em, sự hình thành nhân cách tốt đẹp, đạo đức ở các em.

Những học sinh của mái trường xưa, đời đời không quên ơn Sư trưởng, Người đã hết lòng tận tụy với sự nghiệp giáo dục. Suốt đời các em, dù đã rời khỏi mái trường thân yêu, tất cả như đều muốn hát lên một điệp khúc vang vọng ngàn năm: Thầy ơi! Chúng con biết ơn Thầy. Hình ảnh Thầy luôn sống mãi trong tim chúng con. Chúng con nguyện sống xứng đáng với công đức sâu nặng của Thầy muôn đời, muôn kiếp.

 

2- Sư trưởng với việc giáo huấn hàng đệ tử tại gia:

Sư trưởng đặc biệt quan tâm đến việc hoằng pháp độ sanh. Nhiều Ni học viện đã được thành lập để qua đó có cơ sở truyền ban lời giáo huấn đến hàng đệ tử của Người.

Trong các tự viện, hầu hết đều có thiết lập các giảng đường để Người truyền bá giáo lý, kinh điển của Đức Phật đến với hàng Phật tử thuần thành. Những bài giảng của Người là sự kết tinh dòng pháp âm vi diệu của Phật-đà. Giáo pháp thậm thâm từ Kim khẩu của Đức Phật ban truyền đã được Sư trưởng hệ thống lại, truyền bá cho hàng cư sĩ. Ngoài những tác phẩm dịch thuật, Sư trưởng đã soạn nhiều bài giảng, sáng tác nhiều đoản văn viết theo thể văn xuôi như:

  • Tu Tập Thiền Tọa
  • Quy Tắc Thọ Bát Quan Trai
  • Tu Tâm Bí Quyết
  • Thập Địa
  • Sơ Đồ Ngũ Nhẫn
  • Bí Quyết Thành Công của Người Phật Tử Tại Gia
  • Lược Sử Ngài Thái Hư Đại Sư
  • Khai Ngộ Tâm Linh
  • Đại Thừa và Tiểu Thừa
  • Mười Tông
  • Người Đẹp trong Tâm Hồn Cao Đẹp
  • Vu Lan Đại Lễ
  • Hiếu Hạnh Ngàn Xưa và Ngày Nay

Hạnh Hiếu của Bậc Đại Vĩ Nhân

  • Làm Người có Ba Giai Đoạn
  • Mẩu Chuyện Đạo
  • Tứ Nhiếp Pháp
  • Cảnh Giới Hành Đạo
  • Do Ba Món Sở Y Hiện Rõ Thắng Nghĩa Niệm Phật
  • Tài Thí và Pháp Thí
  • Khẩu Khí của Bậc Siêu Phàm
  • Thiền - Tịnh Song Tu
  • Ý Nghĩa Kinh Ưu Bà Tắc Giới
  • Tư Cách của Người Phật Tử Tại Gia
  • Hệ Thống của Luật trong Phật Giáo
  • Thắng Hội Vu Lan
  • Thâm Nhập Diệu Pháp
  • Công Dụng Chữ Tu
  • Ý Nghĩa và Lợi Ích Việc Cầu An
  • Tứ Diệu Đế
  • Thiện, Ác Nghiệp Báo
  • Bồ Tát Nương Nhờ Phương Pháp gì mà Thâm Hạnh của Mình và Người được Sáng Chói trên Đời
  • Bốn Ân
  • Diệu Kệ Thành Tựu Hạnh Hồi Hướng
  • Bí Quyết Thành Công trên Con Đường Giải Thoát của Người Phật Tử
  • Phương Pháp Trừ Vọng khi Tu Niệm
  • Phương Pháp Dứt Trừ Phiền Não khi Tu Niệm
  • Nguyện Sanh về Tịnh Độ
  • Nhiệm Vụ Cao Quý của Hàng Phật Tử Hiện Tại: Làm Sáng Tỏ Nền Chân Lý của Đức Phật
  • Sự Tích Nhà Vua tên Đại Cụ Giới
  • Làm Cách Nào để Hoằng Dương Phật Pháp

Sư trưởng đã nhận trách nhiệm hoằng pháp độ sanh, thể hiện vị trí chức năng của một sứ giả Như Lai qua công việc thuyết giảng giáo lý cho Phật tử. Hơn 60 năm hành đạo, với hàng nghìn bài giảng cho cư sĩ, Sư trưởng đã để lại cho đời những khuôn vàng thước ngọc, đem nhiều lợi lạc cho việc khai mở trí tuệ nhân sinh.

Sư trưởng luôn quan niệm: Sự nghiệp hoằng hóa vẫn luôn là trọng trách hàng đầu của Tứ chúng. Việc tuyên bày giáo nghĩa không phải chỉ do một người đảm trách, mà sự nghiệp này phải do một đoàn thể. Đoàn thể đó mới mở rộng được con đường giảng diễn để lưu truyền pháp âm, nương vào pháp vũ cam lồ cho thuần tánh khắp nhân dân.

Sư trưởng đã khai sáng Ni Bộ Bắc Tông với quan điểm trên.

Sư trưởng đã trải thân phụng sự đạo pháp, pháp âm truyền bá khắp nơi. Người đã khai minh con đường chánh giác lợi tha, cứu vớt chúng sanh ra khỏi chốn sông mê bể khổ, góp phần xây dựng một xã hội bình đẳng công bằng và bác ái. Người đã cống hiến trọn đời mình cho đạo pháp và dân tộc. Suốt cuộc đời, Người đã đem trí thông minh tuyệt vời thực hiện hoài bão của mình là tự lợi, lợi tha. Người đã mang trình độ cao siêu về Tam tạng giáo điển, truyền bá cho Phật tử những bài giảng, hướng dẫn những người con Phật đang tìm đến dưới chân Phật học đạo giải thoát.

Sự nghiệp hoằng dương chánh pháp và hoằng pháp lợi sanh của Sư trưởng là công trình vĩ đại đối với một vị Tỳ-kheo-ni. Người đã khai sáng trí huệ cho biết bao đệ tử, công đức thật vô lượng, vô biên.

Tâm linh giác của chúng sanh tự bao đời bị vô minh che lấp, tâm phiền não của chúng sanh được Sư trưởng gột rửa bằng giáo lý Phật-đà qua kinh sách lưu truyền, qua những lần thuyết giảng. Từ đó, thân tâm của hàng Phật tử được khai ngộ, an lành và thanh tịnh.

Sư trưởng đã đem giáo pháp của Phật cứu vớt chúng sanh đang trôi giữa dòng đời, bể khổ, đến bờ giải thoát. Dòng pháp nhũ của Người là dòng nước cam lồ làm dịu đi khối nhiệt não của đệ tử, khơi ngọn đèn trí huệ khiến cho tâm vô minh của Phật tử được tỏa sáng dưới ánh quang minh trí tuệ của Người.

Sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh của Sư trưởng giúp hàng Phật tử về tài thí, cứu giúp bao nhiêu người cùng khổ trong xã hội thoát qua cảnh khổ của một kiếp người. Người đã dùng pháp thí để cứu giúp hàng Phật tử vượt thoát những nỗi khổ đau, đem lại sự an lành cho nhân sanh. Pháp thí chơn thật của Sư trưởng cũng chính là pháp vô úy thí cao cả bậc nhất, giúp Phật tử trong cảnh đời hiện tại có cuộc sống tinh thần tự tại và khi về nơi cõi vĩnh hằng tâm trí vẫn an nhiên.

Sự nghiệp hoằng pháp của Sư trưởng, cũng đồng với sự nghiệp bố thí pháp trong hạnh nguyện hóa độ chúng sanh của vị Sứ giả Như Lai đã hoàn mãn. Người đã tuyệt vời thực hiện được một trong Tứ hoằng thệ nguyện: Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ.

3- Sư trưởng với công cuộc hoằng pháp trong Ni giới:

Phật pháp sở dĩ được hoằng khai là do sự đồng tâm hợp lực của Phật giáo đồ với cùng tâm nguyện: Muốn cho đạo pháp được phát triển, vì Phật pháp là giáo pháp độ sanh đạt đến cứu cánh cao siêu vi diệu.

Hàng đệ tử của Phật có trách nhiệm học tập và triển khai Phật pháp để khai phá những mảnh đất tinh thần của chúng sanh, gieo mầm sống của những giống cây quý hiếm, trái lành, không để cỏ dại hoang vu cho côn trùng, thú dữ ẩn mình chờ có dịp hại người.

Nhiệm vụ của những người con Phật, xuất gia cũng như tại gia, theo quan điểm của Sư trưởng là:

"Tự phát đại tâm, lập đại chí, cùng nhau đứng lên xây dựng nền đạo pháp theo hướng chánh pháp, bồi dưỡng nhân tài, mở mang Phật sự, để chúng ta có đủ cơ duyên tạo ngôi nhà chánh pháp với công trình kiến trúc kiên cố, phù hợp với nhân tâm, lưu truyền được Phật pháp." (Tư liệu lưu trữ tại Tổ đình Huê Lâm)

Vì đại nguyện hoằng khai chánh pháp, Sư trưởng kêu gọi Ni giới, Phật tử đoàn kết thực hiện lời nguyện ước trong pháp Tứ hoằng thệ nguyện:

Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.
Phật Đạo vô thượng thệ nguyện thành.

Chúng ta đã thường phát lời nguyện ước cao quý trên và những lời phát nguyện của chúng ta trên cơ sở nền tảng chánh pháp thì hành động của chúng ta phải xứng hợp với chí nguyện. Sư trưởng đã nhận định:

"Phật pháp ngày nay đang hồi thịnh đạt nhưng hàng Ni giới chúng ta vẫn còn lẩn quẩn trong vòng tri kiến hẹp hòi, chưa biết phóng tầm nhìn cho sâu rộng để nhận rõ bổn hoài của Chư Phật cùng lòng từ bi của chư Bồ-tát. Hàng Ni giới chúng ta cần phải tự lực cùng tâm lực, nghĩ đến đức Kiều-đàm Di mẫu đã xả thân hành đạo, làm mẫu gương sáng cho hàng Ni giới chúng ta nương theo. Nay nếu chúng ta sống vị kỷ, quên phần đại thể, thì làm sao xứng đáng là con của Đấng Đại Từ, gánh vác gia nghiệp của Đức Phật hiện tại và tương lai? Làm sao chúng ta có thể duy trì mạng mạch của Phật pháp và tiền đồ của Ni chúng? Nghĩ đến điều này, chúng ta phải dõng mãnh tinh tấn "xả ái tài", cùng đem thân mạng vun bồi nền công đức, chung lo đại sự, đại nghiệp cho toàn thể Ni giới Việt Nam có một mối quan hệ vững chắc, chung lo Phật sự." *

Vì hạnh nguyện lớn lao trên, Sư trưởng có kế hoạch đào tạo Ni tài trong giới Ni chúng cao niên và Ni chúng trẻ tuổi. Đối với Ni chúng trẻ tuổi ngoài việc tu học, quý Ni cô còn phải tham gia công tác từ thiện xã hội; đối với bậc Ni chúng cao niên, Sư trưởng hướng dẫn vạch cho con đường tiến thủ xứng hợp với tuổi tác, với khả năng, để giúp đỡ cho những Ni sư trở nên bậc nhân tài hữu đức, hữu dụng bằng phương pháp mở lớp "Chuyên tu tịnh nghiệp" có quy củ, có hệ thống. Điều này rất cần thiết như con người phải có cơm ăn, có nước uống, mới thành được con người. Bởi vấn đề tu chứng là vấn đề chủ yếu cho những bậc chơn tu có đạo hạnh, có trí huệ. Nếu như tu sĩ chỉ có hình thức tu mà không có sự thâm đạt đến nơi tu chứng liễu ngộ, thì giống như những người có xác thân mà không có linh tánh. Đó là điều đáng tiếc! Thế nên, sự tu chứng là điều tối quan trọng của những bậc chơn tu hiện tại. Nhưng phương diện tu chứng không phải dễ dàng như lời nói suông, mà điều cần yếu là phải có sự thâm ngộ, phải có sự chứng đắc trong phương diện rèn luyện có kỷ cương, có mật yếu, tức là phải có nơi tịnh thất để an định thân tâm, ngoài ra cần phải có sự hướng dẫn đúng của những bậc Thầy hiền, bạn tốt, nương theo chánh pháp của Phật truyền dạy, xóa dần những mê lầm, gột rửa cho thân tâm thông suốt cả sự, lý. Có như thế, sự tu chứng mới thâm đạt đến nơi, đến chốn.

Sư trưởng luôn chú ý quan tâm đến Ni chúng, khai giảng lớp theo trình độ, theo tuổi tác để thực hiện nội quy của Ban quản trị Ni chúng, điều 2: "Nâng cao trình độ văn hóa của Ni chúng cho kịp với trào lưu tiến hóa của xã hội."

Người đã sớm nhận thức:

"Ni giới được dự vào số chúng xuất gia, được tu hạnh giải thoát. Song vì bản tính của nữ giới, tinh thần yếu ớt, không đủ duyên phước tiến vượt lên. Phật tánh vốn không phân biệt nam nữ như lời Phật từng dạy bảo, nhưng trên bước đường hành đạo, phải tìm đủ phương tiện để đạt thành chí nguyện tự lợi, lợi tha.

Phật pháp hoằng khai đều do sứ mạng Tăng, Ni đảm trách. Do đó Tăng Ni đều phải nghiêm trì Giới luật, phát triển đạo tâm cho quần chúng. Ni giới cần sớm nhận thức nhiệm vụ, góp phần công đức, tô bồi nền tảng Phật pháp, mong sao đền đáp công ơn sâu dày của Đức Thế Tôn và phát triển năng lực tự hành hóa tha hoàn thành sứ mạng phụng sự đạo pháp." (Tư liệu lưu trữ tại Tổ đình Huê Lâm)

Sự hoằng đạo của Sư trưởng và quý Ni sư thời bấy giờ đã đem đến cho Ni giới một niềm tin mãnh liệt, một nghị lực phi thường, một nghị lực được ban truyền từ nghị lực của Đức Từ Phụ Thích-ca với 49 năm vân du trên khắp vùng Ấn Độ ngàn xưa. Ni chúng đã được truyền thụ đức tin vững chắc của Phật giáo, để có nghị lực chung lo Phật sự. Sư trưởng đã từng dặn dò: "Bước đường hoằng pháp lợi sanh là một chuỗi dài phấn đấu quên mình, hy sinh cho sự nghiệp chung." Để Ni giới có những bậc chân tu uyên bác, có những vị Bồ-tát dấn thân trong Đại chúng để cứu khổ cứu nạn cho chúng sanh, giúp cho đời nhẹ bớt nỗi khổ đau, thức tỉnh nhân loại quay về với tình thương vô hạn của Chư Phật, Sư trưởng và quý Sư bà thuộc Ni Bộ Bắc tông đã thành lập:

    • Phật học Ni viện Huê Lâm
  • Phật học Ni viện. Dược Sư
    • Phật học Ni viện Từ Nghiêm
    • Phật học Ni viện Diệu Quang
    • Phật học Ni viện Diệu Đức
    • Hoa Quang Ni viện
    • Từ Thuyền Ni viện
    • Ưu Đàm Ni viện

Các Phật học Ni viện hằng năm đào tạo được hàng ngàn Ni sinh qua các lớp Sơ đẳng Phật học, lớp Trung đẳng chuyên khoa về nội điển lẫn ngoại điển và Cao đẳng Phật học chuyên khoa. Ngoài ra, ở các chùa cũng có tổ chức các lớp học Phật pháp cho Ni sinh, nhưng chưa được hợp thức hóa thành Phật học Ni viện như Liên Hoa tu viện, các chùa Từ Vân, Chánh Giác, Quan Âm, Long Nhiễu, Bảo Thắng, Phổ Đà, Phước Huệ, Hải Huệ, Thiền Đức...

Về nội dung giáo dục, Sư trưởng cùng quý Sư bà, Ni sư soạn thảo chương trình cho các lớp và thống nhất về phương pháp giảng dạy trên toàn quốc.

Các lớp nội điển đào tạo các Ni sinh theo chương trình cơ bản. Tốt nghiệp lớp Cơ bản, Ni sinh phải thi tuyển vào các lớp Trung cấp. Học xong Trung cấp, Ni sinh được thi tuyển vào trường Cao đẳng Phật học chuyên khoa.

Sư trưởng cũng đã có ý kiến với Ni bộ trong Nội quy của các tự viện: "Xét thấy từ nhiều năm qua, trong việc học tập của Ni chúng, vì không đủ duyên học ngoại điển cũng như có nhiều vị đã tiếp thu chương trình ngoại điển, nhưng chưa học nội điển, nên các Phật học Ni viện mở song song các lớp nội điển và ngoại điển."

Sư trưởng cũng đã có sáng kiến trước những lần Đại hội Ni bộ về việc chỉnh đốn nghi lễ cúng bái và nghi lễ tôn xưng phẩm đức cùng ngôi vị của toàn thể Ni giới và ấn định độ tuổi cho từng cấp học từ Sơ đẳng đến Đại học, Cao học.

Những Ni sinh được đào tạo qua các lớp Cao đẳng chuyên khoa, Đại học, Cao học sẽ được Ni bộ giao nhiệm vụ Giám đốc, Giáo sư, Giảng sư các Phật học Ni viện và các cơ quan Văn hóa giáo dục, hoằng pháp thuộc Ni Bộ Bắc tông.

Sư trưởng đã viết nhiều tác phẩm: Tài Liệu Trụ Trì, Pháp Học của Bồ Tát Giới Xuất Gia, Ba Đức Tánh Tốt Đẹp của Người Xuất Gia, Quy Luật Nhiếp Chúng, Phật Pháp Giáo Lý, Quy Điều Độ Chúng Xuất Gia và Truyền Trao Giới Pháp... để truyền bá trong Ni giới.

Những tác phẩm, bài viết, bài giảng của Sư trưởng soạn thảo là để độ hàng tịnh nữ xuất gia vào tự viện hành đạo, thọ giới Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-na, Tỳ-kheo-ni và Bồ-tát. Sư trưởng đã ân cần dạy bảo chư Ni về phương pháp lập hạnh xuất gia: lập chí, cần học, chế tâm, sám chướng...

Người mong Ni chúng cần thiết phải có ý chí và nuôi dưỡng chí hướng với sức hướng thượng để đạt tới đức độ hùng mạnh, trinh liệt, tinh tấn... Chí nguyện cao cả của Ni chúng được đạt thành sẽ thành công đắc quả, chuyển phàm thành Thánh.

Ni chúng cần đạt ba pháp học căn bản: giới học, định học huệ học để hạnh đức luôn được sáng tỏ, cao trội trong nhân cách, tư tưởng cao siêu với năng lực tiềm tàng vô cùng mầu nhiệm.

Sư trưởng luôn ân cần dạy cho chư Ni pháp chế tâm rất thâm diệu, đó là pháp Ngũ đình tâm quán. Với pháp này Ni chúng thường xuyên hành trì để chơn tâm thanh tịnh được tỏa hiện, sức huệ học quán chiếu sẽ phá trừ các tánh chất si ám.

Sư trưởng đào tạo Ni chúng về phương diện văn hóa, phương diện học thuật, từ vấn đề nhân loại hướng thượng đến phương pháp tạo tâm thuật và để tạo một tâm thuật tốt đẹp, chư Ni thực hành phương pháp sám trừ nghiệp chướng v.v… để trở thành một vị chân tu có đức tánh hoàn thiện, nhân lực, trí lực dũng mãnh, dẫn dắt hàng Phật tử được an tĩnh thân tâm và nhân cách trong sạch, tốt đẹp.

Với công việc hoằng pháp trong Ni giới, Sư trưởng luôn mong đạt được hoài bão là toàn thể Ni chúng được tu học để trang sử Phật giáo lưu danh những bậc Ni tài với chí đồng đạo hiệp, luôn sát cánh bên nhau, hoàn thành trách nhiệm của vị Sứ giả Như lai và các tự viện ngày thêm sáng chói, bền vững trong muôn thu bất tuyệt.

 

Viết xong, ngày 29–5–1998.
Phật tử Ngọc Minh Trần Thị Phụng

 


Cập nhật: 4-3-2001

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang