Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
SƯ TRƯỞNG NHƯ THANH: CUỘC ĐỜI và SỰ NGHIỆP
Chùa Huê Lâm

Chân dung Người
Tỳ-kheo Thích Nhật Từ

 

Tôi may mắn được diện kiến Người một lần duy nhất, vào năm 1990, tại chùa Huê Lâm Thành phố Hồ Chí Minh. Lúc ấy, tôi làm trợ lý cho Đại đức Thích Phước Cẩn trong việc vận động phiên dịch và ấn hành Phật Quang Đại Từ Điển. Tôi được Người ân cần khích lệ và truyền trao những kinh nghiệm quý báu về cuộc đời tu học và những việc làm Phật sự của Người. Lúc ấy, Người đã tròn 80 tuổi. Sức khỏe của Người còn khá tốt. Tinh thần của Người sáng suốt khác thường. Giọng nói của Người thật từ tốn, nhẹ nhàng. Lời dạy của Người ngắn gọn, đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc. Tinh thần và năng lực làm việc của Người làm cho tôi vô cùng kính phục. Phong thái thoát tục và cuộc đời của Người đã ảnh hưởng rất nhiều đến sự tu học và làm việc của tôi, từ dạo đó. Người là một trong những bậc Tôn đức đã để lại nhiều ấn tượng không bao giờ quên được về cách tu, cách sống và cách nghiên cứu, sáng tác và làm việc, trong tâm trí và tinh thần của những đàn hậu tấn. Đối với tôi, Người như người mẹ tinh thần không giới hạn thế hệ, là tấm gương sáng chói cho việc tu học và phụng sự Phật pháp, là một bậc Tôn túc, Trưởng lão đạo đức và trí huệ, là người hiến dâng trọn đời mình cho sự nghiệp truyền bá chánh pháp, làm lợi lạc nhân sanh. Tôi kính nhớ Người như kính nhớ đến một bậc chơn tu, một nhà thơ đạo, một nhà nghiên cứu sáng tác Phật giáo và một người thể hiện sống động tinh thần Bồ-tát đạo.

 

Sư trưởng Như Thanh - Một bậc chân tu

Xuất thân trong một gia đình kính tin Ba ngôi báu, Sư trưởng sớm nhận chân ra được bản chất của cuộc đời, quyết chí xuất trần khi tuổi thanh xuân vừa chớm nở. Sau khi xuất gia với Sư tổ Pháp Ấn, Sư trưởng nối gót các bậc Tổ đức, vân du đây đó để tầm cầu chánh pháp, tham học với các bậc Cao tăng thạc đức, ở mọi miền đất nước lúc bấy giờ. Song song với việc tu học trong những năm tháng đầu, Sư trưởng còn tham gia xây dựng chùa cho chư Ni có nơi an tâm tu học. Sau khi nắm vững tinh yếu và cốt lõi chánh pháp, Sư trưởng bắt đầu dấn thân vào sự nghiệp giảng dạy, khai mở giới trường, xây dựng các trung tâm giáo lý cho Ni, mở Trường tiểu học miễn phí cho các trẻ em nghèo hiếu học. Để đào tạo và phát triển Ni giới Phật giáo Việt Nam, Sư trưởng đã vận động và thành lập Ni Bộ Nam Việt. Công đức thành lập Ni bộ miền Nam Việt Nam này chắc chắn được Ni đoàn và Phật giáo Việt Nam trong thời hiện đại ghi nhớ và trân trọng. Người còn chấn tích quang lâm làm Hòa thượng Đàn đầu cho 16 giới đàn Sa-di-ni, Thức-xoa-ma-na và Tỳ-kheo-ni tại Thành phố Sài Gòn - Hồ Chí Minh và tại các tỉnh thành lân cận, từ năm 1946 cho đến năm 1998.

Trong suốt cuộc đời hoằng pháp, Người không hề tham gia vào chính sự, không màng đến sự hỗ trợ của bất kỳ chính thể nào, ấy thế mà mỗi hành vi, lời nói của Người đều thể hiện lòng yêu nước, thương dân và khuynh hướng cũng như cách hành đạo của Người đều mang tính tùy duyên bất biến và phương tiện quyền xảo. Với cuộc sống thanh cao thoát tục và hạnh nguyện độ sanh của Người, ai dám nói là Người không yêu nước, không bảo vệ quốc gia, không vận dụng phương tiện để đưa giáo pháp của Đức Phật đi vào sự sống của quần chúng Việt Nam? Cuộc đời của Người là cuộc đời của vị chân tu tự mình thắp đuốc lên mà đi. Hạnh nguyện của Người là tự thắp sáng đuốc của mình rồi truyền đuốc và mồi đuốc cho người khác. Người sống trong thế gian để mà vượt lên trên thế gian. Người ở trong đời để mà độ đời. Người mộc mạc và bình dị trong cách sống để giúp mọi người nhận ra được cái siêu tuyệt của chánh pháp trong thế sự thường tình. Không có chánh pháp và chơn lý nào tồn tại ngoài thế gian, cũng như không có việc làm nào của Người là không nhằm hướng đến sự lợi lạc cho tha nhân và cộng đồng xã hội. Nhớ đến Người là nhớ đến một bậc chân tu làm sáng chói đạo giải thoát bằng cuộc sống bình dị, thanh cao; làm ích nước, lợi đời bằng hành vi chánh pháp. Người bình dị nhưng cao vĩ, trong đời nhưng vượt lên trên đời, để cho đời ca tụng.

 

Sư trưởng Như Thanh - Một nhà thơ đạo

Sáng tác thơ đạo là một trong những nét nổi bật của Sư trưởng. Đối với Sư trưởng, thơ không phải là trò tiêu khiển mà là một phương tiện hữu hiệu, một lợi khí sắc bén để truyền đạo, để đem giáo lý vào lòng người. Với sáu tập thơ: Hoa Đạo, Hoa Thiền, Hoa Thanh Hương, Hoa Bát Nhã, Hoa Đạo Hạnh, Hoa Chánh Giác và Phẩm Chất Người Con Phật, tổng cộng hơn 500 bài, được làm và xuất bản trong những thời điểm khác nhau, Sư trưởng đã giới thiệu một cách sống động những lời dạy cao siêu của Đức Phật dưới hình thức những vần thơ giản dị, thanh thoát, nhẹ nhàng, mang hồn sắc Việt Nam. Thơ của Sư trưởng chứa đựng một chí nguyện xuất trần, vào đời độ sanh. Thơ của Sư trưởng là tất cả tâm tư, tình cảm, kinh nghiệm và thể nghiệm của một người đã trải qua một quá trình tu tập nhiều gian khó, truyền lại cho người đọc những chất liệu của tình thương yêu, lượng thứ bao dung, những chất liệu của chánh pháp đã tinh chế, để tất cả cùng nhau thở cùng nhịp thở an lành trong bầu khí quyển của chánh pháp. Thơ của Người đậm đà tình quê hương dân tộc và thấm nhuần hương vị đạo đức.

Từ những bài thơ đầu tay vào năm 1932 cho đến những bài thơ cuối cùng trong những năm gần đây, ý thơ của Người như nguồn mạch tuôn trào, thấm nhuần chất đạo, đậm đặc tinh hoa, man mác ân tình, dồi dào đạo lực, ấp ủ chí khí, dào dạt tình thương, nuôi lớn hạnh nguyện, đậm đà chất ngụ ngôn và triết lý sống. Thiên nhiên và mọi sự vật hiện tượng đối với Người không chỉ là nơi để thưởng ngoạn mà còn là công cụ để chuyển tải đạo, mô tả đạo một cách sống động. Từ hình ảnh của người nông dân mộc mạc, chú lái đò thân thương, phú ông bủn xỉn, cho đến con chim sáo, chim hoàng oanh, tôm tép, ếch và ngay cả hình ảnh của chiếc lồng, viên ngọc, sóng, nước, trời và biển… đều được Người vận dụng nhuần nhuyễn để diễn tả chân lý trong những cái bình thường. Thơ của Người lúc thì sử dụng các thể thất ngôn tứ tuyệt, thất ngôn bát cú, khi thì sử dụng lục bát, song thất lục bát và ngay cả thể tự do nhưng tất cả đều mang đậm chất liệu Việt Nam, thuần ngôn ngữ và tâm tình của người Việt Nam. Thơ của Người, khi thì chứa đựng các ẩn dụ triết lý, các so sánh ví von, lúc thì khéo sử dụng các phương pháp tương phản, liệt kê, nhằm giúp cho người đọc nhận ra được tinh hoa áo nghĩa của lời Phật dạy trong đời thường, như duyên khởi, nhân quả tương ứng, tội phước phân minh, trau giồi đạo đức, đa văn, thiền định và trí huệ… Đây là việc làm đáng được học hỏi, đáng được trân trọng. Người xứng đáng với tên gọi một nhà thơ đạo, một nhà thơ lớn của Ni giới Việt Nam, một nhà thơ của Phật giáo Việt Nam và là một nhà thơ tầm cỡ của dân tộc Việt Nam.

 

Sư trưởng Như Thanh - Nhà nghiên cứu tầm cỡ

Nói đến Sư trưởng là nói đến người suốt đời tận tụy với sự nghiệp bút nghiên cho Phật giáo và cho đàn hậu tấn. Sư trưởng đã khởi đầu sự nghiệp sáng tác vào độ tuổi thanh xuân, cái tuổi mà người đời còn say mê trong hưởng thụ vật chất và vui chơi. Sớm ý thức và giác ngộ lẽ đạo siêu thoát, Sư trưởng đã ròng rã suốt gần 60 năm sáng tác, dịch thuật và sớ giải các Kinh điển quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Đây là một tấm gương hiếm có mà không phải một vị Ni nào cũng có thể làm được. Các sáng tác của Sư trưởng bao gồm các chủ đề nghiên cứu khác nhau, cho các đối tượng khác nhau, để xiển dương chánh pháp của Đức Phật. Về lịch sử, có thể kể đến các tác phẩm Lược Sử Phật Thích Ca Lịch Sử Kiều Đàm Di Mẫu. Về nghi thức tụng kinh, có thể kể đến các quyển Nghi Thức Tụng Niệm, Nghi Thức Niệm Hương Nghi Thức Phóng Sanh. Về sách cẩm nang, có thể kể đến các quyển Cẩm Nang Người Phật Tử (cho Phật tử tại gia), Giới Đức Kiêm Ưu (cho người xuất gia) và Phật Pháp Giáo Lý (cho cả hai đối tượng xuất gia và tại gia).

Trong khoảng đầu thập niên 90, Sư trưởng đầu tư vào việc giới thiệu và sớ giải các kinh điển quan trọng của Phật giáo Đại thừa, như các tác phẩm Hành Bồ Tát Đạo (3 tập), Bát Nhã Cương Yếu (2 tập) và Duy Thức Học (2 tập). Các tác phẩm này có giá trị nghiên cứu rất cao, không những về phương diện cung cấp tri thức Phật học mà còn ở phương diện truyền trao kinh nghiệm tu tập Phật học. Cách tiếp cận và sớ giải của Sư trưởng trong các tác phẩm trên rất đặc biệt, mang tính chiều sâu và toàn diện. Chúng có thể được xem như những sách căn bản và tiêu chuẩn cho việc nghiên cứu và tu học Phật pháp.

Ngoài các sáng tác trên, Sư trưởng còn tuyển dịch nhiều tác phẩm căn bản và quan trọng trong Phật giáo, nhằm đáp ứng cho việc nghiên cứu và học hỏi của Tăng Ni và Phật tử lúc bấy giờ. Các dịch phẩm ấy liên quan đến tư tưởng Bát-nhã như Hai Mươi Bốn Bài Kệ Bát Nhã, đến những điểm tinh hoa cũng như những điểm giống và khác nhau giữa Thiền và Tịnh độ như Thiền Tông Cương Yếu, Thiền Tông và Tịnh Độ Tông, đến phương pháp tu tập hữu hiệu như Tinh Thần Tu Dưỡng, đến tinh thần nhập thế và hoạt động xã hội như Hưng Thiền Hộ Quốc, liên quan đến tiêu chí khôi phục và chấn hưng đạo Phật như làm cách nào để hoằng dương Phật pháp?

Ngoài các dịch phẩm tiêu biểu trên, Sư trưởng còn là Tổng biên tập và Chủ biên của hai tâﰠsan Phật học mang tên Hoa ĐàmNhân Cách, để khích lệ Ni chúng sáng tác và truyền bá chánh pháp, dưới dạng thức văn học và phương diện hành đạo thực tiễn.

Với số lượng 20 tác phẩm và 8 dịch phẩm như vừa nêu, được viết và xuất bản trong 60 năm qua, mà trong số đó có nhiều tác phẩm được tái bản nhiều lần, đủ cho thấy tinh thần làm việc không mệt mỏi, tinh thần phục vụ tận tụy và gương hy sinh cao cả của Người, đối với đời, đối với đạo. Người quả thật xứng đáng là nhà nghiên cứu và sáng tác Phật học tầm cỡ, không chỉ thuộc vào bậc nhất nhì trong Ni giới Việt Nam của thế kỷ 20 mà còn thuộc vào bậc xứng đáng ngồi riêng một chiếu trong Ni giới về gương hạnh làm việc và sáng tác trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Nhớ đến Người là tôi nhớ đến một vị Sư trưởng đã đào tạo nên nhiều thế hệ Ni sư, Sư cô mà nhiều người trong số đó đã đóng góp không nhỏ vào sứ mạng truyền bá chánh pháp của Đức Phật, làm lợi lạc con người và dân tộc Việt Nam. Dù cho sau này, Sư trưởng không còn nữa, tôi vẫn tin tưởng rằng tên tuổi, hình ảnh và tinh thần phụng sự chánh pháp của Người luôn sống mãi trong lòng Ni bộ Việt Nam, trong Phật giáo Việt Nam.

Hiện nay, Sư trưởng đang lâm bệnh. Mai này, có phải xa Người trong nỗi đau khó tả, trong sự nhận thức lẽ vô thường tạm bợ, trong hoài bão phụng sự chúng sanh chưa trọn vẹn, nhưng với niềm tin bền vững về một tương lai tươi sáng của Ni bộ miền Nam Việt Nam nói riêng và Ni bộ Phật giáo Việt Nam nói chung, tôi kính mong và tin tưởng rằng quý Ni sư và Sư cô đệ tử của Người sẽ làm cho những giáo huấn và hành động bảo vệ chánh pháp của Người trở thành hiện thực. Được như vậy thì nỗi đau vô thường sẽ không còn là nỗi đau nữa mà là đầu nguồn của Phật sự độ sanh, của an lạc giải thoát trong thế giới tử sanh này.

Cuộc đời và hạnh nguyện của Người đã góp phần tô bồi cho cây Bồ-đề Việt Nam mãi tốt tươi, cho cây đời Việt Nam vươn tới sự sống an lạc, cho Phật giáo và dân tộc mãi mãi bên nhau. Ngưỡng mong quý Ni sư, quý Sư cô, quý Phật tử đệ tử của Người hãy tiếp nối sự nghiệp của Người, đem đuốc tuệ của Người truyền đi khắp nơi, thắp sáng ngọn đèn chánh pháp khắp đó đây, để làm tỏ sáng chất liệu an lạc, giải thoát cho hôm nay và ngày mai.

New Delhi, ngày 27- 11- 1997.
Tỳ-kheo Thích Nhật Từ
Cẩn bút.

 


Cập nhật: 4-3-2001

Trở về mục "Phật giáo Việt Nam"

Đầu trang