Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
XỨ PHẬT HUYỀN BÍ
Nguyên tác:  AUTOBIOGRAPHIE D’UN YOGI
Của: Tu sĩ   PARAMHANSA YOGANANDA

CHƯƠNG HAI

MÓN LINH VẬT HỘ PHÙ

Điều mong ước lớn nhất của mẹ tôi là lập gia đình cho anh cả tôi."A! khi nào tôi nhìn thấy gương mặt vợ của Ananta tôi sẽ có cảm giác như sống trong thiên đàng ở hạ giới!" Đó lời của mẹ tôi thốt ra để bày tỏ lòng mong ước điển hình của người Aán độ là được bảo đãm sự nối tiếp của giòng dõi của gia đình.

Khi Ananta thành hôn tôi mới lên bảy tuổi, mẹ tôi lúc ấy đang ở Calcutta lo chuẩn bị mọi việc để cử hành hôn lể. Chỉ còn có cha tôi và tôi ở nhà tại Bareilly, trên miền Bắc Aán, cha tôi vừa đổi đến đây sau ba năm làm việc tại Lahore.

Tôi đã từng dự các cuộc hôn lễ rực rở tưng bừng của hai chị tôi là Roma và Uma. Đối với Ananta là anh cả trong gia đình thì những nghi lể cưới hỏi lại càng đặc biệt và long trọng hơn nữa. Tại Calcutta mẹ tôi tiếp nhiều quan khách đến từ các vùng xa và để họ tá túc ở một ngôi nhà rộng rãi, đầy đủ tiện nghi vừa mua được ở số 50 đường Amherst. Mọi việc đều đã chuẩn bị sẵn sàng: những món ăn cao long mỹ vị, chiếc kiệu lót lụa thêu trên đó Ananta sẽ được đăït ngồi lên và khiêng đi một cách long trọng đến nhà tân giai nhân, những đèn lồng màu mè sặc sở, những con lạc đà và voi bằng giấy nhồi cứng, những giàn nhạc Aán Độ và Tây phương , những kẻ làm trò chuyên nghiệp, những tăng lễ hành lễ Tôn giáo theo nghi lễ cổ truyền.

Cha tôi và tôi cũng sắp sửa chọn ngày lên đường để dự lễ cưới cùng với gia đình. Nhưng một đêm nọ tôi nhìn thấy một linh ảnh báo trước một việc chẳng lành.

Đêm đó vào lúc nửa đêm tại Bareilly. Tôi đang ngủ bên cạnh cha trôi trên giường thì thình lình tôi giật mình thức dậy vì một tiếng động khác thừơng làm rung rinh chiếc mùng. Cái mùng vén lên và tôi nhìn thấy mẹ tôi.

-"Đánh thức cha con dậy!" Tiếng nói của mẹ tôi lúc ấy chỉ còn là một giọng nói nhỏ thì thầm.

-"Hai cha con hãy đáp chuyến xe lửa đầu tiên lúc 4 giờ sáng để đến Calcutta ngay lập tức nếu muốn còn nhìn thấy mẹ!"

Nói đến đó, mẹ tôi ngất xỉu và biến mất

-"Cha ơi! Cha! Mẹ đang hấp hối!"

Giọng nói sợ hãi của tôi làm cha tôi thức giấc.

Tôi càng khóc lớn hơn. Cha tôi dỗ dành

-"Đó chỉ là một cơn ảo ảnh chứ không có gì lạ. Mẹ con đang mạnh khoẻ không đau ốm chi. Nếu hôm nay có tin gì, chúng ta sẽ đi ngay vào ngày mai."

-"Cha sẽ hối hận suốt đời nếu cha không chịu đi ngay cho kịp ngày, Con cũng vậy, con sẽ oán hận cha suốt đời nếu cha không chịu đi cho con nhìn thấy mẹ!" tôi nói lớn lên trong cơn thất vọng.

Sáng ngày hôm sau tôi nhận được bức điện tín:

"Mẹ đau nặng. Hôn lễ đình lại sau. Hãy đến ngay."

Chúng tôi hối hả lên đường, một người cậu tôi gặp chúng tôi lúc xe lửa ngừng tại một nhà ga lớn ở dọc đường. Một chuyến xe lửa ở đầu kia đi lại ầm ầm như cơn giông, tiếng động mỗi lúc càng lớn khi chuyến xe đến càng gần. Trong cơn đau khổ tôi cảm thấy như muốn nhào xuống đường rầy. Tôi đã không còn mẹ như linh tính tôi đã báo trước, cuộc đời từ nay đối với tôi thật vô vị không thể chịu nổi. Mẹ tôi là một người tri kỷ lớn nhất mà tôi có trên đời, đôi mắt đen của mẹ tôi là nguồn an ủi duy nhất, tình thương của mẹ tôi là nơi trú ẩn chắc chắn nhất trong thời thơ ấu của tôi.

-"Chị còn sống chăng?" cậu tôi hỏi.

-"Tự nhiên là còn" cha tôi đáp

Tuy nhiên tôi không tin tưởng ở lời quả quyết này và cậu tôi đã khám phá ra nét thất vọng hiện trên gương mặt của tôi.

Chúng tôi đến Calcutta chỉ vừa kịp để chứng kiến cái chết của mẹ tôi. Tôi rơi vào một trạng thái buồn thảm và sự sống đối với tôi không còn ý nghĩa gì. Nhiều năm trôi qua trước khi tôi có thể hoà mình với sự thật đã rồi và không thể tránh khỏi. Những tiếng khóc than của tôi vang dội lên tận trời xanh, sau cùng đã động lòng đức Phật Mẫu thiêng liêng, nên Ngài đã xoa dịu vết thương lòng của tôi bằng những lời này:

-"Chính ta đã săn sóc con từ kiếp này sang kiếp khác xuyên qua tình thương của vô số những người mẹ đã sinh ra con ở thế gian! Con hãy thấy cái nhìn của ta những tia sáng dịu hiền của những cặp mắt đẹp long lanh và đen huyền mà con đã mất!".

Cha tôi và tôi trở về Barelly sau khi lễ hoả táng mẹ tôi đã hoàn tất. Mỗi buổi sớm mai tôi thức sớm và đến chiêm ngưỡng dưới gốc cây sheoli che bóng mát trước bãi cỏ xanh trước nhà. Những cánh hoa trắng tinh của cây sheoli tô điểm cho cảnh vật càng thêm xinh tươi. Đôi mắt đẩm lệ và sương tôi thường nhìn thấy một ánh sáng lạ lùng huyền dịu đến với lúc bình minh. Một cơn khát vọng tìm chân lý xâm chiếm lấy tôi. Tôi cảm thấy một sức lôi cuốn mãnh liệt thúc đẩy tôi đến dãy núi Tuyết Sơn.

Một người anh họ của tôi vừa đi chơi trên dãy Tuyết Sơn trở về có đến thăm chúng tôi tại Bareilly. Tôi chăm chú nghe một cách say sưa những chuyện của y tường thuật về những non cao động cả là nơi trú ẩn của các đạo sỉ Yogi.

-"Chúng ta hãy đi lên núi Tuyết Sơn," tôi đề nghị với Dwarka Prasad, lúc ấy đang ở trọ nhà chúng tôi tại Bareilly. Y bèn tiết lộ điều đó cho anh cả tôi là Ananta đang đến thăm cha tôi lúc ấy. Ananta không những mỉm cười về chương trình táo bạo của một đứa em nhỏ mà còn diễu cợt tôi:

-" Cái áo cà sa vàng của em đâu? Cái đó mới là áo của tu sỉ!"

Những lời này gây cho tôi một ảnh hưởng bất ngờ. Trong tâm hồn tôi lởn vởn những cơn linh ảnh trong đó tôi thấy tôi mặc áo vàng của nhà tu sỉ và đi hành hương ta bà khắp xứ Aán Độ. Phải chăng câu nói đó đã làm thức động những ký ức về những tiền kiếp của tôi khi xưa? Dầu sao tôi đã sẵn sàng khoác lấy một cách thoải mái và dễ dàng bộ áo vàng của giới tu sĩ.

Một buổi sáng nọ trong khi tôi đang nói chuyện với Dwarka, lòng sùng kính Thiêng Liêng tự nhiên xâm chiếm tâm hồn tôi một cách đột ngột. Bạn tôi nghe những lời thuyết pháp hùng hồn của tôi một cách uể oải trong khi tôi lấy làm sung sướng mà nghe giọng nói của chính mình!

Trưa hôm ấy, tôi lén trốn đi Naini Tal, dưới chân núi Tuyết Sơn. Ananta liền cương quyết đuổi theo bắt tôi trở lại và tôi lấy làm buồn mà phải trở về Bareilly. Từ nay cuộc hành hương duy nhất mà tôi được phép thực hiện là đi đến gốc cây sheoli mỗi buổi sớm mai. Tôi càng khóc thầm vì đã mất đi một người mẹ nhân từ và thánh thiện.

Cái chết của mẹ tôi là một sự thiệt thòi lớn cho gia đình, cha tôi không chịu tái giá và sống góa vợ như thế trong gần 40 năm. Sống cảnh gà trống nuôi con cha tôi trở nên dịu dàng, mềm mỏng và dễ thông cảm hơn. Bình tỉnh và lo xa người giải quyết êm thấm mọi vấn đề nội bộ trong gia đình. Sau giờ làm việc người sống cô độc như một ẩn sĩ trong phòng riêng và thực hành pháp môn thiền định. Về sau tôi có ý định thuê một nữ tiếp viên người Anh để coi sóc việc nhà và đem lại ít nhiều tiện nghi trong gia đình thì cha tôi lắc đầu từ chối.

-"Đối với cha con thấy không, đã dứt mọi sự săn sóc từ ngày mẹ con khuất núi. Cha sẽ không bao giờ chịu nhận sự săn sóc của một người đàn bà nào khác."

Mười bốn tháng sau khi mẹ tôi mất, tôi mới biết rằng mẹ tôi có để lại cho tôi một thông điệp tối quan trọng. Ananta có mặt bên giường bịnh khi mẹ tôi hấp hối đã nghe những lời trăn trối của mẹ tôi. Tuy mẹ tôi có dặn rồi phải cho tôi biết trong một năm sau, nhưng anh tôi đã đình hoãn lại ngày đó. Anh tôi sẽ rời khỏi Bareilly trong ngày gần đây để cưới người con gái mà mẹ tôi đã chọn lựa. Vì thế một buổi chiều anh tôi tìm đến tôi và nói:

-"Mukunda, từ lâu anh đã do dự không muốn cho em biết một tin nó sẽ làm em ngạc nhiên."

Ananta nói với một giọng an phận:

-"Anh sợ rằng nếu cho em biết sớm hơn, việc này càng làm cho em muốn bỏ gia đình để xuất gia. Tuy nhiên em đã có nguồn cảm hứng thiêng liêng cho nên lúc anh rượt bắt em trở lại gia đình sau khi em muốn lên núi Tuyết Sơn, anh đã quyết định cho em biết ngay lời trăn trối của mẹ." Anh tôi bèn đưa cho tôi một cái hộp nhỏ đựng bức thông điệp của mẹ tôi. Trong đó mẹ tôi nói:

-"Mukunda con hỡi! Những lời này là lời chúc cuối cùng của mẹ gởi đến cho con. Giờ phút này là lúc mà mẹ phải tiết lộ cho con biết vài sự việc lạ thường xảy ra sau khi con mở mắt chào đời. Con chỉ là một hài nhi khi mà định mệnh của con được tiết lộ cho mẹ biết, Lần đầu tiên khi mẹ bồng con đến tịnh thất của đức Lahiri Mahasaya, vị Tôn sư của mẹ ở Bénarès. Hôm ấy Tôn sư đang toạ thiền và xuất thần nhập định, các vị đệ tử lúc ấy đang ngồi tề tựu rất đông chung quanh ngài đến nỗi mẹ ngồi ẩn khuất ở phía sau rốt và không nhìn thấy mặt Tôn sư.

"Mẹ bồng con trên tay và cầu nguyện cho Tôn sư biết có mẹ con ta trong đám đông để ngài ban ân huệ cho chúng ta. Trong khi mẹ đang âm thầm cầu nguyện ráo riết thì Tôn sư mở mắt ra và gọi mẹ lại gần. Đám đông để cho mẹ đi qua và mẹ quỳ xuống một bên ngài. Tôn sư mới bồng con lên đặt lên đầu gối ngài và đặt bàn tay trên trán con trong một cử chỉ ban ân huệ tâm linh. Ngài nói:

-"Này hiền mẫu, con của người sẽ trở nên một tu sĩ xuất gia. Y sẽ đưa nhiều linh hồn đến cõi Phật".

Lòng mẹ tràn ngập niềm vui sướng vì Tôn sư đã nghe được lời cầu nguyện thầm kín của mẹ. Trước khi con lọt lòng mẹ thì Tôn sư đã tiên đoán rằng ngày sau con sẽ noi theo con đường của ngài.

"Về sau con hỡi, mẹ đã có dịp tin tưởng một cách chắc chắn rằng con đường của con sẽ đưa con đi xa khỏi cuộc đời thế tục. Một sự kiện độc đáo đã xác nhận sự tin tưởng đó và ngày nay mẹ để lại cho con lời di chúc tối hậu này, trên giường bịnh hấp hối của mẹ.

"Đó là sự gặp gỡ một nhà hiền giả xứ Punjab. Trong khi gia đình ta cư ngụ tại Lahore, một buổi sớm mai, người gia bộc chạy vào phòng mẹ và nói:

-"Thưa ba,ø một người tu sĩ dị kỳ vừa đến đây. Ông ta đòi yết kiến "mẹ của Mukunda".

"Những lời nói đó làm cho mẹ sửng sốt. Mẹ liền bước ra vái chào người khách lạ. Khi mẹ nghiêng mình kính cẩn chào người, thì mẹ cảm thấy rằng mẹ đang đứng trước một vị sứ giả của thiêng liêng.

-"Này hiền mẫu, (người ấy nói), Tôn sư muốn cho bà biết rằng kiếp sống hiện tại của bà ở thế gian này đã chấm dứt. Cơn bịnh sắp tới của bà cũng sẽ là cơn bịnh cuối cùng."

"Nói xong người im l;ặng trong một lúc trong khi đó mẹ không hề cảm thấy sợ sệt mà trong tâm hồn mẹ tràn đầy một niềm an tịnh vô biên:

-"Bà sẽ giữ một món bảo vật hộ phù bằng bạc. Tôi sẽ không đưa cho bà ngày hôm nay nhưng để chứng thực lời nói của tôi, vật ấy sẽ hiện ra ngày mai khi bà ngồi thiền. Đến giờ hấp hối bà sẽ yêu cầu người con cả là Ananta hãy giữ vật ấy trong một năm và sau đó hãy chuyển lại cho ngừơi con thứ. Người này sẽ giữ lấy vật ấy khi mà y cảm thấy sẳn sàng từ bỏ thế gian để xuất gia tầm đạo. Khi người này đã giữ món hộ phù ấy trong nhiều năm và vật ấy đã làm tròn sứ mệnh của nó, nó sẽ tự nhiên biến mất.Y không cần dấu nó ở một nơi kín đáo vì nó sẽ trở về nguyên quán!"

"Mẹ bèn cúng dường cho vị tu sĩ một món tiền đi đừơng nhưng vị ấy từ chối không nhận và rút lui sau khi đã ban ân huệ cho mẹ. Chiều hôm sau, khi mẹ ngồi thiền, một vật hộ phù bằng bạc tự nhiên xuất hiện trong hai bàn tay của mẹ, đúng như lời vị tu sĩ nói trước. Vật ấy hiện ra làm cho mẹ có một cảm giác lành lạnh và trơn trơn trong bàn tay. Mẹ đã giữ gìn cẩn thận vật ấy trong hai năm và đã giao cho Ananta, Mukunda con hỡi, con đừng khóc mẹ nữa, vị Tôn sư thiêng liêng sẽ hộ trì cho mẹ trong cõi Vô Cùng. Thôi, mẹ từ giã con và cầu chúc đức Phật Mẫu che chở cho con."

Một ánh sáng thần diệu xâm chiếm lấy tôi khi tôi sở hữu món bảo vật ấy; nhiều kỷ niệm đã lãng quên từ lâu nay thức động trở lại. Món bảo vật hình tròn có một dĩ vãng cổ xưa không biết từ đời nào có khắc chữ cổ Phạn. Tôi đoán rằng đó là món quà tặng của những vị minh sư mà tôi đã biết trong những kiếp quá khứ, ngày nay đã đặt tôi dưới sự bảo vệ vô hình và bí ẩn của các ngài. Nó còn có một ý nghĩa huyền diệu khác nữa mà tôi không được phép tiết lộ.

Còn món bảo vật đã biến mất như thế nào vào những giờ phút đau khổ nhất của đời tôi, và sự biến mất đạ mở màn cho việc gặp gỡ với Tôn sư tôi như thế nào, thì điều đó tôi không thể tường thuật lại trong chương này.

Nhưng người thanh niên bị thất vọng trong chuyến du hành lên dãy Tuyết Sơn, đã đi rất xa dưới ảnh hưởng phù trợ vô hình của món bảo vật hộ phù.

Mục lục | Lời tựa | 1 | 2 | 3| 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25|
Chúng tôi chân thành cảm ơn Phật tử Huỳnh Thanh Hương đã phát tâm đánh máy gởi sách này về tặng cho Ban biên tập Đạo Phật Ngày Nay.

 


Vào mạng: 1-04-2005

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang