Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
ĐẠO PHẬT VÀ DU LỊCH TÂM LINH
HỘI NGHỊ CỦA CÁC LÃNH TỤ PHẬT GIÁO THẾ GIỚI TẠI ẤN ĐỘ
      Thích Nhật Từ
 

TÓM TẮT CHƯƠNG TRÌNH HỘI NGHỊ

Sau 5 năm nghiên cứu về giá trị và tầm quan trọng của Bồ-đề Đạo Tràng, cuối cùng tổ chức Văn Hoá, Xã Hội và Giáo Dục của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã công bố thánh tích này là Di Tích Văn Hoá Thế Giới vào ngày 27-6-2003, nâng tổng số các di tích văn hoá thế giới của Ấn-độ lên thành 23 công trình. Thừa nhận các giá trị di sản văn hoá và truyền thống tâm linh Phật giáo như quốc bảo mà người Ấn-độ từ lâu đã bỏ quên, bộ Du Lịch, Văn Hoá và bộ Hàng Không Dân Dụng của chính phủ Ấn-độ đã phối hợp tổ chức “hội nghị của các lãnh tụ Phật giáo thế giới về Đạo Phật và Du Lịch Tâm Linh” tại viện Vigyan New Delhi và Bodhgaya.

Bồ-đề Đạo Tràng là thánh địa quan trọng nhất đối với người Phật tử, nơi cách đây hơn 2500 năm, thái tử Tất-đạt-đa của dòng họ Thích-ca đã thành tựu đạo quả giác ngộ vô thượng, từ đó, đạo Phật có mặt trên cuộc đời. Các di tích tại Ấn-độ liên hệ đến cuộc đời đức Phật là những kho tàng văn hoá và tâm linh vô giá đối với người Phật tử nói riêng và nhân loại nói chung.

Về loại hình và nội dung, đây là hội nghị đầu tiên quy tụ gần 400 nhà lãnh tụ và các bậc thầy trong nhiều truyền thống Phật giáo, cũng như các nhà nghiên cứu, học giả Phật học đến từ 25 nước như: Tích-lan, Indonesia, Malaysia, Triều Tiên, Đại Hàn, Nhật Bản, Trung Quốc, Mông Cổ, Singapore, Bhutan, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Cam-pu-chia, Bangaladesh, Nepal, Mỹ, Úc, Anh, Đức, Pháp, Đài Loan, Hồng Kong và Việt Nam.

Trong hàng khách quý, có vài vị tăng thống (Sangharajas) của các nước Phật giáo Nam tông như tăng thống Cam-pu-chia và tăng thống Lào. Đức Dalai Lama thứ 14 là một trong những thượng khách được mời phát biểu chính trong ngày khai mạc, với trên 1200 đại biểu ngoại quốc và Ấn-độ tham dự.

Về quan khách, có vài đại sứ và nhân viên ngoại giao cao cấp của các nước Phật giáo tham dự. Phía Ấn-độ có các bộ trưởng Văn Hoá, Du Lịch và bộ Trưởng bộ Hàng Không Dân Dụng, các viên chức quan trọng khác trong chính phủ trung ương và bang Bihar, nơi tháp Bồ-đề Đạo Tràng đang hiện hữu, cũng như đại diện của nhiều công ty du lịch trong và ngoài nước Ấn-độ. Tổng thống Ấn-độ, tiến sĩ A P J Abdul Kalam đích thân khai mạc và phát biểu tại hội nghị quan trọng này.

Hội nghị được diễn ra ba ngày, từ ngày 17 đến 19 tháng 2 năm 2004. Hai ngày đầu, hội nghị được tổ chức trọng thể tại Vigyan Bhavan, nơi mà các cuộc đàm phán và hội thảo quốc tế của chính phủ Ấn-độ thường được diễn ra. Có hai mảng chủ đề chính được thảo luận trong nhiều hội trường khác nhau:

1) Mảng chủ đề thứ nhất là Sự Thích Ứng của Đạo Phật và Triết Học Phật Giáo trong Thế Giới Hiện Đại. Chủ đề lớn này được chia làm ba phần: a) “Phật Giáo trong Thế Kỷ 21” b) “Phật Giáo và Hoà Bình Thế Giới” và c) “Phật Giáo và Quốc Tế Hoá.” Có khoảng 200-400 đại biểu Phật giáo tham dự và thảo luận các chủ đề này, trong các hội trường khác nhau.

2) Mảng chủ đề thứ hai là “Phật giáo - Cuộc Hành Trình Tâm Linh” được chia làm ba chủ đề hội thảo chính: a) “Các Di Tích Văn Hoá Phật Giáo ở Ấn-độ” b) “Hành Hương Đất Phật – Các Vấn Đề và Triển Vọng” và c) “Đẩy Mạnh các Chuyến Du Lịch Phật Giáo tại Ấn Độ.” Cũng có nhiều đại biểu tham dự các chủ đề hội thảo này trong các hội trường khác nhau, thuộc Vigyan Bhavan.

Phần thuyết trình bằng băng đĩa về nghệ thuật kiến trúc độc đáo của Phật giáo như Ajanta và Alora v.v... đưa quý đại biểu trở về với những danh lam cổ tự Phật giáo được đục sâu vào lòng dãi núi, trải qua nhiều thời đại. Các đại biểu còn được tham quan Viện Bảo Tàng Quốc Gia với 20 viên xá-lợi Phật nhiều màu sắc được tôn thờ trong một tháp lát vàng và cẩn kim cương, do những nghệ nhân Thái Lan kiến dựng và hiến cúng. Đây cũng là nơi diễn ra hai cuộc triển lãm hình ảnh về a) Các Thánh Tích Phật Giáo và b) Các Kho Tàng Phật Giáo, nhằm giúp cho quý đại biểu có thể thưởng thức các gia tài và di tích văn hóa đặc sắc của Ấn-độ. Bên cạnh đó, các đại biểu còn được thưởng thức các bức hoạ về nghệ thuật hiện đại của các danh hoạ tài danh Ấn-độ tại Nhà Trưng Bày Nghệ Thuật Hiện Đại cấp Quốc Gia, thuộc thủ đô New Delhi. Tối ngày 17-2, các đại biểu thưởng thức chương trình văn nghệ văn hoá tại khách sạn Aśoka với nhiều tiết mục múa và kịch mang sắc thái Phật giáo và văn hoá dân gian Ấn-độ, để lại nhiều ấn tượng về một đất nước phong phú và đa dạng về văn hoá tâm linh.

Trong lễ khai mạc, 25 vị đại biểu lãnh tụ cao cấp của 25 nước Phật giáo lần lượt tiếp nhận cây Bồ-đề, biểu tượng của giác ngộ và giải thoát, từ tổng thống Ấn-độ.

Được biết, Việt Nam là một trong vài nước có số lượng đại biểu nhiều nhất trong hội nghị lần này với 22 vị chính thức và 23 vị bán chính thức. Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam là Hoà thượng Thích Thanh Tứ với bài phát biểu “Các Giá Trị Phật Giáo và Sự Hấp Dẫn về Du Lịch Tâm Linh” đã gây sự chú ý của nhiểu cử toạ. Trong phái đoàn, còn có Hoà thượng Thích Trí Quảng, TT. Thích Thiện Nhơn, TT. Thích Thanh Nhiễu, TT. Thích Gia Quang, TT. Thích Bảo Nghiêm, TT. Thích Quảng Tùng, TT. Thích Thanh Nhã, TT. Thích Thanh Đạt, ĐĐ. Thích Nhật Từ, ĐĐ. Thích Đức Thiện, NS. Thích Nữ Huệ Từ và một số thượng toạ và ni sư ở miền Bắc và miền Nam, với vài bài viết đóng góp vào hội nghị, nhưng vì đăng ký trễ nên không có phần phát biểu chính thức.

Sự kiện trọng đại nhất của ba ngày làm việc là lễ chúc mừng Bồ-đề Đạo Tràng được UNESCO đưa vào danh sách Di Sản Văn Hoá Thế Giới, được diễn ra vào lúc 11g ngày 19-2-2004 ngay khuôn viên tháp Bồ-đề, do đại đế A-dục kiến dựng nhằm tưởng niệm sự thành đạo của đức Phật đánh dấu sự hiện hữu của đạo Phật trên hành tinh này.

PHƯƠNG DIỆN TỔ CHỨC

Ông Jagmohan, bộ trưởng Bộ Du Lịch Ấn Độ cho biết lẽ ra hội nghị này được tổ chức trong năm 2003 nhưng vì do dịch hô hấp cấp tính (SARS), hội nghị phải dời lại tháng 2-2004. Địa điểm tổ chức hội nghị theo dự kiến ban đầu là ở Bồ-đề Đạo Tràng, nhưng cuối cùng đổi lại thủ đô New Delhi. Đây là hội nghị quốc tế đầu tiên về chủ đề du lịch tâm linh Phật giáo. Chính phủ Ấn-độ chuẩn bị gần 6 tháng để tổ chức hội nghị này. Được biết, trước đó vài hôm, chính phủ Ấn-độ cũng đã khánh thành đài tưởng niệm Huyền Trang tại đại học Nālanda mới để thiết chặt tình hữu nghị Ấn-Trung, đồng thời gây thiện cảm đối với quần chúng Phật tử ở Đông Nam Châu Á.

Các đại biểu được tiếp đãi như những vị thượng khách của đất nước Ấn-độ. Mọi chi phí giao thông và ăn ở từ ngày 17-20 tháng 2 đều do chính phủ Ấn-độ đài thọ. Quý đại biểu được nghỉ tại khách sạn 5 sao Aśoka. Các vị lãnh tụ Phật giáo của 25 nước được đưa đến Bồ-đề Đạo Tràng trên một chuyến bay đặc biệt. Các đại biểu còn lại được đưa đón bằng tàu liên thủ đô Radhani, khởi hành từ New Delhi đến Gaya, trong đó không có hành khách nào ngoài danh sách đại biểu. Quý đại biểu được chiêu đãi các tiệc chay mang đậm hương vị Ấn-độ và được phục vụ rất chu đáo trong suốt những ngày lưu dấu trên đất Phật.

Tại thủ đô Delhi, mọi ngả đường hướng về Vigyan Bhavan nơi diễn ra hội nghị có nhiều biểu ngữ với nhiều màu sắc, trong đó có ghi câu “Phật Giáo, Cuộc Hành Trình Tâm Linh.” Đồng thời, còn có những biểu ngữ nói về hội nghị, như để đánh thức mọi người về một gia tài văn hoá tâm linh của Phật giáo đã bị Ấn-độ quên lãng bởi hai ý thức hệ Ấn giáo và Hồi giáo từ nhiều thế kỷ qua.

Nhiều tấm lọng trắng điểm vàng cao gần 10 mét được treo dọc theo đường vào khách sạn Aśoka làm cho khách sạn vốn đã sang trọng lại càng trang nghiêm hơn. Đèn trang trí được tăng cường làm sáng rực vòm trời khách sạn về đêm. Ngay tiền sảnh của khách sạn, những phiến đá với những dấu chân được tạc lên, biểu tượng cho “những bước chân của bậc giác ngộ” của quá khứ vàng son của đạo Phật, dẫn đến “cuộc hành trình tâm linh, theo dấu chân Phật” trong thời hiện tại và tương lai.

Chính giữa tiền sảnh của khách sạn là bánh xe cầu nguyện theo phong cách Tây Tạng với câu thần chú “Án Ma-ni Bát-di-hồng” được trang trí ở bốn mặt. Các đại biểu được yêu cầu viết lời cầu nguyện tốt lành bằng ngôn ngữ mẹ đẻ rồi bỏ vào thùng bánh xe đó, để làm tăng tâm lực tập thể cho hội nghị thành công tốt đẹp và mang lại sự an lành cho các loài chúng sinh. Cũng trong tiền sảnh, còn có một mạn-đà-la Quán Thế Âm bằng cát nhiều màu sắc do các nghệ nhân tăng sĩ Tây Tạng thuộc Tu viện Mật Tông Guydmed thực hiện.

Các gian hàng mỹ thuật Phật giáo của các nước châu Á được bày bán trong tiền sảnh của khách sạn, nhằm giới thiệu các nét đẹp thuộc các truyền thống Phật giáo khác nhau. Bốn quầy tiếp tân đặc biệt đã được tăng cường, nhằm đáp ứng kịp thời các nhu cầu của quý đại biểu, như quầy lo vé máy bay, quầy cho thuê điện thoại di động, quầy thông tin và đăng ký, và quầy phân phối tài liệu và quà hội nghị.

Các đại biểu được tặng quà lưu niệm gồm tháp Bồ-đề Đạo Tràng rất đẹp và cặp táp màu đỏ nhung có in hoa văn xen lẫn với hình con voi và con công rất xinh, trong đó có nhang cúng Phật và vài tài liệu tiếng Anh giới thiệu về du lịch tâm linh tại Ấn Độ.

Tại Bồ-đề Đạo Tràng, suốt quãng đường dài 5 km hướng về tháp Đại Giác, hàng trăm học sinh tiểu học với những bộ đồng phục lịch sự, có em cầm lá cờ năm sắc Phật giáo, có em cầm cờ nước Ấn-độ, lộ vẻ mặt hoan hỷ, miệng hô to khẩu hiệu chào đón khách quý đến từ nhiều nước. Các biểu ngữ “Dân chúng vùng Bồ-đề Đạo Tràng hân hoan chào đón quý đại biểu Phật giáo” được giăng khắp nơi ở vùng phụ cận Bồ-đề Đạo Tràng.

Con đường duy nhất vào đại Tháp đã được an ninh thiết chặt. Những tiệm hàng lưu niệm và các quán ăn uống dọc lề đường đã được dẹp sạch, tạo vẽ mỹ quan cho cổng vào đại Tháp. Cờ Phật giáo được tung bay khắp khu vực Tháp. Hoa vạn thọ và các loại hoa quý khác được trang trí khắp nơi trong quần thể Bồ-đề Đạo Tràng. Bàn thờ Phật được dựng thêm ở vài nơi trong khuôn viên Tháp. Tăng ni và Phật tử cất những bước đi an lạc và thảnh thơi trong sân Tháp với nhiều bóng mát của những tàng cây Bồ-đề. Không khí về đêm trong các ngày 17-19 thật thiền vị, với những ngọn nến lung linh và đèn trang trí làm sáng rực một góc trời. Lời kinh tụng bằng tiếng Pali và Hindi được cất lên, như phá tan màn đêm và sự tăm tối của kiếp người.

Một tiệm sách Phật giáo vừa được khai trương gần cổng vào tháp Đại Giác. Sách bằng tiếng Anh và các ngôn ngữ địa phương được bày bán với giá phải chăng. Sách bao gồm nhiều chủ đề khác nhau liên hệ đến các góc độ Phật học và các phương thức hành trì trong đạo Phật.

Hệ thống điện tử hướng dẫn du khách vừa được thiết lập, với một earphone và một chiếc máy hướng dẫn sách tay rất gọn. Đoàn du khách chỉ cần gắn earphone vào lỗ tai là có thể nghe được lời giới thiệu của hướng dẫn viên du lịch một cách rõ ràng. Đây là hệ thống truyền âm thanh trực tiếp từ hướng dẫn viên đến tất cả du khách trong đoàn, rất tiện lợi và cần thiết cho việc hành hương đến các thánh tích Phật giáo vốn có nhiều biểu tượng và triết lý cần được giải mã.

Để tránh ô nhiễm khu tháp Đại Giác, ban Quản Trị Bồ-đề Đạo Tràng đã sáng kiến xây dựng một ngôi nhà kiếng, có hệ thống lọc khói hiện đại, để giúp cho khách hành hương có thể đốt nến hoặc đèn dầu tập thể, dâng cúng đức Phật trong các ngày lễ hội Phật giáo.

Tất cả những điều này đã làm cho Bồ-đề Đạo Tràng sống lại thời kỳ vàng son mà đại đế Aśoka đã dày công xây đắp.

Nhìn chung, nội dung của hội nghị không chỉ nhằm nêu bật các giá trị thẩm mỹ và kiến trúc đặc sắc của các Phật tích và thánh tích Phật giáo tại Ấn-độ mà còn nhằm khẳng định các giá trị nhân văn và triết lý của đạo Phật trong phương diện chuyển hoá đời sống như là phương thuốc tâm linh hữu hiệu cho con người hiện đại. Hội nghị cũng đã thảo luận nhiều vấn đề liên hệ đến hành hương Phật giáo, nhằm khích lệ du khách Phật tử khắp nơi trở về chiêm bái và tu học.

Bộ trưởng bộ Du Lịch Ấn Độ dỏng dạc tuyên bố rằng thánh địa Bồ-đề Đạo Tràng sẽ có cơ hội trở thành Mecca của Hồi giáo và Vatican của Cơ-đốc giáo. Đây không chỉ là di tích văn hoá quan trọng nhất của người Phật tử mà còn là kho tàng văn hoá chung cho toàn thể các dân tộc trên thế giới, biểu tượng cho nền văn hoá tâm linh không phân biệt sắc tộc và màu da.

Mọi người tin rằng Bồ-đề Đạo Tràng không chỉ là điểm du lịch quan trọng đối với những du khách đến Ấn-độ tìm kiếm các giá trị tâm linh và văn hoá, mà còn là thánh địa quan trọng quy tụ các nhà lãnh đạo tinh thần của Phật giáo khắp nơi trở về cùng đoàn kết xây dựng cho một tương lai Phật giáo xán lạn trong thế kỷ 21 này.

***

Ba ngày hội nghị đã khép lại. Tiệc trà chia tay được tổng thống Ấn-độ chiêu đãi tại phủ Tổng Thống của ông trong không khí rất thân mật nhưng không kém phần long trọng. Dù là nhà khoa học chế tạo bom nguyên tử, ông đã tự sánh mình với vua A-dục, đang từng bước trở về cuộc hành trình tâm linh của đức Phật. Với gương mặt thâm trầm và giọng nói đầy triết lý, vị tổng thống đã thể hiện đạo lý bất bạo động, tình thương và hoà hợp, bằng cách đến tận nơi, bắt tay từng đại biểu một, trước khi nói những lời chúc mừng, cảm ơn và chia tay. Ông tha thiết kêu gọi các nhà tâm linh và các bậc thầy Phật giáo nên nỗ lực cùng xây dựng trường đại học về các giá trị hoà hợp và hiểu biết, trong đó, “cái tôi, chính tôi, của tôi” không còn chỗ đứng, và thay vào đó, các thái độ vô ngã, vị tha, bao dung, tha thứ, tình thương và hiểu biết sẽ trở thành các hạt nhân quan trọng để xây dựng ngôi nhà thế giới thái bình và an vui.

Cảm ơn và đảnh lễ đức Thế Tôn, bậc thầy vĩ đại nhất, đã để lại gia tài tâm linh vô giá cho loài người, nhờ đó mà hôm nay chúng ta có cơ hội thưởng thức các giá trị văn hoá và triết lý của nó. Cảm ơn chính phủ Ấn-độ đã kịp thời nhận chân được các giá trị văn hoá bất hủ của các thánh tích Phật giáo, làm sống lại một truyền thống cao đẹp mà từ ngàn xưa cha ông của đất nước Ấn-độ đã từng tôn thờ và nhờ đó đất nước này được xứng danh là một cường quốc về kinh tế và tâm linh.

Xin tất cả hãy ít nhất một lần trở về đất Phật để thực hiện con đường tâm linh và để cùng thưởng thức được các giá trị tâm linh trong từng con người, bây giờ và tại đây. Con đường đã sẳn bày. Kính mời tất cả cùng lên đường!

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/hoinghiphatgiao.htm

 


Vào mạng: 3-7-2004

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang