Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Diễn Văn Khai Mạc của Tổng Thống Ấn Độ A. P. J. Abdul Kalam
Hội Nghị Của Các Lãnh Tụ Phật Giáo Thế Giới và Du Lịch Tâm Linh
 Vigyan Bhavan, New Delhi, 17 – 02 – 2004
Thích Giác Hoàng chuyển ngữ

 

 

Lời người dịch: Đây là bài diễn văn phát biểu của Tổng thống Ấn Độ khi khai mạc Hội Nghị Của Các Lãnh Tụ Phật Giáo Thế Giới và Du Lịch Tâm Linh. Có nhiều phần trong bài diễn văn này nhiều người đề nghị tỉnh lược để phù hợp với chủ đề của hội nghị hơn. Nhưng thiết nghĩ dịch toàn bộ cũng có cái hay của nó, nên  người dịch đã để nguyên như vậy và đính kèm vài chú thích khi cần thiết.

            Câu đầu tiên Tổng thống vô đề là “Buddha Saraa Gacchāmi” nghĩa là “Con xin nương tựa Phật”. Nguyên tác bài phát biểu bằng tiếng Anh có thể đọc tại địa chỉ www.presidentofindia.nic.in.

            Bài chuyển ngữ đã gởi đến Đạo Phật Ngày Nay ngay sau đại hội, nhưng rồi bị thất lạc, nay gởi lại vậy.

            ***

Đoàn Kết và Hiểu Biết Toàn Cầu

Tôi rất vui khi tham dự buổi khai mạc Hội Nghị Của Các Lãnh Tụ Phật Giáo Thế Giới và Du Lịch Tâm Linh này. Du lịch tâm linh khác rất xa với cách viếng thăm các thắng tích và ngắm nhìn các chùa tháp bằng xi măng cốt sắt. Du lịch tâm linh nghĩa là viếng thăm những con tim và khối óc của các bậc thức giả ở nhiều nơi và đó là những nơi có một nền văn minh phong phú. Sau khi thành đạo, đức Phật du hành khắp 45 nơi[1] xung quanh khu vực Bihar và Uttar Pradesh. Nơi nào cũng là nơi của sự giác ngộ và chuyển tải bức thông điệp kỳ diệu của sự giác ngộ.  Bức thông điệp ấy bắt nguồn từ “Trường đại học của sự đoàn kết và hiểu biết toàn cầu.”

Bốn Chân Lý Vi Diệu

Trường đại học của đoàn kết và hiểu biết toàn cầu nên thẩm thấu bốn chân lý vi diệu này. Thế nào là bốn chân lý vi diệu ? Tất cả các bạn có thể là những nhà triết học, thần học, tư tưởng hoặc có thể là những nhà tổ chức du lịch đều biết bốn chân lý vi diệu ấy là gì. Song tự thân tôi cảm thấy cũng nên trình bày lại những chân lý vi diệu này, và chúng đang vang vọng trong tâm tưởng tôi như là những thiên âm. Cũng dựa trên bốn chân lý này mà đức Phật đã thành chánh giác.

Chân lý thứ nhất là Khổ (Dukkha). Thế giới này thật tạm bợ và bị bao trùm bởi khổ. Chân lý thứ hai, nguyên nhân của Khổ (Samuda), chính là tham ái. Nếu chúng ta đoạn trừ tham ái, khổ sẽ đoạn diệt, tức là chân lý thứ ba (Nirodha).  Chân lý thứ tư là thực hành theo Bát Chánh Đạo (Magga).

Nalanda − Trường Đại Học của Giác Ngộ

Thưa chư tôn đức, các học giả, và các nhà tư tưởng đang có mặt ở đây, tôi xin  thuật lại một sự kiện đã xảy ra tại Nalanda, khi tôi ở đó vào tháng 3 năm 2003. Tôi đã ở tại Nalanda nhiều giờ. Tôi đã tận mắt thấy nơi mà hàng trăm học giả từng đã tụ họp và thuyết giảng kinh điển. Tôi đã thấy một trường đại học đầy sức sống tại Nalanda vào thế kỷ thứ VII – VIII với nhiều giảng đường kinh viện, phòng thuyết trình và cư xá của chư Tăng. Điều gì đã thu hút các học giả trên 90 nước [2] đến Nalanda vào thời đó? Đây là nơi nhiều tư tưởng được truyền bá, thảo luận, và được thể nhập thành một lối sống hoàn mỹ mà nhiều người trên nhiều quốc gia mong đạt đến.

Thưa các thân hữu, sự hỗn loạn và mất thăng bằng của thế giới bắt nguồn từ sự thiếu niềm tin và thù hằn lẫn nhau, đã đưa đến bạo động. Thế giới này cần có một trường đại học của hoà bình, tỉnh thức và tư tưởng lớn.

Như tôi đã nói ở trước, sau khi thành đạo, đức Phật đã liên tục du hành trong 45 nơi khác nhau trong khu vực Nalanda ở Bihar và Utta Pradesh và xung quanh các nơi đó. Mọi chỗ Ngài đến đều có ý nghĩa quan trọng cho sự giác ngộ tâm linh. Để tưởng nhớ sự kiện trọng đại này, trường đại học Nalanda cần phải được tái lập để ôn lại triết học của đức Phật, để gìn giữ và tìm ra một ý nghĩa mới − một trường đại học của sự đoàn kết và hiểu biết toàn cầu. Tôi muốn gợi ý rằng hội nghị này có thể đưa ra một đề nghị và Bộ HRD,[3] Bộ Du Lịch và Văn Hoá có thể dẫn đầu việc tái thành lập ngôi trường đại học của sự đoàn kết và hiểu biết toàn cầu này. Bây giờ tôi xin chia sẻ với các thân hữu một vài kinh nghiệm của cá nhân tôi trong việc tìm kiếm sự an lạc của nội tâm.

Kinh Nghiệm tại Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya)

Kinh nghiệm ấy là gì? Khi tôi viếng thăm Bồ Đề Đạo Tràng và ngồi dưới cội Bồ Đề cùng với chư Tăng ở đó. Tôi đã nói: “Buddha Saraa gacchāmi” (Con xin về nương tựa Phật). Âm thanh ấy dường như đã vang khắp mọi nơi, tôi cảm nhận được điều này sau khi viếng ngôi đại tháp Phật giáo nơi đức Phật đã toả ra sự an bình và tỉnh giác. Dưới cội cây thiêng, một cuộc đàm luận đã diễn ra. Một vị tăng trẻ hỏi tôi: “Thưa Tổng thống Ấn Độ, ngài cảm thấy như thế nào khi ngài đang ngồi nơi đại giác ngộ này?” Tôi đã nói với họ rằng tôi cảm thấy dường như tôi là một học trò đang tìm kiếm một bức thông điệp cho thế giới rối ren này, đó là bức thông điệp hoà bình. Một vị tăng trẻ khác lại hỏi tôi: “Thưa ngài Tổng thống, ngài nghĩ thế nào Phật giáo có phải là một tôn giáo, một năng lượng tâm linh hay một bộ luật đạo đức?” Tôi trả lời rằng để tôi chia sẻ với họ kinh nghiệm của tôi sau chuyến du lịch trong và ngoài đất nước Ấn Độ.

Tôn Giáo Chuyển Hoá Thành Tâm Linh

Một bức thông điệp mà tôi đã nhận được đó là bức thông điệp mà phần lớn người Ấn, dù đó là những người già dặn nhiều kinh nghiệm, những trung niên đầy nhiệt huyết, thanh niên và trẻ thơ, tất cả mọi giới đều tìm kiếm sự an ủi và bình an nơi tôn giáo. Tôi đã từng viếng thăm nhiều nơi mang tính tôn giáo và nhiều cơ sở thờ phượng trên khắp đất nước vĩ đại này và tôi cũng đã từng gặp nhiều bậc lãnh đạo các tôn giáo. Các tôn giáo giống như những mảnh vườn tuyệt đẹp và an tĩnh lạ kỳ, giống như những vườn thiêng có nhiều chim quý rộn tiếng hót líu lo. Tôi thật sự nghĩ rằng các tôn giáo là những mảnh vườn tuyệt hảo. Các tôn giáo là những hòn đảo đầy quyến rũ, những ốc đảo tâm linh đúng nghĩa. Nhưng làm thế nào chúng ta có thể truyền thông với chúng để hương thơm thấm đượm toàn thể vũ trụ ? Nếu chúng ta có thể nối kết tất cả các hải đảo này bằng tràng hoa của tình thương và lòng từ bi, chúng ta sẽ có được một Ấn Độ thịnh vượng và một thế giới thịnh vượng. Trên tinh thần này, tôi đã đến Bồ Đề Đạo Tràng. Tôi nhận ra nội dung tâm linh này rất cao trong Phật giáo.

Sức Mạnh và Hoà Bình

Câu hỏi thứ ba, một câu hỏi rất quan trọng mà một vị tăng trẻ nhất đã hỏi tôi: “Thưa Tổng thống, chính ngài đã chế tạo vũ khí có thể dẫn đến chiến tranh hạt nhân và chính ngài lại đi tìm sự hoà bình, làm thế nào hai điều ấy lại có thể tương hợp ?” Tôi hết sức ngạc nhiên. Tôi đi ngược lại 2500 năm lịch sử. Tôi thấy trước tôi Đại đế Asoka chinh phục toàn cõi Ấn Độ và bước đi trong niềm tự hào vô biên. Khi ngài đến Kalinga, cuộc chiến Kalinga khốc liệt đã diễn ra, bây giờ là bang Orissa. Với đại quân hùng mạnh, Đại đế Asoka đã đánh và đánh, các vua Kalinga hoàn toàn bị đánh bại. Đại đế Asoka đã vui mừng tuyên bố là đã thôn tính được Kalinga. Trong đêm trăng tròn thanh tĩnh ấy, với thành công vừa đạt được, Đại đế Asoka đã bước đi trên bãi chiến trường đẫm máu. Bất chợt ngài dừng lại và thấy máu của hàng trăm ngàn người đã bị giết đang tuôn chảy và nhiều hồn ma đang than khóc. Tiếng than khóc tràn ngập trong bầu trời u ám ! Đột nhiên, Đại đế Asoka yên lặng boăn khoăn: “Ôi, Đấng Toàn Năng, tôi đã làm gì?” Tia tư tưởng này đã khởi lên trong tâm tưởng của Đại đế Asoka và đạo lý Bất Bạo Động (Ahimsa) phát sinh.

Từ đó, Đại đế Asoka thường thuyết giảng đạo lý Bất Bạo Động. Điều này đã được khắc sâu trong các vách núi.[4] Thế kỷ qua, Mahatma Gandhi đã triển khai xa hơn nữa về góc độ mới của tinh thần Bất Bạo Động, một giải pháp cho phong trào đấu tranh giành tự do cho Ấn Độ. Tôi đã trả lời cho vị tăng trẻ ấy ý tưởng này. Trong trường hợp của chúng ta,  vì tự bảo vệ nên các vũ khí hạt nhân được chế tạo và quốc gia này trở thành đất nước vũ khí hạt nhân. Chúng ta chưa bao giờ sử dụng chúng, trừ phi ai đó sử dụng chúng để chống phá chúng ta.  Nếu mọi quốc gia có vũ khí hạt nhân quyết định giải trừ hoàn toàn các vũ khí này, thì Ấn Độ sẽ là đất nước đầu tiên thực hiện điều đó. Ấn Độ luôn luôn  ủng hộ cho chương trình giải trừ quân bị trên toàn thế giới.

Câu hỏi thứ tư do một vị tăng khác hỏi. “Thưa Tổng thống, điều gì đã khiến Ngài đến Bồ Đề Đạo Tràng ?” Tôi  trả lời, “Trong một góc độ nào đó, cũng giống tôn giả Ānanda, tôi đang mang sứ mệnh tầm cầu một thế giới an bình tuyệt đối và nhất tâm.”

Kinh Nghiệm tại Tu Viện Rila

Trong cuộc viếng thăm nước ngoài gần đây, tôi đã đến thăm một tu viện Thiên Chúa Giáo ở Rila, toạ lạc trên rặng núi ở Bungari. Đó là tu viện lớn nhất của Bungari, một trung tâm văn hoá và tâm linh. Thư viện của tu viện này có đến 16.000 đầu sách kể cả 134 bản thảo từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX. Thánh địa này đóng một vai trò quan yếu trong đời sống tâm linh và xã hội của người Bungari thời trung cổ. Tu viện đã bị hoả thiêu do cuộc xâm lăng vào đầu thế kỷ XIX, [5] được tái thiết sau này và hiện nay được một bức thành lớn bao bọc xunh quanh. Khi ở trong môi trường thánh thiện, sống giữa các Cha lành ở tuổi 80 – 90, tôi lại thích cầu nguyện. Tôi đã đến bàn thờ và xin phép giám mục John để tụng một phần kinh cầu nguyện của Thánh Francis của xứ Assisi. Tất cả mọi người có mặt trong tu viện đều lặp lại bài cầu nguyện này. Đây là bài cầu nguyện của Thánh Francis:

Xin Thượng Đế, hãy biến con thành công cụ của hoà bình

Nơi sân hận con gieo hạt tình thương

Nơi hại nhau con gởi lời xin lỗi

Nơi ngờ vực con ban rải niềm tin

Nơi thất vọng con ban niềm hy vọng

Nơi tối tăm con ban rải ánh sáng

Nơi buồn khổ con ban niềm vui sướng.

Vị giám mục đã cảm nhận được bức thông điệp trong bài kinh cầu nguyện này và người đã ban phúc cho tôi, nói rằng “Ngài hãy làm việc vì hoà bình thế giới.” Thưa các thân hữu, tôi mong bức thông điệp nhân ái thiêng liêng này toả sáng trong đời sống của chúng ta để thực hiện cho hoà bình vạn hữu.

Tán Dương Nét Đẹp Của Tôn Giáo Khác

Vào một dịp khi tôi đến viếng thăm Bangalore, thuộc Nam Ấn, tôi đã nói với một người bạn của tôi rằng tôi sẽ nói chuyện với giới thanh niên và  hỏi ông có gợi ý gì chăng. Ông bạn ấy chẳng gợi ý gì cả, nhưng ông đã ban cho tôi những báu vật trí tuệ:

“Khi anh nói, hãy nói chân lý. Hãy thực hiện những gì anh đã hứa. Biết tin cậy người khác. Đừng làm mình nổi bật và đừng làm bất cứ điều gì trái pháp luật và xấu xa, …

Những việc làm nào là tuyệt vời nhất? Làm mọi người vui sướng, nuôi dưỡng người đói khát, giúp đỡ người bệnh tật, làm vơi khổ cho người khốn khổ và xoá tan nỗi mặc cảm của người bị xúc phạm…”

Tất cả sinh linh đều là quyến thuộc của Thượng Đế; và người ấy là người được Thượng Đế mến yêu nhất, người cố gắng làm điều tốt đẹp nhất cho mọi sinh linh của Thượng Đế.

Đấy là những lời của nhà tiên tri Mohammed. Người bạn nói với tôi điều này là người cháu vĩ đại của ông Deekshidar ở Tamil Nadu và người cháu của Ganapadigal (học giả Vệ-đà). Người ấy không ai khác hơn chính là  ông Y. S. Rajan.

Sự Chân Chính

Gần đây tôi nghe một bài thánh ca trong đạo tràng của ông Satya Saibaba tại Puttaparthi, tôi muốn gởi đến các bạn. Tựa đề của bài thánh ca ấy là “Chân chính và Hoà bình trên thế giới”:

Nơi nào có trái tim chân chính, nơi đó có nhân cách đẹp,

Khi có nhân cách đẹp, gia đình sẽ được hoà thuận.

Khi gia đình được hoà thuận, quốc gia sẽ được ổn định.

Khi quốc gia được ổn định, thế giới sẽ được hoà bình.

Thưa các thân hữu, chúng ta có thể thấy được mối liên hệ tuyệt vời giữa con tim, nhân cách, quốc gia và thế giới. Làm thế nào để nhân loại có một trái tim chân chính? Thật sự đây là mục đích sáng tạo của con người − đó là thiên ý. Chúng ta đang trải qua một tình huống phức tạp như nhiều người trong chúng ta đang tự đấu tranh với chính mình, với xã hội, và với quốc gia. Trong mỗi phút giây, chiến tranh diễn ra trong tâm dù chúng ta cùng đi theo một hướng hay khác hướng. Bất cứ khi nào gặp trở ngại chúng ta phải cầu xin sự sáng suốt từ đấng Thượng Đế để hướng chúng ta đi theo con đường chân chính bằng hệ thống giáo dục đúng đắn.

Theo tôi, bốn vấn đề này làm cho tất cả chúng ta có một đời sống đẹp đầy sáng tạo. Trên hết, nó cung cấp cho tôi một bản hướng dẫn để đi tìm chất liệu tâm linh trong mọi tôn giáo.

Khám Phá Của Riêng Tôi

Thưa các thân hữu, ngay lúc này, tôi muốn nhắc lại rằng chúng ta đã từng chứng kiến chiến tranh thế giới thứ nhất, chiến tranh thế giới thứ hai, và Liên Hiệp Quốc được thành lập để ngăn chận chiến tranh và mang lại hoà bình. Nhưng điều gì đang diễn ra hiện nay ? Tất cả chúng ta đều biết rõ rằng nhiều quốc gia không biết những nỗ lực của Liên Hiệp Quốc, và vì vậy chiến tranh vẫn đang xảy ra trên hành tinh này. Đơn cử trường hợp của chúng tôi, gần 50 năm biên giới đất nước luôn bị khủng bố. Nó đã gây ra chết chóc, khổ đau còn hơn chiến tranh. Nỗi đau này luôn nằm trong tâm thức tôi.

Hồ Thích (1891 – 1962), một triết gia của Cộng Hoà Nhân Dân Trung Quốc đã nói: “Ấn Độ đã chinh phục và thống trị văn hoá Trung Quốc trên 2000 năm, nhưng chưa từng phái một viên lính nào qua biên giới Trung Quốc.” Đây là những gì văn hoá Phật giáo có thể làm được, tức là giúp mọi người hoà hợp, quốc gia được hoà hợp và đem lại an bình cho toàn thể mà không cần chi phí. Đây là một tôn giáo phát triển có tầm cỡ, là sứ giả của Thượng Đế, và là người ủng hộ cho vai trò  tâm linh của tôn giáo. Khi vai trò tâm linh của tôn giáo bị lạm dụng, tôn giáo trở thành vũ khí phá hoại và chia rẽ quần chúng.

Thưa các thân hữu, theo kinh nghiệm của tôi, tôi hoàn toàn tin rằng tôn giáo có thể vượt ngoài giáo điều. Nhiều tôn giáo có khả năng hướng về tâm linh bằng cách sử dụng chiếc cầu tình thương và lòng bi mẫn. Để duy trì hoà bình và hạnh phúc xã hội, hai điều khác cũng rất thiết yếu, một là giáo dục bằng hệ thống giá trị, hai là phát triển kinh tế. Giáo dục bằng hệ thống giá trị chắc chắn là một toà lâu đài lớn, nó đòi hỏi thanh niên toàn thế giới, những ai đã đến lứa tuổi 20 cần phải trải qua giáo dục bằng hệ thống giá trị này.

Giáo Dục Bằng Hệ Thống Giá Trị

Thời gian đẹp nhất của lứa tuổi thanh thiếu niên là thời thơ ấu ở trường, và thời gian lý tưởng nhất dành cho nhà trường từ 8 tiếng đến 16 tiếng mỗi ngày. Môi trường học thuật căn bản từ độ 5  đến 16 tuổi. Giai đoạn một đời sinh viên gần như trải qua 25,000 giờ đồng hồ tại trường đại học. Dĩ nhiên, tại nhà tình cảm cũng chiếm thời gian nhưng phần lớn thời gian đều giành cho việc chuẩn bị bài tập, nghiên cứu, ăn, chơi và ngủ nghỉ. Do đó, những giờ tại trường cho trẻ là thời gian tốt nhất cho việc học, và như vậy cần phải có một môi trường thật tốt, định hướng học tập theo hệ thống giá trị. Tôi vẫn nghe vang vọng lời dạy của một nhà giáo lớn, Bestolozzy: “Hãy mang đến tôi một đứa trẻ để tôi dạy dỗ trong 7 năm. Sau đó hãy để Thượng Đế hay ác quỷ đem đứa bé đi. Họ không thể thay đổi được đứa bé.” Đây là câu phát biểu đầy tự tin của một nhà giáo. Nhiệm vụ cao quý của nhà trường là gì ? Trên hết, thầy giáo giữ vai trò then chốt trong nhiệm vụ này. Chúng ta cần hàng trăm, hàng ngàn và hàng trăm ngàn thầy cô giáo tận tâm để có thể định hình khối óc của thế hệ thanh niên. Kỹ thuật cũng có thể đóng một vai trò thiện ích qua hệ thống giáo dục viễn thông. Mối hỗ tương ba chiều trong hệ thống giáo dục là học trò, thầy giáo và cha mẹ. Cha mẹ và thầy giáo, trường học và gia đình phải có trách nhiệm lẫn nhau qua giáo dục bằng hệ thống giá trị. Nếu đứa trẻ không được giáo dục dựa trên nền tảng của hệ thống giá trị này ở trường lớp, không có chính phủ hay xã hội nào có thể thiết lập được một xã hội trong sáng hay một xã hội liêm chính.

Các quốc gia đều nhắm vào sự phát triển môi trường tâm linh thay vì tiêu phí quá nhiều năng lượng và thời gian cho những vấn đề mà mục tiêu của nó rất nhỏ bé. Đây là môi trường căn bản cần cho việc chuyển hoá Ấn Độ thành một quốc gia phát triển.

Ấn Độ − Một Đất Nước Phát Triển Vào Năm 2020

Yếu tố cần yếu nhất để đạt được hoà bình là phải xoá nghèo đói bằng cách làm cho kinh tế thịnh vượng thông qua sử dụng tiềm năng nhân công của quốc gia. Phương thức này ở mỗi quốc gia không giống nhau, vì còn tuỳ thuộc vào khả năng cụ thể của mỗi quốc gia. Đây sẽ là niềm mơ ước thứ hai của quốc gia. Làm thế nào chúng ta có thể chuẩn bị trước thách thức này?

Để trở thành một nước Ấn Độ phát triển, nhu cầu căn bản Ấn Độ phải là một đất nước tự cường về kinh tế và thương mại, tối thiểu là một trong bốn quốc gia hàng đầu trong lãnh vực kinh tế. Mục tiêu của chúng ta nên gia tăng tổng sản lượng nội địa 10% mỗi năm trong thời gian 10 năm và số dân dưới mức nghèo phải giảm đến mức zero trong số 260 triệu người. Viễn cảnh kỹ thuật vào năm  2020 là địa đồ để hiện thực hoài bão này.

Ước mơ này trở thành hiện thực khi năm yếu tố cùng phối hợp để thực thi: Nông nghiệp và chế biến thực phẩm: Mục tiêu đạt đến là 360 triệu tấn thực phẩm từ con số 200 triệu tấn hiện nay và nâng cao hiệu suất của các công nghiệp chế biến thực phẩm. Những sản phẩm khác thuộc nông nghiệp và chế biến thực phẩm nông nghiệp sẽ mang đến sự phồn thịnh cho nông dân và thúc đẩy kinh tế phát triển nhanh. ② Điện lực nên được phân phối và ổn định cho toàn quốc. ③ Giáo dục và y tế: Theo kinh nghiệm chúng ta thấy, giáo dục và y tế liên đới với nhau. ④ Kỹ thuật truyền thông thông tin: Đây là một trong những nguồn tiềm lực chính. Chúng tôi tin thời đại này có thể dùng nguồn lực này để thúc đẩy giáo dục ở các vùng xa và cũng tạo nên lợi ích quốc dân. ⑤ Quân sự: về lãnh vực này, kỹ thuật hạt nhân, kỹ thuật không gian và kỹ thuật quốc phòng đều lớn mạnh và chúng ta còn có nhiều dự án lớn hơn về các kỹ thuật này.

Hoạt động nhịp nhàng về năm nhiệm vụ này sẽ dẫn đến nền kinh tế quốc gia thịnh vượng. Để đảm bảo hoà bình trên toàn thế giới, kinh tế của mỗi quốc gia đều phải phát triển. Giá trị dựa trên giáo dục và tôn giáo chuyển hoá thành tâm linh là những yếu tố cần thiết khác để đào tạo những công dân trí thức cho mỗi quốc gia. Chúng ta có thể đạt được sự phối hợp này thông qua hội nghị này không?

Kết Luận

Bức thông điệp cho thế giới qua hội nghị này phải là đào tạo những công dân trí thức từ trường đại học đoàn kết và hiểu biết toàn cầu. Tóm lại, nhiệm vụ của trường đại học này dựa trên kinh nghiệm của trường đại học Nalanda là phải thu hút nhiều học giả, các lãnh tụ tôn giáo thế giới, các nhà khoa học từ nhiều quốc gia trên thế giới để hội ý, bàn thảo và truyền bá bức thông điệp tình thương và bi mẫn ngang qua ba nguyên tắc của giáo dục với hệ thống giá trị, tôn giáo chuyển hoá thành năng lực tâm linh và phát triển kinh tế để xoá đói nghèo. Ấn Độ với một tỷ người, một phần sáu dân số thế giới sẽ có trách nhiệm đi tiên phong trong cuộc vận động đào tạo những công dân trí thức cho thế giới, vì đảm bảo hoà bình cho thế giới. Thưa các thân hữu, đó là nhiệm vụ lớn lao của Hội Nghị Của Các Lãnh Tụ Phật Giáo Thế Giới và Du Lịch Tâm Linh.

Chúc hội nghị thành tựu viên mãn.


 

[1] Theo truyền thống của Phật giáo Nguyên Thuỷ, đức Phật thành đạo lúc 35 tuổi và đến 80 tuổi nhập Vô Dư Niết-bàn. Trong suốt 45 năm ấy Đức Phật đã đi rất nhiều nơi để hoằng pháp độ sanh. Thông số đức Phật đã du hành 45 nơi khắp khu vực Bihar và Utta Pradesh là một dữ liệu mới, chưa được tìm thấy trong sử sách.

[2] Không biết ông tìm ra đâu con số sử liệu này ?

[3] Người dịch xin lỗi vì không biết từ đó viết tắt chữ gì ?  Nếu vị nào biết xin chỉ giúp.

[4] Những sắc dụ của Đại đế Asoka ngày nay được tìm thấy trên các trụ đá ở các Thánh tích Phật giáo. Các công trình tự viện nằm trong các hang động như Ajanta, Ellora, v.v… được người đời sau thực hiện và hoàn toàn không thấy dấu vết gì liên hệ đến Đại đế Asoka.

[5] Cuộc xâm lăng Bungari tàn khốc này bởi đạo quân Hồi giáo ở Thổ Nhĩ Kỳ.

 http://www.buddhismtoday.com/viet/pgtg/pgtg_dulichtamlinh.htm

 


Vào mạng: 11-9-2006

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang