Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
            ĐẠI SƯ PHÁP TẠNG NGƯỜI TẬP ĐẠI THÀNH TÔNG HOA NGHIÊM
Đỗ Trị Bình
Đồng Ngộ   dịch

 

1. ĐỐT TAY CÚNG DƯỜNG :

Ngày 02 tháng 11 năm Trinh Quán thứ 17 đời Đường Thái Tông (643), trong một gia đình họ Khương ở Quốc đô Trường An đã hạ sanh một bé trai rất khôi ngô tuấn tú. Đức bé ấy mày rậm tóc dày, mặt rộng tai to, rất có phước tướng. Đó chính là Pháp Tạng, người mà sau này đã trở thành vị Tổ sáng lập ra tông Hoa Nghiêm trong nền Phật giáo Trung Quốc.

Pháp Tạng chào đời đã đem lại bao niềm vui và hy vọng cho nhà họ Khương nọ. Đương thời, cha Ngài là Khương Mật đã làm quan đến chức Tả Vệ Trung Lang Tướng. Nhìn đứa con trai đầu lòng khôi ngô tuấn tú, Khương Mật thấy lòng mình trào dâng bao niềm vui khôn tả. Ông hy vọng, sau này Pháp Tạng sẽ là người làm rạng danh Tông tổ, nối nghiệp họ Khương.

Điều mà ông suy nghĩ, không phải là cảm nhận nhất thời. Trong một xã hội trọng nam khinh nữ như thế này, người đàn ông là trụ cột của gia đình. Hơn nữa, nhà họ Khương không phải là gia đình tầm thường, mà là một dòng họ thuộc tầng lớp thượng lưu quý tộc. Đã ở vào tầng lớp thượng lưu trong xã hội, đương nhiên sẽ có những quan niệm, cách sống của riêng tầng lớp ấy. Nghĩ lại quá trình lịch sử vinh quang, chói lọi của dòng họ mình, Khương Mật cảm thấy trách nhiệm nuôi dạy đứa con này đè nặng trên vai. Tạo dựng cho nó một tương lai huy hoàng là điều ông thường lao tâm khổ tứ.

Tiên tổ họ Khương vốn bắt đầu từ nước Khương Cư. Khương Cư là một quốc thành ở Tây Vực xưa kia, nó nằm giữa hồ Ba Nhĩ Khắc Thập (Balkash Lake) và Hàm Hải. Bốn đời về trước, tổ tiên của Khương Mật từng làm Tể tướng nước Khương Cư. Đến đời cha ông, do muốn học hỏi nền văn hóa của Trung nguyên và tiếp nhận sự trù phú của Trường An, nên cha ông đã đem cả nhà đến sinh sống tại Trường An. Có thể nói, gia đình họ Khương này chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa của Trung Ấn và ân vua như trời biển. Bởi vậy, Khương Mật thường thầm phát nguyện, nhất định dạy dỗ Pháp Tạng thành người hữu dụng.

Lúc Pháp Tạng chào đời, cũng chính là lúc nền Phật giáo Trung Quốc cực kỳ phát triển. Đương thời việc thờ Phật, kính Tăng đã trở thành tập tục truyền thống. Không chỉ riêng thiện nam tín nữ, quần chúng nhân dân, mà ngay cả văn nhân học sĩ, vương công quý tộc, hoàng thân quốc thích cũng đều như vậy. Như Đường Thái Tông là một minh quân lưu danh trong sử sách. Trong quá trình ông thống nhất đất nước, dẹp sạch giặc loạn, Tăng binh đã góp một phần không nhỏ trong công cuộc ấy. Sau khi lên ngôi, Đường Thái Tông kính phụng Phật pháp, thực thi chính sách trị quốc an dân. Khắp châu quận trong nước, nơi nào cũng có chùa viện, có không biết bao Cao tăng và học giả Phật giáo nối nhau hoằng truyền Phật pháp. Trong thời Cao Tông, Võ Châu, Tăng chúng rất được vương tôn đãi ngộ. Bởi vậy, cả một triều đại nhà Đường, Danh tăng nối nhau xuất thế, tông phái Phật giáo lần lượt ra đời. Lúc này, giữa Tăng chúng và học giả có sự giao lưu rất mật thiết. Tăng tục cùng nhau tu học, truyền pháp, dịch kinh. Người ta thường nói : Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa là ba nhân tố quan trọng thúc đẩy mọi việc thành tựu. Pháp Tạng thật may mắn được sanh vào một thời đại hội đủ ba nhân tố trên. Thời thế đã tạo anh hùng rồi, nhưng còn phải xem anh hùng tạo thời thế như thế nào nữa !

Xét về dòng tộc họ Khương, nước Khương Cư gần dãy Ba Cơ Tư Thản (Pakistan) ngày nay, nên người dân xứ này nói tiếng Phạn là chính. Họ mang đậm bản sắc văn hóa của Ấn Độ. Sau khi vào Trung Quốc, họ Khương vẫn không quên ngôn ngữ và truyền thống văn hóa của quê hương. Họ vừa biết nói tiếng Hoa, lại học tiếng Phạn. Pháp Tạng cũng vậy, từ khi ê a học nói, người ta đã dùng tiếng Hoa, tiếng Phạn để dạy Ngài. Nói ra thật lạ, chỉ mới mấy tuổi đầu, nhưng khả năng học hành của Ngài vượt bậc chưa từng thấy. Chỉ trong thời gian ngắn Ngài đã nhớ mặt chữ, thuộc cả câu, lại biểu đạt một cách trôi chảy. Thấy con thông minh, Khương Mật không nén nổi vui mừng. Ông cho rằng, đứa bé này học hành thông minh như vậy, thì con đường làm quan của nó chắc chắn không mấy khó khăn.

Như trước đã nói, triều đại nhà Đường chính là thời kỳ Phật giáo Trung Quốc phát triển rực rỡ. Mọi tầng lớp trong xã hội đều chịu ảnh hưởng Phật giáo. Nhà họ Khương này cũng không ngoại lệ. Huống gì đây là một gia đình vốn có tín ngưỡng Phật giáo từ nhiều đời. Sau khi vào Trung Quốc, tín ngưỡng ấy đã không hề giảm, mà ngược lại càng sâu sắc hơn. Mẹ Pháp Tạng vốn là một tín đồ Phật giáo thuần thành, những việc bà làm có một ảnh hưởng rất lớn đối với Pháp Tạng. Vào năm Ngài 3 tuổi, có lần bà làm một bài thơ lấy đề là "Như Lai Phật" và dạy cho Ngài học thuộc. Không ngờ mới đọc qua ba lần, Pháp Tạng đã thuộc lòng. Bài thơ ấy như vầy :

            Chân  Như  Như  Lai  Phật
            Hay   cứu   khổ   thế   gian
              thế  phải  thường  niệm
            Niệm  niệm  chớ  sanh  nghi
            Chân  Như  Như  Lai  Phật
            Mắt  Từ  nhìn  chúng  sanh
            Phước tựa biển không lường
            Cho   nên   phải   đảnh   lễ.

Đối với người lớn mà nói, nhiều khi bài thơ chỉ là chuyện đùa để giải khuây, nhưng đối với một tâm hồn trẻ thơ như Pháp Tạng, bài thơ lại có một ảnh hưởng vô cùng to lớn. Từ đó về sau, trong những lúc nói năng, hành động hay đùa giỡn vui chơi, Pháp Tạng thường hay ví mình là Pháp sư, Cao tăng. Mỗi lần nghe như vậy, Khương Mật thường tỏ ra thất vọng, nhưng ông cũng không phải là người cố chấp. Vốn nhiều đời làm quan, đương nhiên có ngôi cao thế mạnh, được người mến mộ, nhưng cái ý nghĩ làm Cao tăng của một thời cũng chưa từng nằm ngoài suy nghĩ của ông, huống gì con trai ông lại là một người thông minh dĩnh ngộ, có thiên tính trời phú. Nghĩ đến đây ông thường tự nhủ, thôi thì để mọi việc đến đi theo nhân duyên, vận mệnh.

Tháng 07 năm Trinh Quán thứ 20 (646), Đại sư Huyền Trang phụng chiếu Đường Thái Tông, đem hết những điều thấy nghe của mình trong suốt quá trình đi Tây Thiên thỉnh kinh, viết lại thành bộ ĐẠI ĐƯỜNG TÂY VỤC KÝ 12 quyển. Mỗi lần nghe người lớn nói chuyện, Pháp Tạng phần nào cũng biết đôi chút về sự tích của Đại sư Huyền Trang. Mỗi lần như vậy, Ngài thường nói với mọi người rằng sau này lớn lên mình cũng sẽ đi Tây Thiên thỉnh kinh. Việc này, đối với người lớn chỉ cười rồi quên đi, nhưng đối với Ngài lại in sâu trong lòng.

Thấm thoát Ngài đã đến tuổi đi học. Cha mẹ Ngài mời một vị thầy về dạy riêng tại nhà, và Pháp Tạng bắt đầu học những kinh điển của Nho gia. Từ đây Ngài mới chính thức học và tiếp nhận văn hóa của Nho gia, nó là những học thuyết mà sau này đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp học kinh, giảng kinh, dịch kinh và trứ thuật của Ngài.

Vào năm 10 tuổi, Pháp Tạng đã trở thành một thiếu niên vừa thông minh vừa tuấn tú, ai thấy cũng mến. Trong quá trình học tập, Ngài thường chủ động đứng lên thưa hỏi những điều mình nghi ngờ, thắc mắc. Có những vấn đề Ngài đưa ra, đã khiến thầy giáo không khỏi giật mình. Ông thầy này nghĩ, trong cuộc đời dạy học của mình, Pháp Tạng là một học trò mà xưa nay ông chưa từng gặp. Nếu cứ tiếp tục học như vầy, ngày sau chắc chắn sẽ trở thành một Trạng nguyên nổi tiếng ở Kim Lăng.

Suy đoán của thầy giáo này quả không sai, nhưng ông không hề ngờ rằng, Pháp Tạng đã đặt chí vào con đường khác. Khác hẳn với anh mình, Bảo Tạng lại là một học trò không phụ ân thầy, nêu danh ở đời, về sau giữ chức Triêu Nghị Lang trong thời Đường Trung Tông. Bởi vậy, việc đời đổi thay, muôn vật chuyển biến, có những điều mà con người không lường trước được.

Vào tuổi thiếu niên ấy, Ngài đã khổ công học hành, dùi mài kinh sử. Ngoài những lúc lên lớp tiếp thu những giáo huấn, luận lý trong kinh điển Nho gia, Ngài thường đến những tự viện ở Trường An tìm tòi tư liệu về Phật học. Và cũng từ đó, Ngài đã có một nhận thức rất sâu sắc đối với Phật pháp. Dần dần Tam Bảo đã trở thành một cái gì đó vô cùng quan trọng trong cuộc sống tinh thần của Ngài. Năm 14 tuổi, với một thái độ kiên quyết không gì lay chuyển được, Ngài đã bộc bạch tâm tư nguyện vọng xuất gia của mình cho cha mẹ nghe. Việc này đã vượt ngoài dự đoán của mọi người. Mới chừng đó tuổi đầu mà đã muốn lìa bỏ cha mẹ, thử hỏi có người cha người mẹ nào không lo lắng, băn khoăn ! Dù rằng, nam nhi phải đặt chí ở bốn phương, làm nở mày nở mặt cha mẹ, nhưng đứng về tình cảm mà nói, cha mẹ nào lại muốn con mình đi xa ! Từ nhỏ Pháp Tạng đã có những hành động, lời nói biểu hiện ý chí thoát tục, quy y cửa Phật, trong thâm tâm, ông bà Khương Mật biết chắc sớm muộn gì cũng có ngày này. Nhưng sự việc diễn ra quá sớm khiến hai ông bà không khỏi ngỡ ngàng, lo lắng. Thôi thì bất luận thế nào đi nữa, cũng phải tìm cho nó một hướng đi trong tương lai.

Nghĩ tới nghĩ lui, suy đi tính lại, cuối cùng ông bà Khương Mật đành phải đồng ý với quyết định của con trai mình, "về nương cửa Phật, hoằng truyền Thánh giáo".

Không phải ngẫu nhiên mà hai ông bà Khương Mật dễ dàng chấp thuận nguyện vọng của Ngài, việc này vốn có nguyên nhân sâu xa của nó. Tương truyền, đêm mà Pháp Tạng đầu thai, cha mẹ Ngài chìm sâu trong giấc điệp. Trong mộng, ông bà chỉ thấy ánh sáng trùm khắp thân mình. Luồng ánh sáng mặt trời ấy chui thẳng vào miệng, có vị ngọt lạ thường. Với người có lòng tin Phật pháp thâm sâu như ông bà Khương Mật mà nói, thì giấc mộng này đã làm họ vui mừng khôn tả. Bởi điềm lành này đã báo trước rằng đứa con trong bụng mẹ không phải là bậc kỳ tài ở thế gian, mà là bậc Long tượng trong Phật pháp. Giờ đây Pháp Tạng lập nguyện, phát tâm Bồ-đề, quy y cửa Phật, tỏ ngộ Phật thừa, lẽ đâu làm cha mẹ như ông bà Khương Mật lại đi cấm cản !

Năm Hiển Khánh thứ 3, đời Đường Cao Tông (658), Pháp Tạng từ biệt cha mẹ, vào chùa Pháp Môn trên Kỳ Sơn để tìm cầu Phật pháp. Lúc này Ngài tròn 16 tuổi. Hãy khoan nói đến những việc khác, chỉ nhìn việc Ngài từ bỏ song thân vinh hoa phú quý, vượt xa mấy trăm dặm từ Tây An đến Kỳ Sơn tìm thầy học đạo, đủ thấy chí khí và nghị lực của Ngài phi thường đến mức nào ! Hồi ấy, phương tiện đi lại đâu có thuận lợi như bây giờ. Núi sông cách trở, đồng không mông quạnh, mấy mươi dặm mới thấy một ngôi nhà, trong khi đó thú dữ, rắn độc lúc nào cũng rình rập bên mình. Thế nhưng, không vì những khó khăn ấy mà Ngài chùn bước. Không sợ gian nan, không từ mệt nhọc, chính cái ý chí kiên cường ấy đã thôi thúc Ngài, và cuối cùng Ngài cũng đặt chân đến được chùa Pháp Môn trên Kỳ Sơn. Đứng dưới ngôi tháp A Dục Vương cao sừng sững, Pháp Tạng nghĩ đến chân thân của Phật được an trí trong tháp. Nhưng tìm tới tìm lui, chẳng có gì để cúng dường. Bỗng nhiên Ngài nhớ ra, chân thân an trí trong tháp là Ngón tay Phật, nay mình đem ngón tay cúng dường không phải là hợp lý chăng ! Với lòng tôn kính Phật vô biên, đã khiến Ngài nảy ra quyết định : "Đốt ngón tay cúng dường Phật". Thế rồi, Ngài quấn giẻ quanh ngón tay và châm lửa. Dù ngọn lửa đang thiêu cháy một phần cơ thể, nhưng nhờ tấm lòng tôn kính Phật vô biên ấy đã làm cho Ngài chẳng hề thấy đau đớn.

Ngọn lửa dưới tháp vừa tàn, thì cũng là lúc lòng chí thành kính Phật của Ngài lan khắp thiên hạ.

 

2. TÌM THẦY CẦU HỌC

Năm Hiển Khánh thứ 4 (659), Pháp Tạng đi khắp chùa viện ở kinh thành để tìm thầy cầu học, nhưng tìm mãi vẫn chưa có ai vừa ý. Thế là Ngài quyết định đến núi Thái Bạch cầu pháp.

Đương thời, Trường An là một thị thành nổi tiếng của Châu Á. Đây không những là đô thị phồn hoa, mà còn là một thị thành có không biết bao lớp chùa viện bao bọc. Nó trở thành một trung tâm văn hóa Phật giáo cực kỳ nổi tiếng. Những chùa viện nổi tiếng hồi ấy như : Chùa Hoằng Phước, chùa Đại Từ Ân (tháp Đại Hùng nằm trong khuôn viên chùa này), chùa Đại Hưng Thiện, chùa Hoa Nghiêm v.v... Vậy tại sao Pháp Tạng không đến những nơi này cầu pháp mà lại đến tận núi Thái Bạch ? Việc này có những nguyên nhân sau : Thứ nhất, mỗi chùa đều có một vị trí rất ưu việt, chùa to thì uy danh càng lớn, vì vậy việc chọn lựa đệ tử rất khắt khe, nhiều khi cũng rất thờ ơ. Thứ hai, Pháp Tạng sanh ra và lớn lên ở Trường An, ở lâu nên đương nhiên không cảm thấy có gì mới lạ, đối với những ngôi chùa thân quen này nhiều khi cảm thấy bình thường, hoặc giả cơ duyên mình không hợp. Thứ ba, những nơi thâm sơn cùng cốc, núi cao sông rộng vốn là nơi rồng ẩn hổ nằm, là đất khởi nguyên của bao dòng phái. Có thể Pháp Tạng cho rằng, chỉ có đi xa những nơi thị thành thế này, mới có thể cầu được chân pháp. Thứ tư, Pháp Tạng là con nhà quý tộc quan lại, ở trong xã hội phong kiến thời ấy, những người thuộc tầng lớp này vào chùa học đạo, tất không tránh khỏi có kẻ lời ra tiếng vào. Cũng có thể, Ngài muốn dựa vào khả năng của chính mình để tìm một con đường riêng, chứ không muốn người khác ưu đãi vì mình là con nhà quyền quý. Có thể do nhiều nguyên nhân nữa, nhưng tóm lại không ngoài mục đích tự tìm con đường thích hợp cho bản thân.

Núi Thái Bạch hun hút, cheo leo, nằm giữa dãy Tần Lĩnh. Nơi đây là rừng rậm, có đủ loại chim muông. Ngài đã bỏ ra mấy năm trời chuyên tâm tu học, tìm tòi kinh sách, nghiền ngẫm giáo nghĩa tại đây. Chỉ trong thời gian ngắn, trình độ nhận thức và am hiểu giáo nghĩa của Ngài vượt trội thấy rõ. Một lần, Ngài rất thích những luận thuyết như tính chủ quan, khách quan, sự tương quan giữa vạn vật trong Kinh Du-già, nên Ngài dồn hết tâm lực trong việc tìm tòi tư liệu, đào sâu nghiên cứu, đồng thời đến những tự viện xung quanh đó đàm đạo với các Đại sư trong chùa. Từ lần giao lưu tìm tòi học hỏi này, Ngài đã nhận ra rằng, các tông phái của Phật giáo cũng là một mối tương nhân tương duyên mầu nhiệm đến kỳ lạ.

Giữa lúc Ngài gói ghém hành trang, chuẩn bị sang Ấn Độ kiểm chứng quan điểm của mình thì được tin cha bịnh nặng. Không còn cách nào hơn, Ngài đành quay về Trường An. Đối với Pháp Tạng, Tam Bảo và song thân đều rất quan trọng. Huống gì mấy năm lại đây, Ngài chỉ âm thầm cầu nguyện cho cha mẹ bình yên, hạnh phúc, chứ chưa một lần làm được điều gì bày tỏ lòng hiếu kính. Ngài nghĩ, bất luận thế nào, lần này cũng phải về phụng dưỡng cha mẹ. Thầy Ngài cũng khuyên, từ nay về sau phải chuyên tâm vào kinh điển nhiều hơn nữa, và cũng cần phải lễ lạy những Đại thiện tri thức khác mà cầu học.

Pháp Tạng rời khỏi núi Thái Bạch về lại kinh thành. Vừa về đến nhà, ai nấy gặp Ngài cũng đều mừng rơi nước mắt. Làm một người con, về lại nhà phụng dưỡng mẹ cha là niềm an ủi lớn nhất trong đời Ngài. Nhưng làm một người sắp xuất gia quy y cửa Phật, mới đọc Kinh học Pháp có mấy năm thôi, thì Ngài lấy làm tiếc. Nỗi ưu tư, dằn vặt này của Ngài, mọi người trong nhà cuối cùng cũng biết. Thế là ai nấy lại khuyên Ngài hãy ra đi và hoàn thành sở nguyện của mình. Nghĩ lại những ngày ở núi Thái Bạch, nơi ấy non xanh nước biếc, cách ly trần thế, là nơi rất thích hợp cho việc đọc kinh học pháp, nhưng kinh điển nơi ấy cũng có giới hạn, biết làm sao đây ! Quản Tử từng nói : "Suy nghĩ ! Suy nghĩ ! Suy nghĩ nữa ! Nếu nghĩ không thông sẽ có quỷ thần mách bảo".

Một tối nọ, sau khi tụng kinh xong, Pháp Tạng lên giường ngủ. Trong lúc mơ mơ màng màng, Ngài chợt thấy ánh sáng không biết từ đâu chiếu sáng khắp sân nhà. Ngài giật mình tỉnh giấc, nhủ thầm : "Nhất định có người kỳ tài đang hoằng truyền Đại giáo ! Đúng rồi ! Phật quang sáng rỡ, nhất định không sai !"

Trong cái u u minh minh, có những sự việc đã an bài một cách bất di bất dịch mà ít ai ngờ tới. Trước đây Pháp Tạng đi khắp nơi tìm thầy học đạo, nhưng vẫn chưa tìm ra một ông thầy vừa ý. Ngay lúc đó, Đại sư Trí Nghiễm đang giảng Kinh Hoa Nghiêm tại chùa Vân Hoa mà Ngài chẳng hay. Đạo tràng rất thịnh, đủ mọi tầng lớp ngày ngày đến nghe giảng. Sau đêm nằm mộng thấy ánh sáng lạ đó, Pháp Tạng cũng theo dòng người này đến chùa Vân Hoa nghe giảng.

Có người báo cho Trí Nghiễm biết, cư sĩ Pháp Tạng từng xem kinh học pháp trong nhiều năm ở núi Thái Bạch, do cha bịnh nặng nên phải bỏ nơi ấy về đây. Nghe vậy, Pháp sư Trí Nghiễm liền đặt câu hỏi để nghiệm Ngài. Nghĩa lý ngày càng sâu, nhưng Pháp Tạng vẫn chẳng hề nao núng, Ngài chậm rãi trả lời từng vấn đề một cách thông suốt và mạch lạc. Pháp sư Trí Nghiễm không ngờ Ngài am tường đến thế. Trí Nghiễm buộc miệng khen : "Trong những Tỳ-kheo tinh thông giáo nghĩa, ít có người nào có thể trả lời thông suốt những vấn đề như thế này. Cư sĩ quả thật làm người khác phải khâm phục !"

Từ đó về sau, có điều gì không hiểu, Pháp Tạng thường đến thỉnh giáo Pháp sư. Hai người đàm đạo xem ra rất hợp ý. Pháp Tạng dường như lãnh hội được toàn bộ kiến giải nhiệm mầu của Trí Nghiễm và thấy đây mới đích thực là người mình khổ công tìm kiếm. Trí Nghiễm thấy Ngài thông minh hiếu học, chịu khó tư duy, không ngừng học hỏi, cảm thấy mừng vì đã có người để mình có thể truyền trao ngọn đèn Phật pháp, và Trí Nghiễm không chần chờ, liền nhận Ngài làm đệ tử.

Từ năm 16, 17 tuổi, Pháp Tạng đã bôn ba tìm thầy cầu học. Trong ngần ấy năm, giờ đây Ngài mới cảm thấy vừa lòng. Từ đó, Ngài dốc tâm hầu thầy, cần khổ học tập. Vốn có một trí nhớ phi phàm, sức lý giải xuất chúng, nên Ngài rất được Pháp sư Trí Nghiễm yêu mến. Ngài thường gần gũi thầy như hình với bóng. Sau khi biết được quan điểm về sự tương quan giữa các tông phái Phật giáo mà Pháp Tạng nêu ra, Trí Nghiễm cho rằng đây chính là luận điểm "tương tức tương nhập, viên dung vô ngại" trong pháp môn của mình. Chẳng hiểu vì sao lại trùng hợp một cách ngẫu nhiên như vậy. Từ đó Trí Nghiễm dùng nhiều phương tiện thiện xảo, dẫn dắt chỉ dạy Ngài. Mấy năm sau, Trí Nghiễm giảng Kinh Pháp Hoa cùng một số kinh điển khác cho Ngài nghe. Pháp Tạng đã không phụ công ơn dạy dỗ của thầy, Ngài không những nắm bắt hết diệu nghĩa do thầy chỉ dạy, mà còn đọc thuộc làu cả bộ Kinh Pháp Hoa. Thế nhưng giáo nghĩa mà Ngài thích nghiền ngẫm thú hướng, lại là Hoa Nghiêm.

Kinh Hoa Nghiêm được tôn xưng là Vua trong các kinh. Lúc này Pháp Tạng vào khoảng 20 tuổi, khả năng nhận thức của Ngài đủ để học và hiểu giáo nghĩa kinh này. Nếu không, thì làm sao Trí Nghiễm giảng giải kinh này cho Ngài nghe. Cũng có thể, Trí Nghiễm cho rằng khả năng siêu việt của Ngài đủ để khuếch trương giáo nghĩa Hoa Nghiêm, bởi vậy Trí Nghiễm không ngần ngại thuyết giảng, vì suy cho cùng đây chính là nền tảng cơ bản để xiển dương tông phái mình. Đủ thấy, Pháp sư Trí Nghiễm là người nhìn xa trông rộng. Lúc này, dù thuộc kinh thông nghĩa, kiến giải siêu quần, nhưng Pháp Tạng vẫn còn là một cư sĩ trẻ tuổi, tài năng thiên phú trong con người Ngài đã phát tiết, tinh hoa tư tưởng đã bắt đầu nở rộ, tự biết tự hiểu, thông suốt cội nguồn.

 

3. CHÍNH THỨC XUẤT GIA

Pháp sư Trí Nghiễm cho rằng Pháp Tạng đích thực là người đệ tử mà mình rất hài lòng, sau này có thể tiếp nối tông phong. Nhưng có một trở ngại rất lớn, vì Pháp Tạng chỉ là một cư sĩ tại gia. Đây chính là điều mà hai thầy trò quan tâm nhất.

Lúc Pháp Tạng gặp Trí Nghiễm, thì Trí Nghiễm đã gần 60 tuổi rồi, trong khi Pháp Tạng tuổi khoảng chừng 20. Thời gian Ngài gần gũi học hỏi ở Trí Nghiễm khoảng 6, 7 năm. Trong thời gian ngắn ngủi đó, chắc chắn Trí Nghiễm có rất nhiều việc phải làm cho xong, và đương nhiên Ngài cũng rất quan tâm đến việc xuất gia của Pháp Tạng. Nhưng việc này không thể làm ngay trong một sớm một chiều, mà phải đợi đến một lúc nào đó thật thích hợp. Hồi ấy, việc thế phát độ Tăng phải được triều đình phê chuẩn, mà thường thì khi nào Hoàng thất có những lễ lớn, chẳng hạn như đám cưới, đám tang thì mới kết hợp tổ chức lễ phổ độ tăng ni. Đáng tiếc, trước khi Pháp sư Trí Nghiễm viên tịch, Ngài đợi mãi nhưng chẳng có cơ hội này. Chưa hoàn thành tâm nguyện thế phát xuất gia cho Pháp Tạng là điều đáng tiếc nhất trong đời của Ngài.

Việc xuất gia thọ giới của nhà Phật có một quy tắc rất nghiêm khắc mà tăng ni nào cũng phải tuân thủ. Một Phật tử muốn cầu giải thoát nên phát tâm xuất gia tu hành, thì việc trước tiên là thế phát và lãnh thọ 10 giới, rồi sau mới chính thức thọ Cụ túc giới. Từ năm 16, 17 tuổi, Pháp Tạng đã rời bỏ gia đình, tìm thầy học đạo, đến năm 26 tuổi, tức là vào niên hiệu Tổng Chương năm đầu, đời Đường Cao Tông (668), Ngài đã thông thuộc rất nhiều kinh điển nhưng vẫn chưa xuất gia. Trước đó, Ngài đã đến trụ xứ của Tôn giả Thích Ca Di Đa La cầu thọ Bồ-tát giới. Từ đó chúng ta có thể thấy chí nguyện cần cầu giới pháp của Ngài cũng rất bức thiết.

Đêm nọ, Pháp sư Trí Nghiễm nằm mộng thấy đài Bát Nhã nghiêng đổ. Đó là điềm báo trước nhân duyên đời này của mình sắp hết ! Lúc ấy, Ngài gọi hết đệ tử mình vào thất và dặn dò : "Ta sắp đi đây !" Rồi Ngài nhìn Pháp Tạng từ đầu đến chân, đôi mắt ấy cuối cùng dừng lại lặng nhìn bộ đồ cư sĩ mà Pháp Tạng đang mặc. Ngài thấy không an tâm, liền gọi Đạo Thành, Bạc Trần đến bên mình rồi dặn đi dặn lại hai người hãy quan tâm giúp đỡ Pháp Tạng. Ngài còn dặn dò Pháp Tạng hãy để tâm trong Kinh Hoa Nghiêm, dù không có thầy dạy dỗ nhưng có thể tự ngộ tự thông, về sau nhất định phải hoằng dương giáo pháp này. Thế rồi Trí Nghiễm không ngần ngại, quyết định truyền y bát cho vị đệ tử tại gia này.

Đêm 29 tháng 10 niên hiệu Tổng Chương năm đầu (668), Pháp sư Trí Nghiễm quy tịch. Tương truyền đêm ấy có tiếng nhạc từ hướng Tây vọng lại, và sau đó lại xa dần về hướng Tây. Pháp sư Trí Nghiễm đã ra đi trong tiếng nhạc của đêm ấy.

Người đi thì đã đi rồi, nhưng hồn thiêng của họ vẫn còn vọng mãi. Trong số đệ tử của Pháp sư Trí Nghiễm, chỉ có Đạo Thành, Bạc Trần là tuổi tác cao, đương thời hai người được tôn xưng là Đại đức. Pháp Tạng và Nghĩa Tương tuổi tác ngang nhau, dường như họ cùng vào đây tham học một lần, nhưng Nghĩa Tương là người Tân La, Triều Tiên. Sau khi về nước, Ngài được tăng chúng nước này suy tôn là Sơ tổ tông Hoa Nghiêm. Nghĩa Tương vẫn thường xuyên liên lạc với Pháp Tạng, việc này sẽ đề cập trong phần sau.

Một vị Tông sư nổi tiếng của một thời, nhưng lại truyền y bát cho một đệ tử tại gia, nếu đứng về tông Hoa Nghiêm mà nói, thì đây quả là điều bất lợi, bởi vì "danh bất chánh thì ngôn bất thuận, ngôn bất thuận thì sự bất thành". Đương nhiên, đây chỉ là do hoàn cảnh lúc đó bắt buộc, chứ một người chưa xuất gia, thọ giới, chưa có một ảnh hưởng nào đối với người khác thì trong quá trình tham học, giảng thuyết sẽ không tránh khỏi người khác xầm xì, coi thường. Nhưng sự việc không như vậy. Sau khi thầy tịch, Đạo Thành, Bạc Trần tự động đứng ra gánh vác trách nhiệm tông môn, hai người phục vụ đại chúng quên mình, không hề quên lời thầy dặn, lúc nào cũng nghĩ đến việc xuất gia của Pháp Tạng.

Đời Đường Cao Tông niên hiệu Hàm Hanh năm đầu (670), Vinh Quốc Phu nhân Dương thị mất. Võ Tắc Thiên nhân cơ hội này xuống chiếu độ tăng ni, đặc biệt hơn nữa, bà cúng dường ngôi nhà mình đang ở, đổi thành chùa và lấy tên là chùa Thái Nguyên. Theo thông lệ hồi đó, hễ trong Hoàng tộc có người mất, vua đều hạ chiếu cho xây chùa viện nhằm tạo phước cho người mất. Ngày 24 tháng 12 năm Trinh Quán thứ 22 (648), chùa Đại Từ Ân được dựng xong. Ngôi chùa này do Thái tử Lý Trị dựng nên nhằm báo đáp công ơn sanh dưỡng của mẹ mình là Trường Tôn Hoàng hậu. Dựng chùa xong, Thái tử thỉnh Đại sư Huyền Trang trụ trì và chùa này đã trở thành đạo tràng dịch kinh của Đại sư.

Đương thời Phật giáo đa phần bị hạn cuộc trong tầng lớp tri thức, mang đậm bản sắc văn hóa quý tộc. Đặc biệt, học phái Duy Thức mà thầy trò ngài Huyền Trang xiển dương, phần đông dân chúng không hiểu và không tiếp nhận được. Nhưng lúc này cũng chính là thời kỳ Phật giáo bắt đầu đi sâu vào tầng lớp dân thường. Vì muốn dùng Phật pháp giáo hóa muôn dân, nên Võ Tắc Thiên đã dùng tiền bạc của mình sai thợ đúc một tượng Phật rất lớn trong chùa Phụng Tiên ở Long Môn Thạch Quật. Lần này, bà lấy chùa Thái Nguyên làm trung tâm, xiển dương rộng rãi giáo lý nhà Phật.

Nghe nói Võ Tắc Thiên đổi nhà thành chùa, muốn độ tăng ni, Đạo Thành, Bạc Trần liền liên lạc với một số Danh tăng đại đức, tiến cử Pháp Tạng và xin độ Pháp Tạng làm tăng. Vốn là người tài cao học rộng, tinh thông kinh điển, lại được các vị Danh tăng đại đức giới thiệu, nên sau đó không lâu, Pháp Tạng được triều đình hạ chiếu chỉ cho thế phát và thọ Sa-di tại chùa Thái Nguyên, đồng thời mời Ngài trụ trì chùa này.

Niên hiệu Thượng Nguyên năm đầu, đời Đường Cao Tông (674), vua ban Thánh chỉ thỉnh 10 Cao tăng đại đức truyền trao Cụ túc giới cho Pháp Tạng, và vua hạ chiếu thỉnh Ngài giảng Kinh Hoa Nghiêm tại chùa Thái Nguyên. Lúc này Võ Tắc Thiên đã nắm triều chính, bà ra lệnh cho quần thần xưng mình là Thiên Hậu, xưng Cao Tông là Thiên Hoàng. Sau khi lên ngôi, Đường Thái Tông kính phụng Phật pháp, thực thi chính sách trị quốc an dân. Sư được Võ Tắc Thiên hết lòng tôn kính. Tiếng tăm và địa vị của Quốc sư Hiền Thủ vang vọng khắp triều cương.

Lúc Ngài giảng Kinh Hoa Nghiêm tại chùa Thái Nguyên, thính chúng đua nhau đến nghe, thanh danh của Ngài càng chấn động gần xa, các chùa khác tranh nhau đến thỉnh Ngài về chùa mình hoằng pháp. Năm sau, Ngài giảng Kinh Hoa Nghiêm tại chùa Huyền Hoa, kẻ tăng người tục đông không kể xiết. Lần giảng thuyết này lại là một nhân duyên giúp Ngài rất nhiều trên con đường thuyết giảng. Từ nhiều năm trước, Ngài vốn đã thuộc làu kinh điển, thêm vào đó, mỗi lần giảng thuyết Ngài lại càng thâm nhập huyền nghĩa, nên đối với Ngài mà nói, giảng kinh đã trở thành sở trường. Nhưng cứ mỗi lần giảng thuyết, Ngài đều phát hiện và cảm nhận sự nhiệm mầu sâu xa của kinh điển, càng làm cho Ngài nhạy bén trong việc đưa ra những minh chứng xác thực, lý giải sự tương quan giữa kinh điển với cuộc sống thực tại.

Niên hiệu Vĩnh Long năm đầu, đời Đường Cao Tông (680), Sa-môn Địa Bà Ha La (Hán dịch : Vân Nhật Chiếu) người Ấn Độ đến Trường An tham học. Nghe được tin này, Pháp Tạng vô cùng vui mừng liền đến thăm hỏi. Ngài đến thăm và hỏi Vân Nhật Chiếu :

( Đối với giáo pháp cả một đời của Phật-đà, Sa-môn ở Ấn Độ phán thích như thế nào ?

Vân Nhật Chiếu đáp :

( Tại chùa Na Lan Đà có hai vị Đại Pháp sư, một người tên là Giới Hiền, một người tên là Trí Quang. Ngài Giới Hiền lấy những bộ kinh luận như Thâm Mật, Du-già làm nền tảng, đem "Có", "Không", "Trung" làm thành Tam thời giáo phán. Ngài Trí Quang thì dựa trên những bộ kinh luận như Bát-nhã, Trung Quán... , lấy "Tâm cảnh đều có", "Cảnh không tâm có", "Tâm cảnh đều không" làm thành Tam thời giáo phán.

Những lời của Sa-môn Vân Nhật Chiếu đã gợi mở cho Ngài một cách nhìn mới. Ngài đem những luận thuyết này so sánh với những gì mình đã và đang hiểu, bỗng nhiên Ngài trực nhận ra một cái gì đó sâu sắc đến lạ kỳ. Khổng Tử từng nói : "Biết thì cho là biết, không biết thì bảo là không biết, đó mới đích thực là biết". Pháp Tạng là Tông sư của một tông phái, lại là một Quốc sư. Có thể nói, Ngài là một người viên mãn cả công lẫn đức. Thế nhưng không vì thế mà Ngài không chịu học hỏi, nghiên cứu, thảo luận. Đối với tông Hoa Nghiêm, Ngài đã cống hiến hầu như cả cuộc đời mình trong việc hoằng hóa.

Đương thời, những tông phái như Thiên Thai Tông, Tam Luận Tông, Pháp Tướng Tông, Tịnh Độ Tông v.v... đều đã lập thuyết, hoằng hóa rộng khắp. Lúc này, Hoa Nghiêm chỉ là một tông phái mới manh nha. Điều mà Ngài ngày đêm canh cánh trong lòng là làm thế nào hoàn thành tâm nguyện "tiếp nối dòng pháp Tông môn" mà Pháp sư Trí Nghiễm đã ân cần phó thác cho Ngài trước khi viên tịch.

Từ Sơ tổ là Hòa thượng Đỗ Thuận đến nay, tông Hoa Nghiêm đã truyền thừa qua ba đời, nhưng Tắc Thiên Hoàng hậu đem danh hiệu Bồ-tát Hiền Thủ, Quốc sư Hiền Thủ phong tặng cho Ngài, đây là một vinh hạnh lớn lao, niềm tự hào của dòng phái Hoa Nghiêm. Thế nhưng, càng ngày càng có nhiều người đã bắt đầu gọi tông Hoa Nghiêm là tông Hiền Thủ. Bởi vậy, trọng trách nặng nề đang đè nặng trên vai Ngài bây giờ là phải làm cách nào kế thừa, phát huy tư tưởng quan điểm của hai vị Thầy tổ mình, đồng thời cũng phải mở ra một con đường mới để giáo quán, tư tưởng, giáo lý của tông Hoa Nghiêm được hoàn thiện và hình thành một luận lý hoàn chỉnh.

Tông Hoa Nghiêm lấy Kinh Hoa Nghiêm làm kinh điển chính rồi xiển dương diệu nghĩa của kinh này, vì thế tông phái này có tên là tông Hoa Nghiêm.

Trước mắt Pháp Tạng, dường như lúc nào cũng thấy có hình ảnh khả kính của thầy mình luôn ân cần, động viên, thôi thúc mình. Thầy của Ngài từng nói : Sơ tổ Đỗ Thuận người Tây bắc Lâm Đồng thuộc Thiểm Tây. Tổ đã dựa vào Kinh Hoa Nghiêm, xiển dương giáo nghĩa và tư tưởng Pháp giới viên dung trong ấy. Tổ là người đầu tiên xiển dương và đề xướng kinh này tại Trung Quốc.

Đại sư Trí Nghiễm người Tây nam Thiên Thủy, Cam Túc, được tôn xưng là Tổ thứ  2 của tông Hoa Nghiêm. Từ nhỏ Ngài đã theo Hòa thượng Đỗ Thuận tu học. Sau đó Ngài đã nhận được quyển thứ nhất trong bộ Kinh Hoa Nghiêm từ Tàng Kinh Các của Pháp sư Trí Chánh. Ngài là người thông tuệ phi phàm, mỗi lần đọc kinh này đều nhận ra tư tưởng và áo nghĩa mới của nó. Tư tưởng duyên khởi trùng trùng vô tận là nền tảng luận lý chủ yếu của tông chỉ Hoa Nghiêm, và đây chính là sự cống hiến vô cùng to lớn của Ngài với tông phái này. Pháp Tạng nghĩ đến quan điểm "tương tức tương dung" mà mình đã tư duy trong ngần ấy năm, cuối cùng nó cũng dần dần hoàn thiện từ sau khi Ngài giao lưu thảo luận với các bậc Cao tăng của Ấn Độ, Tây Vực.

Cống hiến lớn nhất của Ngài chính là ở chỗ phán giáo và lập học thuyết của mình về tông Hoa Nghiêm. Ngài đã đem các tông phái Phật giáo đương thời của Trung Quốc chia thành 5 giáo là Tiểu thừa giáo, Đại thừa Thỉ giáo, Đại thừa Chung giáo, Đại thừa Đốn giáo và Nhất thừa Viên giáo. Pháp Tạng cho rằng, tông Hoa Nghiêm nằm ở vị trí cao nhất trong 5 giáo ấy, nó thuộc Nhất thừa Viên giáo, còn các tông khác hình như có phần  quá thiên lệch về tông phái của mình, thiếu đi tư tưởng dung hòa. Bởi tất cả sự vật trong thế gian đều có đặc tính và phần giới hạn của riêng nó. Nhưng mọi sự khác biệt đó đều do nhân duyên sanh khởi, mà bản chất thật của duyên khởi chính là Pháp giới duyên khởi hay Chân như duyên khởi. Vì vậy, Pháp giới ở đây là Pháp giới của Chân như Thật tánh và Duyên khởi cũng là Duyên khởi của Chân như Thật tánh. Mọi sự vật tồn tại trong thế gian đều do Chân như hay Như Lai tạng sản sinh ra. Núi sông đại địa v.v... đều là Pháp giới và Duyên khởi của Chân như. Chỉ cần tỏ ngộ cái "Nhất thừa Viên giáo" này thì thế nào cũng sẽ "Ngay đây thành Phật".

Tư tưởng và học thuyết phán giáo của Pháp Tạng đã làm cho hệ thống tư tưởng của tông Hoa Nghiêm càng rõ ràng, xác thực và hoàn bị. Chính vì lẽ này mà người ta đều cho rằng Pháp Tạng mới là người đích thực sáng lập ra tông Hoa Nghiêm. Đương nhiên, ở đây càng có một ngoại lệ, đó là Tuệ Uyển - đệ tử của Ngài cho rằng "Ngũ giáo" ấy chẳng qua cũng chỉ là "Tứ giáo" của Thiên Thai rồi thêm vào Đốn giáo, chứ kỳ thật ý nghĩa của nó cũng đâu có lớn lao gì. Do nhận định và phán quyết như vậy nên Tuệ Uyển đã bị đẩy ra khỏi môn đệ của tông Hoa Nghiêm. Sự thật là Pháp Tạng đã dung hòa học thuyết của các tông khác hình thành hệ thống tư tưởng của một tông. Công lao và tác dụng này đã trở thành "định luận", đâu cần nghi ngờ người khác phê bình, sửa sai !

Tông Hoa Nghiêm nhờ Quốc sư Hiền Thủ mà nổi tiếng thiên hạ. Nó đã trở thành một tông phái lớn, một chỗ dựa vững chắc cho các tông phái khác. Tương truyền, khi giảng kinh này, Pháp Tạng thường dẫn dụ những sự vật hiện tượng thần diệu khó lường, điều này đã làm cho tông phái này trở thành một tông không thể nghĩ bàn, nhưng thu hút con người đến kỳ lạ. Phải biết, hồi ấy phần đông người ta không mấy thích thú những luận lý tông giáo và những vấn đề triết học quá cao sâu, điều họ muốn là phải thực tế, là cái gì đó thấy được, nắm bắt được. Thế nhưng, chẳng hiểu Pháp Tạng đã dẫn dụ thế nào mà cả chúng hội đều rủ sạch tâm nghi, chí thành tin phụng Thánh giáo của tông Hoa Nghiêm.

Tương truyền, tháng 08 năm Vĩnh Long năm đầu (680), Pháp Tạng đã mở Vô Già Hội nhằm bố thí, siêu độ vong linh. Nguyên nhân của việc này là vào khoảng tháng 05 năm trước, Hà Dung Sư ở huyện Vạn Niên, Ung Châu đã giết không biết bao con gà để ăn thịt, nên bị bạo bịnh rồi chết. Sau đó, Dung Sư và 700 con quỷ khác bị đọa trong địa ngục, chịu khổ vô cùng. Với một sở học thông nghĩa, kiến giải siêu quần, nhưng Pháp Tạng vẫn còn là một cư sĩ trẻ tuổi, tài năng thiên phú trong côn miệng thóa mạ Phật, Pháp, Tăng. Không ngờ hôm sau, mặt mày người ấy biến dạng chẳng khác mặt quỷ, toàn thân ung nhọt, đau đớn vô cùng. Nghĩ lại tội lỗi của mình, người đó đến Pháp Tạng cầu xin sám hối. Pháp Tạng dạy : "Đó là báo ứng. Từ nay ông hãy chí tâm kính phụng Tam Bảo, thành tâm đọc tụng Kinh Hoa Nghiêm này đủ trăm biến, mới mong khỏi tội".

Người đó lạy tạ Ngài, cảm động rơi nước mắt và lớn tiếng đọc tụng Kinh Hoa Nghiêm. Nào ngờ, chỉ mới đọc được nửa bộ thì nghiệp báo tiêu trừ, thân thể lành lặn như xưa. Về sau hễ gặp người nào, người đó đều nói, ấy là nhờ ân đức của Pháp Tạng, nhờ năng lực không thể nghĩ bàn của Kinh Hoa Nghiêm.

Kể lại hai chuyện ấy, là tôi muốn khẳng định Pháp Tạng không phải là con người thường, Ngài có một năng lực rất kỳ lạ, đã làm cho không biết bao người đều kính tín kinh này mỗi khi Ngài giảng thuyết.

Pháp Tạng là bậc Tông sư của một thời rất được triều đình kính trọng. Đối với việc an định trăm họ, Ngài đã đóng góp một phần không nhỏ. Giảng kinh thuyết pháp, hoằng dương tông phái, khiến muôn dân kính tín Tam Bảo, chăm làm việc thiện, tự thân họ là một phần tử lương thiện của xã hội, đó là một cống hiến vô cùng to lớn của Ngài cho triều đình.

Tháng 05 niên hiệu Vạn Tuế Thông Thiên năm đầu, đời Võ Chân (696), thủ lĩnh của bộ tộc Khiết Đan là Lý Tận Trung đã khởi binh chống lại nhà Đường, gây ra đại loạn. Trong vòng 7, 8 tháng, giặc loạn liên tiếp vây hãm mấy thành, đánh thẳng vào Trung nam bộ của Hà Bắc, 18 vạn quân của triều đình đã cởi giáp chạy trốn. Giữa lúc nước sôi lửa bỏng này, Võ Tắc Thiên đã không ngần ngại điều động 20 vạn quân ở kinh kỳ đi thảo phạt, đồng thời hạ chiếu thỉnh Ngài dựng đạo tràng, tác pháp để hỗ trợ cho ba quân. Pháp Tạng vâng chiếu, dựng đạo tràng, bên trong an trí một tượng Quán Âm 11 mặt và Ngài âm thầm cầu nguyện. Tương truyền, mấy ngày sau đó, ba quân đều nghe tiếng trống trận giục liên hồi, lại có vô số thần binh không biết từ đâu xuất hiện, chỉ trong nháy mắt, giặc loạn khiếp vía, cởi giáp xin hàng, thế là ba quân bình định được giặc loạn. Võ Tắc Thiên vô cùng vui mừng, hết lời ngợi khen uy lực thần binh và ân đức của Pháp Tạng, năm đó Võ Tắc Thiên đã đổi niên hiệu là Thần Công năm đầu.

Đương nhiên, nếu cho rằng một mình Pháp Tạng khống chế được cả mấy mươi vạn đại quân, e rằng hơi quá đáng. Nhưng khách quan mà nói, trong sự nghịệp an định lòng người, cổ vũ muôn dân, Ngài đã có một ảnh hưởng vô cùng to lớn và nhất định trong lòng mọi người.   

Xem phần II

http://buddhismtoday.com/viet/pgtg/nguoi/Phap_Tang.htm     

 


Vào mạng: 1-10-2001

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang