Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Cuộc Ðời Ðức Xá Lợi Phất (Sàrìputta)
Soạn Giả: Nyanaponika Thera
Dịch Giả: Nguyễn Ðiều (1966)

PHẦN THỨ HAI (C)
THÂN QUYẾN CỦA ÐẠI ÐỨC SÀRÌPUTTA

Như chúng ta đã biết, Ðại Ðức Sàrìputta sinh trưởng trong một gia đình Bà-la-môn giáo (Brahmin) thuộc làng Upatissa (còn gọi là Nàlaka) gần thành Ràjagaha (Vương Xá). Thân sinh Ngài là ông Vaganta và thân mẫu Ngài là bà Sàrì. Ngài còn ba người em trai tên là Cunda, Upasena, Revata và ba chị em gái là các nàng Càlà, Upacàlà và Sìsupacàlà.

Cả sáu người này đều lần lượt xuất gia và đắc quả A-la-hán.

Ông Cunda sau này có tên là Samanuddesa có nghĩa là "Môn đồ non nớt" trong hàng chư Tăng, mặc dù đã thụ Tỳ-khưu giới. Lúc ấy Tăng chúng gọi như thế là để phân biệt ông với đức Trưởng lão Mahà Cunda.

Khi Ðại Ðức Sàrìputta tịch diệt, Cunda là vị làm chủ táng, và cũng là người đi thông báo cho đức Phật biết, đồng thời dâng cốt thể đến Phật vì đó là Thánh tích của một vị Ðại tôn đồ.

 

Câu chuyện được ghi lại trong kinh Cunda. Phần tóm lược của nó sẽ được trình bày thêm trong cuốn sách này.

 

Ông Upasena sau được gọi là Vagantaputta, hay "Con trai nhà Vaganta" (cũng như Ðại Ðức Sàrìputta có nghĩa là con trai của bà Sàrì) đã được đức Phật khen ngợi như là một trong những Tỳ-khưu gương mẫu, luôn luôn giữ một thói sống thanh tịnh bằng pháp Tri túc (Samantap Pàsàdika). Theo bộ Salàyatana SAMYUTTA, chương 7, kinh số 7 thuật lại thì ông ta đã tịch vì bị rắn cắn.

Revata là người em trai nhỏ tuổi nhất, và chính mẹ ông đã muốn ngăn cản việc xuất gia bằng cách cưới vợ cho ông khi ông còn là một thiếu niên. Nhưng ngay vào ngày đám cưới, ông đã trông thấy bà nội của người vợ tương lai, một cụ già một trăm hai mươi tuổi, tàn tạ với nét già yếu. Ông lập tức trở nên ghê sợ cuộc sống ở đời, bèn lìa khỏi hôn lễ và trốn vào một ngôi chùa để xin xuất gia.

Vào những năm sau, trên đường đến thăm đức Phật, ông đã dừng chân tạm ngụ tại một khu rừng đầy cây xiêm gai (Khadìvà vana) và trong thời gian nhập hạ ở đó, ông đắc quả A-la-hán. Sau đó, người ta gọi ông là Ðại Ðức Revata Khàdìravaniya (Ngài Revata trong rừng Xiêm gai). Ðức Phật đã xem Ngài như là người đứng đầu những vị cư ngụ trong rừng ấy.

Còn ba người chị em gái của Ðại Ðức Sàrìputta là Càlà, Upacàlà và Sisupacàlà, vì muốn noi gương những người anh, cũng đã trở thành những Tỳ-khưu Ni sau khi họ đã lập gia đình. Trong thời gian sống với chồng mỗi người đều có một đứa con trai, và chúng được đặt tên có nghĩa là "theo chân người mẹ". Các cậu ấy cũng lần lượt "theo chân" như thế. Ba người này lại được Ðại Ðức Revata Khàdìravaniya cho xuất gia làm Sa Di. Hạnh kiểm tốt của họ đã được Ðại Ðức Sàrìputta khen ngợi khi Ngài đến thăm thầy họ bị bệnh. Ðiều này có ghi trong đoạn chú giải của kinh Theragàthà (Phần V, kệ 42).

Riêng ba nàng Càlà, Upacàlà và Sìsupacàlà là những Tỳ-khưu Ni được người đời tán tụng rằng họ đã từng bị Ma vương (Màra) đến gần cám dỗ rồi không thành thì chất vấn sỉ vả. Nhưng cả ba Tỳ-khưu Ni đã đối phó một cách rất tuyệt diệu. Những chuyện này được ghi lại trong kệ ngôn Therìgàthà và kinh Bhikhùnì SAMYUTTA.

Trái ngược với những nàng này, bà mẹ của Ðại Ðức Sàrìputta lại là một người rất đố kỵ Phật giáo, chỉ trung thành với đạo Bà-la-môn. Do đó bà đã thường xuyên phỉ báng Tăng chúng. Trong chú giải kinh Dhammapàda, có một đoạn thuật lại rằng:

"Một lần nọ, khi Ðại Ðức Sàrìputta còn ở trong làng cũ Nàlaka của Ngài với một số lớn chư Tỳ-khưu theo tu học. Ngài bèn về nhà mẹ trong một dịp đi khất thực. Với Ngài bà đã không thể từ chối, nên mời vào để lo dâng vật thực, nhưng trong lúc làm như vậy, bà không ngớt tuôn ra những lời quá khích. Bà nói:

 

- Ai lại đi ăn những đồ người ta bố thí. Nhỡ khi ông không được những thứ cháo chua mà người ta cho, chắc ông phải đi từ nhà này qua nhà khác mà kiếm những đồ còn lại trên vá trên chén chứ!

Ði xin được chỉ có vậy mà ông dám bỏ cả gia tài hàng tám chín trăm triệu để làm một ông thầy tu. Ông đã làm cho tôi mắc cỡ với hàng xóm. Thôi, bây giờ ông hãy ăn đi.

Và khi bà cho những vật thực đến các vị Tỳ-khưu khác cùng đến với con bà, bà cũng làm như thế, bà liền bảo:

Lại mấy ông nữa. Mấy ông là những kẻ đã theo cái nhóm bắt thằng con trai của tôi đi làm mọi. Thôi, ăn đi các ông ơi.

Cứ như vậy, bà tiếp tục lăng nhục chư Tăng. Nhưng Ðại Ðức Sàrìputta chẳng nói một lời Ngài nhận vật thực rồi dùng và im lặng trở lại tịnh xá.

Ðức Phật biết được chuyện này do Ðại Ðức Ràhula, người trước đó là một trong những vị Tỳ-khưu bị bà lăng nhục, thuật lại. Còn tất cả Tăng Chúng khi được nghe chuyện đó đều ngạc nhiên về sự nhẫn nại không tưởng tượng nổi của đức Trưởng lão. Sau đó, đức Phật đã khen ngợi Ngài giữa Tăng chúng bằng cách ngâm bài kệ:

 

"Kẻ đã trừ bỏ được sự nóng giận là người có thể làm tròn phận sự của mình một cách chính đáng. Kẻ biết giữ gìn những lời giáo huấn là người thoát khỏi dục vọng. Kẻ biết tự chỉ huy lấy mình là biết tạo cho mình một kiếp sinh sau cùng. Trong Pháp bảo giải thoát, Như Lai gọi kẻ ấy là một vị Phạm Thiên (Brahma) vậy".

 

Nhưng đến khi cuộc đời của Ðại Ðức Sàrìputta gần chấm dứt, chuyện lăng nhục ấy không còn nữa. Ngài đã cảm hóa được người mẹ. Câu chuyện sẽ được kể sau này. Và mục đích thuật lại chuyện ấy là cốt đưa chúng ta đến một sự suy gẫm về những đặc tính tự thắng của một Trưởng lão vĩ đại. Ấy là ba đức tính khiêm tốn, nhẫn nại và hỷ xả của Ngài.

 

LỬA SÂN HẬN ÐÃ HOÀN TOÀN DẬP TẮT

Nhắc lại vùng xung quanh Kỳ Viên tịnh xá nơi đức Phật đang cư ngụ, có một nhóm rất nhiều người bàn tán với nhau về những phẩm tính cao thượng của Ðại Ðức Sàrìputta. Họ nói rằng:

 

- Với một đức nhẫn nại như thế, Sa-môn Sàrìputta đã trở nên bậc Vô Ngại. Dù khi có ai lừa dối hay đánh đập Ngài. Ngài cũng không cảm thấy một ý nghĩ oán hận.

Có một ông Bà-la-môn là người cố chấp cái thiện kiến sai lạc của mình, đã hỏi:

- Ai là người không nóng giận đâu?

- Ðó là Ðại Ðức Sàrìputta.

Ông bèn xuyên tạc: "Ông ấy không nóng giận bởi vì chẳng có ai khiêu thích ông ta. Và chính tôi rất rành cách làm cho kẻ khác giận mình".

 

Một hôm, khi đi khất thực, Ðại Ðức Sàrìputta đã vào trong thành phố, nơi ông Bà-la-môn có mặt. Lão Bà-la-môn ác ý này liền tiến gần phía sau Ngài và bất thần đánh lên lưng Ngài một cái như trời giáng. Ðại Ðức Sàrìputta vẫn tiếp tục chầm chậm bước đi, mặt cũng không quay lại. Ngài chỉ thản nhiên nói: "Cái gì vậy kìa?".

Ông Bà-la-môn vừa hổ thẹn vừa hối hận, ông bèn quì mọp người xuống dưới chân đức Trưởng lão để tạ tội. Ðại Ðức Sàrìputta tỏ vẻ ngạc nhiên, hiền từ hỏi: "Ông làm như thế để chi vậy?".

Người Bà-la-môn ngượng ngập trả lời:

"Thưa Ngài! Vì muốn thử lòng nhẫn nhục của Ngài nên tôi đã đánh lén Ngài một cái rất tàn nhẫn. Bây giờ tôi hiểu ra sự thật, xin Ngài tha lỗi cho tôi.

Rồi ông Bà-la-môn tiếp: "Bạch Ngài. Nếu Ngài sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của tôi, tôi xin thỉnh Ngài từ nay về sau chỉ đến khất thực trước nhà tôi để tôi được chuộc tội bằng cách dâng cúng".

Trong khi yêu cầu như vậy, ông đã cung kính nâng lấy bình bát của đức Trưởng lão. Ngài đã dịu dàng trao bát lại cho ông và ra dấu bảo ông ta hãy đưa mình về nhà để dâng hiến vật thực.

Nhưng những người khác khi thấy ông ta xúc phạm một vị Ðại Sa-môn như vậy, họ trở nên tức giận, tay cầm gậy gộc tập trung trước nhà ông Bà-la-môn với mục đích trừng phạt lão già hung ác này.

Khi Ðại Ðức Sàrìputta nhận vật thực xong bước ra và ông Bà-la-môn theo sau, hai tay bưng bình bát của Ngài. Thấy vậy họ đồng la lên:

- Bạch Ngài! Xin Ngài hãy bảo ông Bà-la-môn này quay lại.

Ðức Trưởng lão hỏi: "Này các đạo hữu tại gia! Tại sao các người làm như vậy?".

 

Họ đồng trả lời: "Người này đã vô lý đánh lén Ngài. Và chúng tôi đến đây cốt để trả lại cho ông cái hành động bất nhân đó".

Ðức Trưởng lão mỉm cười nói: "Cám ơn các đạo hữu đã có lòng che chở cho bần đạo, và những kẻ bất bình trước mọi hành động bất thiện là những người tốt. Nhưng này quí vị thiện tâm! Ông ấy đã đánh quí vị hay đánh bần đạo?".

Tất cả đều trả lời: "Bạch Ngài! Chính Ngài bị đánh".

 

Nghe thế đức Trưởng lão bèn tuyên bố: "Ðược rồi! Nếu chuyện đó xảy ra đến bần đạo thì ông ta đã sám hối với bần đạo rồi. Bây giờ quí đạo hữu hãy vui vẻ giải tán".

 

Sau khi đức Trưởng lão đã khuyên nhủ đám người trở về xong, Ngài bèn cho phép ông Bà-la-môn quay vào, rồi im lặng tìm đường trở về tịnh xá. Chuyện này xảy ra đúng vào lúc đức Phật đang thuyết những câu Pháp Cú Kinh số 389 và 390 (Theo chú giải Dhammapada). Những câu ấy đã nói lên sự giảng nghĩa của đức Phật về bản chất của ông Bà-la-môn, tức là chỉ rõ tính thực thà hơn là nghiệp thức do tái sinh. Ngoài ra, Phật cũng gián tiếp dạy rằng: "Chính tư tưởng phân chia giai cấp đã khiến cho một số người có hành động ngông cuồng như vậy".

Ðức Phật còn dạy tiếp:

- Ðừng để ai đánh đập kẻ lầm lỗi ấy. Người có sự hổ thẹn là người sẽ nhận sự trừng phạt xứng đáng nhất. Chính sự hổ thẹn sẽ làm cho ông bị cắn rứt còn hơn là nhận lại trăm ngàn cái đánh.

 

- Thu phục được ông Bà-la-môn như thế không phải là chuyện dễ. Người nào đã kềm giữ được tư tưởng của mình khỏi những gì thương yêu trìu mến càng nhanh thì sự đau đớn sẽ không dày vò thân xác được. Và như vậy sự bực tức trong nội tâm cũng dần dần biến mất đi.

Tính hướng thiện của Ðại Ðức Sàrìputta cũng vĩ đại như đức nhẫn nhục của Ngài. Ngài sẵn sàng ghi nhận mọi sự khuyên bảo của bất cứ ai không những bằng sự thành thật mà còn với lòng biết ơn nữa.

 

Trong chú giải kinh Devaputta SAMYUTTA Susimo có một đoạn thuật rằng:

"Một lần nọ vì vô ý mà chéo y nội của Ngài lệch đụng xuống đất. Một ông Sa Di bảy tuổi đã trông thấy và chỉ cho Ngài. Ðại Ðức Sàrìputta liền bước sang một bên và sửa lại y phục với một thái độ vâng lời và vui vẻ. Sau đó Ngài tiến đến trước mắt vị Sa Di và đưa tay nói rằng:

- Giờ thì y phục của tôi đã chỉnh tề rồi Sư ạ.

Ðể ám chỉ đức tính này, trong kinh Vua Mi Lan Ðà Vấn Ðạo (Milinda Panhà Sutta) còn có mấy dòng kệ nói về Ðại Ðức Sàrìputta như sau:

"Người nào dù chỉ là bảy tuổi, nếu nhìn thấy hình thức dễ duôi trước tôi, và chỉ rõ cho tôi, tôi sẽ sẵn sàng hoan hỷ nhận. Tôi luôn luôn mong mỏi được nhắc nhở một cách ham thích và nhiệt thành. Tôi còn biết ơn những người ấy mãi mãi và kính trọng họ như những ông thầy".

 

Có một lần đức Phật hiền từ khiển trách Ðại Ðức Sàrìputta vì đã không tiếp độ một kẻ hữu duyên đến nơi đến chốn. Ðó là câu chuyện liên quan đến người Bà-la-môn tên Dhànanjàni. Ðại Ðức Sàrìputta ngẫu nhiên đến viếng nhằm lúc ông này đang đau nặng và thoi thóp trên giường bịnh. Ðức Trưởng lão vì biết những người Bà-la-môn hằng ngưỡng mộ cõi trời Phạm Thiên, nên Ngài đã chỉ dẫn cho ông Bà-la-môn sắp chết ấy con đường đạt tới cõi trời đó bằng những giới hạnh của chư Phạm Thiên.

Kết quả ông Bà-la-môn đã được sinh lên cõi trời Phạm Thiên thực sự.

Nhưng khi Ðại Ðức Sàrìputta thăm viếng xong trở về, đức Bổn Sư đã bèn dạy:

- Này Sàrìputta! Trong khi có nhiều Pháp đẻ đạt được những quả vị cao hơn, sao ông không cống hiến mà chỉ gieo vào tư tưởng của bịnh nhân chỉ có pháp lành tới cõi trời Phạm Thiên rồi ông ra về?

Ðại Ðức Sàrìputta trả lời:

 

- Bạch đức Thế Tôn! Ðệ tử nghĩ: "Vì những người Bà-la-môn này luôn luôn ngưỡng mộ cõi trời Phạm Thiên, nên đệ tử đã không hướng dẫn cho ông Bà-la-môn Dhànanjàni ấy con đường đạt tới cảnh Phạm Thiên là gì?".

Ðức Phật bảo:

 

- Nếu nghe được Pháp bảo cao hơn thì ông ấy có thể đắc vào Thánh đạo. Nhưng bây giờ là quá muộn vì Dhànanjàni đã chết và đã trở thành một trong những Phạm Thiên rồi.

Chúng ta tìm thấy câu chuyện này trong kinh Dhànanjàni, thuộc bộ Majjhima Nikàya như một sự mô tả rất thâm diệu về thật tính không ưa thích tái sinh của đức Phật, cho dù đó là sự tái sinh trong cõi trời cao nhất.

Riêng ông Dhànanjàni, đức Phật xét thấy nếu được tiếp độ đúng mức ông có thể đạt đến quả A Na Hàm trước khi chết, nghĩa là chỉ tái sinh lại một lần nữa mà thôi.

Bàn về trường hợp ông Dhànaĩjàni, đây không phải là điều sơ hở của Ðại Ðức Sàrìputta, mà vì lúc đó đức Trưởng lão chưa đắc được pháp Quán Thế Tâm (Lokiya Abhinnà) như đức Phật, nên Ngài đã không phân biệt được sự thật đó. Kết quả, ông Bà-la-môn Dhànaĩjàni ấy phải tốn một thời gian vô lượng nữa trong cõi trời Phạm Thiên, và sẽ phải sinh làm người trước khi ông đạt được đạo quả cứu cánh.

(Còn trong kinh Tevijjà có thuật một vài lần đức Phật đã tiếp độ một số người tới cõi Phạm Thiên là bởi duyên năng của họ không thể tiến cao hơn được nữa, chứ không phải đức Thế Tôn đã làm một việc giống như Ðại Ðức Sàrìputta).

Và Ðại Ðức Sàrìputta cũng đã nhận một sự khiển trách hiền từ khác nữa của đức Phật lúc Ngài bạch hỏi đức Bổn Sư tại sao có một số chư Phật trong quá khứ đã không để cho giáo lý của các Ngài tồn tại lâu dài. Và Ðức Phật đã trả lời rằng:

- Ðiều ấy là bởi những vị Toàn Giác đó không thuyết nhiều Pháp bảo, không đặt ra nhiều Giới luật cho các hàng đệ tử, cũng không tạo nên sự tuyên đọc Biệt Biệt Giải Thoát Pháp (Pàtimokkha).

Ðại Ðức Sàrìputta lại bạch tiếp:

 

- Giờ đây chắc đức Thế Tôn có nhiều thời gian hơn để ban bố những điều luật và tuyên hạnh chú đọc Biệt Biệt Giải Thoát Pháp Pàtimokkha để cho đời sống của Giáo Hội sẽ tồn tại lâu dài?

Ðức Phật bèn dạy:

- Này Sàrìputta! Việc đó hãy để cho chính đức Tathàgata, bậc có trách nhiệm biết rõ về thời gian tính ấy. Ðức Thế Tôn sẽ không chế định giáo điều cho các hàng đệ tử, cũng không khuyên đọc Biệt Biệt Giải Thoát Pháp nữa khi nào không thấy có những dấu hiệu hư hoại trong hàng Tăng lữ (Theo Pàràjika Pàli chương mở đầu).

Ðiều quan tâm của vị Ðại đệ tử ấy chính là Ngài mong mỏi cho Giáo pháp Giải thoát được bền vững càng lâu càng tốt. Và đó cũng là điềm "Huyền Cơ Khả Mật" của một vị Phật.

 

Bất cứ một đấng Toàn Giác nào cũng vậy: Giáo pháp của Ngài luôn luôn có một tuổi thọ và tuổi thọ ấy chỉ có đấng Toàn Giác thuyết ra nó rõ mà thôi. Ðức Phật ấy phải biết trước thời mạt pháp, và Ngài sẽ không để lại bất cứ một lời dạy nào khi trên thế gian không còn lấy một người có thiện tâm.

 

Rồi đức Thế Tôn giảng giải tiếp cho Ðại Ðức Sàrìputta nghe:

- Vào thời mạt pháp đó, người hành đạo cầu tiến sẽ vô cùng ít ỏi. Và vị Tỳ-khưu sau chót trong Tăng Già của Như Lai sẽ là ông Sotàpàna. Do đó, thật là tội nghiệp nếu sau ông Sotàpàna mà còn Phật ngôn để cho người đời đem ra chế giễu".

ÐẠI ÐỨC SÀRÌPUTTA BỊ KHIỂN TRÁCH VÌ NHÓM HỌC TRÒ

Theo Càtuma Sutta, tức kinh số 67 trong Majjhima Nikàya, thì có một lần đức Phật đã khéo léo khiển trách Trưởng lão Sàrìputta như sau:

 

"Lúc ấy có một số đông Tỳ-khưu mới nhập môn, là những đệ tử của hai Ðại Ðức Sàrìputta và Mahà Moggallàna. Lần đầu tiên họ kéo đến để xin ra mắt đức Phật, nhưng khi đến nơi lại chia ra làm nhiều nhóm nói lời nhảm nhí với những Tỳ-khưu đang ngụ trong tịnh xá Càtuma.

Nghe có sự ồn ào, đức Phật liền tập trung Tăng chúng để hỏi nguyên do. Ngài được biết đó là sự hỗn loạn bởi những vị Tỳ-khưu mới đến gây ra. Trong kinh không nói rõ là các vị Tỳ-khưu thăm viếng có mặt lúc Phật hỏi hay không. Nhưng chắc chắn là họ phải có mặt, vì đức Phật đã nghiêm khắc thốt ra những lời dạy như sau:

- Này các Tỳ-khưu! Các ông hãy đi ngay. Như Lai muốn các ông ra khỏi chỗ này lập tức. Các ông không thể đến gần một vị Phật bằng đức hạnh như vậy.

Bị quở phạt, có một số Tỳ-khưu kinh sợ bỏ đi, còn một số chỉ có mặt trong đám chứ không gây ra sự ồn ào đuợc phép ở lại.

Sau đó đức Phật nói với Ðại Ðức Sàrìputta:

- Này Sàrìputta! Ông nghĩ như thế nào khi Như Lai đuổi nhóm Tỳ-khưu ấy?

 

- Bạch đức Thế Tôn! Ðệ tử nghĩ: "Ðức Thế Tôn muốn giữ mãi sự trang nghiêm thanh tịnh trong lúc này". Do đó chúng đệ tử phải tôn trọng và vâng lời, rút lui một cách có trật tự.

Ðức Phật dạy:

- Này Sàrìputta! Dừng lại! Ðừng để cho những ý nghĩ như thế phát sanh trong ông nữa.

Và đức Phật quay sang Ðại Ðức Mahà Moggallàna cũng hỏi một câu tương tự.

Ðại Ðức Mahà Moggallàna trả lời:

 

- Bạch đức Thế Tôn! Khi đức Thế Tôn đuổi những vị Tỳ-khưu ấy đi, đệ tử nghĩ rằng: "Ðức Thế Tôn vì muốn giữ lại sự trang nghiêm thanh tịnh để làm gương giải thoát cho tất cả nhân loại". Do đó đệ tử và đạo huynh Sàrìputta giờ đây phải trở về chăm lo Tăng chúng.

Ðức Thế Tôn nói:

- Này Mahà Moggallàna! Ðúng thế! Ông trả lời đúng đấy! Việc cần thiết hoặc là chính Như Lai, hoặc là Sàrìputta hoặc là Mahà Moggallàna phải đích thân khuyên giáo chúng Tăng.

Phần kết thúc, tuy bài kinh không nêu rõ nhưng chắc chắn là hai Ðại Ðức Sàrìputta và Mahà Moggallàna đã trở về giáo huấn những học trò của mình một cách nghiêm khắc và kỹ lưỡng.

 

ÐẠI ÐỨC SÀRIPUTTA BỊ VU CÁO

Có một lần đức Phật ngụ tại Kỳ Viên tịnh xá cùng với đông đảo chúng Tăng, Ðại Ðức Sàrìputta là nạn nhân của một sự kết tội sai lầm. Chuyện xảy ra như sau:

Lúc ấy là thời gian ra hạ, mùa mưa cũng vừa chấm dứt. Chư Tăng phương xa đến nhập tại Kỳ Viên tịnh xá đang lần lượt kiếu từ đức Phật và những vị Tôn túc để trở về.

Vì Tăng chúng quá đông nên khi tạm biệt nhau, Ðại Ðức Sàrìputta đã thành thật tuyên bố một câu: "Bần đạo chỉ quen nhớ những vị nào theo tên ám chỉ giới hạnh hơn là tên của gia đình đặt cho họ".

 

Trong số đó có một vị Tỳ-khưu, không ai biết tên gọi căn cứ theo giới hạnh của ông là gì hoặc tên của gia đình đặt cho ông ra sao. Nhưng vì ông hằng mong muốn Ðại Ðức Sàrìputta gọi ông bằng một cái tên ám chỉ ông là người Ðức Hạnh, ít nhất cũng trong khi cáo từ nhau.

Tuy nhiên, giữa đám đông Tăng chúng, Ðại Ðức Trưởng lão đã không cho ông ta sự phân biệt này. Và vị Tỳ-khưu ấy đã trở nên bất mãn, ông bèn suy nghĩ: "Ngài không tiếp độ mình như tiếp độ những vị khác?".

Rồi ông ta có mặc cảm Ðại Ðức Sàrìputta đối xử bất công. Lúc ấy, nhân việc đức Trưởng lão đi ngang, chéo y của Ngài bị gió phất quét nhẹ lên mình ông, khiến ông càng bực tức hơn nữa. Ông liền đến gần đức Phật phàn nàn:

 

- Bạch đức Thế Tôn! Chắc Ðại Ðức Sàrìputta đang hãnh diện mình là một Ðại đệ tử nên đã đánh con một tát tay đến nỗi tai con gần như bị hỏng. Sau khi làm như vậy, Ngài đã không tỏ ra vẻ người hối lỗi với con mà còn bỏ đi không đếm xỉa gì đến con cả.

Ðức Phật bèn gọi Ðại Ðức Sàrìputta vào và truyền lệnh đại hội Tăng chúng.

Trong khi chờ đợi, Ðại Ðức Mahà Moggallàna và Ðại Ðức Ànanda dọ biết rõ có một sự cáo oan xảy ra, vội gặp gỡ tất cả các nhóm Tỳ-khưu và nói lên rằng:

 

- Bạch chư huynh đệ! Xin các Ngài hãy tới dự Tăng hội. Khi Ðại Ðức Sàrìputta đối diện trước đức Bổn Sư rồi, Ngài chỉ thốt ra những sự thật. Sự thật ấy sẽ vang rền như tiếng gầm của một con sư tử.

(Câu này dịch sát theo chữ Pàlì là "Sìhanada" có nghĩa là một giọng nói tự nhiên lẫn trầm hùng, đảm bảo chắc chắn ấy là sự thật).

Và đúng như điều vừa nói! Khi đức Bổn Sư chất vấn Trưởng lão Sàrìputta, thay vì Ngài vạch rõ sự vu cáo, Ngài lại nói:

 

- Bạch đức Thế Tôn! Khi một người đã được vững chắc trong đạo quả, làm chủ được bản tâm rồi, người ấy có thể nào làm đau đớn một đồng đạo của mình mà bỏ đi không một lời sám hối?

 

- Bạch đức Thế Tôn! Ðệ tử của đấng Siêu Xuất tam giới khi đã thuần thục trong Thánh đạo thì không còn trạng thái sân hận hoặc thù nghịch nữa, trái lại chỉ có một phẩm tính hỷ xả vô biên như quả đất. Ðại cầu này có bao giờ phản đối bất cứ vật gì dù dơ hay sạch, dù đẹp hay xấu, dù thuận hay nghịch mà thế gian vất lên mình nó đâu?

 

Mặt khác, đệ tử của đấng Toàn Giác khi đã chứng quả Bất Lai (A-la-hán) thì tham dục không còn nữa, dù chỉ vi tế trong một sát na thời gian hay trong một tế bào vật chất.

Theo chú giải kinh Sìhanada thì lúc Ðại Ðức Sàrìputta thốt ra những lời như vậy, quả địa cầu đã rung chuyển đến chín lần để xác minh sự thật. Và toàn thể đại hội đã giải tán với tấm lòng kinh cảm. Riêng vị Tỳ-khưu vu khống thật vô cùng hối hận. Ông xấu hổ quỳ mọp dưới chân đức Thế Tôn để xin nhận tội nói xấu của mình.

 

Kế đó đức Phật liền khuyên:

- Này Sàrìputta. Hãy tha lỗi cho vị Tỳ-khưu ngu dại này đi, kẻo không cái đầu của ông ấy sẽ vỡ làm bảy miếng.

Ðại Ðức Sàrìputta cung kính đáp lời:

 

- Bạch đức Bổn Sư. Tự nhiên là đệ tử đã tha thứ cho vị Tỳ-khưu này rồi.

Và với hai bàn tay chắp lại, đức Trưởng lão tiếp: "Ngoài ra, đệ tử cũng xin Sư ấy tha lỗi cho đệ tử nếu vì vô tình mà đệ tử làm bất cứ điều gì mích lòng".

Ðoạn cả hai được đức Phật xử hòa.

 

Chư Tăng vô cùng thán phục. Họ đều nói: "Ðại Ðức Sàrìputta quả thật là một tấm gương tốt. Ngài đã tỏ ra thân mến đối với vị Tỳ-khưu vu khống kia. Hành động của Ngài chính là một hành động đại xá. Lẽ ra ông ta phải tỏ vẻ hạ mình biết lỗi trước Ngài mới phải, đằng này Ngài lại đưa hai tay với vẻ cung kính xin lỗi ông ta nữa".

 

Nghe Tăng chúng bình phẩm, đức Phật còn giải thích thêm:

- Này chư Tỳ-khưu! Ðối với ông Sàrìputta thì việc nuôi dưỡng lòng sân hận và oán thù không thể nào có được. Tâm hồn của Sa-môn Sàrìputta giống như quả đất vĩ đại hay vững chắc như trụ thành môn và yên lặng như một hồ nước trong.

Rồi Ngài ngâm kệ:

 

"Chỉ có quả đất và những cột trụ chống đỡ cửa thành trì mới là những vật không bao giờ biết sân hận. Với một tâm hồn trong sáng như một bể nước yên lặng thì một Sa-môn có giới đức như thế, vòng sinh tử luân hồi sẽ không còn xoay tròn họ nữa".

 

Có một câu chuyện khác cũng nói về đức tính này của Ðại Ðức Sàrìputta. Ngay trong thời gian Tăng Già mới thành lập, một Tỳ-khưu tên Kolàlika, nhận thấy sự sốt sắng chăm lo tổ chức Giáo Hội của hai Ðại Ðức Sàrìputta và Mahà Moggallàna, sinh lòng ganh tị và hiểu lầm hai vị Ðại đệ tử này có dụng ý gì đây, rồi đến bạch với Ðức Thế Tôn về "những ham muốn tội lỗi của hai vị ấy".

Ðức Bổn Sư liền khuyên dạy:

- Này Kolàlika! Ðừng nên nói như vậy. Ông nên có những ý nghĩ thân thiện và tin tưởng nơi Ðại Ðức Sàrìputta và Mahà Moggallàna thì hơn vì họ là những người có hạnh kiểm rất tốt và đầy lòng từ bi".

Nhưng ông Tỳ-khưu lầm lạc không vâng lời đức Phật. Ông cứ khăng khăng với sự kết tội sai lầm của mình. Chẳng bao lâu sau khắp thân thể ông mọc đầy mụn nhọt, và cứ tiếp tục như thế cho đến khi ông chết vì cái bịnh này.

Chuyện đó được khá nhiều chỗ trong kinh nhắc đến. Chẳng hạn như trong các kinh Brahma SAMYUTTA No 10, kinh Nipàta Mahà Vanga No 10, kinh Anguttara Nikàya V-170 và kinh Takkàriya Jàtaka No 481.

Chính sự so sánh về hai câu chuyện vu cáo nói trên đã cho ta biết tầm quan trọng của tính ăn năn tội lỗi. Không phải vấn đề hai Ðại Ðức Sàrìputta và Mahà Moggallàna chịu nhận hay không chịu nhận sự sám hối của Tỳ-khưu Kolàlika, mà chính là đương sự có thấy rõ ác tâm của mình hay không. Những lời sám hối của ông ta nếu có đến các Ngài cũng sẽ chẳng làm thay đổi gì thái độ của nhị vị Ðại đệ tử ấy, vì hai Trưởng lão này lúc nào cũng hỷ xả cho vị Tỳ-khưu tội lỗi nói trên vì hai Ngài không muốn cho ông ta phải nhận hậu quả của nghiệp ác.

Lời nói đầu | Phần 1 | Phần 2a | Phần 2b | Phần 2c | Phần 3 | Phần 4 | Phần 5

 


Cập nhật: 14-3-2001

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang