Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Tôn giả A Để Sa (982-1054)
Thích Hằng Đạt

Phụ chú A: Tư Tưởng Phật Học của Tôn Giả A Để Sa


Tư tưởng Phật học của Tôn Giả phân làm ba phương diện:

1/ Chánh kiến Trung Quán.

Tôn Giả vốn thuộc hệ phái Trung Quán, theo kiến giải của ngài Nguyệt Xưng. Ở Ấn Độ, chư đại luận sư như Phật Hộ, Thanh biện, Nguyệt Xưng, Tịnh Mạng, v.v... đều kế thừa học thuyết Trung Quán của ngài Long Thọ, Đề Bà. Về danh ngôn thì quan điểm khác nhau nơi tự tánh và ngoại cảnh, nên sanh ra các tông phái khác nhau. Luận sư Thanh Biện luận phá Duy Thức Học; ngay nơi danh ngôn kiến lập tông Hữu Ngoại Cảnh, gọi là phái Kinh Bộ Hành Trung Quán Sư. Luận sư Tĩnh Mạng nơi ngôn thuyết, cho rằng Vô Ngoại Cảnh, gọi là phái Du Già Trung Quán Sư. Luận sư Nguyệt Xưng nhận thấy trong các luận giải thích về Trung Quán, chỉ có sự giải thích về ý thú phụ tử thánh giả (Long Thọ, Đề Bà) của luận sư Phật Hộ là thù thắng nhất, nên tông chỉ dựa vào kiến giải Trung Quán của Phật Hộ. Từ đó, đa số các luận sư đều y theo thuyết của luận sư Phật Hộ và Nguyệt Xưng. Về sau, các tông phái của Phật giáo Tây Tạng như Tát Ca, Cát Cử, Cách Lỗ an lập danh xưng hai phái của Trung Quán là Ứng Thành và Tự Tích, cùng đồng dùng kiến giải Trung Quán của Nguyệt Xưng, tức phái Trung Quán Ứng Thành. Phái này tùy theo việc mà ứng đáp, và phá luận của kẻ khác chứ không tự lập tông; thành lập tự tông bằng cách phá chánh lý của kẻ khác. Ví dụ, phá lý lẽ Tự Tánh Thật Có, mà lập lý Sanh Tử Niết Bàn; đó gọi là Duyên Khởi Tánh Không. Quyển Nhập Nhị Đế Luận và Trung Quán Giáo Thọ Luận của Tôn Giả đều xiển dương thuyết này.

 

2/ Tu hạnh Bồ Tát.

Sự tu hành của Đại Thừa và Mật Thừa đầu tiên trọng nơi việc phát tâm Bồ Đề rộng lớn, tức vì mục đích tự giác và giác tha mà tu đạo, chứ chẳng vì lợi ích thế tục tà vạy riêng tư.

Tôn Giả y theo hai pháp tu phát tâm Bồ Đề do đại sư Kim Châu ban truyền, tức tu bảy loại nhân quả cùng giáo pháp phát tâm Bồ Đề trong quyển Tự Tha Tương Hoán do ngài Tịch Thiên viết. Do nguyện mà tâm Bồ Đề dẫn khởi hành vi chánh trực, thọ học diệu hạnh rộng lớn của Bồ Tát, tu tập tất cả học xứ của Bồ Tát. Trong quyển Nhiếp Hành Luận, Bồ Đề Đạo Đăng Luận, Phát Bồ Đề Tâm Luận của Tôn Giả đều xiển dương lý này.

 

3/ Đồng xem trọng kiến giải và sự hành trì.

Tôn Giả cho rằng ba tạng cùng bốn bộ giáo điển có thể được tổ chức và hệ thống hóa, để làm kim chỉ nam trong việc tu hành thành Phật theo thứ lớp. Vì vậy, Tôn Giả gom góp tất cả yếu chỉ Phật pháp lại thành giáo pháp Tam Sĩ Đạo, tức giáo pháp thuận theo căn cơ của hạng hạ sĩ (hạ căn), trung sĩ (trung căn), thượng sĩ (thượng căn) đạo. Hạ Sĩ Đạo hay Cộng Hạ Sĩ Đạo là những người chẳng tham sự an lạc trong hiện đời, sợ đi vào ba đường ác, nên hành mười việc lành, quy y Tam Bảo, mong cầu đời sau sanh nơi đường lành, tức thuộc Nhân Thiên Thừa. Trung Sĩ Đạo hay Cộng Trung Sĩ Đạo là những vị chán họa hoạn trong ba cõi, phát tâm xuất ly, quán pháp Tứ Đế và mười hai nhân duyên, thấy việc lưu chuyển trong vòng sanh tử vốn là khổ, không, vô thường, nên cho việc nhập tịch diệt là vui, tức cầu tự lợi, tự đắc sự vui tịch diệt, vốn thuộc về Thanh Văn Thừa. Thượng Sĩ Đạo là những vị phát tâm Bồ Đề, tức vì muốn lợi ích loài hữu tình mà học tập lục độ tứ nhiếp pháp và các hạnh nguyện của Bồ Tát, cùng nguyện muốn thành Phật. Thật thế, Bồ Tát Đại Thừa không cầu phước báo ở cõi trời người, hay thánh quả Nhị Thừa, mà chỉ cần cầu quả vị Phật. Song, bàn về sự tu hành theo thứ lớp, trong lúc tu tập, phải dựa vào nền tảng của Trung Sĩ Đạo mà phát tâm nguyện Bồ Đề, dẫn khởi tâm hạnh, thực hành lục độ tứ nhiếp pháp, tuần tự tiến bước lần hồi, rồi từ Hiển giáo mà nhập vào Mật giáo, thẳng đến thành Phật. Tôn Giả viết quyển Bồ Đề Đạo Đăng Luận để xiển dương nghĩa lý đó. Đây là tinh hoa của tư tưởng Tôn Giả, vì nhiếp thu hết giáo nghĩa Hiển-Mật, đầy đủ tư tưởng pháp nghĩa của hai phái Trung Quán Ứng Thành và Tự Tích, dùng sự điều phục tâm làm chủ yếu, tuần tự tu hành theo thứ lớp, đạt đến quả vị Phật. Tư tưởng này ảnh hưởng rất lớn đối với Phật Giáo Hậu Truyền ở Tây Tạng.

Ngoài việc hoằng truyền những tư tưởng Phật học bên trên, Tôn Giả cũng thường xiển dương giáo nghĩa Du Già của Bồ Tát Di Lặc, xem trọng về Nghiệp Quả nên được tín đồ tôn xưng là Nghiệp Quả Giả, tôn trọng tín ngưỡng hóa thân Bồ Tát Văn Thù.

Ngoài ra, Tôn Giả cũng phiên dịch những kinh luận như luận Nhị Vạn Quang Minh, Nhiếp Đại Thừa Luận Thích, luận Phân Biệt Nhiên, Thừa Bảo Tánh Luận Thích. Tôn Giả cũng trước tác hơn ba mươi bộ luận như luận Bồ Đề Đạo Đăng, luận Nhập Nhị Đế, Trung Quán Giáo Thọ, Vô Cấu Bảo Thư Hàn, v.v...


| Lời giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | phụ lục | A | B | C | Chú thích & Tham khảo |

 


Cập nhật: 1-8-2000

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang