Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Tôn giả A Để Sa (982-1054)
Thích Hằng Đạt

Chương I. Tự thân thành tựu đầy đủ công đức quảng đại


Phía đông Kim Cang Tòa (1) ở miền trung Ấn Độ, có vương quốc Tát Hạ (2). Kinh đô của nước này là Tát Ha La (3). Vương cung trong thành bằng phẳng cao rộng, có vô lượng kim tràng để nghiêm sức, nên gọi là cung Kim Tràng. Cuộc sống của dân chúng trong nước đều được đầy đủ; chu vi 720 dặm; có khoảng 25.000 ngàn ao hồ và 56.000 cây Đa La bao quanh thành ấp. Thành có bảy lớp thông hào. Trong thành có 360 cây cầu; có 25.000 cây kim tràng; có 13 ngôi kim đảnh tháp (4). Dân số chừng ba triệu năm trăm ngàn người.

Vua Thiện Thắng (5) của vương quốc Tát Hạ thường hộ trì chánh pháp. Hoàng Hậu Thắng Quang (6) thuộc dòng Bà La Môn, đức hạnh đồng bảo nữ. Vua Thiện Thắng có ba hoàng tử: Liên Hoa Tạng (Padma-garbha), Nguyệt Tạng (Candra-garbha), Thắng Tạng (Sri-garbha, hoặc gọi là Kiết Tường Tạng). Hoàng tử Liên Hoa Tạng kế thừa ngôi vua, sanh được chín người con, rồi sau đó bỏ ngôi vua đi xuất gia lấy pháp hiệu là Đạt Na Bảo Lợi Mật Đa La (Dana-shri, dịch là Mễ Thắng Hữu). Hoàng tử Thắng Tạng cũng xuất gia lấy hiệu là Tinh Tấn Nguyệt (Vidya-chandra), thâm nhập Mật pháp, đạt được nhiều cảnh giới thiền định, có khả năng hóa hiện đàn tràng truyền pháp quán đảnh. Hoàng tử Nguyệt Tạng chính là tôn giả A Để Sa.

Tôn giả A Để Sa (7) vừa sanh ra (982) thì trời mưa hoa báu, vầng mây năm màu ẩn hiện trên đảnh cung điện, chư Thiên khởi tấu âm nhạc. Những điềm lành như thế, hiển hiện nhiều vô số kể. Ngày nọ, Tôn Giả đang nằm trên sàng giường trân báu ở tòa nhà cao nhất trong hoàng cung, đột nhiên trên đảnh cung điện chợt vang tiếng nổ lớn, thể như mái ngói bị sụp đổ. Hoàng hậu Thắng Quang thấy rất nhiều bò cạp bò đến, như muốn hại Tôn Giả nhưng không làm cho Tôn Giả sợ hãi. Lát sau, những bò cạp biến mất.

Lần nọ, bên ngoài phòng của Tôn Giả có tiếng nhạc và tiếng trống âm vang. Nhà vua nghe thấy lấy làm kỳ dị. Hoàng hậu Thắng Quang thấy hoa sen xanh hiện ra trước mặt Tôn Giả nhưng riêng Tôn Giả tự cảm nhận đây là hiện thân của Độ Mẫu (8). Từ đó, hễ có nghi điều gì Tôn Giả đều thiết lễ cúng dường cầu khẩn trước tượng của Độ Mẫu. Tuy Độ Mẫu không hiện thân chỉ dạy, nhưng tất cả điều hoài nghi của Tôn Giả đều được giải tỏa. Tương truyền, vị Độ Mẫu này thường theo gia hộ Tôn Giả suốt trong vòng lục đạo luân hồi.

Trong mười tám tháng kể từ khi xuất sanh, Tôn Giả chưa từng rời khỏi hoàng cung. Có tám vị nhũ mẫu thường xuyên săn sóc Tôn Giả thật chu đáo.

Một hôm, vương phi thần thứ lên năm trăm cỗ xe được trang nghiêm bằng châu báu, cùng những tỳ nữ, nhạc sư ca múa, mang vô lượng cúng phẩm, đến cúng dường chùa Tỳ Trát Ma Phú La (9) ở phía bắc cung thành. Tuy chỉ mới mười tám tháng, nhưng Tôn Giả đã có thân hình to lớn như đứa bé lên ba, với tướng hảo đoan chánh uy nghi trong sáng, đầu đội thiên mão, thân mặc thiên y, được phụ vương bồng lên ngồi trên xe báu. Chỉ cần nhìn đến gương mặt của Tôn Giả thì mọi người đều phát khởi lòng tôn kính tín phụng. Tất cả dân chúng trong thành đều đứng dọc theo lề đường để chiêm ngưỡng Tôn Giả; họ đồng xưng tán: "Ngày sơ sanh thì trời mưa hoa báu, ánh mặt trời tỏa sáng năm màu, nhạc trời vi diệu trổi lên. Thật hy hữu hôm nay được thấy tôn nhan của Hoàng Tử !" (10).

Bấy giờ, Tôn Giả hỏi phụ vương và mẫu hậu:

- Ai là chủ nhân của đám dân này ?

Phụ vương và mẫu hậu đồng đáp:

- Con chính là chủ nhân của họ.

Tôn Giả nhìn họ bằng đôi mắt từ bi, và phát nguyện: "Nguyện những người này đều được như Ta vậy: Thường sanh vào vương gia, đầy đủ phúc đức, mãi mãi nương theo Phật pháp."

Nghe lời này, ai nấy cũng đều kinh ngạc.

Khi đến đạo tràng Tỳ Trát Ma Phú La, Tôn Giả tự lễ bái Tam Bảo, cùng tán dương phát nguyện: "Con được may mắn làm thân người với các căn đầy đủ lại được sanh vào chốn vương giả. Hôm nay đứng trước ngôi Tam Bảo, con xin nguyện mãi mãi lễ kính và quy y."

Bấy giờ mọi người trong chúng hội đều lấy làm việc hy hữu. Lúc ấy, phụ vương và mẫu hậu cùng chư quyến thuộc cúng dường xong, liền phát nguyện: "Xin nguyện chúng con sanh sanh thế thế, thường mãi cúng dường Tam Bảo, thừa sự tăng chúng, tuyên dương chánh pháp, trừ dẹp phiền não, đắc được tự tại."

Tôn Giả nghe lời này, bèn xoay về hướng cha mẹ, phát nguyện: "Nguyện đời đời chẳng bị gia thế trói buộc; trong tăng chúng đắc được pháp lạc; thường tinh tấn chẳng ngã mạn; con nguyện mãi mãi cúng dường Tam Bảo cùng khởi lòng từ bi trải khắp loài hữu tình."

Mới mười tám tháng mà Tôn Giả đã phát nguyện quy y Tam Bảo, phát tâm Bồ Đề (giác ngộ), khiến ai nấy cũng đều hoan hỷ vui mừng.

Lúc lên ba tuổi, Hoàng Tử đã học hết tất cả toán số, Thanh Minh. Khi lên sáu tuổi, Tôn Giả còn có khả năng phân biệt đâu là chánh pháp đâu là tà pháp, cũng như đâu là Phật pháp đâu là pháp của ngoại đạo; đây là điềm báo hiệu sau này Tôn Giả sẽ trở thành một vị học giả lỗi lạc của Phật giáo. Về sau, Tôn Giả đã từng bảo: "Ở Ấn Độ, chỉ có ba người biết rõ sự khác biệt giữa Phật pháp và ngoại đạo: Ngài Na Lạc Ba (11), đại sư Kim Châu và Ta. Ngài Na Lạc Ba và đại sư Kim Châu đã tịch, còn Ta thì vào Tây Tạng. Do đó, Ta ngại rằng Phật giáo Ấn Độ chắc sẽ bị thua dưới tay ngoại đạo."

Năm mười tuổi, Tôn Giả quy y Tam Bảo Phật Pháp Tăng, thủ hộ giới cấm, hành hạnh bố thí, đọc tụng kinh luận, cầu nguyện Bổn Tôn, tầm cầu chánh pháp, cung kính cha mẹ, ái ngưỡng pháp lữ, thương mến quyến thuộc, chẩn cấp cho người nghèo mà không sẻn tiếc. Tất cả thắng hạnh của bậc thiện sĩ, Tôn Giả đều hành chẳng khiếm khuyết.

Năm mười một tuổi, Tôn Giả được chư vương thần cống hiến hai mươi mốt đồng nữ để vui đùa. Ngày nọ, theo lệnh của nhà vua, quần thần trang sức mười ba cỗ xe châu báu, cùng tràng phan bảo cái, khảy bao loại âm nhạc, hộ tống Tôn Giả đi du hí nơi các tụ lạc, cử hành những đại hội vui chơi trong mười lăm ngày. Có hai mươi lăm nàng công chúa ở những vương quốc khác đến ngắm xem Tôn Giả, như công chúa Trì Phước, Trì Thủy, Trì Mãnh, v.v... Mỗi nàng công chúa đều ngồi trên xe báu, có bảy thể nữ đi theo hầu, nghiêm sức bằng các loại châu báu, đồng tấu âm nhạc vi diệu, giống như Thiên-nữ giáng trần. Bấy giờ Tôn Giả ngắm xem các nàng công chúa, bèn đắm nhiễm sắc đẹp, niệm tham dục chợt nổi dậy, lông tóc toàn thân đều dựng đứng. Khi ấy, Không Hành Mẫu hóa thân làm một đồng nữ thân màu xanh biếc, dùng kệ răn nhắc:

- Chớ tham đắm ! Chớ tham đắm ! Này bậc Thiện Căn ! Voi bị lún bùn lầy dục vọng, thì giới y thanh tịnh sao chẳng bị mai một ? Trong 552 đời, thường thọ thân tướng tỳ kheo đại thiện xảo, giống như thiên nga lướt trên mặt hồ. Xin Ngài hãy phát tâm xuất ly ra khỏi đời này. Chư đồng nữ thanh tịnh vi diệu ở thành ấp là ma nữ; vì muốn đoạt tịnh giới, nên hiện tướng hảo đoan trang hoan hỷ để làm mê hoặc. Diệu tướng Vương Tử, xin hãy biết cho ! Như vầng trăng tròn ảnh hiện trên mặt biển phẳng lặng, thân tướng sáng ngời thanh tịnh không cấu uế, đầy đủ năm nhục kế thiên trang nghiêm, thù diệu đoạt ý chư hữu tình. Được thân bảo mãn hy hữu, phải dùng văn tư tu mà quán tận thế nhân. Tăng thượng duyên nhờ y chỉ những bậc thiện tri thức vô lậu. Hãy đoạn niệm dục ái !

Tôn Giả nghe thế, cười đáp:

- Đức Thế Tôn xả bỏ sáu vạn vương phi, chứng đẳng chánh giác, chuyển chánh pháp luân, thành bậc Thiên Nhân Sư, được xưng tán cúng dường. Ta đã không xả bỏ vương vị mà sao lại còn tham đắm dục lạc ! Một khi đã biết thế sự là huyễn hóa, cảnh dục là lừa dối, thì việc nương theo Phật Tổ và các bậc thiện tri thức mà tu học chánh giáo là điều cần thiết.

Bấy giờ người trong chúng hội nghe Tôn Giả nói lời này, tuy sanh tâm hy hữu, nhưng sợ Tôn Giả sẽ xuất ly thế tục, nên vội vàng báo tin cho nhà vua cùng hoàng hậu hay, và xin tuyển thêm cung nữ để làm mê hoặc Tôn Giả.

Lần nọ, Tôn Giả cùng 120 quân kỵ mã đến một khu rừng núi, thấy sa môn Thắng Địch (Jitari), một mình cư trú nơi thanh tịnh, tu pháp xuất ly. Thấy đức tướng của vị đó, Tôn Giả cỡi ngựa đến hỏi:

- Cư trú nơi thanh tịnh, hành việc khó hành, dùng pháp Phạm hạnh, sống đời thanh tịnh, xả bỏ dục trần, tu tập Phật đạo, thì đắc được công đức thù thắng gì ?

Sa môn Thắng Địch chẳng màng mở mắt nhìn Tôn Giả mà đáp:

- Ta thấy chư hành vô thường, chẳng có chân thật; lúc sống tuy có đủ vương nhạc dục lạc, nhưng khi chết thì bị nghiệp dẫn vào đường ác. Lại nữa, tài bảo vốn là huyễn hoặc, chẳng phải chân thật. Ta cũng thấy các chúng sanh ác liệt, hành vi đồng với súc sanh; khi chết e rằng sẽ sanh vào nơi bất tịnh. Sau khi suy tư và thấy rõ những việc này, nên liền cung kính nhiếp thọ Phật pháp, sống một mình nơi chốn núi rừng thanh tịnh, hành những hạnh khó hành...

- Này vị Sa Môn ! Sao dám khinh mạn người ! Thấy Hoàng Tử đến trước mặt, sao chẳng đứng dậy ?

- Ta chẳng có tài sản riêng tư, chỉ nương y nơi núi rừng làm chỗ an lạc. Thân mạng như cừu địch, chỉ còn đợi cái chết. Ta chẳng có ngã mạn. Hãy bỏ lời tạp loạn ! Ông là Hoàng Tử nào ? Từ đâu đến đây ? Ta chẳng có oán thân, nên chẳng biết đến...

- Ta từ vương cung Kim Tràng đến, vốn là Hoàng Tử của vua Thiện Thắng. Ngay nơi núi rừng này, ai dám kiêu mạn ? Ngươi chẳng biết đến đấng quân vương, tức phạm luật nước.

- Ta chẳng sống trong quần nhơn, chẳng là quan cũng chẳng phải nô tỳ, lại chẳng có ai đoái hoài, nên vượt ngoài pháp luật. Lúc xuất thế, Ta chẳng có ngựa chẳng có bạn, chẳng có y áo, chẳng có thức ăn, chẳng có đất, chẳng có vương quốc, chỉ đơn độc tiến bước, du hành vạn dặm tới những nơi chẳng từng biết đến. Thường cô đơn tu hành nơi rừng hoang núi vắng. Nào biết Hoàng Tử đến đây mà đứng dậy cung nghinh ?

Tôn Giả nghe thế, bèn xuống ngựa, cung kính chấp tay mà thưa:

- Thật là vị thiện xảo thắng đức, hiện tướng như ngã mạn kiêu căng. Ngày đêm sáu thời, con cũng hằng suy tư về hoạn sanh tử, nên muốn xuất ly, xả bỏ vương vị để hướng đến nơi giải thoát. Xin Ngài hãy từ bi nhiếp thọ chỉ giáo !

Bấy giờ sa môn Thắng Địch nương nhờ sự gia trì của ngôi Tam Bảo, truyền pháp Phát Tâm cho Tôn Giả. Tôn Giả cùng quân hầu đồng phát tâm cúng dường tài bảo. Sa môn Thắng Địch vì muốn tư lương của Tôn Giả được viên mãn, bèn tạm thời lãnh nạp, rồi dạy:

- Đời này lắm ma quỷ chuyên hành tự lợi, nên biết chúng là loài chim kén, hổ lang. Chư Độc Giác làm sao thành đạo vô thượng ? Nô bộc vật thực đầy đủ cả bao đời, chẳng phải là sở hữu của Hoàng Tử. Xin Hoàng Tử phát đại tinh tấn, xả bỏ vương vị, mau kíp hướng đến đạo giải thoát...

Tôn Giả bèn cầu thỉnh:

- Con sống trong vương cung như tù ngục ! Nhờ sự gia trì của Ngài, xin nguyện chẳng bị vương gia bức bách.

- Chủng tánh vốn có ba loại trói buộc. Vương vị đồng như bùn sình bất tịnh. Quốc vương là danh tự của ma vương; quần thần là thân quyến của ma vương. Chẳng bao lâu Hoàng Tử sẽ bị bức bách. Hãy qua chùa Na Lan Đà. Nơi đó, có bậc sư trưởng nhiều đời của Hoàng Tử, tên là Bồ Đề Hiền (Bodhibhadra). Hoàng Tử nên y theo vị đó mà cầu thỉnh giáo pháp Phát Tâm. Vị đó là bậc đại thiện xảo, có khả năng làm lợi ích cho Hoàng Tử.

Nói xong, sa môn Thắng Địch trả lại những đồ vật vừa được cúng dường, rồi nói tiếp:

- Lúc ra khỏi vương cung, hãy trở lại đây. Ta sẽ ban truyền thêm nhiều giáo pháp cho Hoàng Tử.

Tôn Giả trở về vương cung, ban tất cả vàng bạc châu báu cho quyến thuộc, rồi trở lại gặp sa môn Thắng Địch và đi thẳng đến chùa Na Lan Đà ở Trung Ấn. Bấy giờ vua A Lan Đà (12), nghe tin Tôn Giả đến bèn trang bị bốn chủng binh, ra tận biên thùy để cung nghinh, và hỏi:

- Đại Vương từ nơi đâu đến ? Muốn tìm oán địch nào ?

Tôn Giả đáp:

- Ta từ nước Tát Hạ ở miền đông đến. Vì muốn hàng phục oán địch ở ba cõi và oán địch sanh tử mà đến, chứ chẳng vì việc khác !

Quốc vương bèn tán thán, rồi hỏi:

- Quốc vương có an lạc chăng ? Chùa Tỳ Trát Ma Phú La trong vương quốc của Ngài có rất nhiều thánh chúng, sao lại đến đây ?

Tôn Giả đáp:

- Do lời thọ ký của sa môn Thắng Địch, nên Ta đến quốc độ này, để tham vấn với luận sư Bồ Đề Hiền.

Nghe xong, vua A Lan Đà liền cung nghinh Tôn Giả đến vương cung mà cúng dường, rồi dẫn Tôn Giả đến chùa Na Lan Đà để gặp luận sư Bồ Đề Hiền. Vừa thấy luận sư Bồ Đề Hiền, Tôn Giả vui mừng vô hạn. Luận sư Bồ Đề Hiền cũng rất vui mừng hoan hỷ, và đứng dậy bảo:

- Xin mời Hoàng Tử ngồi xuống ! Do duyên cớ gì mà đến nơi đây ?

Tôn Giả bèn cung kính đảnh lễ, cúng dường các thứ trân bảo, rồi thưa:

- Con sợ vương vị lừa dối, đọa lạc trầm luân trong bùn lầy sanh tử, nên đến nơi núi rừng, gặp sa môn Thắng Địch, được vị đó từ bi tiếp thọ chỉ giáo. Vị đó lại bảo rằng hãy đến chùa Na Lan Đà, nơi có sư trưởng nhiều đời tên là luận sư Bồ Đề Hiền, mà thỉnh cầu pháp Phát Tâm. Con y theo lời dạy của vị đó, nên vội trở về cung điện, rồi mang các cúng phẩm, mau chóng mang đến nơi đây. Xin Ngài từ bi tiếp thọ, dạy con pháp Phát Tâm Bồ Đề...

Nói xong, Tôn Giả bèn ngồi xuống. Bấy giờ luận sư Bồ Đề Hiền trụ nơi tam ma địa (thiền định) gia trì ba nghiệp của Tôn Giả cho được thanh tịnh, rồi ban truyền pháp Phát Tâm Bồ Đề Vô Thượng, và bảo:

- Năm dục dối gạt, vương vị hư huyễn. Khi bỏ thân này, hối hận sao kịp ! Phải phát đại tinh tấn, cần cầu Phật pháp. Phía bắc chùa Na Lan Đà có Bồ Tát Minh Liễu Đỗ Tập (Vidyakokila) đầy đủ giới đức thanh tịnh, thần thông chẳng ai bằng, đạt được chánh kiến Trung Quán, xa rời tám loại hí luận (13), tận hết thọ sanh, trụ nơi tịch tĩnh. Vị đó là bậc sư trưởng từ đời vô thủy của Hoàng Tử, nên phải qua đó, mà thỉnh cầu yếu chỉ thâm sâu.

Thọ giáo xong, Tôn Giả tuy quyến luyến, mến mộ luận sư Bồ Đề Hiền, nhưng vẫn cố gượng đi. Tôn Giả đến nơi trụ xứ của Bồ Tát Minh Liễu Đỗ Tập, đảnh lễ cúng dường tác bạch:

- Con từ nước Tát Hạ ở miền đông đến đây, và vốn là Hoàng Tử của vua Thiện Thắng. Ban đầu đến chùa Na Lan Đà, cầu thỉnh thọ giáo nơi luận sư Bồ Đề Hiền. Ban truyền pháp xong, luận sư Bồ Đề Hiền bảo rằng cách đây về phía bắc có vị sư trưởng từ đời vô thủy của con, nên mới đến đây, thỉnh pháp Phát Tâm. Nguyện ân cần phụng mạng Ngài. Xin từ bi nhiếp thọ dạy bảo, để sau này con không còn bị phụ vương bức bách.

Bấy giờ Bồ Tát Minh Liễu Đỗ Tập vui vẻ vô ngần, và an ủi gia trì, cùng ban pháp Phát Tâm, rồi giảng về lý duyên khởi tánh không. Tôn Giả vừa nghe qua, ngay nơi tòa ngồi liền chứng được Gia Hạnh Đạo, đạt được Dũng Kiện Tam Ma Địa Môn, rồi đem sở chứng mà bạch với Bồ Tát Minh Liễu Đỗ Tập:

- Nay con trụ định, thấy các pháp tánh, sáng rạng lắng trong, không có cấu nhiễm, giống như hư không chẳng có chút mây mù. Kế đến, từ định khởi dậy, thấy các pháp hiện. Tuy thấy hiển hiện mà chẳng chấp cho là thật, và cũng thường tùy theo tâm ý của loài hữu tình (14). Tuy thấy các pháp hư giả, mà nơi các nghiệp nhỏ nhặt, chẳng dám phóng dật giải đãi. Những sự Có-Không này, phải chăng chẳng sai lầm ?

Bồ Tát Minh Liễu Đỗ Tập tán thán:

- Lành thay Hoàng Tử ! Do tích tụ phước đức, nên trong định tuy đạt được tánh Không, mà khi xuất định lại vận dụng tâm đại bi duyên đến loài hữu tình; hai đế chính là giáo pháp tối tôn thắng của Ta. Nay muốn rời bỏ vương cung, phải nên qua núi Hắc Sơn (15). Nơi đó có thầy của Ta là A Phược Đô Đế (Avadhutipa), cũng là vị sư trưởng đời trước của ngươi. Hãy nên cầu thỉnh pháp Phát Tâm, và cầu ban giáo pháp Xuất Ly...

Tôn Giả thọ giáo xong, lưu luyến khó xả, nhưng vì cầu pháp, nên rơi lệ từ biệt. Bấy giờ vua A Lan Đà cúng dường vô lượng trân bảo cho Tôn Giả, rồi cùng chư quyến thuộc tiễn đưa Tôn Giả đến vùng Tam Du Thiện Na.

Sau đó, Tôn Giả tới vùng núi Hắc Sơn, thấy ngài A Phược Đô Đế, cư trú dưới một hang đá đen, dùng tóc làm y phục, da dầy cứng, hình thể khô, bụng lớn, mắt đỏ sắc xanh, đang ngồi xếp bằng, tâm rời các sự phân biệt. Tôn Giả mau mắn xuống ngựa, rồi cùng chư quyến thuộc đảnh lễ ngài A Phược Đô Đế. Kế đến, Tôn Giả bèn ngồi qua một bên. Bấy giờ, ngài A Phược Đô Đế từ trong định khởi dậy, mở mắt ra nhìn, và hỏi Tôn Giả từ đâu đến ? Tôn Giả chấp tay bạch:

- Con từ nước Tát Hạ ở miền đông đến. Con đã gặp Bồ Tát Minh Liễu Đỗ Tập và cầu xin quy y cứu hộ. Bồ Tát chỉ con tới đây cầu xin Ngài từ bi nhiếp thọ dạy bảo.

Ngài A Phược Đô Đế nghe xong liền bảo:

- Này Hoàng Tử ! Ta cũng sanh trong vương gia. Vì sợ hoặc nghiệp thâm sâu, nên xả bỏ vương vị, như gạt nước dãi. Nay Ngươi có khả năng tu hành theo pháp A Phược Đô Đế chăng (16) ? Vương vị như thuốc độc; uống vào chút ít sẽ đoạn mạng căn. Vương vị như hầm lửa; nếu rơi vào thì bị vô lượng khổ. Ngươi nay nên trở lại vương cung, quán sát họa hoạn của vương gia, rồi trở lại đây !

Tôn Giả nghe xong, cung kính cúng dường, rồi cấp tốc trở về bổn quốc. Thấy Tôn Giả trở về, tất cả nhân dân đều hoan ca vui mừng, cúng dường vô lượng kỷ nhạc. Lúc Tôn Giả vào cung, phụ vương và mẫu hậu vui mừng vô hạn, và hỏi thăm con mình đã đến những nơi chốn nào mà nay vẫn bình yên trở về. Tôn Giả cung kính kể rõ tự sự, rồi khải bạch tâm cầu nguyện xuất ly:

- Con đã từng đi tham cầu các bậc sư trưởng, những vị Tăng Bảo của Tam Bảo. Con đã từng đến hang động, núi rừng để tầm cầu. Dẫu đến bất cứ nơi nào cũng thấy lỗi lầm của cõi Ta Bà. Hễ gặp pháp hữu nào, họ cũng đều nói với con về những lỗi lầm của cõi Ta Bà. Mặc dầu đã đi tầm cầu học đạo nhiều nơi nhưng con vẫn chưa mãn nguyện. Xin hãy cho con được tự do nương y tu tập Phật pháp.

Phụ vương và mẫu hậu đồng bảo:

- Con chán sanh tử, thì nên tiếp thọ vương vị, cúng dường Tam Bảo, kiến lập Già Lam, thừa sự tăng chúng. Đối với chư hữu tình, tu tâm đại bi, ban ân huệ bố thí, khiến tất cả đều được an lạc. Sao lại như người khác, mà cầu xuất ly ?

Tôn Giả thưa:

- Con đã thấy rõ về cõi Ta Bà. Con chẳng đắm chấp vào cạm bẫy của vương vị chút nào. Hoàng cung chẳng khác như tù ngục. Vương hậu chẳng khác gì con gái của Ma Vương. Mặc áo gấm lụa là chẳng khác gì mặc tấm mền dơ bẩn. Con phải vào núi rừng để thường tu thiền định. Hôm nay, xin cho con chút ít sữa, mật, đường. Con sẽ đến nơi của ngài A Phược Đô Đế. Nếu thật tình thương xót, kính xin phụ vương và mẫu hậu cho phép con xuất gia, chớ nên lưu giữ con lại !

Bấy giờ phụ vương và mẫu hậu nghe lời này, chẳng có lời nào để đối đáp, nên tạm thời hứa khả. Tôn Giả được cha mẹ cho phép, bèn cùng một ngàn dũng sĩ trở lại nơi ngài A Phược Đô Đế, cầu thỉnh giáo pháp. Đến nơi, Tôn Giả cung kính cúng dường, chấp tay đảnh lễ. Ngài A Phược Đô Đế liền ban pháp Phát Tâm, và bảo:

- Nay Ngươi nên qua chùa Hắc Sơn (17), thân cận ngài La Hầu La Cấp Đa (Rahula-gupta), vị Du Già Sư đang tu pháp Hoan Hỷ Kim Cang và Diêm Man Đức Ca. Nơi đó, Ngươi nên cầu thỉnh thọ pháp Phát Tâm, pháp quán đảnh. Vị ấy cũng là sư trưởng đời trước của Ngươi...

Tôn Giả nghe lời dạy bảo, bèn cùng với một ngàn dũng sĩ, đến chùa Hắc Sơn. Bấy giờ vị Du Già Hoan Hỷ Kim Cang (18) đang tuyên dương Mật pháp. Lúc thấy Tôn Giả từ xa đi đến, vì muốn hiển thị thắng đức của Tôn Giả, và trừ nghi cho đại chúng, khiến họ sanh tâm hy hữu, nên ngài La Hầu La Cấp Đa khởi tâm đại bi, đánh tiếng sấm sét lớn lên đỉnh đầu của Tôn Giả để thử Tôn Giả. Sau đó, ngài La Hầu La Cấp Đa lên đảnh núi Hắc Tháp. Đại chúng thấy việc này, đều sanh tâm hy hữu, hỏi:

- Vị Vương Giả đó, từ đâu đến đây ?

Vị Du Già Hoan Hỷ Kim Cang đáp:

- Người này đã từng hành hạnh tỳ kheo thanh tịnh trải qua 552 đời, đắc đại thiện xảo. Đời nay sanh tại nước Tát Hạ, làm con của vua Thiện Thắng. Vương vị và quyến thuộc thù thắng như thế, mà chẳng tham trước, nên xả bỏ tất cả, hành những hạnh khó hành. A Phược Đô Đế bảo vị đó đến đây. Do đầy đủ thắng đức, nên hiện cảnh tượng này, chẳng hy hữu lắm sao !

Bấy giờ, đại chúng đồng thanh tán thán:

- Hy hữu thay !

Nói xong, tất cả đồng đứng dậy, nghinh đón Tôn Giả. Thấy đại chúng nghinh đón mình, Tôn Giả liền xuống ngựa và đi bộ thẳng đến trước mặt ngài La Hầu La Cấp Đa, cung kính đảnh lễ, bạch:

- Kính xin Tôn Sư cho con được trình bày ! Con tuy đã nguyện bỏ vương gia, cầu mong đạt được giải thoát, nhưng vì chủng tánh cao quý, nên bị trói buộc ở vương cung. Thuở trước con đã từng thân cận các vị đại thành tựu như Thắng Địch, Bồ Đề Hiền, Minh Liễu Đỗ Tập, A Phược Đô Đế. Song, cho đến giờ nầy, con vẫn chưa được giải thoát. Ngài A Phược Đô Đế dạy con đến đây để thỉnh cầu Tôn Sư ban cho con tất cả pháp Đại Thừa, phát tâm, quán đảnh, quyết định gia trì, để khiến được giải thoát !

Khi đó, ngài La Hầu La Cấp Đa tự quán chiếu, rồi một mình dẫn Tôn Giả vào Mật Đàn, truyền pháp quán đảnh Hoan Hỷ Kim Cang, mật hiệu Trí Mật Kim Cang (Jnanaguhyavajra). Ngày đêm tương tục ban truyền giáo pháp, trải qua mười ba hôm thì viên mãn. Trong những ngày đó, quyến thuộc một ngàn người đều ngủ mê, chẳng biết khi nào Tôn Giả trở ra. Sau mười ba ngày, Tôn Giả bước ra, làm Thắng Lạc Luân Tướng. Các quyến thuộc rất vui mừng khi gặp lại Tôn Giả.

Bấy giờ, ngài La Hầu La Cấp Đa lại tuyển ra tám vị Du Già Sư đại thành tựu, hộ tống Tôn Giả trở về nước Tát Hạ để quốc vương dứt hết tâm tham luyến vớI Tôn Giả. Trước khi trở về nước Tát Hạ, tám Du Già Sư đưa Tôn Giả trở lại ngài A Phược Đô Đế để thọ giáo. Kế đến, Tôn Giả làm tướng Du Già rồi cùng một ngàn quyến thuộc lên đường trở về vương cung. Phụ vương và mẫu hậu cùng quyến thuộc đều ra cung thành nghinh đón. Vì có tâm lo sợ rằng Tôn Giả sẽ xuất ly, nên suốt ba tháng phụ vương và mẫu hậu tìm đủ mọI cách để ngăn cản, cầm giữ Tôn Giả ở lại. Vì vậy, Tôn Giả và các vị Du Già Sư phải giả tướng điên cuồng đi chung quanh vương thành. Thấy thế, vương gia và triều thần ai nấy đều buồn rầu thương tiếc biết rằng không còn cách nào giữ Tôn Giả ở lại. Phụ vương rơi lệ bảo Tôn Giả:

- Lúc con vừa đản sanh thì có vô lượng điềm lành. Trẫm nghĩ rằng con sẽ nối ngôi vua, nên tâm sanh vui mừng vô hạn. Nào ngờ, hôm nay con muốn trụ nơi núi rừng, có phải khiến Trẫm thất vọng chăng !

Tôn Giả thấy vua cha buồn thảm, nên an ủi:

- Thưa Phụ Vương ! Xin hãy nghe lời con. Giả sử nay con tiếp thọ vương vị, tuy tạm thời được gần nhau, nhưng đó chẳng lâu dài. Lại nữa, trong nhiều đời nhiều kiếp, nếu chẳng phải là bà con quyến thuộc (cha con) với nhau, thì làm sao gần gũi vớI nhau qua nhiều đời để mà hưởng giàu sang phú quý ? Con nay xả bỏ vương vị, hành đạo Bồ Đề, đạt giác ngộ giải thoát. Đời đời kiếp kiếp phụ vương và con quyết cùng nhau gieo duyên lành. Xin Phụ Vương từ bi mà nghe cho, chớ nên lưu giữ.

Thấy nhà vua đã cạn lời, Hoàng hậu bảo Tôn Giả:

- Tình mẹ thương con kể bao cho xiết nhưng có được ích lợi gì ! Vì ái nhiều mà nghiệp lực đã lôi cuốn chúng sanh trong nhiều đời; mẹ ráng buông xả tâm lưu luyến để con thỏa lòng mong muốn tìm thầy học đạo; mẹ nguyện cùng con làm quyến thuộc mãi mãi về sau.

Tôn Giả được Hoàng Hậu hứa khả cho, nên lòng đầy niềm vui như được việc chưa từng có. Hôm sau, Tôn Giả cùng tám vị Du Già Sư rời hoàng cung, đến thọ giáo với ngài A Phược Đô Đế, tu các hạnh khó hành, học luận Trung Quán (Madhyamika), lý nhân duyên thâm sâu vi tế, cùng văn tư tu. Từ mười hai tuổi đến mười tám tuổi, Tôn Giả thường y theo ngài A Phược Đô Đế tu học mà chưa từng rời bỏ.

Năm mười lăm tuổi, Tôn Giả y theo sở học về đạo lý của quyển Chánh Lý Trích Luận (19), hàng phục được các luận sư ngoại đạo tài giỏi.

Đối với sự tu trì Mật pháp, đa phần Tôn Giả đều được ngài La Hầu La Cấp Đa ban truyền. Ngài La Hầu La Cấp Đa mới đầu tu tập theo Duy Thức Học, đạt được kiến giải thấy tất cả pháp vốn là Duy Thức huyễn nghĩa. Tôn Giả vốn đã tu tập Trung Quán, nên đắc kiến giải thấy tất cả pháp tánh nghĩa không. Song, ngài La Hầu La Cấp Đa chẳng vui (20), bảo:

- Ông sanh các kiến giải đó, hoàn toàn là do nghiệp xưa mà có.

Sau này, nhờ tu tập Mật pháp mà ngài La Hầu La Cấp Đa đạt thành tựu, nên thấy rõ chân tánh của các pháp. Vì vậy, ngài La Hầu La Cấp Đa bảo Tôn Giả:

- Bổn tánh của các pháp, như lời ông nói.

Đối với kiến giải về Trung Quán, Tôn Giả đều tu học từ ngài A Phược Đô Đế. Tuy là phái Du Già Trung Quán (21) mà lấy chánh kiến của phái Nguyệt Xưng. Tôn Giả tự bảo: "Ta hành trì giáo nghĩa của phái này, là do thọ giáo từ Lạt Ma A Phược Đô Đế. Song, đối với phái của luận sư Nguyệt Xưng, Ta thật có tín tâm thâm sâu."

Tôn Giả lại y theo Lạt Ma Khất Thực Giả, thỉnh cầu pháp quán đảnh, được gia trì trí huệ của Mật Tông, mà nhập vào biển pháp (22)

Lần nọ, lúc đang trú ở vùng Tỳ Trát Ma Phú La (Vikramapura), Tôn Giả thấy một người đàn bà vừa cười vừa khóc, bèn cảm thấy rất lạ kỳ, và biết vị này có công đức hy hữu, nên đảnh lễ trong tâm, và thỉnh giáo. Bấy giờ bà ta bảo:

- Ta thật có giáo pháp.

Nói xong, bà ta bèn đi sang hướng đông. Tôn Giả cũng đi theo. Lúc đến một ngôi nhà ngay bên khu rừng, bà ta hỏi:

- Ông thấy Ta có công đức chăng ?

Tôn Giả đáp:

- Thấy thật có công đức.

- Ông có biết ý vừa khóc vừa cười của Ta chăng ?

- Không biết.

- Ta khóc vì thấy loài hữu tình lúc chưa được giải thoát, thường bị lưu chuyển trong vòng sanh tử, thọ vô lượng khổ. Lúc họ đạt giải thoát, hiện tiền thành Phật, nên Ta vui cười.

Nói xong, bà ta liền hiện bổn thân Kim Cang Du Già Mẫu (Vajra Yogini), quán đảnh gia trì Tôn Giả. Thấy điềm lành như thế, Tôn Giả bèn đảnh lễ cúng dường, cầu thỉnh ban tất cả giáo pháp.

Bấy giờ, trong nước Tát Hạ, ngoại đạo cùng Phật giáo tranh biện, mà tăng sĩ Phật giáo chẳng biện luận bằng các luận sư ngoại đạo, nên các đạo tràng của Phật giáo đều bị những luận sư ngoại đạo chiếm đoạt. Khi ấy, có một vị Thượng Tọa, tâm ý bất an, chí muốn hàng phục ngoại đạo để lấy lại các đạo tràng, nên đi khắp nơi tìm kiếm chư đại thiện xảo và Du Già Sư, nhưng đã lâu mà chẳng thấy có một ai, khiến tâm ưu sầu vô hạn. Ngày nọ, có một bà lão thấy Tôn Giả vừa đi ngang qua thành đó, với thân tướng trang nghiêm tỏa ánh hào quang, bèn nghi đây là bậc có công đức thù thắng, nên vội chạy đến báo tin cho vị Thượng Tọa kia biết. Vị Thượng Tọa kia bèn tìm đến, thuật lại nhân duyên, và tự thân cầu thỉnh, rồi được Tôn Giả hứa khả nhận lời. Về sau, Tôn Giả thuyết phá tất cả ngoại đạo tà kiến, thu hồi lại mọi tự viện của tăng chúng, và hàng phục cùng cảm hóa đồ chúng ngoại đạo, khiến họ quy y Tam Bảo. Vị Thuợng Tọa kia vô cùng mừng rỡ. Thấy Tôn Giả có hình tướng hành khất, nên vị Thượng Tọa kia rất thương xót, và khuyên Tôn Giả hãy hiện tướng xuất gia để làm lợi ích cho thánh giáo. Song, Tôn Giả chưa hứa khả. Được thỉnh cầu trú lại tụ lạc, Tôn Giả vẫn không chấp thuận, mà bỏ đi.

Từ vùng Tát Hạ, Tôn Giả đi về hướng tây, và tự nhủ: "Nay tất cả pháp gia trì, giáo thọ, kham năng, tri giải đều nằm trong tay của Ta."

Lần nọ, trong giấc mộng, Tôn Giả thấy chư Không Hành Mẫu, hiển hiện các mật điển hy hữu chưa từng có, và hàng phục tâm ý ngã mạn của Tôn Giả. Ngày nọ, vị Độ Mẫu hiện thân hỏi:

- Phải chăng Ông là vị thiện xảo của Mật Thừa ?

Tôn Giả đáp:

- Phải !

- Ông có biết những pháp tu khác chăng ?

- Xưa kia chưa từng thấy qua.

- Ông sao lại quá khinh mạn ! Mật pháp của ông như một sợi lông trong nhân gian mà Không Hành Mẫu đang nắm trên tay.

Nói xong vị Độ Mẫu liền biến mất. Từ đó, Tôn Giả mãi không còn tâm ngã mạn.

Mới đầu, Tôn Giả y theo chư sư trưởng mà chuyên tu tập. Lần nọ, Tôn Giả mộng thấy Thắng Lạc Luân, trụ trên hư không, bảo:

- Này Thiện Nam Tử ! Chỉ tu theo A Phược Đô Để thì chẳng thể chứng thánh quả. Ông nên xuất gia. Sau khi xuất gia, sẽ có rất nhiều người theo ông mà xuất gia thọ giới.

Lần nọ, Tôn Giả tự nghĩ: "Ta phải đạt được Mật Thừa vô thượng của Đại Thủ Ấn trong đời này, bằng cách tiếp thọ thêm những giới luật Mật Thừa."

Ngay khi ấy, ngài La Hầu La Cấp Đa dùng lực thần thông đến trước Tôn Giả bảo:

- Ngươi nói gì ? Ngươi bỏ quên chúng sanh rồi chăng ? Hãy thọ giới làm tỳ kheo ! Việc này sẽ mang lại lợi ích cho chánh giáo và chúng sanh.

Lần khác, Tôn Giả mộng thấy Phật Thích Ca và vô lượng chư tỳ kheo cùng ngồi thọ trai. Tôn Giả đi đến, ngồi kế bên đức Phật. Đức Phật xoay đầu nhìn Tôn Giả rồi hỏi đại chúng:

- Người này còn tham trước điều gì mà không chịu xuất gia ?

Lần khác, lúc Tôn Giả định dùng pháp của ngài A Phược Đô Đế để chuyên tu chứng pháp Kiến Đế, thì gặp hóa thân của Tự Tánh Du Già Mẫu (23), bảo:

- Ông chớ nên tu pháp A Phược Đô Đế, vì đời nay chẳng thể Kiến Đế (24), mà ngược lại còn gặp nhiều chướng nạn. Từ nay, ông nên xuất gia, để làm lợi ích cho thánh giáo của đức Phật.

Đêm nọ, Tôn Giả mộng thấy trong một đạo tràng, chính giữa có một vị thượng tọa đang ngồi trên một tòa ngồi cao lớn. Lúc Tôn Giả muốn bước vào, vị thượng tọa đó bèn bảo:

- Đây là nơi của người xuất gia. Ông là người tại gia, chớ nên vào đây (25).

Tỉnh dậy, Tôn Giả tự bảo: "Nay Ta nhất định phải xuất gia."

Năm hai mươi chín tuổi, Tôn Giả đến chùa Na Lan Đà vấn hỏi một vị đại thiện xảo:

- Con nên xuất gia với bộ phái nào ?

Đáp:

- Ông có xả bỏ Mật hạnh chăng ?

- Chẳng xả (26) !

- Nếu vậy thì ông nên xuất gia theo phái của luận sư Phật Trí thuộc Đại Chúng Bộ (27).

Tôn Giả y theo lời dạy bảo, đến Kim Cang Đại Bồ Đề tại chùa Ma Để Tỳ Ha La, y theo trì luật thượng tọa Giới Hộ (28), thỉnh cầu thọ giới xuất gia, được ban pháp hiệu là Kiết Tường Nhiên Đăng Trí (29), pháp danh A Để Sa (Atisa) chánh thức nhập tăng đoàn, khủng bố ma quân, an ủi nhân thiên.

Tôn Giả thiện xảo thanh minh và nội minh. Xuất gia xong, Tôn Giả thường thân cận vị giáo thọ sư, tu học kinh luận luận Tiểu Thừa và Đại Thừa.

Lần nọ, vị giáo thọ sư đó cùng ngoại đạo (Tirthika) biện luận. Biện luận chưa xong thì vị giáo thọ sư đột nhiên nhuốm bịnh. Tôn Giả bèn thay thế thầy mình mà biện luận, khiến ngoại đạo phải chịu thua. Ngoại đạo hỏi chúng tăng:

- Vị thiện xảo này tôi chưa từng nghe qua. Oai đức của vị này như thế nào ?

Đáp:

- Đây chẳng phải là vị thiện xảo (thông đạt hết ngũ minh). Vị này chỉ tu tập thanh minh mà thôi !

Ngoại đạo nghe qua, khởi tâm cung kính run sợ.

Tôn Giả lần hồi y theo vị giáo thọ sư mà học ngũ minh. Về sau, Tôn Giả sang chùa Đại Bồ Đề mà tu tâm từ bi và tâm Bồ Đề. Nơi Kim Cang Tòa, vào mỗi năm, nội đạo cùng ngoại đạo thường tụ hội, hưng khởi tranh biện. Ai bị thua, phải đổi tôn giáo mà quy y theo kẻ thắng (30).

Lần khác, có một cô gái ngoại đạo khởi tà tâm mến thích Tôn Giả, nên nói với người cha:

- Sao cha chẳng hàng phục ông tỳ kheo kia ?

Ông ta bèn đến thách thức luận biện với Tôn Giả. Song, Tôn Giả luận phá ông ta dễ dàng, và khiến ông ta quy y Phật pháp.

Lần nọ, một ngoại đạo ở phương nam, mang năm cây dù (31), đến nói Tôn Giả:

- Ngài vốn là một luận sư trứ danh của Phật giáo. Tôi cũng là một luận sư trứ danh của ngoại giáo. Hai chúng ta tranh luận. Tùy theo kẻ thắng, người thua phải cải đổi tôn giáo. Chẳng biết tôn ý của Ngài như thế nào ?

Tôn Giả chấp thuận trước sự chứng kiên của quốc vương nước Ma Kiệt Đà (Magadha). Tôn Giả chưa khởi chút lao lực mà đã thắng ngoại đạo, khiến ngoại đạo và đồ chúng phải cúng dường hết các cây dù rồi đảnh lễ tôn xưng Tôn Giả làm thầy và xuất gia theo Phật pháp. Năm đó, lại có một ngoại đạo mang tám cây dù đến, nhưng cũng bị Tôn Giả chiết phục mà xuất gia theo Phật pháp. Vào năm nọ, có một ngoại đạo rất giỏi Thanh Minh và Nhân Minh, mang mười ba cây dù đến, muốn tranh luận, được Tôn Giả hứa khả. Buổi biện luận đó được tổ chức rất long trọng, vì có các quốc vương và rất nhiều học giả của các tôn giáo khác cùng dân chúng ở khắp nơi kéo đến dự nghe cuộc tranh biện. Dùng cơm xong, nội đạo và ngoại đạo, hai bên phân chia phải trái. Lúc khai mạc buổi tranh luận, tất cả lý luận thiện xảo thì ai ai cũng có thể hiểu được, nhưng dần dần chỉ còn hơn 30 người hiểu rõ, rồi đến hai mươi người, mười lăm người, mười người còn có thể hiểu. Đến lúc luận biện tối cực thâm sâu, chỉ còn hai người là Tôn Giả và ngoại đạo kia hiểu nhau thôi. Cuối cùng, vì sợ thua, nên ngoại đạo kia dùng một bài kệ nghĩa lý thuộc về kiến chấp trong Thanh Minh mà chất vấn. Tôn Giả chưa có thể giải đáp, nên cáo lui trở vào chùa ngồi tĩnh tọa (32). Bấy giờ, Tôn Giả lập một đàn tràng trước tượng của vị Độ Mẫu, mà khẩn thành cầu nguyện. Nhờ lực gia trì của vị Độ Mẫu, nên Tôn Giả chợt liễu giải, bèn bước ra giải thích, khiến ngoại đạo kia phải chịu quy phục, cúng dường các cây dù và xuất gia theo Phật pháp. Tóm lại, khi ấy Tôn Giả chỉ mới ba mươi mốt tuổi. Đối với luận Thanh Minh Nội Minh của nội giáo và ngoại giáo, cùng sáu mươi bốn loại nghệ thuật, quán sát mặt trời, lời của chim chóc, địa lý, trân bảo, bảo kiếm, ngựa, voi, nam, nữ, v.v... đều kiêm thông đạt thiện xảo.

Công Xảo Minh tức là tất cả công nghệ, mỹ thuật như may y phục, nắn tạo tượng, v.v... Tôn Giả thông đạt thâm sâu Thuyết Nhân Luận của Bồ Tát Long Mãnh (33), cùng tất cả công xảo luận của nội giáo. Tôn Giả cũng thông đạt tất cả công xảo luận của ngoại đạo như Ma Ha La do Đại Thiên Hưởng Ca tạo. Đối với bộ luận Sự Nghiệp Biên Tế, Thế Gian Quỹ do Bà La Môn Lăng Na Ca tạo và quyển luận Kiết Na Ca do vua Kiết Na Ca tạo, Tôn Giả đều hiểu rõ. Về sau, khi đến Tây Tạng, Tôn Giả bảo:

- Tại Tây Tạng chẳng có công xảo luận. Tại Thiên Trúc, Ta có công xảo luận, tức có quyết định lượng, mà chẳng sai sót lầm lộn.

Y Phương Minh tức là bộ minh luận chủ yếu mà tất cả mọi người chẳng thể thiếu sót. Người đương thời thường dùng các loại thuốc trong Y Phương Minh để trị liệu bịnh tật cho người, ngựa, voi, v.v... Tôn Giả thiện xảo thông đạt những bộ kinh do đức Như Lai thuyết, như kinh Y Đồng Thỉnh Vấn Trụ Y Phương Ích Tha, kinh Xúc Bổn, kinh Mạng Thực, luận Thiện Đắc Dược (34), luận Tứ Chi, luận Mã Minh Bát Chi (35), v.v...

Tôn Giả cũng tự trước tác Y Minh Luận như Mạng Tạng. Lúc sắp đến Tây Tạng, Tôn Giả bảo:

- Đất Tây Tạng không có y dược. Y Phương Minh này sợ sẽ bị mai một ẩn mất !

Bấy giờ, vị Độ Mẫu hóa thân thành một con chim oanh vũ màu xanh biếc, bay đến bảo Tôn Giả:

- Ông chớ ưu phiền. Hãy đến đất Tây Tạng. Ta sẽ chỉ cho các loại y dược.

Khi Tôn Giả đến Tây Tạng, Độ Mẫu chỉ ra các sơn dược và bình nguyên dược (36), v.v... Tôn Giả bảo:

- Các loại cây thuốc ở Ấn Độ, tại Tây Tạng đều có hết. So sánh thì các cây thuốc ở Tây Tạng có hiệu năng mạnh hơn.

Nội Minh chia làm Tiểu Thừa và Đại Thừa. Tiểu Thừa có bốn loại kiến hạnh. A La Hán Thiện Hộ tạo quyển Tỳ Bà Sa Tạng Luận (37). Tại chùa Âu Đơn Đạt Phú Lê (Odantapuri), Tôn Giả đã từng nghe luận sư Pháp Khải (Dharma-rakshita) giảng giải về Tứ Phần Luật, bảy phần A Tỳ Đạt Ma, luận Đại Tỳ Bà Sa. Người khác phải bỏ ra mười hai năm mới học thông suốt, nhưng Tôn Giả chỉ cần bảy năm là học xong (38)

Ba tạng giáo điển của hai mươi bộ phái lớn ở Ấn Độ như Đại Chúng Bộ, Thượng Tọa Bộ, Chánh Lượng Bộ, Nhất Thiết Hữu Bộ, Tôn Giả đều thông suốt chẳng còn thừa. Pháp Thọ Thực, pháp Tịnh Thủy, pháp Duyên Khởi, pháp Giới Thể của mười tám bộ phái, Tôn Giả đều biện biệt, thông đạt chẳng thiếu sót.

Đại Thừa chia làm Hiển Giáo và Mật Giáo. Hiển Giáo lại chia làm ba: Đầu tiên, dùng Tứ Đế mà nhập môn, rồi y cứ theo kinh Tam Trượng Man, luận Kinh Trang Nghiêm do ngài Mã Minh tạo, và y theo kiến giải của bộ luận Tỳ Bà Sa mà tu tâm Bồ Đề; đó là theo sở truyền của luận sư Pháp Khải. Thứ hai, nhập vào tất cả kinh điển Đại Thừa. Thứ ba, nhập vào lý Bát Nhã của Đại Thừa; nơi đây lại phân ra Duy Thức Học và Trung Quán Học. Đầu tiên, trong phái Duy Thức Học có phái của luận sư Hưởng Để Bạt. Kế đến, có phái của luận sư Sư Tử Hiền. Trung Quán có phái của ngài Nguyệt Xưng, và phái của ngài Tĩnh Thiên do Bồ Tát Văn Thù truyền. Bồ Tát Di Lặc truyền pháp cho ngài Vô Trước, rồi sau này truyền đến các luận sư Kim Châu, Pháp Xưng (hay Hộ Pháp), luận sư Minh Liễu Đỗ Tập.

Mật Giáo phân làm bảy bộ:

1/ Tác Bộ: Có bốn ngàn loại, như kinh Tô Tất Địa, Diệu Tý Vấn, Chuẩn Đề Phật Mẫu, Văn Thù Căn Bổn Giáo Vương, v.v...

2/ Hành Bộ: Có tám ngàn loại, như kinh Tỳ Lô Như Lai Hiện Chứng Bồ Đề, Kim Cang Thủ Đảnh , v.v...

3/ Phân Biệt Bộ: Có bốn ngàn loại, như kinh Kiến Lập Tam Chủng Tam Muội Da Vương, v.v...

4/ Nhị Câu Bộ: Có sáu ngàn loại, như kinh Huyễn Võng, Liên Hoa Vũ Tự Tại, v.v...

5/ Du Già Bộ: Có rất nhiều loại, như kinh Thắng Tam Thế, Thắng Du Già, Kim Cang Đảnh, v.v...

6/ Đại Du Già Bộ: Có 12.000 loại, như kinh Tập Mật, kinh Nguyệt Mật, Hắc Sắc Diệm Man Đức Ca, Điều Phục Bất Không, Trí Kim Cang Tập, v.v...

7/ Vô Thượng Du Già Bộ: Có 12.000 loại, như Đẳng Hư không, Thắng Lạc Luân, Đại Huyễn Thuật Kim Cang Tứ Tọa, v.v...

Tôn Giả đều thông suốt hết tất cả những loại kinh tạng đó. Xưa kia, Tôn Giả khởi tâm ngã mạn do vì trong một giấc mộng nọ, thấy mình đến chùa Hải Mật (hay Hải Hộ) nghe luận sư Ngữ Tự Tại giảng một ức bốn trăm năm mươi loại Mật kinh. Tỉnh dậy, Tôn Giả chẳng quên một chữ. Trong số đó, Tôn Giả chuyên nghiên cứu thắng nghĩa của sáu loại kinh. Tôn giả y theo ngài Chủng Bỉ Bạt mà thọ sự gia trì của Mật pháp; việc này cũng do từ trong mộng mà đắc được. Tôn Giả bảo:

- So sánh giữa kinh và luật của Tiểu Thừa, thì kinh tạng có nhiều hơn. So sánh kinh tạng của Đại Thừa và Tiểu Thừa, thì kinh tạng của Đại Thừa có nhiều hơn. So sánh ba tạng kinh, luật, luận của Đại Thừa, thì luận tạng có nhiều hơn. So sánh tất cả, thì kinh điển thuộc Tác Bộ của Mật Thừa có nhiều hơn; so sánh nữa thì Du Già Bộ có nhiều hơn; so sánh nữa thì Mẫu Bộ có nhiều hơn; so sánh tất cả thì kinh điển của Trí Huệ Bộ đặc biệt có nhiều hơn. Nhân gian nay chỉ còn ít phần.

Sau khi được Bổn Tôn và Không Hành Mẫu chiết phục tâm ngã mạn, Tôn Giả lại suy nghĩ: "Tất cả pháp trên nhân gian, Ta đều có khả năng đạt thiện xảo hết."

Lúc đến Tây Tạng, trú tại chùa Tang Da (39), Tôn Giả mở cửa kho, duyệt qua các quyển kinh bằng văn chữ Phạn, thấy những kinh điển nhiều vô số, mà chưa từng biết đến, nên bảo rằng tông hệ của đại sư Liên Hoa Sanh do Thiên Long thỉnh đến (40).

Vì chánh pháp mà chẳng tiếc thân mạng, là định chế của tất cả chư Phật và chư Bồ Tát. Tôn Giả vì cầu pháp, nên đi khắp Ngũ Thiên (41) Ổ Cẩn (42), và các châu đảo (43) trong biển cả mà tham học với các vị đại thiện tri thức đã chứng đắc thành tựu. Thế nên, Tôn Giả tiếp thọ sự truyền thừa của tất cả giáo pháp Đại-Tiểu Thừa và Hiển-Mật giáo.

Tôn Giả tiếp thọ dòng truyền thừa Nhị Thừa và Đại Thừa như sau:

Đầu tiên, Bồ Tát Văn Thù hiện thân truyền pháp cho luận sư Phật Trí Túc; ngài Phật Trí Túc truyền cho Nhiên Đăng Hiền; Nhiên Đăng Hiền truyền cho Tự Giả; Tự Giả truyền cho Ca Na Bạt; Ca Na Bạt truyền cho Trí Thắng Bạt (hoặc Thắng Trí Bạt); Tôn Giả y chỉ theo dòng truyền thừa này.

Sự truyền thừa của Đại Thừa phân làm năm chi nhánh:

1/ Mật Chú Truyền Thừa: Lại phân làm năm hệ.

a/ Truyền thừa tất cả mật chú. Từ Bồ Tát Long Mãnh (tức Long Thọ), đến Thánh Thiên (Đề Bà), Ma Để Kiết La, Đắc La Du Cách, Kiết Để Bạt La, Diệu Kiết Tường Hiền, Bạc Để Đà La, Hưởng Để Bạt, rồi đến Tôn Giả.

Lại có một phái từ ngài Phật Trí, đến Phật Mật, Phật Tĩnh, Đại Cốc Tô Lô, Tiểu Cốc Tô Lô, rồi truyền đến Tôn Giả.

b/ Truyền thừa Tập Mật. Lúc Phật còn tại thế, vua Ổ Cẩn ở Tây Ấn hiệu là Nhân Đà La Bạc Để (Indrabhuti), đang cư trú trên mười ba tầng lầu, thấy trên nền trời dường như có các con chim màu vàng bay lượn; trước giờ ngọ thì bay về hướng nam; sau giờ ngọ thì bay lại hướng bắc; nhà vua vấn hỏi đại thần Thắng Hiền, nhưng ông ta chẳng biết loài chim đó là gì. Về sau, nhà vua vấn hỏi thần dân trong đô thị, thì họ đáp:

- Đó chẳng phải là loài chim, mà là chư đệ tử A La Hán của thái tử con vua Tịnh Phạn, vị đã xuất gia chứng quả Phật. Những vị A La Hán này dùng lực thần thông, mà bay qua lại.

Nhà vua nghe qua, bèn chí thành cầu khẩn đức Thế Tôn giáng lâm thừa thọ sự cúng dường của ông ta. Nhà vua tự bạch: "Đại đức Thế Tôn ! Xin dạy cho con phương tiện giải thoát khỏi sanh tử khổ não."

Bấy giờ đức Thế Tôn hiện đến, bảo:

- Ông có thể xả bỏ quốc độ mà xuất gia chăng ?

Nhà vua thưa:

- Con chẳng thể xả bỏ quốc độ được. Xin đức Thế Tôn từ bi chỉ dạy phương tiện thành Phật mà không cần xả bỏ quốc độ.

Khi ấy, đức Thế Tôn hiện thân Kim Cang Trì, vì nhà vua và các quyến thuộc mà truyền pháp quán đảnh Tập Mật. Nhà vua và chư quyến thuộc y theo kinh Tập Mật và các Mật giáo, mà thành tựu được Đại Ấn (44). Nhà vua đem bộ kinh và Mật giáo này truyền cho Long Nữ Du Già Mẫu, rồi pháp này được truyền đến Tát La Ha (45), Long Mãnh, Tôn Cách La Để, Tinh Tấn Từ, Tả Tỳ Bạt La Đạt, Di Hý Kim Cang, Cái Địa Túc, rồi tới Tôn Giả. Lại có một phái do ngài Long Mãnh truyền cho Nguyệt Xưng, Minh Liễu Đỗ Tập (46), Tiểu Cốc Tô Lô (47), rồi đến Tôn Giả. Lại có một phái gọi là Phật Trí Túc (48), truyền cho Liên Hoa Giả, vua Nhân Đà La Bạc Để, Thiện Thục, vua Đảnh Sanh, Diệu Kiết Tường Tri Thức, Phật Trí, Cang Bạt La, Du Hý Kim Cang, Cái Địa Túc, Hưởng Để Bạt, rồi tới Tôn Giả. Ba phái của Tập Mật, Tôn Giả đều được truyền thừa.

c/ Truyền thừa Mẫu Bộ. Từ ngài Long Địa, đến Đương Cách Phược, Đạt Nhật Ca Bạt, sa môn Thắng Địch, rồi tới Tôn Giả (49).

d/ Truyền thừa Cách Du. Từ ngài Phật Trí truyền đến ngài Phật Tĩnh, Phật Mật, Đại Cốc Tô Lô, Tiểu Cốc Tô Lô, rồi tới Tôn Giả.

e/ Truyền thừa Diệm Man Đức Ca. Từ ngài Liên Hoa Khải truyền đến ngài Mặc Túc, rồi tới Tôn Giả.

Tôn Giả nói:

- Chư sư trưởng đó đều thành tựu sự chứng đắc, đầy đủ vô lượng công đức. Tuy bảo rằng các Ngài đạt thiện xảo nơi Mật Thừa, mà chẳng vượt ngoài sự thiện xảo Hiển Giáo (50).

2/ Hiển-Mật Truyền Thừa. Phân làm hai phái Thanh Tịnh Thân và Thanh Tịnh Hạnh.

a/ Truyền thừa Thanh Tịnh Thân. Từ Bồ Tát Long Mãnh, đến ngài Minh Liễu Đỗ Tập, Đại A Phược Đô Đế, Tiểu A Phược Đô Đế, rồi tới Tôn Giả. Tôn Giả cũng được truyền thừa trực tiếp từ luận sư Minh Liễu Đỗ Tập. Đầu tiên, Tôn Giả y theo ngài Hưởng Để Bạt mà học Duy Thức. Kế đến, Tôn Giả bỏ Duy Thức mà thọ trì Trung Quán. Khi ấy ngài Hưởng Để Bạt không vui, bảo:

- Gọi là đệ tử của Ta, thì phải tổng trì hết học thuyết đó.

Về sau, ngài Hưởng Để Bạt giảng cho Tôn Giả nghe về Bát Thiên Tụng, và cực lực bài xích Trung Quán, mà thành lập thuyết Duy Thức. Tôn Giả tự bảo: "Chẳng những không thể phá được kiến giải đó (51), mà còn hỗ trợ cho sự khởi tâm quyết định."

b/ Truyền thừa Thanh Tịnh Hạnh. Có hai hệ truyền thừa của Bồ Tát Di Lặc và Văn Thù.

A/ Truyền thừa của Bồ Tát Di Lặc. Bồ Tát Di Lặc truyền cho ngài Vô Trước, rồi đến Thế Thân, Thánh Giải Thoát Quân (52), đại đức Giải Thoát Quân (53), Thắng Quân, Điều Phục Quân, thánh đức đại thành tựu Tỳ Lô Giá Na Bạt Đà La (54), Sư Tử Hiền Bảo, Bảo Quân (55), đại sư Kim Châu, rồi tới Tôn Giả. Chư sư của phái này, có vị đắc thượng phẩm thành tựu; có vị đắc cộng thành tựu. Các ngài đều là những vị có chánh kiến thù đặc.

B/ Truyền thừa của Bồ Tát Văn Thù. Bồ Tát Văn Thù truyền cho ngài Vô Tận Huệ (56), Ái La Đạt Để (57), Dũng Mãnh Kim Cang, Bồ Tát Ma Ha Bảo Lợi La Na, đại sư Kim Châu, rồi tới Tôn Giả. Đây là một học phái lớn tu về tâm Bồ Đề.

3/ Truyền thừa cộng Hiển-Mật. Từ ngài Long Mãnh, truyền đến Đề Bà, Nguyệt Xưng, Đắc La Du Cách, Minh Liễu Đỗ Tập, Trí Bồ Đề, Diệu Kiết Tường Hiền, Hưởng Để Bạt, rồi tới Tôn Giả. Lại có một phái từ ngài Long Mãnh, truyền đến ngài Đề Bà, Ma Để Chi Đa, Đắc La Du Cách, Kiết Để Bạt Hiền, Diệu Kiết Tường Hiền, Bồ Đề Hiền, Hưởng Để Bạt, rồi tới Tôn Giả. Chư luận sư đó đều có đủ công đức của Hiển giáo và Mật giáo.

4/ Truyền thừa chứng đắc thành tựu có hai hệ:

a/ Từ ngài Diệu Kiết Tường Hiền truyền đến ngài Hưởng Để Bạt.

b/ Từ ngài Kim Cang Thủ truyền đến ngài Liên Hoa Giả, vua Nhân Đà La Bạc Để, em gái của vua Nhân Đà La Bạc Để, Trí Bồ Đề, Tả Tỳ Bạt La, Kim Cang Bồ Đề, Diệu Kiết Tường Hiền, Hưởng Để Bạt, rồi đến Tôn Giả. Chư sư đó đều là các bậc thành tựu thượng phẩm.

5/ Truyền thừa Gia Trì, có hai phái:

a/ Bồ Tát Kim Cang Trì truyền cho Bồ Tát Huệ Hiền (58), đến Nõa Nhiệt Bạt (59), Chủng Bỉ Bạt, rồi tới Tôn Giả.

Xưa kia, Tôn Giả nghe thắng đức của ngài Chủng Bỉ Bạt, nên muốn đến tham vấn, nhưng chưa toại nguyện, bèn khởi tâm quán tưởng cúng dường, ân cần cầu khẩn. Đêm nọ, Tôn Giả mộng thấy một vị tỳ kheo, vừa từ xa đi đến và vừa ăn một cánh tay người. Tôn Giả nghĩ thầm: "Bậc xuất gia sao lại ăn thịt người !"

Vị Tỳ kheo đó bảo:

- Phật cũng có lỗi sao ?

Tôn Giả cảm thấy xấu hổ. Vị tỳ kheo kia bảo:

- Ông có muốn ăn chăng ?

Trong mộng, Tôn giả đáp:

- Muốn ăn !

Tôn Giả vừa ăn xong, bèn được sự gia trì. Sáng hôm sau, Tôn Giả tỉnh dậy, tùy ý mà nhập vào tam ma địa (thiền định) vô phân biệt. Tôn Giả lại tự nhủ: "Đây là sự gia trì của chư Phật chư Bồ Tát, hay là sự gia trì của ngài Chủng Bỉ Bạt ? Thật chẳng biết rõ !"

Về sau, có một vị thường trì chú, đến cầu thỉnh ngài Chủng Bỉ Bạt gia trì. Ngài Chủng Bỉ Bạt bảo:

- Ông cùng Ta chẳng có duyên lành.

Người kia hỏi:

- Vậy Ngài có duyên với ai ?

- Trong chùa Tỳ Trát Ma Thi La có một vị tỳ kheo xuất thân từ dòng vương gia, hiệu là Kiết Tường Nhiên Đăng Trí (60). Trong cơn mộng nọ, Ta đã từng hiện tướng gia trì cho vị đó. Ngươi hãy đến gặp vị đó mà cầu thỉnh.

Vị trì chú đó bèn đến tìm Tôn Giả và thuật lại lời của ngài Chủng Bỉ Bạt. Nhờ vậy mà Tôn Giả biết rằng vị hiện trong mộng và gia trì cho mình chính là ngài Chủng Bỉ Bạt.

Vị trì chú kia ngày ngày cúng đàn, ân cần thỉnh cầu gia trì. Ngày nọ, vị này tự bảo rằng đã nhờ ơn gia trì đầy đủ của Tôn Giả. Tôn Giả hỏi:

- Ông thấy việc gì ?

Vị đó thưa:

- Thấy đạo tràng thắng lạc viên mãn.

- Ông đã chứng kiến đế rồi !

Lần nọ, vị trì chú kia mang y phục và vật thực đến cúng dường chư tăng, rồi vào núi rừng tu tập. Lúc Tôn Giả vừa muốn gặp, thì vị này liền đến lập tức. Lúc vào Tây Tạng, Tôn Giả tự nghĩ: "Nay đệ tử của Ta hiện đang ở đâu ?"

Bấy giờ, vị trì chú này liền hiển lộ thân hình. Tôn Giả bảo:

- Tại sao biết Ta ở đây mà đến ?

Vị đó đáp:

- Tại vì Thầy nghĩ đến con !

b/ Từ ngài Phật Hộ truyền cho ngài Phật Trí, đến ngài Phật Mật, Đại Cốc Tô Lô, Tiểu Cốc Tô Lô, rồi tới Tôn Giả. Các vị sư trưởng của phái này đều đạt được tam ma địa vi diệu thù thắng. Những công đức đó, Tôn Giả đều có đầy đủ.

Lại nữa, có bốn loại truyền thừa, tức là sự truyền thừa của Tánh Tướng (61), sự truyền thừa của Phát Tâm, sự truyền thừa của Tông Phái, sự truyền thừa của các loại giáo pháp.

1/ Sự truyền thừa của Tánh Tướng. Do ngài Pháp Xưng truyền đến ngài Sư Tử Hiền, Na Lạc Ba, rồi tới Tôn Giả. Từ ngài Long Mãnh truyền đến ngài Minh Liễu Đỗ Tập, rồi tới Tôn Giả. Lại nữa, vì nghe danh về phái của Bồ Tát Long Đức, Tôn Giả vượt biển cả mà đến A Lan Nhã để thọ giáo (62).

2/ Sự truyền thừa của pháp Phát Tâm có ba hệ:

a/ Giáo thì y theo kinh Vô Cấu Xưng; lý thì y theo Bồ Tát Địa; kiến giải thì y theo Duy Thức mà hành. Tôn Giả thọ pháp này từ đại sư Kim Châu. Chư sư truyền thừa từ Bồ Tát Di Lặc đến ngài Vô Trước, Thế Thân, Kiên Huệ, Đại Cốc Tô Lô, Tiểu Cốc Tô Lô, Kim Châu, rồi tới Tôn Giả.

b/ Giáo thì y theo kinh Hư Không Tạng; lý thì y theo Tập Bồ Tát Học Luận và Bồ Tát Hạnh Luận; kiến giải thì y theo Kinh Bộ mà hành. Tôn Giả thọ pháp từ ngài Từ Du Già.

c/ Giáo thì y theo kinh Tam Trượng Man; lý thì y theo Kinh Trang Nghiêm Luận của ngài Mã Minh; kiến giải thì y theo luận Bà Sa mà hành. Tôn giả cầu pháp này từ ngài Pháp Khải.

3/ Sự truyền thừa của Tông Phái (63). Từ sự hiện thân A Phược Đô Đế của Bồ Tát Văn Thù cho đến ngài Hưởng Để Bạt, tổng cộng có tám vị. Truyền đến Tôn Giả là đời thứ chín. Tôn Giả thiện xảo phân biện tông giáo rất thâm sâu.

Trước kia, có một vị thông đạt ngũ minh, hiệu là Địa Tạng. Vị này có khi theo nội giáo, có khi theo ngoại giáo, vì cho rằng nội giáo và ngoại giáo chẳng khác nhau. Ngày nọ, lúc gặp vị này, Tôn Giả bèn phân tích biện biệt rõ ràng gì là nội giáo và gì là ngoại giáo. Do đó, ngài Địa Tạng bèn khởi tín tâm, cầu làm đệ tử của Tôn Giả. Sau này, ngài Địa Tạng là vị đại thiện xảo, biện biệt được nội giáo và ngoại giáo.

Lúc đến Tây tạng, Tôn Giả than:

- Người giỏi biện biệt được nội giáo và ngoại giáo là đại sư Kim Châu, tôn sư Na Lạc Ba và Ta, cùng cao đệ Địa Tạng. Song, đối với sự quyết nghi và thỉnh vấn, chỉ có Ta và tôn sư Na Lạc Ba là có đầy đủ thiện xảo. Nay tôn sư Na Lạc Ba đã thị tịch. Ta lại vào Tây Tạng. Phật giáo Ấn Độ chắc sẽ bị thua bại về tay ngoại đạo.

Khi nghe đại sư Pháp Khải viên tịch, Tôn Giả lại than:

- Nay Đại Sư đã thị tịch. Ta lại vào Tây Tạng. Phật giáo Ấn Độ chắc sẽ bị thua bại !

Lúc ngài Hưởng Để Bạt viên tịch, Tôn Giả cũng bảo:

- Tôn Sư đã thị tịch. Ta nay đến Tây Tạng. Phật giáo Ấn Độ chắc sẽ bị thua bại !

Những dữ kiện trên cho thấy rằng Tôn Giả luôn giữ địa vị Tổ Sư quan trọng trong mọi tông phái Phật giáo Ấn Độ.

4/ Sự truyền thừa của các loại giáo nghĩa. Từ ngài Long Mãnh truyền đến ngài Long Trí, Hành Giả, Tỳ Lô Khư, Hưởng Để Bạt, và Tôn Giả. Lại nữa, có một phái từ ngài Long Mãnh truyền đến ngài Nguyệt Xưng, Minh Liễu Đỗ Tập, A Phược Đô Đế, đại sư Kim Châu, và Tôn Giả. Ngoài ra, có một phái truyền từ ngài Long Mãnh, đến ngài Đề Bà, Nguyệt Xưng, Đắc La Du Châu, Ma Để Tát Đề La, Trí Bồ Đề, và Tôn Giả. Giáo pháp của các vị sư trưởng, Tôn Giả đều tiếp thọ hết. Công đức của các vị sư trưởng, Tôn Giả đều có đầy đủ.

Giữa những bậc sư trưởng đó, Tôn Giả thường y chỉ theo các vị như Kim Châu (64), Hưởng Để Bạt, Bồ Đề Hiền (hay Giác Hiền), Thắng Địch.

Tổng quát, sau khi đức Thế Tôn nhập Niết Bàn, ngài Ca Diếp tiếp thọ giáo pháp, rồi truyền cho ngài A Nan. Truyền thừa từ từ như thế, cho đến ngài Đại Cốc Tô Lô. Giáo pháp của Bồ Tát Di Lặc cũng truyền xuống đến ngài Đại Cốc Tô Lô. Giáo pháp Mật Thừa như kinh Tập Mật do ngài Long Mãnh truyền cho ngài Phật Trí, vua Nhân Đà La Bạc Để, rồi đến Đại Cốc Tô Lô. Nói chung, tất cả giáo pháp của đức Như Lai đều truyền xuống cho ngài Đại Cốc Tô Lô. Ngài Đại Cốc Tô Lô có đầy đủ công đức như đức Thế Tôn; vị này truyền cho ngài Tiểu Cốc Tô Lô; ngài Tiểu Cốc Tô Lô (65) truyền cho đại sư Kim Châu; đại sư Kim Châu truyền cho tôn giả A Để Sa (66).

Tôn Giả biết đến oai đức của đại sư Kim Châu lan khắp Ấn Độ, và lại nghe rằng vị này y theo tâm từ bi mà thuyết pháp và cũng là bậc sư trưởng nhiều đời của mình, nên phát khởi tín tâm thâm sâu. Do đó, Tôn Giả quyết định tìm đến đại sư Kim Châu để cầu học (67). Cùng với 125 vị đại đệ tử, Tôn Giả lên thuyền vượt biển để đến Kim Châu. Trong mười ba tháng, năm tháng đầu Đại Tự Tại Thiên muốn lưu giữ Tôn Giả ở lại, nên hóa thành một con cá voi Ma Kiệt Đà mà ngăn trở thuyền, và lại thổi gió ngược, cùng đánh sấm chớp. Vì gió mạnh biển động, sóng cả chảy cuồn cuộn, khiến người trên thuyền đều sợ hãi. Bấy giờ Địa Tạng cầu thỉnh Tôn Giả mau chóng hàng phục Đại Tự Tại Thiên. Tôn Giả trụ nơi tâm từ bi, khiến cuồng phong dừng lặng, sấm chớp cũng ngưng. Tôn Giả cũng trụ pháp Du Già Diệm Man Đức Ca mà hàng phục cá voi. Khi ấy, Đại Tự Tại Thiên hóa thân đồng tử yếu đuối xanh xao, lên thuyền sám hối tội lỗi, khiến sóng cả đều dừng. Lúc đó, thánh Bất Động Tôn hiện thân to lớn, chân bước tận đáy biển, đầu đụng tới mây, tay giữ chiếc thuyền, dạng trạng như tráng sĩ đứng chống tích trượng. Hai mươi mốt vị Độ Mẫu cũng hiện thân, và bảo Địa Tạng:

- Này Cụ Thọ ! Ngươi hãy tự lấy không hoa này (68) mà đánh Bà Bạt Na Tha (69), khiến chúng quy y.

Địa Tạng bèn y theo lời dạy mà dùng tay kết ấn khủng bố, đem sấm sét mà đánh chư ngoại đạo, các quốc vương ngoại đạo, các tà thần hắc ám, khiến họ đều thối tán bỏ chạy hết !

Sau nửa tháng, thuyền được xuôi buồm thuận gió. Song, lại có gió nghịch khởi lên, nên Địa Tạng cầu khẩn Tam Bảo, Không Hành Mẫu, Hộ Pháp gia trì. Gió nghịch tuy ngừng, nhưng gió thuận cũng chẳng có, khiến thuyền ngừng chạy cả nửa tháng, rồi sau mới bình an đến bến.

Theo truyện ghi lại về việc đến tham bái đại sư Kim Châu thì lúc Tôn Giả vừa đến nơi, liền hỏi thăm đại sư Kim Châu Pháp Xưng hiện trú nơi nào ? Có một vị tỳ kheo thưa:

- Bảy ngày trước đây, đại sư Kim Châu cũng hỏi xem đại sư Thiệm Bộ Châu (70) đã đến chưa ?

Thầy trò hỗ tương vấn hỏi mà chưa gặp nhau. Bấy giờ, dân chúng ở Kim Châu đều nghe tin Tôn Giả đã đến. Về sau, có một người hỏi:

- Tầm cầu đại sư Kim Châu Pháp Xưng có phải là Ngài chăng ?

Tôn Giả đáp:

- Phải.

- Xin hãy theo con. Con sẽ chỉ chỗ của đại sư Kim Châu cho.

Bấy giờ, Tôn Giả vẫn an nhiên ngồi tĩnh tọa. Có một vị sa di đến hỏi Tôn Giả:

- Bạch Ngài ! Có phải Ngài là người Thiệm Bộ Châu (Ấn Độ) chăng ?

Tôn Giả đáp:

- Phải.

- Ngài đến đây cầu pháp hay cầu tài ?

- Cầu pháp.

Lần khác, Tôn Giả thấy trước tháp của đức Thiện Thệ (đức Phật), có sáu vị tỳ kheo đệ tử của đại sư Kim Châu đang tịnh tu. Khi ấy, Tôn Giả cùng chư đệ tử trú lại nơi đó mười bốn ngày, và thỉnh hỏi về truyện ký của đại sư Kim Châu, cùng thứ lớp hỏi về sự thọ trì như thế nào, lấy kinh luận gì làm chủ yếu, tu hành chứng đắc có công đức gì, v.v... Lúc ấy, các vị đó dùng lời chân thật mà đối đáp, khiến cho Tôn Giả sanh khởi tâm vui mừng vô hạn, như đăng Sơ Địa (71).

Các vị đó cũng hỏi Địa Tạng về truyện ký của Tôn Giả. Địa Tạng liền thuật lại về sự tích của tôn giả A Để Sa, như xả bỏ vương vị mà xuất gia, thân cận vô lượng chư thiện tri thức, đầy đủ các công đức thù thắng quảng đại. Các vị đó bảo:

- Nếu vậy thì có phải là vị trụ trì Phật Giáo Ấn Độ, hiệu là Kiết Tường Nhiên Đăng Trí chăng ?

Địa Tạng đáp:

- Phải !

Các vị đó quên hỏi han về cuộc hành trình khổ nhọc của Tôn Giả và các đệ tử mà đã vội đảnh lễ xưng tán, tạ tội ngã mạn. Tôn Giả cũng đáp lễ. Họ lại hỏi về tôn ý đến nơi đó của Tôn Giả. Tôn Giả liền kể rõ nhân duyên, và nhờ họ chuyển lời này mà tác bạch với đại sư Kim Châu. Đến trước đại sư Kim Châu, họ bèn thưa:

- Kính bạch đức Tôn Sư tối thắng ! Nay có vị trụ trì Phật giáo Ấn Độ là Kiết Tường Nhiên Đăng Trí cùng 125 người đệ tử đã đến châu này. Trong mười ba tháng, trên biển cả hàng phục Ma Vương và Đại Tự Tại Thiên ngoại đạo. Ba nghiệp thân miệng ý đều không khiếm khuyết. Các ngài đã đến gặp và cùng chúng con nghị luận pháp nghĩa qua mười bốn ngày, đã khiến thân tâm chúng con càng thêm hoan hỷ. Hôm nay, chánh ý của các ngài là muốn đến tham vấn đức Tôn Sư, để nghe kinh Xuất Sanh Tam Thế Nhất Thiết Phật Mẫu (72), học tập hai tâm Bồ Đề hạnh và nguyện. Các ngài lại mong muốn ngày đêm tiếp thọ sự giáo huấn của đức Tôn Sư (73). Xin đấng Đại Bi hãy hứa khả cho.

Đại sư Kim Châu nghe lời này bèn tán thán:

- Lành thay ! Nay địa chủ đã đến, nhân vương tử đã đến, chúng sanh chủ đã đến, đại dũng mãnh đã đến, đầy đủ quyến thuộc đã đến. Hành đại thiện khó hành; giỏi hàng phục Hắc Đại Tự Tại Thiên; giỏi xiển dương pháp tràng; chẳng bị nạn nào. Tỳ kheo thấy pháp y, phải nên cung nghinh các bậc thắng giả đó !

Khi ấy, tất cả chư tỳ kheo đệ tử của đại sư Kim Châu đồng đắp ba y ca sa, mang tích trượng quân trì, oai nghi trang nghiêm như chư vị A La Hán, khiến dân chúng sanh khởi tín tâm. 535 vị tỳ kheo cùng 62 sa di, đồng với đại sư Kim Châu, đi ra ngoài nghinh đón. Tôn Giả thấy đại sư Kim Châu đắp ba y ca sa trang nghiêm, mang một bình bát và cây tích trượng bằng sắt tuyệt đẹp, thật giống như đức Thế Tôn còn tại thế, có chư vị A La Hán vây quanh, nên khởi tâm thâm tín, vui mừng vô hạn.

Bấy giờ Tôn Giả do được thuận duyên, nên sai bốn đại đệ tử mang các đồ cúng dường như một chiếc bình lưu ly chứa đầy vàng bạc, xa cừ, mã não, san hô, hỗ phách. Điềm lành này biểu thị rằng Tôn Giả sẽ tiếp thọ giáo pháp phát tâm Bồ Đề (giác ngộ) hoàn toàn, cũng như một chiếc bình chứa hết tất cả đồ châu báu. Tôn Giả cùng các vị tỳ kheo thông đạt ngũ minh, đắp ba y ca sa trang nghiêm của Đại Chúng Bộ (Mahasamgika), mang bình bát và tích trượng bằng sắt của Như Lai, và bạch phất. Các vị đó là Hành Hiền, Pháp Thân, Thân Sanh, Dũng Mãnh Kim Cang, v.v... Có 108 vị tỳ kheo đại thiện xảo ba tạng giáo điển (74) như Trí Hiền, v.v... Lại có 13 Sa Di, 4 đại tỳ kheo. Tổng cộng có 125 vị đi theo sau Tôn Giả, không thưa không gần, độ lượng trung dung, uyển chuyển đi như tràng phan năm màu bay nhè nhẹ, từ từ đến nơi trụ xứ của đại sư Kim Châu. Mọi cử chỉ của chư tỳ kheo rất oai nghi, nghiêm trang, khiến cho chư Thiên cung kính rải hoa trời cúng dường. Dân chúng nơi đây do thấy đức tướng và oai nghi của hai vị tôn sư, nên khởi tín tâm thâm sâu. Cùng với chư đệ tử hòa hợp, đầy đủ tất cả công đức của giới luật, Tôn Giả đảnh lễ đại sư Kim Châu. Vì không kham nổi oai đức của Tôn Giả và chư đệ tử của Ngài, nên đại sư Kim Châu cùng hơn năm trăm đồ đệ liền lễ bái đáp lễ. Kế đến, Tôn Giả dâng cúng các trân bảo. Chư đệ tử của Tôn Giả cũng dâng cúng các vàng bạc. Lúc đó, đại sư Kim Châu dùng tay xoa đảnh của Tôn Giả, và tụng rất nhiều bài kệ kiết tường, rồi hỏi:

- Ông tu học được tâm Bồ Đề và tâm từ bi chăng ? Ông ở lại nơi đây mười hai năm được chăng ?

Tôn Giả cung kính chấp thuận. Đại sư Kim Châu ban cho Tôn Giả một tượng Phật Thích Ca mà bảo rằng đây là tôn tượng giáo chủ gia trì cho Tôn Giả. Trong mười hai năm, thầy trò đồng sống chung tại một nơi. Tôn Giả tu học tất cả giáo pháp thậm thâm của Đại Thừa, đặc biệt là Hiện Quán Trang Nghiêm Luận (75), Tập Bồ Tát Học Luận, Nhập Bồ Tát Hạnh Luận, cùng tất cả Mật pháp bất cộng. Tôn Giả cũng học giáo pháp bất cộng tu tự tha hoán chuyển tâm Bồ Đề của thế tục từ đại sư Kim Châu, để tăng thượng ý lạc thanh tịnh. Ân của đại sư Kim Châu thật vô bờ bến. Pháp tu thanh tịnh của phái Ca Đương (ở Tây Tạng) cũng xuất phát từ đại sư Kim Châu.

Tu học tất cả giáo pháp trong mười hai năm xong, Tôn Giả được đại sư Kim Châu thọ ký:

- Ông nên trở về phương Bắc (Ấn Độ) và đến xứ Tuyết (Tây Tạng).

Cuối cùng, vào lúc bốn mươi bốn tuổi, Tôn Giả cùng chư đệ tử dùng thuyền trở về bổn quốc. Về sau, lúc đến Tây Tạng, mỗi lần xưng danh của đại sư Kim Châu, hoặc có ai nhắc đến tên của đại sư Kim Châu, Tôn Giả đều chấp tay trên đầu, dùng bốn câu kệ tụng mà tán thán. Người khác hỏi Tôn Giả:

- Sao Tôn Giả không tôn kính danh đức của các bậc sư trưởng khác. Phải chăng đức hạnh của các vị đó có sai khác ?

Tôn Giả đáp:

- Chư sư trưởng của Ta đều là những vị đại thành tựu, danh đức không khác biệt. Song, ít phần thiện tâm (76) của Ta do nhờ ân của đại sư Kim Châu mà có được.

Tôn Giả lại khuyên các học nhân:

- Các ngươi chẳng có chút khổ nhọc, mà đạt được các diệu nghĩa tâm yếu, thật là phước lớn, nên phải chí tâm tu hành (77).

Tất cả pháp tu về Đại Thừa, Tiểu Thừa, Hiển Giáo, Mật Giáo, đều không ngoài ba môn vô lậu học giới, định, huệ. Định Huệ dùng Chỉ Quán mà tiếp nạp. Sau này, pháp Chỉ Quán có phân biệt giữa Chỉ Quán thế gian và Chỉ Quán xuất thế gian. Người tu Mật Thừa, nếu tiếp nhận hai loại này, thì đầy đủ các loại công đức. Giới lấy tất cả thiện pháp làm căn bản. Tôn Giả thường bảo:

- Giới biệt giải thoát, Ta chưa từng vi phạm chút nào. Đối với những giới nhỏ nhặt của giới Bồ Đề và Tam Muội Da của Mật Tông, tuy lắm khi vi phạm, nhưng Ta đều sám hối vào ngày đó, mà chưa từng giữ tội qua đêm, v.v...

Có người hỏi Tôn Giả rằng kể từ khi xuất gia, Tôn Giả có từng vào nơi nhân pháp (78) chăng ? Tôn giả đáp:

- Người thế tục chẳng thích Ta. Ta cũng chẳng thích người thế tục, nên chưa từng đến.

Họ lại hỏi:

- Các thân quyến của Tôn Giả có từng đến viếng thăm chăng ?

- Họ có đến một lần. Ta khuyên họ hãy nên học tập tu hành công đức. Song, họ chẳng chịu nghe mà bỏ đi. Ngoài ra không có ai đến.

- Những đồ vật do các người nữ dâng cúng, Tôn Giả có từng tự dùng tay mà tiếp lấy chăng ?

- Chưa từng có.

Do Tôn Giả trì luật tinh nghiêm như thế, nên thân tâm đầy cả giới hương, khiến lan truyền khắp mọi nơi.

Thân tâm của Tôn Giả nhuận đầy tâm từ bi, tâm Bồ Đề, tâm tăng thượng, tâm kiên cố. Lục độ và tứ nhiếp pháp là pháp mà Tôn Giả thường hành. Đối với chư đệ tử, Tôn Giả cũng dùng tâm Bồ Đề (79), tâm từ bi mà dạy bảo. Do đó, chư đệ tử y theo tâm Bồ Đề, tâm từ bi mà đạt được thành tựu và thần thông không thể nghĩ bàn.

Có một vị đệ tử của Tôn Giả, trú tại chùa Tỳ Trát Ma Thi La. Lần nọ, chư tăng đều đi ra ngoài thọ trai, chỉ trừ vị tăng đó ở lại chùa (80). Có một cư sĩ, thấy vị tỳ kheo đó, xem xét bốn bề chẳng có một ai, bèn dùng thần thông mà bay lên hư không, qua cõi Bắc Câu Lư Châu khất thực, mang đầy bát rồi trở về. Vị cư sĩ đó thấy rõ tự sự, định thuật lại cho Tôn Giả nghe, nhưng lại không dám. Qua năm sau, vị cư sĩ đó cũng thấy vị tỳ kheo kia dùng thần thông mà đi khất thực, nên bẩm bạch với Tôn Giả. Tôn Giả bèn hỏi vị tỳ kheo kia:

- Có thật là ông dùng thần thông để đi khất thực chăng ?

Vị tỳ kheo kia thưa:

- Vâng !

- Do nhờ lực gì ?

- Do nhờ lực của tâm Bồ Đề.

Tôn Giả vui vẻ bảo:

- Đúng như thế ! Dẫu tu pháp gì, đều phải phát khởi tâm Bồ Đề, vì công đức của tâm Bồ Đề thật rất thù thắng.

Tôn Giả có một người đệ tử, dẫu tu pháp gì, cũng chẳng thể thành tựu. Tôn Giả bảo:

- Ông nên tu tâm Bồ Đề và tâm từ bi.

Nghe lời chỉ dạy, vị đó bèn tu chứng Tất Địa (81).

Có một vị tu pháp Minh Vương, miệng mắt đều viên mãn, thành tướng đại phẫn nộ; người nào nhìn đến, đều phải sợ hãi. Tôn Giả dạy vị đó tu tâm từ bi và tâm Bồ Đề. Từ đó, người khác nhìn đến mặt của vị này, không còn cảm thấy sợ hãi. Lúc Tôn Giả đến Tây Tạng, miệng và mắt của vị đó trở lại bình thường. Khi đến Tây Tạng, Tôn Giả chuyên dạy các kẻ hậu học tu tâm Bồ Đề, bảo:

- Nếu chẳng có tâm Bồ Đề mà nghe nhiều pháp, tư duy chọn lựa, biết cách tu tập, rồi sanh thứ, mãn thứ, Trung Quán, đọc tụng, v.v... nhưng tất cả đều vô ích. Chưa nhiếp thiện hạnh của tâm Bồ Đề, mà hành thiện hạnh của tâm Bồ Đề, đây thuộc về nghiệp ma. Chưa nhiếp trì được tất cả thiện hạnh thân ngữ của tâm Bồ Đề, đa phần vì do vô minh.

Chư đại thiện tri thức như đại sư Chủng Đôn Nhân Ba Khanh, do y theo lời dạy về cách tu tâm Bồ Đề của Tôn Giả mà tu hành, nên thấy rất nhiều Bổn Tôn, chứng các thần thông quảng đại, đạt được các phẩm thành tựu. Ngày nay, pháp tu tâm Bồ Đề ở Tây Tạng, chủ yếu đều dựa vào sự truyền thừa của Tôn Giả.

Tôn Giả vốn đạt được công đức thấy Bổn Tôn, tức thấy vô lượng chư Phật và chư Bồ Tát. Tôn Giả do y theo giáo pháp Bách Tự (trăm chữ) của đức Như Lai mà thấy mười phương chư Phật. Các vị thường hiện thân như Kiến Lập Tam Tam Muội Da Vương, Thánh Quán Tự Tại, Thánh Cứu Độ Mẫu, Thánh Bất Động Tôn, Thắng Lạc Luân, Hỷ Kim Cang. Lúc còn ở Ấn Độ, mỗi lần Tôn Giả niệm Tam Muội Da Vương đủ một ngàn lần thì nhất định vị đó sẽ hiện thân. Sau khi đến Tây Tạng, thì mỗi ngày vị Bổn Tôn này hiện một lần (82). Thánh Quán Tự Tại và Độ Mẫu cũng tùy tâm niệm của Tôn Giả mà hiện thân. Có việc gì, các vị Bổn Tôn đều hiện ra mà thọ ký chỉ dạy. Bất Động Tôn cũng như thế. Hai vị Bổn Tôn còn lại chính là Bổn Tôn về Mật Bộ của Tôn Giả, cũng thường hiện thân. Sự tích thần thông của Tôn Giả có rất nhiều, mà trong quyển truyện này ghi lại rất nhiều nơi; những sự tích này chẳng phải là việc kỳ đặc.


| Lời giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | phụ lục | A | B | C | Chú thích & Tham khảo |

 


Cập nhật: 1-8-2000

Trở về mục "Phật giáo năm Châu"

Đầu trang