Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Trao đổi với ĐĐ. Thích Nhật Từ - Nguyên Chủ nhiệm CLB Văn nghệ Phật giáo:

Xung quanh cáo buộc NS Vũ Ngọc Toản "đạo nhạc"

Thanh Thiện thực hiện

 

LTS: Sự kiện Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam (TTSKLVN) kết hợp với báo Giác Ngộ trao kỷ lục “Người viết ca khúc Phật giáo nhiều nhất Việt Nam” cho nhạc sĩ (NS) Vũ Ngọc Toản vào ngày 24-5-2009 có một số nhạc sĩ và soạn giả thường viết nhạc Phật giáo không đồng thuận, cho rằng NS Vũ Ngọc Toản không xứng đáng được như thế.

Giác Ngộ đã phỏng vấn Ô. Võ Văn Tường - Hội Đồng Tư vấn sách Kỷ lục VN trên số báo 489 ra ngày 13-6-09. Nhằm làm sáng tỏ hơn chúng tôi đã trao đổi với ĐĐ. Thích Nhật Từ - Nguyên Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn nghệ Phật giáo, hiện là Phó viện trưởng HVPGVN tại TP.HCM, để rộng đường dư luận.

PV: Là người đã đề xuất nhiều kỷ lục Phật giáo trong hai năm qua, trong đó có kỷ lục của nhạc sỹ Vũ Ngọc Toản (NS VNT), Đại đức cho biết lý do của đề xuất này?

ĐĐ. Thích Nhật Từ:  Tôi vô cùng hoan hỷ và tán dương sáng kiến xác lập các kỷ lục Việt Nam của TTSKLVN, trong đó có các kỷ lục Phật giáo. Để góp phần làm phong phú các kỷ lục của PGVN, tôi đã đề xuất một vài kỷ lục Phật giáo trong đó 2 kỷ lục về văn nghệ Phật giáo đã được trao cho soạn giả Dương Kinh Thành (sáng tác cổ nhạc Phật giáo nhiều nhất) và NS. Vũ Ngọc Toản (phổ nhạc Phật giáo nhiều nhất). Ngay thời điểm tôi đề xuất kỷ lục cho NS. Vũ Ngọc Toản, tôi đã hỏi thăm và biết được số lượng sáng tác các ca khúc Phật giáo của các nhạc sĩ chuyên viết nhạc Phật giáo quen thuộc như NS. Võ Tá Hân (khoảng 400 bài), NS. Hằng Vang (khoảng 300 bài), NS. Uy Thi Ca (khoảng 150 bài), NS. Giác An (khoảng 60 bài), NS. Chúc Linh (khoảng 50 bài), NS. Quý Luân (khoảng 30 bài). Tính đến thời điểm đề xuất (11-11-2008), NS. Vũ Ngọc Toản đã phổ nhạc Phật giáo nhiều nhất, 639 bài trong 5 năm sáng tác. Đây là con số khá ấn tượng. Trên tinh thần khách quan, thừa nhận các đóng góp có ý nghĩa, tôi đã đề xuất và được TTSKLVN chấp nhận xác lập kỷ lục vào ngày 24-5-09 vừa qua.

- Kể từ ngày xác lập  kỷ lục cho nhạc sỹ Vũ Ngọc Toản, một số nhạc sĩ Phật giáo như NS. Hằng Vang, Quý Luân, soạn giả Dương Kinh Thành, MC. Tánh Thuần, nhóm ảnh Nhất Chi Mai và trung tâm Hương Đạo ở Pháp phản đối kịch liệt, vì cho rằng NS. Vũ Ngọc Toản là người “nhái nhạc” và “đạo nhạc” nhiều ca khúc nước ngoài cũng như trong nước. Quan điểm của Đại đức về vấn đề trên thế nào ?

Trong thời gian qua, tôi có nhận đủ thư từ than phiền với lời lẽ rất nặng nề thiếu tinh thần xây dựng của một Phật tử. Khi đề xuất kỷ lục này, tôi đã yêu cầu NS.Vũ Ngọc Toản cung cấp toàn bộ các nhạc khúc do anh phổ nhạc cho tôi xem. Qua 2 tập nhạc, một tập do chính anh phổ nhạc gồm 639 bài để nộp cho TTSKLVN, và tập còn lại khoảng 90 ca khúc có nguồn gốc nhạc nước ngoài và dân ca trong nước, do anh viết lời, chỉ nhằm để tham khảo. Trong tuyển tập 2, có khoảng 50 bài nhạc nước ngoài và 40 bài nhạc dân ca, mà trên đầu trang ở góc phải của mỗi bản nhạc đều có ghi xuất xứ là “nhạc nước ngoài”, hoặc “dân ca”, lời Vũ Ngọc Toản. Tuyển tập nhạc mà  NS. Vũ Ngọc Toản nộp cho TTSKLVN là 639 bài do chính anh phổ nhạc, trong số đó, 98% là phổ nhạc từ thơ của người khác, cũng có ghi rõ tên thi sĩ. Trên tinh thần này, tôi nghĩ, NS. Vũ Ngọc Toản không thể bị cáo buộc là người “nhái nhạc” hay “đạo nhạc” được.

- Sự cáo buộc cho rằng trong các nhạc khúc của mình, NS. Vũ Ngọc Toản đã nhái các bài nổi tiếng như “Ra giêng anh cưới em”, “Mùa thu lá bay”, “Người đến từ Triều Châu”, “nhạc Bao công”, “Trống cơm  - Dân ca Bắc bộ” và các giai điệu “Lý ngựa ô”, “dân ca” v.v… để làm nhạc của mình. Đại đức nghĩ gì về vấn đề này ?

Tôi tin rằng đây là một số bài trong danh sách khoảng 90 bài nhạc nước ngoài và dân ca được NS. Vũ Ngọc Toản viết lời, mà tôi vừa nêu trên. Không có bài nào trong số các bài này ghi “nhạc và lời” của NS. Vũ Ngọc Toản thì ta không thể quy kết NS. Vũ Ngọc Toản là người “đạo nhạc” được. Còn việc, NS. Vũ Ngọc Toản sử dụng nhạc ngoại quốc hay dân ca cho lời của mình có được các nhạc sĩ ngoại quốc hay trong nước cho phép về mặt tác quyền hay không lại thuộc về vấn đề khác. Sử dụng lời của mình trên nền nhạc của người khác mà không được cho phép thì được xem là vi phạm tác quyển sử dụng nhạc, khác hoàn toàn với “nhái nhạc” và “đạo nhạc.” Nhái nhạc là nhái ít nhiều giai điệu của một ca khúc của nhạc sĩ khác trong ca khúc của mình. Đạo nhạc là sử dụng nhạc của người khác mà ghi tên mình, hoặc phủ định tính cách “đồng tác giả về nhạc” hay “đồng tác giả về lời” của thi sĩ khác. Trong các bản nhạc của NS. Vũ Ngọc Toản ghi rõ nhạc nước ngoài hoặc dân ca, lời của  NS. Vũ Ngọc Toản. Không thể dựa vào đây để nói rằng NS. Vũ Ngọc Toản là người đạo nhạc được.

- Có người đề nghị TTSKLVN nên thu hồi lại kỷ lục được trao cho NS. Vũ Ngọc Toản, vì nghĩ rằng trong số 639 bài được gọi là do chính NS. Vũ Ngọc Toản sáng tác có hiện tượng “nhái nhạc” hay “đạo nhạc” !

Tôi cho rằng đề nghị như thế là quá “vội vã” nếu không nói là “quá chủ quan” khi ta chưa xem qua nội dung nhạc của 639 bài đó thế nào ! Tuyển tập nhạc 639 bài này hiện có lưu trử tại văn phòng của TTSKLVN và tại tư gia của NS. Vũ Ngọc Toản,  tôi đề nghị ai cáo buộc NS. Vũ Ngọc Toản “đạo nhạc” nên đến một trong hai địa điểm trên mượn photo và kiểm chứng lại tuyển tập nhạc này. Nếu phát hiện ra bài nào “nhái” hay “đạo” thì “phê bình” vẫn chưa muộn. Tôi cho rằng ai chưa xem qua danh sách 639 bài nhạc được trao kỷ lục mà cáo buộc vội vã có thể dẫn đến tình trạng “cáo buộc nhầm”, gây ra sự ồn ào và bị đánh giá thấp về thiện chí và động cơ.

- Có người nói thầy thiên vị NS. Vũ Ngọc Toản, sản xuất nhiều album cho ông, trong khi đó không làm cho các nhạc sĩ khác. Có phải đây là lý do của phê phán ?

Tôi không nghĩ đây là nguyên do chính. Mặc dù không phải là nhạc sĩ, ca sĩ, từ năm 1992 tôi đã gắn bó và bắt đầu sản xuất nhạc Phật giáo, như một phương tiện hoằng pháp hữu hiệu, theo tinh thần kinh điển Đại thừa. Cho đến nay, với tư cách giám đốc Âm nhạc Đạo Phật Ngày Nay, tôi đã chủ nhiệm và sản xuất được trên 50 album tân nhạc Phật giáo, 10 album cổ nhạc Phật giáo, trên 50 album tiếng thơ Phật giáo, không ngoài mục đích truyền bá văn nghệ Phật giáo cho những ai hữu duyên với các loại hình nghệ thuật này. Tôi đã chủ nhiệm và sản xuất 3 album do NS. Võ Tá Hân phổ nhạc kinh, 2 album cho NS. Hằng Vang, 2 album cho NS. Giác An, 1 album cho NS. Quý Luân, vài album cho soạn giả Dương Kinh Thành và Thanh Phong. Số lượng album dành cho NS. Vũ Ngọc Toản nhiều hơn. Cái “gút” của các phê phán xung quanh việc xác lập NS. Vũ Ngọc Toản là “nhạc sĩ viết nhiều ca khúc Phật giáo nhất” là do nghĩ rằng NS. Vũ Ngọc Toản là người đạo nhạc. Nếu 639 bài được xác lập kỷ lục không hề chứa các bài “đạo nhạc” thì các cáo buộc và phê phán sẽ phải đến hồi kết thúc.

Tôi mong rằng tất cả chúng ta hãy bình tĩnh, đừng nên vội vã lên án người khác. Thái độ thiếu cẩn trọng đôi lúc gây ra biết bao đổ vỡ không cần thiết trong giới văn nghệ sĩ, vốn đã quá ít ỏi, lại càng trở nên thưa thớt hơn và đau lòng hơn !

Nguồn: http://www.giacngo.vn/thoisu/2009/06/16/57D409/

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/nhac/caobuocNSVuNgocToan.htm

 


Vào mạng: 17-6-2009

Trở về mục "Nhạc Phật giáo"

Đầu trang