Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
KINH TỤNG HẰNG NGÀY
TỔNG HỢP 49 KINH CĂN BẢN CỦA HAI TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO
NAM TÔNG VÀ BẮC TÔNG

Phụ Lục 2
CHÚ THÍCH
MỘT SỐ THUẬT NGỮ VÀ DANH TỪ RIÊNG
(Đọc bằng phông chữ Arial Unicode MS)

Mặc dầu trong Kinh Tụng Hằng Ngày này, soạn giả đã nỗ lực Việt hoá tối đa các thuật ngữ Phật học Hán Việt, nhưng do vì bộ Kinh được nhiều vị Tôn đức phiên dịch, nên vẫn còn một số các thuật ngữ có nguồn gốc từ Sanskrit, Pāli hoặc Hán Việt, được chuyển sang tiếng Việt bằng nhiều từ khác nhau. Do đó, chúng tôi cũng chọn một số thuật ngữ và danh từ riêng tiêu biểu thường lập đi lập lại trong Kinh Tụng Hàng Ngày  này để giải thích sơ bộ, đồng thời đối chiếu với  từ nguyên của nó vốn xuất thân từ Sanskrit hoặc Pāli hoặc các từ đã Hán hoá mà người Việt mình quen dịch và đọc tụng. 

Phần chú thích này chủ yếu giúp cho người đọc tụng có thể hiểu được ý nghĩa của các thuật ngữ Phật học một cách nhanh chóng, nhất là đáp ứng tạm thời cho quý Phật tử nào không có nhiều thời gian tra khảo các thuật ngữ Phật học trong các bộ từ điển Phật học chuyên ngành. Do vậy, các mục từ được giải thích ngắn gọn, không chú trọng đến nội dung chuyên sâu.

Ngôn ngữ Pāli, Sanskrit và hai ký hiệu khác trong phần phụ chú này được mặc ước như sau:

(P) : Pāli;    (S):  Sanskrit;     (S=P): Sanskrit và Pāli giống nhau; 
®:  tham khảo thêm mục từ;   = các hình thức viết khác của một mục từ.

A-hàm   phiên âm của Āgama (S), có nghĩa là bộ kinh hay là tuyển tập các lời dạy của Đức Phật. Giải thích theo quan điểm của ngài Đại sư Trí Khải thì Đức Phật đã tuyên thuyết Kinh A-hàm suốt 22 năm, gồm bốn bộ: Trường A-hàm, Trung A-hàm, Tăng Nhất A-hàm và Tạp A-hàm.  Từ A-hàm (Āgama ) được các nhà Đại thừa sử dụng chỉ cho Kinh bộ, tương  đương với chữ  kinh bộ (Nikāya) trong văn học Pāli.

A-la-hán 阿 羅 漢 phiên âm của Arhat, Arhant (S) hoặc Arahat, Arahant (P), còn một phiên âm không chuẩn xác khác là La-hán. A-la-hán có nghĩa là bậc đáng cúng dường, nên người  Hoa dịch là Ứng Cúng   .  Do vì bậc A-la-hán không còn bị đoạ lạc vào cõi này nữa nên cũng gọi là bậc "Vô Sanh."   .

A-lan-nhã 阿 闌 若 phiên âm của araṇya (S) hoặc arañña (P),   Hán dịch là “nhàn tịch” (nơi thanh tịnh) hay “viễn ly xứ” (nơi xa lánh ồn ào), "Tinh xá" (nơi trong sạch, trang nghiêm) hay "Tự" (chùa), "Viện." (các trung tâm tu học lớn). Tên gọi chung nơi các vị tu sĩ Phật giáo trú ngụ.

A-la-ra phiên âm vắn tắt người Việt của từ Āḷāra-kalāma (P) hoặc Ārāḍa-kālāma (S),Trung Hoa phiên âm là A-la-ma 阿 羅 摩. Ông là vị Thầy đầu tiên của Bồ-tát Tất-đạt-đa đã dạy “Vô sở hữu xứ định” cho Bồ-tát. Đến khi Đức Phật thành đạo thì A-la-ra đã mất.

A-na-hàm 阿 那 含 phiên âm của từ Anāgāmi (S=P).  Vị chứng đắc quả vị này đoạn trừ hoàn toàn năm kiết sử đầu. Khi bỏ báo thân, vị ấy không còn trở lại cõi đời này mà được hoá sanh lên cõi trời Tịnh Cư thuộc Sắc giới, nên còn gọi là "bất lai" 不 來 hoặc bất hoàn   . Ở đó, hành giả chứng quả vị A-la-hán, giải   thoát  vòng luân hồi.

A-na-luật-đà =A-nậu-lâu-đà.

A-nan 阿 難 còn viết là A-nan-đà 阿 難 陀  phiên âm của Ānanda (S=P). Một số Kinh trong Kinh Tụng Hằng Ngày phiên âm là A-nan-đa, đây là cách phiên âm của người Việt. Ānanda là vị thị giả cần mẫn suốt 25 năm cuối của Đức Phật. Tôn giả Ānanda cũng là vị trùng tuyên Pháp tạng trong kỳ kiết tập Kinh điển lần thứ nhất tại hang Thất Diệp thuộc thành Vương Xá vào mùa hạ thứ nhất sau khi Đức Phật vừa Vô dư Niết-bàn. Trường phái Nhất Thiết Hữu Bộ suy cử tôn giả là vị đệ nhị Tổ Sư. Phật giáo Thiền tông Ấn - Hoa cũng suy tôn Ngài là vị Tổ Sư thứ hai.

A-nan-đa = A-nan.

A-na-ru-đa phiên âm của Anaruddha (P), tên của một vị Tỳ-kheo sống rất hoà hợp với hai vị Tỳ-kheo khác trong Kinh Sống và Tu trong Hoà Hợp.

A-nậu viết đủ là A-nậu-đạt 阿 耨 達, phiên âm của Anavatapta (S), Hán dịch là Vô Nhiệt   , tên của ao A-nậu-đạt  trong Hi-mã-lạp sơn, nơi phát nguyên tám con sông lớn của Ấn Độ. Ao này thường được xuất hiện trong Kinh điển Đại thừa dụ cho giáo lý Đại thừa là pháp cao tột, là nơi phát nguyên của vô số pháp môn khác.

A-nậu-lâu-đà 阿 耨 樓 陀 phiên âm của Aniruddha (S) hoặc Anuruddha (P), còn được phiên âm là A-na-luật  阿 那 律 hoặc A-na-luật-đà 阿 那 律 陀.  Tên của một vị đại đệ tử trong thập đại đệ tử của Đức Phật.  Tôn giả được Đức Phật khen ngợi là bậc đạt được Thiên nhãn đệ nhất. Chính tôn giả đã theo dõi các trạng thái thiền định khi Đức Phật xả bỏ báo thân.

Anh em Ca-diếp  chỉ cho ba anh em ruột có  họ là Ca-diếp (S. Kāśyapa), trong Kinh thường gọi là ba anh em tôn giả Ca-diếp, gồm có Ưu-lâu-tần-loa-ca-diếp 優 樓 頻 螺 迦 葉 (S. Uruvilvā-kāśyapa), Na-đề Ca-diếp 那 提 迦 葉  (S. Nadī-kāśyapa) và Dà-da Ca-diếp 伽 加 迦 葉 (S. Gayā-kāśyapa).

A-nhã Kiều-trần-như 阿 若 橋 陳 如 phiên âm từ Ājñāta Koṇḍañña. Từ A-nhã là từ phiên âm của Ājñāta (S) hoặc Añña (P) để suy tôn cho tôn giả Kiều-trần-như (Koṇḍañña) khi tôn giả nghe xong bài pháp đầu tiên của Đức Phật tại Vườn Nai chứng được  pháp nhãn ly trần cấu, nghĩa là chứng được quả vị Tu-đà-hoàn.

A-nu-ra-đa phiên âm của từ Anurādha (P), tên của một vị Tỳ-kheo.

A-ri-tha phiên âm của từ Arittha (P), tên của một vị Tỳ-kheo.

A-tư-đà 阿 斯 陀 phiên âm của từ Atisa  (S=P). Tên của vị tiên tri, tu trên Hy-mã-lạp sơn. Người xem tướng thái tử Tất-đạt-đa và đoán rằng thái tử sẽ thành Chuyển Luân Thánh Vương, nếu xuất gia thì thái tử sẽ trở thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác.

A-tu-la 阿 修 羅  phiên âm của từ Asura (S=P), đôi khi được phiên âm thành A-tu-luân   須 輪 . Hạng chúng sanh này phước báu hơn người, nhưng đức trí kém hơn người. Họ cũng có thần thông và thường gây gỗ đánh nhau với chư thiên. Người nam của cảnh giới này cực kỳ xấu và người nữ cực kỳ đẹp. Đây cũng là một cảnh giới được Đức Phật xếp vào bốn cõi tối tăm, đau khổ.

A-xà-thế 阿 闍 世 phiên âm của từ Ajātaśatru (S) hoặc Ajātasattu (P). Ông là con của vua Tần-bà-sa-la (Bimbisāra) và hoàng hậu Vi-đề-hi (Vidhehi) ở thành Vương Xá thuộc vương quốc Ma-kiệt-đà (Magadha). Ông đã từng nghe lời Đề-bà-đạt-đa (Devadatta) thả voi dữ hại Phật và đã giết chết cha mình để cướp ngôi vua. Sau ông nghe lời cận thần ngự y Kỳ-bà (Jīvaka) đến Đức Phật đảnh lễ sám hối tội lỗi của mình.Đức Phật xác nhận với hội chúng Tỳ-kheo rằng nếu vua A-xà-thế không phạm tội giết cha thì đã chứng được sơ quả khi  nghe xong bài pháp Ngài thuyết. Ông cũng là đại tín chủ ngoại hộ đắc lực nhất cho kỳ kiết tập kinh điển lần thứ nhất.

ba cánh cửa giải thoát dịch từ cụm từ "tam giải thoát môn" 三 解 脫  , gồm có: Không, Vô Tướng và Vô Tác.

ba cõi dịch nghĩa của từ “tam giới”   , gồm có cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc.

ba hữu dịch nghĩa của từ "tam hữu"   , nghĩa là 3 cõi dục, sắc và vô sắc.

ba mươi bảy yếu tố giác ngộ  hay  Ba mươi bảy phẩm trợ đạo dịch nghĩa của cụm từ “tam thập thất trợ đạo phẩm”       助 道  , gồm có Tứ  niệm xứ,  Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ-đề phần, Bát chánh đạo.

ba mươi hai thể trược: tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thần kinh, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mủ, nước ở khớp xương và nước tiểu.

ba sắc thái còn được viết là "Ba luân." Thuật ngữ Pāli là Tiparivaṭṭa, tiếng Hoa dịch là “tam chuyển”     bao gồm: 1. Thị chuyển: Đây là Khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là trạng thái vắng mặt khổ, đây là con đường chấm dứt đau khổ; 2. Khuyến chuyển: Khổ nên biết, nguyên nhân của khổ nên chấm dứt, niết-bàn nên chứng, con đường diệt khổ nên tu; 3. Chứng chuyển: Khổ ta đã biết, nguyên nhân của khổ ta đã dứt, niết-bàn ta đã  chứng và con đường diệt khổ ta đã tu. Chính vì vậy, nên trong các sách Hán thường viết là tam chuyển pháp luân 三 轉    .

ba thừa giáo dịch nghĩa của thuật ngữ “tam thừa giáo” 三 乘 教 nghĩa   là giáo lý của ba thừa, đó là Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ-tát thừa.

Ba Viên Ngọc Quý dịch sát nghĩa của thuật ngữ Tam Bảo 三 寶, xuất phát từ Tri-ratana, Ratna-traya (S),  hoặc Ti-ratana hoặc Ratanattaya (P). Ratana có nghĩa là Viên Ngọc, nên vài nơi dịch danh từ "Tam Bảo"       Ba Viên Ngọc Quý, hoặc dịch thoát là Ba Ngôi Báu.

ba y, một bát  dịch nghĩa của cụm từ "tam y nhất bát"        . Ba y nghĩa là ba bộ y phục che thân của một vị Tỳ-kheo, gồm:  1. Tăng-già-lê còn gọi là Thượng y (S. Saṅghāṭī): y  khoát bên ngoài, chỉ đắp khi lễ Phật, tụng kinh, Bố-tát hoặc khi đi ra đường; 2. Uất-đa-la-tăng  hay còn gọi là trung y (S. Uttarāsaṅga):  giống như cái áo; 3. An-đà-hội hay còn gọi là hạ y (S. Antarvāsa):  như cái quần. Bát là dụng cụ chứa đựng thực phẩm trong khi khất thực.

Bậc Giác Ngộ  dịch nghĩa của thuật ngữ Buddha, Trung Hoa phiên âm là Phật-đà   , gọi tắt là Phật Việt Nam còn phiên âm khác là Bụt. Về sau, danh từ này chỉ chung cho những vị giác ngộ như Phật.

Bạch y   nghĩa là áo trắng, chỉ chung cho hàng cư sĩ tại gia. Áo trắng tượng trưng cho sự tinh khiết.

Ba-ga  phiên âm của Bhaggā (P), tên một bộ tộc và cũng là tên một quốc gia nhỏ nằm giữa Vesāli (P) và Sāvatthi (P).

ba-la-mật 波 羅 密 phiên âm của Pāramitā (S) hoặc Pāramī, Pāramitā (P), Trung Hoa dịch là "đáo bỉ ngạn" 到 彼 岸, nghĩa là "qua / đến bờ bên kia". Dịch chính xác là "hoàn hảo" "tối thắng". Cách dịch "đáo bỉ ngạn" chỉ là cách dịch ý, dùng hình tượng để biểu đạt sự  giải thoát, giác ngộ, qua được sông mê bể khổ. Một vị tu tập 6 pháp hay 10 pháp ba-la-mật theo quan điểm của Phật giáo Đại thừa hoặc 10 pháp ba-la-mật theo quan điểm của Phật giáo Nam truyền có thể qua được sông mê đến bờ giải thoát.

Bà-la-môn 婆 羅 門 phiên âm của Brāhmaṇa (S=P), giai cấp đứng đầu trong bốn giai cấp của xã hội Ấn Độ, có trách nhiệm về việc nghi lễ tôn giáo. Những người trong giai cấp này không hẳn là giới tu sĩ, nhưng họ được đặc ân của thế tập cha truyền con nối. Thuật ngữ Bà-la-môn còn được dịch là Phạm Chí 梵 志.

bàng sanh 螃 生  chỉ chung cho các loài động vật có mặt trong thế giới này, thỉnh thoảng còn được dùng đồng nghĩa với từ súc sanh  畜 生.  Đây là cảnh giới khổ thứ 3 trong 4 cảnh giới: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và a-tu-la.

bánh xe pháp (S. dhammacakra, P. dhammacakka) hay còn gọi là Pháp luân   . Đây là hình ảnh tượng trưng cho toàn thể giáo pháp của Đức Phật.

bất hoàn 不 還 = A-na-hàm.

Bát-đà  phiên âm của   Bhaddhā (P). Tên của hoàng hậu  của vua  Muṇḍa.  

Bạt-đà-bà-la 跋 陀 婆 羅 phiên âm của Bhadrapāla, dịch nghĩa là Hiền Hộ, tên của một vị Bồ-tát trong Kinh điển Đại thừa.

bát-nhã = Trí tuệ tối thắng.

Ba-tư-nặc   斯 匿  phiên âm của  Prasenajit (S)  hoặc Pasenadi (P). Ông là vua nước Kiều-tát-la (Kosalā), một trong những  vị vua hùng mạnh nhất thời Đức Phật và cũng là một trong những vị ủng hộ  Phật pháp đắc lực thời  bấy giờ.

bảy bậc đang còn tu học nghĩa là: người đang hướng đến quả Tu-đà-hoàn, người đã chứng quả Tu-đà-hoàn, người đang hướng đến quả Tư-đà-hàm, người đã chứng quả Tư-đà-hàm, người đang hướng đến quả A-na-hàm, người đã chứng quả A-na-hàm và người đang hướng đến quả A-la-hán.

bảy đại  dịch nghĩa của thuật ngữ thất đại 七 大 nghĩa là bảy yếu tố cấu tạo nên con người và thế giới địa: (thể rắn), thuỷ (thể lỏng), hoả (thể nóng), phong (thể khí), không (hư không, khoảng cách), kiến (tính thấy của nhãn căn=các tế bào thần kinh bên trong), và thức (sự phân biệt do căn tiếp xúc với trần). Thuyết bảy đại được giới thiệu trong các Kinh điển Đại thừa, trong khi trong kinh điển Nikāya chỉ đề cập đến bốn yếu tố đầu.

bảy yếu tố giác ngộ dịch nghĩa của Saptabdhyaṅgāni (S), thuật ngữ Hán Việt là thất bồ-đề phần 七 菩 提 分, thất đẳng giác chi 七 等 覺 支 , thất biến giác chi 七 遍    , thất giác phần 七 覺 分 , thất giác chi pháp 七 覺 支 法 , thất giác ý pháp 七 覺  意 法. Bảy yếu tố giác ngộ này thuộc Đạo đế, bao gồm: trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, niệm, định, xả.

Bích-chi Phật 辟 支 佛  phiên âm của Pratyeka-buddha (S), hoặc Pacceka-buddha (P) vị chứng quả giác ngộ nhờ nhờ quán sát lý duyên khởi, vì thế còn có được gọi là "Duyên Giác Phật" 緣 覺 佛. Bậc Giác Ngộ này tuy chứng được đạo quả nhưng không phát nguyện hoằng hoá độ sanh, mà nhập Niết-bàn nên cũng gọi là "Độc Giác Phật"  獨 覺 佛. 

bồ-đề   phiên âmcủa từ Bodhi (S=P) Trung Hoa, dịch là "giác" , có nghĩa là sự giác ngộ. Tâm bồ-đề có nghĩa là tâm giác ngộ.

Bồ-lân-nại cách phiên âm khác của “Ba-la-nại” 波 羅 奈.  Hai cách phiên âm trên đều xuất phát từ  Vārāṇasī, Varaṇasī (S); hoặc Bārāṇasī (P). Ba-la-nại   được dùng dung thông cho cả thành Ba-la-nại, và quốc gia Ba-la-nại thời cổ Ấn Độ. Đây là nơi Đức Phật chuyền pháp luân lần đầu tiên cho năm anh em tôn giả Kiều-trần-như. Nay người ta vẫn giữ tên cũ là Vārāṇasī, thuộc bang Uttar Pradesh.

bốn câu nghĩa lý  trong Kinh Danh Ngôn Chánh Pháp số  273 có  nghĩa là Tứ Đế (P. saccanaṃ caturo).

bốn chân lý thánh dịch nghĩa của Tứ Diệu Đế       hay Tứ Thánh Đế 四 聖 諦. Trong bản Kinh này nhiều chỗ dịch là: bốn chân lý vi diệu, hay bốn chân lý nhiệm mầu. Bao gồm: chân lý về Khổ (khổ đế), chân lý về nguyên nhân của khổ (tập đế), chân lý về sự tịch tịnh-trạng thái chấm dứt về khổ (diệt đế) và chân lý về con đường dẫn đến sự chấm dứt về khổ (đạo đế) --> Bốn chân lý vi diệu.

bốn chúng gồm có chúng Tỳ-kheo, chúng Tỳ-kheo-ni, chúng Cư sĩ nam và chúng Cư sĩ nữ. Chúng ở đây có nghĩa là cộng đồng hay tập thể gồm bốn người trở lên.

bốn đại  dịch nghĩa của Tứ đại 四 大 1. địa (thể rắn); 2. Thuỷ (chất lỏng); 3. phong (khí); 4. hoả (hơi nóng).

bốn đường ác  gồm có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và a-tu-la.

bốn không sợ sệt thuật ngữ Hán viết là "Tứ vô sở uý"       , dịch nghĩa của cụm từ catvāri vaiśāradyāni (S) hoặc cattāri vesārajjāni (P). Có hai loại Tứ vô sở uý, một loại "Tứ vô sở uý" của Đức Phật và một loại của hàng Bồ-tát. Tứ vô sở uý trong Kinh Hạnh Bồ-tát  chỉ cho “tứ vô sở uý” của Đức Phật.  Tứ vô sở uý của Đức Phật: 1) Nhất thiết trí vô sở uý           : trí tuệ lưu xuất biết hết thảy các pháp tánh tướng của chúng sanh, nên không hề sợ hãi trước đại chúng. 2) Lậu tận vô sở uý         :    Đức Phật đã đoạn tận mọi phiền não trong tâm thức nên không hề sợ hãi dù đứng trước bất cứ hội chúng nào. 3) Thuyết chướng đạo vô sở uý           : Đức Thế Tôn  thuyết về các nguyên nhân dẫn đến đau khổ không hề sợ hãi. 4)  Thuyết xuất thế đạo vô uý             :  thuyết các pháp môn đưa hành giả đến giải thoát, Niết-bàn không hề sợ sệt, vì tự thân đã thể nghiệm và chứng đạt.

bốn lĩnh vực quán niệm thuật ngữ Hán viết là "Tứ Niệm Xứ"     ,  hay còn gọi là bốn pháp quán niệm, nghĩa là hành giả cần phải quán niệm về thân thể, cảm giác, tâm thức và các ý niệm của tâm.

bốn loài chỉ cho bốn hình thức sanh sản, đó là loài sanh ra từ trứng, gọi là "noãn  sanh", loại sanh ra từ bào thai gọi là "thai sanh", loài sanh ra từ nơi ẩm ướt gọi là "thấp sanh" và loài sanh do nghiệp lực và phước đức, tự nhiên mà hoá sanh, gọi là "hoá sanh."

bốn ma dịch nghĩa của cụm từ catvāro mārāḥ (S) hoặc cattāro mārā (P), thuật ngữ Hán gọi là Tứ ma   , gồm có 1) Thiên ma   :  ma Ba-tuần ở cõi Tha Hoá Tự Tại; 2)  Tử ma   : những người chết mà vì quyến luyến tài sản, thân nhân hoặc những người chết oan, tự vẫn, bất đắc kỳ tử mà chưa đi đầu thai được; 3) Ngũ ấm ma       tức là sắc thọ tưởng hành thức, năm thứ này biến hoại, sanh diệt không lường, làm ám chướng trí tuệ của hành giả, nên gọi là ma; 4) Nội ma     nghĩa là các trạng thái tâm lý bất thiện của hành giả.

bốn nhiếp pháp dịch nghĩa của cụm từ Catvāri saṃgraha-vastūni (S) hoặc catthni saṃgaha-vatthūni (P), Trung Hoa  dịch là “tứ nhiếp pháp”     , gồm có bố thí (rộng lượng), ái ngữ (lời nói đàng hoàng, dịu dàng), lợi hành (sẵn sàng giúp đỡ) , đồng sự (chia sẻ ngọt bùi trong mọi tình huống). Trong ngôn ngữ hiện đại, từ này có thể được dịch thành bốn cẩm nang đắc nhân tâm.

bốn ơn nặng dịch nghĩa của "Tứ trọng ân", gồm có ơn Tam Bảo, ơn Thầy Tổ,  ơn cha mẹ,   và ơn quốc gia (hoặc ơn tín chủ).

bốn pháp siêng năng chân chánh dịch nghĩa của cụm từ tứ chánh cần     : 1) Điều thiện đã và đang làm cố gắng làm hơn nữa; 2) Điều thiện chưa làm cố gắng sẽ làm; 3) Điều ác đã và đang tạo cố gắng dứt trừ sớm; và 4) Điều ác chưa phát khởi trong tâm cố gắng không cho phát khởi.

bốn pháp sung túc như ý dịch nghĩa của cụm từ "Tứ như ý túc"       , gồm có: Dục Như Ý Túc, Tinh Tấn Như Ý Túc, Niệm Như Ý Túc Và Xả Như Ý Túc.

bốn tâm cao thượng đó là tâm Từ, tâm Bi, tâm Hỷ và tâm Xả. Bản Hán dịch là "Tứ vô lượng tâm"   無 量  . Bốn tâm này là nhân để sanh vào thế giới Phạm Thiên nên cũng được dịch là "Tứ phạm trú"     .

bốn tâm vô lượng = bốn tâm cao thượng.

bốn thánh dịch nghĩa của Tứ thánh 四 聖, gồm có Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ-tát và Phật.

Bốn thiền sắc giới thiền thứ nhất (sơ thiền), thiền thứ hai (nhị thiền), thiền thứ ba (tam thiền), và thiền thứ tư (tứ thiền).

bốn thiền vô sắc  giới sau khi đã vào ra tự tại 4 thiền Sắc giới từ  thiền thứ nhất đến thiền thứ tư, hành giả nỗ lực bước vào 4 thiền Vô sắc như sau: Không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, và phi tưởng phi phi tưởng xứ.

bốn yếu tố tạo muôn loài trong Kinh Tám Điều Giác Ngộ của hàng Bồ-tát  tức là bốn đại: đất (chất rắn), nước (chất lỏng), lửa (nhiệt lượng) và gió (lực lưu động).

Bồ-tát 菩 薩  Viết đủ là Bồ-đề-tát-đoả   提 薩 埵, phiên âm của Bodhisatva (S), hoặc Bodhisatta (P), Hán văn dịch là “giác hữu tình” 覺 有 情, nghĩa là một người đã giác ngộ, không còn bị sanh tử chi phối. Theo Phật giáo Đại thừa, khái niệm này chỉ cho các vị  đã thành tựu các công hạnh lớn, phát nguyện trở lại cõi này tuỳ duyên hoá độ như Bồ-tát Quán Thế Âm, Bồ-tát Địa Tạng, v.v….Trong trường hợp Kinh Hiền Nhân ở trong Chuyện Tiền Thân của Đức Phật, khái niệm  "Bồ-tát” thuộc cách dùng của Thượng Toạ bộ, chỉ cho quá trình đang tu tập hướng đến giác ngộ tối thượng.

Ca-chiên-diên viết đủ là Ma-ha Ca-chiên-diên 摩 訶 迦 旃 延, phiên âm của Mahākātyāyana (S) hoặc Mahākaccāyana, Mahākaccāna (P). Tên của một trong mười vị đệ tử lớn của Đức Phật, có năng lực luận nghị vô song, được Đức Phật xác nhận là "luận nghị đệ nhất."

Ca-diếp  迦 葉  phiên âm của Kāśyapa (S) hoặc Kassapa (P). Trong Kinh điển Phật giáo có đề cập rất nhiều vị Ca-diếp. Nhưng Kinh điển Đại thừa thường đề cập đến tôn giả Đại Ca- diếp (Mahā Kāśyapa), vị thực hành hạnh đầu-đà đệ nhất trong hàng đệ tử của Đức Phật, là vị triệu tập chúng tăng kiết tập Kinh điển lần đầu tiên tại hang Thất-diệp, cũng là vị tổ thứ nhất theo truyền thống Thiền tông Ấn Hoa.

Ca-diếp Phật 迦 葉 佛 Phật Ca-diếp, tiếng Phạn là Kāśyapa Buddha (S) hoặc là Kassapa Buddha (P).  Đức Phật Ca-diếp là Đức Phật quá khứ trước Đức Phật Thích-ca, thuộc thời Hiền kiếp.

Ca-la-cưu-tôn-đà            phiên âm của Krakucchanda-buddha (S) hoặc Kakusandha-buddha (P)  Tên của một vị Phật quá khứ, còn viết là Ca-la-cưu-đà Phật 迦 羅  鳩 馱 佛  hoặc Câu-lưu-tôn Phật 拘 留 孫 佛 .

cam lộ 甘 露 hay “cam lồ thuỷ” 甘 露 水 nghĩa là những giọt sương trong vắt ngọt ngào dụ cho giáo pháp của Đức Phật có công năng giải trừ nỗi bức não (đau khổ) của chúng sanh.

cận sự  nữ = tín nữ ® ưu-bà-di

cận sự nam = thiện nam® ưu-bà-di

Cấp Cô Độc  給 孤 獨 dịch nghĩa của Aṇathapiṇḍika, nghĩa là người hay ban ơn giúp đỡ những người cô đơn, khốn khổ.  Đây là tên của một nhà triệu phú và cũng là một đại tín chủ cúng dường, ủng hộ   cho Tăng đoàn bậc nhất trong thời Đức Phật còn tại thế. Ông đã bỏ ra cả kho vàng mua khu vườn của thái tử Kỳ-đà và cất một Tinh Xá rất lớn đầu tiên tại nước Kiều-tát-la để cúng dường Phật và chúng tăng.  Trong Phật giáo, Ông là biểu tượng của hạnh ban bố và giúp đỡ chúng sanh. ® Tu-đạt.

ca-sa 袈 裟 phiên âm của kaṣāya (S), kasāya (P) nghĩa là y phục của các tu sĩ.  Cũng được đọc trại thành Cà-sa.

Ca-tỳ-la-vệ phiên âm của Kapilavastu (S) hoặc Kapilavatthu (P). Cung thành của bộ tộc Thích-ca, nay thuộc đất nước Nepal.

Câu-tát-la  枸 薩 羅   phiên âm của Kauśala (S), hoặc Kosalā (P), trung tâm văn hoá lớn nhất thời Đức Phật. Người Hoa thường phiên âm cụm từ Kiều-tát-la 橋 薩 羅 hoặc Câu-tát-la 枸 薩 羅 từ Kauśala (S).

Chánh Biến Tri     (S. Saṃyak-sambuddha; P. Sammā-sambuddha), nghĩa là bậc có trí tuệ đúng đắn và rộng khắp trong mọi lĩnh vực. Một trong mười danh hiệu của Đức Phật.

Chánh Giác     Viết đủ là Chánh Đẳng Chánh Giác, nghĩa là Sự Giác Ngộ  viên mãn không gì so sánh được. Trong một số trường hợp, thuật ngữ Chánh Giác nghĩa là quả vị Giác Ngộ hay là thành Phật quả.

Cha-nu-sô-ni phiên âm của Janussoni, tên của một Bà-la-môn được đề cập trong Kinh Cúng Thí Người Chết.

Châu-lợi-bàn-đặc cũng còn đọc là Chu-lị-bàn-đặc 周 利 槃 特, phiên âm của Cūḍapanthaka, Cullapatka, Kṣullapanthaka, Śuddhipaṃthaka (S) hoặc Cullapanthaka, Cūḷapanthaka (P). Tên của tôn giả đệ tử Đức Phật, vị này bị nghiệp chướng sâu dày, chỉ học một bài kệ mà không thuộc, đọc câu trước, quên câu sau, nhưng do nỗ lực tu tập, cuối cùng cũng chứng được quả vị A-la-hán.

Chiên-đàn     phiên âm  từ  Candana (S=P), một loại cây thơm giống như cây gió, cây trầm ở Việt Nam.

chín bộ pháp tức chín thể loại văn học Kinh điển bao gồm Khế Kinh, Cô Khởi,  Bổn Sự, Bổn Sanh, Vị Tằng Hữu, Nhơn Duyên, Thí Dụ,Trùng Tụng, Luận Nghị. Xem thêm mục Mười hai bộ Kinh.

chín pháp quán tưởng  dịch nghĩa của “Cửu tưởng” 九 想 , nghĩa là 9 pháp quán tưởng trong phép quán "Bất tịnh" để giúp hành giả đoạn trừ các tâm tham dục. Cửu tưởng gồm có 1) Trướng tưởng (Tưởng thấy tử thi trương phồng lên). 2) Thanh ứ tưởng (Tưởng thấy xác chết do dãi dầu sương gió nên biến thành thâm đen). 3) Hoại tưởng (Tưởng thấy tử thi bị huỷ hoại); 4) Huyết đồ tưởng (Tưởng thấy xác chết sau khi huỷ hoại, máu thịt lầy đất); 5) Nùng lạn tưởng (Quán tưởng thấy xác chết bị thối rửa); 6) Hám tưởng (Quán tưởng thấy chim muông đến ăn xác chết); 7) Tán tưởng (Quán tưởng sau khi tử thi bị muông thú ăn, gân cốt đầu mình chân tay bị xâu xé tan nát); 8) Cốt tưởng (Quán tưởng sau khi máu thịt đã hết, chỉ còn đống xương trắng vung vãi); 9) Thiêu tưởng (tưởng thấy xương trắng bị đốt thành tro).

chín thiền định dịch nghĩa của thuật ngữ Cửu định 九 定, tức là 4 thiền định của Sắc giới (tức Sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền), bốn cấp độ thiền định của Vô sắc giới  (tức Không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ định), và diệt thọ tưởng định. 

chư thiên 諸 天 dịch nghĩa của deva (S= P). Chư thiên là chỉ cho các chúng sanh hữu tình có phước đức lớn hơn loài người. Các vị nầy sống dưới sự cai quản của một vị vua có uy đức lớn nhất tại cõi trời vị đó đang ở.

chuyển pháp luân 轉 法 輪 dịch nghĩa của cụm từ Dhamma-cakkappavattana (P), có nghĩa là "Vận chuyển bánh xe pháp."  Cụm từ hình ảnh nầy lúc đầu được dùng để chỉ Đức Phật tuyên thuyết giáo pháp thậm thâm, vi diệu của Ngài lần đầu tiên tại Vườn Nai. Về sau, các hoạt động của Tăng Ni và Phật tử nhằm hướng dẫn người chưa biết Phật pháp vào đạo Phật, đều được gọi là công việc chuyển pháp luân.

Cồ-đàm 瞿 曇  phiên âm của từ Gautama (S) hoặc Gotama (P). Đây là họ của Đức Phật. Các ngoại đạo ít khi tôn xưng Đức Phật là Thế Tôn hay Đức Phật mà thường gọi Ngài bằng họ của Ngài, như Sa-môn Cồ-đàm hoặc Sa-môn Cù-đàm. Trong trường hợp Kinh Hiền Nhân, Cù-đàm là tên của một Phạm-chí cha của Hiền Nhân.

cội Bồ-đề dịch nghĩa của bodhi-druma, bodhi-taru, bodhi-vṛkṣa (S) hoặc bodhi-rukkha (P), nghĩa là cây giác ngộ.  Cây này có tên là Aśvattha (S), với tên khoa học là Ficus religiosa. Đức Phật đã an trụ thiền định 49 ngày đêm và thành đạo ngay dưới cội cây này, nên dân chúng gọi cây này là “cây / cội Bồ-đề."

cõi lành  chỉ chung cho các cõi chư thiên hoặc các cõi Phật ở mười phương.  Vì 4 cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh và  a-tu-la đều bị xếp vào các cõi xấu, cõi bất thiện, chúng sanh trong các cõi đó chịu nhiều đau khổ và ít có duyên tạo công đức. Cõi người thì có cả khổ đau và hạnh phúc, có cả kẻ ác và người lương thiện sống chung. Cõi này không được xếp vào cõi ác mà cũng không xếp váo cõi lành.

con đường tám  nhánh = Bát chánh đạo. 

Cù-đàm = Cồ-đàm.

cưu-bàn-trà  鳩 槃 茶 phiên âm của Kumbhāṇḍa (S) hoặc Kumbhaṇḍa (P) nghĩa là loại quỷ thô bạo, thường hay uống tinh đảm khí của người.

Da-du-đà-la 耶 輸 陀 羅 phiên âm chư Yásodharā (S) hoặc Yasodharā (P). Tên của công chúa con Vua Thiện Giác, kết  duyên với thái tử Tất-đạt-đa, sinh ra La-hầu-la. Sau khi Vua Tịnh Phạn băng hà, bà theo Di mẫu là Ma-ha Ba-xà-ba-đề xuất gia làm đệ tử của Phật, chẳng bao lâu bà chứng được quả A-la-hán .

Đà-hàm = Tư-đà-hàm.

Đà-hoàn = Tu-đà-hoàn.

Đại Phạm = Phạm Thiên.

Đại Thuần-đà  純 陀  phiên âm và dịch nghĩa của Mahācunda (S=P). Tên của một tôn giả được đề cập trong Kinh Tôn Trọng các Pháp Môn, khác với vị đệ tử cúng dường bữa cơm cuối cùng cho Đức Phật.

Đại Tự Tại thiên 大 自 在 天  dịch nghĩa của từ Mahésvara (S) hoặc Mahissara (P). Thường được phiên âm là trời Ma-hê-thủ-la. Đây là cõi trời cao nhất thuộc Sắc giới.

Đà-la-ni 陀 羅 尼 phiên âm từ dhāraṇī (S), có nghĩa là “thần chú." Theo quan điểm của Mật tông, thần chú có khả năng thâu nhiếp được các pháp thiện và có thể đoạn trừ được tất cả các pháp ác.

Đấng Giác Ngộ = Bậc Giác Ngộ.

Đấng Thế Hùng cách tôn xưng khác của hàng Phật tử đối với Đức Thế Tôn.

Đấng Vô Thượng Tôn trong  một số Kinh, thỉnh thoảng dùng cụm từ Vô Thượng Tôn, nghĩa là không ai cao hơn nữa để chỉ cho Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Một số dịch giả dùng   thuật ngữ Chí Tôn để chỉ cho Đức Phật.

danh sắc 名 色  dịch nghĩa của nāmarūpa (S=P) có nghĩa là tinh thần và vật chất tạo nên hợp thể con người. Danh gồm 4 yếu tố Thọ, tưởng, hành và thức là phần tinh thần. Sắc chỉ cho các thân thể. Danh sắc là cách gọi khác của năm tổ hợp nhân thể (ngũ uẩn).

Đao-lợi thiên 忉 利 天 phiên âm và dịch nghĩa của Trāyastriṃśa (S) hoặc Tāvatiṃsa (P), cõi trời Đao-lợi có 33 tầng. Tiếng Hán dịch là Tam Thập Tam Thiên 三 十 三 天, làm cho người đọc dễ có cảm tưởng là cõi trời  tính từ dưới lên trên hay từ trên xuống dưới thì nó thuộc vị trí thứ 33. Trời Đao-lợi là cõi trời thứ 2 nếu tính từ dưới tính lên trong 6 cõi trời thuộc cõi Dục. Đây là cõi trời do Vua Trời Đế-thích trị vì.

đầu-đà phiên âm của dhūta (S=P), nghĩa là hạnh tu của tu sĩ chuyên sống trong rừng, dưới gốc cây, am trống, chòi tranh, chỉ khất thực xin ăn qua ngày, dành trọn thời gian cho việc tham thiền nhập định. Trong các vị đại đệ tử của Đức Phật, tôn giả Đại Ca-diếp được Đức Phật khen ngơị là thực hành hạnh đầu đà đệ nhất.

dạ-xoa    phiên âm yakṣa (S) hoặc Yakkha (P), một âm khác là “dược xoa”   một loài quỷ thần, giống như  La-sát. Dạ-xoa có nhiều loại, có loại Dạ-xoa thiện, cũng có loại Dạ-xoa ác.

đệ nhất nghĩa đế 第 一 義 諦 còn gọi là chân đế, thánh đế, thắng nghĩa đế, niết-bàn, chân như, thực tướng, trung đạo, pháp giới, chân không…, dùng để gọi chung cho chân lý thâm diệu.

đệ tử áo trắng người Phật tử tại gia hay hàng cư sĩ, vốn được dịch thoát từ thuật ngữ "bạch y cư sĩ."

Đề-bà-đạt-đa  提 婆 達 多 phiên âm của Devadatta (S=P). Ông là một trong những người đầu tiên của dòng họ Thích-ca xuất gia làm đệ tử của Đức Phật. Sau khi xuất gia, ông muốn thống lãnh Tăng đoàn, âm mưu hại Đức Thế Tôn nhiều lần và sau khi chết, bị đoạ vào địa ngục.

Đế-thích   còn gọi là Thích-đề-hoàn-nhân hoặc Thích-đề-hoàn-nhơn 釋 提 桓 因 (S. Śakro-devānāmindra). Tên của vị thiên chủ cõi trời Đao-lợi hay cõi trời có 33 tầng.

địa ngục 地 獄 dịch nghĩa của Naraka, Niraya (S)  hoặc  Niraya (P). Đây là cảnh giới đau khổ nhất trong các cảnh giới. Cảnh giới này tương ứng với tâm thức của những người cực ác.

diêm vương   viết tỉnh lược của "Diêm-la vương" 閻 羅 王, phiên âm và dịch nghĩa của Yamarajā  (S=P). Yama phiên âm thành "Diêm-la"    hoặc "Diêm-ma"   , còn Rajā thì dịch nghĩa là "vương." Kinh điển Bắc tạng và các sách chú sớ về sau ở Trung Hoa cho rằng có một vị vua thường gọi là Diêm Vương ở dưới địa ngục để trừng trị bọn người làm ác.

Diêm-phù gọi đủ là "Diêm-phù-đề" 閻 浮 提. Thuật ngữ này là phiên âm của Jambudvīpa (S) hoặc  Jambudīpa (P), có nghĩa là cõi đất này, còn gọi là cõi ta-bà. Đây là một châu trong 4 châu theo thế giới quan Phật giáo. Châu này nằm ở phía Nam của núi Tu-di nên gọi là Nam Thiệm Bộ Châu.  Bốn Châu gồm có Nam Thiệm-bộ Châu, Bắc Câu-lô Châu, Tây Ngưu-hóa Châu và Đông Thắng Thần Châu.

diệt tận định 滅 盡 定 còn gọi là Diệt thọ tưởng định       , trạng thái thiền định vắng mặt hoàn toàn cảm giác và tưởng tượng, hơi thở rất vi tế, gần như là dứt bặt.

Điều Ngự Trượng Phu 調        (S. Puruṣa-damya-sārathi, P. Purisadamma-sārathi): Bậc đã điều phục chính mình và có khả năng điều phục, nhiếp hoá người khác. Một trong mười danh hiệu của Đức Phật.

Di-lặc 彌 勒  phiên âm của Maitreya (S)  hoặc  Metteyya (P), dịch nghĩa là Từ Thị 慈 氏 hoặc Từ Tôn 慈 尊. Tên của một vị Bồ-tát sẽ thành Phật trong kiếp vị lai.

Di-lan-đà  彌 蘭 陀 phiên âm của Milinda (S=P), một vị vua gốc Hy Lạp, thuộc vùng Bactriya. Ông còn được biết với tên khác như là Vua Menander.  Ông là vị vua đa văn, thông thái vào thế kỷ thứ II trướcTL. Cuộc đối đáp của nhà Vua và Tỳ-kheo Na-tiên được biên tập thành tác phẩm Milindapañhā (P), dịch sát nghĩa là Vua Milinda Hỏi Đạo. Bản tiếng Hoa dịch là Di-lan-đà Vương Vấn Kinh .

định   còn gọi là Thiền định, được dịch từ Samādhi (S=P). Đây là một  pháp môn tu tập tâm để làm đình chỉ các vọng động của tâm thức. Thiền gọi đủ là Thiền-na, vốn phiên âm từ tiếng Sanskrit là dhyāna, tiếng Pāli là jhāna. Trung Hoa dịch là "định" hay "tĩnh lự" 靜 濾. Trải qua quá trình dịch thuật, người Hoa đã ghép cách đọc phiên âm và dịch nghĩa thành ra “thiền định." Đây là một quá trình tu tập cần thiết cho các hành giả của bất kỳ pháp môn hay truyền thống nào muốn thanh lọc tâm thức, chứng thành quả vị giải thoát, giác ngộ.

do-tuần 由 旬 phiên âm của Yojana (S=P), âm khác là do-diên 由 延. Đây là đơn vị đo lường địa dư của Ấn Độ cổ đại. Có nhiều thuyết khác nhau cho rằng một do tuần bằng 16 dặm, 30 dặm hoặc 40 dặm.

đoạn kiến 斷 見 quan điểm hay học thuyết cho rằng sau khi chết là hết, không có tái sanh luân hồi. Quan điểm này thì đi ngược lại quan điểm cho rằng có một linh hồn bất tử, thường tại, gọi là "thường kiến" 常 見.

Đồng-nữ Ca-diếp 同 女 迦 葉  phiên âm của từ Kimāra Kassapa (P), còn một phiên âm nữa là Cưu-ma-la Ca-diếp 鳩 摩 羅 迦 葉. Tên của một tôn giả trong Kinh Nghiệp Báo Tái Sinh, tôn giả Kimāra Kassapa đã chứng minh hùng hồn sự tái sanh luân hồi là điều có thật  qua  các minh chứng.

dự lưu 預 流  dịch nghĩa của từ Srotāpanna (S) hoặc Sotāpanna (P). ®  Tu-đà-hoàn.

dục tư duy        nghĩa là suy  nghĩ về các dục lạc đã kinh qua hoặc tưởng tượng các điều  liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến dục. Trong kinh tạng Pāli thường được dịch là "dục tầm." 

dược-xoa 藥 叉  = dạ-xoa.

Duyên Giác 緣 覺 còn gọi là Độc Giác 獨 覺.  ® Bích-chi Phật.

duyệt chúng 悦 衆  nghĩa là vị làm cho đại chúng vui lòng. Trong các khoá lễ tụng, “duyệt chúng" là vị chịu trách nhiệm đánh mõ đứng bên tay trái vị chủ lễ.

Duy-ma-cật 維 摩 詰 phiên âm của Vimalakīrti (S), Hán dịch làTịnh Danh 淨 名, vị  cư sĩ Bồ-tát bổ xứ được đề cập trong Kinh Duy-ma tại thành Tỳ-xá-ly 毘 舍 離 (S. vaiśāli), làm cho cả hội chúng Thanh Văn phải kính nể vì trí tuệ biện tài của Bồ-tát.

duy-na 維 那 từ được kết hợp giữa phiên âm vừa dịch nghĩa của Karmadàna (S). Thuật ngữ karmadāna này được phiên âm sang tiếng Hán là Yết-ma-đà-na 羯 磨 陀 那, vốn có nghĩa là vị quản chúng trong chùa. Chữ "duy"  có nghĩa là "nắm lấy", "quản lý." Các dịch giả Trung Hoa đã ghép lấy hai chữ, một lấy  ý của Karmadāna và cách phiên âm của nó mà tạo thành thuật ngữ mới "duy-na." Đây là một trong 3 chức vị quan trọng trong tự viện của Trung Hoa. Trong các khoá tụng niệm, vị duy-na thường chịu trách nhiệm đánh chuông, đứng bên tay phải của vị chủ lễ.

giải thoát tri kiến 解 脫 知 見 dịch nghĩa của Vimukti-jñāna-darśana-skandha (S), cũng gọi là "Giải thoát sở kiến" 解 脫 所 見,  tức là tri kiến nhận biết mình đã giải thoát, không còn phiền não lậu hoặc, chứng đắc quả A-la-hán hay Phật. Về sau thuật ngữ này còn được dùng để chỉ cho sự buông bỏ tất cả các tri kiến, ngay cả tri kiến về sự chứng đắc.

giải thoát 解 脫 dịch nghĩa của mokṣa, vimokṣa, vimukti hoặc mukti (S); hoặc vimutta, vimokkha, vimutti (P). “Giải thoát” đồng nghĩa với "tự tại", nghĩa là không còn bị các nhiễm ô trong tâm, dứt hết mọi triền phược. Đây là trạng thái tâm lý hoàn toàn không còn khổ não, sầu muộn. Trạng thái tâm lý này tuỳ thuộc vào quả vị của hành giả nên có những cấp độ khác nhau.

giới dịch từ śīla (S) hoặc sīla (P). Trung Hoa phiên âm là  thi-la 尸 羅.  Tức các nguyên tắc đạo đức được Đức Phật quy định cho hai hàng đệ tử xuất gia và tại gia. Giới có nhiều loại và được chia ra nhiều cấp độ khác nhau. Giới có nhiều dạng như giới tướng, giới tánh, giới thể. Trong Kinh Nhật Tụng Hàng Ngày này nhiều chỗ dịch là "nguyên tắc đạo đức."

Gi-ri-ma-nan-đa phiên âm của Girimānanda (P). Tên của một tôn giả đệ tử Phật. Khi vị này bị bệnh nặng, Đức Phật đã tuyên thuyết mười pháp quán tưởng cho tôn giả Ānanda để đến thuyết lại cho Gi-ri-ma-nan-đa. Sau khi nghe tôn giả Ānanda lập lại mười pháp quán tưởng, tôn giả Gi-ri-ma-nan-đa liền khỏi bệnh.

Go-sin-ga phiên âm của Gosinga,  tên khu rừng, nơi ấy 3 vị tôn giả Anurudha, Kimbila và Nandiya sống và tu tập trong hoà hợp , nhờ vậy cả ba đều sống an lạc và chứng đắc giải thoát.

Gô-ta-mi phiên âm của Gotamī (P) hoặc Gautamī (S), thứ hậu của vua Tịnh Phạn. Sau khi hoàng hậu Ma-da băng hà, bà Gô-ta-mi tận tình chăm sóc nuôi nấng thái tử còn hơn con ruột của mình. Sách Hán thường gọi là Kiều-đàm Di mẫu hoặc Ma-ha Ma-xà Ba-đề 摩訶 波闍 波 提. Về sau, bà xuất gia làm đệ tử Phật và trở thành vị Tỳ-kheo-ni đầu tiên.

hà sa 河 沙  chỉ cho số cát trên sông nói chung, từ "hằng sa" cũng chỉ cho cái gì vô số không thể đếm hết  được như số cát trong sông Hằng ở Ấn Độ.  

hai mươi lăm cõi sống  dịch nghĩa của cụm từ “Nhị thập ngũ hữu” 二 十 五 有, gồm có mười bốn cõi  dục, bảy cõi sắc giới, và 4 cõi vô sắc giới.

hai thừa dịch nghĩa của cụm từ nhị thừa 二 乘  Thanh Văn thừa và Duyên Giác thừa.

hận tư duy       suy tư về sự thù hằn hay suy tư về nó để tìm cách trả thù cho hả lòng tự ái, chấp ngã của mình. Trong Kinh Pāli gọi là "sân tầm."

Hằng    恆 河  Sông Hằng, phiên âm và dịch nghĩa của Gaṅgā (S), ngày nay người Ấn viết là  Ganges. Đây là một trong hai con sông lớn nhất ở Ấn Độ. Thời Đức Phật còn tại thế, các lưu vực sông Hằng là nơi dân cư đông đúc. Trong các bài Kinh, Đức Phật thường lấy số cát ở sông này (Hằng hà) để dụ cho số nhiều, đến nỗi không thể tính đếm được.

hành giả 行 者 chỉ cho các vị đang tu tập các pháp môn theo Phật giáo. Đặc biệt là chỉ cho các vị chuyên tham thiền, nhập định. Từ này được dịch từ dhūta (S=P), nghĩa là người mong cầu quả vị giác ngộ mà xả bỏ thân mạng tu hành.

hiền giả 賢 者 bậc hiền. Tiếng Pāli gọi là āsuvo,  từ xưng hô của các vị lớn tuổi đạo gọi các vị nhỏ tuổi đạo hơn, hoặc giữa hai người đồng tuổi đạo.

Hoa Nghiêm  華 嚴 dịch nghĩa của cụm từ Avataṃsaka sūtra (S), tên của một bộ Kinh điển Đại thừa. Theo truyền thống Đại thừa, sau khi Đức Phật thành đạo dưới cội cây Bồ-đề liền quảng thuyết bộ Hoa Nghiêm độ cho vô số Bồ-tát, chư Thiên.

hữu học 有 學 dịch nghĩa của śaikṣa (S) hoặc sekha (P), nghĩa là bậc còn phải học và tu nữa mới chứng được quả A-la-hán. Nói cách khác thuật ngữ này chỉ chung cho các bậc chứng từ quả vị Tu-đà-hoàn, Tư -đà-hàm  và A-na-hàm.

Ka-la-ma phiên âm của Kālāma (P), một sắc dân ở tại Kesaputta, thuộc nưóc Kiều-tát-la.

Kê-sa-pu-ta phiên âm của Kesaputta (P), một thị trấn nhỏ thuộc nước Kosala.

Kế-tân 罽 賓  phiên âm của   Kaśmīra (S) hoặc Kasmīra (P). Vào khoảng đầu thiên niên kỷ thứ hai, Kaśmīra là trung tâm Phật giáo Đại  thừa. Ngày nay, nó cũng được gọi là Kasmir, thuộc vùng Bắc Ấn. 

Khẩn-na-la 緊 那 羅 phiên âm của Kiṃnara (S) hoặc Kinnara (P), dịch nghĩa là phi nhân, một hạng thần, còn gọi là ca thần, một trong 8 loài thần dưới quyền của vua Tứ Đại Thiên Vương.

khất sĩ 乞 士 một trong ba nghĩa của Tỳ-kheo, có nghĩa đen là người hành khất. Trong Phật giáo từ này có nghĩa là một vị xuất gia xin giáo pháp của Đức Phật để nuôi pháp thân huệ mạng, xin thực phẩm của bá tánh để nuôi thân. Trong các bản dịch của HT. Nhất Hạnh, từ khất sĩ thường được thay thế cho từ tỳ-kheo.

khổ uẩn 苦 蘊  còn gọi là khổ ấm 苦 蔭.  "Uẩn" có nghĩa là tích tụ, "ấm" có nghĩa là che đậy. Khổ uẩn được dịch là xác thân nầy khổ, vì có xác thân là có bệnh tật, có đau thương, sầu muộn, có chết chóc chia lìa , nên gọi là "khổ uẩn."

không  dịch nghĩa của śūnyatā (S) hoặc suññatā (P). Khái niệm "không" là chỉ cho bản chất của mọi sự vật hiện tượng là không thực thể, do các duyên tạo thành. Tính chất của mọi sự vật là không thực thể nên cũng gọi là 'không tánh."

không vô biên xứ định 空 無 邊 處 定 (S. Ākāśānantyāyatana dhyāna): một trong bốn cảnh giới thiền của sắc giới.

Kiều-phạm-ba-đề 橋 梵 波 提 phiên âm của Gavāṃpati (S) hoặc Gavāṃpati (P), dịch ý là Ngưu Từ, Ngưu Chủ. Tên của một tôn giả, năm trăm kiếp trước bị đọa làm thân trâu, dầu kiếp này dầu chứng quả A-la-hán nhưng tập khí nhai lại vẫn còn, nên miệng hay nhơi nhơi như trâu nhai thức ăn.

Kiều-trần-như 僑 陳 如 phiên âm của Kauṇḍinya (S), Koṇdanna (P). Tên của một trong năm vị đệ tử đầu tiên của Đức Phật. Tôn giả cũng chính là một trong 8 vị chiêm tinh gia trẻ nhất đã từng đến đoán tướng của thái tử Tất-đạt-đa khi Thái tử vừa mới chào đời.® A-nhã Kiều-trần-như.

Kim-bi-la phiên âm Kimbila (P). Vị Tôn giả này cùng sống rất hoà hợp với hai vị tôn giả khác nữa là Anuruddha và Nandiya trong khu rừng Gosinga. Kimbila (P) và Anuruddha (P) cũng là những người trong nhóm thuộc dòng họ Thích-ca xuất gia theo Phật đầu tiên.

Ko-sa-la phiên âm của Kośalā, Kauśala (S) hoặc Kosalā (P). ® Câu-tát-la

Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên 祗 樹 給 孤 獨 園 dịch nghĩa của cụm từ Jetavanānāthapiṇḍasyārāma (S), hoặc Jetavanāthapiṇḍkārāma (P), nghĩa là vườn rừng của ông Cấp Cô Độc, rừng cây của thái tử Kỳ-đà. Đôi khi, cụm từ Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên được gọi tắt là "Kỳ Viên" hay Kỳ-hoàn." Đây là Tinh Xá đầu tiên tại thành Xá-vệ của nước Kiều-tát-la.

Kỳ Viên ® Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên

Kỳ-đà lâm 祇 陀 林 phiên âm và dịch nghĩa của Jetavanā (S=P). Rừng của thái tử Kỳ-đà. ® Kỳ-đà.

Kỳ-đà 祇 陀 phiên âm của Jeta (S=P). Tên của thái tử, con vua Ba-tư-nặc thuộc nước Kiều-tát-la thời Đức Phật còn tại thế. Ông Cấp Cô Độc đã lót vàng mua khu  vườn rừng của thái tử, và thái tử đã phát tâm cúng dường Đức Phật cùng chúng tăng rừng cây xinh đẹp của mình. ® Kỳ Thọ Cấp Cô Độc Viên.

Kỳ-hoàn     tên của một ngôi Tinh Xá lớn nhất thời Đức Phật còn tại thế.

Kỳ-xà-quật 耆 闍 崛  phiên âm của Gṛdharakūṭa  (S), Gijjhakūṭa (P) dịch nghĩa là Thứu  Sơn hoặc Linh Thứu  Sơn, tên của một ngọn núi  nằm sát kinh đô Vương Xá của Vua Tần-bà-sa-la thuộc nước Ma-kiệt-đà. Theo truyền thuyết có rất nhiều chim Thứu (giống như chim ưng) ở trên ngọn núi này nên gọi là Linh Thứu. Còn một cách lý giải khác là vì núi này có đỉnh núi giống như đầu con chim Thứu, nên gọi là Thứu Sơn. Theo truyền thống Phật giáo Bắc truyền, Đức Phật thuyết hầu hết Kinh điển Đại thừa tại nơi này.

La-duyệt-kỳ  羅 閲 耆 phiên âm của Rājagṛaha (S) hoặc Rājagaha (P), được dịch là Vương Xá. Một trong các đô thị văn hoá lớn thời Phật. ®  Vương Xá.

La-hán 羅 漢 = A-la-hán.

La-hầu-la  羅 候 羅  phiên âm của Rāhula (S=P), con trai của thái tử Tất-đạt đa và công chúa Da-du-đà-la. Khi Đức Phật về thăm quê hương, Ngài đã độ La-hầu-la xuất gia trở thành vị Sa-di đầu tiên. Tôn giả tu mật hạnh và được truy tôn là “Mật hạnh đệ nhất”, một trong mười vị Thánh đại đệ tử của Đức Phật.

La-sát 羅 剎 phiên âm của Rākṣasa (S), một loài quỷ dữ, rất ác độc, thường ăn thịt người. La-sát nữ cực đẹp, còn La-sát nam cực xấu, được diễn tả như mình đen, tóc đỏ, mắt xanh, v.v… .

lậu hoặc     dịch từ  āsrava (S)   hoặc  āsava (P). Lậu là rỉ chảy, sét ghỉ, dơ bẩn. Cũng có nghĩa là si mê, tối tăm. Do đó, thuật ngữ "lậu hoặc" cũng chỉ cho các phiền não nhiễm ô trong tâm. Một bậc chứng quả A-la-hán đã đoạn trừ tất cả lậu hoặc trong tâm.

lậu tận thông 漏 盡 通 còn gọi là Lậu tận trí chứng thông 漏 盡 智 證 通, dịch từ āsrava-kṣyana-jñāna-sākṣātkriyābhijñā (S), nghĩa là thần thông biết rõ tâm không còn vô minh phiền não, đạt đến  giác ngộ viên mãn tối thượng. Đây là thần thông tối thượng nhất trong 6 thông mà một bậc giác ngộ có thể chứng được.

Linh Thụy ® Ưu-đàm.

Lộc Uyển 鹿 宛  hay còn gọi là Lộc dã uyển, dịch từ Mṛgadāva (S), nghĩa là Vườn Nai, nơi Đức Phật chuyển bánh xe pháp lần đầu tiên pháp luân. ® Vườn Nai, Chuyển Pháp Luân.

lục đạo 六 道 sáu đường luân hồi, gồm: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, A-tu-la, nhân  và thiên.

Lưỡng Túc Tôn 兩 足 尊 một danh hiệu khác của Đức Phật, nghĩa là "Bậc đáng được tôn trọng trong loài hai chân", tức loài người. Về sau được hiểu nghĩa bóng là "Bậc đã trọn vẹn hai phương diện, đó là Trí tuệ và Đạo đức."

ma vương   đồng nghĩa với ác ma 惡 魔. Phiên âm và dịch nghĩa của Māra. Nam và Bắc tạng đều ghi Ma vương chỉ cho vị chúa của loài ma. Đây là cảnh giới cao nhất của Dục giới, gọi là Tha Hoá Tự tại Thiên.  Trong các bản chữ Hán thường dịch nghĩa là Ma vương cõi này là Thiên ma Ba-tuần (P. Mara Sainya Pramardana). Theo như Kinh điển ghi lại, khi Đức Phật sắp thành đạo quả vô thượng giác thì chính ma vương Ba-tuần này đã sai khiến con gái của mình đến quyến rủ Đức Phật trở về đời sống thế tục. Sau khi Đức Phật thành đạo thì Ma Vương xuống thỉnh Đức Phật nhập Niết-bàn. Khi Đức Phật tới tuổi 80, Ma vương lại đích thân thỉnh Đức Phật nhập Niết-bàn.  Tuy nhiên, trong một vài ngữ cảnh khác, ma vương cũng chỉ cho các dục vọng nhiễm ô trong tâm thức của mình nên sau này mới phân biệt thành 2 loại ma, tức ngoại ma và nội ma là vậy.

Lâm-tỳ-ni: phiên âm của chữ Lumbini (S=P), tên khu vườn nơi Đức Phật đản sanh, nay  thuộc Nepal.

Ma-da: 麼 耶  phiên âm của từ Māyā (S=P). Hoàng hậu của Ca-tỳ-la-vệ, Mẹ cuả Thái tử Tất-đạt-đa. Sau khi sanh hạ thái tử Tất-đạt-đa được bảy ngày thì bà băng hà và được sanh lên cõi trời Đao-lợi.

Ma-đăng-già 摩 登 伽 phiên âm của Mātaṅga (S=P). Tên của một dòng họ tiện dân thuộc bậc nhất nhì trong hệ thống giai cấp Ấn Độ. Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, nhân danh chỉ cho cô gái sắc nước hương trời của giai cấp mang cùng tên, đã dùng chú thuật mê hoặc tôn giả Ānanda làm tôn giả sắp mất giới thể. Theo truyền thống Phật giáo Nam truyền, thì nàng Ma-đăng-già chỉ thương tôn giả Ānanda và được Đức Phật hoá độ, chẳng bao lâu chứng được Thánh quả A-la-hán.

Ma-hê-thủ-la = Đại Tự Tại thiên.

Mạt-lợi   (cũng thường gọi là Ma-li-ka) phiên âm của Mallikā hoặc Mālikā (S=P),  vợ của vua Ba-tư-nặc nước Câu-sa-la.

Mâu-ni hay Mưu–ni 牟 尼  phiên âm của Muni (S=P).  Có nghĩa là bậc ẩn sĩ, bậc tu hạnh tịch tịnh.  Trung Hoa dịch là "Tịch Mặc"   . Sau khi Đức Phật đoạn trừ được các lậu hoặc, các vận động của nghiệp lực và ý thức tạo tác đều dừng tắt, các hành trong tâm của Ngài được an tịnh, Ngài được tôn xưng với danh hiệu "bậc ẩn sĩ của dòng họ Thích-ca (Thích-ca Mâu-ni).

Minh Hạnh Túc 明 行 足 (S. Vidyā-caraṇa-saṃpanna; P. Vijjā-caraṇa-sampanna), nghĩa là bậc Trí tuệ và đức hạnh viên mãn. Một trong mười danh hiệu của Đức Phật.

Mục-kiền-liên 目 犍 連  phiên âm của Maudgalyāyana (S), hoặc Moggallāna (P). Trong kinh điển Pāli và Sanskrit, Ngài là bậc có thần thông đệ nhất trong hàng đệ tử của Đức Phật.   Ngoài ra, theo kinh điển Đại thừa, Ngài là biểu tượng của hạnh hiếu thảo. Để phân biệt với nhiều vị có cùng họ, nên Ngài thường được gọi là Đại Mục-kiền-liên (S. Mahāmaudgalyāyana).

Mun-đa  phiên âm của Muṇḍa (P), con của Vua Anuruddha, cháu nội của Vua A-xà-thế. Ông giết cha mình  chiếm ngôi và sau này cũng bị chính người con trai của mình  Nāgadāsaka cuớp ngôi. 

mười danh hiệu của Đức Phật gồm: Như Lai, Ứng Cúng,  Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự  Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Xem thêm từng mục liên hệ.

mười địa  thuật ngữ Sanskrit là daśabhūmi, chữ Hán là “Thập địa”   , gồm có Hoan Hỷ, Ly Cấu, Phát Quang, Diệm Huệ, Nan Thắng, Hiện Tiền, Viễn Hành, Bất Động, Thiện Tuệ và Pháp Vân Địa.

mười điều ác ngược lại với mười hạnh lành.

mười hai khía cạnh dịch nghĩa của “thập nhị hành” 十 二    trong Kinh Chuyển Pháp Luân.  Đức Phật thuyết pháp Tứ Đế hoàn thiện trên ba phương diện, đó là chỉ bày (thị chuyển), khuyến tấn (khuyến chuyển) và giới thiệu tự thân Đức Phật đã chứng đạt (chứng chuyển). Bốn đế nhân với ba phương diện thành 12 khía cạnh.

mười hai thể loại kinh tiếng Sanskrit là dvādaśāṅga-buddha-vacana, Hán dịch là “thập nhị bộ Kinh”          hoặc “Thập nhị phần thánh giáo”    分 聖  . Theo quan điểm của Phật giáo Đại thừa thì kinh điển Đức Phật thuyết thuyết trong 49 năm gồm 12 thể loại sau: 1.  Sūtra: Trường hàng     còn gọi là Khế kinh   ,   thuộc văn xuôi. 2. Geya: Trùng Tụng   , loại kệ có tiết điệu được lập lại phần văn xuôi. 3.  Gātha: Cô Khởi   , hay còn gọi là "Cảm hứng ngữ"  , những vần thi kệ do Đức Phật cảm hứng mà trình bày hoặc kể lại cho đại chúng. 4) Avadāna: Thí dụ   :  loại Kinh thuộc ẩn dụ hay dụ ngôn. 5) Nidāna: Nhân duyên     những Kinh nói về nhân duyên khi Đức Phật thuyết pháp. 6) Udāna: Tự thuyết 自 說  những Kinh do Đức Phật tự thuyết, không do ai thỉnh cầu. 7) Jātaka: Bổn sanh     các câu chuyện tiền thân của Đức Phật. 8)  Itivṛttaka: Bổn sự   các công hạnh của Đức Phật khi đang tu hạnh Bồ-tát. 9) Adbhuta-dharma: Vị tằng hữu     :  những điều ít có trong cuộc đời. 10) Vaipulya: Phương Quảng   chỉ cho các kinh căn bản của Đại thừa. 11) Upadeśa: Luận nghị   các bài Kinh có tính chất vấn đáp và lý luận. 12) Vyākarṇa: Ký biệt 記 別 hoặc thọ ký   : lời tiên đoán của Phật về việc các hàng đệ tử thành Phật trong tương lai.

mười hai xứ dịch nghĩa của “thập nhị xứ”, bao gồm 6 căn và 6 trần. Sáu căn gồm: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Sáu trần gồm: hình sắc, âm thanh, mùi thơm, vị ngon, sự xúc chạm êm dịu, các đối tượng của tâm.

mười hạnh lành thuật ngữ Hán gọi là Thập Thiện Nghiệp Đạo. Mười hạnh lành gồm: 1. Không sát sanh; 2. Không trộm cắp; 3. Không tà hạnh; 4. Không nói dối; 5. Không nói khoe khoang; 6. Không nói đâm thọc; 7. Không rủa chửi; 8. Không tham lam; 9. Không sân giận; 10. Không si mê.

mười lực dịch từ “Thập lực” (S. daśabala, P. dasabala), 10 khả năng trí giác của Đức Phật, gồm có 1) Tri giác xứ phi xứ trí lực: trí lực biết về sự vật nào là có đạo lý, sự vật nào là không có đạo lý; 2) Tri tam thế nghiệp báo trí lực: trí lực biết rõ ba đời nghiệp báo của chúng sanh; 3) Tri chư thiền giải thoát tam muội trí lực: trí lực biết các Thiền định và trí lực biết tám giải thoát, ba tam-muội; 4) Tri chúng sanh tâm tính trí lực: trí lực biết tâm tính của tất cả chúng sanh; 5) Tri chủng chủng giải trí lực: trí lực biết mọi loại trí giải của tất cả chúng sanh; 6) Tri chủng chủng giới trí lực: trí lực biết khắp và đúng như thực mọi loại cảnh giới khác nhau của tất cả chúng sanh); 7) Tư nhất thiết chí đạo sở trí lực: trí lực biết hết đạo mà người tu hành sẽ đạt tới, như người tu ngũ giới thập thiện thì  được ở  cõi người, hoặc lên cõi trời, người tu pháp vô lậu thì sẽ chứng đạt Niết-bàn; 8) Tri thiên nhãn vô ngại trí lực: trí lực vận dụng thiên nhãn nhìn thấy sự sinh tử và nghiệp thiện ác của chúng sanh, lại còn biết rõ vô lậu Niết-bàn; 9) Tri túc mạng vô lậu trí lực: trí lực biết túc mạng của chúng sanh, lại còn biết rõ vô lậu Niết-bàn; 10) Tri vĩnh đoạn tập khí trí lực: trí lực có thể biết rõ được như thực đối với mọi tàn dư tập khí sẽ vĩnh viễn đoạn diệt chẳng sinh.

mười nhơn duyên dịch nghĩa của từ Thập nhân duyên    ,  gồm có: danh sắc, thức, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sanh, lão tử, sầu bi khổ ưu não.

mười tám đặc tính của Phật dịch nghĩa của cụm từ “Thập bát bất cộng pháp” 十 八 不 共 法. Đây là 18 đặc tính mà chỉ có Đức Phật mới có, còn các hàng Bồ-tát, Thanh Văn không thể có được. Mười tám đặc tính như sau:  1) Thân vô thất: thân không có sai sót; 2) Khẩu vô thất: miệng không sai sót; 3) Niệm vô thất: ý niệm không sai sót; 4) Vô dị tưởng: không có tư tưởng khác; 5) Vô bất định tâm: Đức Phật dù đi đứng nằm ngồi đều không  lìa Thắng định; 6) Vô bất tri dĩ xả: Phật đối với tất cả các pháp đều biết rõ rồi mới xả bỏ; 7) Dục vô giảm: Phật có đủ điều thiện thường muốn độ cho tất cả chúng sanh, tâm không biết chán; 8) Tinh tiến vô giảm: siêng năng làm các việc thiện không mệt mỏi; 9) Niệm vô giảm; 10) Tuệ vô giảm: chư Phật ba đời, hết thảy trí tuệ sáng ngời, đầy đủ, 11) Giải thoát vô giảm; 12) Giải thoát tri kiến vô giảm; 13) Tất cả thân nghiệp làm theo trí tuệ; 14) Tất cả khẩu nghiệp làm theo trí tuệ; 15) Tất cả ý nghiệp làm theo trí tuệ; 16) Trí tuệ biết đời quá khứ  vô ngại; 17) Trí tuệ biết đời vị lai vô ngại; 18) Trí tuệ biết đời hiện tại vô ngại.

mười tám giới dịch nghĩa của "thập bát giới"   八 界, bao gồm 6 giác quan (lục căn), 6 đối tượng giác quan (lục trần) và 6 thức giác quan (lục thức).

mười tám yếu tố = mười tám giới.

na-do-tha phiên âm của nayuta hoặc niyuta (S), đơn vị đo lường khoảng cách của Ấn Độ, tương đương với 10 vạn dặm của Trung Quốc. Kinh thường ghi con số muôn ức na-do-tha, nghĩa là rất nhiều, không thể tính đếm được.

Na-hàm = A-na-hàm.

Na-ku-la phiên âm của Nakula. Tên của người con trai của hai vị cư sĩ hiểu đạo. Chính thân mẫu Na-ku-la đã thuyết pháp cho thân phụ của Nakula, nhờ đó thân phụ của Na-ku-la hết bệnh. Đức Phật khen ngợi và xác nhận Mẹ của Nakula là một người vợ lý tưởng.

năm căn  tiếng Sanskrit   pañca- Indriya,  tiếng Hoa là "ngũ căn"   nghĩa là năm nhóm căn bản  cần tu tập để đưa hành giả đến giác ngộ,  gồm có:  1) Tín căn (S. Saddhā-Indriya): có niềm tin kiên cố đối với Tam Bảo. 2) Tấn căn (S. Vīrya-Indriya): nỗ lực tu tập thiện pháp. 3) Niệm căn  (S. Smṛti-Indriya): luôn nhớ nghĩ đến lời dạy của Đức Phật. 4) Định căn (S. Samādhi-Indriya): Trụ tâm vào một cảnh. 5) Tuệ căn (S. Paññā-Indriya): nhìn mọi sự vật hiện tượng đúng như bản chất thật của nó.

năm đồng tu tức năm anh em tôn giả Kiều Trần Như đồng tu khổ hạnh với Đức Phật tại Khổ Hạnh Lâm. ® năm anh em Kiều-trần-như.

năm dục dịch nghĩa của ngũ dục   . Theo cả hai truyền thống Kinh điển Nam và Bắc truyền cho rằng: năm dục là sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon, xúc êm dịu. Năm dục cũng còn hiểu là năm đối tượng để thoả mãn của thân và tâm: của cải (tài), sắc đẹp (sắc), tiếng tăm (danh), thực (ăn uống) và ngủ nghỉ (thuỳ).

năm giới  dịch nghĩa là ngũ giới   , nghĩa là năm giới luật hay năm nguyên tắc đạo đức mà một Phật tử phải tuân thủ, bao gồm: không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối và không uống rượu.

năm giới pháp = năm giới.

năm lực tiếng Sanskrit là Pañca bala, tiếng Hoa là "ngũ lực"   nghĩa là năm sức mạnh do tu tập năm căn  viên mãn, đó là: 1) Tín lực (S. Sadhā-bala); 2) Tấn lực (S.Viriya-bala); 3) Niệm lực (S.Smṛti-bala); 4) Định lực (S.  Samādhi-bala) và 5) Tuệ lực (S. Paññā-bala).

năm nguyên tắc đạo đức = ngũ giới.

năm pháp chướng ngại tâm nghĩa là năm phiền não thiêu đốt, trói cột, làm trở ngại cho việc tu tập thiền định của hành giả. Trong Kinh, năm pháp chướng ngại này được gọi là "năm triền cái", thuật ngữ Hán gọi là “ngũ cái”   (S. pañca āvaraṇāni), gồm có: Tham dục (S. rāga-āvaraṇa), sân hận (S. pratigha-aavarṇa), trạo hối (S. auddhatya-kaukṛtya), hôn trầm (S. stāna-middha) và nghi ngờ (S. vicikitsā).

năm sợi dây ràng buộc đầu còn gọi là năm kiết sử đầu, tiếng Hán gọi là "ngũ thượng phần kiết sử". ® năm thứ độn sử.

năm sợi dây ràng buộc sau còn gọi là năm kiết sử sau, tiếng Hán gọi là "ngũ hạ phần kiết sử"     分 結 使 , chúng còn gọi là "lợi sử"   使 vì chúng dễ trừ, gồm có thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và tà kiến.

năm sự ngăn che = năm pháp chướng ngại tâm.

năm thứ độn sử dịch nghĩa của cụm từ pañca- ūrdhvabhāgīta-saṃyojanāni (S),Hán dịch là "ngũ độn sử"    cũng được gọi là “ngũ thượng phần kiết sử”   上 分 結  使  nghĩa là năm thứ phiền não trói buộc con người, gồm có dục tham, sân nhuế, si, mạn, nghi.  Vì chúng rất khó trừ nên gọi là "độn"

năm thứ dục lạc dịch nghĩa của "ngũ dục lạc"       gồm: sắc đẹp, tiếng hay, hương thơm, vị ngon và xúc chạm êm dịu.

năm thứ phước đức cõi người: sống lâu, sắc đẹp, sức khoẻ, an vui và trí tuệ.

năm tổ hợp nhân thể  hay năm nhóm nhân thể dịch nghĩa của từ năm uẩn. Trong một vài chỗ còn viết  là "hợp thể tinh thần và xác thân." Năm hợp thể cấu tạo nên con người, bao gồm, xác thân, cảm giác, ý niệm hóa, sự vận hành và thức phân biệt. ® năm uẩn.

năm uẩn dịch nghĩa của pañca-skandha (S) hoặc pañcakhandhā (P)  tiếng Hoa là "ngũ uẩn" 五 蘊,   hay là "Ngũ ấm" 五 陰, nghĩa là  năm nhóm tích tụ hay năm nhóm che đậy. Trong bản Kinh Nhật Tụng Hàng Ngày này có chỗ dịch là "năm nhóm nhân thể." Năm uẩn gồm sắc uẩn (S. rūpa-skandha), thọ uẩn (S. vedanā-skandha), tưởng uẩn (S. samṃjñā-skandha), hành uẩn (S. saṃskāra-skandha) và thức uẩn (S. vijñāna-skandha).

năm vị Tỳ-kheo đầu tiên dịch nghĩa của cụm từ Pañca bhikṣavaḥ (S) hoặc  Pañca-vaggiyā bhikkhū (P).  Còn gọi là năm anh em Kiều-trần-như: 1. Ājñāta Kauṇḍinya (S),   Añña Koṇḍañña (P) A-nhã Kiều-trần-như 阿 若 僑 陳 如; 2. Āśvajit (S), Assaji (P) Mã Thắng 馬 勝 ; 3. Bhadhrika (S), Bhadiya (P) Bà-đề 婆 提; 4. Daśabala Kāśyapa (S), Dasabala Kassapa (P) Thập Lực Ca-diếp 十 力 迦 葉; 5. Mahānāma Kulika (S) Ma-ha-nam 摩 訶 男.

Nan-đà phiên âm của Nārada (P). Kinh Nhổ Mũi Tên Sầu Muộn đề cập Nan-đà, tên một trưởng lão sống sau thời Đức Phật, khác với tôn giả Nan-đà, người  em cùng cha khác Mẹ với Đức Phật.

Nan-di-ya phiên âm Nandiya (P), tên của một vị Tỳ-kheo sống rất hoà hợp với hai vị khác tên là Anaruddha và Kimbila.

Năng Nhân nghĩa là một bậc có năng lực rộng lớn và có lòng từ bi quảng đại. Đây là danh hiệu của Đức Phật mà người Hoa dịch từ Śākya (Thích-ca).

Na-tiên 那 先  phiên âm của Nāgasena (S=P). Tên của một Tỳ-kheo có tài biện luận, đã thuyết phục được vua Milinda quy y Tam Bảo.

ngạ quỷ  餓 鬼 nghĩa là quỷ đói, vốn từ nguyên của nó là Preta (S) hoặc Peta (P) nghĩa là các loài chúng sanh đã chết chưa đi đầu thai sang kiếp khác. Đây là cảnh giới đau khổ thứ hai tính từ dưới lên.

nghiệp cuối đời tiếng Hán gọi là  "cận tử nghiệp"       (S. maraṇasnṛti;  P. maraṇa-sati), nghĩa là các niệm khởi của người sắp chết tạo thành một động lực, còn gọi là nghiệp. Nghiệp này rất mạnh,   nó thúc đẩy thần thức đi tái sanh vào cõi tương ứng.

ngũ dục 五 欲  = năm thứ dục lạc.

ngũ nghịch   năm tội lớn: giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, làm thân Phật ra máu và phá sự hoà hợp của Tăng chúng. Người nào phạm một trong tội này đều đoạ vào địa ngục Vô Gián (nghĩa là đạ ngục trong đó sự hành phạt không có dừng nghỉ).

ngũ nghiệp 五 業 Trong Kinh Nhận Thức Vô Thường và Đau Khổ,  ngũ nghiệp gồm như sau: thời phân bất định dị thục nghiệp, thuận hậu thứ hậu nghiệp, thuận hiện pháp thụ nghiệp, thuận thứ sinh thụ nghiệp

ngũ phần hương 五 分 香 năm loại hương cúng dường chư Phật, đó là  hương của giới,  hương của định, hương của tuệ, hương của giải thoát, hương của giải thoát tri kiến.

ngũ thông     năm thần thông do công phu tu tập các loại thiền định mà đạt được, đó là thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, thần túc thông và túc mạng thông. Năm loại thần thông này một vị còn lậu hoặc phiền não cũng có thể đạt được (trong khi lậu tận thông chỉ có Đức Phật và các vị A-la-hán mới chứng được).

ngũ uẩn = năm uẩn.

Như Lai 如 來  dịch nghĩa của Tathāgata (S=P), một trong mười danh hiệu của Đức Phật. Danh hiệu nầy là từ xưng mình của Đức Phật đối với các hàng đệ tử. Kinh Kim Cang định nghĩa bậc "vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai" nghĩa là bậc từ không có chỗ đến mà cũng không có chỗ đi, gọi là Như Lai. Một số Kinh điển Bắc truyền viết về  trạng thái của Như Lai như sau: Như Lai là trạng thái cao quý, Như Lai là trạng thái mát mẻ, Như Lai là trạng thái không nóng bức, Như Lai là trạng thái không còn khóc than. Kinh tạng Pāli định nghĩa Như Lai là một bậc làm sao nói vậy, nói sao làm vậy.

nhứt hoàn 一 還 = Tư-đà-hàm.

nhứt thiết chủng trí,  cũng đọc là Nhất thế chủng trí 一 切 種 智  tức trí tuệ vô lậu rốt ráo của chư Phật Thế Tôn.

nhứt thừa 一 乘 dịch nghĩa của ekayāna (S), nghĩa là người học Phật học hỏi và tu tập theo giáo pháp của Đức Phật với mục đích duy nhất là để thành Phật, nên nhiều chỗ gọi là "Phật thừa" Buddha-yāna.

Niết-bàn phiên âm của Nirvāṇa (S) hoặc Nibbāna (P). Đây là trạng thái tịch tịnh vắng lặng của một bậc A-la-hán, nên người Hoa cũng dịch là "tịch tịnh" 寂 淨.  Niết-bàn có hai loại: hữu dư Niết-bàn (S. Rupadhiśeṣa-nirvāṇa): trạng thái Niết-bàn chứng được ngay khi hành giả  còn sống, còn có thân thể năm uẩn. Vô dư Niết-bàn (S. Nirupadhiśeṣa-nirvāṇa): trạng thái Niết-bàn chứng đạt ngay khi hành giả từ bỏ cõi sống, từ bỏ xác thân. Trạng thái này không thể diễn đạt bày bằng ngôn ngữ mà phải thân chứng. Khái niệm này thường để chỉ cho Đức Phật khi qua đời, Trung Hoa dịch là "diệt độ"  滅 度 hoặc "thị tịch" 示 寂.

Ô-sô-sắt-ma 烏 芻 瑟 摩  còn được phiên âm là Ô-sô-sa-ma 烏 芻 沙 摩  phiên âm của Ucchuṣma (S). Tên của một vị Bồ-tát được đề cập trong Kinh Lăng Nghiêm.

Phạm Chí 梵 志  thuật ngữ này dịch nghĩa của từ  Bà-la-môn (S. Brāhmaṇa). Tuy nhiên,  thuật ngữ này chính xác là dịch từ Brāhmacārin (S), cũng có nghĩa là "phạm hạnh"   . Tên gọi một vị Bà-la-môn ở trong giai đoạn cuối của đời người theo truyền thống của họ. Theo họ, đời người có bốn giai đoạn như sau: Giai đoạn một từ 8 tuổi đến 20 tuổi theo các danh sư học Kinh điển Veda. Giai đoạn hai từ hai mươi tuổi trở lên được quyền lập gia đình, sinh con cái, lo làm ăn; giai đoạn 3 là phải đóng góp công sức xã hội khi tuổi đã quá trung niên; giai đoạn 4 là giai đoạn về già, xuất gia làm sa-môn khổ hạnh, giai đoạn này gọi là Saṃyāsin.  Chính giai đoạn này, một Bà-la-môn được gọi là "phạm chí."

Phạm thiên 梵 天 viết đủ là phạm-ma thiên   摩 天 . Thuật ngữ  Brahmā (S=P) được phiên âm là  phạm-ma   là vị Trời có uy lực lớn nhất trong Sắc giới. Phạm Thiên cũng được tôn xưng là Đại Phạm Thiên 大 梵 天, hay là phạm vương   . Theo quan điểm của đạo Bà-là-môn, Phạm thiên là vị chúa tể của trời đất, vị sáng tạo vũ trụ. Đức Phật chỉ xác nhận Phạm thiên là một vị có phuớc đức lớn trong cõi dục, hoàn toàn không phải là đấng Tạo Hoá hay đấng Sáng Tạo. Trong Kinh điển Phật giáo, Phạm Thiên là người thỉnh cầu Đức Phật chuyển pháp luân, ngay sau khi ngài thành đạo.

Phạm vương 梵 王 cách gọi khác của Đại Phạm Thiên Vương 大 梵 天 王,  vua cõi trời Sắc giới. Vua Đại Phạm tu tập tâm: Từ, Bi, Hỷ, Xả nên bốn pháp môn tu tập này cũng gọi là “Tứ phạm trú."     . Vị thiên chủ này đã phát nguyện hộ trì những vị vâng giữ lời Phật dạy.

pháp ấn     thường gọi là “Tam pháp ấn”     , nghĩa là ba thuộc tính của mọi sự vật hiện tượng, đó là: vô thường, khổ và vô ngã. Trong văn học Phật giáo Việt Nam, thuật ngữ này được dùng để chỉ ba dấu ấn xác minh giáo pháp của Đức Phật khác với giáo lý của ngoại đạo, vì giáo pháp của Đức Phật luôn đề cập đến ba thực tính  của mọi sự vật hiện tượng.

pháp cao thượng theo quan điểm của Phật giáo, một vị hành giả đạt được các pháp cao thượng, tức vị ấy thành tựu các pháp dẫn đến đoạn trừ năm triền cái và chứng đạt các quả vị thiền định từ Sơ thiền đến Tứ thiền, tiến đến Diệt thọ tưởng định, thành tựu từ Sơ quả đến Tứ quả.

Pháp Hoa 法 花  viết đủ là Diệu Pháp Liên Hoa Kinh 妙 法 蓮 花 經, dịch nghĩa của cụm từ Saddharma-puṇḍarīka sūtra (S) có nghĩa là Kinh Hoa Sen Chánh Pháp. Tên gọi một bộ Kinh căn bản của Đại thừa và cũng là Kinh nền tảng của tông Thiên Thai ở Trung Hoa và Nhật Bản.

pháp hữu vi     tiếng Sanskrit là saṃskṛta-dharma nghĩa là các pháp do các nhân duyên phối hợp mà thành. Nói chung mọi sự vật hiện tượng đều gọi là pháp hữu vi, ngoại trừ 3 hoặc 6 pháp thuộc thể Niết-bàn thì gọi là pháp Vô vi.

pháp thân 法 身 tiếng Sanskrit là Dharmakayāya, nghĩa là thân thường trú bất sanh bất diệt của Đức Phật. Thân này không bị già chết chi phối.

pháp vô vi chữ Hán viết là Vô vi pháp 無 為 法 dịch nghĩa từ Asaṃskṛta-dharma (S), nghĩa là các pháp không bị tạo tác. Theo quan điểm của Duy Thức Học vô vi pháp  gồm có 6 pháp, theo Câu-xá tông pháp vô vi gồm 3 pháp. Vô Vi có lúc được hiểu như cảnh giới Niết-bàn tịch tịnh.

Phật Nhiên Đăng  chữ Hán viết là Nhiên Đăng Phật 然 燈 佛  dịch nghĩa của Dīpaṃkara Buddha (S). Phật Nhiên Đăng là Đức Phật quá khứ đã thành đạo từ vô lượng kiếp về trước, đã thọ ký cho Đức Phật Thích-ca sẽ   thành đạo lúc Đức Phật Thích-ca là một chàng thanh niên mua hoa cúng dường Ngài trong tiền kiếp. 

phát tâm lớn nghĩa là phát tâm giác ngộ để độ tất cả chúng sanh đồng vào quả vị giác ngộ tối thượng. Trong các Kinh Đại thừa khi nói đến "phát tâm lớn" cũng có nghĩa là phát tâm Bồ-đề, hay nói cách khác là phát tâm cầu quả vị giác ngộ tối thượng.

Phật Tỳ-xá-phù  viết theo cấu trúc chữ Hán là     浮 佛, phiên âm của Viśvabhuk (S) hoặc Viśvabhū (P), tên của một vị Phật trong thời quá khứ.

Phật-đà 佛 陀 phiên âm của người Trung Quốc về chữ Buddha (S=P), nghĩa là Bậc Giác Ngộ, viết tắt là Phật,  Việt Nam phiên âm là Bụt.

phi tưởng phi phi tưởng xứ định        非 想    (S. Naiva saṃjñāsaṃjñāyatana dhyāna): một trong 4 cảnh giới thiền của sắc giới.

phiền não 煩 惱  dịch nghĩa của kleśa (S) hoặc kilesa (P). Các trạng thái tâm buồn phiền, nóng giận, tham lam, v.v… những tâm lý bất an của con người gọi chung là phiền não.  Một số nhà Phật học dùng từ “phiền não"  để chỉ cho nhân tạo tác các bất thiện nghiệp, được xem đồng nghĩa với "lậu hoặc."

Phổ Hiền 普 賢 dịch nghĩa của Samantabhadra (S) hoặc Viśbhadra (S), tên của một vị Bồ-tát. Ngài tượng trưng cho các hạnh nguyện hoàn hảo của các vị Bồ-tát. Ngài cỡi bạch tượng, thường đi song đôi với Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi, tượng trưng cho trí tuệ.

Phú-đơn-na phiên âm của Pūtana (S), một loài quỷ vô lương, thường gây bệnh tật cho loài người.

Phú-lâu-na Di-đa-la-ni-tử 富 樓 那 彌 多 羅 尼 子 = Phú-lâu-na.

Phú-lâu-na gọi đủ là Phú-lâu-na Di-đa-la-ni-tử 富 樓 那 彌 多 羅 尼 子, phiên âm của Pūrṇa Maitrāyaṇīputra (S) hoặc Puṇṇa Mantāniputta (P), tên của một vị trong mười vị đại đệ tử của Đức Phật. Tôn giả được Đức Phật xác nhận là vị thuyết pháp số một.

Pi-ja-ka phiên âm của Piyaka (P), ông là quan đại thần chịu trách nhiệm coi ngó ngân khố thành Vương Xá dưới triều đại của vua Muṇḍa.

Quả Vào Dòng nghĩa là người đã vào dòng Thánh. Thuật ngữ Hán thường dịch là "Dự lưu quả"     , hoặc là "Tu-đà-hoàn quả"       . Quả vị nầy đoạn được 3 loại phiền não thô nhất, đó là Thân kiến, nghi và giới cấm thủ. Hay nói cách khác, người chứng đạt vào quả vị nầy thấy rõ thân năm uẩn nầy là không thật; có niềm tin bất thối chuyển đối với giáo Pháp; và uyển chuyển linh động trong cách thọ trì giới pháp.

Sa-bà  ®  Ta-bà.

sám-hối phiên âm và dịch nghĩa của Kṣama (S), ban đầu các nhà Phật học Trung Hoa phiên âm chữ kṣama là "sám-ma"  懺 摩,  nghĩa là xin người khác tha lỗi cho mình lỡ phạm. Về sau học giả Trung Hoa dịch là "hối quá." Sau để cho Hán hoá các từ có gốc tiếng nước ngoài, người Hoa dịch thành "sám hối." Nghĩa là ăn năn lỗi trước đã lỡ phạm và nguyện chừa không tái phạm nữa.

sa-môn  沙 門  phiên âm của śramaṇa (S), samaṇa (P). Thuật ngữ Sa-môn dùng chỉ chung cho giới tu sĩ không tin vào thẩm quyền kinh điển Vệ-đà của đạo Bà-la-môn trong thời Đức Phật. Các tu sĩ ngoại đạo thời đó thường gọi Đức Phật là Sa-môn Cồ-đàm hay bậc Đại Sa-môn. Trong khi đó, Đức Phật thường gọi các đệ tử nam của mình là Tỳ-kheo và các đệ tử nữ là Tỳ-kheo-ni. Về sau, từ này được sử dụng để chỉ chung cho các vị cao tăng.

Sa-nặc 車 匿  phiên âm của Chandaka (S) hoặc Channa (P), người hầu giữ ngựa trung thành của thái tử Tất-đạt-ta. Sau này ông cũng xuất gia theo Đức Phật, nhưng rất cứng đầu, ngạo mạn. Đức Phật trước khi tịch còn dặn đại chúng là phải dùng phép mặc tẫn (không nói chuyện) với Sa-nặc để hành phạt ông. Tuy nhiên, sau đó tôn giả nỗ lực tu tập và cuối cùng cũng chứng quả A-la-hán.

Sanh chủ 生 主  dịch nghĩa của PhạmThiên. Quan niệm của Bà-la-môn giáo cho rằng Phạm Thiên là đấng Tạo Hoá, đấng Sáng Tạo, đấng Tạo Dựng sinh ra muôn loài vạn vật nên có tên là Sanh Chủ. Đức Phật phủ nhận quan điểm này.

San-khê-da phiên âm của từ Saṅkheyya (P), viết đủ là Saṅkheyya-pariveṇa, phiên âm theo tiếng Hoa là San-khế-đa. Tên ngôi chùa của Tỳ-kheo Na-tiên trú ngụ thuộc vùng Sāgala.

sát-đế-lợi   帝 利 phiên âm của kṣatriya (S) hoặc khattiya (P), nghĩa là giai cấp võ tướng, quý tộc, nắm hết mọi quyền chính trong quốc gia. Đây là giai cấp thứ hai trong bốn giai cấp thời Ấn Độ cổ. 

sát-na 剎 那 phiên âm của kṣaṇa (S) chỉ cho thời gian ngắn nhất mà con người có thể tưởng tưởng được.

sáu ba-la-mật dịch nghĩa của "lục ba-la-mật" 六 波 羅 密, gồm: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ.

sáu cõi trời dục giới bao gồm trời Tứ Thiên Vương,  trời Đao-lợi, trời Dạ-ma, trời Đâu-suất, trời Hóa Lạc, trời Tha Hóa Tự Tại.

sáu đường dịch nghĩa của "lục đạo" 六 道, gồm có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, nhân và thiên.

sáu giác quan dịch nghĩa của từ Lục căn  六 根:  mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

sáu nhập = sáu giác quan.

sáu phàm dịch nghĩa của “lục phàm” 六 凡, gồm có địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a-tu-la, nhân và thiên.

sáu yếu tố tạo nên thế giới và con người, gồm: đất, nước, gió, lửa, hư không và tâm thức.

Sa-va-thi phiên âm từ Savatthi (P) = Xá-vệ

Sĩ-đạt-ta phiên âm của Siddhātha (S) hoặc Siddhattha (P), còn được phiên âm là Tất-đạt-đa, tên của Đức Phật khi còn là thái tử, Hán dịch nghĩa là “Nhất thiết sự thành”       , nghĩa là mọi sở nguyện đều được thành tựu.

súc sanh 畜 生 = bàng sanh.

Su-cha-ta phiên âm của Sujātā (P). Tên em gái út của đại nữ tín chủ Visākhā, sau cô là con dâu của cư sĩ Cấp Cô Độc.

Ta-bà hay còn viết là sa-bà  娑 婆  phiên âm của Sahā (S=P), vốn nó xuất phát từ Sahā-lokadhātu (S), nghĩa là thế giới chịu nhiều kham nhẫn, đau khổ. Đây là cảnh giới loài người đang sống, tức là hành tinh của chúng ta.

Ta-la phiên âm của Sāla (P), hoặc Śāla (S). Tên của một loại cây có tên khoa học là Shorea Robusta. Đức Phật vô dư niết-bàn tại rừng cây này.

Tam Bảo 三 寶  dịch nghĩa của Tri-ratana (S), nghĩa là Ba Ngôi Báu, dịch cách khác là Ba Điều Quý Báu, đó là Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo.

tâm bồ-đề cấu trúc chữ Hán là: Bồ-đề tâm 菩 提  dịch  từ chữ Bodhicitta (S), nghĩa là tâm hướng đến mục tiêu giác ngộ.

tám chánh đạo còn gọi là Bát Thánh đạo, gồm có chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và chánh định.

tám đường chánh = tám chánh đạo.

tám giải thoát dịch nghĩa của cụm từ “Bát giải thoát” 八 解 脫 , gồm có 1) Nội hữu sắc tưởng quán ngoại sắc giải thoát; 2) Nội vô sắc tưởng quán ngoại sắc giải thoát; 3) Tịnh giải thoát thân tác chứng cụ túc trụ; 4) Không vô biên xứ giải thoát; 5) Thức vô biên xứ giải thoát; 6) Vô sở hữu xứ giải thoát; 7) Phi tưởng phi phi tưởng xứ giải thoát; 8) Diệt thọ tưởng định thân tác chứng cụ trụ.

Tam Thế Phật 三 世 佛 Nghĩa là chư Phật trong ba đời. Chư Phật trong quá khứ như Đức Phật Tỳ-bà-thi, Thi-khí, Tỳ-xá, Ca-la-tôn-đại, Câu-na-hàm, Ca-diếp. Đức Phật thời hiện tại là Đức Phật Thích-ca Mâu-ni. Đức Phật tương lai sẽ là Đức Phật Di-lặc.

Tam y 三 衣 gồm có  1. Y tăng-già-lê 僧 伽 梨 (S= P. Saṅghāti), 2. Uất-đa-la-tăng         (S=P. uttarāsaṅga), 3. An-đà-hội      (S=P. antaravāsa). ®  ba y một bát.

tam-ma-bát-đề 三 摩 鉢 提  phiên âm của Samāpatti (S=P), hoặc  Tam-ma-bát-để 三 摩 鉢 底, hoặc Tam-ma-bạt-đề 三 摩 拔 提,  dịch ý là “đẳng chí”  hoặc “chánh thọ." Tên một phương pháp thiền định.

tam-ma-đề = tam-ma-để.

tam-ma-đề phiên âm của Samādhi (S=P), nghĩa là định. Samādhi được người Hoa phiên âm nhiều cách khác nhau như tam-muội 三 昧, tam-ma-đề 三 摩 提, tam-ma-địa 三 摩 地.  ®  Định.

tam-ma-địa = tam-ma-đề.

tam-muội = tam-ma-để.

tăng thượng mạn       một trong 7 loại kiêu mạn: khi tự thân chưa chứng Thánh quả mà tự xưng đã chứng Thánh quả. Trong Kinh Pháp Hoa, thuật ngữ này chỉ chung cho các hàng Thanh Văn, Duyên Giác không chấp nhận học thuyết một Phật thừa và nghĩ rằng quả A-la-hán mà mình chứng đắc không gì khác với quả Phật cao siêu.

tăng-già-lê 僧 伽 梨 phiên âm của saṅghāṭī (S=P), nghĩa là thượng y. Thời Phật còn tại thế, chư tăng khi đi ra ngoài khất thực hoá duyên thì mặc y này. Ngày nay chư tăng đắp thượng y khi lên chánh điện lễ Phật, tụng kinh, bố-tát hoặc khi đi ra đường.

tăng-kỳ kiếp viết đủ là a-tăng-kỳ kiếp 阿 僧 祇 劫. A tăng-kỳ là phiên âm của asaṃkhya  (S=P) nghĩa là vô số, nên a-tăng-kỳ-kiếp nghĩa là vô số kiếp. Theo số học Ấn Độ, một a-tăng-kỳ là 1 tỷ cộng thêm 26 số không phía sau, hoặc mười luỹ thừa 34.

Tất-lăng-già-bà-ta cũng đọc là Tất-lăng-già-bà-sa 畢 陵 伽 婆 蹉,  phiên âm của Pilinda-vatsa (S) hoặc Pilinda-vaccha (P). Tên của một vị Tỳ-khưu đã chứng Thánh quả A-la-hán nhưng thường hay chửi mắng, vì tập khí 500 đời quá khứ thường sanh vào dòng dõi Bà-la-môn có uy quyền còn sót lại, nên đến khi tu hành đắc đạo nhưng vẫn sử dụng ngôn ngữ chỉ thị hoặc mắng rủa trong quá trình hành đạo.

Tệ-túc 弊 宿 phiên âm của Pīyāsi (P). Theo Kinh Tệ Túc thuộc Trường A-hàm, ông là một Bà-la-môn. Theo Kinh Tệ Túc thuộc Trường Bộ, ông là một chư hầu nhỏ dưới quyền cai trị của vua Ba-tư-nặc thuộc nước Câu-sa-la thời  Đức Phật. Ông cật vấn  tôn giả Kimāra Kassapa (Đồng-nữ Ca-diếp) về vấn đề tái sanh, luân hồi. Sau buổi pháp đàm đó, ông xin quy y Tam Bảo trọn đời.

Thắng Man 勝 鬘   dịch nghĩa của Mālyaśrī (S), nghĩa là “vòng hoa đẹp." Tên của công chúa con vua Ba-tư-nặc và Mạt-lợi phu nhân. Bà là hoàng hậu của nước A-du-đà (S. Ayodhiyā). Bài kinh mang cùng tên là bài kinh do phu nhân nói dưới sự chứng minh của Đức Phật.

thánh đa văn đệ tử  viết theo cấu trúc chữ Hán là “Đa văn Thánh đệ tử”         nghĩa là một vị đệ tử  của Đức Phật đã đạt được một trong 4 quả Thánh, tinh thông giáo pháp  và có khả năng diễn giảng giáo pháp của Đức Phật dưới nhiều khía cạnh khác nhau.

thánh nhân     dịch nghĩa của chữ ārya (S=P). Theo quan niệm của Phật giáo, hành giả nào đã chứng được quả Dự Lưu trở lên được gọi là Thánh nhân.

Thanh Văn 聲 聞 dịch nghĩa của Śrāvaka (S) hoặc Sāvaka (P), nghĩa là các vị sau khi  nghe xong  giáp pháp của Đức Phật, chứng quả A-la-hán, nhưng chưa chứng được quả vị giác ngộ tối thượng. Theo cách phân chia giáo pháp của các nhà Đại thừa, thì giáo pháp của Đức Phật chia thành  5 nhóm tương ứng với năm đối tượng: Nhân thừa,Thiên thừa, Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa và Bồ-tát thừa.

Thế Gian Giải       (S. Lokavid, P. Lokavidū): Bậc tinh tường và giải thông hết thảy những sự việc ở thế gian. Một trong mười danh hiệu của Phật.

thế giới ba nghìn tiếng Hán là “tam thiên đại thiên thế giới”           . Theo thế giới quan Phật giáo, một quả địa cầu là một thế giới, gộp 1000 quả địa cầu lại thành một tiểu thiên thế giới. Gồm một ngàn Tiểu thiên thế giới thành một Trung thiên thế giới. Gồm một ngàn Trung thiên thế giới thành một Đại thiên thế giới. Như vậy Tam thiên đại thiên thế giới có nghĩa là thế giới gồm chung cả Tiểu thiên, Trung thiên và Đại thiên.

Thế Tôn 世 尊   dịch nghĩa của Lokanātha (S), hoặc Bhagavā (S=P), có nghĩa là bậc được thế gian tôn trọng. Thỉnh thoảng trong các bản chữ Hán và vài bản dịch tiếng Việt giữ nguyên cách phiên âm của Bhagavā là Bạt-già-phạm 薄 伽 梵. Đây là một trong mười danh hiệu của Đức Phật. Danh hiệu nầy còn là từ tôn xưng của hàng đệ tử đối với Đức Phật.

Thích-đề-hoàn-nhân hay Thích-đề-hoàn-nhơn 釋 提 桓 因  phiên âm của cụm từ Śakro-devānāmindra. Cũng gọi là   Đế-thích 帝 釋 , vị vua cai trị cõi trời có 33 tầng. ® Đao-lợi.

Thiện Giác hay còn gọi là Thiện Giác Vương 善 覺 王 dịch nghĩa của từ Suprabuddha (S), Suppabudha (P). Ông là cha của công chúa Da-du-đà-la.

thiện nam tử 善 男 子 1. viết đủ của "thiện nam" nghĩa là một người cư sĩ nam quy y Tam Bảo; 2. Trong một số kinh điển Đại thừa, thuật ngữ này chỉ chung cho các hàng Bồ-tát.

thiện nam 善 男 dịch nghĩa của Upāsaka (S=P) phiên âm Hán Việt là Ưu-bà-tắc 優 婆 塞, nghĩa là một người nam đã phát nguyện quy y Tam Bảo, vâng giữ học giới, làm các điều thiện theo lời Phật dạy, và hay giúp đỡ chư tăng  nên Trung Hoa còn dịch là "cận sự nam" 近 事 男.

Thiên Nhân Sư 天 人 師  (S. Śastā devamanuṣyāṇām, P. Satthā-deva-manussaanaṃ), bậc Thầy của trời người. Một trong mười danh hiệu của Đức Phật.

Thiện Sanh  善 生 dịch nghĩa của Sīṅgālaka (S) hoặc  Singālaka (P),   âm Hán Việt là Thi-ca-la-việt 尸 迦 羅 越. Thiện Sanh là tên của một cư sĩ thời Đức Phật đã nghe theo lời cha dặn trước khi qua đời lễ bái sáu phương để báo hiếu, sau được Đức Phật hoá độ.

Thiện Thệ      (S=P. Sugata) Nghĩa là bậc khéo vượt qua sông mê bể khổ, cảnh giới luân hồi. Một trong mười danh hiệu của Đức Phật.

thiền thứ ba hành giả đạt đến trạng thái buông bỏ hỷ (niềm vui thân cảm nhận được) hoàn toàn tỉnh giác, thân cảm nhận sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là "xả niệm lạc trú."

thiền thứ hai vị hành giả chứng và trú vào trạng thái hỷ lạc, không còn tầm không còn tứ, nội tĩnh nhất tâm.

thiền thứ nhất đây là trạng thái của một hành giả sau khi đã loại trừ được năm triền cái, đó là tham, sân, trạo cử, hôn trầm, nghi ngờ. Vị hành giả ly dục, ly ác pháp, chứng và trú thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc  có tầm, có tứ.

thiền thứ tư  hành giả xả lạc, xả khổ, diệt hỷ diệt ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú vào trạng thái không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.

thiện tri thức       người bạn đạo tốt có tín tâm đối với Tam Bảo và có trí tuệ, có thể tự độ mình và có khả năng độ người.

thức vô biên xứ   định 識 無 邊 處 定  (S.Vijñānānantyāyatana dhyāna): một trong 4 cảnh giới thiền của sắc giới.

tiền trần 前 塵 khi năm căn tiếp xúc với  đối tượng năm trần, phát sinh sự nhận thức phân biệt  về các trần cảnh. Khi các căn không còn tiếp xúc với năm trần nữa mà các trần cảnh vẫn hiện lên trong ý thức, gọi cảnh đó là tiền trần.

tín nữ  信 女 dịch từ chữ upāsikā (S=P), âm Hán Việt là Ưu-bà-di  優 婆 夷 . Nghĩa là phụ nữ đã quy y Ba Ngôi Báu và thực hành năm nguyên tắc đạo đức của một người tại gia. Thuật ngữ này còn được dịch là "cận sự  nữ" 近 事    vì các vị cư sĩ này thường thân cận ủng hộ việc tu trì của chư Tăng Ni. 

tinh xá 精 舍  dịch nghĩa của từ vihāra (S=P), có nghĩa là nơi ở thanh tịnh và trong sạch của hàng xuất gia, ví dụ như Tinh Xá Kỳ-hoàn hay Tinh Xá Trúc Lâm.  Truyền thống Phật giáo Đại thừa ở Trung Hoa và Nhật Bản đều dùng “tự”, “viện”, "già-lam" hay “đại tùng lâm” có nghĩa là chùa chiền, chỗ chúng tăng tu học hay nghiên cứu để thay thế cho “Tinh Xá."

Tịnh-phạn 淨 飯 phiên âm cuả  Suddhodana (S) hoặc Suddhodana (P), thân phụ của Thái tử Tất-đạt-đa. Trước khi băng hà, ông được Đức Phật về thăm viếng và thuyết pháp, nhờ đó ông  chứng được quả vị A-la-hán.

tôn giả 尊 者 bậc đáng được tôn trọng, tiếng Pāli gọi là Bhante,  là tiếng tôn xưng của các vị tu sĩ nhỏ tuổi đạo đối với các vị lớn tuổi đạo, bậc có công phu sâu dày hoặc quả chứng cao hơn.

Tôn-đà-la-nan-đà 孫 陀 羅 難 陀 phiên âm của Sundarananda (S=P), thường gọi tắt là Nan-đà. Tôn giả là con ruột của lệnh bà Ma-ha-ba-xà ba-đề và vua Tịnh-phạn. Đức Phật đã vận dụng thần thông hoá độ tôn giả và chẳng bao lâu tôn giả chứng được Thánh quả A-la-hán.

trạch pháp   phân tích giáo pháp một cách rõ ràng rồi mới  hành trì. Đây là một trong bảy yếu tố đưa đến giác ngộ.

trí tuệ 智 慧   dịch nghĩa của prajñā (S)  hoặc paññā (P). Trung Hoa còn phiên âm là Bát-nhã   , dịch là "huệ" , "trí huệ"     hoặc "minh" , nghĩa là sự thấy biết các sự vật hiện tượng đúng như thật bản chất của nó, không còn bị bản ngã si mê đánh lừa. Trí tuệ có nhiều cấp độ. Nhờ đọc, học, nghe thuyết giảng mà được sáng suốt gọi là "văn tuệ". Do tự mình suy tư nhiều ngày mà hiểu biết thấu suốt được vấn đề, gọi là "tư huệ"; Do tu tập các pháp môn của Đức Phật chỉ dạy mà phát sinh trí tuệ gọi là "tu huệ."

Trời Biến Tịnh nơi cư trú của một số vị chứng được tam thiền.

Trời Đại Phạm nơi cư trú của một số vị chứng được sơ thiền.

Trời Ma-hê-thủ-la nơi cư trú của một số vị chứng được tứ thiền.

Trời Phạm Chúng  nơi cư trú của một số vị chứng được sơ thiền.

Trời Phạm Phụ nơi cư trú của một số vị chứng được sơ thiền.

Trời Phước Sanh nơi cư trú của một số vị chứng được tứ thiền.

Trời Quang Âm nơi cư trú của một số vị chứng được nhị thiền.

Trời Quảng Quả nơi cư trú của một số vị chứng được tứ thiền.

Trời Sắc Cứu Cánh nơi cư trú của một số vị chứng được tứ thiền.

Trời Thiện Hiện nơi cư trú của một số vị chứng được tứ thiền.

Trời Thiện Kiến nơi cư trú của một số vị chứng được tứ thiền.

Trời Thiểu Quang nơi cư trú của một số vị chứng được nhị thiền.

Trời Thiểu Tịnh nơi cư trú của một số vị chứng được tam thiền.

Trời Vô Lượng Quang nơi cư trú của một số vị chứng được nhị thiền.

Trời Vô Lượng Tịnh nơi cư trú của một số vị chứng được tam thiền.

Trời Vô Nhiệt nơi cư trú của một số vị chứng được tứ thiền.

Trời Vô Phiền nơi cư trú của một số vị chứng được tứ thiền.

Trời Vô Sân nơi cư trú của một số vị chứng được tứ thiền.

Trúc Lâm 竹 林  dịch nghĩa của Veṇuvana (S) hoặc Veluvana (P),  dịch sát tiếng Việt là rừng Trúc. Trúc Lâm cũng là tên của một khu rừng được vua Tần-bà-sa-la cúng dường Đức Phật để làm nơi cư  trú của chư Tăng, nên trong Kinh thường ghi là "Tinh Xá Trúc Lâm". Đây là ngôi tinh xá đầu tiên trong lịch sử Phật giáo.

trung đạo 中 道  dịch nghĩa của madhyamā-pratipad (S) hoặc majjhima-paṭipadā (P). Trong bài Kinh Chuyển Bánh Xe Pháp, Đức Phật giảng về Tám Con Đường Chánh. Tám con đường này gọi là Trung Đạo vì nó tránh xa hai cực đoan hưởng thụ dục lạc và khổ hạnh ép xác.

tù ngục ba miền dịch ý từ  “tam giới”   , tức cõi dục, cõi sắc và cõi vô sắc.

tứ trí vô ngại 四 無  礙 智 hay còn gọi là "Tứ vô ngại biện" hay "Tứ vô ngại giải", gồm có: 1) Pháp vô ngại: hiểu rõ giáo pháp một cách thông suốt. 2) Nghĩa vô ngại: hiểu rõ nghĩa lý ẩn chứa trong các cách diễn đạt khác nhau. 3) Từ vô ngại: sử dụng ngôn ngữ một cách tự tại, điêu luyện. 4) Nhạo thuyết vô ngại, còn gọi là “Biện thuyết vô ngại" nghĩa là thuyết giảng giáo pháp của Đức Phật một cách thông suốt, tự tại và phù hợp với các đối tượng.

tự tứ dịch nghĩa của pravāraṇnā (S) hoặc pavāraṇā (P), nghĩa là tự mình bày tỏ lỗi lầm của mình và xin các vị đồng phạm hạnh tha thứ những sai lầm của mình. Lễ tự tứ được tổ chức sau ba tháng an cư kiết hạ theo truyền thống Bắc truyền, và sau 3 tháng an cư mùa mưa theo truyền thống Nam truyền.

Tư-ba-ê  斯 爸 嫛  phiên âm của Satvyā (P), một đô thị nhỏ của nước Câu-sa-la. Cuộc pháp đàm giữa tôn giả Kimāra Kassapa và Bà-la-môn Tệ Túc diễn ra ở đây.

Tu-bạt = Tu-bạt-đà-la.

Tu-bạt-đà-la 須 跋 陀 羅  phiên âm Subhadra (S)  hoặc Subhadda (P), là người xin gặp Đức Phật ngay trước khi Ngài nhập diệt.Sau khi được Đức Phật giáo hoá, ông cố gắng hành thiền, chứng được Thánh quả và nhập Niết-bàn trước Đức Phật. Ông là vị đệ tử cuối cùng của Đức Phật.

Tư-đà-hàm 斯 陀 含 phiên âm sakṛāgāmi (S) hoặc sakadāgāmi (P), được dịch là Nhất Lai    , Nhất Vãng Lai 一 往 來  hoặc Nhất Hoàn   . Vị hành giả làm yếu dần hai kiết sử Tham và sân. Vị này nếu mạng chung thì phải tái sanh trong cõi người một lần nữa rồi chứng quả Vô sanh, không luân hồi nữa.

Tu-đà-hoàn 須 陀 桓  phiên âm srotāpanna (S) hoặc sotāpanna (P), được dịch là Dự lưu quả 預 流 果, nghĩa là Vào được dòng Thánh, là quả vị đầu tiên đạt được khi hành giả đoạn trừ ba kiết sử: Thân kiến, nghi, giới cấm thủ. Vị này tối đa là sanh tử 7 lần nữa rồi giải thoát, nên còn được dịch là "Thất lai" 七 來.

Tu-đạt  須 達 gọi đủ là Tu-đạt-đa 須 達 多, phiên âm của chữ Sudatta (P=S), là tên của một triệu phú thời Đức Phật. Sau khi quy y Phật giáo ông làm nhiều việc từ thiện, thường cung cấp vật thực áo cơm cho người bần cùng khốn khó, neo đơn, nên ông được ban danh hiệu là "Cấp Cô Độc".  ®  Cấp Cô Độc.

Tu-di     phiên âm của Sumeru (S=P), tên một ngọn núi. Theo thế giới quan Phật giáo, núi Tu-di nằm ở trung tâm của Tam thiên đại thiên thế giới.

 tướng tốt băm hai tức là 32 tướng tốt của Đức Phật. Ba mươi hai tướng này được xem là tướng tốt của một bậc Đại Nhân 1. Lòng bàn chân bằng phẳng; 2. Dưới bàn chân có hiện ra hình bánh xe với ngàn tăm xe, trục xe vành xe; 3. Gót chân thon dài; 4. Ngón tay, ngón chân dài; 5. Có tay chân mềm mại; 6. Tay chân có màn da lưới; 7. Mu bàn chân nổi cao đầy đặn; 8. Có mắt cá tròn như con sò; 9. Ống chân như con dê rừng; 10. Đứng thẳng, không khom lưng xuống, hai bàn tay có thể sờ đến đầu gối; 11. Có tướng âm mã tàng; 12. Có màu da như đồng; 13. Có da trơn mướt, khiến bụi không thể bám dính vào; 14. Mỗi lỗ chân lông có một lông; 15. Có lông mọc xoáy tròn thẳng lên, mỗi sợi lông  đều có màu xanh đậm như thuốc bôi mắt, xoáy lên từng xoáy tròn nhỏ và xoáy về hướng mặt; 16. Có thân hình cao thẳng; 17. Có nửa thân trước như thân con sư tử; 18. Không có lõm khuyết xuống giữa hai vai; 19. Có thân thể cân đối như cây bàng. Bề cao của thân ngang bằng bề dài của hai tay sải rộng; 20. Có bán thân trên vuông tròn; 21. Cảm vị hết sức nhạy bén khi vật gì chạm đầu lưỡi, những cảm giác được khởi lên tại cổ họng và truyền khắp nơi; 22. Có quai hàm như con sư tử;  23. Có bốn mươi cái răng; 24. Có răng đều đặn; 25. Không có răng khuyết hở; 26. Có răng cửa trơn láng; 27. Có tướng lưỡi rộng dài; 28. Có giọng nói tuyệt diệu như tiếng chim Ca-tăng-tần-già; 29. Có hai mắt xanh đậm; 30. Có lông mi con bò cái; 31. Giữa hai lông mày, có sợi lông trắng mọc lên, mịn màng như bông nhẹ; 32. Có nhục kế trên đầu.

tỳ-kheo 毘 丘 hay hoặc Tỷ-khưu / Tỷ-khưu 比 丘 phiên âm của bhikṣu (S) hoặc bhikkhu (P). Tỳ-kheo có 3 nghĩa căn bản: Khất sĩ, phá ma và bố ác. Đây là cách gọi chung của người nam xuất gia tu theo đường lối của Đức Phật. Cách gọi này hết sức đặc thù trong Phật giáo, không tìm thấy trong các tôn giáo đương thời với Đức Phật.

tỳ-kheo-ni 毘 丘 尼 hoặc tỷ-kheo-ni / Tỷ-khưu-ni  比 丘 尼 phiên âm của bhikṣunī (S) hoặc bhikkhunī (P), nghĩa là một người phụ nữ tu theo đường lối của Phật. Cũng có nội dung tương tự với nghĩa Tỳ-kheo ở trên.

Tỳ-xá-xà 毘 舍 闍 phiên âm của Piśāca (S), một loại quỷ thường uống máu ăn tinh của người. 

Ứng Cúng   dịch từ chữ A-la-hán (P. Arahant) nghĩa là bậc đáng thọ lãnh của cúng dường. Một trong mười danh hiệu của Đức Phật.

 Út-đa-ca  cách phiên âm vắn tắt của Uddhaka-rāmaputta (P), hoặc Udraka-rāma-putta (S), phiên âm là Uất-đầu-lam-phất 鬱 頭 藍 弗, tên vị Thầy thứ hai khi thái tử tầm sư học đạo. Vị này đã chứng được “Phi tưởng phi phi tưởng xứ định", nhưng cấp độ định này chưa đưa đến quả vị giác ngộ, nên cuối cùng thái tử Tất-đa-đa đã từ giã ông. Sau khi thành đạo, Đức Phật dự định trở lại độ hai vị Thầy đầu tiên này, nhưng cả hai đều đã mạng chung.

Ưu-ba-ly  優 波 離 phiên âm của Upāli (S=P). Tên của  vị đại đệ tử của Đức Phật tinh chuyên gìn giữ giới luật và quan tâm đến các vấn đề của giới luật số một. Trước khi xuất gia, tôn giả vốn là thợ cạo của dòng họ Thích-ca. Nhân dịp các công tử trong dòng họ Thích-ca xuất gia theo đức Phât, tôn giả cũng xuất gia theo. Trong kỳ kiết tập Kinh và Luật tạng đầu tiên tại hang Thất-diệp, tôn giả chịu trách nhiệm trùng tuyên lại toàn bộ giới bổn của Đức Phật đã chế.

Ưu-đàm 優 曇  phiên âm của Uḍumbara, Udumbara (S) hoặc Udumbara (P).  Viết đủ  là Ưu-đàm–bát-la hoa 優 曇 跋 羅 花, được dịch là Linh Thụy 靈 瑞, cũng gọi là Đàm hoa (hoa Đàm), là một loại cây có hoa có   tên khoa học là Ficus Glomerata. Đây là một loại cây cực quý, rất khó trồng và ít nở hoa. Tương truyền 3000 năm mới nở hoa một lần, chính vì vậy mà các nhà biên tập Kinh điển thường ví sự  kiện Đức Phật ra đời  thuyết pháp giống như  loài hoa này.

Va-chi = va-di.

Va-di  hay còn gọi Va-chi, phiên âm Vajji (P) hoặc Vṛji (S), âm Hán Việt viết là Bạt-kỳ  跋 祇. Tên của một trong 6 thành phố lớn của Ấn Độ thời cổ.  Sau khi Phật  diệt độ 100 năm, Phật giáo tại đây phát triển rất mạnh. Đây cũng là nơi xảy ra sự kiện “Thập Sự Phi Pháp” trong đại chúng Tỳ-kheo.

Va-ji-ra phiên âm của Vajirā (P). Tên của một Tỳ-kheo-ni thông tuệ  thời Đức Phật tại thế. 

Văn-thù 文 殊  Viết đủ là Văn-thù-sư-lợi 文 殊 師 利, phiên âm của Mañjuśrī (S), tên của một vị Bồ-tát tượng trưng cho Vô Sư Trí, thường xuất hiện trong Kinh điển Đại thừa.

Vào dòng = Dự Lưu.

Vat-sa-ka-ra phiên âm của Vassakāra (P), hoặc Varṣakāra (S). Các dịch giả Trung Hoa phiên âm nhiều cách khác nhau như  Vũ-xá  ,  Vũ-thế    , Hành-vũ   , tên của một đại thần của vua A-xà-thế đến thỉnh ý Đức Phật có nên đánh nước Va-di hay không.

Vê-ran-cha phiên âm của chữ  Verañjā (P), hoặc Vairañjā (S),  tên của một đô thị thuộc nước Kiều-tát-la.

vô học 無 學 dịch nghĩa của aśaikṣa (S) hoặc asekha (P), nghĩa là bậc không còn gì để học. Danh hiệu này chỉ được dùng để gọi các vị A-la-hán không còn sanh tử luân hồi.

vô lậu  無 漏  (S. Anāsravaḥ) nghĩa là không còn các cáu bẩn phiền não trong tâm. Đây là trạng thái tâm thanh tịnh của một bậc A-la-hán.

vô minh   (S. avidyā, P. avijjā) sự mê muội, tăm tối. Ở đây, sự vô minh không phải chỉ cho sự thiếu học hay kém văn hoá, mà là các tâm lý bất thiện tiềm ẩn từ vô thỉ kiếp che mờ trí tuệ của con người.

Vô Não 無 惱  nghĩa là “Bất Hại”, dịch nghĩa của Ahimsaka. Vì ông giết nhiều người cắt lấy ngón tay kết thành xâu đeo nơi cổ, nên mọi người gọi ông là Người Đeo Vòng Ngón Tay, Aṅgulimālya (S), Aṅgulimālīya (S) hoặc Aṅgulimāla (P). Trong Kinh điển thường đề cập đến tênƯơng-quật-ma-la 央 掘 摩 羅, vốn phiên âm của từ Về sau ông được Đức Phật tế độ trở thành một vị A-la-hán.

vô ngã     (S. anātman, nirātman) hoặc (P. anattan), chỉ cho tính không thực thể trong mọi sự vật hiện tượng. Chia cụ thể thì có Nhân vô ngã (con người không có thực thể) và Pháp vô ngã (mọi sự vật hiện tượng đều do các duyên tạo thành).

vô sanh dịch nghĩa của thuật ngữ A-la-hán. Đây là quả vị chứng đắc cao nhất của các đệ tử Đức Phật. Người đạt quả vị này hoàn toàn không còn các phiền não nhiễm ô, không còn sanh tử luân hồi. ®  A-la-hán.

 vô sở hữu xứ định  無 所 有 處 定 (S. Ākiñcanyāyatana dhyāna): một trong 4 cảnh giới thiền của sắc giới.

vô tác 無 作  tiếng Sanskrit là akarmaka hoặc akṛtrima, nghĩa đen là “không còn tạo tác." Đây là một trong ba pháp tu quan yếu đưa đến giải thoát:  Không, Vô tướng và Vô tác. Trong trường hợp này khái niệm vô tác đồng nghĩa với khái niệm “Vô nguyện”, một trong 3 pháp quán (thiền định).

Vô thượng chánh đẳng chánh giác 無 上 正 等 正 覺 dịch nghĩa của Anuttara-Samyak-Saṃbōdhi (S), tương đương với  Anuttara sammāsambodh (P),  nghĩa là quả vị giác ngộ chân chánh tối thượng vô song của Đức Phật. Trong các văn bản Hán việt và trong một số văn bản dịch Việt, quả vị tối thượng nầy thường được để nguyên, phiên âm là A-nậu-đa-la-tam-miệu-tam-bồ-đề 阿 耨 多 羅 三 貓 三 菩 提.

Vô Thượng Sĩ        (S=P. Anuttara): con người siêu việt, phi phàm.  Một trong mười danh hiệu của Đức Phật.

Vườn Nai dịch nghĩa của Mṛgadāva (S). Thuật ngữ Hán Việt là Lộc Uyển  鹿 宛 , Lộc Dã Uyển 鹿 野 宛 , hay Lộc Viên 鹿  , tên khu vườn nơi Đức Thế Tôn đã thuyết  bài pháp đầu tiên độ cho năm vị Tỳ-kheo.  ® Chuyển Pháp Luân.

Vương Xá thành 王 舍 城  dịch nghĩa của Rājagṛaha (S), Rājagaha (P), dịch nghĩa là thành Vương Xá. Đây là kinh đô của Vua Tần-bà-sa-la (Bimbisāra), một trung tâm văn hoá ở Ấn Độ thời Phật tại thế. Nay là một thị trấn nhỏ thuộc bang Bihar.

xá-lợi   phiên âm của śarīra (S) hoặc sarīra (P), chỉ cho phần còn lại sau khi hoả thiêu thân thể của một Đức Phật hay một vị Bồ-tát, Thánh tăng.

Xá-lợi-phất 舍 利 弗 phiên âm của Śāriputra (S) hoặc Sāriputta (P). Tên của vị đại đệ tử của Đức Phật có trí tuệ đệ nhất, được Đức Phật   ban cho danh hiệu "Tướng quân chánh pháp."

xa-ma-tha      phiên âm của śamatha (S) hoặc samatha (P), dịch nghĩa là "thiền chỉ" hay "chỉ", nghĩa là pháp môn thiền có công năng làm  dừng lại các vọng động của tâm thức.

Xá-vệ 舍 衛  phiên âm của Śrāvastī (S), Savatthi (P). Xá-vệ là thủ đô của nước Kośalā (S), một trong sáu trung tâm học thuật, văn hoá mạnh nhất thời Đức Phật.

xiển-đề viết đủ là Nhất-xiển-đề 一 闡 提  phiên âm của icchantika hoặc ecchantika (S), chỉ cho người không có niềm tin vào Tam Bảo và nhân quả báo ứng, làm quá nhiều tội ác, như  phạm vào năm đại tội ngũ nghịch.

xúc chỉ cho sự  tiếp xúc của 6 căn với 6 trần. Khi con mắt  vừa nhìn trần cảnh, liền nảy sinh sự phân biệt trần cảnh đó là gì, cái đó gọi là xúc. Tương tự, tai mũi lưỡi thân cũng vậy. Còn ý căn khi vừa suy tưởng đến vấn đề nào thì tự nhiên đối tượng đó hiện rõ trong tâm để bắt đầu suy nghĩ.

 

~~oOo~~
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 |  22 | 23 | 24 | 25
26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 | 43 | 44 | 45 | 46 | 47 | 48 | 49
Sám nguyện và hồi hướng | Tóm tắt nội dung các Kinh | Chú thích thuật ngữ (font: Arial Unicode MS)

 


Vào mạng: 22-3-2002

Trở về mục "Nghi thức Phật giáo"

Đầu trang