Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Trưởng Lão Tăng Kệ
HT. Thích Minh Châu dịch

5

Chương VI
Phẩm Sáu Kệ [^]

 

(CCK) Uruvelà Kassapa (Thera. 42)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm anh cả trong ba anh em một gia đình Bà-la-môn tên Kassapa, và cả ba đều học thông ba tập Vệ-đà. Ba anh em có đến năm trăm, ba trăm và hai trăm thanh niên đệ tử vì không tìm được chân lý trong kinh điển của họ, chỉ tìm thấy những vấn đề thế tục, nên họ từ bỏ gia đình và trở thành những ẩn sĩ. Cả ba được đặt tên tùy theo chỗ ở của mỗi vị, và ngài được gọi là Uruvelà Kassapa vì ngài ở Uruvelà. Một số sự kiện đã xảy ra, vị Bồ-tát xuất gia, chuyển Pháp luân, năm vị Trưởng lão chứng quả A-la-hán, năm mươi bạn đứng đầu là Yasa được hóa độ, sự xuất phát của vị A-la-hán để thuyết pháp độ sanh, sự hóa độ ba mươi người bạn giàu có, bậc Đạo sư đi đến Uruvelà. Khi Thế Tôn hiện ra nhiều thần thông bắt đầu với sự nhiếp phục con rắn, Kassapa khởi lòng tin và xuất gia, hai người em cũng bắt chước người anh cả. Thế Tôn giảng kinh AAdittapariyàya cho ba anh em Kassapa với một ngàn đệ tử và khiến mọi người chứng quả A-la-hán.

 

Uruvelà Kassapa ôn lại sự thành quả của mình, nói lên chánh trí với những bài kệ như sau:

375. Thấy được các thần thông
Gotama danh tiếng,
Nhưng ta chưa thần phục,
Bị ganh, mạn lừa dối.

376. Bậc Điều Ngự loài Người,
Biết được tâm tư ta,
Chất vấn ta hốt hoảng,
Kỳ diệu lông dựng ngược.

377. Xưa ta thuộc bện tóc,
Thần thông ta nhỏ mọn,
Ta xem chúng vô dụng,
Ta xuất gia đầu Phật,

378. Xưa bằng lòng tế tự,
Xem dục giới hàng đầu,
Sau ta nhổ tận sạch
Cả tham, sân và si.

379. Ta biết các đời truóc,
Thiên nhãn ta trong sạch,
Thần thông biết tâm nguòi,
Thiên nhĩ, ta đạt được.

380. Do đích gì xuất gia,
Bỏ nhà, sống không nhà,
Đích ấy ta đạt được,
Mọi kiết sử tận diệt.

 

(CCXI) Tekicchakàrì (Thera. 42)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con một Bà-la-môn tên Subuddha. Ngài được các nhà giải phẫu cứu sống khi ngài mới sanh, vì vậy ngài được đặt tên là Tekicchakàrì (người được các bác sĩ cứu sống). Ngài lớn lên học các nghệ thuật và học thuật của giai cấp mình. Phụ thân ngài vì trí tuệ và chánh sách của mình, nên bị vua Candagotta, vua Bà-la-nại ganh ghét và bỏ tù. Tekicchakàrì nghe vậy, sợ hãi bỏ trốn, lánh mình tại tinh xá của một vị Trưởng lão, và tường thuật cho vị ấy biết nỗi khó khăn của mình. Vị Trưởng lão cho ngài xuất gia, chọn cho ngài một đề tài tu tập và ngài trở thành một Tỷ-kheo sống ngoài trời không kể gì lạnh nóng, hoàn toàn chú tâm vào tu tập cho được thành quả. Ác ma sợ ngài thoát khỏi sự chi phối của mình nên muốn phá rối vị Trưởng lão, đến gần dưới hình thức một người mục đồng, khi gặt hái đã xong, muốn cám dỗ ngài nên nói như sau:

381. Lúa đã gặt thâu xong
Gạo đã được đập, giã,
Nhưng một miếng, không có,
Ta sẽ làm gì đây?

Vị Trưởng lão nghĩ rằng: 'Người này nói đến tình cảnh của nó. Nhưng ta cần phải giáo huấn ta! Không phải phần việc để ta thuyết giảng'. Như vậy, vị Trưởng lão khuyên mình nên thiền quán trên ba quy y:

382. Hãy niệm Phật vô lượng!
Tâm hân hoan thoải mái,
Thân thấm nhuần hỷ thọ,
Luôn luôn cảm phấn chấn.

383. Hãy niệm Pháp vô lượng!
Tâm hân hoan thoải mái,
Thân thấm nhuần hỷ thọ,
Luôn luôn cảm phấn chấn.

384. Hãy niệm Tăng vô lượng!
Tâm hân hoan thoải mái,
Thân thấm nhuần hỷ thọ,
Luôn luôn cảm phấn chấn
.

Rồi Ác ma, muốn ngài không sống hạnh viễn ly, làm như muốn lo cho ngài được hạnh phúc, nói rằng:

385. Ngài sống giữa ngoài trời,
Những đêm này giá lạnh
Chớ để lạnh hại ngài!
Hãy vào trong tịnh xá,
Có cửa đóng then gài
.

Vị Trưởng lão, nêu rõ ở trong nhà là một trói buộc và ở ngoài trời là giải thoát, nên trả lời:

Ta sẽ cảm thọ được,
Với bốn tâm vô lượng,
Ta sẽ sống an lạc
Với những tâm tư ấy,
Giá lạnh không hại ta,
Ta sống không dao động.

Nói vậy, vị Trưởng lão phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán.

Vì rằng vị Trưởng lão sống trong thời vua Bindusàra, các bài kệ này cần được hiểu là được tụng đọc vào kỳ kiết tập thứ ba như là thuộc Kinh tạng.

(CCXII ) Mahà-Nàga (Thera. 43)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh tại Sàketa, con trai một Bà-la-môn tên Madhu Vàsettha và được đặt tên là Mahà-Nàga. Ngài thấy thần thông do Trưởng lão Gavampati thực hiện trong khi Thế Tôn sống trong rừng Anjana, và khởi lòng tin, ngài xuất gia dưới sự hướng dẫn của vị Trưởng lão, và chứng quả A-la-hán nhờ vị này giáo huấn.

Ngay khi ngài an trú trong an lạc giải thoát, Trưởng lão Mahà-Nàga thấy sáu Tỷ-kheo thường hay không cung kính các vị đồng Phạm hạnh, và ngài giáo huấn họ với những bài kệ như sau, những bài kệ này trở thành lời tuyên bố chánh trí của ngài:

387. Ai đối đồng Phạm hạnh,
Không có sự cung kính,
Chúng thối giảm diệu pháp
Như cá mắc nước cạn.

388. Ai đối đồng Phạm hạnh,
Không có sự cung kính,
Không lớn trong diệu pháp,
Như giống thối trong ruộng.

389. Ai đối đồng Phạm hạnh,
Không có sự cung kính,
Chúng xa rời Niết-bàn,
Trong lời dạy Pháp vương.

390. Ai đối đồng Phạm hạnh,
Thật có sự cung kính,
Không thối giảm diệu pháp,
Như cá được nước nhiều.

391. Ai đối đồng Phạm hạnh,
Thật có sự cung kính,
Lớn mạnh trong diệu pháp,
Như giống tốt trong ruộng.

392. Ai đối đồng Phạm hạnh,
Thật có sự cung kính,
Họ đến gần Niết-bàn,
Trong lời dạy Pháp vương
.

 

(CCXIII) Kulla (Thera. 43)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi (Xá-vệ) trong gia đình một điền chủ tên là Kulla, ngài được cảm hóa với lòng tin và được bậc Đạo Sư độ cho xuất gia. Nhưng ngài thường bị tham dục chi phối. Bậc Đạo Sư biết yếu điểm này của ngài, cho ngài một đề tài bất tịnh và khuyên ngài thiền quán trong một nghĩa địa. Khi tu tập này chưa được kết quả bậc Đạo Sư đi với ngài và yêu cầu ngài theo dõi tiến trình thối nát và tiêu diệt của vật bất tịnh. Khi Kulla đã được tự tại thoát ly, Thế Tôn phóng hào quang, khiến ngài nhớ lại bài học, chứng Sơ thiền và từ đấy phát triển thiền quán, chứng được quả A-la-hán.

Ôn lại kinh nghiệm, ngài thốt ra những câu kệ sau đây, trước nói về ngài, rồi nhắc lại lời dạy của bậc Đạo Sư, cuối cùng lại nói về ngài:

393. Kulla đến nghĩa địa,
Thấy bỏ một đàn bà,
Vất ném trong nghĩa địa,
Làm mồi cho sâu ăn.

394. Kulla, hãy nhìn thân,
Bệnh hoạn nhớp hôi thối,
Nước ứ chảy, rỉ chảy,
Được kẻ ngu thích thú.

395. Sau khi nắm gương pháp,
Đạt được chánh tri kiến,
Ta quán sát thân này,
Trống rỗng cả trong ngoài.

396. Đây thế nào, kia vậy,
Kia thế nào, đây vậy,
Dưới thế nào, trên vậy,
Trên thế nào, dưới vậy.

397. Ngày thế nào, đêm vậy,
Đêm thế nào, ngày vậy,
Trước thế nào, sau vậy,
Sau thế nào, trước vậy.

398. Người vậy không ưa thích,
Cả năm loại nhạc khí,
Khi đã được nhất tâm,
Chơn chánh thiền quán pháp.

Những kệ này là lời tuyên bố chánh trí của ngài.

(CCXIV) Màlunkyaputta (Thera. 43)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, con một vị chuyên môn đánh giá cho vua Kosala, và mẹ là Màlunkyya, nên ngài được gọi là Màlunkyaputta (con bà Màlunkyà). Khi đến tuổi trưởng thành, tánh ưa thích đời sống xuất gia, ngài trở thành một du sĩ ngoại đạo. Khi nghe Thế Tôn thuyết pháp, ngài xin xuất gia trong Pháp và Luật của Thế Tôn, và sau một thời gian, ngài chứng được sáu thắng trí. Khi ngài về thăm nhà vì lòng từ mẫn đối với bà con, các bà con chào đón ngài rất niềm nở và muốn kéo ngài trở về với đời sống gia đình thế tục, nói rằng với tài sản của ngài, ngài có thể lập gia đình và làm các thiện sự. Nhưng ngài nói lên chí nguyện cuả ngài như sau:

399. Có người sống phóng dật,٩ lớn như cây leo,
Sống trôi nổi luân chuyển,
Đời này qua đời khác,
Như con khỉ trong rừng,
Thèm muốn các trái cây.

400. Khát ái khốn nạn này
Thấm độc cả thế giới,
Khi đã chinh phục ai,
Khiến sầu muộn tăng trưởng,
Chẳng khác giống cỏ rừng,
Lan tràn và lớn mạnh.

401. Ai nhiếp phục được ái,
Khốn nạn, khó chinh phục,
Sầu rơi khỏi vị ấy,
Như giọt nước trên sen.

402. Các ông đã đến đây,
Ta thuyết điều lành ấy,
Hãy đào rễ khát ái,
Như tìm rễ ngon ngọt,
Loại cỏ u-sì-ra,
Chớ để Ma, dòng nước,
Tàn phá ông cây lau.
Liên tục vậy mãi mãi.

403. Hãy hành lời Phật dạy,
Chớ để Sát-na qua,
Sát-na qua, sầu khổ,
Thọ quả trong địa ngục,

404. Phóng dật như bụi bặm,
Bụi nhơ, do phóng dật,
Không phóng dật, minh trí,
Nhổ mũi tên khỏi ta.

 

(CCXV) Sappadàsa (Thera. 44)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), con của vị cố vấn tế lễ của vua Suddhodhana, và được đặt tên là Sappadàsa. Khi đức Phật viếng thăm bà con, ngài khởi lòng tin và xuất gia. Bị chi phối bởi những tập tục xấu, những tánh tình tâm lý không tốt đẹp, ngài không sao được thiền định và nhất tâm. Sự kiện này khiến ngài quá sầu não đến nỗi ngài gần tự tử, nhưng bỗng ánh sáng nội tâm chói sáng lan rộng thình lình, ngài chứng quả A-la-hán, nói lên chánh trí của mình, ngài nói:

405. Đã được hăm lăm năm,
Từ khi ta xuất gia,
Nhưng đến một búng tay,
Ta không đạt tâm tịnh.

406. Nhứt tâm không đạt được,
Bị dục tham chi phối,
Khoa tay, ta than khóc,
Bỏ tịnh xá, ta đi.

407. Ta sẽ đem dao lại,
Sự sống ta, nghĩa gì?
Học tập bị tước bỏ,
Như ta, chết tốt hơn.

408. Rồi ta cầm con dao
Ta vào chỗ giường nằm,
Con dao được rút ra,
Để cắt cổ của ta.

409. Rồi ta tự tác ý,
Như lý, khởi tư duy,
Các hiểm nguy hiển lộ
Nhàm chán, ta an trú

410. Và tâm ta giải thoát,
Thấy Pháp nhĩ là vậy,
Ba minh chứng đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.

 

(CCXVI) Kàtiyàna (Thera. 45)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở Sàvatthi, con của một Bà-la-môn thuộc dòng họ Kosiya, nhưng được gọi là Kàtiyàna, theo gia đình của bà mẹ. Thấy bạn của mình là Sàmannakàni trở thành một Trưởng lão, ngài cũng xuất gia. Khi ngài học tập, ngài cương quyết đối trị nằm ngủ ban đêm. Trong khi đi qua lại trên con đường kinh hành, ngài quá buồn ngủ nên té xuống. Bậc Đạo Sư thấy vậy, đi đến đứng truớc ngài và gọi: 'Này Kàtiyàna!'. Ngài liền đứng dậy, đảnh lễ, và đứng một bên, bị dao động mạnh, rồi Thế Tôn thuyết pháp cho ngài như sau:

411. Này Ka-tiya-na,
Hãy thức dậy, ngồi lên,
Chớ có ngủ quá nhiều,
Hãy tự mình thức tỉnh,
Này bà con phóng dật,
Kẻ thụ động biếng nhác
Chớ để cho thần chết,
Lường gạt, chiến thắng ông.

412. Như sóng tràn biển lớn,
Cũng vậy sanh và già,
Tràn ngập chôn lấp ống,
Hãy tự làm cho ông,
Một hòn đảo an toàn,
Vì rằng không ai khác,
Phục vụ giúp đỡ ông,
Như là chỗ nương tựa.

413. Đạo Sư lập con đường,
Đường vượt qua trói buộc,
Vượt qua sự sợ hãi,
Của sanh và của già,
Trước đêm và sau đêm,
Hãy sống không phóng dật,
Chú tâm cố kiên trì,
Trong nỗ lực chuyên tâm.

414. Từ bỏ triền phược trước,
Mặc áo Tăng-già-lê,
Đầu cạo trọc trơn láng,ʮ đồ ăn khất thực,
Chớ có ưa chơi giỡn,
Chớ đam mê ngủ nghỉ,
Hãy nỗ lực thiền định,
Hỡi Ka-ti-ya-na!

415. Hãy thiền tu, chiến thắng,
Hỡi Ka-ti-ya-na!
Hãy thiện xảo con đường,
An ổn các khổ ách;
Hãy đạt cho kỳ được,
Sự thanh tịnh tối thượng.®g sẽ chứng Niết-bàn,
Như nước làm tắt lửa.

416. Ánh sáng được tạo ra,
Hào quang còn yếu ớt,
Chẳng khác như cây lau,
Gió thổi nằm rạp xuống,
Hỡi bà con Tu-đa,
Như vậy, chớ chấp thủ,
Hãy tẩn xuất Ác-ma,
Ly tham mọi cảm thọ,
Chờ đợi thời của ông!
Tại đây ông mát lạnh.

 

(CCXII ) Migajàla (Thera. 45)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, con của nữ cư sĩ nổi tiếng Visàkhà, và hay đi đến tinh xá để nghe pháp. Cuối cùng, ngài xuất gia, và sau một thời gian chứng quả A-la-hán, khi nói lên chánh trí của mình, ngài nói:

417. Khéo giảng bậc có mắt,
Hào quang còn yếu ớt,
Mọi kiết sử vượt qua,
Mọi luân chuyển hoạt diệt.

418. Pháp hướng dẫn, hướng thượng,
Làm khô héo ác căn,
Chặt đứt gốc nọc độc,
Diệt ác, đạt tịch tịnh.

419. Phá vỡ gốc vô trí,
Chấm dứt nghiệp sanh hữu,
Trí kim cang đánh nát,
Mọi chấp trì của thức.

420. Cảm thọ được phơi bày,
Chấp thủ được giải thoát,
Hữu như hố than hừng,
Được tùy quán bởi trí.

421. Vị lớn, khéo thâm sâu,
Chận đứng già và chết,
Con đường Thánh tám ngành,
Tịnh chỉ khổ, vận tốt.

422. Biết được nghiệp là nghiệp,
Biết nghiệp quả là quả,
Như thực soi, quán chiếu,
Các pháp do duyên sanh,
Đưa đến đại an ổn,
Tịch tịnh, cứu cánh thiện
.

 

(CCXVIII) Jenta (Thera. 45)

Trong thời đức Phật hiện tại , ngài sanh ra làm con của vị cố vấn tế tự cho vua Kosala và được đặt tên là Jenta. Khi lớn lên, ngài trở thành kiêu mạn với những quyền lợi về sanh, tài sản, địa vị, khinh bỉ những gì đáng phải kính trọng và cứng cỏi trong kiêu hãnh. Một hôm, ngài đến gần bậc Đạo Sư đang thuyết pháp cho một số đông, nghĩ rằng: 'Nếu Sa-môn Gotama nói với ta trước, ta sẽ nói, ta không tự ý nói với Sa-môn Gotama!'. Thế Tôn không nói với Jenta, và Jenta vì lòng kiêu mạn cũng không nói. Sau cùng ngài nêu rõ lý do vì sao ngài đến và Thế Tôn nói với ngài như sau:

An trú triền kiêu mạn,
Thật sự là không tốt,
Hỡi này Bà-la-môn,
Nên an trú lợi ích.
Điều thiện ông tầm cầu,
Khi ông đến tại đây,
Chỉ trên đấy mà thôi,®g hãy nên an trú.

Jenta nghĩ rằng: 'Thế Tôn đã biết tư tưởng của ta, cảm thấy xúc động mạnh và đảnh lễ chân Thế Tôn'. Rồi ngài thưa với bậc Đạo Sư:

Với ai, không nên kiêu?
Với ai, cần cung kính?
Với ai, phải tôn trọng?
Cung kính ai là thiện?
Thế Tôn trả lời:
Với cha và với mẹ,
Với anh cả, với thầy,
Với các Bà-la-môn,
Với Sa-môn áo vàng,
Với những vị như vậy,
Nên cung kính tôn trọng,
Cung kính các vị ấy,
Là việc làm tốt lành.
Với các bậc La-hán,
Tịch tịnh và hữu học,
An tịnh, không cấu uế,
Mọi kiêu mạn chấm dứt,
Khi đạt đến mục tiêu,
Hãy tôn trọng vị ấy.

Với lời dạy này, Jenta chứng được quả Dự Lưu, xuất gia và sau một thời gian, chứng quả A-la-hán. Nói lên sự thành công, ngài tuyên bố chánh trí của ngài:

423. Ta say đắm tự kiêu,
Với sanh chủng, tài sản,
Kể cả với quyền lực,
Địa vị và dung sắc,
Ta sống kiêu mạn vậy.
Tham dắm và mê say.

424. Ta quá sức kiêu hãnh.
Xem không ai bằng ta,
Si mê, quá tự hào,
Kiêu căng và cống cao.

425. Mẹ cha và người khác,
Được cung kính tôn trọng,
Ta không lễ một ai,
Kiêu hãnh, không lễ phép.

426. Thấy lãnh đạo đệ nhất,
Tối ưu Điều Ngự Sư,
Như mặt trời sáng chói,
Cầm đầu chúng Tỷ-kheo.

427. Gạt bỏ mạn, kiêu hãnh,
Với tâm thật an lành,
Với đầu ta đảnh lễ,
Bậc tối thượng chúng sanh.

428. Quá mạn, ty liệt mạn,
Từ bỏ, nhổ tận gốc,
Ngã mạn được chặt đứt,
Mọi loại mạn tận diệt
.

 

(CCXIX) Sumana (Thera. 46)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh trong gia đình một cư sĩ, làm vị hộ trì cho Tôn giả Anuruddha. Từ trước, con cháu của người cư sĩ này chết trẻ. Khi sắp đẻ đứa con, người cha nghĩ nếu là con trai thời sẽ cho xuất gia với vị Trưởng lão. Sau mười tháng, đẻ được đứa con trai, vị cư sĩ này cho xuất gia khi đứa trẻ lên bảy tuổi. Do căn tánh thuần phục, không bao lâu ngài chứng được sáu thắng trí trong khi đang hầu hạ bậc Truởng lão. Cầm được cái bình để xách nước, Sumana với thần thông, đi đến hồ Anotatta, một con xà vương ác độc, phồng mang ngưỡng đầu lên không cho ngài lấy nước. Rồi Sumana hóa thành con chim Garuda (Kim xí điểu) nhiếp phục con rắn và mang nước bay về vị Trưởng lão. Rồi bậc Đạo Sư, ngồi tại vườn Jetavana, thấy ngài bay về, liền gọi Sàriputta cùng xem, và tán thán ngài với bốn câu kệ. Sunmana để nêu lên chánh trí của mình cộng thêm những bài kệ của mình như sau:

429. Khi người mới xuất gia,
Từ sanh, mới bảy tuổi,
Với thần thông ta điều,
Con xà vương thần lực.

430. Từ hồ nước to lớn,
Tên A-no-tat-ta
Ta đem nước hồ về,
Cho bậc giáo thọ sư,
Thấy vậy bậc Đạo Sư,
Nói về ta như sau:

431. Này Sà-ri-put-ta!
Xem đứa trẻ này đến,
Tự bưng cầm ghè nước,
Nội tâm khéo định tỉnh.
Với nhiệm vụ khả ái,
Cử chỉ rất thuần thiện.

432. Người đệ tử Sa-di,
Của Anuruddha,
Có thần thông uy lực,
Thuần thục và điêu luyện.

433. Thuần lương nhờ giáo dục,
Do vị đại thuần lương,
Thiện hạnh nhờ giáo dục,
Bởi bậc khéo thiện hạnh.
Nhờ Anuruddha,
Khéo huấn luyện điều phục,
Được học tập giảng dạy,
Làm xong việc phải làm.

434. Đạt được tịnh tối thắng,
Chứng đắc, không dao động,
Sa-di Sumana,
Muốn: 'Không ai biết ta'.

 

(CCXX) Nhàlaka - Muni (Thera. 46)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), trong gia tộc Bà-la-môn, được giáo dục trong văn chương Vệ-đà, ngài được biết là vị đã đậu cấp bực Nhàlaka (cấp bực tắm rửa). Trở thành một ẩn sĩ, ngài sống trong một khu rừng cách xa Vương Xá khoảng ba do-tuần, sống với lúa hoang và thờ lửa.

Đức Thế Tôn, thấy được điều kiện trở thành một vị A-la-hán chói sáng trong tâm ngài, như ánh sáng trong một cái ghè. Thế Tôn đến tại am thất của ngài, ngài vui vẻ đón tiếp đức Phật, thỉnh đức Phật dùng cơm ngài nấu và như vậy ba ngày trôi qua. Ngày thứ tư, Thế Tôn nói: 'Ông hết sức yếu ớt, làm sao ông sống với đồ ăn như thế này?'. Rồi đức Phật giảng về hạnh biết đủ và thuyết pháp cho ngài. Và từ quả Dự Lưu ngài chứng quả A-la-hán. Thế Tôn xác chứng quả vị cuả ngài và ra đi, ngài vẫn ở tại chỗ cũ, nhưng rồi bị đau vì tê liệt. Bậc Đạo Sư lại đến thăm và hỏi ngài về sức khỏe:

435. Bị bịnh gió chi phối,®g sống trong rừng sâu,
Chỗ khất thực hạn chế,
Thân gầy mòn ốm yếu.
Tỷ-kheo sẽ làm gì,
Với thân thể như vậy.

436. Thân con được tràn ngập,
Với hỷ lạc tỏa rộng,
Dầu có bị gầy ốm,
Con sẽ sống trong rừng.

437. Tu tập Bảy giác chi,
Năm căn và Năm lực,
Đầy đủ thiền tế nhị,
Con sống, không lậu hoặc.

438. Thoát khỏi các kết sử,
Tâm tịnh, không uế nhiễm,
Thường hằng, khéo quán sát,
Con sống không lậu hoặc.

439. Mọi lậu hoặc nội ngoại,
Trước có mặt trong con,
Tất cả bị chặt đứt,
Thông dư, không khởi nữa.

440. Năm uẩn được liễu tri,
Chúng đứng, rễ chặt đứt,
Khổ diệt đã đạt được,
Nay không còn tái sanh
.

 

(CCXXI) Brahmadatta (Thera. 46)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, con vua nước Kosala, tên là Brahmadatta, ngài chứng kiến uy nghi của đức Phật nhân ngày lễ dâng cúng Jetavana, khởi lòng tin, xuất gia và sau một thời gian chứng sáu thắng trí với lòng tin và hiểu biết về nghĩa, bởi lòng tin và hiểu biết về Pháp.

Một hôm ngài đi khất thực, một Bà-la-môn nhiếc mắng ngài, ngài im lặng nghe và tìếp tục đi, Bà-la-môn ấy lại chửi mắng ngài, và dân chúng phê bình sự im lặng của ngài; ngài giảng dạy cho dân chúng như sau:

441. Từ đâu phẫn nộ khởi,
Với người không phẫn nộ,
Với người được nhiếp phục,
Sống nếp sống thăng bằng.
Với vị trí giải thoát,
Phật an tịnh như vậy.

442. Với ai bị chửi mắng,
Lên tiếng chửi mắng lại,
Người ấy tệ ác hơn,
Người đã chửi mắng trước.
Với ai bị chửi mắng,
Nhưng không chửi mắng lại,
Người ấy được chiến thắng,
Trên cả hai mặt trận.

443. Sở hành của người ấy,
Vừa lợi mình lợi người,
Biết người khác phẫn nộ,
Chánh niệm, tự lắng dịu.

444. Lời thầy thuốc cả hai,
Cho mình và cho người,
Quần chúng nghĩ là ngu,
Không khéo hiểu Chánh Pháp.

Rồi Bà-la-môn chửi mắng ấy nghe những lời này, cảm thấy ưu não và hoan hỷ rồi xin lỗi ngài. Được xuất gia với sự hướng dẫn của ngài, được dạy đề tài quán từ bi, như vậy ngài dạy cho phương pháp để đối trị phẫn nộ:

445. Nếu phẫn nộ nổi lên,
Hãy nghĩ dụ cái cưa,
Nếu tham vị khởi lên,
Hãy nghĩ dụ thịt con.

446. Nếu tâm ngươi chạy theo,
Theo dục, theo sanh hữu,
Hãy gấp nắm với niệm,
Như nắm con vật ác,
Đi vào trong ruộng lúa
.

 

(CCXXII) Sirimanda (Thera. 47)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sunsumàragira trong một gia đình Bà-la-môn. Khi được nghe Thế Tôn thuyết pháp ở rừng Bhesakalà, ngài khởi lòng tin và xuất gia. Một hôm, nhân ngày lễ trai giới, trong khi giới bổn Pàtimokkhà đang được đọc, đến phần cuối phần giới thiệu nói về một lỗi bị phạm được nhẹ đi nếu phát lộ sám hối, ngài nghĩ đến lợi ích phát lộ sám hối các lỗi đã được giấu đi, và do vậy ngài phấn khởi hoan hỷ nói lớn tiếng: 'Ôi, thật là hoàn toàn trong sạch, giới luật của bậc Đạo Sư!'. Rồi phát triển thiền quán, ngài chứng quả A-la-hán. Ôn lại con đường đã trải qua, với tâm phấn khởi, ngài dạy các vị đồng Phạm hạnh:

447. Mưa rất là nặng hạt,
Trên tội được che giấu.
Mưa không có nặng nề,
Trên tội được phát lộ,
Đâu có phát lộ tội,
Như vậy, mưa không nặng.

448. Đời bị chết áp đảo,
Bị giải tỏa, bao vây,
Bị mũi tên ái đâm,
Thường bị dục huân tập.

449. Đời bị chết ấp đảo,
Và bị già bao vây,
Thường bị hại, không yên,
Như cướp với gậy dao.

450. Chúng đến như đống lửa,
Cả ba, chết bệnh già,
Không sức nào địch nổi,
Không nhanh nào chạy thoát.

451. Chớ để ngày trống rỗng,
Hãy làm ít hoặc nhiều,
Đêm càng bị bỏ phí,
Mạng sống càng rút ngắn.

452. Vậy hoặc đi hay đứng,
Hoặc ngồi hay nằm xuống,
Đêm cuối đi đến gần,
Ngươi không thời phóng dật.

 

(CCXXIII) Sabbhakàma (Thera. 47)

Trong thời đức Phật hiện tại, sau khi đức Phật nhập diệt, ngài sanh ở Vesàli, thuộc gia đình quý tộc và được đặt tên là Sabbhakàma. Khi đến tuổi trưởng thành, thuận theo chí hướng xuất ly, ngài xuất gia dưới sự hướng dẫn của Tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất). Trong khi đi học tập, ngài trở về Vesàli với bậc y chỉ sư của mình và về thăm gia đình. Vợ ngài lúc trước, buồn khổ, gầy mòn, áo xiêm không săn sóc, nước mắt chạy quanh, chào ngài và đứng một bên. Thấy vợ cứ như vậy, lòng thương hại khởi lên, và quên mất chí hướng xuất trần, ngài để cho dục vọng nổi lên. Như con ngựa khéo luyện tập bị roi đánh, ưu não khởi lên và ngài đi đến nghĩa địa để quán bất tịnh. Thiền định được chứng đạt, thiền quán được triển khai, ngài chứng quả A-la-hán. Rồi nhạc phụ của ngài dắt vợ cũ của ngài đến, trang điểm thật đẹp mắt, và với một số tùy tùng đông đảo, đi đến tinh xá để gặp ngài và kéo ngài trở lui với đời sống gia đình; nhưng ngài tuyên bố với mọi người là ngài đã từ bỏ các dục vọng như vậy, với những bài kệ như sau:

453. Con vật hai chân này,
Bất tịnh và hôi thối,
Đầy các loại tử thi,
Từ đấy, nước rỉ chảy.

454. Nai trốn, dùng bẫy sập,
Với cá dùng câu móc,
Với khỉ, dùng hầm hố,
Phàm phu bị bắt vậy.

455. Sắc, tiếng, vị, hương, xúc,
Khả ái và thích ý,
Năm dục trưởng dưỡng này,
Được tiếng trong nữ sắc.

456. Phàm phu tâm say đắm,
Chạy theo hưởng nữ sắc,
Tăng nghĩa địa hãi hùng,
Chất chứa sự tái sanh.

457. Ai tránh né nữ sắc,
Như chân tránh đầu rắn,
Chánh niệm, vượt qua được,
Kẻ đầu độc thế giới.

458. Thấy nguy hiểm trong dục,
An ổn trong viễn ly,
Thoát khỏi tất cả dục,
Ta đạt lậu hoặc tận.

 

 


Chương VII

Phẩm Bảy Kệ [^]

 

(CCXXIV) Sundara-Samudda (Thera. 49)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh làm con một người trong hội đồng thành phố giàu có, ở Ràjagaha (Vương Xá) và được đặt tên là Samudda. Vì ngài rất đẹp trai nên được gọi là Sundara-Samudda, khi ngài còn trẻ, ngài thấy được uy nghi đức Phật, khi có cuộc lễ đón rước đức Phật đến Ràjagaha, với lòng tin và với thiên tánh tự nhiên, ngài xuất gia. Được giao cho một đề tài thiền quán, ngài đi từ Ràjagaha đến Sàvatthi, ở với một người bạn và tu tập thiền quán. Mẹ ngài ở Vương Xá, thấy các người con của các đại biểu hội đồng thành phố khác với những người vợ trang sức thật lộng lẫy vui chơi trong những ngày lễ, bà mẹ buồn, nhớ con và khóc; một kỹ nữ thấy vậy liền dỗ bà và tự nguyện đi đến Sàvatthi để đem con bà về. Bà mẹ hứa rằng, nếu con bà chịu cưới nàng, bà sẽ cho nàng làm chủ gia đình và tặng nhiều tặng phẩm. Với một số tùy tùng, nàng đi đến Sàvatthi và dừng lại ngôi nhà ngài thường hay đến hằng ngày để khất thực; nàng hết sức săn sóc cho ngài. Nàng ăn mặc lộng lẫy và mang dép vàng; một hôm nàng để đôi dép nàng tại ngưỡng cửa, đảnh lễ ngài với hai tay chấp lại, khi ngài đi qua với cử chỉ muốn cám dỗ ngài. Và ngài một tư tưởng thế tục thoáng qua, ngài cương quyết nỗ lực cuối cùng đứng tại đấy thiền định, thiền quán và chứng được sáu thắng trí. Ngài diễn đạt quả chứng của ngài như sau:

459. Trang sức mặc áo đẹp,
Đeo vòng hoa trang điểm,
Chân bôi sơn màu đỏ,
Một kỹ nữ đi dép.

460. Chân rút ra khỏi dép,
Chấp tay, hướng phía trước,
Nàng với giọng nhẹ dịu,
Mở đầu nói với ta;

461. Chàng trẻ tuổi xuất gia,
Hãy dừng, lãnh vực em,
Thọ hưởng năm dục vọng,
Em cho chàng phương tiện,
Em hứa chàng sự thật,
Em đem chàng lửa thề.

462. Khi chàng em đều già,
Cả hai đều chống gậy,
Cả hai cùng xuất gia,
Hai phần được vận may.

463. Thấy người kỹ nữ ấy,
Chấp tay lời van xin,
Trang sức, mặc áo đẹp,
Như thần chết gieo mồi.

464. Rồi ta tự tác ý,
Như lý khởi tư duy,
Các hiểm nguy hiển lộ,
Nhàm chán ta an trú.

465. Và tâm ta giải thoát,
Thấy Pháp nhĩ là vậy,
Ba minh chứng đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.

 

(CCXXV) Lakuntaka-Bhaddiya (Thera. 49)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong một gia đình giàu có, được đặt tên là Bhaddiya, nhưng vì ngài rất thấp, nên được biết với tên là Lakuntaka Bhaddhiya (Bhaddiya người lùn). Nghe bậc Đạo Sư giảng, ngài xuất gia, trở thành một nhà học giả và biện tài, ngài dạy cho các người khác với một giọng nói rất dịu ngọt. Một hôm, nhân ngài đang lễ, một phụ nữ đi xe với một Bà-la-môn, thấy ngài và cười lên, để lộ hàm răng của nàng. Vị Trưởng lão, lấy hàm răng ấy như một đề tài để thiền quán, khởi lên thiền định và trên căn cứ ấy, phát triển thiền quán và trở thành một vị Bất Lai. Về sau nhờ Tôn giả Sàriputta dạy tu thân hành niệm, ngài chứng quả A-la-hán, ngài nói lên chánh trí của ngài:

466. Ra ngoài các khu vườn,
Tên Ambàtaka,
Trong rừng với lùm cây,٩, ái căn từ bỏ,
Bhaddiya ngồi thiền,
Bậc may mắn hạnh phúc.

467. Một số người ưa thích,
Trống, sáo và trống nhỏ,
Còn ta, dưới gốc cây,
Ta thích lời Phật dạy.

468. Nếu Phật ban ân huệ,
Ta được ân huệ ấy,
Ta trì thân hành niệm,
Thường hằng ở mọi giới.

469. Cười chê, ta vì thân,
Ai theo ta vì tiếng,
Chúng không biết được ta,
Vì dục tham chi phối.

470. Không biết được phần trong,
Không thấy được phía ngoài,
Chận bốn phía, người ngu,
Bị tiếng nói lôi cuốn.

471. Không biết được phần trong,
Quán thấy được phía ngoài,
Chỉ thấy quả phía ngoài,
Cũng bị tiếng lôi cuốn.

472. Quán trí được phần trong,
Quán thấy được phía ngoài,
Thấy không bị chướng ngại,
Không bị tiếng lôi cuốn.

 

(CCXXVI) Bhadda (Thera. 50)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Sàvatthi, trong gia đình một vị lớn trong hội đồng thành phố, làm con một gia đình cha mẹ trước đây không có con, dầu đã có cầu khẩn thần linh nhiều lần vẫn chưa có con. Họ đi đến bậc Đạo Sư và nói: 'Nếu chúng con có được đứa con, chúng con sẽ dâng lên cho ngài để làm thị giả!'. Khi được sinh Bhadda, chúng mặc áo đẹp nhất cho ngài, đưa ngài đến bậc Đạo Sư và nói: 'Bạch Thế Tôn, đây là đứa con chúng con sanh ra, sau khi yết kiến Thế Tôn, chúng con xin dâng hiến cho Thế Tôn'. Thế Tôn bảo Ananda cho Bhadda xuất gia và đi vào hương phòng. Ananda giảng dạy cho ngài và căn cơ ngài quá thuần thục đến nỗi trong khi đang học, vừa lúc mặt trời mọc, ngài phát triển thiền quán và chứng được sáu thắng trí.

Thế Tôn biết được những gì xảy ra và gọi: 'Hãy đến này Bhadda!' Ngài đến, chấp tay đảnh lễ bậc Đạo Sư. Đó là lễ xuất gia của ngài, đó là lễ xuất gia do đức Phật chủ trì. Và bậc Trưởng lão nói lên chánh trí của ngài:

473. Ta là con độc nhất
Được cha thương mẹ thương,
Do nhiều hạnh giới cấm,
Van vái mới được ta.

474. Vì lòng thương xót ta,
Muốn ta được hạnh phúc,
Cả cha và mẹ ta,
Dẫn ta đến đức Phật

475. Được đứa con trai này,
Thật trải nhiều khó khăn,
Nuôi dưỡng rất tế nhị,
Được nuông chiều săn sóc,
Chúng con kính dâng Ngài,
Kính thưa bậc cứu độ,
Để làm người thị giả,
Hầu hạ bậc chiến thắng.

476. Bậc Đạo Sư nhận ta,
Nói A-nan như sau:
Hãy cho nó xuất gia,
Nó sẽ thành thuần lương.

477. Sau khi bậc Đạo Sư,
Bảo xuất gia cho ta,
Xong rồi bậc chiến thắng,
Bước vào trong tinh xá,
Khi mặt trời chưa mọc,
Tâm ta được giải thoát.

478. Rồi bậc Đạo Sư ta,
Để chấm dứt công việc,
Từ yên lặng thiền tịnh,
Ngài đứng dậy gọi ta:
Này Bhadda hãy đến,
Ta thọ Đại giới vậy.

479. Từ sanh, đến bảy năm,
Ta được thọ Đại giới,
Ba minh ta đạt được,© pháp, thiện pháp tánh!

 

(CCXXVII) Sopàka (Thera. 50)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh từ vợ một người cùng đinh, và do thọ sanh, ngài được gọi là Sopàka (người cùng đinh). Có người nói ngài là con một thương gia. Sự kiện này không được tập Apadàna chấp nhận:

Khi ta chứng được,
Tái sanh cuối cùng,
Ta vào bào thai,
Của Sopàka.

Bốn tháng sau khi sanh, cha ngài mệnh chung, và được người cậu nuôi dưỡng. Người cậu, do người con hay nóng giận của mình xúi giục, muốn giết ngài. Nó đem ngài đến bãi tha ma, trói hai tay ngài cột vào cổ một thây ma, nghĩ rằng các con chó rừng sẽ ăn thịt ngài. Nó không thể giết ngài vì ngài tái sanh lần cuối cùng. Ban đêm các con chó rùng và các con thú khác đến, và đứa con nít kêu khóc:

Thế nào là định mệnh,
Được để dành cho ta.
Ai là người bà con,
Của đứa trẻ mồ côi!
Giữa nghĩa địa kinh hoàng,
Ta bị cột, trói chặt!
Ta sẽ tìm được ai,
Là người bạn của ta!

Bậc Đạo Sư trong lúc ấy đang nhìn xem ai là người đáng cứu độ, thấy trong đứa trẻ, những nhân duyên chứng quả A-la-hán được chói sáng trong tâm của đứa trẻ, liền chiếu sáng hào quang và nói:

Hãy đến, Sopaka,
Người đừng có sợ hãi,
Hãy nhìn đến Như Lai,
Chính Ta sẽ cứu con!
Như mặt trăng thoát khỏi,
Hàm răng của Ràhu.

Với sức mạnh của đức Phật, đứa trẻ bứt đứt dây trói, và cuối bài kệ đứng dậy, trở thành một bậc Dự lưu và đứng trước hương phòng của đức Phật! Mẹ ngài tìm ngài hỏi người cậu, nhưng người cậu im lặng không nói gì. Mẹ ngài đi đến đức Phật, nghĩ rằng đức Phật biết tất cả, quá khứ, hiện tại, vị lai. Bậc Đạo Sư, dùng thần thông giấu đứa con. Bà thưa với Thế Tôn: 'Bạch Thế Tôn, con không thể tìm thấy đứa con. Nhưng Thế Tôn biết được con tôi đang làm gì?'. Thế Tôn trả lời:

Các người con không phải,
Là chỗ y, nương tựa,
Cả cha cũng là vậy,
Kể cả các bà con.
Với kẻ bị mệnh chung,
Dầu bà con huyết thống,
Cũng không thể nương tựa!

Và như vậy, Thế Tôn thuyết pháp cho bà, bà nghe xong chứng quả Dự lưu, nhưng đứa trẻ chứng quả A-la-hán. Rồi Thế Tôn rút lại thần thông và bà mẹ sung sướng thấy được người con. Được biết con mình đã chứng quả A-la-hán, bà bằng lòng để con xuất gia và bà ra về.

Rồi ngài đến đảnh lễ bậc Đạo Sư, khi bậc Đạo Sư đang đi dưới bóng mát của hương phòng và đi theo Thế Tôn. Thế Tôn muốn thế độ cho ngài liền hỏi ngài mười câu hỏi, bắt đầu bằng câu: 'Thế nào là một pháp?'. Ngài hiểu được ý Thế Tôn liền trả lời: 'Các chúng sanh được nuôi dưỡng bằng thức ăn...', với trí sáng suốt của mình. Bậc Đạo Sư thỏa mãn với những câu trả lời của đứa trẻ, thọ giới cho ngài. Do vậy ngài có được tên là: 'Đặt trẻ với những câu hỏi'. Ngài nói lên chánh trí của mình, thuật lại những sự việc đã xảy ra, với bài kệ như sau:

480. Thấy bậc Tối thượng nhân,
Kinh hành dưới bóng lầu,
Tại đấy, ta đi tới,
Đảnh lễ bậc Tối thượng.

481. Đắp y một bên vai,
Chấp hai tay đưa lên,
Đi theo bậc Vô cấu,
Tối thượng trên mọi loài.

482. Ngài hỏi ta câu hỏi,
Khéo biết đặt câu hỏi,
Ta trả lời Đạo Sư,
Không run, không sợ hãi.

483. Đức Như Lai tùy hỷ,
Câu trả lời câu hỏi,
Nhìn chúng Tỷ-kheo Tăng,
Ngài nói ý nghĩa này:

484. Lợi ích thay, dân chúng,ʮg-ga, Magadha,
Cúng dường cho vị ấy,
Y dược thuốc sàng tọa,
Biết cung kính thích nghi,
Thật lợi ích cho chúng,
Bậc Đạo Sư nói vậy,

485. Bắt đầu từ hôm nay,
Hỡi này Sopaka,
Hãy đến yết kiến Ta,
Như vậy, Sopaka,®g thành tựu Đại giới,
Được an lành tốt đẹp.

486. Bảy năm từ khi sanh,
Ta được thọ Đại giới,
Ta mang thân cuối cùng!© pháp, thiện pháp tánh
.

 

(CCXXVIII) Sarabhanga (Thera. 50)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh tại Ràjagaha (Vương Xá), con của một Bà-la-môn, ngài có thể được đặt tên, độc lập hay không độc lập với truyền thống gia đình, ngài không có đặc điểm gì để đặt tên. Khi đến tuổi trưởng thành, ngài trở thành một ẩn sĩ, tự dựng một thảo am, làm bằng cọng cây lau mà tự ngài bẻ gãy, và từ đấy ngài được biết với tên là Sara-Bhanga, (người bẻ gãy cọng cây lau). Thế Tôn với Phật nhãn nhìn quanh thế giới, thấy được nơi ngài những điều kiện để thành vị A-la-hán. Thế Tôn đi đến thuyết pháp cho ngài. Và ngài khởi lòng tin, trở thành một vị xuất gia, sau một thời gian trở thành vị A-la-hán, ngài vẫn tiếp tục ở thảo am. Thảo am dần dần hư nát và sụp đổ xuống, dân chúng hỏi ngài sao không dựng thảo am lại, ngài trả lời, khi thảo am được dựng lên, ngài còn ẩn sĩ. Nhưng nay ngài không thể làm được như vậy nữa. Rồi ngài nói lên toàn bộ vấn đề như sau:

487. Tay bẻ những cây lau,
Ta làm am ta ở,
Do vậy, được tên tục:
'Người bẻ gãy cây lau'.

488. Nay không còn thích hợp,
Tự tay bẻ cây lau,
Theo học giới giảng dạy,
Gotama danh xưng.

489. Chính Sara-bhanga,
Từ trước chưa từng thấy,
Thấy chứng bệnh toàn diện,
Một cách thật đầy đủ.
Bệnh ấy nay được thấy,
Do lời bậc siêu thiên.

490. Chính đường ấy đã đi,
Vibassì, Sikhi,
Kể cả Vessabhu,
Với Kakusandha,
Konàgamana.
Chính với con đường ấy,
Gotama đã đến.

491. Ly ái, không chấp thủ,
Bảy Phật chứng Niết-bàn,
Pháp này được thuyết giảng,
Bởi các vị chứng Pháp.

492. Vì từ mẫn chúng sanh,
Bốn sự thật được giảng,
Khổ, khổ tập, con đường,
Diệt, chấm dứt khổ đau.

493. Trong đời sống liên tục,
Khổ luân chuyển không dứt,
Khi thân này bị hoại,
Khi mạng sống cáo chung,
Tái sanh khác không còn,;
Ta thật, khéo giải thoát,
Giải thoát mọi sanh y.

 


Chương VIII

Phẩm Tám Kệ [^]

 

(CCXXLX) Mahà-Kaccàyana (Thera. 52)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh tại Ujienì trong gia đình của vị cố vấn nghi lễ cho vua Candapajjota. Ngài học ba tập Vệ-đà, khi ngài lớn và khi phụ thân mất ngài kế tiếp chức vụ của cha. Ngài được biết với tên là Kaccàna theo dòng họ. Nhà vua được nghe tin đức Phật xuất hiện, ngài đi mời đức Phật, ngài đi với bảy người, được bậc Đạo Sư thuyết pháp, sau buổi thuyết giảng, cả ngài với bảy người đều chứng quả A-la-hán, với hiểu biết về nghĩa và về pháp. Rồi Thế Tôn đưa tay nói: 'Hãy đến các Tỷ-kheo!', cả tám vị được cắt tóc, đầy đủ với bát và y.

Khi ngài đã được giải thoát, ngài mời đức Phật đến Ujjenì để thuyết pháp cho vua. Đức Phật nói Kaccàna tự mình đi về, thực hiện sứ mệnh ấy. Kaccàna theo lời khuyên, đi với cả bảy vị, thuyết pháp cho vua, khiến vua khởi lòng tin rồi trở lại với bậc Đạo Sư.

Một hôm, nhiều Tỷ-kheo sau khi bỏ một bên các bổn phận của mình, tìm thú vui trong các vui thế tục và xã hội, đang sống một đời sống phóng dật. Vị Trưởng lão trong hai câu kệ, khuyên răn các vị ấy, và với sáu bài kệ tiếp, giảng dạy cho vua:

494. Chớ làm quá nhiều việc,
Tránh quần chúng đua tranh,
Người siêng tham đắm vị,
Bỏ đích đem an lạc.

495. Ta cảm là 'đống bùn',
Cung kính các gia đình,
Là mũi tên nhỏ nhiệm,
Thật khó được rút ra,
Tôn trọng khó từ bỏ,
Đối với kẻ không tốt.

Lời cho vua:

496. Hành động của con người,
Không phải là độc ác,
Tùy thuộc vào người khác,
Người khác nói hay làm,
Tự mình chớ có làm,
Vì người, bà con nghiệp.

497. Không vì người khác nói,
Con người thành ăn trộm,
Không vì người khác nói,
Con người thành bậc Thánh.
Như mình tự biết mình,
Chư Thiên biết mình vậy.

498. Người khác không biết được,
Đây ta sống một thời,
Những ai biết được vậy,
Bậc trí sống lắng dịu.

499. Chỉ bậc trí sống mạnh,
Dầu tài sản đoạn tận,
Nếu không được trí tuệ,
Có tiền như không sống,

Với vua hỏi về cơn mộng:
500. Với tai nghe tất cả,
Với mắt thấy tất cả,
Kẻ trí bỏ tất cả,
Như không thấy không nghe,

501. Có mắt, như kẻ mù,
Có tai như kẻ điếc,
Có trí, như kẻ ngu,
Có sức, như kẻ yếu,
để việc lành khởi lên,
Nằm như kẻ chết nằm
.

 

(CCXXX) Sirimitta (Thera. 52)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh ở Ràjagaha (Vương Xá), con của một điền chủ giàu có, được đặt tên là Sirimitta; mẹ ngài là chị của Sirigutta. Nay Sirimitta, cháu của Sirigutta tìm được lòng tin đối với bậc Đạo Sư nhiếp phục con voi Dhanapàla. Rồi ngài xuất gia và sau một thời gian chứng quả A-la-hán.

Một hôm, từ chỗ ngồi đứng dậy để tụng học giới bổn Pàtimokkha, ngài cầm một cái quạt có sơn màu, rồi ngồi xuống, ngài thuyết pháp cho các Tỷ-kheo, và làm như vậy, ngài làm nổi bật những đức tánh khác như sau:

502. Không phẫn nộ, không hận,
Không gian, không hai lưỡi,
Vị Tỷ-kheo như vậy,
Đời sau, không ưu sầu.

503. Không phẫn nộ, không hận,
Không gian, không hai lưỡi,
Tỷ-kheo thường hộ căn,
Đời sau không ưu sầu.

504. Không phẫn nộ, không hận,
Không gian, không hai lưỡi,
Tỷ-kheo giữ thiện giới,
Đời sau, không ưu sầu.

505. Không phẫn nộ, không hận,
Không gian, không hai lưỡi,
Tỷ-kheo thiện bằng hữu,
Đời sau không ưu sầu

506. Không phẫn nộ, không hận,
Không gian, không hai lưỡi,
Tỷ-kheo thiện trí tuệ,
Đời sau, không ưu sầu
.

Sau khi thuyết giảng về phẫn nộ, hận... ngài nói đến con đường siêu thoát, diễn tả thái độ chơn chánh của từng cá nhân, như vậy chứng nhận chánh trí của mình:

507. Với ai tin Như Lai,
Không dao động, thiện trú,
Với ai, nếp giới hạnh,
Được thiện nhân tán thán,
Được bậc Thánh tùy hỷ.

508. Với ai, có tín thành,
Đối với chúng Tăng già,
Có tri kiến chánh trực,
Họ nói về người ấy:
Vị ấy không nghèo đói,
Đời sống không trống rỗng.

509. Vậy nên bậc Hiền trí,
Hãy chú tâm tín, giới,
Tịnh, tín, thấy đúng pháp;
Vào cốt tủy lời Phật
.

 

(CCXXXI) Mahà-Panthaka (Thera. 53)

Khi bậc Đạo Sư đi đến Ràjagaha, chuyển bánh xe pháp, Panthaka, con đầu lòng của con gái một nhân viên giàu có trong Ủy ban thành phố, và một trong những người nô tỳ của phụ thân của người con gái, cả hai thường đi đến ông ngoại để nghe bậc Đạo Sư thuyết pháp, khởi lòng tin với thiền quán. Sau khi xuất gia, ngài trở thành thiện xảo trong lời dạy của bậc Đạo Sư và trong bốn thiền, và sau một thời gian, chứng quả A-la-hán. An trú trong an lạc thiền quán và quả chứng, ngài hồi tưởng lại sự thành công của mình, và sung sướng rống tiếng rống con sư tử như sau:

510. Khi đầu tiên ta thấy,
Bậc Đạo Sư vô úy,
Xúc động khởi nơi ta,
Thấy được người Tối thượng.

511. Ai cả tay cả chân,
Cầu khẩn thần may đến,
Với cử chỉ như vậy,
Khiến Đạo Sư hoan hỷ,
Vị ấy không thể đạt,
Như sở nguyện của mình.

512. Còn ta đã từ bỏ,
Vợ con, tiền, lúa, gạo,
Sau khi cạo râu tóc,
Ta xuất gia không nhà.

513. Học, sinh hoạt đầy đủ,
Các căn khéo chế ngự,
Đảnh lễ bậc Chánh giác,
Ta trú, không khuất phục.

514. Rồi ta khởi ước nguyện,
Tâm an trú tha thiết,
Ta quyết không ngồi nữa,
Dầu chỉ là một phút,
Cho đến khi rút được,
Rút mũi tên tham ác.

515. Ta an trú như vậy,
Hãy xem nhờ nỗ lực,
Ba minh ta đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.

516. Ta biết được đời trước,
Thiên nhãn được thanh tịnh,
Ta xứng được cúng dường,
Giải thoát khỏi sanh y.

517. Như đêm trở thành sáng,
Khi mặt trời mới mọc,
Mọi khát ái khô kiệt,
Ta vào, ngồi kiết-già
.

 


Chương IX

Phẩm Chín Kệ [^]

 

(CCXXXII) Bhùta (Thera. 54)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài sanh tại ngoại thành Sàketa, con một hội viên giàu có trong Hội đồng thành phố, ngài là con út và người con độc nhất được sống sót, các người con khác bị một con Dạ-xoa thù nghịch ăn thịt. Ngài được canh gác cẩn mật, và con Dạ-xoa bận lên hầu Vessavana nên không về nữa. Khi đến tuổi đặt tên, ngài được đặt tên là Bhùta, vì do nguyện cầu được sanh ngài: 'Mong rằng các hàng phi nhân có lòng từ hộ trì cho đứa trẻ'. Nhờ công đức của mình, ngài lớn lên không bị tai nạn gì, được nuôi dưỡng trong ba lâu đài như Yasa. Khi bậc Đạo Sư đến Sàketa, ngài cùng với các cư sĩ khác đến tịnh xá nghe thuyết pháp. Sau khi xuất gia, ngài sống trong một hang động, trên bờ sông Ajakaranì. Tại đấy, ngài chứng quả A-la-hán. Sau đó ngài về thăm các bà con vì lòng từ mẫn và ở trong rừng Anjana. Khi các bà con yêu cầu ngài ở lại, vì lợi ích chung cho các bà con và cho ngài, ngài nói ngài ưa thích đời sống xuất gia và nói lên những bài kệ như sau, trước khi từ biệt các bà con:

518. Khi bậc trí thấy được,
Già chết là đau khổ,
Tại đấy, kẻ phàm phu,
Không thấy, chấp thủ khổ.
Sau khi liễu tri khổ,
Chánh niệm, tu thiền định,
Không tìm thấy lạc nào,
Ưu việt hơn lạc này.

519. Khi đoạn tận được ái,٩ đem khổ, độc hại,
Tạo hý luận trói buộc,
Đẩy mạnh đến đau khổ,
Sau khi đoạn tận ái,
Chánh niệm, tu thiền định,
Không tìm thấy lạc nào,
Ưu việt hơn lạc này.

520. Khi với tuệ, thấy được,
Con đường lành vô thượng,
Gồm hai lần bốn phần,
Tịnh trừ mọi phiền não,
Sau khi thấy với tuệ;
Chánh niệm tu thiền định,
Không tìm thấy lạc nào,
Ưu việt hơn lạc này.

521. Khi tu tập con đường,
Không sầu, không cấu uế,
Vô vi, an tịnh đạo,
Tịnh trừ mọi phiền não,
Chặt trói buộc kiết sử,
Chánh niệm, tu thiền định,
Không tìm thấy lạc nào,
Ưu việt hơn lạc này.

522. Khi trên trời vang rền,
Tiếng trống mây giông tố,
Khắp con đường chim bay,
Dòng mưa dày đặc đổ,
Tỷ-kheo đi đến hang,
Tu tập, ngồi thiền định,
Không tìm thấy lạc nào,
Ư u việt hơn lạc này.

523. Khi trên những bờ sông,
Những vòng hoa rừng núi,
Nở lên và chói sáng,
Với nhiều màu nhiều sắc,
Với tâm tư thoải mái,
Ngồi thiền trên bờ sông,
Không tìm thấy lạc nào,
Ưu việt hơn lạc này.

524. Khi nửa đêm, rừng vắng,
Trời đổ trận mưa rào,
Loài có ngà có nanh,
Đang sống đang gầm thét,
Tỷ-kheo đến triền núi,
Ngồi yên lặng tọa thiền,
Không tìm thấy lạc nào,
Ưu việt hơn lạc này.

525. Khi tầm tứ chế ngự
Giữa núi, trong hang động
Thoải mái tự ngồi thiền,
Không sợ không chướng ngại
Không tìm thấy lạc nào,
Ưu việt hơn lạc này.

526. Khi ngồi được hỷ lạc,
Không uế chướng, không sầu,
Không tù túng, thoát ái,
Không bị mũi tên đâm,
Mọi lậu hoặc chấm dứt,
Vị ấy ngồi tọa thiền,
Không tìm thấy lạc nào,
Ưu việt hơn lạc này.


Mục lục chi tiết
Mục lục vắn tắt

Phần I | Phần Ib | Phần  II | Phần  III | Phần IV | Phần V | Phần VI | Phần VII | Phần VIII | Phần IX | Phần X

 


Cập nhật: 1-2-2001

Trở về mục "Kinh điển"

Đầu trang