Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Học kinh (11)
Chúng Tôi Học Hoa Nghiêm
Hoa Nghiêm với Tóan Học & Khoa Học Hiện Ðại

 

            Tổ chức GÐPT nói chung, và ACE Huynh trưởng nói riêng, gồm đủ mọi thành phần, không phân biệt giàu nghèo sang hèn, thành thị hay thôn quê, học "cao" hay học "thấp" cho nên khi nói đến "Toán học" hay " khoa học hiện đại" có nghĩa là Toán học và khoa học cấp phổ thông , chứ không dám lạm bàn đến Toán học và khoa học cao cấp cở hậu Ðại học - lảnh vực này đã có những bậc thầy của chúng ta như giáo sư Hồng Dương Nguyễn Văn Hai, GS Trần chung Ngọc, GS  Nguyễn Chung Tú . . . đề cập đến rồi.

            Sau đây là những bài học thu lượm được trong buổi học hôm nay :

            1) Khi bước vào thế giới Hoa nghiêm, về tứ pháp giới, đặc biệt là "Sự pháp giới" chúng ta thấy rất rõ một sự "gặp gỡ" giữa thế giới Hoa nghiêm mà đức Bổn sư đã nói đến từ cách đây mấy ngàn năm với những lý thuyết của vật lý học hiện đại về thiên văn, về nguyên tử , về năng lượng , lượng tử v..v.. chỉ khác nhau về phương diện thuật ngữ : thuật ngữ Phật giáo hay thuật ngữ Hoa nghiêm và thuật ngữ khoa học; chúng tôi đã đề cập một phần trong bài học lần trước, lần này xin bổ sung thêm  . 

Thật vậy, trong phẩm thứ 5 ( Hoa Tạng Thế giới- Tập I  tr. 259 - 353) nói về vô số thế giới ( nhiều như vi trần) với thiên hình vạn trạng hình tướng đặc tính khác nhau :"những thế giới úp, những thế giới ngữa, vô số thế giới có hình xoay chuyển, hình giang hà, hình nước xoáy . . " giăng chéo đan nhau như "lưới trời Ðế Thích"( lưới Ðế châu) .  Ở đây, mấy chữ "trùng trùng duyên khởi " của Hoa Nghiêm được Tổ thứ 3 của Hoa Nghiêm Tông là ngài Pháp Tạng đã dùng sự phản xạ ánh sáng qua các gương phẳng để giải thích ý nghĩa của " lưới Ðế châu" cho nữ hoàng Võ Tắc Thiên đời Ðường ( bên Tàu) : ngài  cho đốt 1 ngọn nến ở giữa phòng rồi đặt những gương phẳng chung quanh bốn bức tường và cả trên trần cũng như ở sàn phòng.  Ánh sáng phản chiếu cho nhiều ảnh của ngọn nến qua các gương phẳng, các ảnh này lại trở thành vật ,được phản chiếu nhiều lần qua các gương phẳng tạo thành vô số ngọn nến (nhưng thực tế chỉ có 1 ngọn nến TH


T còn tất cả đều là ảnh o của ngọn nến đó do sự phản xạ ánh sáng gây ra mà thôi ) Nếu ta lấy ngọn nến đi thì tất cả đều biến mất; nói cách khác: Một là Tất cả, Tất cả là Một và "các pháp hiện hành trong vũ trụ chỉ là ảnh tượng của Chân như  mà thôi" .   Xong, ngài Pháp Tạng lấy ra một quả cầu thủy tinh nhỏ đặt trên lòng bàn tay và giảng cho Võ Tắc Thiên:" Trong quả cầu nhỏ bé này hiện ra đầy đủ tất cả các mặt kính và tất cả sự phản chiếu của chúng" Ngài muốn chứng minh "cái nhỏ chứa cái lớn và cái lớn chứa cái nhỏ" (nói theo ngôn ngữ Hoa Nghiêm là "một hạt bụi bao trùm toàn bộ pháp giới" hay " một hạt cát là cả đại thiên thế giới"  vậy.)

Về điểm này, năm xưa sư cô Như Thủy cũng đã nói cho chúng tôi nghe khi có một chị Phật tử ở Mỹ về kể chuyện bên Tây bên Mỹ, những nơi mà cô ta đã đi du lịch rồi kể chuyện Sàigòn mà mấy hôm nay cô ta đã ở. . .  Chúng tôi ngồi nghe, sư cô nói : như vậy đầu óc nhỏ bé của chúng ta đã chứa tất cả những cảnh mà chị này vừa kể, rồi chúng ta còn hồi tưởng lại những người, những cảnh do câu chuyện của chị ấy kể ra nữa ,có phải không ? đầu óc chúng ta không cần phải "giãn nở ra" mà những cảnh, những người cũng không cần phải "thu nhỏ lại"; đó là tính vô ngại của không gian còn những chuyện "bao la vũ trụ" mà chúng ta hồi tưởng lại từ thời thơ ấu xa xưa cho đến những suy nghĩ toan tính trong tương lai, phải chăng chúng ta đã thu nhiếp quá khứ và tương lai vào phút giây hiện tại này ? đó là tính vô ngại của cả không gian và thời gian vậy.

2)Vật lý cổ điển chỉ xét đến thế giới vĩ mô ( ở bên ngoài, rộng lớn) còn vật lý học hiện đại không dừng lại ở đó mà còn tiến sâu vào "trong lòng nguyên tử" Ngày xưa nhà hoá học Lavoisier chỉ nói đến phân tử và nguyên tử nhưng ngày nay, không chỉ những nhà khoa học mà cả chúng ta nữa,  cũng đều biết rằng nguyên tử chưa phải là phần nhỏ nhất của vật chất , bởi vì bên trong nguyên tử còn có "nhân" và nhiều âm điện tử ( électrons ) chạy chung quanh; rồi trong nhân còn có protons và neutrons nữa .  . . . Tương tự, về cơ thể học các nhà sinh vật cho rằng cơ thể con người là do các mô cấu tạo thành mà mô là do nhiều tế bào hợp lại, mỗi tế bào lại do nhiều phân tử , phân tử lại do 2 hay nhiều nguyên tử hợp lại mà thành, nguyên tử lại bao gồm protons, neutrons và electrons . . . . cho nên "cái nguyên nhân đầu tiên" của con người hay của thế giới . . .vẫn không tìm ra . Nhiều lý thuyết, nhiều tranh luận và nhiều chứng minh nhưng đuợc cái này thì "kẹt" cái kia, nên vẫn không đem đến kết quả gì, vậy mới nói đó là thế giới của sinh tử, trong đó người ta muốn "chẻ một sợi tóc ra làm bốn" nhưng vẫn không phát hiện ra được điều gì mới lạ, đó không phải là thế giới lý tưởng " sự sự vô ngại pháp giới" của Hoa Nghiêm. 

Trong thế giới Hoa nghiêm ,với tuệ giác tương tức được diễn bày, cái nhìn của chúng ta được mở rộng : chỉ cần nhìn chiếc lá cây - nhìn thật sâu- ta có thể thấy được cả bầu trời xanh , đám mây trắng, nước, người làm vườn và trăm ngàn yếu tố khác . Nói cách khác ta đã có thể nhìn thấy cả vũ trụ trong chiếc lá cây bởi vì chiếc lá kia không thể một mình hiện diện và tồn tại , mà phải cùng có mặt cùng với mặt trời, nuớc, đám mây v..v..Ta  hiểu được một cách sâu sắc hơn cái gì là "Một là Tất cả" và "Tất cả là một."  Rồi khi lá cây héo úa nó sẽ trở thành phân bón cho những cây khác đang lớn lên và làm trở lại lá cây, hoa trái . . . Ðó chính là sự sinh hoá vô cùng vô tận , nói theo thuật ngữ Hoa Nghiêm đó là "trùng trùng duyên khởi"

            3) Bài học trong lần học trước về 4 pháp giới hay vũ trụ quan Hoa Nghiêm là pháp giới được nhìn "như -nó -là" ( as-it-is) , như thật, trong đó thế giới của hiện tương và thế giới của bản chất "giao thiệp" với nhau, trộn lẩn vào nhau một cách hoàn hão, không ngăn ngại (Lý sự vô ngại pháp giới)  Còn cái thấy của phàm phu chúng ta là thấy đủ thứ phân biệt , ngăn cách ,chướng ngại, đó là thế giới của sinh tử . Như vậy, chỉ cần thay đổi cách nhìn , cách tư duy, chúng ta có thể biến thế giới sinh tử thành cảnh giới Hoa Nghiêm toàn hảo, như cảnh của Hoa tạng thế giới vậy. ( Tuy nhiên, một chữ "đổi" rất nhỏ này thôi cũng đòi hỏi công phu tu tập và trình độ nhận thức không biết đến bao nhiêu kiếp nữa đây !J  J !!)

            Ðến đây, ACE chúng tôi không hẹn mà đều nhớ đến Phẩm Tịnh hạnh, phẩm thứ 11 ( tr.452- tr.467), tập I. Phẩm Kinh này rất ngắn nhưng cốt tủy của nó rất "vĩ đại" đó là : sửa đổi cái nhìn   ; nhìn sao thì sống vậy. Nhìn với đủ thứ phân biệt, với tâm yêu-ghét lấy-bỏ (xây dựng trên bản ngã nhỏ hẹp ích kỷ) thì đó là vướng mắc  trói buộc ; nhìn thấu suốt với tâm bình đẳng vô tư thì đó là giải thoát. Sự vĩ đại được thấy ngay khi ngưòi hỏi là Bồ tát Trí Thủ và người giải đáp là Bồ tát Văn Thù - hai vị "cao thủ" của trí tuệ giải thóat- và tổng số các câu hỏi lên tới hơn 100câu ! Bồ tát Văn Thù trả lời : đáp án chung cho tất cả các câu hỏi là Tịnh Hạnh, nghĩa là phải thực hành, đi một bước còn hơn nói 100 chuyện !! J J !! Thế là ngài văn Thù bắt đầu giảng nói về "chìa khóa" của việc sửa đổi cái nhìn ; đó là Xảo Nguyện ( là sự mong cầu, thỉnh nguyện thiện xảo) . Xảo nguyện là một phương pháp giáo dục cái nhìn, tập nhìn làm sao để cho những"phản xạ" tâm lý không bị vướng mắc , phiền não.   Ngài đề cập đến những chiều sâu của phép Tịnh hạnh : đổi hướng nhìn, Phá móc xích, Trừ kiến hoặc, Thực nghiệm vô ngã. Và phương pháp để thực hiện Tịnh hạnh là từng bước thanh tịnh tâm ý. Ở đây ngài Văn Thù kể lại sinh hoạt bình thường của một ngưòi từ lúc mới phát tâm bồ đề ở nhà cho đến khi thành chú Sa Di ở chùa .. ..  với đủ thứ nhân duyên ,hoàn cảnh, điều cốt yếu là ứng với mỗi cử chỉ, hành vi trong mỗi hoàn cảnh, người hành giả đều khởi lên  một "xảo nguyện" xuyên qua một bài kệ  -phải nói là đại nguyện mới đúng, vì toàn là những nguyện làm lợi ích cho chúng sanh chứ không nghĩ riêng cho bản thân mình, không có cái"ta" và "của ta" trong đó. Ðoạn này ACE chúng tôi rất thích thú vì một số các bài kệ trong đây chính là nội dung cuả "Tỳ ni thiết yếu nhật dụng" mà chúng ta đã biết , và Thầy Nhất Hạnh đã dịch thoát ra tiếng Việt ; ví dụ như kệ "Thức dậy" :

Thức dậy miệng mĩm cười
Hăm bốn giờ tinh khôi
Nguyện sống cho trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời
Kệ Ðánh Răng Súc Miệng:
Ðánh răng và súc miệng
Cho sạch nghiệp nói năng
Miệng thơm lời Chánh ngữ
Hoa nở tự vườn Tâm

Kệ "Rửa tay":

Múc nước để rửa tay,
Xin nguyện cho mọi người
Có đôi bàn tay khéo
Gìn giữ trái đất này

( trong phẩm này 2 câu cuối là : "có bàn tay trong sạch để giữ gìn (thọ trì) Phật Pháp)

            Tuy nhiên, "Tỳ ni thiết yếu nhật dụng" chỉ dành cho các chú Sa di trong chùa còn trong phẩm Tịnh hạnh thì nói về cuộc sống từ khi còn ở nhà với đầy đủ thất tình lục dục ,  nên ở đây những bài kệ dành cho "bồ tát tại gia" có đầy đủ hình ảnh của cha mẹ, vợ con, v..v.. và với  những hình thức hưởng lạc của thế gian, nhưng đã lồng vào những lời nguyện rất thiện xảo, có tác dụng thức tỉnh hành giả một cách rất tài tình  ; ví dụ như :

Bồ tát ở nhà
Nguyện rằng chúng sanh
Biết nhà tánh Không
Tránh mọi bức bách

Hay :

Hiếu thảo cha mẹ
Nguyện rằng chúng sanh
Khéo phụng sự Phật
Chăm sóc hết thảy
 
Vợ con sum vầy
Nguyện rằng chúng sanh
Oán thân bình đẳng
Vĩnh ly tham trước
 
Ðược hưởng ngũ dục ,
Nguyện rằng chúng sanh
Nhổ mũi tên dục
Cứu cánh yên ổn
 
Ca nhạc tụ họp
Nguyện rằng chúng sanh
Vui với chân lý
Biết nhạc là giả
v..v.. và v..v..

Thế cho nên mới nói trước đây  chúng ta chỉ thực tập và đem dạy các em áp dụng một phần nhỏ của "Tỳ ni thiết yếu" với vài chục bài kệ, với sinh họat của một chú sa di, còn ở đây có  tới trên 140 bài !! J J !! Hôm nay khi ngồi viết lại bài "học kinh Hoa nghiêm" này , chúng tôi còn nhận được 2 cuốn in 2 Phẩm Hoa Nghiêm ( phẩm Tịnh Hạnh và Phẩm Như Lai Hiện Tướng) do CE dịch và lược giải, Bảo Phật Thánh Hội ấn tống - 2001 ; thật đúng là "nóng hổi hổi vừa thổi vừa đọc" ( thật là một thiểu sót lớn vì chúng tôi không biết được CE là ai và nguồn gốc của  Bảo Phật Thánh Hội . Xin ACE nào biết vui lòng soi sáng cho. )

            4) Bài học thứ 4 là : Thí nghiệm về phản xạ ánh sáng mà Tổ Pháp Tạng làm cho Võ Tắc Thiên coi đem đến cho ACE chúng tôi một bài học về các mối tương quan giữa vật thật với ảnh ảo - cái nào ảo cái nào thật , không quan trọng ,nhưng cái khả năng được tấm gương phản xạ để tạo thành một ảnh khác , rồi ảnh này lại trở thành vật, cho qua 1 tấm gương khác , một ảnh khác nữa v..v.. bài học này thật sự chỉ đến với ACE trong thời điểm học Hoa nghiêm mà thôi ( chứ bài vật lý về gương phẳng thì ai cũng đã biết từ hồi còn nhỏ, từ năm học lớp 8   kia mà !!!J J  !!) : đó là : hãy tưởng tượng đức Phật đang ngồi trước mặt ta và đang giảng Pháp cho ta ( chúng ta) , xin hỏi : đó có phải là mối liên hệ hai chiều giữa người nói (đức Phật) và người nghe (ta) hay không?  Thật vậy, nếu ta tưởng tượng như có một tấm kính đặt trước mặt đức Phật và ta ; tấm kính (vô hình) có khả năng phản chiếu đức Phật và ta; nghĩa là trong phòng bây giờ có Ðức Phật và ảnh của Ngài, ta và ảnh của ta . Trong đại chúng có 3  ý kiến :

* đó là mối tương quan 4 chiều, trong đó:

a) đức Phật đang giảng Pháp và ta đang lắng nghe ( quan hệ 2 chiều)

b) đức Phật trong tâm ta đang giảng pháp và người ở trong tâm Phật đang lắng nghe ( 2 chiều khác)

**quan hệ 4 chiều, trong đó:

a)      đức Phật đang thuyết pháp và ta đang lắng nghe ( quan hệ 2 chiều)

b)      đức Phật trong tâm ta đang lắng nghe đức Phật bên ngoài thuyết pháp ( 2 chiều)

*** nếu tưởng tượng thêm 1 chút là tấm gương đó ở trong "phòng gương" thì lúc đó không chỉ có ảnh của đức Phật và ảnh của ta (chúng ta) mà là có vô số ảnh rồi - cái nào thật cái nào ảo ? có bao nhiêu mối quan hệ ? Thật hay ảo có còn quan trọng chăng ? có bao nhiêu mối quan hệ có còn quan trọng không ? v..v.. Chúng ta hãy dừng lại 1 chút để nhớ về lời dạy của đức Phật trong kinh Kim cang đi :

Hết thảy các pháp hữu vi                               ( Nhứt thiết hữu vi pháp
Như mộng, như huyễn, như bọt nước            Như mộng, huyễn, bào ảnh
Như sương mai, như ánh chớp                     Như lộ diệc như điển
Nên khởi lên cái nhìn như vậy                    Ưng tác như thị quán)

            Vì không có thầy Cố vấn giáo hạnh ở đây nên không biết câu hỏi này có nên đặt ra không và câu trả lời nào thích hợp .  Tuy nhiên ý kiến thứ 3 với lời nhắc nhở đến kinh Kim Cang của bạn ấy làm ACE chúng tôi thật tình giật mình tỉnh thức.

            5) Có một bạn đem điều tâm đắc của mình ra chia xẻ với Chúng ; đó là trong khi học Hoa Nghiêm đến phẩm thứ 30- phẩm A tăng kỳ - bạn ấy mới biết được na do tha là gì và mới phát hiện đức Phật đã đọc tên được những số vô cùng lớn cách đây mấy ngàn năm , trong khi đó, cho đến bây giờ chúng ta cũng chỉ đọc tên được đến số 10 lũy thừa 12  = 1triệu triệu mà thôi . Này nhé, ở trang 170 tập III , phẩm A tăng kỳ  , đức Phật nói :

(1 lạc xoa = 10 vạn tức là 100.000 =10 lũy thừa 5 và câu chi lần câu chi nghĩa là  "bình phương của câu chi" ):

100 lạc xoa =1 câu chi ;  câu chi lần câu chi = 1 A giu đa  ; A giu đa lần a giu đa =  na do tha ;    na do tha lần na do tha = 1 tần bà la   ; Tần bà la lần Tần bà la =1 căn yết la ; căn yết la lần căn yết la = 1 A già la    ;  A già la lần A già la = 1 tối thắng  v..v..

            Nói theo ngôn ngữ toán của chúng ta ngày nay là :

"Mười lũy thừa mười nhân mười lũy thừa mười bằng mười lũy thừa hai mươi; mười lũy thừa hai mươi nhân mười lũy thừa hai mươi bằng mười lũy thừa bốn mươi; mười lũy thừa bốn mươi nhân mười lũy thừa bốn mươi bằng mười lũy thừa tám mươi; mười lũy thừa tám mươi nhân mười lũy thừa tám mươi bằng mười lũy thừa 160; mười lũy thừa 160 bình phương bằng mười lũy thừa 320; ... ... ...; số đó bình phương bằng mười lũy thừa 101 493 292 610 318 652 755 325 638 410 240; số đó bình phương làm thành một a tăng kỳ (incalculable=không thể tính toán được); a tăng kỳ lũy thừa bốn làm thành một vô lượng (measureless= không thể đo lường được ); vô lượng lũy thừa bốn làm thành một vô biên (boundless); vô biên lũy thừa bốn làm thành một vô đẳng (incomparable= không thể so sánh được ); vô đẳng lũy thừa bốn làm thành một bất khả sổ (innumerable); bất khả sổ lũy thừa bốn làm thành một bất khả xưng (unaccountable); bất khả xưng lũy thừa bốn làm thành một bất khả tư (unthinkable); bất khả tư lũy thừa bốn làm thành một bất khả lượng (immeasurable); bất khả lượng lũy thừa bốn làm thành một bất khả thuyết (unspeakable); bất khả thuyết lũy thừa bốn làm thành một bất khả thuyết bất khả thuyết (untold); bất khả thuyết bất khả thuyết bình phương làm thành bất khả thuyết bất khả thuyết chuyển."  

           Thế đấy, từ 1 "căn yết la" = 10 lũy thừa 112 !! J J !! là ta  đã không có tên gọi nữa nhưng đức Phật thì cứ gọi tiếp cho tới 5 trang kế tiếp ; các bạn cứ tưởng tượng xem từ "lạc xoa" đến "căn yết la" là mới có 5hàng , mà số lượng đã lên tới 10 lũy thừa 112 ! vậy mà đây Phật cứ gọi tên như vậy cho tới thêm 5 trang nữa cho đến khi  đến cái mà đức Phật gọi tên là "bất khả thuyết bất khả thuyết chuyển" mới chịu ngưng. Hèn gì ngày xưa khi còn bé đức Phật đã nổi tiếng giỏi Toán nhất, đã đếm được đến những con số không ai hình dung nỗi !  Tài năng tóan học của ngài cũng đã được kể lại trong Lalitavistara ( Phổ diệu Kinh) rằng trong 1 cuộc thi đếm số lượng mà ngài đã thắng giải, ngài đã làm cho vị giám khảo phải qùy xuống bái phục!   Ðây là một ngạc nhiên thích thú của ACE chúng tôi mặc dù không ai đọc nỗi 1 lần những con số khổng lồ ghi ở đầu phẩm này khi đức Phật trả lời câu hỏi của Tâm Vương Bồ Tát về "thế nào là a tăng kỳ, thế nào là "bất khả thuyết bất khả thuyết." Thật đúng là "trí Phật sáng ngời như Trăng sáng"

            6) Mặc dù pháp giới trùng trùng vô tận nhưng đức Phật đã vì Bồ tát Tâm Vương mà "tóm tắt"   những cái vô cùng nhỏ (trên đầu mỗi sợi lông) chứa đựng những cái vô cùng lớn ( sơn hà đại địa) để mô tả pháp giới nhiệm mầu kỳ diệu của Hoa nghiêm ; chúng ta hãy nghe (tr. 174-tr.181) :

"Bất khả ngôn thuyết bất khả thuyết
Sung mãn tất cả bất khả thuyết
Trong những kiếp bất khả ngôn thuyết
Nói bất khả thuyết chẳng hết được.
 
 Bất khả ngôn thuyết các cõi Phật
Thảy đều nghiền nát làm vi trần
Trong một trần, bất khả thuyết cõi
Như một, tất cả đều như vậy.
... ... ...
Ở trên bất khả thuyết đầu lông
Ðều có cõi tịnh bất khả thuyết
Nhiều thứ trang nghiêm bất khả thuyết
Nhiều thứ kỳ diệu bất khả thuyết."
. . .
 
"Chỗ một đầu lông cõi lớn nhỏ
Tạp nhiễm thanh tịnh cõi thô tế
Tất cả như vậy bất khả thuyết
Mỗi mỗi rõ ràng phân biệt được.
 
Ðem một cõi nước nghiền làm bụi
Bụi đó vô lượng bất khả thuyết
Trần số vô biên cõi như vậy
Ðều đến đồng nhóm đầu một lông.
 
Những cõi nước này bất khả thuyết
Ðồng nhóm đầu lông không chật hẹp
Chẳng khiến đầu lông có thêm lớn
Mà những cõi kia chung đến nhóm.
 
Trên lông tất cả những cõi nước
Hình tướng như cũ không tạp loạn
Như một cõi chẳng loạn các cõi
Tất cả cõi nước đều như vậy."
v..v.. và v..v..

-          đến dây ACE chúng tôi phải hiểu nghĩa và làm quen với số lượng "bất khả ngôn thuyết bất khả thuyết" của ngài rồi !-

Qua 6 bài học trên đây, ACE chúng tôi kết thúc buổi học Kinh hôm nay và cũng tạm kết thúc học Kinh Hoa Nghiêm để đi qua Kinh Duy Ma Cật.

            Một bạn vừa "lai tỉnh"- ra khỏi thế giới Hoa nghiêm làm bạn ấy "ngây ngất" - đọc tặng mọi người  bài thơ bạn ấy vừa sáng tác, tạm gọi là "tức cảnh Hoa nghiêm" như sau :

                        Theo em lên tầng phi tưởng
Chợt nghe sắc tướng đi vong
Ngàn lời thoắt hoá thành không
Dấu chân trên cát mênh mông thiên đường
Lạnh tanh nhìn bóng tịch dương
Dửng dưng ảo ảnh chiều buông lặng lờ
Ta nhìn em- lạ tuổi thơ
Rồi nhìn ta lại - Dại khờ như xưa
Trăng tròn rung ánh sao thưa
Có ngôi tinh đẩu gọi mùa Ðông qua
Ta nhìn em- lại nhìn ta
Dường như mình đã tiêu pha một đời.

Tài liệu tham khảo:

Kinh Hoa Nghiêm (4 tập- Thầy Trí Tịnh Việt dịch)

Thiền Luận Suzuki ( quyển 3 - Thầy Tuệ Sỹ Việt dịch)

Phật Học ( Bài " Viên Dung Vô Ngại" của GS  Hồng Dương )

Kinh Hoa Nghiêm-Phẩm Tịnh Hạnh ( CE dịch và lược giảng, Bảo Phật Thánh Hội xuất bản -2001) .                                                      

http://www.buddhismtoday.com/viet/kinh/

 


Vào mạng: 3-12-2001

Trở về thư mục "Kinh điển"

Đầu trang