Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
Học kinh (10)
Chúng Tôi Học tiếp Kinh Hoa Nghiêm
Phẩm Nhập Pháp Giới

 

            Theo chương trình học Kinh của Chúng, hôm nay ACE chúng tôi tiếp tục học Hoa Nghiêm , đi vào phẩm thứ 39 : Nhập Pháp Giới. Phẩm này được giảng tại đạo tràng Ðại Trang Nghiêm nơi rừng Thệ Ðà, vườn Cấp Cô Ðộc với hai ngài  Phổ Hiền Bồ Tát và Văn Thù Sư Lợi Bồ tát làm thượng thủ.  Thính chúng của đai hội này cũng rất đặc biệt ; đó là những vị Bồ tát "đều đã thành tựu hạnh nguyện Phổ Hiền cảnh giới vô ngại" đó là những vị Thanh Văn "đều đã giác ngộ chơn đế, đều chứng thiệt đế, thâm nhập pháp tánh, thoát hẵn biển hữu lậu. . . Tâm các ngài tịch tịnh như hư không. . ."  ; đó là những vị Thế Chủ " hằng siêng thủ hộ thệ nguyện chẳng bỏ chúng sanh. Ðã nhập thế gian thù thắng trí môn. Từ Phật giáo sanh. Hộ trì chánh pháp. Phát đại nguyện chẳng để dứt Phật chủng. Sanh nhà Như Lai , cầu nhứt thiết trí."  (Kinh Hoa Nghiêm, tập IV  trang 11,12) Nói cách khác, các ngài đã dến đây tham dự đại hội này theo "lời mời" của đức Phật, một lời mời không phải bằng giấy tờ chữ nghĩa của thế gian hay bằng những e-mail thông tin trên mạng lưới internet mà ai cũng có thể nhận được, nhưng là bằng những dấu hiệu đặc biệt của đức Thế Tôn : bằng thiền định, đức Phật nhập "sư tử tần thân tam muội" ( thiền định của con sư tử vươn mình)  để rải tâm Ðại bi tràn đầy cả hư không vô tận , làm trang nghiêm thế gian và làm cho rừng Thệ Ðà bỗng nhiên rộng lớn như hư không, đồng với "bất khả thuyết Phật sát vi trần số quốc độ, và cảnh đạo tràng rực sáng vì được trang hoàng bằng vô số lượng ngọc lưu ly . . .  " (tr.14)

Lúc ấy, Bồ tát Phổ Hiền dùng nhiều phương tiện thiện xảo ( đồng pháp giới, đồng hư không pháp giới, . . . .đồng tất cả chúng sanh nghiệp, đồng tất cả chúng sanh dục, đồng tất cả chúng sanh căn. .. ) vì chư Bồ tát khai thị ,chiếu rõ diễn thuyết sư tử tần thân tam muội này.   Ngài giới thiệu một chương trình hoằng dương Phật Pháp rộng lớn, dưới mọi hình thức : những đòan thể đông như vi trần , cũng có thể chỉ một hai người, có thể chỉ là một người : như là một đại sĩ, một đạo sĩ,  một thương gia, một nghệ sĩ v..v.. ( tr. 60)

Sau đó, ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ tát nói lại những biến hoá trong rừng Thệ Ða và từ đó , nói về tất cả trí tụệ chiếu sáng thế gian, hoặc nói đèn trí tuệ chiếu các cảnh giới của tất cả các pháp, giáo hoá thành thục tất cả chúng sanh nhưng vẫn chẳng rời khỏi rừng Thệ Ða của đức Như Lai (tr.82) .Rồi ngài rời khỏi Thiên Trụ lâu các ra đi cùng với vô lượng Bồ Tát đồng hạnh.  Tôn gỉa Xá Lợi Phất tán thán vô lượng công đức trang nghiêm của ngài Văn Thù,  làm cho chư vị tỳ kheo sau khi nghe xong khởi tâm tin hiểu vững chắc, sáu căn thanh tịnh , phát đại bi tâm và đại nguyện . Họ yêu cầu trưởng lão Xá Lợi Phất đưa họ đến chỗ ngài Văn Thù .  Xá Lợi Phất bèn dẫn theo sáu ngàn vị tỳ kheo đến chỗ ngài Văn Thù sư Lợi Bồ tát.  Ở đó, ngài Văn Thù khuyến khích các vị tỳ kheo trẻ hãy tinh tấn thành tựu mưòi hạnh dể có thể hành Bồ tát đạo , nhập Bồ tát địa và cả Như lai địa nữa. (tr. 88) Ðó là 10 tâm nguyện rộng lớn sau đây :

1.Chứa nhóm tất cả thiện căn không bao giờ biết mệt mỏi, nhàm chán

2. Thờ kính cúng dường tất cả chư Phật không bao giờ biết mệt mỏi, nhàm chán

3. Mong cầu được học hỏi tất cả Phật Pháp không bao giờ biết mệt mỏi, nhàm chán 

4. Thực hành tất cả các hạnh Ba la Mật không bao giờ biết mệt mỏi, nhàm chán

5.Thành tựu tất cả tam muội của Bồ Tát mà không bao giờ biết mệt mỏi, nhàm chán

6. Lần lượt thâm nhập tất cả tam thế mà không bao giờ biết mệt mỏi, nhàm chán

7. Làm trang nghiêm thanh tịnh các cõi Phật ở khắp mười phưong thế giới mà không bao giờ biết mệt mỏi, nhàm chán .

8. Giáo hoá và điều phục tất cả chúng sanh không bao giờ biết mệt mỏi, nhàm chán.

9. Thành tựu  hạnh Bồ Tát trong tất cả các cõi, ở tất cả các kiếp, mà không bao giờ biết mệt mỏi, nhàm chán .

10. Vì thành tựu một chúng sanh mà tu hành vô số ba la mật nhiều như số hạt bụi trong vô số thế giới Phật, thành tựu mười uy lực của Như Lai .  Lần lượt như vậy, tiến đến mục đích thành thục tất cả chúng sanh giới mà thành tựu tất cả trí lực của Như Lai lòng không bao giờ biết mệt mỏi, nhàm chán .

            Sau khi nghe pháp này rồi, chư tỳ kheo thành tựu đuợc rất nhiều tam muội ,  bồ đề tâm, và Ba La Mật . . . và trụ hạnh Phổ Hiền tiếp tục con đường hành đạo , đoàn người  dừng lại ở rừng Trang Nghiêm Tràng Ta La  là nơi rất nổi tiếng vì ở đãy, chư Phật đã từng giáo hoá chúng sanh và đức Phật Thích Ca cũng đã từng ớ đó tu Bồ tát hạnh.  Tại đây, Bồ tát Văn Thù giảng kinh Phổ chiếu Pháp giới, với một đại chúng vô cùng đông đảo và ngài đã phát hiện ra trong thính chúng một thanh niên với nhân cách lý tưởng, một hình ảnh pháp khí tuyệt vời : đó là Thiện Tài đồng tử.  Ngài đã "thấy " được tư cách phi phàm của Thiện tài và biết đưọc rằng những dấu hiệu ấy đã có từ lúc Thiện tài mới nhập thai, như lầu các thất bửu , bảy loại mỏ quí  ( vàng, bạc, lưu ly,  pha lê, trân châu, xa cừ, mả não, . . . ) nói lên nhân cách độc đáo và những đức tính sáng chói của vị thiện nam tử đặc biệt "có một không hai" này (tr. 94) . 

            Sau thời pháp, Bồ tát Văn Thù Sư Lợi rời khu rừng mà đi . Thiện Tài như bị một hấp lực không thể nào cưỡng lại nỗi, đó là lý tưởng cao đẹp của Bồ tát Ðạo, nên đã chạy theo ngài Văn Thù, nói lên bài kệ gói trọn tâm nguyện của mình là được theo Thầy học Ðạo , với ý chí sắt đá như "kim cương" , như "đại địa chẳng động", đã "vào ngôi Pháp vương" ,đã "đội mão Trí vương", đã "vấn lụa diệu pháp" . . .  bài kệ đầy khẩu khí khiến ngài Văn Thù xoay lại nhìn Thiện Tài như trong tư thái của một con tượng vương(voi chúa) , ca ngợi chí nguyện cao cả của người tuổi trẻ này và đồng ý nhận Thiện Tài làm đệ tử,  chỉ dạy cho chàng rằng muốn thành tựu nhất thiết chủng trí thì phải quyết định cầu chân thiện tri thức không bao giờ biết mệt mỏi, không bao giờ thấy nhàm chán, chỉ thấy phương tiện thiện xảo nơi thiện tri thức mà không thấy lỗi lầm ( tr. 105) .  Từ đây, Thiện Tài vâng lời Thầy, từ giả ân sư ra đi về phía nam trên núi Diệu Phong để được học với thầy Ðức Vân về hạnh Bồ tát, tu theo hạnh Bồ tát , rồi viên mãn hạnh Phổ Hiền . . .  Từ đây, Thiện Tài đồng Tử tuy phải bùi ngùi rời khỏi sư phụ, một mình dong ruỗi trên đừơng học Ðạo nhưng không cảm thấy cô đơn nữa vì đã có lý tưởng và vị Thầy Văn Thù kính yêu trong lòng, vì đã biết rằng sẽ có những vị Thầy trong tương lai đang chờ đợi mình ở một nơi nào đó, những người bạn cùng lý tưởng ở một phuơng trời xa, chưa quen nhưng rồi sẽ quen . . .

Ðây là một hành trình vô định vì biển học mênh mông; chưa biết bao giờ kết thúc, đó là lý do tại sao phẩm Nhập Pháp giới này là phẩm Kinh dài nhất của Hoa Nghiêm.  Ðể tóm tắt  nội dung chủ yếu của việc tầm sư học đạo của Thiện tài Ðồng tử, gồm 53 giai đọan trong 53 bối cảnh khác nhau, ứng với  hành trình tu tập của Bồ tát Ðạo: thập tín, thập trụ, thập hành, thập hồi hướng, thập địa & Ðẳng giác, Diệu Giác,  Phật Ðà.  ACE chúng tôi ghi nhanh vào bảng sau đây ( tr.106- tr.780 ):

Bài học :                                                                            người dạy:
Phát Bồ Ðề tâm, cầu thiện tri thức                                      BT Văn Thù Sư Lợi 
Tu Bồ Tát Ðạo, viên mãn hạnh Phổ hiền                             Tỳ kheo Ðức Vân
Vô ngại thần túc thông                                                       Trưởng lão Thiện Trụ
Trì chú Ðà la ni                                                                  Thượng tọa Di Già
Thiền                                                                                 Trưởng giả Giải Thoát
Phép "Quán tưởng"                                                             Thiền sư Hải Vân
Pháp môn niệm Phật                                                           Hoà thượng Công Dức Vân
Pháp môn Lục độ và Bát Nhã                                             Hoà thượng Hải Tràng ,
                                                                                         Thần Bảo Nhãn
                                                                                         Qủy vương la Sát
                                                                                         Và Phật Mẫu Maya(có4 người dạy)
Diệt trừ phiền não                                                                Ưu bà di Hữu Xả
Pháp môn "Bồ Tát Vô thắng tràng giải thoát"                        Tiên Ông Tỳ Mục Cù Sa
Pháp môn"Bánh xe giải thoát quay vô tận"                            Bà la môn Thắng Nhiệt 
(Bồ Tát Vô tận luân giải thoát)
Pháp môn "Bát Nhã phổ trang nghiêm"                                 Ðồng nữ Từ Hạnh
P/M "Bồ tát tùy thuận đăng giải thoát"                                   ỳ kheo Thiện Kiến
(Ngọn đèn trí tuệ của BT muốn soi tới đâu cũng được)
2 vị này giảng cho Thiện Tài về chân lý Tánh Không
Ngũ Minh pháp                                                                    Ðồng tử Tự tại Chủ,
( có 4 người dạy)                                                                  Trưởng giả Ưu Bát La Hoa                                                                                            đồng tử Biến Hữu  
  và đồng tử Biến Tri  
P/M Bố thí ba la Mật                                                           Ưu bà Di Cụ Túc & cư sĩ Minh Trí
Tứ Vô Lượng tâm :
Tâm Từ                                                                                Vua Ðại Quang
Tâm Bi                                                                                 Trưởng giả Pháp Bảo Kế        
Tâm Hỷ                                                                               ngoại đạo Biến Hành
Tâm Xả                                                                                Vua Vô Yếm Túc
Lý Chân Không                                                                    Trưởng giả Phổ Nhãn
Tinh tấn Ba La Mật :                                                            Ưu bà di Bất Ðộng
Nhẫn nhục Ba La Mật                                                          Thuyền trưởng Bà Thi La
Trì giới Ba La Mật                                                                Tỳ kheo ni Sư Tử Tần Thân
Tâm bình đẳng                                                                       Thiện nữ Ba Tu Mật Ða
Tứ Nhiếp Pháp                                                                     Trưởng giả Vô Thượng Thắng
Lý Chân Không Diệu Hữu                                                     Cư sĩ Tỳ Sác Chi La
Tâm Ðại Bi                                                                           BT Quán Tự Tại
Thí Chánh Pháp                                                                    BT Chánh Thụ
Phá ngã chấp & pháp chấp                                                     Thần Ðại Thiên
P/M Lục thông                                                                      Thần An Trụ
Lý Nhị Không                                                                      Dạ thần Bà San Bà Diễm Ðề
Chữ Không                                                 Dạ thần thủ hộ nhất thiết Thành Ðăng Trưởng Uy Lực
Chân Như                                             Dạ thần Khai Phu Nhất thiết Thụ Hoa dạy
Thu thúc 6 căn       Dạ thần Ðại Nguyện Tinh Tiến Lực Cứu Hộ Nhất Thiết Chúng Sanh
Lý Nhân Duyên sanh                                                             Thích nữ Cù Ba
Thực Tuiớng của các Pháp                                                      Dạ thần Phổ Ðức Tịnh Quang
Thực tại siêu việt của các Pháp                                              Thiện nữ Thiện Chủ Quang
37 Phẩm Trợ Ðạo                                             Dạ thần Hỷ Mục Quan Sát Chúng sanh
                                                                  và dạ thần Phổ Cứu Chúng Sanh Diệu Ðức
P/M Trung Ðạo                                                                     Thần Tịnh Tĩnh Âm Hải
Những Qủa vị tu chứng                                                          Thần Diệu Ðức Viên Mãn
P/M Bất Nhị                                                                         Trưởng giả Kiên Cố Giải Thoát
Biệt Nghiệp-Cộng Nghiệp &                                                   Bà la Môn Tối Thắng Tĩnh
Chuyển Nghiệp thành Nguyện                                   
Bát Nhã & Duy Thức                                                              Bồ tát Di Lặc
Vô Số Pháp hành vi diệu & Vô biên                                       BT Văn Thù
số Ðà la Ni
Phương pháp hành Bồ tát Ðạo                                                 BT Phổ Hiền

 

Ðiều thích thú của ACE chúng tôi khi học phẩm Kinh này là thấy chưong trình tu học của mình cũng có được ghi trong chương trình học của Thiện Tài đồng tử như Duy Thức, Bát chánh đạo, Tứ nhiếp pháp, Lục độ (= Ba La Mật) v..v.. ( mặc dù chỉ là "chút chút" thôi nhưng vậy cũng là vinh hạnh lắm rồi !!J J !!. ) Thế là mặc dù trong khi tóm lược Phẩm kinh, cũng đã có những bài học cụ thể rồi nhưng ACE cũng dành nhau phát biểu những bài học mà mình tâm đắc khi học qua Phẩm kinh Nhập Pháp Giới này . Ðó là :

  1. Phẩm kinh này nêu lên một căn bản giáo dục và sinh hoạt của thanh niên , mà chắc bác Tâm Minh Lê Ðình Thám và các Anh Chị đầu đàn của GÐPT ngày xưa đã thấy được và xây dựng GÐPT theo mô hình này : đó là một tình bạn chân thành, một trái tim nóng bỏng yêu thương - nhìn lại 5 điều luật của ngành Thanh Thiếu & Huynh truởng cũng như 3 điều luật của Oanh Vũ hay đọc lại tác phẩm Ánh Ðạo Vàng của anh Võ Ðình Cường hồi đó, chúng ta thấy rất rõ điều này. Ngòai ra, cái mà chúng ta thường gọi là "tình Lam" phải chăng là  một tình bạn  thiêng liêng cao quí, có khi hơn cả tình ruột thịt, giữa những người cùng lý tưởng, kết chặt ACE chúng ta, có khi đến một đơn vị chưa quen biết nhưng cũng đồng phục như chúng ta, cũng sinh hoạt vào ngày Chủ nhật, cũng chào cờ Sen Trắng, cũng tụng bài Sám hối, cũng kết giây thân ái  v..v. .  làm cho chúng ta thấy như đã quen nhau nhiều đời nhiều kiếp rồi vậy. Chúng ta mơ ước một ngày nào đó, Hoa Sen Trắng sẽ nở khắp nơi trên quả dất này để  ánh sáng từ bi và trí tuệ của chư Phật và chư Bồ tát được gieo rắt khắp nơi xoa dịu những nỗi đau của trần gian này.( những điều này ACE chúng tôi nói với nhau từ những năm 80, không ngờ hơn 20 năm sau cũng được ứng nghiệm - và bây giờ khi ngồi ghi lại những dòng này là lúc chúng tôi đã quen được không biết bao nhiêu là ACE Áo Lam trên toàn thế giới : từ Âu Châu, Úc Châu đến Canada , Hoa Kỳ ; mà nếu kể chi tiết thì phải nói là từ Na Uy, Thụy Ðiển, Pháp , Ðức , Bỉ , Hoà Lan đến Úc, Canada ,Hoa Kỳ . . . mà cũng chưa đủ ( vì người viết bài này không nắm được những đơn vị của Úc nằm trong những vùng nào của Châu Úc & Tân Tây Lan , đất nước đặc biệt là: khi tất cả chúng ta đang ở trong muà Hè thì  ACE ở Úc đang ở trong mùa Ðông và ngược lại !)
  2. Bài học thứ hai là về ngài Văn Thù Sư Lợi , vị bồ tát tượng trưng cho hạnh Trí Huệ mà chúng ta cũng thường được nghe "Văn Thù là mẹ cuả chư Phật" cũng bởi ý nghĩa này.  Chúng ta thường "làm quen" với hình ảnh ngài Ðại Trí Văn Thù cưỡi sư tử xanh,tay cầm cây gươm  là nói lên ý nghĩa khi sư tử rống lên thì mọi vật trong rừng đều im hơi lặng tiếng cũng như khi tiếng nói của đại Trí vang dậy thì vô minh phiền não phải lặng đi, phải bị chặt đứt v..v.. Ở đây, trong phẩm Nhập Pháp Giới này, chúng ta còn thấy rõ hơn "uy lực" của Bồ Tát Văn Thù : ngài xoay mình như "tư thái cuả một con voi chuá"  và khi ngài cất tiếng thuyết pháp ( nghĩa là tiếng rống của sư tử đã cất cao) thì hạt giống giác ngộ đã có sẵn trong mỗi chúng sanh bị chấn động và nứt chồi. Ðó là động cơ khiến Thiện tài đồng tử bị hấp lực của ngài "lôi đi" và cũng là lý do mà trưởng giả Xá Lợi Phất ca ngợi Bồ Tát Văn Thù đưa đến kết quả là sáu ngàn thầy tỳ kheo trẻ đòi Xá lợi Phất dẫn họ đến chỗ ngài Văn Thù.
  3. Bài học thứ ba gồm vô số bài học từ phong cách dạy dỗ, nói năng của những vị chân thiện tri thức mà Thiện Tài đồng tử đã được gặp cũng như thái độ của Thiện Tài đối với họ . Họ gồm đủ mọi thành phần trong xã hội , từ một ông vua, một đạo sĩ, một thiền giả, trưởng giả, thương gia, một vị thần . . . cho đến một em bé, một quỷ vương, một cô gái kỷ nữ, giang hồ .  Tất cả mọi người đều hết lòng yêu mến dạy dỗ cho Thiện tài đồng tử và ngược lại Thiện Tài cũng hết mực cung kính trân quí tấm lòng của họ và khi rời xa, hai bên đều để lại trong lòng nhau một niềm quyến luyến làm giàu thêm cho hành trình tu học của chàng thanh niên tuổi trẻ tài cao và thông tuệ này.  ACE chúng tôi đều học được rằng mọi người mà chúng ta có duyên được gặp trong đời này đều có thể là một vị thầy của chúng ta nếu chúng ta biết tận dụng những sở trường của họ ; gần nhất là ACE Áo lam của mình , và nhất là "những con ngựa chứng" (có tài thường có tật mà !)nên phải nghe lời của Bồ Tát Văn Thù dạy Thiện tài " chỉ thấy phương tiện thiện xảo nơi thiện tri thức mà không thấy lỗi lầm" Ðây cũng chính là phương pháp để duy trì hoà khí giữa ACE chúng ta trong sinh hoạt chung vậy.
  4. Bài học thứ tư là về ý nghĩa biểu tượng của các tên người, địa danh và những con số mà chúng ta đã làm quen trong các Kinh Phật trước đây ; lấy ví dụ về vị thầy đầu tiên của Thiện Tài : ngài Ðức Vân ở trên đỉnh núi Diệu Phong mà Thiện Tài đã phải khó khăn tìm kiếm trong 7 ngày mới gặp được.  Ðức Vân là đám mây đạo đức, đám mây lành che mát thế gian , ngài ở trên đỉnh núi, Thiện tài phải leo lên tới đỉnh núi mới gặp được - đỉnh núi là biểu trưng cho một vị trí vượt lên cao, lên trên đời thường. Càng lên cao, tầm nhìn của chúng ta càng rộng, càng thoáng (nhờ đó mà Thiện Tài học được pháp môn Phổ Kiến) . Sự kiện "bảy ngày" mới gặp được ngài Ðức Vân được giải thích là người học Ðạo Thiện Tài phải trải qua 7 phương tiện   ( hay học tập 7 giác chi)
  5. Cách học Phật Pháp của Thiện Tài đồng tử không phải là học từ chương mà bằng vào sinh họat thực tiển như Tổ Huệ Năng bằng công phu giã gạo nơi đạo tràng Huỳnh Mai vậy.  Do đó, những gì Thiện tài gặp trên đường tìm cầu chân thiện tri thức đều là những vấn đề phải học hỏi và mỗi thành tựu đều là những tiến bộ trên đường Ðạo vì "Phật Pháp bất ly thế gian pháp." ACE chúng ta cũng vậy: sống, làm việc tham gia sinh hoạt GÐPT, dìu đắt đàn em . . . đều là vừa học vừa tu Ðừng nói rằng " làm việc GÐPT vừa tốn thì giờ, vừa tốn tiền bạc - vì không có lương đã đành mà việc gì cũng phải "móc túi ra," đã vậy còn chuốt lấy phiền não" Qủa thật có như vậy mà không phải vậy vì thông qua việc làm " ăn cơm nhà vác ngà voi" này, vô hình chung, ACE chúng ta có thể thành tựu nhiều việc, tiến bộ về nhiều mặt, có nhiều niềm vui, v..v.. miễn là chúng ta luôn trung kiên với lý tưởng, không bao giờ biết mệt mỏi, không bao giờ thấy nhàm chán.  Thiện Tài đã dùng hết cuộc đời mình để học, để sống thực nghĩa là áp dụng những bài học đó vào chính cuộc sống truớc mặt , dể chứng nghiệm sự đồng hoá giữa lý thuyết với thực tế  cuộc sống , cho nên cuộc hành trình của Thiện tài  mới được gọi là cuộc hành trình" chứng nhập pháp giới"  nói cách khác là đi vào thế giới của "sự sự vô ngại" hay nói theo sư phụ Tuệ Sỹ là "sống vĩnh cửu trong từng sát na và nhìn thấy vô biên trong từng hạt cát" ( Thầy thường khuyên ACE chúng ta mở rộng lòng mình ra để "khoảnh khắc trở thành thiên thu và mỗi hạt cát là một đại thiên thế giới" đúng là ý này đây phải không các bạn ?)
  6. Bài học cuối cùng dể chấm dứt buổi học hôm nay là về P/M quán tưởng mà Thiện tài đồng tử đã học với ngài Hải Vân . ACE chúng tôi thật ngưỡng mộ đầu óc thông minh vĩ đại của Thiện Tài  đã đành mà còn bội phục chàng ta ở khả năng quán tưởng nữa . Thiện tài đã ngồi nhìn mặt biển , quán tưởng về tính chất bao la & sâu thẳm của biển, khả năng chứa đựng vô số loài động , thực vật với muôn ngàn tính chất , màu sắc thay đổi không kể xiết & biển đã tiếp nhận vô số nguồn năng lượng từ trên trời đến dưới đáy biển v..v. rồi liên hệ với tính chất đa dạng, phức tạp của tâm, và cả vạn pháp  v..v.. Thiện Tài đã giúp ACE chúng tôi phấn chấn tinh thần , tự hưá sẽ tinh tấn trong những giờ ngồi thiền và dành nhiều thì giờ hơn để đi vào việc quán chiếu những đề tài như Biển, Nước, ngoài thân, thọ . . . mà chúng ta thường thực tập.

Nói chung, chỉ riêng phẩm Nhập Pháp Giới này, ACE chúng tôi biết rằng mình học suốt đời cũng không xong vì trong mỗi bài học của Thiện tài là cũng đã có vô số bài học mà chúng ta có thể rút ra được rồi.   Tuy nhiên, không chỉ với Hoa Nghiêm , mà với tất cả các Bộ Kinh khác, ACE chúng tôi cũng chỉ dám nghĩ rằng mình "cỡi ngựa xem hoa" nhưng đi ngang qua rừng hoa thì cũng được thơm lây chút chút- đó là những bài học rút ra được đem áp dụng vào sinh hoạt riêng và sinh hoạt GÐPT  để trao truyền phần nào cho các em mình , vậy là "mãn nguyện" rồi. 

http://www.buddhismtoday.com/viet/kinh/

 


Vào mạng: 3-12-2001

Trở về thư mục "Kinh điển"

Đầu trang