Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
PHẬT THUYẾT A DI ĐÀ KINH THIỂN THÍCH
 Hán dịch : Tam tạng Pháp sư Cưu Ma La Thập
Giảng giải : Tuyên Hóa Thượng nhân
Việt dịch : Thích Minh Cảnh

Phần III

Lại này Xá-lợi-phất ! Cõi nước Cực Lạc có bảy lớp lan thuẫn, bảy lớp lưới giăng, bảy lớp hàng cây đều bằng bốn thứ báu vây quanh giáp vòng, cho nên nước ấy tên là Cực Lạc.

Sau khi đã nói tại sao cõi nước kia tên là Cực Lạc rồi, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đợi chờ ngài Xá-lợi-phất thưa hỏi vô lượng vô biên đạo lý trong đó, nhưng ngài Xá-lợi-phất tuy rất thông minh lại vẫn không hiểu rõ. Bởi vì pháp môn Tịnh độ rất vi diệu, là pháp môn không thể nghĩ bàn, cho nên ngài không biết thưa hỏi ra sao. Lúc đó Đức Phật không còn chờ ngài nữa, lại nói tiếp : "Này Xá-lợi-phất ! Ta lại nói cho ông biết một số việc : Cõi nước Cực Lạc có bảy lớp lan thuẫn ...". Lan là những cây ngang, thuẫn là những rào dọc; còn có bảy lớp lưới giăng, bảy lớp hàng cây, ba thứ báu này đều là số bảy. Bảy lớp lan thuẫn đại biểu cho Giới, bảy lớp lưới giăng đại biểu cho Định, bảy lớp hàng cây đại biểu cho Huệ. Ba thứ này tức là Giới Định Huệ; ba thứ đều mang số bảy, cũng là biểu thị cho bảy khoa. Bảy khoa là gì ? - Tức là 37 đạo phẩm : 4 niệm xứ, 4 chánh cần, 4 như ý túc, 5 căn, 5 lực, 7 Bồ-đề phần, 8 chánh đạo phần, cộng thành 37 đạo phẩm. Vì sao đem "lan thuẫn" đại biểu cho Giới ? - Giới là ngăn ác, ngừa quấy; tức là các điều ác không làm, các điều lành vâng làm. Ngăn ngừa các điều ác, vâng làm các điều lành, tức là Giới. Khi chưa thọ giới có thể khởi các thứ vọng tưởng, nhưng thọ giới rồi thì không nên khởi bất cứ vọng tưởng nào, mà phải nghĩ tưởng thanh tịnh. Vạn nhất có khởi ra vọng tưởng, phải tự rờ đầu mình và nói : "Mình đã xuất gia, không phải là người tại gia nữa, nhất định phải ba nghiệp thanh tịnh". Cũng giống như dùng lan can để rào lại, cho nên dùng lan thuẫn đại biểu cho Giới. Nếu như nhảy qua hàng rào tức là phạm pháp, vì thế gọi bảy lớp lan thuẫn là Giới. Tại sao bảy lớp lưới giăng đại biểu cho Định ? - Định có nghĩa là không ra không vào. Có câu nói như thế này : "Na-già thường ở định, không lúc nào không định". Nếu thiệt có định lực thì không cần phải ngồi nữa. Bất cứ cảnh giới nào có đến cũng không làm lay động được. Vì bất cứ lúc nào tâm mình cũng không bị ngoại cảnh lay chuyển, cho nên gọi là "thường ở trong định". Ví như có một món ăn ngon, ăn rồi lại muốn ăn nữa, ấy là vì không có định lực, thậm chí, đi lấy trộm để ăn, thì không những là không có định lực mà lại còn phạm giới nữa. Anh ngàn muôn lần đừng cho đó là việc nhỏ, không đáng gì. Người làm việc quấy tức là bắt đầu từ những việc nhỏ đấy, cho nên việc quấy nhỏ đến đâu cũng không nên làm. Những bệnh lặt vặt không dễ gì sửa đổi, nhưng sửa được những bệnh vặt tức là có thể có định lực. Không có lúc nào mà không định, bất cứ cảnh giới nào khi đã hiện tiền thì "Mắt thấy hình sắc trông không có, tai nghe việc trần tâm chẳng hay".

Định tức là không bị cảnh giới lay chuyển. Ví như một cô gái thấy trước mặt mình một chàng trai rất anh tuấn mà không sanh tâm dâm dục, tức là có định lực. Một người trai thấy một cô gái rất mỹ miều mà không sanh tâm dâm dục cũng là có định lực. Thấy như không thấy, nghe như không nghe. "Mắt thấy hình sắc trông không có, tai nghe việc trần tâm chẳng hay" tức là có Định lực đấy, vì thế nói bảy lớp lưới giăng biểu thị cho Định. Bây giờ chúng ta mới rõ biết ý nghĩa Kinh A Di Đà thêm nhiều rồi đấy !

 

Bảy lớp hàng cây. Cây đều rất cao lớn, đại biểu cho trí huệ rất cao. Có trí huệ, tức là cao. Không có trí huệ tức là thấp. Chẳng phải thân cao mà là trí huệ cao. Có trí huệ tức là bảy lớp hàng cây, không có trí huệ chỉ như bảy lớp hàng cỏ. Cỏ có thể làm ngăn bít tâm của anh, biến thành ngu si, giảng đi giảng lại vẫn không hiểu được.

 

Đều là bốn thứ báu. Bốn báu là vàng, bạc, lưu ly, pha lê. Cõi nước Cực Lạc chỉ có bốn thứ bảo bối này sao ? - Bảo bối của cõi nước Cực Lạc thì vô lượng vô biên, những thứ mà ở cõi nước chúng ta chưa được thấy, ở nước ấy cũng có. Tại sao chỉ đơn cử bốn thứ bảo bối ấy ? Bốn thứ bảo bối này ví dụ cho bốn thứ đức hạnh, tức là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh.

 

1. Thường : Sống lâu. A Di Đà là Vô lượng thọ. Chúng ta sanh về thế giới Cực Lạc cũng sẽ được vô lượng thọ. Ai muốn sống lâu thì nên cầu sanh về thế giới Cực Lạc. Ở nơi đó mọi người đều được vô lượng thọ, nên gọi là Thường đức.

 

2. Lạc : Chúng sanh ở thế giới Cực Lạc không có các điều khổ, chỉ hưởng các điều vui.

 

3. Ngã : Cõi nước kia có tám thứ đại tự tại ngã, còn gọi là Ngã đức. Tại sao gọi là tám thứ øđại tự tại ngã ? - Tức là tám thứ đại tự do, tám thứ tác dụng, tám thứ lực lượng, tám thứ thần thông, tám thứ diệu dụng :

1/. Từ một thân hiện vô lượng thân. Giả sử có trăm ngàn người thỉnh anh đến cúng dường, anh đều có thể đồng thời phân thân đến mỗi nhà để ứng cúng. Một thân có thể thọ vô lượng cúng.

2/. Từ một thân như vi trần hiện khắp cả tam thiên đại thiên thế giới. Một vi trần hiện một cõi nước, một cõi nước hiện một vi trần, có nghĩa là từ một cõi nước biến thành ra một hạt vi trần nhỏ tí ti, một hạt vi trần nhỏ tí ti biến thành một cõi nước thật to lớn.

3/. Thân lớn có thể nhẹ nhàng đi thật xa. Nghĩa là thân to lớn bay đi đến chỗ thật xa.

4/. Có thể hiện ra vô lượng chủng loại chúng sanh cùng ở một chỗ. Chúng ta thấy núi là núi, kỳ thật trong núi có cung điện của chư Phật, Bồ-tát. Có một đồ đệ nói : "Ở nơi chỗ kia có rất nhiều người đang tu hành". Vị đồ đệ ấy có thể nhìn thấy mà quý vị lại không thấy. Kỳ thật, trong núi hay trên biển đều có chư Phật, Bồ-tát đang thuyết pháp, nhưng quý vị không biết đó thôi.

5/. Các căn dùng lẫn lộn : Con mắt có thể nói chuyện, lỗ tai có thể nhìn thấy, lỗ mũi có thể ăn uống, hoặc con mắt cũng có thể ăn uống được. Vì sao thế ? Vì sáu căn có thể dùng lẫn lộn, mỗi căn đều đủ cả tác dụng của sáu thứ. Giống như vị Thánh nhơn chứng quả, có thể dùng lỗ tai để nói chuyện với các Bồ-tát, nhưng quý vị không thể thấy biết được. Nếu quý vị tin thì cũng có thể có một ít lực dụng ấy; nhưng vì quý vị không tin nên không thể có lực dụng ấy được. Quý vị đều không tin chuyện này thì làm sao có thể có được công năng ấy ?

6/. Được tất cả pháp mà không có tưởng là pháp. Không có tưởng đắc về pháp. Cũng như trong Tâm Kinh nói : "Không trí cũng không đắc", có nghĩa là không có trí huệ cũng không có sở đắc.

7/. Một bài kệ, thậm chí một chữ, có thể nói đến vô lượng kiếp cũng chưa hết, vì được biện tài tự tại vô ngại. Nói ngang cũng là pháp, nói dọc cũng là pháp, nói xuôi cũng là pháp, nói ngược cũng là pháp; nói thế nào cũng là pháp cả. Vì được tám thứ đại tự tại, muốn nói thế nào cũng đều được hoan nghinh. Giả sử mắng người, người ta cũng thích nghe. Vì người ấy tự tại, người khác nghe nói cũng được tự tại.

8/. Thân khắp cõi nước nhiều như vi trần. Thân khắp cả cõi nước nhiều như vi trần, cũng như hư không. Dù không có thân thể nhưng lại khắp cả các cõi nước, cũng là lý do nhơn tự tại mà có. Phía sau kinh này cũng có nói : "Thường đến buổi sáng, mỗi người lấy túi vải đựng các thứ hoa vi diệu cúng dường mười vạn ức Đức Phật ở phương khác, rồi đến giờ ăn trở về nước của mình ...". Tại sao vào buổi sáng có thể đến cúng dường mười vạn ức Đức Phật ở phương khác ? - Chính nhơn vì được tám thứ đại tự tại, cho nên thế giới Cực Lạc trang nghiêm bằng bốn thứ báu, tức biểu thị cho bốn đức Niết-bàn.

 

4. Tịnh : Đây là một đức sau cùng trong bốn đức Niết-bàn. Bốn báu vây quanh giáp vòng là bốn đức Niết-bàn đầy đủ, viên dung vô ngại, cho nên gọi là Cực Lạc.

 

Lại này Xá-lợi~phất ! Cõi nước Cực Lạc có ao bảy báu, nước tám công đức tràn đầy trong đó. Đáy ao toàn trải cát bằng vàng. Thềm đường bốn phía do các thứ vàng, bạc, lưu ly, pha lê hợp thành. Bên trên có lầu gác cũng dùng các thứ vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não để trang sức.

Phần kinh văn trước khen ngợi lục địa của thế giới Cực Lạc rất vi diệu thù thắng, ở đoạn này thì khen ngợi cảnh giới ao nước của thế giới Cực Lạc vi diệu không thể nghĩ bàn.

Sau khi nói : "Bảy lớp lan thuẫn, bảy lớp lưới giăng và bảy lớp hàng cây ..." các thứ trang nghiêm rồi, Đức Phật cốt ý chờ ngài Xá-lợi-phất hỏi tiếp về cảnh giới của cõi nước Cực Lạc, nhưng ngài Đại trí Xá-lợi-phất cũng lại không biết hỏi như thế nào. Đợi đến mấy phút sau Đức Phật Thích Ca thấy vị đệ tử thông minh nhất này vẫn chưa tìm được vấn đề để hỏi, nên Đức Phật phải tự nói : "Lại này Xá-lợi-phất, cõi nước Cực Lạc có ao bảy báu ...".

Thế giới Ta-bà cũng có ao, nhưng đều là ao bùn đất hoặc bằng gỗ ghép thành, chớ không có ai dùng vàng, bạc, lưu ly ... làm nên cả. Dù cho giàu có như Onassis có thể mua được cả hòn đảo đi nữa vẫn chưa có thể dùng bảy báu để làm ao, vì thế rất khác xa với thế giới Cực Lạc.

Trong bảy báu, thứ nhất là vàng, tiếng Phạn là Tô-phạt-thích.

Bạc, tiếng Phạn là A-lộ-ba.

Lưu ly là tiếng Phạn, dịch là Thanh sắc bảo (báu màu xanh), cũng có tên Bất viễn, tức là nghĩa rất gần, vì chỗ sản sinh ra nó rất gần với nước Ma-kiệt-đà..

Pha lê cũng gọi là Thủy ngọc (ngọc trong xanh như nước).

Mã não cũng là tiếng Phạn, dịch là Đại kiến, vì trên báu vật ấy có những đường nét giống như những vết xe.

Xích châu tiếng Phạn là Y-chi-ha-mục-đa.

Mã não tiếng Phạn là A-thấp-ma-kiệt-bà.

Phật thấy Xá-lợi-phất không biết thỉnh Phật dạy tiếp, nên Ngài lại nói tiếp : "Trong cõi nước Cực Lạc có ao bảy báu. Ao này là thiên nhiên chớ không phải nhân tạo, cho nên gọi là ao bảy báu, nước tám công đức tràn đầy trong đó".

Nước này có tám thứ công đức :

 

1. Ấm mát : Tức là nghĩa ấm áp và mát mẻ. Nếu người xuống ao nước này rồi, muốn nóng thì nóng, muốn mát thì mát. Đây là công đức không thể nghĩ bàn.

 

2. Sạch sẽ : Nước ở nhân gian càng rửa càng hôi, nhưng người ấy đến ao bảy báu tắm rửa, không những không thể làm nước hôi dơ mà chỉ có càng tắm rửa càng sạch sẽ mềm mại; nước đó giống như sữa bò vậy, vừa trơn láng vừa thoải mái. Đây cũng là một thứ xúc trần mà là xúc trần rất vi diệu, lại cũng có thứ cảm giác càng vi diệu không thể so sánh được.

 

3. Ngon ngọt : Nước này không cần uống, chỉ cần dùng để rửa trên thân, thân tâm cũng cảm thấy ngọt lịm. Khi tôi đến thăm động Quan Âm ở Hương Cảng, trong động cũng có một thứ nước ngọt. Một hôm có một cô đệ tử đi theo tôi, sau khi ăn bánh mì, uống một ít nước suối ấy, cô ta rất ngạc nhiên, hỏi tôi : "Có phải người ta bỏ đầy đường vào nước suối không ?" Tôi nói : "Không có đâu !" Cô ta lại hỏi : "Sao nước lại ngọt quá vậy ?" Tôi nói : "Đó là Quan Thế Âm Bồ-tát cho cô uống nước cam lồ đấy". Nghe nói như thế cô ta rất thích thú. Cô thấy y hậu tôi đang mặc cũ rách quá bèn may cúng tôi một lúc hai bộ mới. Tôi nghĩ có lẽ do cô uống được nước cam lồ đây.

 

4. Mềm nhẹ : Nước này không nặng mà rất nhẹ, mềm mại phi thường.

 

5. Nhuận trạch : Nhuận là nhuần thấm, trạch là sáng ướt. Người dơ có thể rửa thành sạch sẽ, giả sử anh là người đen cũng có thể rửa thành người trắng. Cho nên tắm rửa sạch sẽ rồi trên thân phát sáng.

 

6. An hòa : Sau khi tắm nước này, thân tâm đều an ổn hòa dịu, không có một chút nóng nảy, không có lửa vô minh, cũng không phiền não. Do nhờ an hòa nên giả sử có ai mắng anh, anh cũng không giận họ; có ai đánh anh, anh cũng cảm thấy bị người đánh một cái có nhằm nhò gì đâu ! Đối xử với mọi người đều hòa thuận, thật là tốt đẹp biết bao !

 

7. Trừ đói khát : Nếu người tắm rửa ở nước tám công đức của ao bảy báu, không uống nước cũng không thấy đói, lại không cần phải uống sữa hay ăn bánh mì, cho nên thế giới Cực Lạc có cái kỳ diệu như thế !

 

8. Nuôi lớn các căn : Sau khi dùng thứ nước tám công đức này rồi, các căn của người sẽ được thanh tịnh : Người mù thấy được ánh sáng, kẻ điếc khôi phục lại tánh nghe; nếu mũi không thông, không ngửi được hương vị, dùng nước này rửa vào thì sẽ thông hơi biết mùi, bất cứ bệnh mũi nặng như thế nào cũng có thể chữa lành. Cũng có thể làm cho ăn ngon miệng, tay chân có thể làm được mọi việc mà không cảm thấy mệt mỏi. Chẳng những thế mà còn có thể làm tăng trưởng thiện căn, tiêu trừ được ác nghiệp. Anh xem, công đức ấy thật là rất lớn ! Chúng ta phải nên gấp rút tu hành mong sớm được về tắm trong ao bảy báu của thế giới Cực Lạc để trưởng dưỡng thiện căn.

Trên đây là đại ý của nước tám công đức, nếu nói kỹ hơn thì mỗi thứ công đức nói đến mấy đại kiếp cũng vẫn chưa hết.

 

Đầy tràn trong đó, nước tám công đức có tám thứ công đức tự tại, tám thứ công đức khoái lạc và tám thøứ công đức vi diệu không thể nghĩ bàn. Thứ nước này tràn đầy trong ao.

 

Đáy ao trải toàn cát bằng vàng, đáy ao bảy báu thuần túy dùng cát bằng vàng trải lên. Tóm lại, phàm người đến được ao bảy báu rồi thì bất cứ nghiệp chướng gì cũng có thể tiêu trừ, cho nên phải mau tu về thế giới Cực Lạc để trừ nghiệp chướng. Nghiệp chướng là gì ? Đó là những gì không vừa ý trong tâm ta, hoặc tâm sanh phiền não, đều là nghiệp chướng cả. Không nghiệp chướng thì không phiền não, vì nghiệp chướng làm tăng trưởng phiền não của người.

Ở nhơn gian lấy dầu nhựa trải đường, cho là rất tốt, nhưng trong thế giới Cực Lạc ở phương Tây lại lấy vàng miếng lót đường, cho đến các thứ bạc, lưu ly, pha lê ... hỗn hợp mà thành năm loại ánh sáng mười sắc, nên cả con đường đều phóng ánh sáng. Lầu vàng điện ngọc trên bờ ao cũng trang sức bằng các thứ vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não. Tại sao lại dùng các thứ bảo bối này để trang sức ? Lại tại sao có được nhiều thứ bảo bối như thế để trang nghiêm đạo tràng ? Đây là do vạn đức của Phật A Di Đà thành tựu nên, tức là công đức của Ngài được đầy đủ nên dùng bảy báu để trang nghiêm.

 

Hoa sen trong ao lớn như bánh xe, màu xanh có ánh sáng xanh, màu vàng có ánh sáng vàng, màu đỏ có ánh sáng đỏ, màu trắng có ánh sáng trắng, rất thơm tho vi diệu.

Ao này lớn bằng cả trăm biển lớn, trong đó hoa sen lớn như bánh xe, nhưng không phải là bánh xe của nhơn gian mà là lớn như bánh xe của Chuyển Luân Thánh Vương. Bánh xe này lớn bằng một do-tuần (do-tuần nhỏ là 40 dặm, do-tuần vừa là 60 dặm, do-tuần lớn là 80 dặm). Hoa sen trong ao này phải lớn 80 dặm. Nếu hoa sen không lớn thì làm sao hợp được với ao như biển lớn thế kia được ? Bây giờ tôi xin đọc một bài kệ khen Phật :

 

Đại thánh chúa Di Dà

Đoan nghiêm vi diệu khó ai qua

Ao báu nở sen hoa

Bốn màu ánh biếc sóng vàng xa.

Trên đời không có ai tướng mạo đẹp đẽ đoan nghiêm vi diệu hơn Phật A Di Đà. Ao thất trân tức là ao bảy báu, hoa trong ao có bốn màu, sóng rập rờn trong ao như màu của vàng. Chữ "Vi" là nói nước ao mềm mại thơm sạch phi thường, thấy hình như có nước mà lấy tay sờ vào thì hình như không có nước, rất vi tế, nhưng tay lại dính nước, vì thế nên nói là "Vi". "Diệu" là mầu nhiệm không thể nói được. Nước ấy không những vi diệu mà còn có mùi thơm lan tỏa có thể khiến người ngửi thấy phát tâm Bồ-đề, quyết chí tu hành. Còn chúng ta nghe đến hương vị thế gian liền đắm trước ngay, bị nó lôi cuốn. Như người thích xức nước hoa, vì phần lớn người ta đều đắm trước hương trần, đây tức là nhiễm ô. Đó là cảnh giới ngũ trần : Sắc, thanh, hương, vị, xúc. Nhưng nếu người đến thế giới Cực Lạc thì chỉ có phát tâm Bồ-đề mà chẳng thể có tâm nhiễm ô, vì thế tâm người tu hành cần phải phá cảnh ngũ trần. Thứ nhất là chớ chấp trước nơi sắc tướng, vì người đẹp đẽ đến đâu đi nữa, chẳng qua chỉ là một lớp da phủ bên ngoài. Bên trong nếu không là mủ thì cũng là máu, cho nên không nên mê sắc tướng mỹ miều bên ngoài. Như trong Kinh Lăng Nghiêm, Ma-đăng-già nữ rất yêu A Nan, không muốn rời xa chút nào. Phật hỏi cô ta :

- Nàng yêu cái gì ở A Nan ?

Ma-đăng-già thưa :

- Tôi yêu đôi mắt của ông ấy.

Phật nói : Thế thì ta móc mắt ông ấy cho nàng nhé !

- A, không được đâu ! Ma-đăng-già nữ nói. Móc mắt ra thì còn dùng gì được ?

- Đã không dùng gì được thì nàng còn yêu ông ấy làm chi ?

Phật nói cho nàng ta nghe xong, nàng liền phá ngay được sắc chấp mà chứng được Tứ quả. Cho nên người ta chớ chấp trước vào sắc tướng, nhưng mặt khác cũng không rời sắc tướng mà tu hành. Đó là mượn giả để tu chơn.

Chúng ta cũng không nên để thanh trần làm mê hoặc, không nên chấp trước âm thanh êm dịu mà đam mê. Vừa rồi xướng bài kệ tụng tán Phật cho quý vị nghe, đó là chẳng phải xướng ca mà là đang thuyết pháp.

Người ta cũng không nên chấp trước vào hương trần. Khi tôi ở Hương Cảng, có rất nhiều người đến bên tôi, nói thân tôi có mùi hương, tôi cảm thấy thật là chán. Sau đó tôi thoa một ít mùi hôi lên người, ai cũng không còn đến nữa. Bọn họ đều đắm trước hương trần ! Kỳ thật, tất cả đều duy tâm tạo cả ! Người có định lực, thơm chẳng biết thơm, hôi chẳng biết hôi, đẹp chẳng biết đẹp, xấu chẳng biết xấu, tiếng hay chẳng biết tiếng hay, cũng không khởi tâm chấp trước phân biệt. Đây tức là công phu tu hành. Người biết dùng công phu thì người ta có đối xử tốt cùng không, anh đều coi như nhau, chẳng thể bị cảnh giới lục trần lay chuyển. Người có định lực thì không theo ý nghĩa của đầu lưỡi, lại bỏ sự ngon dở của mùi vị. Nói như vậy không phải bảo anh như khúc gỗ chẳng biết mùi vị ngon dở là gì đâu, mà là bảo anh khi ăn vào món chi, không nên khởi tâm phân biệt, ngon hay dở đều ăn như nhau. Như thế, cho đến xúc giác cũng phải buông bỏ hết.

Ở thế giới Cực Lạc có bốn thứ hoa sen : Sen xanh, sen trắng, sen hồng và sen vàng. Bốn thứ sen này có bốn thứ ánh sáng. Bốn thứ ánh sáng này tiêu biểu cho các pháp môn Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc ... Vì thế bây giờ chúng ta nghe Kinh Di Đà, tụng Kinh Di Dà xong lại cần phải tu định lực nữa. Nếu anh có định thì ngay đó là thế giới Cực Lạc. Nếu không định lực thì dù cho thân ở thế giới Cực Lạc cũng chạy về thế giới Cực Khổ thôi. Người có định lực, dù thân ở thế giới Cực Khổ cũng có thể chuyển thành thế giới Cực Lạc được. Nếu người trừ được phiền não thì tất cả đều không có vấn đề chi (Everything’s OK, No Problem). Đó chẳng phải thế giới Cực Lạc là gì ?

 

Này Xá-lợi-phất, cõi nước Cực Lạc, thành tựu công đức, trang nghiêm như thế. Lại này Xá-lợi-phất, cõi nước Phật kia, thường trỗi nhạc trời, vàng ròng làm đất, ngày đêm sáu thời, mưa hoa Mạn-đà-la cõi trời. Chúng sanh ở cõi ấy, cứ mỗi sáng sớm, thường dùng đãi y, đựng các hoa đẹp, đem cúng dường mười vạn ức Phật ở phương khác, vừa đến giờ ăn, trở về nước mình, ăn cơm kinh hành.

Đức Phật Thích Ca nói : Này Xá-lợi-phất, cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm như thế. Ở trong nước của Ngài thường có chư Thiên trỗi nhạc trời, vàng ròng dùng làm đất, ngày đêm sáu thời (đầu ngày, giữa trưa, cuối ngày, đầu hôm, giữa đêm, cuối đêm. Ba thời của ngày, ba thời của đêm cộng là sáu thời) đều có hoa Mạn-đà-la từ trời mưa xuống.

Mạn-đà-la hoa, là tiếng Phạn, dịch là "Tư ý hoa", anh muốn thế nào nó ra thế ấy, rất là vừa ý. Hoa này còn gọi là Đại bạch hoa. Chúng sanh ở cõi ấy, cứ mỗi sáng sớm (sáng sớm mặt trời mới vừa mọc), thường dùng đãi y (túi vải), đựng các hoa đẹp, đem cúng dường mười vạn ức Phật ở phương khác. Thời gian cho việc cúng hoa rất ngắn, khoảng chừng một bữa ăn. Tại sao những chúng sanh ấy chỉ có một thời gian rất ngắn đi khắp được mười vạn ức cõi nước của chư Phật ? Nhơn vì các vị ấy chứng được tám đại tự tại ngã, tùy tâm như ý, được như ý thông, tự do đi đến chỗ mình muốn đến. Cho nên khi chúng ta lễ Phật nên quán thân thể chúng ta cùng khắp cả vô lượng cõi nước chư Phật ở mười phương và đang đảnh lễ trước chư Phật. Anh có thể quán tưởng pháp giới, vì thân thể chính là pháp giới. Cho nên có bài kệ :

 

Nếu ai muốn hiểu biết

Tất cả Phật ba đời

Phải quán pháp giới tánh

Tất cả duy tâm tạo.

Trở về nước mình, nước mình tức là thế giới Cực Lạc; ăn cơm kinh hành, ăn cơm xong liền đi kinh hành; kinh hành tức là đi tản bộ sau khi ăn cơm.

 

Này Xá-lợi-phất, cõi nước Cực Lạc thành tựu công đức trang nghiêm như thế ! Lại này nữa Xá-lợi-phất, cõi nước kia thường có các thứ chim màu sắc kỳ diệu, như Bạch Hạc, Khổng Tước, Anh Võ, Xá-lợi, Ca-lăng-tần-già, Cộng Mạng. Những thứ chim này, ngày đêm sáu thời, hót lên tiếng hòa nhã, tiếng ấy diễn xướng 5 căn, 5 lực, 7 Bồ-đề phần, 8 Thánh đạo phần.

Đức Phật vốn đợi ngài Xá-lợi-phất thưa hỏi, nhưng ngài Xá-lợi-phất chưa có thể hỏi được nên Phật lại nói tiếp theo cho đại chúng nghe : Này Xá-lợi-phất ! Cõi nước Cực Lạc thường có những thứ chim nhiều màu kỳ lạ, lại có chim Bạch Hạc, Khổng Tước, Anh Võ, Xá-lợi, Ca-lăng-tần-già, Cộng Mạng ...

Những thứ chim này màu sắc đặc biệt đẹp đẽ, trắng trắng xanh xanh, hoặc nhiều màu xen lộn, như giống Phụng Hoàng trên thế gian này. Anh Võ biết nói tiếng người, nếu người ta dạy nó nói tiếng Trung Quốc nó sẽ nói tiếng Trung Quốc, dạy nó nói tiếng Anh nó cũng biết nói tiếng Anh. Thấy có người tới, nó biết nói : "Có khách, có khách", hoặc nói : "Hello, how are you !" Cho nên nếu có người dạy nó niệm danh hiệu Phật, chúng nó cũng có thể nhờ vào công đức niệm Phật mà vãng sanh về thế giới Cực Lạc ở phương Tây.

Xá-lợi tức là Thu Lộ, mắt nó rất đẹp. Ca-lăng-tần-già là tiếng Phạn, dịch là Hảo Thanh điểu, hoặc Hảo Âm điểu. Vì khi mới khải mỏ, còn ở trong trứng mà tiếng kêu của nó hay hơn các con chim con khác, cho nên gọi là Hảo Âm điểu.

Chim Cộng Mạng là thứ chim một thân mà có hai đầu, anh có thấy chưa ? Chúng mắc phải quả báo này là do kiếp trước lúc làm người, tâm dâm quá nặng. Hai vợ chồng ái ân quá nặng, suốt ngày chỉ ân ái nhau thôi, dâm tâm không dứt nên phải đọa lạc làm loài chim hai đầu. Thức tâm có hai mà quả báo phải thọ lại đồng nhau. Ấy gọi là "chim Cộng Mạng, thức khác mà báo đồng". Vì thế người ta không nên có tâm dâm dục thái quá, nếu không sẽ có thể đọa làm loài chim Cộng Mạng đấy !

Có người nói : "Tôi thích làm thứ chim đó !" Anh đừng nên cho là làm chim là việc rất tốt. Phải biết rằng những loại phi cầm ấy, sau khi sống hết kiếp chim rồi có thể sẽ đọa vào địa ngục thọ khổ. Đừng cho rằng chúng nó rất tự do, muốn bay thì bay, muốn đáp thì đáp, tương lai quả báo đáng sợ không thể tưởng tượng nổi đấy. Người có trí không làm việc ngu si thì không bị đọa lạc, người không trí huệ mới tạo nghiệp mà đọa lạc.

 

Các thứ chim ấy ngày đêm sáu thời hót lên tiếng hòa nhã. Sáu thứ chim này ngày đêm sáu thời đều hót lên tiếng hòa nhã, xướng họa lẫn nhau, phát ra âm nhạc rất êm dịu. Thực ra những loại chim này là do công đức của Phật A Di Đà hóa hiện ra, giúp Phật nói pháp khiến cho pháp âm lan khắp. Vì ở thế giới Cực Lạc phương Tây không có các khổ, không có quả báo ba ác đạo địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh.

 

Tiếng ấy diễn sướng, diễn là biểu diễn, sướng là vui vẻ thông suốt. Tức là bất cứ người nào nghe đến đều rất vui thích, từ trong lòng phát ra sự vui thích. Pháp âm mà bọn chim diễn sướng đại biểu cho 5 căn, 5 lực, 7 Bồ-đề phần, 8 Thánh đạo phần.

Năm căn là : Tín căn, Tấn căn, Niệm căn, Định căn và Huệ căn. Năm căn biểu thị cho mầm mống Bồ-đề, có thể khiến cho tâm Bồ-đề tăng trưởng, khi tăng trưởng thì có một thứ lực lượng nên gọi là 5 lực. Năm lực là : Tín lực, Tấn lực, Niệm lực, Định lực và Huệ lực. Bảy Bồ~đề phần :

1 Trạch pháp Bồ~đề phần, còn gọi là Trạch pháp giác phần.

2. Tinh tấn Bồ-đề phần, còn gọi là Tinh tấn giác phần.

3. Hỷ Bồ-đề phần, còn gọi là Hỷ giác phần.

4. Trừ Bồ-đề phần, trừ hoặc thô.

5. Xả Bồ-đề phần, xả bỏ hoặc tế.

6. Định Bồ-đề phần.

7. Niệm Bồ-đề phần.

Bảy Bồ-đề phần còn gọi là bảy Giác chi. Trong 87 đạo phẩm chỉ 7 chi này được tên là Giác. Nhân vì trước tu 4 niệm xứ, 5 căn, 5 lực vẫn chưa giác ngộ, sau tu 8 chánh đạo đã giác ngộ, chỉ có khoảng giữa tu 7 pháp Giác phần này từ mê mà ngộ, do chưa giác ngộ mà giác ngộ cho nên được tên là Giác. Bảy Bồ-đề phần này rất quan trọng, các đệ tử Phật nên nhớ kỹ.

Tám Thánh đạo phần, tức 8 Chánh đạo : Chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định.

1. Chánh kiến : Đây không phải là cái thấy của nhìn thấy, mà là cái thấy của kiến giải trong tâm. Thế nào là kiến giải chính xác ? Tức là dùng hành vi vô lậu để quan sát kiến giải của chính mình có chính xác hay không, tức là vật phi lễ chớ nhìn, cái gì không chánh đáng thì không nên xem, vì bất chánh chính là tà kiến. Ví dụ thầy Tỳ-kheo thấy người không chánh đáng thì không nên nhìn. Cho nên các Tỳ-kheo đều không đi xem phim, không ca múa hát xướng, cũng không cố đi xem nghe. Nếu thích đi xem thì không phải là có chánh kiến, thậm chí trong lòng có nghĩ tưởng đến cũng là không chánh kiến. Nhưng nếu có việc không chánh đáng ở trước mắt cũng không nghĩ đó là bất chánh mà cho nó là chánh đáng, đó cũng là chánh kiến.

2. Chánh tư duy : Tư duy là ở bên trong, người ta không thể thấy được, anh chính mình phải dùng trí huệ vô lậu. Tôi nhiều lần giảng cho quý vị nghe về vô lậu, nhưng càng giảng quý vị càng lậu thêm. Giả sử có được một chút trí huệ nào cũng bị chảy sạch hết. Nước trí huệ rịn chảy hết thì có lửa vô minh sanh ra. Pháp mà tôi giảng cho quý vị nghe là pháp hay nhất mà cả trong thiên hạ này không pháp nào hay hơn. Nếu không chịu chú ý, chẳng nghe cho kỹ thì dù cho Đức Phật Thích Ca tái thế cũng cứu không được quý vị. Vô lậu tức là không có tà tư tà kiến. Không có tâm dâm dục tức là vô lậu. Có tâm dâm dục tức là hữu lậu. Chánh tư duy tức là vô lậu, tà tư duy tức là hữu lậu. Tư duy thuộc về tâm, cũng là ý. Trong ý niệm không khởi một niệm không chính xác nào tức là Chánh tư duy.

3. Chánh ngữ : Là trong lời nói của chính mình không có một chút ý nào dâm loạn. Những lời nói ra đều thật đúng đắn. Nếu có ai nói với anh những lời không đúng đắn, anh cũng phải nói với họ những lời đúng đắn, không được dùng lời không đúng đắn nói lại. Đó tức là chánh, là khẩu nghiệp thanh tịnh. Trên đời này bất cứ người nào cũng gặp phải điều ấy. Nếu ai nói những lời không đúng đắn, chẳng cần phê bình họ nói không đúng, mà không nên tiếp cận với họ là được. Nhưng mặt khác, anh không cần cho họ là nói lời không chánh đáng, thế thì không chánh đáng cũng biến thành chánh đáng. Chánh tư duy tức là ý thanh tịnh, mà chánh ngữ là khẩu nghiệp thanh tịnh.

4. Chánh nghiệp, là thân nghiệp thanh tịnh. Dùng trí vô lậu để trừ bỏ tà nghiệp của bản thân. Tà nghiệp là gì ? Cũng tức là ý niệm dâm dục. Một số người mượn câu "Không tức là sắc, sắc tức là không" mà hành động sai quấy, đây tức là tà nghiệp. Trí vô lậu tức là trí huệ không có những thứ không chánh đáng. Có người chỉ có tà huệ, bảo họ làm việc đúng đắn thì họ không biết làm gì cả, nhưng nếu bảo họ làm việc bậy bạ (như hành dâm...) thì họ thông minh hơn những người khác, đó là tà nghiệp. Chánh nghiệp thuộc về thân nghiệp.

5. Chánh mạng. Chánh mạng đối lại với tà mạng. Sao gọi là tà mạng ?

a/. Bày vẻ những điều khác người để hiện bày việc kỳ lạ. Những người này biểu hiện ta đây không giống với người khác : "Để thấy dáng điệu của ta không giống với mọi người !" Như ở Hương Cảng có một vị Pháp sư người Trung Quốc cố ý đắp y Tiểu thừa. Ở Đài Loan cũng có những người này, mục đích của họ chỉ là lôi kéo sự chú ý của người khác để được cúng dường. Một số người mù và những người đi theo, người ta thấy họ mặc y phục rất là cổ quái, cho là bảo bối rồi đến cúng dường.

b/. Tự nói mình có công đức. Những người này tự khoe khoang công đức của chính mình, lại nói Viện Dưỡng Lão là của tôi lập nên, hoặc nói tôi xuất ra bao nhiêu tiền để làm trường học, độ được một số đệ tử, lập nên một số cảnh chùa, cúng dường mấy trăm vị Hòa thượng. Tóm lại, đó là khoe khoang công đức của mình. Kỳ thực, chỉ có những người ngu si mới tin được lời họ; còn những người trí huệ, giả sử nhắm mắt lại, chỉ nghe họ nói cũng có thể biết được đó là lời nói khoác.

c/. Bói chiếm tốt xấu. Gieo quẻ cho người, tính toán số mạng tốt xấu của người. Những hạnh nghiệp này chẳng phải chỉ người tại gia, mà người xuất gia cũng có làm. Bọn họ có thể đối với kẻ không biết gì, nói : "Anh nên đưa tôi một triệu bạc để làm việc tốt, nếu không thì ngày mai có thể phải chết đấy ?" Đối phương nghe nói một triệu có thể mua được tánh mạng đâu phải là nhiều, liền đồng ý đưa ngay. Nhưng họ đâu biết rằng giả sử không đưa tiền cũng không nhất định ngày mai phải chết. Hoặc nói : "Ngày mai anh có thể gặp được một việc tốt đẹp. Chỉ cần hôm nay anh đưa trước 50 lượng vàng làm việc công đức, thế nào ngày mai anh cũng được 500 lượng vàng". Đối phương nghĩ thầm : "Một lượng lãi tới mười lượng, có gì mà tiếc !" Thế rồi bị gạt. Kết quả ngày thứ hai chẳng những không có vàng, cả đến người bói quẻ cũng không thấy đâu nữa, bèn cho là gặp phải thần tiên.

d/. Lớn tiếng ra oai. Có những vị Pháp sư thích vô duyên cớ lớn tiếng hò hét, khiến cho người kính và sợ. Những người ấy còn cho rằng vị Pháp sư này thanh âm rổn rảng mà cung kính vị ấy. Đây tức là tà mạng. Nếu khi giảng pháp, không gian lớn mà người đông, có thể giảng kinh lớn tiếng. Nhưng nếu có micro thì không cần phải sử dụng thanh lượng quá lớn như thế. Cứ nói chuyện bình thường, chẳng cần phải hò hét lớn tiếng. Người lớn tiếng hiện oai lại chẳng biết đó là một trong năm thứ tà mạng.

e/. Tự nói sự cúng dường để kích động người khác. Ví dụ nói : "Anh biết không ! Tôi đến nhà cư sĩ ... ăn một bữa trai thật ngon, họ còn dùng nấm mèo trắng, nấm đông-cô ... để đãi tôi, thật là một bữa ngon quá sức !" Đến nhà cư sĩ niệm câu thần chú sai khiến người khác cho họ ăn ngon. Một khi niệm chú như thế, vị cư sĩ ấy trở nên không bình thường, cảm thấy chính mình phải nên cúng dường một ít thức ăn, thậm chí không có tiền, phải đi vay mượn để mua đồ chay cúng dường Pháp sư. Đâu biết rằng vị Pháp sư ấy đã phạm vào năm thứ tà mạng rồi.

f/. Tinh tấn : Có Chánh tinh tấn và Tà tinh tấn. Sao gọi là Chánh tinh tấn ? Giống như chúng ta đang lễ Phật, niệm Phật suốt ngày không nghỉ ngơi, đó là Chánh tinh tấn. Nếu anh đi đến chỗ khác nói chuyện khào, càng nói càng hăng, khoa chân múa tay, đó gọi là Tà tinh tấn, không có lợi ích chi, về mặt tinh tấn lại có tác dụng gì ? Cho nên 8 Chánh đạo phải hiểu như thế nào mới được hợp lý. Chỉ cần anh biết giảng nói ra là được rồi. Sao gọi là Chánh tinh tấn ? Chánh tinh tấn chính là làm việc có ích. Sao gọi là Tà tinh tấn ? Tức là làm việc không ích lợi. Ví như đối với Phật pháp phải dụng công, nhưng anh chỉ nói chuyện tào lao, anh so với người khác thấy là tinh tấn, đó gọi là Tà tinh tấn. Như chúng ta nghe kinh, không luận bận rộn cách mấy cũng phải đến nghe kinh, đến để hộ trì pháp hội, đó gọi là Chánh tinh tấn. Anh vốn không bận việc gì, nhưng anh cũng không đến nghe kinh, đó gọi là không tinh tấn. Giống như chúng ta. Ở đây có mấy vị cư sĩ, hễ xem phim thì rất tinh tấn, chịu di long nhong đường lớn hẻm nhỏ mà chẳng đến nghe kinh, có pháp hội mà chẳng đến hộ trì, đó đều là không tinh tấn. Chánh tinh tấn là không luận ở chỗ nào có pháp hội thì đều đi ủng hộ, hộ trì dạo tràng. Nếu khoái đánh bài, cờ bạc, đó là Tà tinh tấn.

g/. Chánh định : Chánh định là Tam-muội, còn gọi là Chánh thọ. Chánh định là dùng trí huệ vô lậu để tu định. Thứ định này tất cả cảnh giới tà không thể lay động được. Tôi giảng kinh cho quý vị nghe, quý vị nhớ được một câu thì đi đến bất cứ đâu cũng dùng không hết. Nhưng nếu quý vị không nhớ được câu nào, quên sạch hết thì đi đến đâu sẽ bị cảnh giới ấy lay chuyển, chạy theo cảnh giới ấy, đó là không có chánh định. Anh nói : "Tôi biết tôi không có chánh định". Đã biết là không có, sao không dùng chánh định ? Giống như có mấy người, khi nghe tôi giảng điều gì đó đều nói : "I know, I know". Đã biết sao còn phạm phải sai lầm ?

h/. Chánh mệm : Chánh niệm là niệm trí huệ vô lậu, không còn hữu lậu nữa. Không còn hữu lậu tức là không có tâm dâm dục. Không có tâm dâm dục tức chánh niệm. Có tâm dâm dục tức là tà niệm. Có người nói : "Người ấy có tâm dâm dục đối với tôi, nhìn thấy mắt họ là biết ngay". Nếu anh không có tâm dâm dục, làm sao lại đi nhìn vào mắt người ta ? Anh lại có tâm gì ? Chính mình nếu không có tâm dâm dục, làm sao biết người ta có ? Nếu anh không có thì là thanh tịnh hoàn toàn, trong sạch không nhiễm ô, chính mình không có chút tư tưởng nào về việc đó cả thì làm sao biết được đối phương đối với mình có tâm dâm dục ? Vậy thì rõ ràng là anh không dứt trừ tâm dâm dục, không dứt tâm dâm dục chính là tà niệm, không phải chánh niệm.

 

Các pháp như thế ấy, chúng sanh ở nước kia nghe âm thanh này rồi, thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Này Xá-lợi-phất, ông chớ cho chim này thiệt là do tội báo sanh ra. Tại sao thế ? Vì cõi nước của Phật kia không có ba ác đạo. Này Xá-lợi-phất, cõi nước của Phật kia còn không có tên ác đạo, huống chi là có thật. Các thứ chim ấy đều là do Phật A Di Đà muốn khiến tiếng pháp truyền khắp mà biến hóa ra như thế.

"Các pháp như thế ấy", là chỉ cho 5 căn, 5 lực, 7 Bồ-đề phần, 8 Thánh đạo phần đã nói ở trước; 25 đạo phẩm này cộng với 4 niệm xứ, 4 chánh cần, 4 như ý túc, thành ra 7 khoa, 37 đạo phẩm.

"Chúng sanh ở nước kia", là chúng sanh ở thế giới Cực Lạc, nghe thấy những âm thanh diễn nói của các thứ chim ở trên rồi, thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm về Tam Bảo. Này Xá-lợi-phất, đừng cho rằng những chim này là từ tội báo sanh ra ! Đừng cho rằng những chim này là từ ba ác đạo sanh ra. Tại sao thế ? Là vì lẽ gì ? Vì thế giới Cực Lạc kia không có ba ác đạo - ba ác đạo là địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh - thì làm sao có các thứ chim này được ? Phật nói : "Này Xá-lợi-phất, ta nói cho ông biết : Cõi nước của Phật kia còn không có tên ác đạo"; ở thế giới Cực Lạc, ngay đến tên ba ác đạo còn không có nữa, huống chi lại có ba ác đạo thiệt hay sao ? Tất cả đều không có cả. "Những thứ chim này đều là do nguyện lực của Phật A-di-đà muốn khiến cho tiếng pháp truyền khắp mà biến hóa ra như thế". Đây đều là giúp cho pháp âm truyền khắp mà dùng thần thông biến hóa ra các thứ chim ấy, chớ chúng không phải do ba ác đạo biến hóa ra đâu. Không giống như cõi nước của chúng ta đây, súc sanh là do súc sanh đạo biến hóa ra đấy.

 

Này Xá-lợi-phất, cõi nước Phật kia, gió nhẹ lay động các hàng cây báu và các lưới báu, phát ra âm thanh vi diệu, giống như trăm nghìn thứ âm nhạc đồng trỗi một lượt. Ai nghe tiếng này rồi, tự nhiên đều sanh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Này Xá-lợi-phất, cõi nước Phật kia thành tựu công đức trang nghiêm như thế.

Phật nói : Này Xá-lợi-phất ! Ta nói cho ông nghe đôi chút về tình hình của thế giới Cực Lạc : "Cõi nước Phật kia gió nhẹ lay động", gió nhẹ là gió rất dịu, gió không lớn, chỉ nhè nhẹ thôi, thổi vào 7 lớp hàng cây, 7 lớp lưới báu, phát ra âm thanh vi diệu, trên lưới báu đều có chuông rung, một khi gió thổi qua đều rung vang lên. Thứ tiếng vang này cũng giúp cho người ta niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. "Giống như trăm ngàn thứ âm nhạc đồng trỗi một lượt". Thứ âm thanh này cũng giống như trăm ngàn thứ âm nhạc đồng tấu một lượt. "Ai nghe tiếng này rồi", người nghe thứ âm nhạc này, không phải là nghe rồi lại sanh ra một thứ tư tưởng bất tịnh, mà là nghe rồi tự nhiên sanh ra tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng. Tâm niệm : Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô A Di Đà Pháp, Nam mô A Di Đà Tăng.

Có người lại nói : "Nam mô A Di Đà Phật, câu này thì có, sao lại có Nam mô A Di Đà Pháp được ?" - Bởi vì đó là pháp của Phật A Di Đà nói ra mà ! Lại cũng là chúng tăng của Phật A Di Đà giáo hóa mà có. Thế thì tại sao không nói "Nam mô A Di Đà Tăng" được ư ? Cho nên đừng có thắc mắc ? Những điều tôi giảng là mới phát minh, cũng là một lối nghệ thuật đấy ? Cũng giống như tôi giảng cho quý vị nghe về Niết-bàn như thế này. Niết-bàn, Niết là không sanh, Bàn là không diệt; không sanh tâm dâm dục, không diệt trí huệ. Cho nên Phật đến cảnh giới Niết-bàn thì không có tâm dâm dục nữa. Người thanh tịnh không nhiễm trước, không có ý tưởng nam nữ, tự tánh thường sanh trí huệ cho nên không diệt.

"Này Xá-lợi-phất, cõi nước Phật kia, thành tựu công đức trang nghiêm như thế !" Này Xá-lợi-phất ! Cõi nước Cực Lạc thành tựu được các thứ công đức và trang nghiêm như thế đó.

Này Xá-lợi-phất, ý ông nghĩ sao ? Tại sao Đức Phật kia có tên là A Di Đà ? Này Xá-lợi-phất, Đức Phật kia có ánh sáng vô lượng chiếu suốt mười phương cõi nước không bị chướng ngại, cho nên có tên là A Di Đà. Lại này Xá-lợi-phất, mạng sống của Phật kia và nhân dân của Ngài, vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp cho nên có tên là A Di Đà. Này Xá-lợi-phất, Phật A Di Đà thành Phật đến nay đã mười kiếp. Lại này Xá-lợi-phất, Đức Phật kia có vô lượng vô biên chúng đệ tử Thanh văn đều là bậc Đại A-la-hán, không thể tính đếm mà biết được, chúng Bồ-tát cũng nhiều như thế.

Phật lại gọi : "Này Xá-lợi-phất !" Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đặc biệt có lòng thương nghĩ đến ngài Xá-lợi-phất.Vị đồ đệ này thật cũng không đến nỗi, tu huệ cũng không đáng kể, nhưng lại không biết hỏi, để ta nói cho ông ấy biết. "YÙ ông nghĩ sao ?" Trong ý nghĩ của ông, ông cho là như thế nào ? "Tại sao Đức Phật kia có tên là A Di Đà ?" Đáng lẽ câu này là của ngài Xá-lợi-phất hỏi, mà ngài không biết hỏi, ngờ nghệch giống như nhập định vậy, cho nên Đức Phật Thích Ca Mâu Ni hỏi giúp và đáp thay cho ngài : "Này Xá-lợi-phất, Đức Phật kia có ánh sáng vô lượng". A Di Đà dịch là Vô lượng quang, cho nên nói "Đức Phật kia có ánh sáng vô lượng chiếu suốt mười phương cõi nước không bị chướng ngại", chiếu suốt mười phương cõi nước đều không bị ngăn che bởi ánh sáng ấy. "Cho nên có tên là A Di Đà", vì thế nên gọi Ngài là Phật A Di Đà. "Lại này Xá-lợi-phất !" Lại còn một nghĩa nữa : "Mạng sống của Phật kia và nhân dân của Ngài đều vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp", mạng sống của Phật A Di Đà và nhân dân của Ngài có đến vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp. A-tăng-kỳ là tiếng Phạn, dịch là vô lượng số. "Cho nên có tên là A Di Đà", vì thế nên gọi Ngài là Vô Lượng Thọ Phật. "Phật A Di Đà thành Phật đến nay đã mười kiếp", từ khi Đức A Di Đà thành Phật đến hiện nay đã kéo dài 10 đại kiếp, mạng sống tương lai cũng vô lượng vô biên. "Lại này Xá-lợi-phất, Đức Phật kia có vô lượng vô biên chúng đệ tử Thanh văn", Đức Phật A Di Đà ở thế giới Cực Lạc có rất nhiều đồ đệ là hàng Thanh văn. "Đều là bậc A-la-hán", những vị ấy đều đã chứng quả A-la-hán vô lậu, đều là những người không có tâm dâm dục. "Không thể tính đếm mà biết được", chẳng phải là số lượng tính kể bằng con số mà tính đếm được. "Các chúng Bồ-tát cũng nhiều như thế ". Số chúng Thanh văn đã nhiều như thế thì số chúng Bồ-tát cũng nhiều như chúng Thanh văn, không thể dùng con số mà tính đếm được.

 

Này Xá-lợi-phất, cõi nước Phật kia thành tựu công đức trang nghiêm như thế ! Lại này Xá-lợi-phất, cõi nước Cực Lạc, chúng sanh sanh về đều là bậc A-bệ-bạt-trí. Trong đó có nhiều vị Nhất sanh bổ xứ. Số đó nhiều đến nỗi không thể tính đếm mà biết được, chỉ có dùng số vô lượng vô biên a-tăng-kỳ để nói. Này Xá-lợi-phất, chúng sanh nghe được điều này, phải nên phát nguyện, nguyện sanh về nước kia. Tại sao thế ? Vì được cùng ở một chỗ với các bậc thượng thiện nhơn. Này Xá-lợi-phất, không nên cho rằng có chút ít nhơn duyên phước đức căn lành mà được sanh về nước kia đâu.

"Này Xá~lợi-phất, cõi nước Phật kia thành tựu công đức trang nghiêm như thế !" Cõi nước ấy đã thành tựu công đức quá nhiều như trên đã nói.

"Lại này Xá-lợi-phất, cõi nước Cực Lạc, chúng sanh sanh về đều là bậc A-bệ-bạt-trí". A-bệ-bạt-trí là tiếng Phạn, dịch là Bất thối chuyển. Có ba thứ bất thối chuyển : Vị bất thối, Hạnh bất thối và Niệm bất thối. Vị bất thối là không lui lại hàng Nhị thừa, cũng không từ Nhị thừa lui xuống hàng phàm phu. Niệm bất thối là mỗi ngày càng tăng thêm ý niệm tu hành. Hạnh bất thối là tu hành mỗi ngày một tăng tiến thêm.

Tóm lại, chẳng cần biết tu hành được bao nhiêu ngày, hễ nghỉ một lần, nghỉ tức là lui sụt. Bất thối chuyển nơi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác tức là bất thối chuyển ở Phật quả.

"Trong đó có nhiều vị Nhất sanh bổ xứ", trong đó có rất nhiều chúng sanh một đời có thể bổ xứ ở ngôi vị Phật, có thể thành Phật. Một đời đến trong hoa sen, tức có thể thành Phật.

"Số đó nhiều đến nỗi không thể tính đếm mà biết được", số mục này có nói cũng không hết được số nhiều, chẳng phải là tính số thí dụ mà có thể biết được.

"Chỉ có dùng số vô lượng vô biên a-tăng-kỳ để nói", chỉ có thể nói a-tăng-kỳ là có vô lượng vô biên vô lượng số mà thôi.

"Này Xá-lợi-phất, chúng sanh nghe được điều này, phải nên phát nguyện sanh về nước kia". Này Xá-lợi-phất, tất cả chúng sanh nghe được đạo lý mà Đức Phật Thích Ca chúng ta đã nói, đều phải nên phát nguyện sanh về thế giới Cực Lạc.

"Tại sao thế ? Vì được cùng ở một chỗ với các bậc thượng thiện nhơn". Đó là nguyên nhơn gì ? Đạo lý gì ? Tại vì có thể cùng với các chúng Thanh văn, Bồ-tát ... đồng ở một chỗ với nhau.

"Này Xá-lợi-phất, không nên cho rằng có chút ít nhơn duyên phước đức căn lành mà được sanh về nước kia". Này Xá-lợi-phất ! Nói thì nói như thế, nhưng người không có căn lành, không có phước đức thì không cách nào sanh về thế giới Cực Lạc được. Phải là người có căn lành lớn, phước đức lớn, đời đời kiếp kiếp tu hành các Ba-la-mật, mới có thể sanh về thế giới Cực Lạc được, không như thế thì không cơ hội nào gặp được thứ diệu pháp này, cho nên nói là "Không nên cho rằng có chút ít nhơn duyên phước đức căn lành mà được sanh về nước kia".

 

Này Xá-lợi-phất, nếu có hàng thiện nam thiện nữ nào nghe nói Phật A Di Đà rồi chấp trì danh hiệu Ngài, hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn ngày, năm ngày, sáu ngày, bảy ngày, nhất tâm bất loạn. Người ấy khi lâm chung thấy Phật A Di Đà cùng các Thánh chúng hiện ra trước mặt. Khi chết người ấy tâm không điên đảo, liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà. Này Xá-lợi-phất, ta thấy những điều lợi ấy nên mới nói như vậy. Nếu có chúng sanh nào nghe ta nói đây, phải nên phát nguyện sanh về nước kia.

"Này Xá-lợi-phất, nếu có hàng thiện nam thiện nữ nào nghe nói về Phật A Di Đà rồi chấp trì danh hiệu Ngài, hoặc một ngày, hai ngày, ba ngày …" Này Xá-lợi-phất ! Nếu có hàng thiện nam tín nữ tu Ngũ giới, Thập thiện, nghe được danh hiệu của Phật A Di Đà; chấp, như tay nắm chặt đồ vật không thả, ý nói niệm danh hiệu Phật A Di Đà không lơi lỏng biếng lười; "hoặc một ngày", chữ hoặc có thể đổi thành chữ khổ, là khó nhọc. Khó nhọc một ngày, khó nhọc hai ngày, khó nhọc ba ngày ... rất là khổ nhọc, vì từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối, khó nhọc đến bảy ngày, đạt đến trình độ Nhất tâm bất loạn. "Người ấy khi lâm chung", người ấy chờ đến khi chết, "Đức Phật A Di Đà cùng các Thánh chúng hiện ra trước mặt", Đức Phật A Di Đà nghĩ nhớ đến anh ... "A, chúng sanh ở thế giới Ta-bà đang niệm danh hiệu ta, niệm đã được bảy ngày, cam chịu khó nhọc bảy ngày, ta nên đáp ứng và rước họ về cõi nước Cực Lạc, bây giờ đã đến giờ rồi, mau mau đi rước họ". Bấy giờ các vị đi theo Phật như Bồ-tát Quan Thế Âm, Đại Thế Chí, Thanh tịnh đại hải chúng Bồ-tát đều đến chỗ này. Họ đều đưa tay rước anh về thế giới Cực Lạc. Anh muốn rút lui cũng không thể được. "Người ấy khi lâm chung tâm không điên đảo, liền được vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà". Bấy giờ tâm của người ấy dù có tưởng điên đảo, cũng không thể nói : "Tôi không muốn đi, nơi đó không có nghĩa gì". Người ấy không thể cự tuyệt lời mời gọi của Phật A Di Đà, tức khắc vãng sanh về thế giới Cực Lạc.

"Này Xá-lợi-phất, ta thấy những điều lợi ấy nên mới nói như vậy". Phật tiếp tụïc nói : Này Xá-lợi-phất ! Ta thấy những chỗ tốt đẹp và lợi ích như thế cho nên mới bảo ông. "Nếu có chúng sanh nào nghe ta nói đây, phải nên phát nguyện sanh về nước kia". Giả sử có chúng sanh nào ở thế giới Ta-bà nghe ta nói những lời như thế này, phải nên phát nguyện, thì nhất định sẽ sanh về thế giới Cực Lạc.

Này Xá-lợi-phất, như ta hôm nay ngợi khen lợi ích về công đức không thể nghĩ bàn của Phật A Di Đà. Ở phương Đông cũng có Phật A Súc Bệ, Phật Tu Di Tướng, Phật Đại Tu Di, Phật Tu Di Quang, Phật Diệu Âm. Giống như vậy hằng hà sa số chư Phật, mỗi vị đều ở cõi nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thật như vầy : Chúng sanh các ngươi phải tin vào công đức khen ngợi không thể nghĩ bàn, và "Kinh được tất cả chư Phật đều hộ niệm" này.

"Này Xá-lợi-phất, như ta hôm nay ngợi khen lợi ích về công đức không thể nghĩ bàn của Phật A Di Đà", giống như tôi hiện đương khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn của Phật A Di Đà, những việc lợi ích này chẳng phải chỉ một mình tôi khen, mà ở phương Đông cũng có Phật A Súc Bệ, tức là Tiêu Tai Diên Thọ Dược Sư Phật, tức Bất Động Phật, cũng tức là Phật A Súc Bệ ở Kim Cang bộ thuộc phương Đông, dịch là Pháp thân thường trú bất động. Pháp thân chẳng những bất động mà lại còn Thường trú nữa. Nói Phật trí bất động, có thể động đến trí tánh sẵn có của chúng sanh.

"Phật Tu Di Tướng", tướng Phật vi diệu như núi Tu Di. Tu Di dịch là Diệu Cao, là biển lớn ở giữa biển, do bốn báu hợp thành. Sáng rỡ thấu suốt gọi là Diệu, cao hơn các núi gọi là Cao.

"Phật Đại Tu Di", trên nói tướng của Phật, đây nói về công đức của Phật. Diệu Cao là vua của các núi, dùng để so sánh với công đức bậc nhất của Phật.

"Phật Tu Di Quang", ánh sáng là chỉ cho trí của Phật, để nói lên trí của Phật cùng khắp.

"Phật Diệu Âm", tứ biện, bát âm đều đầy đủ.

"Giống như vậy hằng hà sa số chư Phật", bên trên là nói các vị Phật tiêu biểu, nếu nói đầy đủ thì có đến hằng hà sa số các Đức Phật nhiều như vậy. Những Đức Phật ấy, "mỗi vị đều ở cõi nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới". Những chiếc lưỡi lớn như thế thì làm sao nói được ? Nói trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới tức là ý nghĩa Phật pháp lưu thông đến khắp cả tam thiên dại thiên thế giới. "Nói lời thành thật như vầy : Chúng sanh các ngươi phải tin vào công đức khen ngợi không thể nghĩ bàn này". Các Phật đều nói lời chân thật rằng chúng sanh các ngươi phải nên khen ngợi và tin nhặn công đức không thể nghĩ bàn này, "và Kinh được tất cả chư Phật đều hộ niệm"; Kinh A Di Đà này cũng như Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, nếu có chúng sanh nào tụng trì kinh này thì tất cả chư Phật đều bảo : Người ấy đến lúc mạng chung sẽ được chư Phật tiếp dẫn về thế giới Cực Lạc.

 

Này Xá-lợi-phất, ở thế giới phương Nam có Phật Nhật Nguyệt Đăng, Phật Danh Văn Quang, Phật Đại Diệm Kiên, Phật Tu Di Đăng, Phật Vô Lượng Tinh Tấn. Giống như vậy hằng hà sa số chư Phật, mỗi vị đều ở cõi nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thật như vầy : Chúng sanh các ngươi phải tin vào công đức khen ngợi không thể nghĩ bàn, và "Kinh được tất cả chư Phật đều hộ niệm" này.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói xong, chư Phật ở phương Đông khen ngợi Đức Phật A Di Đà rồi, bấy giờ lại nói đến chư Phật ở phương Nam. Phật nói : Này Xá-lợi-phất ! Ở thế giới phương Nam cũng có rất nhiều Đức Phật dùng tướng lưỡi rộng dài mà thuyết pháp. Đó là những Đức Phật nào ? Ấy là Phật Nhật Nguyệt Đăng [(Nhất thiết trí là mặt nguyệt, Đạo chủng trí là mặt nhật, Nhất thiết chủng trí là đèn (đăng)]. Phật Danh Văn Quang (vì Danh xưng được nghe khắp cả pháp giới), Phật Đại Diệm Kiên, hai vai Đức Phật phát ra ánh sáng [Diệm biểu hiện cho đại huệ, Kiên (vai) gánh vác chúng sanh], Phật Tu Di Đăng tức Phật Diệu Cao Đăng (ánh sáng của thân vô lượng như núi Tu Di), và Phật Vô Lượng Tinh Tấn, Đức Phật ngày đêm sáu thời thường tinh tấn (công phu không xen tạp gọi là Tinh, không lui sụt gọi là Tấn, vì trong vô lượng kiếp công phu hành đạo, thành Phật, hóa độ vô lượng chúng sanh không ngừng nghỉ). Còn có vô lượng hằng hà sa số chư Phật như vậy ở các cõi nước phương Nam, hiện ra tướng lưỡi rộng dài, nói Phật pháp trùm khắp tam thiên đại thiên thế giới, nói với tất cả chúng sanh những lời chân thật chí thành không hư dối như thế này : "Này chúng sanh các ngươi, ở thế giới này hoặc thế giới khác, ở cõi nước này hay cõi nước khác, trong vô lượng vô số cõi nước đều nên sanh ba thứ tâm : Tín tâm, Nguyện tâm và Hạnh tâm chân chánh để ca ngợi công đức không thể nghĩ bàn của Kinh này". Bộ Kinh A Di Đà này là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không ai hỏi tự nói ra. Nếu quý vị tin nhận, ngợi khen và trì tụng Kinh này thì tất cả chư Phật sẽ đến bảo hộ quý vị. Cho nên phải đặc biệt phát tâm ca tụng ngợi khen Đức Phật A Di Đà và Kinh A Di Đà.

 

Này Xá-lợi-phất, ở thế giới phương Tây có Phật Vô Lượng Thọ, Phật Vô Lượng Tướng, Phật Đại Quang, Phật Đại Minh, Phật Bảo Tướng, Phật Tịnh Quang. Giống như vậy hằng hà sa số chư Phật, mỗi vị đều ở cõi nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thật như vầy : Chúng sanh các ngươi phải tin vào công đức khen ngợi không thể nghĩ bàn và "Kinh được tất cả chư Phật đều hộ niệm" này.

Phật Thích Ca Mâu Ni nói về phương Đông xong, chư Phật ở phương Nam khen ngợi Phật A Di Đà rồi, lại nói ở thế giới phương Tây có Phật Vô Lượng Thọ, cũng tức là Phật A Di Đà. Nhưng các Đức Phật đồng tên rất nhiều, Phật Vô Lượng Thọ có thể là Phật A Di Đà. Vị đạo sư của thế giới Cực Lạc phương Tây cũng có thể là một vị Phật khác. Vì thế không nên chấp trước nhất định là phải, hoặc nhất định là không phải Phật A Di Đà. Phải cũng được mà không phải cũng được, không nên chấp trước. Trên sự thật không có một cái nào là phải, cũng không có một cái nào là không phải. Phật pháp diệu như thế đấy. Phải hay không đều là tâm phân biệt của anh thôi. Về phần chư Phật chỉ có một điều là không có tâm phân biệt kia đây. Không phân biệt nhưng mỗi vị đều có pháp tướng trang nghiêm riêng, tuy mỗi Phật đều có pháp tướng trang nghiêm riêng nhưng không ngại lẫn nhau. Không giống như chúng ta : "A, anh chơi xấu tôi à !" Phật không có như thế, Ngài là "anh chính là tôi, tôi cũng chính là anh", vì thế chứng được cảnh giới vô thượng thì phải quấy đều như nhau. Anh xem thế có diệu hay không ! Người ta nếu muốn thành Phật thì phải không có tâm phân biệt, cũng không có tâm vọng tưởng, không có mảy may nào tâm dục vọng, đó mới thiệt vi diệu cực điểm. Vì thế anh không nên chấp trước. Như có thể biết đúng về Phật A Di Đà và Phật Vô Lượng Thọ, thì anh không nên phân biệt, không nên để tâm thái quá về mặt này.

Phật Vô Lượng Tướng là vị Phật có vô lượng tướng (Phật có 84.000 vi trần tướng hảo, tùy cơ hiển hiện). Phật Vô Lượng Tràng là Phật có vô lượng vô số tràng phan treo bên trên để che đỡ (tràng là nghĩa cao hiển, nghĩa dẹp tà hiển chánh, lại trong rỗng ngoài tròn, tiêu biểu cho Phật tánh sáng suốt rỗng rang mà sáng suốt đầy đủ). Phật Đại Quang, ánh sáng Đức Phật này chiếu sáng khắp nơi. Phật Đại Minh (quang là thể, minh là dụng, có quang thì minh chiếu mười phương. Hai Phật đồng hiển trí huệ to lớn). Công đức trí báu của Ngài, tướng sáng tròn đầy.

Phật Tịnh Quang, sự thanh tịnh quang minh của Ngài chiếu khắp chúng sanh. Như chúng ta nói kỹ thì có hằng hà sa số quá nhiều Đức Phật. Ở phương Tây có rất nhiều Đức Phật, mỗi vị đều hiện ra tướng lưỡi rộng dài. Lưỡi của chúng ta không cách gì che trùm một căn nhà, nhưng tướng lưỡi rộng lớn của Phật có thể che khắp tam thiên đại thiên thế giới. Tại sao thế ? Đối với Phật mà nói thì tam thiên đại thiên thế giới tức là một niệm, một niệm tức là tam thiên dại thiên thế giới. Dù là tam thiên đại thiên thế giới cũng không vượt ngoài một niệm; dù là một mệm cũng có thể trùm khắp tam thiên đại thiên thế giới. Không nên chấp trước là Phật có lưỡi lớn như thế, lưỡi rộng dài là chỉ cho pháp đến đâu thì tướng lưỡi Phật đến đó. Chúng ta cũng có thể hiện ra tướng lưỡi rộng dài được, như chúng ta đến chỗ nào giảng nói Phật pháp khiến cho Phật pháp lưu thông đến đó thì cũng là trùm khắp tam thiên đại thiên thế giới đó. Khi nghe Phật pháp không nên chấp trước. Tuy lưỡi Phật có thể trùm khắp tam thiên đại thiên thế giới, nhưng cả đến lớn bằng hạt vi trần cũng đều không có, kỳ thật căn bản không có cái gì cả. Như vậy hẳn là Phật nói láo ư ? Nếu Phật không nói láo, thì làm sao anh lại tin Ngài ? Nói theo quan điểm chúng sanh thì hình như là nói hoang đường; nhưng đứng trên quan điểm của Phật thì là nói chân thật, chớ không phải nói vọng ngữ đâu. Chúng sanh xem đó là vọng ngữ mà Phật xem đó là lời chân thật. Cũng lời nói ấy mà Phật nói ra là thật mà chúng sanh nói ra tức là vọng ngữ. Điều này chẳng dễ dàng giảng rõ được, nếu anh muốn hiểu rõ đạo lý này phải không sợ bị khổ nạn, gắng sức khổ cực đi ! Đừng nghĩ rằng nghe được Phật pháp hai ngày rưỡi rồi cái gì cũng biết, Kinh cũng không tụng, Phật cũng không niệm. Không nên tự cho là đã tham thiền thì cái gì cũng không làm cả, lại nói : "Tôi rõ ý Phật, kỳ thật không có gì cả. Tôi đã học 5 năm, cũng chẳng qua là như thế ! Vì vậy bây giờ tôi đều không học nữa, bất cứ vấn đề gì cũng đều không có nữa". Anh nên biết rằng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tu phước tu huệ đến ba a-tăng-kỳ kiếp; làm các việc bố thí để tu phước, và học tập các thứ Phật pháp để tu huệ. Ngài tu về tướng hảo, phải tu đến 100 đại kiếp mới được 32 tướng 80 vẻ đẹp. Tại sao chúng ta ngay cả một tướng, một vẻ đẹp cũng không có ? Tại sao người ta nhìn thấy anh lại nói : "Nó xấu lấm, dang xa nó ra, nó không phải là người tốt, nhìn thấy nó là phát ghét". Tại sao thế ? Tại vì không có tu hành cho nên không có đức hạnh, vì thế ai ai cũng đều không thích nhìn thấy anh.

Lưỡi của Phật che khắp cả vũ trụ mà nói lời chân thật, Phật không dối gạt người, chẳng nên lấy tâm phàm mà đo lường trí thánh, lấy tâm của người phàm mà suy lường tâm của thánh nhân. Tôi đã từng một đôi lần nói với quý vị : "Hàng Bồ-tát Sơ địa không biết được cảnh giới của hàng Bồ-tát Nhị địa, Bồ-tát Thập địa không biết được cảnh giới của Bồ-tát Đẳng giác. Sơ quả A-la-hán không biết được Nhị quả A-la-hán; Nhị quả A-la-hán không biết dược Tam quả A-la-hán. Sơ quả A-la-hán cho là chính mình làm việc ấy đúng, nhưng đứng trên quan điểm của Nhị thừa A-la-hán nhìn thấy việc ấy là sai. Nhị quả A-la-hán cho các vị ấy là đúng, Tam quả A-la-hán nhìn thấy các vị ấy có một điểm thiên lệch. Tôi là sư phụ quý vị, quý vị không rõ cảnh giới của tôi. Giả như quý vị biết rõ, thì chẳng cần sư phụ nữa. Vì thế cần phải dùng cân não nghiên cứu những điều tôi nói thử xem, không cần bực tức nói : "Ông ấy giảng quá nhiều ?"

 

Này Xá-lợi-phất, ở thế giới phương Bắc có Phật Diệm Kiên, Phật Tối Thắng Âm, Phật Nan Trở, Phật Nhật Sanh, Phật Võng Minh. Giống như vậy hằng hà sa số chư Phật, mỗi vị đều ở cõi nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thật như vầy : Chúng sanh các ngươi phải tin vào công đức khen ngợi không thể nghĩ bàn, và "Kinh được tất cả chư Phật đều hộ niệm" này.

Chẳng những ở phương Đông, phương Nam, phương Tây chư Phật đều khen ngợi Đức Phật A Di Đà, mà ở phương Bắc cũng có rất nhiều Phật ngợi khen Đức Phật A Di Đà. Phương Bắc có Phật Diệm Kiên, vị Phật này phóng ra ánh sáng to lớn. Phật Tối Thắng Âm, tiếng nói của vị Phật này rất thù thắng, có thể được nghe khắp cả tam thiên đại thiên thế giới. Anh nói : "Tại sao tôi không nghe thấy gì cả ?" Đó là vì anh chưa ở trong tam thiên đại thiên thế giới của Ngài. Anh ở trong tam thiên đại thiên thế giới này thì phải hòa đồng trong thế giới này. Phật Nan Trở, Trở tức là phá hoại, nghĩa là pháp và công đức của Đức Phật này không ai có thể phá hoại được. Phật Nhật Sanh (Nhật là chủ các tinh tú, nuôi lớn vạn vật, Phật là thầy của chúng sanh, khiến họ sanh trí huệ). Phật Võng Minh (lưới châu báu, ánh sáng của các hạt châu chói vào nhau, biểu thị ánh sáng trên thân Phật ánh suốt vô lượng). "Giống như vậy hằng hà sa số chư Phật, mỗi vị đều ở cõi nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, nói những lời thành thật này". Công đức vi diệu không thể nghĩ bàn này là vô lượng vô biên, cho nên chư Phật đều hộ niệm Kinh này. Do đó Kinh này được chư Phật hộ niệm, cho nên công đức của Kinh này không thể nghĩ bàn.

 

Này Xá-lợi-phất, thế giới phương dưới có Phật Sư Tử, Phật Danh Văn, Phật Danh Quang, Phật Đạt Ma, Phật Pháp Tràng, Phật Trì Pháp. Giống như vậy hằng hà sa số chư Phật, mỗi vị đều ở cõi nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thật như vầy : Chúng sanh các ngươi phải tin vào công đức khen ngợi không thể nghĩ bàn, và "Kinh được tất cả chư Phật đều hộ niệm" này.

Đức Phật đã nói bốn phương Đông, Tây, Nam, Bắc, các Đức Phật ở đó đều khen ngợi Phật A Di Đà rồi, lại bảo Xá-lợi-phất : Ở thế giới phương dưới có Phật Sư Tử, Đức Phật này thuyết pháp như Sư tử rống. Phật Danh Văn, tên Phật trong ba đời đến đâu cũng được ca ngợi. Phật Danh Quang, Đức Phật này chẳng những tên Ngài vang khắp cả tam thiên dại thiên thế giới, mà ánh sáng của Ngài cũng chiếu suốt cả ba đời. Phật Đạt Ma, tức là Pháp Phật. Phật Pháp Tràng, Đức Phật lấy Pháp làm bảo tràng. Phật Trì Pháp, Đức Phật chuyên môn đem pháp phổ độ chúng sanh, cũng có thể nói bây giờ chúng ta chuyên môn niệm tụng, tu trì Kinh A Di Đà, tương lai có thể thành tựu Phật Trì Pháp. Cũng có thể nói, hiện giờ quý vị tụng Kinh này, tức là Phật Trì Pháp đấy. Mỗi vị đều ở cõi nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thật như vầy : Chúng sanh các ngươi phải tin vào công đức khen ngợi không thể nghĩ bàn và "Kinh được tất cả chư Phật đều hộ niệm". Phần này giống như các phần trước nên đây không thuật lại.

 

Này Xá-lợi-phất, ở thế giới phương trên có Phật Phạm Âm, Phật Tú Vương, Phật Hương Thượng, Phật Hương Quang, Phật Đại Diệm Kiên, Phật Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân, Phật Ta La Thọ Vương, Phật Bảo Hoa Đức, Phật Kiến Nhất Thiết Nghĩa, Phật Như Tu Di Sơn. Giống như vậy hằng hà sa số chư Phật, mỗi vị đều ở cõi nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thật như vầy : Chúng sanh các ngươi phải tin vào công đức khen ngợi không thể nghĩ bàn, và "Kinh được tất cả chư Phật đều hộ niệm" này.

Phật lại bảo ngài Xá-lợi-phất : Ở thế giới phương trên có Phật Phạm Âm, thanh âm của Đức Phật này thanh tịnh và rõ ràng. Phật Tú Vương, Đức Phật này vào thời quá khứ phát ra lời nguyện lớn và có sức mạnh. Phật Hương Thượng (Giới hương thanh tịnh đặng vô thượng diệu đế), anh một khi đốt hương thì Đức Phật này liền đến. Phật Hương Quang (Giới hương thanh tịnh, tức phát ánh sáng trí huệ), hướng về Đức Phật này dâng hương, Ngài liền phóng ra ánh sáng. Phật Đại Diệm Kiên, thế giới phương Nam từng có Phật Đại Diệm Kiên, ở thế giới này lại có Phật Đại Diệm Kiên nữa, ánh sáng trên hai vai của vị Phật này là biểu thị cho hai trí Quyền và Thật. Phật Tạp Sắc Bảo Hoa Nghiêm Thân, Đức Phật này dùng nhân hoa vạn hạnh để trang nghiêm quả đức vô thượng. Phật Ta La Thọ Vương, Ta-la thọ là cây Bồ-đề. Ta-la dịch là kiên cố, Vương có nghĩa là tự tại. Không có thứ nước nào thấm được vào cây này để ví dụ cho Pháp thân của Phật không một vật nào phá hủy được. Phật Bảo Hoa Đức (Bảo Hoa, thanh tịnh mà sáng, biểu thị cho công đức của Phật tròn sạch), Phật Kiến Nhất Thiết Nghĩa (năm nhãn thấy khắp, pháp nghĩa vô cùng), Phật Như Tu Di Sơn (núi rất cao lớn, Phật rất cùng khắp). Giống như vậy hằng hà sa số chư Phật, mỗi vị đều ở cõi nước của mình, hiện ra tướng lưỡi rộng dài trùm khắp cả tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thật như vầy : Chúng sanh các ngươi phải tin vào công đức khen ngợi không thể nghĩ bàn và "Kinh được tất cả chư Phật đều hộ niệm". Phần này cũng giống như các phần trước, nên không cần phải giảng lại.

Này Xá-lợi-phất, ý ông nghĩ sao ? Tại sao gọi là "Kinh được tất cả chư Phật hộ niệm" ? Này Xá-lợi-phất, nếu có kẻ thiện nam người thiện nữ nào nghe Kinh này mà thọ trì, và nghe được danh hiệu của chư Phật, thì những thiện nam thiện nữ ấy đều được tất cả chư Phật hộ niệm cho và đều được không thối chuyển nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Cho nên này Xá-lợi-phất, các ông hãy nên tin nhận lời ta và lời chư Phật nói. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni khen ngợi chư Phật ở các phương đông, tây, nam, bắc, trên, dưới rồi, lại bảo ngài Xá-lợi-phất : "Theo ý ông thì Kinh này sao gọi là Kinh được tất cả chư Phật hộ niệm ?" Xá-lợi-phất tròn mắt nhìn một hồi, đáp không được. Đức Phật chờ độ 5 phút mới nói tiếp : "Ta nói cho ông biết, này Xá-lợi-phất, giả như có người thiện nam thiện nữ trì năm giới, tu thập thiện, có thể tu trì niệm tụng Kinh A Di Đà và không quên những danh hiệu của chư Phật đã nói ở trên, thì những thiện nam thiện nữ này cũng đều được chư Phật hộ trì. Người ấy liền được ba thứ bất thối là Trụ, Niệm và Hạnh, lần lần đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Vì thế này Xá-lợi-phất, các ông hãy nên tin nhận những lời ta nói, các người đều phải nên tin nhận lời ta và lời chư Phật nói. Chúng ta thấy Phật thật là từ bi quá mức ! Chúng ta đều phải cảm kích đến rơi lệ khi nghe Phật nói : "Chúng sanh các ngươi, bất luận là người lớn trẻ nhỏ đều phải nên tin tưởng và tiếp nhận lời ta nói với các ngươi".

Quý vị cũng nên tin nhận lời tôi đang nói cho quý vị nghe dây mà không nên sanh lòng nghi ngờ, không nên nói : "Tôi không biết đạo lý mà vị Pháp sư Trung Quốc này nói có đúng không ?". Quý vị hãy nên tin những lời tôi nói. Quý vị chẳng những tin lời của Phật Thích Ca nói, cũng phải tin lời ngợi khen của chư Phật. Kinh này là khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn và được tất cả chư Phật hộ mệm. Cũng nên tin tôi hiện nói đạo lý của Kinh này là chân thật không giả dối, không phải lời gạt gẫm. Vì thế quý vị đều nên phát nguyện sanh về cõi nước Cực Lạc.

Này Xá-lợi-phất, nếu có người đã phát nguyện, đang phát nguyện, sẽ phát nguyện muốn sanh về nước của Phật A Di Đà thì những người đó đều được không thối chuyển nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Ở nước Phật kia, những người này hoặc đã sanh, hoặc đang sanh, hoặc sẽ sanh. Cho nên này Xá-lợi-phất, các thiện nam tử, thiện nữ nhơn, nếu ai có lòng tin hãy nên phát nguyện sanh về cõi nước kia.

Đức Phật Thích Ca lại kêu ngài Xá-lợi-phất, nói : "Giả sử có người đã phát nguyện", đã phát nguyện trong quá khứ; "đang phát nguyện", hiện tại đang phát nguyện; "sẽ phát nguyện", chúng sanh vị lai phải nên phát nguyện. Người đã phát nguyện đã ở quá khứ sanh về thế giới Cực Lạc; người đang phát nguyện, hiện tại cũng đang sanh về thế giới Cực Lạc; tương lai phát nguyện thì tương lai sẽ sanh về thế giới Cực Lạc. Nhưng khi phát nguyện, trước phải có lòng tin. "Tín, Nguyện, Hạnh" là ba thứ tư lương của người tu theo pháp môn Tịnh độ. Thứ nhất là phải tin có thế giới Cực Lạc, thứ hai là phải tin có Đức Phật A Di Đà, thứ ba là phải tin ta và Đức Phật A Di Đà nhất định có nhân duyên lớn, ta nhất định sẽ sanh về thế giới Cực Lạc. Có được ba thứ lòng tin này rồi mới có thể phát nguyện sanh về thế giới Cực Lạc, vì thế nói là nguyện sanh về Tịnh độ ở phương Tây. Phát nguyện sanh về Tây phương Tịnh độ, chẳng phải có người miễn cưỡng bảo tôi đi, hay xô đẩy tôi đi đâu ! Tuy Đức Phật A Di Đà có thể đến tiếp rước tôi, nhưng phải là tôi tự đi mới được, nhân đó mà phải phát nguyện thấy Phật A Di Đà; nguyện sanh về thế giới Cực Lạc, hoa nở thấy Phật; nguyện sanh về thế giới Cực Lạc, thấy Phật nghe pháp. Nếu có thể phát nguyện như thế, thì nhất định sẽ sanh về thế giới Cực Lạc. Nguyện rồi thì mới có thể hành được, mà hành như thế nào ? Chính là niệm Phật, niệm "Nam mô A Di Đà Phật, Nam mô A Di Đà Phật ..." như cứu lửa cháy đầu, giống như có người muốn chặt đầu ta, trộm đầu ta vậy. Cũng giống như Đức Lục Tổ Đại sư - dù đã viên tịch, nhưng còn biết có người muốn đến lấy trộm đầu mình, vì thế ngài dặn dò đồ đệ hãy bảo hộ đầu ngài. Đồ đệ ngài theo lời dặn dò, bèn dùng sắt bao đầu ngài lại, người đến trộm muốn chặt cũng chặt không đứt, vì đầu đã được bảo hộ rồi. Huống chi hạng phàm phu chúng ta hãy còn chưa viên tịch lại không gấp rút bảo hộ cái đầu của mình như thế sao ? Vì thế nói thật hành chính là niệm Phật, niệm Phật chính là thật hành. "Tín, Hạnh, Nguyện" chính là lộ phí, tư lương vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Tư lương cũng chính là lộ phí, cũng như bây giờ gọi là Chi phiếu lữ hành. Muốn làm một cuộc lữ hành đến thế giới Cực Lạc, trước hết phải có chi phiếu. Người muốn sanh về cõi nước của Phật A Di Đà thì những người đó đều được bất thối chuyển nơi A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ~đề. Nếu người muốn vãng sanh về cõi nước Cực Lạc đều có thể được ba thứ bất thối, tức là Vị bất thối, Niệm bất thối và Hạnh bất thối; A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề cũng chính là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. "Ở cõi nước kia", là ở thế giới Cực Lạc. "Hoặc đã sanh", quá khứ đã phát nguyện, đã sanh về thế giới Cực Lạc; "hoặc đang sanh", hiện tại phát nguyện, hiện tại sanh về thế giới Cực Lạc; "hoặc sẽ sanh", vị lai phát nguyện, cũng nhứt định sẽ sanh về thế giới Cực Lạc. "Cho nên này Xá-lợi-phất", vì lý do ấy, nên này Xá-lợi-phất, "các hàng thiện nam thiện nữ", cho nên tất cả thiện nam thiện nữ, "nếu ai có lòng tin phải nên phát nguyện", giả như có những người tin theo lời nói của ta thì phải nên phát nguyện. Đây là lời quyết định, không nên chần chờ một chút nào. Nhứt định anh phải phát nguyện. Phát nguyện thì có thể sanh về cõi nước kia, sanh về thế giới Cực Lạc.

 

Này Xá-lợi-phất, như ta hôm nay khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn của chư Phật, các Đức Phật kia cũng khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn của ta và nói như thế này : Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã làm được những việc khó làm và ít có; ở trong cõi nước Ta bà, trong đời ác năm trược : Kiếp trược, Kiến trược, Phiền não trược, Chúng sanh trược, Mạng trược được quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề. Ngài giảng cho các chúng sanh nghe pháp tất cả thế gian khó tin này.

Này Xá-lợi-phất, nên biết ta ở đời ác năm trược làm việc khó làm này, được quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, nói cho tất cả thế gian pháp khó tin này, thật là rất khó. Phật nói Kinh này rồi, ngài Xá-lợi-phất và các Tỳ-kheo, tất cả người, trời, A-tu-la ... ở thế gian nghe Phật nói rồi đều hoan hỷ tin nhận, lễ Phật mà lui ra.

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lại bảo thêm ngài Xá-lợi-phất : Ta lại nói cho ông biết một tin này, "như ta hôm nay", giống như ta bây giờ đang khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn của bộ Kinh này, "chư Phật ở sáu phương cũng khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn của bộ Kinh này"; thế thì không phải chỉ riêng ta khen ngợi chư Phật, mà chư Phật cũng lại khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn của ta nữa. Các Ngài nói : "Đức Phật Thích Ca Mâu Ni làm được những việc rất khó, ít có". Ngài thật là cao cả, Ngài thật là rất khó được, làm được những việc mà người ta không làm nổi, những việc khó, ít có trên đời Ngài đều có thể làm được. Người nào nghe học Kinh này đều biết về ý nghĩa của Thích Ca Mâu Ni; Thích Ca là Năng nhơn, Mâu Ni là Tịch mặc. Năng nhơn là giáo hóa tất cả chúng sanh. Tịch mặc là hồi quang phản chiếu tu một thứ Định. Năng nhơn là động, Tịch mặc là tịnh, thường động thường tịnh, động tịnh không hai, đó gọi là tùy duyên bất biến, bất biến tùy duyên. Vị Phật này là đã tùy duyên mà lại bất biến, đã bất biến mà lại tùy duyên, Ngài là "Vô vi mà vô bất vi, vô tác mà vô bất tác", vì thế Phật Thích Ca Mâu Ni là không thể nghĩ bàn. Có chỗ nào gọi là không thể nghĩ bàn ? - Ngài hay ở cõi Ta-bà, Ta-bà là tiếng Phạn, dịch là Kham nhẫn. Kham năng nhẫn thọ được điều gì ? Kham năng nhẫn thọ được những điều đau khổ này. Bởi vì ở thế giới Ta-bà chỉ có khổ mà không có vui, nhưng chúng sanh ở thế giới này có tánh nhẫn nại rất lớn, có thể nhẫn nại được các thứ khổ ấy, ở cảnh giới khổ mà không biết là khổ, vì thế nên gọi thế giới Ta-bà là đời ác năm trược. Thế giới Ta-bà có năm thứ trược ác, thế thì rất xấu, mà Phật đã thành Phật được, tại sao chúng ta không thể thành Phật được ư ? Nhân vì chúng ta bị đời ác ngũ trược này vây hãm. Ngũ trược này giống như bùn vậy, chúng ta rút chân này lên thì chân kia bị lún xuống, rốt cuộc không có cách nào rút chân ra khỏi đời ác ngũ trược được. Nhưng Đức Phật Thích Ca rất có bản lãnh, rất có thần thông, Ngài có thể bảo anh nhảy một cái là ra khỏi ngay. Do nhảy một cái được ra khỏi nên có câu là "Trong một sát-na lìa ngũ trược", trong một sát-na thì lìa được ngũ trược ác thế mà "Ngay khi co duỗi đến Liên trì", cánh tay của tráng sĩ (võ sĩ biết võ thuật) co lại duỗi ra một cái, gọi là trong khoảng co duỗi cánh tay. Vì thế nói Phật Thích Ca là người có bản lãnh rất lớn.

Sao gọi là ngũ trược ?

1. Kiếp trược : Đó là thời gian ô trược. Sự ô trược thời gian do đâu mà có ? Thời gian ấy, bốn trược kia càng ngày càng thêm, càng ngày càng dữ dội và lấy sự gia tăng của bốn trược kia làm bản thể của nó. Phải có sự giúp đỡ của bốn trược : Kiến trược, Phiền não trược, Chúng sanh trược, Mạng trược có thể biến thành Kiếp trược được. Cho nên Kiếp trược lấy sự gia tăng của bốn trược kia làm bản thể, hừng hực mãi không ngừng làm tướng của nó, như lửa càng cháy càng bùng lên là tướng của nó.

2. Kiến trược lấy năm lợi sử làm bản thể của nó. Năm lợi sử là : Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, Kiến thủ và Giới cấm thủ. Kiến trược lấy sự biết lầm về sáu giác tri làm tướng, xưa nay là đạo lý đúng thật nhưng nó lại tưởng thiên lệch thành ra tà tri tà kiến, ấy gọi là biết lầm về sáu giác tri.

3. Phiền não trược lấy năm độn sử làm bản thể của nó. Năm độn sử là : Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, lấy phiền não bức bách làm tướng.

4. Chúng sanh trược : Thứ trược này lấy ba duyên hòa hợp làm tự thể. Ba duyên là duyên cha, duyên mẹ và nghiệp duyên của chính mình. Lấy sự luân hồi không dứt làm tướng, có ba duyên hòa hợp rồi mới luân hồi không dứt, lặn dầu này trồi đầu kia, đời này họ Trương, đời sau họ Lý, hoặc đời này làm Tỳ-kheo-ni, đời sau làm Tỳ-kheo, rồi đời sau nữa làm Tỳ-kheo-ni nữa. Sau Tỳ-kheo-ni lại làm Tỳ-kheo nữa, thật là kỳ diệu biết bao ? Như thế chuyển tới chuyển lui luân hồi không dứt.

5. Mạng trược : Mạng là sức nóng, hơi thở và thức. Lại có thuyết là tuổi thọ, sức nóng và thức làm thể, lấy sự rút mất tuổi thọ làm tướng. Từ nhỏ tới lớn, từ lớn tới già, từ già tới chết, đó là tướng của mạng.

Trên đây là Kiếp trược, Kiến trược, Phiền não trược, Chúng sanh trược, Mạng trược, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã ở trong đời ác ngũ trược chứng được quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề, được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nói cho các chúng sanh nghe pháp tất cả thế gian khó tin này. Anh xem đó ! Đức Phật Thích Ca Mâu Ni chính mình đã biết rõ, nói thứ pháp này là pháp rất ít người có thể tin được. "Này Xá-lợi-phất, nên biết rằng"; Này Xá-lợi-phất, ông nên biết rằng : "Ta ở đời ác năm trược làm việc khó làm này, được quả A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-bồ-đề nói cho tất cả thế gian pháp khó tin này, thật là rất khó". Ta ở trong đời ác ngũ trược chứng được quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nói cho tất cả thế gian nghe thứ Phật pháp rất khó tin này. Thật là việc hết sức khó khăn. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nói như thế, nhưng tôi (lời của Thượng nhơn tự xưng) lại nói là rất dễ dàng. Tại sao thế ? Chỉ cần niệm một câu Nam mô A Di Đà Phật, cho nên rất là dễ dàng, đã không tốn tiền lại không tốn sức, tốn thời gian, vì thế nói pháp môn này là một pháp môn dễ dàng quá sức.

"Phật nói Kinh này rồi". Phật Thích Ca Mâu Ni nói bộ Kinh A Di Đà này rồi, "ngài Đại trí Xá-lợi-phất và các Tỳ-kheo, cùng tất cả người, trời, A-tu-la" ... A-tu-la này bao gồm các trời rồng tám bộ : Khẩn-na-la, Càn-thát-bà, Ca-lâu-la v.v... "nghe Phật nói", nghe những lời Phật nói, đều hoan hỷ tin nhận, lễ Phật mà lui ra. Những người ấy đều vui vẻ phi thường, cúi đầu đảnh lễ tạ ơn Phật đã nói Kinh này để cứu độ chúng sanh. Quý vị xem ! Trước kia những vị A-la-hán ấy đến cúi đầu đảnh lễ Phật để tạ pháp. Quý vị bây giờ nghe được giáo pháp này, đều là ngày xưa có căn lành lớn, c6 nhơn duyên lớn với Phật A Di Đà mới có thể nghe được Kinh A Di Đà và niệm Phật A Di Đà đấy.


Phần I | Phần II

 


Cập nhật: 27-5-2001

Trở về thư mục "Kinh điển"

Đầu trang