Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Lược giải Kinh 42 Chương
Thích Viên Giác

Chương 26 | Chương 27 | Chương 28 | Chương 29 | Chương 30 | Chương 31 | Chương 32


CHƯƠNG 26 [^]

I. CHÁNH VĂN

Thiên thần dâng cho Đức Phật một ngọc nữ với ý đồ phá hoại tâm ý của Phật. Phật bảo : "Túi da ô uế, người đến đây làm gì ? Đi đi, ta không dùng đâu" .Thiên thần càng thêm kính trọng, do đó mà hỏi về ý của Đạo. Đức Phật vì ông mà giảng pháp. Ông nghe xong, đắc quả Tu Đà Hoàn.

II. ĐẠI Ý

Chương này nói về thái độ dứt khoát của Đức Phật đối với nữ sắc .

III. GIẢNG NGHĨA

1. Chú thích từ ngữ, thuật ngữ :

Thiên : tiếng Phạn là Deva, dịch âm là Đề Bà. Nghĩa là Quang Minh, Tự Tại, Tối Thắng .

Thiên thần : những chúng sinh ở cõi thù thắng vui sướng hơn cõi người .

Ngọc nữ : chỉ người con gái đẹp .

2. Giải thích nội dung :

Từ chương 21 cho đến chương này, đề cập đến cái nguy hiểm của sự đam mê danh lợi, tài sắc. Đối với sắc dục, Đức Phật đặc biệt chú trọng qua các chương 23, 24, 25. Đến chương này, tiêu biểu cho thái độ của người tu hành đối với nữ sắc, hay nói cách khác, là tiêu biểu cho phương pháp quán chiếu để đoạn trừ lòng ham muốn nữ sắc. Khi một vị thiên thần dâng cho Đức Phật một cô gái đẹp với ý định nhiễu loạn tâm của Phật, cũng có thể là thử ý của Đức Phật . Khi nhìn cô gái đẹp, Ngài liền bảo : "Cái túi da chứa những ô uế đến đây mà làm gì ?" Qua đó, ta nhận thấy quan điểm của Đức Phật đối với đối tượng sắc đẹp, cái mà làm cho nhân loại đảo điên, Đức Phật thấy chỉ là túi da chứa đụng đồ ô uế . Trong các kinh tạng Nikaya, A Hàm cũng thống nhất phương pháp quán chiếu để đối trị lòng mê sắc là phương pháp quán bất tịnh. Ví dụ, khi nhìn một cô gái đẹp thì tâm hỷ lạc khởi lên, khi đó quán chiếu rằng người con gái đẹp kia sẽ bị xấu, răng rụng, tóc bạc, thân thể hôi hám … tức nhìn thấy được mặt trái của cô gái đẹp .

Tâm tham đắm nữ sắc, do không thấy rõ bản chất của sắc đẹp là ô uế, khi thấy được sự thực ấy, tâm liền tỉnh ngộ. Trong Kinh Tạng, còn đưa ra một số phương pháp đoạn trừ tâm tham ái nữ sắc như : Quán nữ sắc là vô thường, quán nữ sắc là nguy hiểm, quán người nữ như là mẹ, là chị, là em gái, hoặc khi bị hình ảnh của nữ sắc chi phối thì hướng tâm vào các đối tượng khác… Phương pháp trực tiếp là phương pháp quán thẳng vào thân thể của nữ sắc để thấy thân thể của nữ sắc là ô uế, bất tịnh .

Đối với một người không bị nữ sắc làm cho dao động là một người đáng kính, nên vị thiên thần mới tỏ lòng tôn kính hỏi về Đạo, nhờ đó mà giác ngộ .

 

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

  1. Thái độ của Đức Phật đối với nữ sắc là thấy rõ được bản chất của nữ sắc là ô uế .
  2. Phương pháp đoạn trừ tâm tham ái nữ sắc là quán thân thể của nữ sắc là bất tịnh .

CHƯƠNG 27 [^]

I. CHÁNH VĂN

Đức Phật dạy : "Người thực hành theo Đạo như khúc gỗ trên mặt nước trôi theo dòng nước. Nếu không bị người ta vớt, không bị quỷ thần ngăn trở không bị nước xoáy làm cho dừng lại và không bị hư nát, ta đảm bảo rằng khúc cây ấy sẽ ra đến biển. Người học Đạo nếu không bị tình dục mê hoặc, không bị tà kiến làm rối loạn, tinh tấn tu tập đạo giải thoát, ta bảo đảm người này sẽ đắc Đạo" .

II. ĐẠI Ý

Đức Phật dạy không chấp trước các duyên thì đắc Đạo .

III. GIẢNG NGHĨA

1. Giải thích từ ngữ, thuật ngữ :

Tà kiến : Pali gọi là Ditthi, từ ngữ căn Dis là thấy, nhận thức Ditthi là thấy, nhận thức không đúng với thể tánh, ý kiến sai lạc, sai lầm .

Tinh tấn : (Viriya) còn gọi là tinh cần là một trong những tâm lý thiện, là siêng năng chuyên cần hướng thiện .

2. Giải thích nội dung :

Chương này có xuất xứ trong kinh Tương ưng, phần khúc gỗ nội dung như sau : "Đức Thế Tôn ngụ ở Kosambi trên bờ sông Hằng, ngài thấy một khúc gỗ lớn trôi theo dòng nước liền bảo các Tỳ kheo rằng : "Các thầy có thấy khúc gỗ không ? Nếu khúc gỗ không đâm vào bờ bên này, không đâm vào bờ bên kia, không chìm giữa dòng, không mắc cạn trên miếng đất nổi, không bị loài người nhặt lấy, không bị phi nhân nhặt lấy, không bị mắc vào xoáy nước. không bị mục ở bên trong thì khúc gỗ ấy sẽ hướng về biển, ra đến biển. Cũng vậy các Tỳ kheo, nếu không bị đâm vào bờ bên này… thì vị Tỳ kheo ấy hướng về Niết bàn, nhập vào Niết bàn" … "Bờ bên này đồng nghĩa với 6 nội xứ, bờ bên kia đồng nghĩa với 6 ngoại xứ. Bị chìm giữa dòng đồng nghĩa với lòng tham. Bị mắc cạn trên miếng đất nổi đồng nghĩa với ngã mạn. Bị người nhặt lấy là Tỳ kheo sống quá liên hệ với cư sĩ, bị trói buộc mình vào công việc của họ. Bị phi nhân nhặt lấy là Tỳ kheo tu tập với ước nguyện sinh lên cõi trời. Bị mắc vào nước xoáy là hưởng thụ 5 dục. Bị mục nát từ bên trong là Tỳ kheo sống theo tà giới, ác pháp, đáng nghi ngờ, không phải Sa môn mà hiện tướng Sa môn, lợi dụng hình dáng Sa môn để mưu cầu danh lợi" .

Lúc bấy giờ, người chăn bò là Nanda đứng cạnh đó không xa, bạch Phật là sẽ không bị đâm vào bờ bên này … (như trên) và xin xuất gia theo Phật .

So sánh giữa Kinh Tứ Thập Nhị Chương với kinh Tương Ưng, ta thấy như sau :

  1. Kinh Tứ Thập Nhị Chương tóm gọn có 5 điều, trong khi đó kinh Tương Ưng đến 8 điều .
  2. Kinh Tương Ưng thêm 2 là chìm giữa dòng và mắc cạn trên miếng đất nổi, điều 1 và điều 2 chỉ là 1 mà thôi, giống như bên Kinh Tứ Thập Nhị Chương, điều 11 chẳng tấp hai bên bờ .
  3. So sánh giữa khúc gỗ và người tu hành trong Kinh Tứ Thập Nhị Chương chỉ đưa ra 3 điều mang tính tổng quát chứ không ăn khớp với từng điều của khúc gỗ. Ba điều đó là không bị tính dục mê hoặc và không bị tà kiến làm rối loạn, tinh tấn tu đạo giải thoát .
  4. Kinh Tương Ưng đưa ra 8 điều kiện của khúc gỗ ra đến biển, song song 8 điều kiện một vị Tỳ kheo đến Niết bàn, những điều này khá rõ .

Tóm lại, chương này trình bày những điều kiện để một vị xuất gia đạt đến Niết bàn. Đó là những tiêu chuẩn tu tập để đo lường tà chánh và trình độ tu tập của một vị Tỳ kheo. Mặt khác, kinh cũng nói lên sự khó khăn là điều tất yếu của con người tu tập cần phải vượt qua mới đắc Đạo. Luận bảo Vương Tam Muội đã nói : "Đối với sự nghiệp giải thoát đừng mong không bị chướng ngại, vì không bị chướng ngại thì chí nguyện không kiên cường" .

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

  1. Chương này có xuất xứ trong Tạng A Hàm và Niyaka (phẩm Khúc gỗ) .
  2. Người xuất gia với mục đích giải thoát sinh tử phải biết hướng đi của mình và điều quan trọng là phải tinh tấn nỗ lực vượt qua các chướng ngại .
  3. Nên biết rằng con đường nào cũng có trở ngại, vì vậy khi chướng ngại đến đừng sợ hãi mà bỏ cuộc

CHƯƠNG 28 [^]

I. CHÁNH VĂN

Đức Phật dạy : "Phải thận trọng đừng chủ quan với tâm ý của ông. Tâm ý của ông không thể tin được, (vì vậy) hãy thận trọng đừng gần nữ sắc ; gần gũi nữ sắc thì tai họa phát sinh. Khi nào chứng quả A La Hán rồi mới có thể tin vào tâm ý của ông" .

II. ĐẠI Ý

Người tu hành chưa đoạn tận ái dục thì phải cảnh giác đối với nữ sắc .

III. GIẢNG NGHĨA

Mặc dù các chương trước phân tích những khía cạnh nguy hiểm khác nhau của tình dục, nhưng chương này vẫn tiếp tục đặt vấn đề đối với nữ sắc. Điểm đặc biệt của chương này là cảnh giác, những người tu tập thường chủ quan, ỷ lại vào khả năng của mình, chưa thấy hết sự nguy hiểm tế nhị của nữ sắc. Hai mục đích của chương này là :

  1. Cảnh giác các bậc Thánh hữu học (Tu Đà Hoàn cho đến A Na Hàm) có thể rơi vào chủ quan khi có những tiến bộ tâm linh cao, vội vã cho rằng mình đã vượt qua uy lực của nữ sắc. Sự đoạn tận ái nhiễm phải là A La Hán .
  2. Cảnh giác những người tu tập còn ở địa vị phàm phu, đừng tự cao, tự đại, tự mãn, với một chút ít công phu mà coi thường nữ sắc, sẽ bị lôi cuốn bởi nữ sắc, uổng phí công phu tu tập .

Ngoài ra, chương này cho thấy tâm ý của chúng sinh khó chế ngự, khó làm chủ, nhất là đối với nữ sắc. Bản năng dục tính của con người chi phối tâm ý rất mạnh, khuynh hướng đi theo tiếng gọi của bản năng làm chướng ngại lộ trình giải thoát. Về mặt nổi, mặt thô, tâm ý có tu tập có thể làm lắng dịu dục tình, nhưng dục tình sẽ lén lút hoạt động trong tư thế tiềm ẩn tế nhị, khó nắm bắt, chỉ cần có cơ hội là nó bộc phát. Cơ hội đó là khi gần gũi đụng chạm với nữ sắc. Vì vậy, rất nhiều hành giả thất bại vì xem thường nữ sắc và các mối quan hệ với nữ sắc .

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

  1. Chương này cảnh giác người tu hành đứng chủ quan đối với tâm ý của mình, nhất là đối với nữ sắc
  2. Cần phải chánh niệm tĩnh giác đối với hoạt động của tâm ý. Để giúp cho sự chánh niệm có hiệu quả nên tránh xa các đối tượng hấp dẫn như nữ sắc .

CHƯƠNG 29 [^]

I. CHÁNH VĂN

Đức Phật dạy : " Phải thận trọng đừng nên nhìn ngắm nữ sắc, cũng đừng nói chuyện với nữ nhân. Nếu (bắt buộc) phải nói chuyện với họ thì phải giữ tâm chánh trực và suy nghĩ rằng : "Ta làm Sa môn sống giữa cuộc đời ô nhiễm, phải như hoa sen không bị bùn làm ô nhiễm. Nghĩ rằng người (nữ) già như mẹ, người (nữ) lớn tuổi (hơn mình) như chị, người (nữ) nhỏ (hơn mình) như em gái, đứa bé (gái) như con, sinh khởi tâm cứu độ họ được giải thoát. Như vậy liền diệt được ý niệm xấu đối với nữ nhân

II. ĐẠI Ý

Đức Phật dạy phương pháp đề phòng niệm xấu và diệt trừ ý niệm xấu đối với nữ nhân .

III. GIẢNG NGHĨA

Tiếp theo chương 28, chương này Đức Phật vẫn cảnh giác người tu hành đề phòng nữ sắc, nhưng khác với chương trước, chương này đề cập đến cách thức đối phó với người nữ, có 2 phần :

  1. Đối với người nữ, không nên nhìn ngắm và nói chuyện. Đây là phương pháp tiêu cực, nhưng có hiệu quả đối với những tâm tư yếu đuối. Điều tốt cho một người dễ phạm tội là cách ly môi trường phạm tội. Thường thì không có cảnh (đối tượng) thì tâm không được kích thích, gợi ý nên ít bị lôi cuốn, giao động. Nếu tâm ý tác ý mà không có đối tượng thực tế, cũng đễ chế ngự hơn .
  2. Khi phải tiếp xúc với người nữ, thì phải giữ tâm ngay thẳng và suy nghĩ rằng :
  1. Giống như hoa sen ở trong bùn mà không nhiễm mùi bùn, ta là Sa môn giữa cuộc đời ô trược không bị nhiễm ô. Đây là cách tự kỷ ám thị để nâng cao tâm hồn, rũ bỏ niệm xấu .
  2. Quán tưởng thân thuộc, coi người già như mẹ, lớn như chị, nhỏ như em, bé như con. Đây là phương thức chuyển hóa tư tưởng mang tính tích cực; coi họ là đối tượng thân thuộc cần được giúp đỡ, cần được cứu khổ .

Trong kinh Trung Bộ (Kinh An Trú Tâm) cũng có đề ra phương pháp quán tưởng để chuyển hóa dục tâm, gồm 5 cách :

  1. Khi có tư duy liên hệ đến dục… khởi lên, cần phải tác ý đến một đối tượng khác, hướng tư duy qua một đối tượng khác để xóa đối tượng dục. Ví như người thợ mộc dùng một cái nêm nhỏ đánh bật một cái nêm khác (ra khỏi khúc cây) .
  2. Nếu không có kết quả, tư duy dục vẫn đeo bám thì cần phải quán sát đến sự nguy hiểm của các dục đó. Ví như một người bị một xác rắn, một xác chó hay một xác người đeo vào cổ, người ấy ghê tởm vứt ra .
  3. Quán sát nguy hiểm của các dục vẫn không có kết quả, thì nên bỏ qua, đừng nên nghĩ đến đối tượng dục đó nữa; giống như người không muốn nhìn một vật, họ quay mặt đi chỗ khác .
  4. Nếu vẫn không có kết quả, thì quan sát hành tướng của dục, sự sinh khởi, sự an trú của dục, dần dần dục niệm tan biến, như người đang đi tự hỏi sao ta đi mau ? nên đi chậm lại, người ấy đi chậm lại …
  5. Nếu vẫn không có kết quả, dục niệm vẫn khởi lên, phải nghiến răng, dán chặt lưỡi lên nóc họng, dùng tâm chế ngự tâm, nhờ vậy dục niệm được đoạn trừ tức là sử dụng ý chí tối đa .

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

  1. Phương thức đề phòng niệm xấu đối với nữ nhân là không nên nhìn ngắm, nói chuyện với người nữ .
  2. Phương thức chuyển hóa tư duy khi quan hệ với người nữ là :
  1. Tự ví mình như hoa sen gần bùn mà chẳng nhiễm mùi của bùn .
  2. Quán tưởng người nữ như là thân nam của mình, là đối tượng để mình cứu độ .

Phương pháp diệt trừ niệm xấu đối với nữ nhân như trên, tích cực và hiệu quả đối với con đường tu tập .


CHƯƠNG 30 [^]

I. CHÁNH VĂN

Đức Phật dạy : "Là người tu hành phải coi mình giống như kẻ mang cỏ khô, thấy lửa đến phải tránh, người học Đạo thấy các đối tượng dục lạc phải tránh xa" .

II. ĐẠI Ý

Người tu hành phải tránh xa dục lạc .

III. GIẢNG NGHĨA

Chương này Đức Phật đề cập một thí dụ mang tính cảnh giác cao, là người tu hành như kẻ mang cỏ khô thấy lửa phải tránh. Cũng vậy, khi thấy lửa dục lạc cần phải tránh xa, nếu không sẽ bị cháy một cách nhanh chóng. Thí dụ này gây ấn tượng mạnh và rõ về mối nguy hiểm của dục lạc .

Người tu hành từ bỏ ái dục, xuất gia học Đạo, tâm ái dục bị trấn áp, bị ức chế. Điều đó không có nghĩa là ái dục đã được đoạn trừ. Ngược lại, tâm ái dục hoạt động tiềm ẩn, càng ức chế nó càng có sức mạnh sẵn sàng bộc phát, cho nên rất nguy hiểm. Nếu người gần gũi với môi trường ái dục thì sẽ khó kiềm chế tâm ái dục. Giống như người mang cỏ khô mà đứng gần lửa thì họa cháy thân tất xảy ra .

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

Thí dụ người mang cỏ khô phải tránh xa lửa vừa đúng về mặt thực tế vật chất và thực tế tâm lý. Cảnh giác sự nguy hiểm của dục lạc đối với người tu hành như vậy là rất cao và rất chính xác .


CHƯƠNG 31 [^]

I. CHÁNH VĂN

Đức Phật dạy : "Có người lo lắng vì lòng dâm dục không dứt nên muốn đoạn âm". Phật dạy rằng : "Đoạn âm không bằng đoạn tâm. Tâm như vị công tào, công tào nếu ngừng thì kẻ tùng sự đều ngừng, tâm tà không ngưng thì đoạn âm có ích lợi gì ? Phật vì Ông mà nói kệ : "Dục sinh từ nơi ý. Ý do tư tưởng sinh, hai tâm đều tịch lặng, không mê sắc cũng không hành dâm". Phật dạy : "Bài kệ này do Đức Phật Ca Diếp nói" .

II. ĐẠI Ý

Đức Phật dạy : "Dâm dục do nơi tâm sinh, tâm ngưng thì dục ngưng, không nên đoạn sinh dục bên ngoài, không có hiệu quả" .

III. GIẢNG NGHĨA

1. Giải thích từ ngữ, thuật ngữ :

Đoạn âm : chặt dứt dương vật, bộ phận sinh dục .

Công tào : người đứng đầu một nha quan công sở .

Phật Ca Diếp : là một Đức Phật trong 7 Đức Phật quá khứ. Phật Ca Diếp là Phật thứ 6, Phật Thích Ca là Phật thứ 7 .

2. Giải thích nội dung :

Chương này nói lên sự kiện độc đáo là có người tu hành thấy được cái nguy hiểm của dục, nhưng dục tâm vẫn cứ tiếp diễn, sinh lý vẫn đòi hỏi; vì vậy, họ nghĩ rằng phải chấm dứt sự đòi hỏi sinh lý mới tu hành được. Họ nghĩ đến nguyên nhân trực tiếp là bộ phận sinh dục cần phải đoạn trừ. Coi đó như là một phương pháp đoạn trừ lòng dâm dục. Đức Phật phản đối phương pháp này, vừa nguy hiểm, vừa vô ích .

Sai lầm căn bản của người áp dụng phương pháp đoạn âm là dục tâm do tác động bên ngoài. Thực ra, tâm mới là chủ nhân của dục, chứ không phải vật. Mặc dù trong Phật giáo nói đến mối quan hệ mật thiết giữa tâm và vật, nhưng để cải tạo hoàn cảnh trước hết phải cải tạo tâm lý .

Người đoạn âm mà tâm không đoạn sẽ xảy ra mâu thuẫn nội tại với thực tế. Mặt khác, người đoạn âm thường bắt đầu mặc cảm tội lỗi, có cái nhìn lệch lạc về sinh lý. Cuối cùng sinh lý sẽ làm lệch lạc tâm lý và trở thành bệnh lý .

Người chủ trương đoạn âm là kết quả của giáo dục một chiều và cực đoan. Sự lo lắng thái quá, sự hiểu biết về tâm sinh lý hạn chế và cuối cùng là áp lực của một ý tưởng cực đoan .

Như bài kệ kết luận : Lòng dục sinh từ nơi ý, tức là do tâm ý phân biệt ngã chấp mà sinh ra tham muốn. Ý do tư tưởng sinh, tức là do tâm sở tư và tưởng sinh. Tác dụng chấp ngã và bản năng dục tính do nghiệp tạo tác (tư) và vọng tưởng (tưởng) hay tri giác mà phát triển. Hai tâm đều tĩnh lặng là tâm sở Tư và Tưởng đều tĩnh lặng thì không còn bị sắc đẹp làm cho rung động và cũng không còn hành vi dâm dục, nghĩa là không còn tạo nghiệp .

Có đối tượng hấp dẫn, có chú ý tạo tác thì mới có chướng ngại, mâu thuẫn nội tại. Nếu tâm đã tịch tịnh thì không cần phải đoạn âm hay đối tượng bên ngoài .

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

  1. Chương này điều chỉnh sự lầm lẫn của một số đệ tử tích cực trong vấn đề đoạn dục bằng cách đoạn âm .
  2. Đoạn âm là một phương pháp đoạn trừ dục, nhưng không phải phương pháp của Phật giáo, và ít có hiệu quả
  3. Tâm mới là chủ nhân của dục. Thanh lọc tâm, tu tập tâm, tăng thượng tâm mới là con đường của Phật giáo .

CHƯƠNG 32 [^]

I. CHÁNH VĂN

Con người do ái dục mà sinh sầu ưu, do sầu ưu mà sinh sợ hãi. Nếu thoát ly ái dục, thì có gì mà sầu ưu, có gì mà sợ hãi .

II. ĐẠI Ý

Ái dục sinh phiền não, hết ái dục thì phiền não diệt. Phiền não diệt là Niết bàn .

III. GIẢNG NGHĨA

Chương này gần như dẫn nguyên văn trong Kinh Pháp Cú kệ thứ 215-215 Phẩm Hỷ Ái : "Dục ái sinh sầu ưu, Dục ái sinh sợ hãi, ái thoát khỏi dục ái, không sầu, đâu sợ hãi ?" .

Thật vậy con người do ái dục về tiền tài, sắc đẹp, danh tiếng, miếng ăn, giấc ngủ, mà phải lo âu phiền muộn, tranh đấu chật vật. Có được rồi thì sợ mất, sợ cướp. Các đối tượng của ái dục là mục tiêu của sự đấu tranh, chém giết, hãm hại nhau. Điều đó đúng với thực tế của cuộc đời .

Mặt khác về mặt tâm lý, người chứa nhiều lòng ái thì thường lo buồn. Khi mình thương một người, người ấy có điều gì bất trắc lòng ta bất an rối rắm, từ lo sinh sợ, sợ mất đi người mình thương. Rốt cuộc cả cuộc đời luẩn quẩn trong vòng lo âu và sợ hãi. Thoát khỏi sự ràng buộc của sợi dây tham ái, ta mới được tự do tự tại .

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

  1. Chương này tương đồng với kinh Pháp cú, kệ thứ 213-216, Phẩm Hỷ Ái .
  2. Tiến trình tâm lý bắt đầu từ ái dục là sinh sầu ưu, từ sầu ưu sinh sợ hãi, là tiến trình khổ đau. Ngược lại không dục ái không sầu ưu, không sợ hãi là tiến trình giải thoát.

Giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 |
| 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 |

 


Cập nhật: 1-12-2000

Trở về thư mục "Kinh điển"

Đầu trang