Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Lược giải Kinh 42 Chương
Thích Viên Giác

Chương 13 | Chương 14 | Chương 15 | Chương 16 | Chương 17 | Chương18


CHƯƠNG 13 [^]

I. CHÁNH VĂN

Có vị Sa môn hỏi Phật : "Bởi lý do gì mà biết được đời trước ? Mà hội nhập được Đạo chí thượng?" .

Đức Phật dạy : "Tâm thanh tịnh, chí vững bền thì hội nhập Đạo chí thượng, như lau kính hết dơ thì trong sáng hiển lộ.(cũng vậy) đoạn tận ái dục, tâm không mong cầu thì sẽ biết được đời trước".

II. ĐẠI Ý

Đức Phật dạy con đường tu tập để biết được đời trước và đạt đến chỗ chí thượng của Đạo .

III. GIẢNG NGHĨA

Chương này Đức Phật dạy 2 vấn đề :

  1. Cách tu tập để có khả năng biết được đời sống trong quá khứ, cách ấy là đoạn trừ tham dục, không có mong cầu .
  2. Cách tu tập để đạt được chỗ chí thượng của Đạo là thanh tịnh tâm tư và giữ vững ý chí.

Đối với vấn đề thứ nhất, đoạn dục và không mong cầu có nghĩa là đoạn trừ tham dục vị kỷ, những dục lạc tiêu biểu như sắc, thanh, hương, vị, xúc ; Không mong cầu là không cầu được các đối tượng tế nhị hơn, như cầu thần thông, quyền lực tâm linh hay đắc đạo. Mong cầu là biểu tượng của lòng tham dục, có tác dụng là làm khuấy động tâm trí, bất an nội tâm, không thể nào có khả năng biết được đời trước, giống như ly nước bị khuấy động không thể nào trong được. Ly nước phải lắng đọng mới trong, tâm trí phải yên lặng mới "trong" và có thể thấy được tiền kiếp. Túc mạng chính là túc mạng minh, 1 trong 3 minh mà 1 bậc giác ngộ chứng được. Ngoại đạo và bậc hữu học vẫn chứng được Túc mạng minh hay là Túc mạng thông, nhưng khả năng hiểu biết còn hạn chế. Như đã biết ở phần tổng khởi, đoạn dục hay ly dục mới có sự sáng và thấy được đời trước. Vô cầu vi tế hơn đoạn dục, nhưng cùng một gốc với vô dục và tác dụng cũng như nhau. Con người hữu cầu là con người sống cho tương lai, luôn hướng vọng về tương lai, đánh mất hiện tại. Tương lai thì chưa tới, do đó không sống thực được. Chân lý không nằm ở tương lai, mà ngay bây giờ và ở đây. Có triết gia nói : "Chúng ta chỉ chuẩn bị sống chứ không sống" là ý này vậy .

Vấn đề thứ hai, đến chỗ chí thượng của Đạo, CHÁNH VĂN chữ Hán là chí đạo, ở đây muốn nói là thành Phật. Muốn thành tựu được quả vị Phật Đà thì phải làm cho tâm thanh tịnh và giữ vững ý chí. Làm cho tâm được thanh tịnh tức là đoạn dục. Tâm thanh tịnh là nhờ ly dục, ly bất thiện pháp, nhờ tu tập an trú các trạng thái thiền định, lắng đọng bụi trần làm cho tâm trở nên trong sạch, trí tuệ hiển lộ. Con đường tu tập này đã được khái quát trong bài kệ : "Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo", nghĩa là đừng làm các điều ác, hãy làm các việc lành, giữ tâm ý trong sạch, đó là lời Phật dạy. Giữ tâm ý trong sạch là tịnh tâm, tâm được tĩnh lặng, không bị lục dục thất tình chi phối dao động như sóng biển. Do tâm tịnh mà được Túc mạng minh và Thiên nhãn minh .

Giữ vững ý chí, ở chương 9 đã nói rõ vấn đề : "Người hành đạo phải giữ ý chí thì Đạo rất lớn". Có ý chí mới giữ được tiến trình tu tập của mình. Tâm thanh tịnh mà không có ý chí, sự thanh tịnh đó không bền và không đi đến tận cùng của sự thanh tịnh, sẽ là "Đầu voi đuôi chuột" . Cho nên muốn thành tựu Phật Đạo phải có ý chí lớn. Điều đó cũng cho biết rằng trong ý chí có chứa sẵn cái trí tuệ. Ý chí và trí tuệ có liên quan mật thiết với nhau. Do có trí tuệ mà các lậu hoặc được đoạn trừ, đạt đến chỗ chí thượng của Đạo, cũng gọi là Lậu tận minh, mà ở thí dụ của chương nói là "Lau kính hết dơ thì trong sáng hiển lộ".

III. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

  1. Chương này bắt đầu bằng sự thắc mắc của một vị Sa môn về 2 vấn đề : làm sao để đạt được Túc mạng minh và làm sao để đạt được Đạo .
  2. Đức Phật dạy con đường để được Túc mạng minh là đoạn trừ tham dục, lòng không mong cầu. Con đường để đắc Đạo là thanh tịnh tâm thức và giữ vững ý chí .
  3. Qua nội dung trên, vị Sa môn đã thắc mắc về con đường tu tập để đạt được quả vị tối thượng (bao gồm tam minh), Đức Phật đã chỉ cho con đường để thành tựu quả vị tối thượng ấy là con đường giới, định, tuệ .

CHƯƠNG 14 [^]

I. CHÁNH VĂN

Có 1 vị Sa môn hỏi Phật : "Điều gì là thiện ? Điều gì là lớn nhất ?". Đức Phật dạy : "Thực hành Chánh đạo, giữ sự chân thật là Thiện. Chí nguyện hợp với Đạo là lớn nhất" .

II. ĐẠI Ý

"Thiện"là sống theo đạo lý giữ đúng sự chân thật, "lớn nhất" là chí nguyện

III. GIẢNG NGHĨA

Chương này cũng bắt đầu bằng câu hỏi của 1 vị Sa môn về 2 vấn đề Thiện và Lớn nhất . Đức Phật dạy điều Thiện là thực hành chánh đạo, giữ sự chân thật. Điều gọi là Lớn là tâm chí ngang tầm với Đạo .

Đối với vấn đề thứ nhất, những gì gọi là Thiện ; có 2 phần :

  1. Thực hành Chánh đạo : là tu tập theo Chánh pháp, với người Phật tử tại gia phải giữ gìn 5 giới, thực hành 10 điều thiện. Đối với người xuất gia tu tập Giới, Định, Tuệ, lấy Bát chánh Đạo làm phương tiện tiến tu .
  2. Giữ sự chân thật : Tâm phải chân trực ngay thẳng, hành vi rõ ràng minh bạch, ngôn ngữ không dối gạt. Gọi là giữ điều chân thật .

Như vậy gọi là Thiện .

Vấn đề thứ hai, điều gì được gọi là Lớn nhất. Phật dạy Tâm chí phù hợp với Đạo là Lớn nhất. Đạo là con đường. Đạo là nguyên lý của cuộc sống. Đạo là bản thể tịch nhiên của vạn vật vũ trụ. Ở đây muốn nói Đạo là bản thể, là chân như. Vậy Đạo là vô lượng, vô biên. Đạo là lớn nhất (theo cách nói của phàm trần). Tâm chí phù hợp với đạo là nâng tâm thức của mình lớn dần vượt ra ngoài hạn chế của tư tưởng, ngôn ngữ, hành vi đối đãi, để tâm chí đạt đến chỗ vô lượng, vô biên ngang tầm với Đạo. Cái tâm chí phù hợp với đạo ấy thường gọi là Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi .

Như vậy gọi là Lớn nhất.

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

  1. Chương này vị Sa môn hỏi 2 vấn đề : "Thiện và Lớn nhất" . Đức Phật dạy 2 vấn đề : Thiện là thực hành Chánh Đạo, giữ sự chân thật. Lớn là tâm chí phù hợp với Đạo .
  2. Sự vĩ đại của tâm chí chính là sự vĩ đại của Trí tuệ, như một Thiền sư nói : "Trí tuệ vượt tầm giới pháp, Từ bi thấm nhuận non sông" . Đạo và Lớn nhất chỉ ở tâm chí của mỗi con người .

CHƯƠNG 15 [^]

I. CHÁNH VĂN

Có vị Sa môn hỏi Đức Phật : "Điều gì là mạnh nhất ? Điều gì là sáng nhất ?" Đức Phật dạy : "Nhẫn nhục là mạnh nhất vì không chứa ác tâm nên tăng sự an ổn. Nhẫn nhục là không ác, tất được mọi người tôn kính. Tâm ô nhiễm đã được đoạn tận, không còn dấu vết gọi là sáng nhất, nghĩa là tất cả sự vật trong 10 phương, từ vô thỉ thuở chưa có trời đất cho đến ngày nay không vật gì là không thấy, không vật gì là không biết, không vật gì là không nghe, đạt được Nhất thiết trí, như vậy được gọi là sáng nhất" .

II. ĐẠI Ý

Đức Phật dạy về nhẫn nhục là mạnh nhất và đoạn tận ô nhiễm của tâm là sáng nhất .

III. GIẢNG NGHĨA

1. Chú thích từ ngữ, thuật ngữ :

Nhẫn nhục : tiếng Phạn là Ksanti, là một đức tính quan trọng của người Phật tử , tỏ rõ sức mạnh nội tâm, cũng là một trong 6 Bala mật của Bồ Tát hạnh. Nhẫn có 3 loại :

  1. Sinh nhẫn (chúng sinh nhẫn) như muỗi, kiến cắn không giận, không giết hại, không sân hận với người sân hận, không chửi mắng người chửi mắng mình, còn gọi là hữu tình nhẫn .
  2. Pháp nhẫn : nhẫn chịu sự áp bức của thiên nhiên như nóng, lạnh, mưa nắng… còn gọi là Phi tình nhẫn .
  3. Vô sinh pháp nhẫn : Nhẫn đạt đến cao độ trở thành đức tính tự nhiên, ra vào nghịch cảnh và thuận cảnh một cách tự tại .

Nhấthiết trí : còn gọi là nhấthiết chủng trí, là trí tuệ hiểu biết tất cả, không có gì là không biết. Thành ngữ này chỉ cho trí tuệ của Đức Phật và bậc Thánh A La Hán.

2. Giải thích nội dung

Nhẫn nhục là nhịn được những điều khó nhịn, mà tâm được an ổn. Nikàya sử dụng từ kham nhẫn, cả 2 ý nghĩa đều giống nhau. Nhẫn được điều khó khăn là biểu hiện sức mạnh của nội tâm. Chỉ có những người có trình độ tu tập cao, có sự kiềm chế lớn mới nhẫn nổi, nên gọi nhẫn nhục là sức mạnh. Nhẫn nhục không phải là hèn nhát như có người tưởng. Người ta mắng mình mình mắng lại, người ta hại mình mình hại lại, đó là phản ứng của động vật. Đạo Phật muốn đem đến cho con người sự hạnh phúc cao thượng, muốn con người văn minh, văn hóa hơn các loài động vật khác nên khuyến khích tu hành nhẫn nhục, là cách tu tập tự chủ, làm chủ tâm lý và hành vi của mình, không phản ứng tự nhiên như các loài động vật khác. Đức Phật dạy trong kinh Pháp Cú : "Tự chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất". Kinh Tăng Chi nói có 8 loại sức mạnh:

  1. Sức mạnh của trẻ thơ là tiếng khóc .
  2. Sức mạnh của đàn bà là phẫn nộ .
  3. Sức mạnh của người ăn trộm là vũ khí .
  4. Sức mạnh của vua chúa là quyền uy .
  5. Sức mạnh của kẻ ngu si là áp đảo .
  6. Sức mạnh của bậc hiền trí là cảm hóa.
  7. Sức mạnh của người đa văn là thẩm sát .
  8. Sức mạnh của Sa môn là nhẫn nhục .

Vì vậy, người Sa môn không dựa vào tiền tài, quyền thế hay tri thức mà chính là sự nhẫn nhục .

Như trong phần giải thích thuật ngữ, nhẫn nhục có 3 loại : Sinh nhẫn, Pháp nhẫn, và Vô sinh pháp nhẫn, kinh Tăng Chi cũng đưa ra 3 loại kham nhẫn tương tự .

  1. Kham nhẫn đối với nóng, lạnh, đói, khát, sự đau nhói mãnh liệt về thân, sự xúc chạm ruồi, muỗi, các loại bò sát .
  2. Kham nhẫn không chửi mắng lại kẻ chửi mắng, không sân hận lại kẻ sân hận, không hãm hại lại kẻ hãm hại…
  3. Kham nhẫn khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc, ý biết pháp… không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng, không bị sắc lôi cuốn và chấp thủ vào sắc…

"Nhẫn nhục là không ác, nên được mọi người tôn kính", điều này trong kinh Tăng Chi nói thêm người không nhẫn nhục có năm điều nguy hại :

  1. Quần chúng không ái mộ, không ưa thích .
  2. Có nhiều người hận thù .
  3. Nhiều người tránh né không muốn gặp .
  4. Lúc sắp chết tâm bị mê loạn
  5. Sau khi chết rơi vào chốn mê khổ .

Vấn đề thứ hai, sự sáng nhất trên cõi đời này, về mặt vật lý mặt trời được coi là vật sáng nhất, nhưng đối với con người thì Đạo Phật cho rằng, Tâm giác ngộ là sáng nhất, điều này đã nói ở những chương trước rằng những dục vọng, mong cầu không còn thì tâm được tĩnh lặng có thể biết được đời trước của mình và của kẻ khác, có thể đạt được quả vị Phật Đà, tâm ô nhiễm chính là tham dục và lòng mong cầu truy tìm quá khứ, khát vọng tương lai. Khi tâm đã lặng như mặt nước hồ thu thì vạn vật sẽ hiện rõ như bóng trong gương, nên nói rằng từ xưa tới nay, không vật gì không thấy, không vật gì không biết, chứng được nhất thiết trí gọi là sáng nhất vậy .

III. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

  1. Chương này giống hai chương trên , là do thắc mắc của một vị Sa môn mà Đức Phật giảng dạy. Hai chương trước, chương nào cũng nêu lên hai vấn đề, chương này cũng có hai vấn đề. Như vậy hình thức 3 chương liên tiếp giống nhau .
  2. Chương này nêu 2 vấn đề : điều mạnh nhất và sự sáng nhất, nhưng vấn đề nhẫn nhục quan trọng hơn, vì đó là sức mạnh của một vị Sa môn hay một đệ tử của Phật
  3. Nhẫn nhục theo quan điểm Nguyên thủy hay Đại thừa giống nhau ở chỗ là công phu tu tập chủ yếu của Phật tử, kể cả các định nghĩa đều giống nhau, mặc dù dùng từ ngữ có khác nhau ; được cô đọng 3 phương tiện .
  1. Nhẫn nhục đối với sự khó chịu, sự làm hại của các loài hữu tình .
  2. Nhẫn nhục đối với sự khó chịu, sự làm hại của các loài vô tình .
  3. Nhẫn nhục đối với sự ràng buộc của các pháp nói chung và nói riêng là đối tượng của mắt, tai …

CHƯƠNG 16 [^]

I. CHÁNH VĂN

Đức Phật dạy : "Người giữ ái dục ở trong lòng thì không thấy được Đạo. Thí như nước trong mà lấy tay khuấy động, người ta đến soi không thấy bóng của mình. Người do vì ái dục khuấy động mà trong tâm ô nhiễm nổi lên nên không thấy Đạo được .

Sa môn các ông cần phải xả ly ái dục. Ái dục hết rồi, có thể thấy Đạo được" .

II. ĐẠI Ý

Đức Phật dạy ái dục còn ở trong lòng thì không thấy được Đạo. Ái dục hết rồi mới thấy được Đạo .

III. GIẢNG NGHĨA

Đức Phật dạy trong Trung Bộ Kinh : "Như một khúc cây xanh đầy nhựa sống để ở trong nước thì sẽ không nhúm lên được lửa. Cũng vậy, với lòng đầy ái dục người ta sẽ không chứng được chánh đẳng chánh giác. Như một khúc cây xanh đầy nhựa sống vớt lên khỏi nước, cũng sẽ không nhúm lên ngọn lửa. Cũng vậy, với lòng đầy ái dục, người ta không thể chứng được chánh đẳng chánh giác. Như một khúc cây không còn nhựa sống khô ráo có thể nhúm lên ngọn lửa . Cũng vậy, với lòng thanh tịnh, đoạn tận ái dục, người ấy có thể chứng được chánh đẳng chánh giác" Lời kinh này trùng hợp với lời Phật dạy trong chương 16 này .

Ái dục là nguồn gốc của đau khổ, là nguyên nhân, là tập đế trong Tứ diệu Đế. Khá nhiều bài kinh trước đã đề cập đến vấn đề ái dục . Tham dục làm cho tâm ô nhiễm, không sáng suốt. Đối với dục, Đức Phật dạy cần phải biết rõ 3 vấn đề .

  1. Vị ngọt : đối tượng của ái dục luôn đem đến sự vui thích, sự cảm thọ sung sướng, đam mê, vì vậy mà ai cũng ham muốn, luôn tìm kiếm .
  2. Sự nguy hiểm : vị ngọt là một mặt của dục và sự nguy hiểm là mặt trái của dục. Lạc thú hay vị ngọt ấy không bao giờ thỏa mãn, làm cho con người luôn khao khát, tìm cầu vô tận. Lạc thú của dục vô thường tạm bợ. Tìm kiếm rất vất vả, có thể vì lạc thú mà con người có thể hy sinh thân mạng của mình hay triệt tiêu sinh mạng của kẻ khác. Có được rồi lo giữ gìn, mất đi thì đau khổ … Tôi thí vua, con giết cha, vợ phản bội chồng và nhiều sự đau thương khác đều do ái dục mà ra .
  3. Sự xuất ly : phải biết rằng xa lìa được ái dục là thảnh thơi, là giải thoát. Sự đau khổ do vướng vào ái dục, thì sự hạnh phúc do xa lìa ái dục .

Đối tượng của ái dục thường được gọi là tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, hoặc là sắc, tiếng, hương thơm, mùi vị, cảm giác, xúc chạm. Thực ra, điều quan trọng vẫn là lòng ái dục chớ không phải do các đối tượng của giác quan, là chủ nhân gây họa. Do không có trí tuệ, không thấy rõ bản chất của lạc thú, của đối tượng nên mình lệch lạc, chấp thủ ái dục. Do ái dục khuấy động nên tâm tư mờ tối, giống như chậu nước trong lặng, lấy tay quấy lên thì không thể soi bóng mình được .

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

  1. Cho đến chương 16 này thì vấn đề ái dục được đề cập trong 7 chương, chương này dành trọn vẹn cả chương để nói về sự khuấy động của ái dục làm cho tâm không sáng suốt và do đó không thấy được Đạo .
  2. Ái dục chính là Tập đế, nguyên nhân của đau khổ, mà trong Luật đã dạy : "SINH TỬ CĂN BẢN, DỤC VI ĐỆ NHẤT" .
  3. Đức Phật khuyên các thầy Sa môn cần phải đoạn tận ái dục để thấy được Đạo, bằng cách thấy như thật vị ngọt, sự nguy hiểm và xuất ly ái dục.

CHƯƠNG 17 [^]

I. CHÁNH VĂN

Đức Phật dạy : "Người thấy được Đạo cũng như cầm đuốc vào trong nhà tối, bóng tối liền mất, còn lại ánh sáng. Người học Đạo mà thấy được chân lý thì vô minh liền diệt, chỉ còn trí tuệ" .

II. ĐẠI Ý

Đức Phật dạy về tính chất của các bậc kiến đạo hay ngộ đạo .

III . GIẢNG NGHĨA

1. Giải thích từ ngữ, thuật ngữ :

Kiến đạo : là thấy Đạo, thấy được chân lý, đồng nghĩa với từ Kiến đế ở trong bài. Theo kinh dạy, thì bậc Kiến đạo là vị chứng quả vị Tu Đà Hoàn, là vị Thánh đầu tiên trong 4 quả vị. Đối với Bồ Tát đạo thì bậc Kiến đạo đạt được địa thứ 4 trong 10 địa (Kiến địa, Diệm huệ địa) .

Vô minh : tiếng Phạn là Avidya, nghĩa là không sáng suốt, mê mờ, không thấy rõ bản chất của sự vật, đồng nghĩa với chữ Si .

2. Giải thích nội dung :

Chương này Đức Phật nói về tính chất của một bậc Kiến đạo. Bậc Kiến đạo tức là người thấy được chân lý, thấy được sự thật, không còn là bị sự vật làm cho mê muội nữa, một lần thấy là thấy vĩnh viễn. Ở đây chỉ cho quả vị Tu Đà Hoàn, hay còn có nghĩa là bậc dự vào dòng Thánh bất thoái chuyển, không trở lại mê lầm nữa. Sau quả vị Kiến đạo, còn có các quả vị tu đạo là để cân bằng giữa sự thấy và hành động. Sau đó là chứng Đạo tức là đạt đến chỗ tột cùng .

Trong kinh sử dụng ví dụ người cầm đuốc đi vào nhà tối, bóng tối liền biến mất chỉ còn ánh sáng là để dụ cho trí tuệ thấy được chân lý, không còn trở lại tối tăm mê lầm nữa, minh họa cho ý bất thoái chuyển của bậc kiến đạo .

Từ Kiến đế nghĩa là thấy chân lý. Chân lý ở đây là 4 chân lý KHỔ – TẬP – DIỆT – ĐẠO. Trong kinh A hàm , Đức Phật dạy, ai thấy được khổ đế, người ấy thấy luôn cả nguyên nhân khổ, sự diệt khổ và con đường diệt khổ .

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

Chương này Đức Phật nói về tính chất của bậc Kiến đạo, tức Thánh Tu Đà Hoàn. Bậc Thánh này đã thấy được chân lý, tâm không còn mê muội nữa, và không còn trở lại trạng thái mê lầm nữa như người cầm đuốc vào nhà tối, bóng tối hết, chỉ còn ánh sáng .


CHƯƠNG 18   [^]

I. CHÁNH VĂN

Đức Phật dạy : "Pháp của ta là Niệm mà không còn chủ thể Niệ⭠và đối tượng Niệm, Làm mà không còn chủ thể Làm và đối tượng Làm, Nói mà không có chủ thể Nói và đối tượng Nói, Tu mà không còn chủ thể Tu và đối tượng Tu. Người ngộ thì rất gần, kẻ mê thì rất xa. Dứt dường ngôn ngữ, không bị ràng buộc bất cứ cái gì. Sai chỉ một hào ly thìất tức khắc .

II. ĐẠI Ý

Đức Phật dạy thực thể của Đạo thì nằm ngoài phạm trù ngôn ngữ tư duy và bị tác thành của hữu vi pháp.

III. GIẢNG NGHĨA

Chương này nói về thực thể của Đạo. Chữ PHÁP ở trong chương này chính là Đạo. Pháp là nguyên lý, là thể tánh của vạn vật. Pháp này (hay là Đạo) siêu việt chủ thể và đối tượng, nên nằm ngoài phạm trù ngôn ngữ, tư duy và tác thành của hiện tượng giới. Đạo không có tướng để có thể khái niệm hay tư duy. Kinh Kim Cương nói : "Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai". Nghĩa là nơi nào có tướng là nơi đó có sự giả dối. Nếu thấy được tính cách không tướng của các tướng, tức là thấy được Như Lai. Cái gì mà có tướng là có chủ thể và đối tượng đối đãi nhau, cái đó là hư vọng. Vì vậy, Lão tử nói : "Đạo khả đạo phi thường đạo. Danh khả danh phi thường danh", nghĩa là "Đạo mà có thể nói được không phải là "đạo chân thường". Danh mà có thể gọi được không phải là"danh thường tại", Đạo là thực tại nằm ngoài phạm trù đối đãi của ngôn ngữ, khái niệm… nên nghĩ hay nói về Đạo hẳn nhiên không phải thực tại của Đạo. Với ý nghĩa đó Kinh Kim Cương nói : "… Chẳng có một pháp gì riêng biệt được gọi là vô thượng chánh đẳng giác, cũng không pháp nào riêng biệt được Như Lai tuyên thuyết. Vì sao ? Vì những pháp Như Lai đã chứng, đã nói thì không thể nắm bắt được, cũng không thể diễn tả được. Đó không phải là pháp, cũng không phải là không pháp…" Vì vậy mà nói pháp của Như lai không có chủ thể tu và đối tượng tu". Tư duy nói năng và hành động thí cách Đạo rất xa. Đạo vốn chẳng gần chẳng xa. Ngộ thì rất gần, mê thì rất xa.

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

  1. Chương này nói về thực thể của Đạo. Pháp ở đây chính là Đạo, Đạo là Niết bàn chân như ; đạo này không thể nắm bắt được bằng tư duy, tạo tác, nói năng hay tu tập .
  2. Người hiểu hay ngộ được lý đạo này thì ở đâu cũng là Đạo, người không ngộ được thì Đạo rất xa .

Chương này mang tư tưởng của Kinh Kim Cương Bát Nhã và phong thái của Thiền tông. Dĩ nhiên tư tưởng này được thêm vào về sau .


Giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 |
| 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 |

 


Cập nhật: 1-12-2000

Trở về thư mục "Kinh điển"

Đầu trang