Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
Lược giải Kinh 42 Chương
Thích Viên Giác


CHƯƠNG 5 [^]

I. CHÁNH VĂN

Đức Phật dạy : "Người có lầm lỗi mà không tự sám hối để mau chấm dứt tâm tạo tội ấy, thì tội lỗi càng chồng chất vào thân như nước chảy về biển, dần dần trở nên sâu rộng. Nếu người có tội mà tự nhận biết tội, bỏ ác làm lành thì tội lỗi tự diệt, như bệnh được đổ mồ hôi dần dần sẽ khỏi bệnh" .

II. ĐẠI Ý

Đức Phật dạy người có tội phải sám hối thì tội mới tiêu diệt .

III. GIẢNG NGHĨA

1. Chú thích từ ngữ, thuật ngữ :

Sám hối : Sám là âm của chữ Sanscrit là Ksamayati. Ksamayati dịch là hối lỗi. Chữ Hối là chữ Hán, nghĩa là ăn năn về tội đã phạm. Ghép 2 chữ Phạn và Hán thành chữ Sám hối. Trong Phật học giáo khoa thư, Trung Hoa thường dịch là Sám ma (Ksama), nghĩa là Hối quá (hối lỗi), thực ra Ksama là thứ lỗi, tha thứ .

2. Giải thích nội dung :

Đã là người thì không ai không có lỗi, điều quan trọng là người ấy có thấy được cái lỗi của mình và ăn năn hối lỗi hay không. Phật dạy có 2 hạng người cao thượng ở đời là : 1 - người không có tội lỗi ; 2 - người có tội mà biết hối lỗi. Có lỗi mà không biết hối lỗi thì tội lỗi càng tăng trưởng, bởi vì khi không biết hối lỗi thì mình yên chí mà tiếp tục lầm lỗi, còn biết lỗi thì hành vi tội lỗi sẽ dừng lại .

Như đã nói ở chương 4, ác nghiệp có 10 điều nhưng đều xuất phát từ ý nghiệp tức là từ tâm thức. Nếu ý được chuyển hóa thì thân và miệng sẽ chuyển theo. Tội đã do tâm tạo thì cũng do tâm mà diệt. Đây là điều quan trọng và đặc biệt của Phật giáo. Tội lỗi là do con người tạo ra và cũng do con người diệt trừ, không do đấng thần linh nào có thể xóa tội cho con người .

Sám hối trong Phật giáo là điều tự giác tự nguyện và thay đổi tận gốc rễ, chứ không phải sám hối là để xóa đi lỗi cũ, mà cứ tạo thêm tội mới. Một người gây nên tội lỗi mà không sám hối về mặt tâm lý sẽ bất an, dẫn đến bất an về sinh lý và hoàn cảnh. Kinh Tăng Chi nói lên lộ trình của tâm thức của một người gây tội mà không hối lỗi như sau:

  1. Có một người nghèo khổ .
  2. Do nghèo khổ nên mắc nợ .
  3. Mắc nợ không trả nổi nên tiền lời gia tăng .
  4. Tiền lời gia tăng chưa trả nên chủ nợ hối thúc .
  5. Bị hối thúc mà vẫn chưa trả nên chủ nợ phải theo sát gót, sợ con nợ bỏ trốn .
  6. Cuối cùng, không có khả năng chi trả nên bị bắt trói .

"Người nghèo khổ" dụ cho người không biết Chánh pháp, Tà pháp điều nào thiện, điều nào ác. "Mắc nợ" tượng trưng cho người vì không biết tu thiện mà làm 10 điều ác. "Tiền lời gia tăng" nghĩa là khi làm ác, tâm muốn che giấu để đừng ai biết, tâm càng nặng nề thêm. "Bị thúc hối" bị mọi người xung quanh chỉ trích, xã hội ruồng bỏ. "Bị theo sát gót" nghĩa là chính nội tâm của mình ngày đêm bất an, lương tâm cắn rứt. "Bị bắt trói" nghĩa là bị hình phạt của xã hội hay bị hình phạt của địa ngục .

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

  1. Người có tội lỗi mà tự biết tội để sám hối, đó là hạng người tốt .
  2. Tội do ý nghiệp sanh, chuyển ý nghiệp thì tội diệt .
  3. Oscar Widle : "Sự khác nhau giữa ông Thánh và kẻ phạm tội là mỗi ông Thánh có một quá khứ, mỗi kẻ phạm tội có một tương lai".

Điều quan trọng là biết Sám hối thì tâm thức sẽ thăng tiến, đạo nghiệp sẽ thành tựu .


CHƯƠNG 6 [^]

I.CHÁNH VĂN

Đức Phật dạy rằng : "Người ác nghe nói ai làm điều thiện thì đến để phá hoại. Khi gặp người như vậy, các ông phải tự chủ, đừng có tức giận trách móc. Bởi vì, kẻ mang điều ác đến thì họ sẽ lãnh thọ điều ác đó" .

II. ĐẠI Ý

Phật dạy đừng giận trách những người phá hoại thiện pháp của mình .

III. GIẢNG NGHĨA

Giữa điều thiện và ác, giữa người thiện và người ác có một khoảng cách rất xa như sự chết với cái sống, như đau khổ với hạnh phúc, như chiến tranh với hòa bình. Trong kinhTăng Chi Phật dạy :

"Xa thật là xa giữa trời và đất,
Bờ biển bên này và bờ biển bên kia,
Chỗ mặt trời mọc và mặt trời lặn,
Xa hơn hết là pháp của người thiện và pháp của người bất thiện" .

Người ác thường muốn phá người thiện vì nhiều lý do. Lý do về tâm lý là người ác không chịu được người khác nghịch ý của mình, nhất là nghịch 180o . Mặt khác, họ dù là ác vẫn bị mặc cảm tội lỗi, sự hiện diện của các thiện làm cho tâm lý của họ bị dao động hơn. Về lý do xã hội, người thiện càng nhiều thì người ác càng bị lộ diện, và người thiện càng rõ thì người ác càng bị lên án. Muốn cho điều ác được coi là bình thường thì những người xung quanh phải ác .

Vì những lý do đó, nên người ác luôn tấn công người thiện. Người làm điều thiện sẽ được mọi người thương yêu, kính mến; bên cạnh những người đồng cảm với mình, có khá nhiều người đang rình rập, chờ sơ hở của mình mà tấn công. Nếu người thiện buồn phiền giận trách thì thiện pháp tổn giảm, nếu trả đũa thì mình trở thành người như họ. Theo luật nhân quả, ai gieo gió thì gặt bão; người ác phá mình họ sẽ tự hại bản thân họ.

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

  1. Người ác luôn phá hoại thiện pháp của người hiền.
  2. Người hiền thật sự là người không phẫn nộ khi bị người ác phá hoại, không ghét người ác .
  3. Người làm ác sẽ bị quả báo ác .

CHƯƠNG 7 [^]

I. CHÁNH VĂN

Đức Phật dạy : "Có người nghe ta giữ đạo, thực hành tâm đại nhân từ, nên đến mắng ta ; ta im lặng không phản ứng. Người kia mắng xong, ta liền hỏi : "O⮧ đem lễ vật biếu người khác, người kia không nhận thì lễ vật ấy trở về với ông không ?". Đáp : "Về chứ" . Ta bảo : "Nay ông mắng ta, ta không nhận thì tự ông rước họa vào thân, giống như vang theo tiếng, bóng theo hình, rốt cuộc không thể tránh khỏi. Vậy, hãy cẩn thận, đừng làm điều ác" .

II. ĐẠI Ý

Phật dạy : "Không nên phản ứng khi gặp người mắng chửi" .

III. GIẢNG NGHĨA

1. Giải thích từ ngữ, thuật ngữ :

Đại nhân từ : lòng thương rộng lớn, một từ khác của chữ Từ Bi, hay Đại Từ Bi. Chỉ cho lòng thương của bậc Giác ngộ đối với chúng sinh .

2. Giải thích nội dung :

Đức Phật dạy đệ tử không nên mắng lại kẻ mắng mình. Và Ngài minh họa ý đó bằng trường hợp cụ thể của mình. Lời dạy của Ngài ở đoạn cuối là cảnh cáo những kẻ làm ác, thường ưa mắng chửi người khác sẽ gặt lấy tai họa .

Kinh Tương Ưng I (trang 352) mục Phỉ báng, có câu chuyện tương tự chương này : Đức Phật đang ở tại rừng Tre, thành Vương Xá. Bà la môn Akkosaka Bhàradvàja rất bực tức khi thấy một số vị Bà la môn trong dòng họ mình đã từ bỏ gia đình để theo Đức Phật .Ông ta phẫn nộ đến gặp Đức Phật và phỉ báng, mắng nhiếc Ngài thậm tệ. Đức Phật vẫn bình thản rồi hỏi ông ta rằng nếu có khách đến nhà ông, ông có tiếp đãi cơm nước không ? Đáp : Có. Nếu họ không nhận thì món ăn về ai ? Đáp : Về lại chúng tôi. Cũng vậy, này Bà la môn, nếu ông phỉ báng chúng tôi, mắng nhiếc chúng tôi, gây lộn với chúng tôi nhưng chúng tôi không thâu nhận sự mắng nhiếc từ ông. Vậy này, Bà la môn sự việc ấy về lại ông. Này Bà la môn, nếu ai phỉ báng lại khi bị phỉ báng, mắng nhiếc lại khi bị mắng nhiếc, gây lộn lại khi bị gây lộn, như vậy, người ấy đã hưởng thọ, đã san sẻ với ông, còn chúng tôi không cùng san sẻ, hưởng thọ sự việc ấy với ông thì sự việc ấy về lại ông .

Chương này triển khai rộng hơn ý của chương 6, người ác luôn luôn muốn hại người hiền. Thái độ của người hiền là không nên phản ứng lại .

Thông thường, người ta khi bị chửi mắng thì nổi nóng mắng lại, đó là điều dễ hiểu và thông cảm. Nhưng đối với người Phật tử tu tập thì phải làm chủ tâm lý của mình, đừng phản ứng theo thói thường. Sự khác nhau giữa người tu tập Thánh đạo với người thường là ở chỗ đó .

Người ta mắng mình, khiêu khích mình là mong cho mình bị đau khổ, phiền muộn thì người mắng mình đã thành công, nếu mình không mắng lại, không tức tối thì họ thất bại. Kinh Tăng Chi nói về 7 pháp mà kẻ thù của ta ưa thích .

  1. Kẻ thù của ta mong cho ta trở thành xấu xí, nếu ta nóng giận nhan sắc của chúng ta sẽ xấu xí .
  2. Kẻ thù của ta mong cho ta ngủ một cách khổ sở, nếu ta giận hờn thì giấc ngủ của ta khổ sở không yên
  3. Kẻ thù của ta mong ta không đạt được lợi ích gì, nếu ta nóng giận thì ta chẳng đạt được lợi ích gì cả .
  4. Kẻ thù ta mong ta không có tài sản, nghèo hèn, nếu ta nóng giận sẽ khó có tài sản hay sẽ đánh mất tài sản trở nên nghèo hèn .
  5. Kẻ thù ta mong ta không có danh tiếng, nếu ta nóng giận thì ta chẳng có danh thơm tiếng tốt gì .
  6. Kẻ thù ta mong ta cô độc, không có bạn bè, nếu ta nóng giận thì ta sẽ cô độc không có bạn bè .
  7. Kẻ thù ta mong ta chết trong đau khổ và đọa vào địa ngục. Nếu ta thường nóng giận thì ta sẽ chết trong đau khổ và rơi vào địa ngục .

Người tu hành phải làm chủ tâm lý của mình, không phản ứng theo tự nhiên là đánh lại người đánh mình, chửi lại người chửi mình như những người bình thường khác .

Hơn nữa, người nào thường chửi mắng kẻ khác, họ tự đào hố chôn mình, ta không cần mắng chửi lại làm gì

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

    1. Chương này tương tự với bài kinh "Phỉ báng" trong kinh Tương Ưng bộ I (trang 352, Đại Tạng Kinh Việt Nam) .
    2. Chương này minh họa thêm cho chương 6 về người ác thường muốn hại người hiền. Thái độ của người hiền là không nên phản ứng theo thói thường khi bị người khác mắng chửi, phải làm chủ tâm thức của mình. Sự mắng chửi chỉ đem đến tai hại, chứ không đem đến một ích lợi nào .
    3. Người thường nóng giận mắng chửi kẻ khác sẽ gặt lấy hậu quả xấu .

CHƯƠNG 8 [^]

I. CHÁNH VĂN

Đức Phật dạy : "Kẻ ác hại người hiền giống như ngước mặt lên trời mà nhổ nước miếng, nhổ không tới trời, nước miếng rơi xuống mặt mình. Ngược gió tung bụi, bụi chẳng đến người khác, trở lại dơ thân mình, người hiền không thể hại được mà còn bị họa đến bản thân" .

II. ĐẠI Ý

Kẻ ác muốn hại người hiền nhưng không thể hại được, mà còn nguy hiểm cho chính mình .

III. GIẢNG NGHĨA

Chương này một lần nữa nói lên sự đối chọi của người ác đối với người thiện. Nhưng đã thiện thì không có gì phải sợ, tâm lý và hành vi của mình trong sạch thì chẳng ai hại nổi. Bởi lẽ, chánh bao giờ cũng thắng tà. Sự chánh trực sẽ đem đến sức mạnh để chiến thắng cái tà vạy. Người tu hành thường bị ma phá hoại, nhưng trong lòng mình không có ma, thì chẳng có ma nào phá được .

Mặt khác, theo luật nhân quả, gieo nhân thì gặt quả. Hại người bất thiện có thể quả báo đến chậm; nhưng hại người hiền, quả báo đến nhanh hơn, bởi vì sự tai hại rộng lớn hơn, thậm chí quả báo đến ngay lập tức, như trong kinh văn đã thí dụ ngước lên trời phun nước miếng, nước miếng sẽ rơi xuống mặt mình, ngược gió tung bụi, bụi không đến người kia mà trở lại dính vào thân. Trong sách có kể câu chuyện : "Có một người thợ săn dắt bầy chó vào rừng săn bắn, gặp một vị Tỳ kheo. Sau khi săn, chẳng có con thú nào, thợ săn cho là xui vì gặp vị tu sĩ, nên người thợ săn xua chó cắn vị Tỳ kheo. Vị Tỳ kheo hoảng sợ trèo lên cây tránh bầy chó. Người thợ săn chưa hả tức, lấy cung tên nhắm vị Tỳ kheo mà bắn trúng vào bàn chân của vị Tỳ kheo. Vì hoảng sợ và đau, nên vị này đánh rơi tấm y xuống, chụp lên đầu người thợ săn. Bầy chó dữ thấy một người đang lúng túng trong tấm y vàng, tưởng là vị Tỳ kheo té xuống, liền tập trung cắn xé chủ mình cho đến chết

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

    1. Kẻ ác không thể hại được người hiền .
    2. Người hiền không nên sợ kẻ ác, không trách mắng kẻ ác, mà còn thương họ phải chịu hậu quả do chính họ gây ra .

CHƯƠNG 9 [^]

I.CHÁNH VĂN

Đức Phật dạy : "Học rộng, hiểu nhiều, đắm say đạo lý thì Đạo khó hội nhập. Kiên trì tâm chí thực hành thì Đạo rất lớn lao".

II. ĐẠI Ý

Muốn thành tựu đạo quả thì phải thực hành giáo lý, chỉ biết học rộng hiểu sâu thì đạo quả khó thành .

III. GIẢNG NGHĨA

Đạo Phật là con đường giác ngộ, đưa con người đến sự thoát khổ. Đạo Phật là đạo sống, chứ không phải là một hệ thống triết học thuần túy, cũng không phải là Đạo của sự mê tín. Nhiều người nhìn Đạo Phật về góc độ tín ngưỡng tôn giáo, người khác nhìn vào góc độ triết học, và họ thán phục triết lý cao siêu của Phật giáo. Nhưng họ chẳng thu hoạch được lợi ích gì cho bản thân của họ. Đến với Đạo Phật bằng tình cảm tôn giáo hay bằng tri thức, lý thuyết thì không thể nào đạt đến chỗ tinh túy của Đạo Phật. Vì vậy, kinh văn nói : "Học rộng hiểu nhiều, đắm say đạo lý thì Đạo khó hội nhập" là ý này. Hương Nghiêm, Đức Sơn là những thiền sư nổi tiếng về sự thông thái, cuối cùng nhận ra rằng sự thông thái đó chẳng ích gì cho sự giác ngộ chân lý, sự thoát ly sinh tử. Nói như vậy, không có nghĩa là học rộng, hiểu nhiều là vô ích. Học rộng, hiểu nhiều chỉ có giá trị khi nó được sử dụng để tu tập, để hành đạo, biến thành chất liệu sống. Mặt khác, ngôn ngữ lý thuyết, chữ nghĩa không thể diễn tả được chân lý. Sự hạn chế của nó là quá rõ, chấp thủ vào lý thuyết là tự nhốt mình vào trong vòng lẩn quẩn của cuộc đời. Đức Phật đã dạy : "Mỗi quan điểm lý thuyết là một bụi rậm, một mê cung…". Có nhiều nhà nghiên cứu, bác học về Đạo Phật, những công trình của họ thật là vĩ đại, nhưng phiền não không đoạn trừ, khổ đau vẫn tồn tại, sinh tử vẫn triền miên … Những người Phật tử làu thông kinh tạng, tông nào cũng biết, phái nào cũng thông, mở miệng là Phật, là Tổ, là Kinh, là Kệ, Đức Phật cho rằng đó chỉ là những kẻ hý luận mà thôi. Lão Tử nói: "Vi học nhật ích, vi đạo nhật tổn, tổn chi hựu tổn. Dĩ chí ư vô vi", nghĩa là : " Chạy theo sự học thì càng ngày càng thêm phiền toái, mà theo Đạo thì mỗi ngày mỗi giảm thiểu, giảm rồi lại giảm nữa, đến khi hội nhập vô vi". Con đường để thấy Đạo, chứng Đạo phải là con đường thực hành loại bỏ mọi tư duy khái niệm ngã tướng, đó là ý nghĩa "Kiên trì tâm chí thực hành Đạo thì Đạo rất lớn lao".

Trong kinh Di giáo, Đức Phật dạy rằng : "Chế tâm nhất xứ, vô sự bất biện", nghĩa là tập trung tâm ý vào một chỗ, thì không có việc gì là không thành tựu. Châu Lợi Đàn Bà Già là một Tỳ kheo dốt nổi tiếng, nhờ chí tâm hành đạo mà thành tựu Đạo quả. Có những bà già ngu dốt, chỉ chuyên niệm Phật đến chỗ bất loạn mà thành tựu sở nguyện … Những chuyện như vậy không kể hết được. Từ "Thủ chí" rất quan trọng, phương ngôn có câu : "Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền", lòng bền bỉ, nước chảy đá mòn đó là thủ chí. Người xuất gia ban đầu tâm Bồ đề rất mạnh, nếu tâm Bồ đề đó được giữ vững từ đầu cho đến cuối thì chắc chắn sẽ gặp Đạo. Nhưng phần lớn, sơ phát tâm mạnh, một thời gian nó giảm dần, nên độ bền không có, Đạo ngày càng xa, như ta vẫn thường nghe : "Nhất niên Phật tại tiền, nhị niên Phật tại thiên, tam niên Phật biến" .

Người xuất gia như một chiến sĩ ra mặt trận, phải có ý chí quyết thắng, phải có phương pháp chiến đấu thì mới mong chiến thắng mà trở về. Ý chí chiến đấu là Thủ chí hành Đạo, phải có phương pháp, đó là học rộng nghe nhiều. Sự hiểu biết và thực hành phải cân đối. Sự học hỏi phải đi đôi với sự học hành như một người có mắt để thấy, phải có chân để đi ,thấy mà không đi coi như không thấy. Đi mà không thấy sẽ đi vào chỗ tối tăm nguy hiểm. Giữa biết, nói và làm phải là một, như một triết gia Trung Hoa Vương Dương Minh chủ trương : "Tri hành hợp nhất". Đạo Phật là đạo cứu khổ, thoát khổ, cho nên rất chú trọng phần thực tiễn, thực hành. Do đó mà chương này có vẻ như coi trọng thực hành hơn lý thuyết .

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

    1. Chương này nói lên sự hạn chế của tri thức và tình cảm, hai lĩnh vực này khó mà hội nhập Đạo được.
    2. Sự quan trọng của ý chí, của quyết tâm sẽ đạt được Đạo quả .
    3. Học và Tu phải song hành, lý thuyết và thực tiễn phải hợp nhất thì Đạo rất lớn .

CHƯƠNG 10 [^]

I. CHÁNH VĂN

Đức Phật dạy rằng : "Thấy người thực hành bố thí, hoan hỷ giúp đỡ thì được phước rất lớn". Có vị Sa môn hỏi Phật : "Phước này có hết không ?" Phật đáp : " Thí như lửa của một ngọn đuốc, hàng trăm hàng ngàn người đem đuốc đến mồi lửa về để nấu ăn hay để thắp sáng, lửa ngọn đuốc này vẫn như cũ. Phước của người hoan hỷ hỗ trợ cho người thực hành bố thí cũng vậy" .

II. ĐẠI Ý

Thấy người thực hành bố thí mà tùy hỷ hỗ trợ thì phước đức rất lớn .

III. GIẢNG NGHĨA

1. Chú thích từ ngữ, thuật ngữ :

Bố thí : tiếng Phạn là Dàna (Đàn na), Hán dịch là Thí: cho, tặng. Bố thí là công hạnh tu tập của người Phật tử . Có 4 loại :

  1. Tài thí : cho tiền bạc của cải .
  2. Pháp thí : cho lời khuyên hay nói pháp cho người được lợi ích .
  3. Vô úy thí : cho sự không sợ hãi .
  4. Tùy hỷ thí : cho sự vui vẻ, đồng tình .

 

Phước (Phúc) : tiếng Phạn là Dunya, P : Pùnna, là việc tốt, cảnh vừa ý, điềm tốt lành, sung sướng. Trái với tội, tai họa, khổ sở. Biểu hiện của Phước là sự sang trọng, giàu có, sống lâu, đẹp đẽ, yên ổn …

2. Giải thích nội dung :

Chương này nói về hạnh tùy hỷ và hỗ trợ cho người thực hành bố thí, trái với hạnh tùy hỷ là cản trở chê bai người thực hành hạnh bố thí .

Người thực hành bố thí là người đang làm điều thiện. Sự phát tâm của họ thuở ban đầu còn yếu, nên gặp nghịch cảnh họ dễ dàng thoái tâm. Còn làm một việc thiện mà có sự tán trợ của người khác, niềm tin vào thiện pháp được tăng trưởng, họ mạnh dạn và vững chắc ý chí hơn trên con đường thực hành bố thí. Như vậy, nuôi dưỡng và tăng trưởng được tâm bố thí ở kẻ khác là một việc công đức rất lớn .

Sự tùy hỷ hỗ trợ này có 2 phần :

  1. Góp phần công đức bằng vật chất, ví dụ như có người đứng ra quyên góp để cứu trợ người gặp hoạn nạn, ta vui vẻ góp tiền bạc, gạo, quần áo…
  2. Góp phần công đức bằng tinh thần là khuyến khích, tán dương việc làm tốt đẹp ấy, làm cho người kia phấn khởi tinh thần, tâm bố thí càng mạnh .

Mặt khác, khi ta vui vẻ hỗ trợ cho người khác làm việc bố thí, một người làm sẽ tác động đến lương tâm của kẻ khác, họ sẽ noi gương bố thí, tiếp tục ảnh hưởng đến người khác nữa… tạo thành tác động dây chuyền. Việc bố thí trở thành nếp nghĩ, nếp sống của con người trong xã hội thì công đức tùy hỷ kia sẽ lớn lao vô cùng. Bố thí như vậy sẽ được lưu truyền từ đời này qua đời khác, biểu hiện tính chất văn hóa văn minh của con người, nên phước đức đó không thể hết được .

Tuy nhiên, tùy hỷ hỗ trợ kẻ bố thí phải có trí tuệ, vì giúp đỡ cho người bố thí vì danh lợi cá nhân, lấy lòng quần chúng để thực hiện ý đồ tăm tối nào đó, thì không những không có phước mà còn gây họa là đằng khác .

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

  1. Vui vẻ giúp người thực hành bố thí làm cho người bố thí tăng thêm niềm tin vào thiện pháp, tâm họ được tăng thượng nên công đức rất lớn .
  2. Tạo nên tác động dây chuyền làm cho hạnh bố thí được phổ biến thành nếp nghĩ, nếp sống của con người, lợi ích sẽ lớn rộng, nên công đức rất lớn .
  3. Cản trở là dập tắt lòng bố thí, đẩy người ta vào bóng tối, mình cũng đi theo vào bóng tối .

CHƯƠNG 11 [^]

I. CHÁNH VĂN

Đức Phật dạy : "Cho một trăm người ác ăn không bằng cho một người thiện ăn. Cho một ngàn người thiện ăn không bằng cho một người thọ ngũ giới ăn. Cho một vạn người thọ ngũ giới ăn không bằng cho một vị Tu Đà Hoàn ăn. Cho một trăm vị Tu Đà Hoàn ăn không bằng cho một vị Tư Đà Hàm ăn. Cho một ngàn vạn vị Tư Đà Hàm ăn không bằng cho một vị A Na Hàm ăn. Cho một ức vị A Na Hàm ăn không bằng cho một vị A La Hán ăn. Cho mười ức vị A La Hán ăn không bằng cho một vị Bích Chi Phật ăn. Cho một trăm ức vị Bích Chi Phật ăn không bằng cho một vị Phật ba đời ăn (Tam thế Phật). Cho một ngàn ức vị Phật ba đời ăn không bằng cho một vị Vô niệm, Vô trụ, Vô tu, Vô chứng ăn".

II. ĐẠI Ý

So sánh công đức bố thí nhiều hay ít tùy vào đối tượng bố thí .

III. GIẢNG NGHĨA

1. Giải thích từ ngữ, thuật ngữ :

Bích chi Phật : dịch âm tiếng Phạn Pratryka Buddha Trung Hoa dịch là Độc Giác Phật hay là Duyên Giác Phật tức là người tu hành vào thời kỳ không có Phật pháp, không gặp Phật pháp, tự lực giác ngộ nhờ quán chiếu nguyên lý duyên sinh .

Tam thế chư Phật : chư Phật 3 đời : quá khứ, hiện tại, vị lai. Thường thì Đức Phật Di Đà tượng trưng cho Phật quá khứ, Đức Phật Thích Ca tượng trưng cho Đức Phật hiện tại và Đức Phật Di Lặc tương trưng cho vị lai. Ở chương này muốn nói đến ứng hóa thân của chư Phật trong chúng sinh giới, cụ thể là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni .

Vị Vô niệm, Vô trụ, Vô tu, Vô chứng : Ở đây muốn nói đến vị Phật thể tánh, sự thanh tịnh tuyệt đối của bản thể. Phật này là vô tướng Phật, pháp thân Phật .

2. Giải thích nội dung :

Chương 11 này nói về sự sai biệt của công đức bố thí tùy theo đối tượng bố thí. Ở trong A hàm và Nikàya có 2 kinh tương đồng với chương này đó là kinh Cù Đàm Di số 180 (Trung a hàm) và kinh phân biệt cúng dường (Trung bộ kinh 3). Đại ý như sau : Bà Mahapajapati Gotami dâng cúng Đức Phật chiếc y do chính bà cắt may, Đức Phật không nhận, khuyên bà nên cúng y ấy cho Tăng chúng công đức rất lớn. Sau đó ngài dạy về 14 đối tượng cá thể cúng dường được phước :

  1. Bố thí cho bàng sinh được trăm phần công đức .
  2. Bố thí cho phàm phu ác giới sẽ được ngàn phần công đức .
  3. Bố thí cho người giữ (5) giới được trăm ngàn lần công đức .
  4. Bố thí cho ngoại đạo ly dục được trăm ngàn ức công đức .
  5. Bố thí cho vị đang hướng về quả Dự lưu được công đức vô lượng .
  6. Bố thí cho vị đã chứng quả Dự lưu được công đức vô lượng .
  7. Bố thí cho vị đang hướng về quả Nhất lai được công đức vô lượng .
  8. Bố thí cho vị đã chứng quả Nhất lai được công đức vô lượng .
  9. Bố thí cho vị đang hướng về quả Bất lai được công đức vô lượng .
  10. Bố thí cho vị đã chứng quả Bất lai được công đức vô lượng .
  11. Bố thí cho vị đang hướng về quả A La Hán được công đức vô lượng .
  12. Bố thí cho vị đã chứng quả A La Hán được công đức vô lượng .
  13. Bố thí cho vị Độc giác Phật được công đức vô lượng .
  14. Bố thí cho vị Như Lai được công đức vô lượng .

Sau đó Đức Phật dạy thêm 7 đối tượng tập thể nếu bố thí công đức cũng vô lượng .

  1. Bố thí cho Phật và hai chúng Tăng Ni .
  2. Bố thí cho chúng Tăng và Ni sau khi Phật qua đời .
  3. Bố thí cho Tăng chúng .
  4. Bố thí cho Ni chúng .
  5. Bố thí cho vị Tăng Ni đại diện cho Tăng Ni chúng
  6. Bố thí cho vị Tăng đại diện cho Tăng chúng
  7. Bố thí cho vị Ni đại diện cho Ni chúng .

Như vậy so sánh giữa Kinh Tứ Thập Nhị Chương và A Hàm, Nikàya như sau :

  1. Kinh Tứ Thập Nhị Chương không đề cập đến bố thí cho hạng bàng sinh .
  2. Kinh Tứ Thập Nhị Chương không có bố thí cho hạng tiên nhân, ngoại đạo ly dục. Ahàm và Nikàya đặt hạng người này chỉ thấp hơn Tu Đà Hoàn .
  3. Kinh Tứ Thập Nhị Chương không có 4 hạng Tu đà Hoàn hướng, Tư đà Hàm hướng, A na Hàm hướng, A La Hán hướng .
  4. Kinh Tứ Thập Nhị Chương lại đưa thêm một vị được coi là cao hơn Phật là vị Vô niệm, Vô trụ, Vô tu, Vô chứng, đây là tư tưởng thiền tông Đại thừa sau này thêm vào.
  5. Về số lượng, đối tượng, Kinh Tứ Thập Nhị Chương có 10; A Hàm và Nikàya có 14 - Đặc biệt A hàm và Nikàya khi ngang mức Tu đà Hoàn trở lên không tính số công đức mà gọi chung là công đức vô lượng

Trong toàn văn kinh phân biệt cúng dường và kinh Cù Đàm Di, Đức Phật dạy cho Mahapajapati Gotami gồm 14 đối tượng cá thể và 7 đối tượng tập thể, ngoài ra còn đề cập đến công đức bố thí hoàn hảo phải nhờ vào đối tượng bố thí và người bố thí đều thanh tịnh. Như vậy nội dung rất rõ và hợp lý .

Kinh Tứ Thập Nhị Chương chỉ trích ngang một đoạn nên có vẻ khập khễnh. Chỉ chú trọng đối tượng bố thí mà không quan tâm đến người bố thí. Nếu người bố thí là kẻ trộm thì đồ vật ăn trộm đem bố thí công đức không thể lớn được .

Dựa trên cơ sở nào để so sánh bố thí cho đối tượng này ít hoặc nhiều công đức hơn đối tượng kia .

Đối tượng bố thí có trình độ đạo đức càng cao thì công đức càng lớn bởi lẽ sự có mặt của một người thiện sẽ có tác dụng tích cực cho những người xung quanh, họ có thể đem lại bình an cho nhiều người. Vì vậy, bố thí cho họ không chỉ đem đến lợi ích cho cá nhân họ mà còn đem lại lợi ích cho số đông, cho nên công đức bố thí ấy lớn hơn công đức bố thí cho người bình thường .

Về mặt tâm lý, khi bố thí cho một người đạo đức Thánh thiện, sự Thánh thiện ấy tỏa ra từ đối tượng bố thí làm cho tâm lý người bố thí chuyển hóa mạnh mẽ, tạo ấn tượng sâu sắc làm cho tăng trưởng niềm tin, sự hoan hỷ phát sinh nên công đức người bố thí càng lớn .

IV. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN

  1. Chương này có xuất xứ trong Kinh Trung A Hàm và Trung Bộ Kinh (Kinh Cù Đàm Di và Kinh Cúng Dường Phân Biệt ).
  2. Đối tượng Tam thế Phật và vị Vô niệm, Vô trụ, Vô tu, Vô chứng là được thêm vào sau này, nguyên bản cũ không có .
  3. Bố thí cho người có trình độ, đạo đức và tâm linh càng cao thì công đức càng lớn . Bố thí là pháp môn tu tập của người Phật tử , qua đó làm cho tâm thức của mình được thanh thoát, xả ly .

Giới thiệu | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 |
| 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | 31 | 32 | 33 | 34 | 35 | 36 | 37 | 38 | 39 | 40 | 41 | 42 |

 


Cập nhật: 1-12-2000

Trở về thư mục "Kinh điển"

Đầu trang