Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .

Hai Thời Công Phu
HT. Thích Trí Quang dịch giải


5
Lược Ghi Lăng Nghiêm

Trong kinh Lăng nghiêm, Phật dạy: A nan, tôn giả hỏi Như lai về sự tập trung tâm trí ..., Như lai đã nói cần phải trước hết tuân giữ 4 giới sát đạo dâm vọng cho trong sáng như băng tuyết, thì đối với sắc hương vị xúc mà tâm trí còn không vin theo, huống chi những thứ ma sự làm sao phát sinh. Nếu những thói cũ không thể diệt trừ thì tôn giả nên chỉ dẫn cho người ấy một lòng trì tụng thần chú Lăng nghiêm của Như lai ... (Chính 19/133). Lược ghi về thần chú này có 3 việc.

 

Việc 1: Lược Ghi Về Đầu Đề

Nói thần chú Lăng nghiêm là nói rất vắn tắt. Nói tắt mà rõ hơn một chút là Đại phật đảnh thủ lăng nghiêm thần chú. Thủ lăng nghiêm là một định tối cao, dịch ý là kiện tướng, vì "bồ tát được định ấy thì ma phiền não và ma vương không thể phá hoại, như vị thống tướng quân binh của luân vương đến đâu thì không ai phá nổi" (Trí độ luận cuốn 47). Do đó mà Thủ lăng nghiêm còn có nghĩa là kiện hành, cứu cánh kiên cố, và kinh Niết bàn cuốn 27 nói định Thủ lăng nghiêm có 5 tên: định Lăng nghiêm, định Bát nhã, định Kim cang, định Sư tử hống, định Phật tánh, tùy các chỗ mà có các tên ấy.

Ở đây, định Thủ lăng nghiêm chỉ cho Tâm của kinh ấy nói (sẽ thấy trong việc 2 dưới đây). Thần chú Lăng nghiêm là phương tiện mà cũng là biểu thị của Tâm ấy, nên gọi là chú Lăng nghiêm. Chú ấy được Đại phật đảnh tuyên thuyết (sẽ thấy trong việc 3 dưới đây), nên gọi là thần chú Đại phật đảnh thủ lăng nghiêm. Còn Nam mô Lăng nghiêm hội thượng Phật Bồ tát có nghĩa là kính lạy chư Phật và chư Bồ tát trong pháp hội Phật nói về Thủ lăng nghiêm.

 

Việc 2: Lượcc Ghi Về Chỉnh Cú

Đức đại giác Thế tôn
đứng lặng rất nhiệm mầu
nắm giữ được toàn thể
không thể nào lay động,
và pháp Thủ lăng nghiêm
pháp chúa tể các pháp;
Phật và Pháp như vậy
thật ít có trong đời,
vì diệt được cho con
vọng tưởng cả ức kiếp,
có thể làm cho con
không cần phải trải qua
thời kỳ dài vô số
vẫn thể hiện pháp thân.
Con nguyện rằng ngày nay
đạt được kết quả ấy
trở thành vị Bảo vương,
lại hóa độ như vậy
cho các loại chúng sinh
tương đương cát sông Hằng.
Đem tâm sâu xa này
phụng sự thế giới hệ
nhiều như những hạt bụi,
như thế mới gọi là
báo đáp được xứng đáng
hồng ân đức Thế tôn.
Con phủ phục thỉnh cầu
đức Thế tôn từ bi
mà chứng minh cho con:
trong thời kỳ dữ dội
đầy năm thứ vẫn đục
con nguyện vào đó trước;
nếu còn một chúng sinh
chưa được thành Phật đà,
không bao giờ với họ
con bỏ mà niết bàn.
Con thỉnh cầu Thế tôn
đức đại hùng đại lực
và đại từ đại bi,
xin ngài xét lại nữa
mà diệt trừ cho con
những mê lầm nhỏ nhất,
làm con sớm bước lên
ngôi tuệ giác vô thượng,
ngồi bồ đề đạo tràng
khắp quốc độ mười phương.
Đặc tính như hư không
mà tiêu diệt đi nữa,
tâm tinh tiến của con
cũng không thể chuyển động!

Trước hết, ghi về cách dịch và từ ngữ.

Đức đại giác Thế tôn đứng lặng rất nhiệm mầu, nắm giữ được toàn thể, không thể nào lay động, chính văn là Diệu trạm tổng trì bất động tôn, dịch sát là đấng đứng lặng nhiệm mầu, nắm giữ toàn thể và không thể lay động. Ấy là tán dương Phật có 3 đức tính. Đức tính thứ nhất là pháp thân bất biến tùy duyên, đức tính thứ hai là báo thân cụ túc công đức, đức tính thứ ba là ứng thân bát phong bất động (61) . Vọng tưởng, chính văn là điên đảo tưởng (tư tưởng thác loạn), tức hư vọng phân biệt: biết và sống theo những phạm trù kiến chấp. Thời kỳ dài vô số, chính văn là tăng kỳ, gọi đủ là a tăng kỳ kiếp. Pháp thân là bản thể (thân) của các pháp (pháp), là tổng thể (thân) của công đức (pháp); pháp thân ấy là Tâm của Lăng nghiêm nói. Con nguyện rằng ngày nay đạt được kết quả ấy, trở thành vị Bảo vương, chính văn là nguyện kim đắc quả thành Bảo vương. Đạt được kết quả ấy là thể hiện pháp thân. Bảo vương là Phật. Phát nguyện như vầy là sơ phát tâm trong thập trú của Hoa nghiêm. Hoa nghiêm nói, "sơ phát tâm là được vô thượng bồ đề, nghĩa là biết các pháp là Tâm", "phát tâm thì thể tánh bình đẳng với Phật", (nên gọi là trở thành vị Bảo vương). Tham chiếu Chính 9/449 và 452. Chúng sinh là sinh thể; sinh thể do các yếu tố biểu hiện, sinh thể có nhiều đời sống liên tục. Nghĩa sau quan trọng hơn cả. Phụng sự thế giới hệ là phụng sự chúng sinh trong các thế giới hệ ấy. Thế giới hệ, chính văn là sát, gọi đủ là sát độ (tiếng ghép của Phạn Hoa), là một hệ thống thế giới, tức một quốc độ của một đức Phật ứng thân giáo hóa (nên cũng gọi là Phật độ : cõi Phật). Thời kỳ dữ dội đầy 5 thứ vẩn đục, chính văn là ngũ trược ác thế (đúng ra là ác thời): 1. thời kỳ vẩn đục (kiếp trược), là thời kỳ dữ dội, vì có 4 thứ vẩn đục sau đây; 2. kiến thức vẩn đục (kiến trược), là kiến thức sai lầm, vì có thân kiến, biên kiến, tà kiến, kiến thủ kiến và giới thủ kiến; 3. tâm lý vẩn đục (phiền não trược), là tâm lý độc ác, vì có tham, sân, si, mạn và nghi; 4. con người vẩn đục (chúng sinh trược), là con người xấu kém, vì do kiến thức và tâm lý đều vẩn đục mà con người tâm lý thì đần độn, cơ thể thì suy nhược, khổ nhiều mà phước ít; 5. đời sống vẩn đục (mạng trược), là đời sống ngắn ngủi, vì do kiến thức và tâm lý đều vẩn đục mà đời sống rút ngắn dần dần. Trong 5 thứ này, 1 là nói chung, 4 là phân tích (2 với 3 là nhân tố, 4 với 5 là kết quả). Và cao độ của thời kỳ dữ dội đầy cả 5 thứ vẩn đục này, nay đang là thời kỳ chúng ta đây. Thời kỳ này sẽ dẫn đến giai đoạn tam tai (3 tai nạn đao binh, tật dịch, cơ cẩn: chiến tranh, nhiễm độc và nhân mãn). Nhưng sau đó thì con người biết khủng khiếp vì sự tàn ác của mình mà sinh ra thương nhau, từ đó đời sống lại tăng dần lên và kết thúc dần thời kỳ dữ dội. Đại hùng đại lực là trí của Phật, đại từ đại bi là bi của Phật. Tuệ giác vô thượng, chính văn là vô thượng giác, tức vô thượng bồ đề (a nậu đa la tam miệu tam bồ đề). Bồ đề đạo tràng, đúng ra chỉ nên nói là bồ đề tràng và chính văn là đạo tràng, tức là nơi Phật thành Phật. Nói ngồi nơi bồ đề tràng là một cách nói về sự thành Phật. Tâm tinh tiến, chính văn là thước ca la tâm. Thước ca la có nghĩa là kiên cố, tinh tiến, nhưng kiên cố chỉ là và phải là diễn đạt sự tinh tiến.

Những lời chỉnh cú trên đây là phát nguyện của tôn giả A nan, nằm trong Lăng nghiêm (Chính 19/119). Ở đó nói: Lúc ấy tôn giả A nan và đại chúng nhờ Phật chỉ dạy một cách tuyệt diệu, nên cả cơ thể và tâm trí đều rất thư thái. Ai cũng tự biết Tâm khắp mười phương. Thấy không gian mười phương chỉ như chiếc lá trong lòng bàn tay. Vũ trụ vạn hữu đều là Tâm. Tâm bao hàm tất cả. Nhìn lại cái thân do cha mẹ sinh ra, thấy chỉ như hạt bụi trong không gian. Thân ấy còn hay mất chỉ như cái bọt nổi lên hay tan mất trong biển cả. Biết rõ Tâm nhiệm mầu của mình là thường trú bất diệt như vậy, tôn giả A nan lạy Phật, và cảm thấy được sự chưa từng có, nên nói những lời chỉnh cú mà tán dương ngài (và phát nguyện). Những lời chỉnh cú ấy là văn chỉnh cú trên đây. Và như vậy là do chứng ngộ Tâm mà phát nguyện. Tâm ấy là tâm hay pháp thân của Lăng nghiêm nói.

Lời phát nguyện này, trong số 2 của lời dẫn nhập, tôi đã nói là sự phát bồ đề tâm. Bồ đề tâm này biểu thị đủ cả 2 mặt của lời nguyện "vì tuệ giác bồ đề mà cầu sinh Cực lạc". Quan trọng của sự phát bồ đề tâm trong văn chỉnh cú này là "trong thời kỳ dữ dội đầy 5 thứ vẩn đục, con nguyện vào đó trước; nếu còn một chúng sinh chưa được thành Phật đà, không bao giờ với họ con bỏ mà niết bàn", nghĩa là sinh Cực lạc rồi trở lại Sa bà trước hết, hoặc sinh Cực lạc ngay trong Sa bà này. Hãy coi lại số 2 của lời dẫn nhập.

Nam mô Thường trú thập phương Phật,
Nam mô Thường trú thập phương Pháp,
Nam mô Thường trú thập phương Tăng,
Nam mô Thích ca mâu ni phật,
Nam mô Phật đảnh thủ lăng nghiêm,
Nam mô Quan thế âm bồ tát,
Nam mô Kim cang tạng bồ tát.

Đây là niệm hồng danh của Tam bảo, của đức Bổn sư, của chú Lăng nghiêm và của 2 vị đại bồ tát. Mật giáo có 3 bộ là Phật bộ, Liên hoa bộ và Kim cang bộ. Bộ chủ Phật bộ là Phật, bộ chủ Liên hoa bộ là đức Quan thế âm, bộ chủ Kim cang bộ là đức Kim cang tạng. Hết thảy mọi sự da trì cho những người trì tụng kinh chú đều thuộc 3 bộ này, nên trước khi trì tụng kinh chú hãy niệm hồng danh của các vị bộ chủ. Riêng ngài Kim cang tạng thì chính là đức Phổ hiền trong Hiển giáo, và là chủ của tất cả Kim cang mật tích sẽ nói dưới đây.

 

Việc 3: Lược Ghi Về Thần Chú

Khi ấy Thế tôn
từ nơi gò thịt
nổi trên đỉnh đầu
phóng ra ánh sáng
trăm thức quí báu,
trong ánh sáng ấy
hiện ra hoa sen
đủ cả ngàn cánh.
Có đức Như lai
do đức Thế tôn
đã hóa hiện ra
ngồi trên hoa ấy,
và đỉnh ngài này
cũng phóng ra thêm
mười đường ánh sáng
trăm thức quí báu.
Mỗi ánh sáng này
đều hiện các vị
Kim cang mật tích,
tương đương số cát
của mười sông Hằng,
tay thì nâng núi
tay thì cầm xử
tràn khắp không gian.
Đại chúng ngước nhìn
vừa sợ vừa thích,
khẩn cầu Thế tôn
xót thương che chở,
chuyên nhất tâm trí
nghe đức Như lai,
hiện trong ánh sáng
đã được phóng ra
từ nơi đỉnh đầu
không thể nhìn thấy
của đức Thế tôn,
tuyên thuyết thần chú:

Đây là lời mở đầu, nói xuất xứ của chú Lăng nghiêm. Chú ấy được nói bởi đức Như lai hóa hiện trong ánh sáng phóng ra từ đỉnh đầu của đức Thế tôn. Trong lời mở đầu này, ánh sáng trăm thức quí báu, chính văn là bách bảo quang, là ánh sáng mà mầu sắc, thành phần, đặc tính và tác dụng đều đủ cả mọi vẻ. Tôi thiết nghĩ bách bảo quang là bách bảo chi quang, chứ không phải bách chủng bảo quang, nên dịch như vậy. Kim cang mật tích cũng gọi là Kim cang, Kim cang thủ, Chấp kim cang, Trì kim cang, Kim cang lực sĩ, Kim cang quyến thuộc, Kim cang dạ xoa, Bí mật chủ, là những vị chúa tể Dạ xoa, vốn rất mạnh, nhanh và bí mật, do nghiệp báo mà sinh cũng có, do thị hiện mà có cũng có, và hết thảy đều là bộ thuộc của ngài Kim cang tạng. Nâng núi, chính văn là kình sơn, là nâng núi trên tay, chống tay dơ núi ấy cao lên. Đỉnh đầu không thể nhìn thấy, chính văn là vô kiến đỉnh tướng, là trên đỉnh đầu của Phật có gò thịt nổi cao lên (nên cũng gọi là nhục kế), và đó là 1 trong 32 tướng đại trượng phu của Phật. Ánh sáng phóng ra từ đó là nói về pháp cao và quí nhất.

Nam mô tát đát tha tô dà đa da ... Đát điệt tha : Án, a na lệ, tì xá đề, bệ ra bạt xà ra đà rị, bàn đà bàn đà nễ, bạt xà ra bán ni phấn, hổ hộng đô rô ung phấn, sa bà ha.

Thần chú này nằm trong Lăng nghiêm cuốn 7 (Chính 19/133). Ở đó có cả dịch nghĩa, không phải chỉ dịch âm. Nam mô tát dát tha tô dà đa da là qui mạng tất cả Phật đà ... Đát điệt tha là liền nói thần chú. Những câu sau hết mới thật là chú, không thấy diểch nghĩa. Trong sự dịch nghĩa, tôi chỉ ghi 2 câu, đầu và cuối, không ghi tất cả. Ngay cách viết và cách phân câu cũng không bình thường: viết thường tất cả, và gạch nhỏ mà phân câu, làm như vậy là thể theo sự cần thiết của thần chú.

Thần chú Lăng nghiêm là chú tâm của Phật (Chính 19/136). Chú tâm nghĩa là tim của thần chú. "Thần chú này thường có vô số Kim cang quyến thuộc của ngài Kim cang tạng hộ trì, nên loạn tâm mà tụng, các vị ấy vẫn thường theo mà hộ trì, huống chi phát bồ đề tâm quyết định" (Chính 19/139).

Lược Ghi Đại Bi

Thần chú này mang tên Đại bi tâm, có nghĩa là cái tim của đại từ bi, nên tôi đã dịch là bài chú Tinh túy của đại từ bi. Thần chú này không những có nghĩa mà còn có tượng. Về nghĩa, tôi đã làm tàm tạm trong Lương hoàng sám và trong Thủy sám, nên ở đây xin miễn. Ở đây nên nói tướng dụng và hành pháp của thần chú ấy. Tài liệu toàn lấy trong kinh Đại bi tâm đà la ni (Chính 20/106-111) và Đại bi sám pháp (Vạn 129/27-30).

 

Tướng Dụng Chú Đại Bi

Phật nói chú này là thần chú quảng đại viên mãn, thần chú vô ngại đại bi, thần chú cứu khổ, thần chú diên thọ, thần chú diệt ác, thần chú phá ác nghiệp, thần chú mãn nguyện, thần chú tùy tâm tự tại, thần chú mau lên bậc trên ... Trì chú này thì diệt vô lượng tội, được vô lượng phước, và chết thì sinh Cực lạc. Quan âm đại sĩ nói, trì chú này thì hết bịnh, hết nạn, tiêu ác pháp, tăng bạch pháp, như ý, như nguyện, đặc biệt gần chết thì được chư Phật trao tay, muốn sinh tịnh độ nào thì tùy ý mà sinh.

Biểu tượng của chú này là tâm đại bi, tâm bình đẳng, tâm vô vi, tâm vô nhiễm trước, tâm không quán, tâm cung kính, tâm khiêm tốn, tâm không hỗn loạn, tâm không kiến thủ, tâm tuệ giác vô thượng. Trì chú này thì phải hành theo biểu tượng như vậy.

 

Hành Pháp Chú Đại Bi

Trì chú Đại bi, đúng ra, mỗi một ngày đêm phải và chỉ cần 5 biến. Muốn trì chú này thì phải phát bồ đề tâm, rồi kính giữ trai giới, luôn luôn bình đẳng đối với tất cả, và trì tụng liên tục. Quan âm đại sĩ nói, đối với người ấy, ta soi thấy bằng ngàn mắt và nắm giữ bằng ngàn tay. Dưới đây là nghi thức trì chú Đại bi được lược lại giản dị. Nghi thức này nổi tiếng là hiệu quả.

Một, Phụng Thỉnh
Nhất tâm phụng thỉnh Phật Pháp Tăng, vô thượng tam bảo (1 lạy).
Nhất tâm phụng thỉnh đức Phật bổn sư là Thích ca mâu ni như lai (1 lạy).
Nhất tâm phụng thỉnh vị có vô ngại đại bi tâm là Quan thế âm đại bồ tát (1 lạy).
Nhất tâm phụng thỉnh liệt vị Bồ tát, Duyên giác, La hán, liệt vị Phạn vương, Đế thích và chư thiên thiện thần (1 lạy).

Hai, Tác Bạch

Đệ tử họ tên XX, pháp danh XX, phát nguyện trì chú Đại bi, cầu cho bản thân, cho thân nhân, cho chúng sinh, tất cả cùng được thành tựu đại bi thắng phước. Ngưỡng nguyện đức đại bi Quan thế âm cùng Phật Pháp Tăng vô thượng tam bảo mật thùy chứng minh da hộ.

Ba, Đảnh Lễ
Kính lạy Phật Pháp Tăng tam bảo vô thượng trong mười phương ba đời (1 lạy).
Kính lạy đức Phật bổn sư là Thích ca mâu ni như lai (1 lạy).
Kính lạy bài chú Tinh túy của đại từ bi (1 lạy).
Kính lạy vị thuyết ra bài chú Tinh túy của đại từ bi là Quan thế âm đại bồ tát (1 lạy).
Kính lạy đức Phật bổn sư của đức Quan thế âm là A di đà như lai (1 lạy)
Kính lạy đức Phật truyền thọ cho đức Quan thế âm bài chú Tinh túy của đại từ bi là Thiên quang vương tịnh trú như lai (1 lạy).

Kính lạy các vị pháp vương tử quán đảnh trong pháp hội tuyên thuyết bài chú Tinh túy của đại từ bi mà đứng đầu là đại bồ tát Tổng trì vương, đại bồ tát Bảo vương, đại bồ tát Dược vương, đại bồ tát Dược thượng, đại bồ tát Đại thế chí, đại bồ tát Hoa nghiêm, đại bồ tát Đại trang nghiêm, đại bồ tát Bảo tạng, đại bồ tát Đức tạng, đại bồ tát Kim cang tạng, đại bồ tát Hư không tạng, đại bồ tát Di lạc, đại bồ tát Phổ hiền, đại bồ tát Văn thù (1 lạy).

Bốn, Phát Nguyện
Kính lạy đức Quan thế âm, nguyện con mau biết tất cả các pháp (1 lạy).
Kính lạy đức Quan thế âm, nguyện con sớm được con mắt trí tuệ (1 lạy).
Kính lạy đức Quan thế âm, nguyện con mau độ tất cả chúng sinh (1 lạy).
Kính lạy đức Quan thế âm, nguyện con sớm được phương tiện tuyệt hảo (1 lạy).
Kính lạy đức Quan thế âm, nguyện con mau ngồi thuyền tàu bát nhã (1 lạy).
Kính lạy đức Quan thế âm, nguyện con sớm vượt biển cả khổ đau (1 lạy).
Kính lạy đức Quan thế âm, nguyện con mau được các pháp giới định (1 lạy).
Kính lạy đức Quan thế âm, nguyện con sớm lên núi cao niết bàn (1 lạy).
Kính lạy đức Quan thế âm, nguyện con mau về ngôi nhà vô vi (1 lạy).
Kính lạy đức Quan thế âm, nguyện con sớm đồng thân thể pháp tánh (1 lạy).
Kính lạy đức Quan thế âm, nguyện con đến núi đao thì núi đao tự gãy (1 lạy).
Kính lạy đức Quan thế âm, nguyện con đến vạc sôi thì vạc sôi tự cạn (1 lạy).
Kính lạy đức Quan thế âm, nguyện con đến địa ngục thì địa ngục tự hủy (1 lạy).
Kính lạy đức Quan thế âm, nguyện con đến ngạ quỉ thì ngạ quỉ tự no (1 lạy).
Kính lạy đức Quan thế âm, nguyện con đến tu la thì tu la tự hiền (1 lạy).
Kính lạy đức Quan thế âm, nguyện con đến súc sinh thì súc sinh tự khôn (1 lạy).
 

Năm, Trì Niệm

Nam mô Quan thế âm bồ tát (21 tiếng đến 49 tiếng rồi lạy 3 lạy).
Nam mô A di đà phật (như trên).
Sáu, Trì Chú
Nam mô Đại bi hội thượng Phật Bồ tát (3 lần).

Thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi tâm đà la ni (5 biến, tụng theo bình thường; tụng thẳng Phạn tự không linh nghiệm bằng, có người kiên nhẫn thử nghiệm thấy như vậy).

Bảy, Sám Nguyện

Kính lạy đại bồ tát Quan thế âm, vô thỉ đến giờ, con vốn có tâm tánh thanh tịnh mà lại u mê ám chướng, sống trong pháp tánh bình đẳng mà lại nhân ngã bỉ thử, lỗi gây ra không thể xiết kể, tội bùng dậy khó nỗi hủy diệt. Ngày nay nhờ đại bi của đại bồ tát, đại lực của đại thần chú, con nguyện được tiêu diệt cả (1 đến 3 lạy; 3 lạy thì mỗi lạy đọc 1 lần).

Kính lạy đại bồ tát Quan thế âm, xin đại bồ tát nắm giữ con bằng ngàn tay, soi thấy con bằng ngàn mắt, làm cho con bặt hết yếu tố tội ác, làm theo hạnh nguyện quảng đại, đủ đại từ bi, chứng đại bát nhã (1 đến 3 lạy; 3 lạy thì mỗi lạy đọc 1 lần).

Tám, Hồi Hướng

Nguyện đem công đức này
hồi hướng khắp tất cả,
đệ tử và chúng sinh
đều trọn thành Phật tuệ.
Kính lạy Phật Pháp Tăng, vô thượng tam bảo (1 lạy).
Kính lạy đức Phật bổn sư là Thích ca mâu ni như lai (1 lạy).
Kính lạy vị có vô ngại đại bi tâm là Quan thế âm đại bồ tát (1 lạy).
Kính lạy bài chú Tinh túy của đại từ bi (1 lạy).
Kính lạy đức Phật bổn sư của đức Quan thế âm là A di đà như lai (1 lạy).
Kính lạy đức Phật truyền thọ cho đức Quan thế âm bài chú Tinh túy của đại từ bi là Thiên quang vương tịnh trú như lai (1 lạy).
Kính lạy liệt vị Bồ tát, Duyên giác, La hán, liệt vị Phạn vương, Đế thích và chư thiên thiện thần (1 lạy).

Lược Ghi Hình Thức

Một, văn Thí thực mở đầu và kết thúc mà tôi phân là căn cứ nguyên bản (Trung hoa đại tạng kinh, tập 2, sách 37, trang 30081). Khi trì tụng riêng ra, hay có câu Nam mô siêu thập địa bồ tát ma ha tát (kính lạy sự siêu việt lên thập địa, một sự ích lợi chúng sinh như vị đại bồ tát) sau câu vạn loại hữu tình đăng thập địa (vạn loại hữu tình cùng lên thập địa). Có như vậy chỉ để chấm dứt lễ điệu mà thôi. Nhưng theo cách tán tụng công phu truyền thống, thì từ Phổ hồi hướng chân ngôn đến câu vạn loại hữu tình đăng thập địa lại như là mục hồi hướng của công phu tối. Làm như vậy kể cũng rất có lý. Do đó, nên coi đoạn này là phần hồi hướng của văn Thí thực và công phu tối.

Hai, trong phần dịch nghĩa, tôi có bổ túc 3 tiểu đề là Phật tử qui y Tam bảo, Phật tử sám hối, Phật tử phát nguyện; trong 2 phần dịch âm và dịch nghĩa, tôi điều chỉnh 1 câu là thí dữ chư Phật tử (hiến cho các Phật tử); sau hết, cũng trong cả 2 phần dịch âm và dịch nghĩa, tất cả những chỗ để hữu tình, Phật tử và cô hồn, nay tôi chỉ dùng 1 chữ Phật tử mà thôi. Sự bổ túc 3 tiểu đề là làm theo Thí thực nghi (chính 21/473-484), xuất xứ của văn Thí thực; theo đó thì đáng lẽ phải nói rõ nay tôi truyền thọ tam qui cho các người, nay tôi chỉ cho các người sám hối, nay tôi chỉ cho các người phát nguyện. Sự chữa 1 câu là phải như vậy mới hợp ý và việc; chứ chính văn Pháp hoa ngã đẳng dữ chúng sinh mà nguyên bản và truyền thống chữa thí thực ư Phật tử (cho ăn cho Phật tử) thì vừa hẹp, vừa thiếu lại vừa thừa, nhất là không ăn hợp với câu nguyện dĩ thử công đức (nguyện đem công đức này). Sự chỉ dùng 1 chữ Phật tử là vì mọi hữu tình, trong đó có cô hồn, hễ qui y Tam bảo rồi thì gọi là Phật tử cả; Thí thực nghi còn nói rõ nay tôi truyền thọ Tam muội da giới cho các người rồi, từ nay sắp đi, các người nhập Như lai vị, làm Phật tử thật, sinh từ Pháp hóa, được phần Phật pháp (Chính 21/480).

 

Lược Ghi Từng Đoạn

Toàn văn Thí thực, mỗi chỗ xuống dòng là 1 đoạn. Trong các đoạn ấy có 5 chỗ và 3 đoạn cần ghi.

Về 5 chỗ, một, trong đoạn bài tụng duy tâm của kinh Hoa nghiêm, chữ Tâm ít nhất cũng phải hiểu như kinh Lăng nghiêm nói (mà đã trích dẫn trong phần sau của việc 2 mục lược ghi Lăng nghiêm), theo đó thì tâm với vật bình thường nói, chỉ là một phần ít tác dụng của Tâm ấy mà thôi. Hai, trong đoạn Phật tử qui y Tam bảo, Lưỡng túc tôn tuy có thể dịch là đấng phước tuệ hoàn hảo, nhưng không bằng dịch như đã dịch. Riêng chữ lưỡng túc tôn nên nói rõ thêm nữa. Lưỡng túc là 2 chân: lưỡng túc tôn là bậc cao cả nhất trong các loài 2 chân. Lưỡng túc còn có nghĩa diễn biến, ấy là phước đức và tuệ giác: lưỡng túc tôn là cao cả vì phước tuệ hoàn hảo. Hai nghĩa như vầy thật ra là một ý. Ly dục tôn thì ly dục là niết bàn: niết bàn là tôn cao nhất trong tất cả các pháp. Còn chúng trung tôn thì chúng là các chúng, tức những thành phần chúng sinh, trong đó có các thành phần nhân loại; tăng là tỷ kheo tăng: thế giới hệ này lấy tỷ kheo tăng làm tăng bảo, nên tỷ kheo tăng tôn cao nhất trong các chúng (Chính 2/602). Cũng trong đoạn này, chữ cánh (dịch là hoàn toàn) sau các chữ qui y Phật Pháp Tăng, có nghĩa là đã rồi, hoàn tất, hoàn toàn, nhưng chữ hoàn toàn bao gồm được cái ý trọn vẹn (62) nên tôi chọn chữ ấy. Ba, chữ noan trong các chân ngôn Biến hoá vầng nước và Biển sữa, Nhật tụng đại bản của Trung hoa (tờ 35 mặt B) nói âm là vạn. Tôi ghi để tồn nghi. Bốn, chữ Cát tường giả trong bài tụng Cát tường, nên chú ý chữ giả: Cát tường giả là các đấng, các vị Cát tường, đem lại sự cát tường cho chúng sinh suốt cả 24 giờ (24 giờ, xưa nói ngày đêm 6 buổi): các đấng và các vị ấy là Thượng sư, Tam bảo và Hộ pháp. Thượng sư là Kim cang thượng sư, sẽ thấy trong phần lược giải sám Hồng danh. Hộ pháp là 8 bộ thiên long mà những vị phát nguyện hộ trì Phật pháp và hộ vê dân chúng, trong đó đặc biệt có Phạn vương, Đế thích, Tứ thiên vương, nhất là Kim cang (các chúa Dạ xoa), Vi đà. Năm, chữ tứ sinh trong câu tứ sinh đăng ư bảo địa, có nghĩa là 4 loài chúng sinh phân loại theo 4 cách sinh (noãn, thai, thấp, hóa); dịch 4 loài chỉ là dịch tắt.

Về 3 đoạn là Chân ngôn Tam muội da giới, Chân ngôn Bát nhã và Chân ngôn Vãng sinh. Riêng chân ngôn Vãng sinh sẽ được ghi đến ở cuối phần lược giải kinh Di đà. Ở đây chỉ lược ghi 2 chân ngôn kia.

Tam muội da giới là của Mật tôn, lấy 3 thứ bồ đề tâm làm giới pháp: một là hạnh nguyện bồ đề tâm, là tu các hạnh phát các nguyện, tức là 4 hoằng thệ; hai là thắng nghĩa bồ đề tâm, là tuyệt vọng tưởng khởi thắng trí; ba là tam ma địa bồ đề tâm, là đẳng trì diệu đức tự hành hóa tha của Phật mà đẳng nhập chúng sinh giới, bình đẳng hộ trì mà nhiếp hóa một cách cùng khắp. Thứ nhất là đại bi, thứ hai là đại trí, thứ ba là đại định (bi trí bất nhị), tuy là dụng của đệ lục thức nhưng thể là đại viên cảnh trí của đệ bát thức. Nói giản dị, Tam muội da giới là lấy trí giác của Phật, tức giác tánh của mình, mà làm giới pháp. Chân ngôn Tam muội da giới là kinh động để chúng sinh, trong đó có quỉ thần, thức tỉnh giác tánh ấy, truyền răn cho họ khuôn theo giác tánh ấy mà không được trái vượt. Như vậy lẽ đáng vị trí của chân ngôn này nên nằm cùng một đoạn Phật tử qui y Tam bảo, và các đoạn Phật tử sám hối, Phật tử phát nguyện, đều là thực thi giới pháp giác tánh ấy.

Còn chân ngôn Bát nhã thì Bát nhã là Phật mẫu (mẹ sinh chư Phật), là căn bản của Phật pháp. Mà bài kinh này là tinh túy của Bát nhã, văn tự có đủ hiển ngữ và mật ngữ, và cả 2 phần ấy đủ cho chúng sinh, trong đó có quỉ thần, trực nhận thật tướng (Không), tiêu trừ nghiệp chướng, hiện khởi tịnh độ. Như vậy không những mật ngữ của bài kinh này là chân ngôn, mà hiển ngữ của bài kinh này cũng là chân ngôn, mà chính Bát nhã cũng đã là chân ngôn: chân ngôn đại thần, chân ngôn đại minh, chân ngôn vô thượng, chân ngôn vô đẳng đẳng.

 

Lược Ghi Toàn Văn

Mở đầu, văn Thí thực tụng bài tụng Duy tâm của kinh Hoa nghiêm. Nhưng bài này chỉ là những câu kết. Toàn bài còn nữa. Ý nói Tâm như một họa sĩ, vẽ đủ cảnh đủ màu: Tâm vẽ ra đủ mọi thân ngũ uẩn và mọi cảnh thế gian. Nói giản dị, Tâm là bản thể siêu tuyệt mà phổ biến, bất biến mà tùy duyên. Tâm vẽ ra đủ thứ chủ thể và khách thể. Về chủ thể, Tâm vẽ đủ thứ cơ thể và tâm lý; về khách thể, Tâm vẽ đủ cảnh địa ngục với thiên đường. Tất cả các pháp do Tâm vẽ ra được thế này thì cũng vẽ lại được thế khác, vẽ được xóa được. Chính điều này đã là chủ thuyết của mọi sự trong việc Thí thực. Chủ thuyết ấy, từ căn bản, cũng là chủ thuyết của sự sám hối, của sự sinh Cực lạc. Do vậy mà văn Thí thực này tôn kinh Hoa nghiêm, niệm tên kinh ấy trước hết trong đoạn phụng thỉnh Tam bảo.

Mặt khác, kinh sách có nói cái gọi là nghiệp báo thần thông. Nghiệp báo thần thông chính là những khả năng đặc biệt của mỗi loài mà nay được phát giác càng ngày càng nhiều và càng lạ. Loài quỉ thần có cái nghiệp báo thần thông là biết và đến rất xa và rất mau, nên nghe một bài tụng Duy tâm cũng đã ngộ rồi, huống chi còn các mục kinh chú khác giúp vào sự tùy duyên biến hiện của Tâm.

Dẫn Nhập

Với cái nghĩa ra khỏi rừng rậm phiền não, phiền não diệt mà không sinh ra nữa, niết bàn đích thực là mục đích của Phật pháp. Phiền não mà diệt là có mặt diệt vì trí tuệ quyết trạch (gọi là trạch diệt vô vi), lại cũng có mặt diệt vì thiếu cho đến không có yếu tố phát sinh nên phiền não không sinh ra nữa (gọi là phi trạch diệt vô vi). Tịnh độ và sự sinh tịnh độ là cả 2 mặt ấy, nhất là mặt sau.

Nhưng tịnh độ và sinh tịnh độ là thế nào? Trong kinh Lăng nghiêm, khi thuật lại sự hiểu về Tâm của ngài A nan, đã nói, "Lúc ấy tôn giả A nan và đại chúng nhờ Phật chỉ dạy một cách tuyệt diệu, nên cả cơ thể và tâm trí đều rất thư thái. Ai cũng tự biết Tâm khắp mười phương. Thấy không gian mười phương chỉ như chiếc lá trong lòng bàn tay. Vũ trụ vạn hữu đều là Tâm. Tâm bao hàm tất cả. Nhìn lại cái thân do cha mẹ sinh ra, thấy chỉ như hạt bụi trong không gian. Thân ấy còn hay mất, chỉ như cái bọt nổi lên hay tan mất trong biển cả. Biết rõ Tâm nhiệm mầu của mình là thường trú bất diệt". Như vậy tịnh độ uế độ gì cũng là Tâm. Và tâm tịnh thì độ tịnh, sự ấy gọi là sinh tịnh độ.

Pháp môn tịnh độ tuy thường chuyên chỉ cho tịnh độ Cực lạc, nhưng thật ra ngoài tịnh độ Cực lạc còn có tịnh độ Đâu suất và tịnh độ Linh sơn. Ấy là chưa kể những tịnh độ khác, ít hay không ai biết đến.

Tịnh độ Linh sơn là báo độ của đức Thích ca. Mà báo độ là Hoa tạng thế giới, của đức Thích ca hay của đức Di đà không có tự tha cách biệt. Do đó, bồ tát Thế thân đã nói, "nhất tâm chuyên niệm, phát nguyện sinh Cực lạc thì nhập được Hoa tạng thế giới" (Chính 26/233). Còn tịnh độ Đâu suất là Đâu suất nội viện, của đức Di lạc -- của bồ tát nhất sinh bổ xứ.

Cực lạc là tịnh độ của đức Di đà. Sự sinh tịnh độ ấy có 2 mặt. Thứ nhất, sinh Cực lạc là sinh quốc độ ấy, ở về hướng tây quốc độ Sa bà này. Thứ hai, sinh Cực lạc là sinh tịnh độ ấy ngay nơi quốc độ này. Riêng mặt thứ hai, Di đà đại bản nói, "Có người vốn nguyện độ sinh mau chóng, thì đem công đức của cái nguyện ấy mà tự trang bị, nhập vào thế giới sinh tử, tự tại thuyết pháp giáo hóa. A di đà phật dùng thần lực làm cho người này giáo hóa chúng sinh phát sinh chánh tín cho đến thành tựu bồ đề, nhưng từ đầu đến cuối, người này không bị cái khổ của các đường dữ ..., dẫu sống trong ngũ trược ác thế mà không khác gì sống trong thế giới của người ấy là Cực lạc quốc độở (Chính 12/337).

Thông thường pháp môn Tịnh độ có 2 chữ hân yểm: chán Sa bà, thích Cực lạc. Nhưng chán chứ không phải bỏ. Nên người tu pháp môn tịnh độ Cực lạc thì hoặc sinh Cực lạc rồi trở lại hóa độ Sa bà trước hết, hoặc sinh Cực lạc ngay nơi Sa bà mà hóa độ trước, mặt nào cái nguyện sinh Cực lạc cũng là vì thế giới Sa bà này, nên tôn giả A nan đã nói "ngũ trược ác thế thệ tiên nhập".

Bản kinh Di đà này nói rõ, gọn, và khá độc đáo, về cả 2 mặt của sự sinh Cực lạc, dẫu rằng nghe như chỉ nói mặt thứ nhất mà thôi.

 

Dị Bản, Đầu Đề và Nội Dung

Kinh này có các kinh khác liên hệ. Ngoài đại bản Di đà và Quán kinh, còn có bản dịch kinh này của ngài Huyền tráng (Chính 12/348-351). Nội dung bản dịch ấy, đối chiếu với chính văn này của ngài La thập dịch, những chỗ có gì khác mà thấy vừa bổ túc vừa giải thích cho chính văn này, thì đến những chỗ ấy tôi sẽ trích dẫn. Nhưng ở đây nên nói đến điều này: ngài Khuy cơ, vị đệ tử thượng túc và chính truyền của ngài Huyền tráng, giải thích kinh này đến 2 lần (Vạn 33/67-108), nhưng giải thích chính văn này của ngài La thập mà không giải thích bản dịch của thầy mình. Nếu ai đọc cả 2 bản dịch thì cũng thấy được vì sao.

Đề kinh này nguyên không phải là A di đà kinh. Trong chính văn, ngài La thập dịch đề kinh này là Xưng tán bất khả tư nghị công đức, nhất thế chư Phật sở hộ niệm kinh (bản kinh Tán dương những sự bất khả tư nghị, hết thảy chư Phật đều giữ gìn cho) ; ngài Huyền tráng dịch "Xưng tán bất khả tư nghị Phật độ công đức, nhất thế chư Phật nhiếp thọ pháp môn" (đề tắt: Xưng tán tịnh độ, Phật nhiếp thọ kinh). Dịch như vậy không những đồng nghĩa mà còn giải thích cho nhau. Cả 2 đề đều nói về những sự siêu việt của đức Di đà, nên tương truyền ngài La thập đổi mà đề là Phật thuyết A di đà kinh: bản kinh của đức Phật bổn sư Thích ca nói về đức Phật bổn tôn Di đà.

Nội dung kinh Di đà thuộc thể loại vô vấn tự thuyết: không ai hỏi thấu mà chỉ Phật tự nói ra. Do đó mà nội dung kinh này từ đầu đến cuối toàn lời Phật dạy. Nội dung ấy gồm có 8 mục: 1. mở đầu nói về quốc độ Cực lạc; 2. nói về sự bất khả tư nghị của quốc độ Cực lạc, tức nói về y báo trang nghiêm của đức Di đà; 3. nói về sự bất khả tư nghị của giáo chủ quốc độ Cực lạc, tức nói về chánh báo trang nghiêm của đức Di đà; 4. nói về sự sinh quốc độ Cực lạc; 5. nói về sự tán dương và khuyến cáo của chư Phật; 6. nói về ích lợi của pháp môn tịnh độ Cực lạc; 7. nói về sự khó của pháp môn ấy; 8. kết thúc.

Tất cả 8 mục này, theo lối phân đoạn của cổ đức, mục 1 là duyên khởi, mục 2 đến 4 là chánh tông, mục 5 đến 8 là lưu thông.

 

Lược Giải Nội Dung
Mục 1. Mở Đầu Nói Về Quốc Độ Cực Lạc

Mục này có 2 đoạn: một, mở đầu như đa số kinh khác; hai, mở đầu riêng của kinh này.

Tôi nghe như vầy :

Một thời đức Thế tôn ở nước Xá vệ, trong khu vườn rừng Chiến thắng Thiện thí, cùng với các vị đại tỷ kheo một ngàn hai trăm năm chục người, toàn là bậc đại a la hán, ai cũng biết tiếng: trưởng lão Thu tử, tôn giả Mục liên, tôn giả Đại ca diếp, tôn giả Ca chiên diên, tôn giả Câu hy la, tôn giả Ly bà đa, tôn giả Châu lị bàn đà dà, tôn giả Tôn đà ra nan đà, tôn giả A nan đà, tôn giả La hầu la, tôn giả Kiều phạn ba đề, tôn giả Tân đầu lô, tôn giả Ca lưu đà di, tôn giả Kiếp tân na, tôn giả Bạc câu la, tôn giả A nâu lâu đà, các vị đại đệ tử đại loại như vậy. Lại cùng với các vị đại bồ tát: pháp vương tử Văn thù, đại bồ tát Di lạc, đại bồ tát Hương tượng, đại bồ tát Thường tinh tiến, các vị đại bồ tát đại loại như vậy. Ngoài ra, Đế thích, vô lượng chư thiên và các chúng khác cũng có đông đủ.

Đây là đoạn một, mở đầu như đa số kinh khác.

Tôi nghe như vầy là lời tôn giả A nan tự xưng để thuật lại kinh này. Câu ấy là văn thành tựu và tín thành tựu, 2 trong 6 thành tựu của phần mở đầu đa số các kinh. Nhưng đúng ra câu ấy nên để riêng ra, mở đầu để thuật lại trọn cuốn kinh mà trong đó có mục mở đầu. Như vầy là người nói, người nghe, lời nói, cử động, sự việc, không gian và thì gian, tất cả những gì được thuật lại ở dưới. Tất cả những gì ấy biểu thị pháp của Phật dạy trong một cuốn kinh, chứ không phải chỉ lời nói mới có khả năng ấy. Ấy là chưa kể lời nói có khi không quan trọng bằng hay hơn những gì khác.

Tiếp câu trên, trọn đoạn dưới là thuật lại lúc nói, người nói, chỗ nói và người nghe của kinh này. Một thời là lúc nói kinh này. Và đó là nói tắt, không ghi rõ năm tháng ngày giờ. Nhưng, "một thời" vừa nói tắt về thì gian nói kinh, vừa biểu thị Phật ở đâu cũng chỉ một thì gian cần ở mà thôi. Đức Thế tôn là người nói kinh này. Người ấy là đức Phật bổn sư. Khuy cơ đại sư nói, khi giải thích chữ Phật trong câu chính văn nhất thời Phật tại, rằng xét bản chữ Phạn của các kinh đều gọi đức Bổn sư là Thế tôn. Chính đức Bổn sư dạy để chữ ấy, vì chữ ấy hàm đủ các đức tính. Nhưng dịch chủ ý muốn vắn tắt nên dùng chữ Phật (Vạn 33/71B). Về chỗ nói thì nói tại khu vườn rừng Chiến thắng Thiện thí, thuộc nước Xá vệ. Xá vệ, đời Phật thì đó là nước của Ba tư nặc vương, phụ hoàng của vương tử Chiến thắng, nay là Rapatmapet, nam ngạn sông Rahti, thuộc tây bắc bộ Ấn độ. Khu lâm viên Chiến thắng Thiện thí, Chiến thắng là vương tử Kỳ đà, dịch nghĩa là Chiến thắng. Thiện thí là trưởng giả Tu đạt, dịch nghĩa là Thiện thí. Khu vườn rừng Chiến thắng Thiện thí là khu mà cây rừng là của vương tử Chiến thắng, đất vườn là của trưởng giả Thiện thí. Cả 2 người chung nhau hiến Phật nên Phật dạy để tên như vậy. Truyện tích này hầu hết Phật tử đều biết. Và nếu theo dịch nghĩa trước ngài Huyền tráng thì gọi là khu vườn rừng Thắng Cấp cô độc.

Về người nghe thì có 3: chúng đại tỷ kheo, chúng đại bồ tát và các chúng khác.

Trong chúng đại tỷ kheo, một ngàn hai trăm năm chục người là bạn hữu của Da xá có 50, thầy trò của Tần loa ca diếp có 500, của Na đề ca diếp có 250, của Dà da ca diếp có 250, của Thu tử có 100, của Mục liên có 100, toàn vốn là ngoại đạo, cảm ân đức giáo hóa của Phật nên theo ngài không rời. Toàn là bậc đại a la hán, nhưng có vị sẽ là, như chính ngài A nan. Chữ "đại" được giải thích là La hán có hay có thể chuyển thành căn tánh đại thừa. Ai cũng biết tiếng, được bồ tát Thế thân giải thích như sau, các vị quốc vương, vương tử, đại thần, dân chúng, Đế thích, Phạn vương, v/v, đều biết đến; lại nữa, Thanh văn, Bồ tát, Phật đà, những bậc thắng trí này khéo biết đến (Chính 26/1). Do vậy mà ngài Huyền tráng dịch là chúng vọng sở thức. Thu tử là tên dịch nghĩa của ngài Xá lợi phất. Ngài, ngoài đại danh trí tuệ đệ nhất, còn có lắm sự đặc biệt. Sự đặc biệt nên nói là có nhiều chứng cớ cho tôi thấy chính ngài mới là sáng tổ về luận tạng. Tôn đà ra nan đà là ngài Nan đà em Phật. Nan đà có mấy vị; muốn khác biệt thì gọi vị em Phật là Tôn đà ra nan đà: ông Nan đà của bà Tôn đà ra, bà vợ rất đẹp của ông.

Trong chúng đại bồ tát, tất nhiên gồm có các vị bồ tát mới phát tâm sắp lên. Các vị đại bồ tát kể tên trong chính văn là các bậc thượng thủ. Trong các vị ấy, Hương tượng là Càn đà ha đề, dịch nghĩa Hương tượng. Chính ngài Khuy cơ cũng không xác định là Bất hưu tức, chỉ nói "chưa rõ dịch nghĩa là gì; còn kinh Xưng tán (gọi tắt bản dịch của ngài Huyền tráng) thì vị đại bồ tát thứ ba danh hiệu là Bất hưu tức" (Vạn 33/76B).

Ở các kinh khác, 2 chúng đại tỷ kheo và đại bồ tát này thường có lời nói về phẩm chất của các ngài. Phẩm chất ấy, đại tỷ kheo có 3 điều cốt yếu sau đây: diệt sạch phiền não, tâm và tuệ thiện giải thoát, và bất thọ hậu hữu; còn đại bồ tát thì có 3 điều cốt yếu sau đây: không thoái chuyển mà còn đạt đến tuệ giác vô thượng, thân cận vô lượng chư Phật, làm sạch quốc độ và làm nên chúng sinh (tịnh Phật quốc độ, thành tựu chúng sinh).

Về các chúng khác thì chính văn ở đây nói Đế thích, vô lượng chư thiên và các chúng khác cũng có đông đủ, còn chính văn mục kết thúc thì nói chư thiên, nhân loại, tu la, và các chúng khác trong toàn thể thế giới. Như vậy các chúng khác là có một, các chúng thuộc nhân loại, tức ngoài tỷ kheo còn có tỷ kheo ni, có ưu bà tắc và ưu bà di, trong 2 chúng sau lại có quốc vương, vương tử, đại thần và dân chúng; hai, các chúng thuộc phi nhân loại, tức 8 bộ mà chỉ nói 2 bộ tiêu biểu, đó là chư thiên và tu la. Trong chư thiên thì chỉ nói Đế thích. Đế thích, chính văn là Thích đề hoàn nhân. Thích là họ, đề hoàn là thiên, nhân là đế, như vậy muốn gọi tắt thì phải là Thích đế, gọi Đế thích là đảo ngược, nhưng lại thông dụng. Ngoài Đế thích, bản dịch của ngài Huyền tráng còn kể Phạn vương. Đế thích là chúa trời, nhưng là chúa thật của trời Đao lợi, còn Phạn vương cũng là chúa trời, nhưng chỉ tưởng tượng mình là chúa cả cõi Sa bà, và cả 2 cùng là đệ tử của Phật, hộ trì Phật pháp.

Vào lúc bấy giờ, đức Thế tôn bảo trưởng lão Thu tử, từ quốc độ này, hướng về phía tây, qua mười vạn ức quốc độ của Phật, có một quốc độ tên là Cực lạc. Quốc độ ấy có đức Phật giáo chủ danh hiệu A di đà, hiện nay vẫn còn và tuyên thuyết diệu pháp.

Đây là đoạn hai, mở đầu riêng của kinh này.

Lời mở đầu này nói về Cực lạc (y báo) và giáo chủ Cực lạc (chánh báo). Quốc độ của Phật, chính văn là Phật độ, có thể dịch tắt là cõi Phật. Cõi Phật ấy, chưa nói tự thọ dụng độ của tự thọ dụng thân, cũng chưa nói tha thọ dụng độ của tha thọ dụng thân, chỉ nói biến hóa độ của biến hóa thân mà thôi, thì kém nhất cũng là đại thiên quốc độ. Cực lạc không phải chỉ là biến hóa độ, nhưng ngay mặt biến hóa độ của Cực lạc cũng không phải chỉ bằng đại thiên quốc độ. Tuyên thuyết diệu pháp, ngài Huyền tráng dịch rõ là nói cho người ở đó về pháp thậm thâm vi diệu, làm cho họ được ích lợi yên vui thù thắng.

Mục 2. Nói Về Sự Bất Khả Tư Nghị Của Quốc Độ Cực Lạc, Tức Nói Về Y Báo Trang Nghiêm Của Đức Di Đà

Mục này có 5 đoạn: một, nói tổng quát bằng cách định nghĩa danh hiệu Cực lạc; hai, nói về lan can, lưới giăng và hàng cây; ba, nói về hồ, lầu đài và hoa sen; bốn, nói về nhạc, đất, hoa và sự hiến hoa (liên hệ sự này có sự ăn và sự kinh hành); năm, nói về chim và gió.

Thu tử, quốc độ ấy vì lý do gì mệnh danh là Cực lạc? Vì người quốc độ ấy không có mọi sự khổ não, chỉ hưởng yên vui, nên mệnh danh là Cực lạc.

Đây là đoạn một, nói tổng quát bằng cách định nghĩa danh hiệu Cực lạc.

Không có mọi sự khổ não, chỉ hưởng yên vui,ngài Huyền tráng dịch khá rõ: không có tất cả sự lo nơi tâm và sự khổ nơi thân, mà chỉ có vô lượng sự mừng và sự vui thanh tịnh.

Thu tử, quốc độ Cực lạc chỗ nào cũng có lan can bảy lớp, lưới giăng bảy lớp, hàng cây bảy lớp, toàn bằng bốn chất liệu quí báu, bao quanh khắp cả, vì vậy quốc độ ấy tên là Cực lạc.

Đây là đoạn hai, nói về lan can, lưới giăng và hàng cây.

Chỗ nào cũng có (xứ xứ giai hữu), ở đây cũng như ở dưới, là lấy chữ của ngài Huyền tráng dịch mà bổ túc. Phải bổ túc như vậy mới đúng. Hàng cây, dịch đúng là cây có hàng lối. Lưới giăng là mạng lưới chỉ vàng kết các thứ ngọc sáng, giăng phủ trên cây. Lan can để trang trí quanh cây. Bốn chất liệu quí báu sẽ nói ở đoạn dưới. Bao quanh khắp cả là chỗ nào cũng có những thứ trên đây trang trí xung quanh, không phải cả cõi Cực lạc chỉ có những thứ ấy bao bọc một lớp.

Thu tử, quốc độ Cực lạc chỗ nào cũng có cái hồ bằng bảy chất liệu quí báu, thứ nước đủ tám đặc tính quí tràn đầy trong đó. Đáy hồ trang rải toàn cát bằng vàng. Thềm và đường bốn phía đều do bạc, vàng, lưu ly, pha lê, bốn chất liệu quí báu như vậy hợp lại mà thành. Trên hồ có lầu đài, cũng dùng bạc, vàng, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu và mã não mà trang hoàng. Hoa sen trong hồ lớn như bánh xe, màu xanh ánh ra sáng xanh, màu vàng ánh ra sáng vàng, màu hồng ánh ra sáng hồng, màu trắng ánh ra sáng trắng, nhiệm mầu hương khiết. Thu tử, quốc độ cực lạc thành tựu sự trang nghiêm như vậy.

Đây là đoạn ba, nói về hồ, lầu đài và hoa sen.

Nước đủ 8 đặc tính quí, bản dịch của ngài Huyền tráng có nói: trong sạch, mát, ngọt, nhẹ, nhuần, không gây tai họa, dùng thì hết bịnh kể cả bịnh đói và mọi thứ tội ác, dùng rồi trưởng dưỡng các giác quan và thiện căn. Nói giản dị, nước rất tốt, không là tai họa, dùng tốt ở chỗ hết bịnh kể cả bịnh chứng tội ác, tăng sức cho cơ thể mà là sức thánh thiện. Trên hồ có lầu đài, ngài Huyền tráng dịch quanh hồ có cây báu: vừa thừa vừa thiếu. Bốn chất liệu quí báu và bảy chất liệu quí báu, chính văn kể đã rõ, tựu trung, xích châu là chân châu hay xích chân châu, là quí nhất. Hoa sen mà nói nhiệm mầu là "vì hoa ấy thực mà không chất ngại nhau; và hoa sinh người mà như thế thì người do hoa sinh là như thế nào, có thể biết được" (Vạn 108/333A). Phần sau của lời giải thích này là nói người sinh Cực lạc thì hóa sinh trong hoa sen ấy, "Chín phẩm hoa sen làm bậc cha mẹ", do vậy mà cơ thể người Cực lạc không có và có những gì cơ thể chúng ta có và không có.

Thu tử, quốc độ Cực lạc thường có thiên nhạc, đất bằng hoàng kim, ngày đêm sáu buổi đều mưa xuống thiên hoa mạn đà. Người quốc độ ấy, vào lúc sáng sớm, thường dùng vạt áo dựng đầy hoa quí, hiến cúng mười vạn ức đức Phật ở các quốc độ khác. Đến giờ ăn thì trở về quốc độ của mình. Ăn xong kinh hành. Thu tử, quốc độ Cực lạc thành tựu sự trang nghiêm như vậy.

Đây là đoạn bốn, nói về nhạc, đất, hoa và sự hiến hoa (liên hệ sự này có sự ăn và sự kinh hành).

Về sự ăn ở Cực lạc, kinh Vô lượng thọ nói rõ hơn: muốn ăn thì bát ứng khí và đồ ăn ngon hiện ra, nhưng thật ra không phải ăn, chỉ thấy sắc, nghe hơi, nghĩ ăn, là no đủ (Chính 12/271). Nghĩa là chỉ có tư thực và thức thực, không phải đoàn thực như chúng ta.

Còn kinh hành, nói theo quốc độ Sa bà này, thì kinh hành cũng gọi là hành đạo, vốn chưa phải nhiễu Phật, cũng không phải bộ hành hay tản bộ. Kinh hành là đi trên đường đất nhất định, nếu đất thấp ướt thì lát gạch đá, nếu đi không thẳng thì vạch đất hay giăng giây, và chỗ đi là nơi trống vắng trong núi rừng, trước cửa tăng xá, trước nhà giảng, trên nền tháp, trên nền tăng xá (tăng xá nay là tự viện). Đi thì đi tới đi lui, không mau chậm, không lắc mình, không cúi thấp hay ngước cao, và quan trọng là thu nhiếp giác quan, chỉ nghĩ đến đề tài thiền định hay pháp đang tu. Nay, thay vào có thể niệm Phật. Kinh hành làm khi ngồi thiền mà buồn ngủ, khi ăn mới xong, khi cần vận động: kinh hành để được linh hoạt, có sức, không bịnh, tiêu thực và kiên định.

Thu tử, quốc độ Cực lạc thường có các loại chim lạ, đẹp, và màu sắc xen nhau, đại loại như bạch hạc, khổng tước, anh vũ, xá lợi, tần dà, cọng mạng. Những loại chim này, ngày đêm sáu buổi, kêu ra âm thanh nhịp điệu và tuyệt nhã. Âm thanh ấy diễn đạt năm căn bản, năm năng lực, bảy thành phần tuệ giác, tám thành phần đường chánh, các pháp đại loại như vậy. Người quốc độ Cực lạc nghe âm thanh ấy thì ai cũng nhớ nghĩ về Phật, nhớ nghĩ về Pháp, nhớ nghĩ về Tăng. Thu tử, đừng bảo các loại chim này thật do nghiệp dữ kết quả mà có, vì quốc độ cực lạc không có ba nẻo đường dữ. Thu tử, quốc độ Cực lạc cái tên đường dữ còn không có, huống chi có cái thật đường dữ. Các loại chim này, toàn là đức A di đà phật muốn làm lan tràn âm thanh diệu pháp nên biến hiện ra. Thu tử, quốc độ Cực lạc gió nhẹ thổi động những hàng cây và lưới giăng quí báu, phát ra âm thanh tuyệt diệu, tựa như trăm ngàn nhạc khí đồng thời hòa tấu. Ai nghe âm thanh ấy cũng tự nhiên sinh ra tâm trí nhớ nghĩ về Phật Pháp Tăng. Thu tử, quốc độ Cực lạc thành tựu sự trang nghiêm như vậy.

Đây là đoạn năm, nói về chim và gió.

Năm căn bản là ngũ căn, thông thường nói căn lành, nói các căn hay nói lợi căn độn căn, căn ấy phần chính là 5 thứ này. Năm năng lực là ngũ lực. Bảy thành phần tuệ giác là thất bồ đề phần. Tám thành phần đường chánh là bát thánh đạo phần. Các pháp đại loại như vậy là cùng loại với 4 pháp số trên đây còn có lục độ vạn hạnh. Cũng nên biết, 4 pháp số trên là bồ đề phần pháp (nhân tố và thành phần của tuệ giác), và tại quốc độ Sa bà này thì bồ đề phần pháp, ngoài 4 pháp số trên còn có 3 pháp số nữa, là một, 4 đề tài nhớ nghĩ, tức tứ niệm xứ (cũng có thể đọc xử) hay niệm trú, dịch rõ là 4 đề tài mà sự nhớ nghĩ cư trú vào đó; hai, 4 nỗ lực chính xác, tức tứ chánh cần hay chánh đoạn; ba, 4 chân đứng thần diệu, tức tứ thần túc hay như ý túc. Ba pháp số này cọng 4 pháp số trên thành 37 bồ đề phần pháp mà nếu hợp lại thì thực thể chỉ có 9, là tuệ, tiến, định, tín, niệm, hỷ, xả, khinh an và vô biểu sắc (Vạn 33/80B).

Di đà đại bản nói, bồ tát và thanh văn có vị muốn nghe âm thanh thuyết pháp, có vị muốn nghe âm thanh âm nhạc, có vị muốn nghe hơi thơm của hoa, có vị không muốn nghe âm thanh nào hết ... ; ai muốn nghe gì thì chỉ nghe thứ ấy, và ai không muốn nghe thì không nghe gì cả (Chính 12/332).

Mục 3. Nói Về Sự Bất Khả Tư Nghị Của Giáo Chủ Quốc Độ Cực Lạc, Tức Nói Về Chánh Báo Trang Nghiêm Của Đức Di Đà.

Mục này có 2 đoạn: một, nói về giáo chủ Cực lạc là đức Di đà; hai, nói về người Cực lạc là đệ tử của đức Di đà.

Thu tử, ý tôn giả nghĩ thế nào, vì sao đức Phật ấy danh hiệu là A di đà? Thu tử, vì đức Phật ấy ánh sáng vô lượng, chiếu soi khắp cả quốc độ mười phương, không bị chướng ngại, nên danh hiệu của ngài là A di đà. Thu tử, đời sống của đức A di đà phật, và người ở quốc độ của ngài, đến vô lượng vô số kiếp, nên danh hiệu của ngài là A di đà. Thu tử, đức A di đà thành Phật đến nay đã mười đại kiếp.

Đây là đoạn một, nói về giáo chủ Cực lạc là đức Di đà.

Mười đại kiếp là so với bản dịch của ngài Huyền tráng mà bổ túc chữ đại. A di đà nghĩa là vô lượng, bởi vì cái gì cũng vô lượng: đời sống, ánh sáng và đệ tử đều vô lượng cả. Nhưng nghĩa chính có lẽ là đời sống vô lượng (vô lượng thọ), vì chân ngôn chủng tử của ngài là cam lộ, có nghĩa bất tử. Tuy nhiên, nghĩa ánh sáng vô lượng (vô lượng quang) rất quan trọng, nên kinh Vô lượng thọ nói, "A nan, đức Vô lượng thọ phật ánh sáng uy thần tối tôn, bậc nhất, ánh sáng chư Phật không bằng, ..." do vậy mà đức Vô lượng thọ phật là đức Phật Ánh sáng không có giới hạn, Ánh sáng không có biên cương, Ánh sáng không thể cản trở, Ánh sáng không thể đối chiếu, Ánh sáng rực rỡ, Ánh sáng thanh tịnh, Ánh sáng hoan hỷ, Ánh sáng trí tuệ, Ánh sáng liên tục, Ánh sáng khó tư duy, Ánh sáng khó ca tụng, Ánh sáng siêu nhật nguyệt. Ai gặp được ánh sáng ấy thì tiêu tan ba thứ dơ bẩn (63) , cơ thể và tâm trí thuần hóa, hoan hỷ, phấn chấn, và thiện pháp sinh ra (Chính 12/270).

Thu tử, đức A di đà phật có vô lượng đệ tử thanh văn, toàn là a la hán, không phải toán số biết được. Đệ tử bồ tát cũng tương đương như thế. Thu tử, quốc độ Cực lạc thành tựu sự trang nghiêm như vậy.

Đây là đoạn hai, nói về người Cực lạc là đệ tử của đức Di đà.

Đệ tử bồ tát cũng tương đương như vậy là, như đoạn dưới đây nói thêm, bồ tát Cực lạc có từ bậc dưới hết lên đến bậc Một đời thành Phật, và số này cũng rất nhiều.

Mục 4. Nói Về Sự Sinh Quốc Độ Cực Lạc

Mục này có 2 đoạn: một, nói về lý do tại sao nên nguyện sinh Cực lạc; hai, nói về yếu tố sinh Cực lạc và sự sinh Cực lạc.

Thu tử, người sinh quốc độ Cực lạc toàn là những bậc Không thoái chuyển, trong đó có nhiều vị Một đời thành Phật. Số này rất nhiều, toán số cũng không thể biết được, chỉ có thể đem cái số vô lượng vô số mà nói. Thu tử, ai nghe như vậy, hãy nên phát nguyện nguyện sinh Cực lạc, vì được cùng các bậc thượng thiện nhân như vầy chung sống một chỗ.

Đây là đoạn một, nói về lý do tại sao nên nguyện sinh Cực lạc.

Một đời thành Phật (nhất sinh bổ xứ) là địa vị chót của bồ tát, chỉ một đời nữa là thành Phật, như đức Di lạc ở cõi Sa bà hay đức Quan âm ở cõi Cực lạc. Không thoái chuyển (a bệ bạt trí) là địa vị không còn thoái chuyển nữa. Ngài Huyền tráng dịch khá rõ về sự không còn thoái chuyển: chắc chắn không còn sa vào các nẻo đường dữ, các xứ biên địa man dã (64) , thường du hành quốc độ thanh tịnh của chư Phật, hạnh nguyện thù thắng tăng tiến trong từng ý nghĩ, quyết định sẽ chứng được tuệ giác vô thượng. Không thoái chuyển, phần chính là sự không thoái chuyển đối với tuệ giác vô thượng, và nội dung sự ấy gồm có sự không còn đọa lạc ác đạo, sự được vô sinh pháp nhẫn và sự quyết định sẽ thành Phật. Nội dung như vậy cốt yếu là được vô sinh pháp nhẫn, nên Trí độ luận cuốn 73 nói, được vô sinh pháp nhẫn thì gọi là a bệ bạt trí (bất thoái: không thoái chuyển) Vô sinh pháp nhẫn, nhẫn ở đây là nhẫn chịu, chấp nhận, thể nhận, những sự này cùng một nghĩa, chứ không phải diễn biến. Nhẫn mà nói thể nhận là vì, như dụng ngữ của ngài Huyền tráng, nhẫn nhiều khi là giai đoạn trước của trí, có khi chính là trí. Vô sinh là không sinh phiền não và nghiệp của phiền não. Pháp là thật tướng hay pháp tánh. Vô sinh pháp nhẫn là thể hội pháp tánh vô sinh, nên tôi đã dịch là tuệ giác Không sinh. Cũng nên biết vô sinh pháp nhẫn liên hệ đến 2 việc. Một, vô sinh pháp nhẫn thì có nghĩa không còn thoái chuyển, có nghĩa là địa vị Bất thoái (A bệ bạt trí: Không thoái chuyển). Hai, vô sinh pháp nhẫn liên hệ đến tận trí, nhất là vô sinh trí, liên hệ đến trạch diệt vô vi, nhất là phi trạch diệt vô vi. Riêng các tịnh độ, nhất là tịnh độ Cực lạc, vô sinh pháp nhẫn là phi trạch diệt vô vi. Nói giản dị, Cực lạc không có mọi yếu tố thiên nhiên và xã hội kích thích phát sinh phiền não hạnh nghiệp, mà toàn là những yếu tố trái lại. Chính điều này là lý do vì sao nên nguyện sinh Cực lạc. Sinh Cực lạc là được sống với thượng thiện nhân trong thượng thiện xứ. Thì sự trở lại Sa bà hay du hóa mười phương chỉ là sự phân thân.

Nhưng, Thu tử, không thể chỉ đem thiện căn nhỏ làm yếu tố để được sinh Cực lạc. Thu tử, thiện nam hay thiện nữ nào nghe nói đến đức A di đà phật, trì niệm danh hiệu của ngài hoặc một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba ngày, hoặc bốn ngày, hoặc năm ngày, hoặc sáu ngày, hoặc bảy ngày mà nhất tâm bất loạn, thì người ấy lúc sắp chết, đức A di đà phật cùng với Thánh chúng hiện ra trước mắt. Người như thế khi chết tâm không thác loạn, và tức khắc được sinh quốc độ Cực lạc của đức A di đà phật. Thu tử, Như lai thấy ích lợi như vậy nên nói rằng ai nghe như vầy hãy nên phát nguyện nguyện sinh Cực lạc.

Đây là đoạn hai, nói về yếu tố sinh Cực lạc và sự sinh Cực lạc.

Thiện căn nhỏ là những việc thiện ngoài sự niệm Phật. Quán kinh nói, "muốn sinh Cực lạc thì phải làm 3 phước: một là hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, làm mười thiện nghiệp ; hai là thọ trì tam qui, giữ đủ tịnh giới, không phạm uy nghi; ba là phát bồ đề tâm, thâm tín nhân quả, đọc tụng đại thừa, khuyến tiến người tu" (Chính 12/341). Thiện căn như vậy mà nói là nhỏ, là chỉ vì có yếu tố và cảnh ngộ mới có làm có giữ, không thì làm và giữ gián đoạn. Nhưng phải có thiện căn nhỏ ấy hỗ trợ cho sự niệm Phật mới được sinh Cực lạc. Nên yếu tố sinh Cực lạc phải có chính có phụ. Yếu tố chính là sự niệm Phật một cách nhất tâm bất loạn. Nhất tâm bất loạn là chuyên nhất cho đến đồng nhất tâm trí của mình vào danh hiệu của Phật, nên ngài Huyền tráng dịch hệ niệm bất loạn: buộc sự nhớ nghĩ của mình vào danh hiệu của Phật mà không nhớ nghĩ gì khác, dầu gì khác đó là tốt hay xấu. Hoặc một ngày ... hoặc bảy ngày, nên nói rõ một ngày đêm cho đến bảy ngày đêm. Không phải thì gian niệm Phật chỉ có 1 đến 7 ngày đêm. Cũng không phải chỉ 1 đến 7 ngày đêm trước khi chết. Mà là 1 cho đến 7 ngày đêm, hay cho đến mấy ngày đêm, mấy tháng và mấy năm đi nữa, tự hạn cho được nhất tâm bất loạn và rồi sự bất loạn ấy liên tục mãi. Như vậy thì khi sắp chết được đức bổn tôn A di đà phật cùng với Thánh chúng mà đặc biệt là các ngài Quan âm và Thế chí cùng hiện ra, nên khi chết thì tâm không thác loạn và sinh liền Cực lạc. Câu này ngài Huyền tráng dịch rõ hơn chút nữa: "lúc sắp chết, đức Vô lượng thọ phật cùng vô lượng đệ tử thanh văn bồ tát bao quanh trước sau ngài, đến trước người ấy, từ bi da hộ, làm cho người ấy tâm không thác loạn, và chết rồi thì theo ngài và thánh chúng mà sinh Cực lạc".

Về sự niệm Phật, cần phải nói thêm rằng sự ấy không phải chỉ đại thừa có. Mà có từ Phật giáo nguyên thỉ: trong pháp số lục niệm, niệm Phật đứng đầu. Và niệm Phật qua 10 huy hiệu là Như lai cho đến Thế tôn, đặc biệt 3 huy hiệu Như lai, cúng và Chánh biến tri. Nói niệm Phật pháp thân, xét ra là biến thể của sự niệm Phật này đây. Nhưng niệm Phật như vậy rõ ràng không nhất tâm bất loạn được bằng trì niệm danh hiệu đức Bổn tôn.

Mục 5. Nói Về Sự Tán Dương Và Khuyến Cáo Của Chư Phật.

Mục này có 2 đoạn: một, nói về sự tán dương và khuyến cáo của chư Phật 6 phương; hai, giải thích tên kinh này.

Thu tử, như hiện thời Như lai tán dương ích lợi những sự bất khả tư nghị của đức A di đà phật, các quốc độ phương đông cũng có đức như lai A súc bệ, đức như lai Tu di tướng, đức như lai Đại tu di, đức như lai Tu di quang, đức như lai Diệu âm, hằng hà sa số các đức Như lai đại loại như vậy, đều ở nơi quốc độ của mình, đưa ra tướng lưỡi rộng dài, trùm khắp đại thiên quốc độ, nói lời thành thật như vầy: các người nên tin bản kinh Tán dương những sự bất khả tư nghị, hết thảy chư Phật đều giữ gìn cho. Thu tử, các quốc độ phương nam cũng có đức như lai Nhật nguyệt đăng, đức như lai Danh văn quang, đức như lai Đại diệm kiên, đức như lai Tu di đăng, đức như lai Vô lượng tinh tiến, hằng hà sa số các đức Như lai đại loại như vậy, đều ở nơi quốc độ của mình, đưa ra tướng lưỡi rộng dài, trùm khắp đại thiên quốc độ, nói lời thành thật như vầy: các người nên tin bản kinh Tán dương những sự bất khả tư nghị, hết thảy chư Phật đều giữ gìn cho. Thu tử, các quốc độ phương tây cũng có đức như lai Vô lượng thọ, đức như lai Vô lượng tướng, đức như lai Vô lượng tràng, đức như lai Đại quang, đức như lai Đại minh, đức như lai Bảo tướng, đức như lai Tịnh quang, hằng hà sa số các đức Như lai đại loại như vậy, đều ở nơi quốc độ của mình, đưa ra tướng lưỡi rộng dài, trùm khắp đại thiên quốc độ, nói lời thành thật như vầy: các người nên tin bản kinh Tán dương những sự bất khả tư nghị, hết thảy chư Phật đều giữ gìn cho. Thu tử, các quốc độ phương bắc cũng có đức như lai Diệm kiên, đức như lai Tối thắng âm, đức như lai Nan trở, đức như lai Nhật sinh, đức như lai Võng minh, hằng hà sa số các đức Như lai đại loại như vậy, đều ở nơi quốc độ của mình, đưa ra tướng lưỡi rộng dài, trùm khắp đại thiên quốc độ, nói lời thành thật như vầy: các người nên tin bản kinh Tán dương những sự bất khả tư nghị, hết thảy chư Phật đều giữ gìn cho. Thu tử, các quốc độ phương dưới cũng có đức như lai Sư tử, đức như lai Danh văn, đức như lai Danh quang, đức như lai Đạt ma, đức như lai Pháp tràng, đức như lai Trì pháp, hằng hà sa số các đức Như lai đại loại như vậy, đều ở nơi quốc độ của mình, đưa ra tướng lưỡi rộng dài, trùm khắp đại thiên quốc độ, nói lời thành thật như vầy: các người nên tin bản kinh Tán dương những sự bất khả tư nghị, hết thảy chư Phật đều giữ gìn cho. Thu tử, các quốc độ phương trên cũng có đức như lai Phạn âm, đức như lai Tú vương, đức như lai Hương thượng, đức như lai Hương quang, đức như lai Đại diệm kiên, đức như lai Tạp sắc bảo hoa nghiêm thân, đức như lai Sa la thọ vương, đức như lai Bảo hoa đức, đức như lai Kiến nhất thế nghĩa, đức như lai Như tu di sơn, hằng hà sa số các đức Như lai đại loại như vậy, đều ở nơi quốc độ của mình, đưa ra tướng lưỡi rộng dài, trùm khắp đại thiên quốc độ, nói lời thành thật như vầy: các người nên tin bản kinh Tán dương những sự bất khả tư nghị, hết thảy chư Phật đều giữ gìn cho.

Đây là đoạn một, nói về sự tán dương và khuyến cáo của chư Phật 6 phương.

Như hiện thời Như lai tán dương ích lợi những sự bất khả tư nghị của đức A di đà Phật, các quốc độ ..., câu này có 2 điều cần ghi. Một, các bản chép xưa không có chữ chi lợi (ích lợi của), nhưng xét ra có thì thừa mà vô hại, nên tôi vẫn để nguyên cho như truyền thống trì tụng. Hai, câu này nói tắt. Rõ thì phải nói, "như hiện thời Như lai nói bản kinh này tán dương những sự bất khả tư nghị của đức A di đà phật, thì do thần lực của Như lai mà bản kinh này được nghe khắp cả mười phương quốc độ, nên các quốc độ..."

Trong phương đông, A súc bệ, súc là đọc theo âm của ngài Khuy cơ (Vạn 52/443B). Trong phương nam và phương bắc, Danh văn quang và Danh văn, văn có thể đọc vấn, nghĩa là nổi tiếng, đâu cũng nghe tiếng. Trong phương bắc, Nan trở, trở là đọc theo tự điển. Nhưng trở viết bộ phụ, mà có bản viết như vậy, thì nghĩa là cản trở; nếu viết bộ thủy, mà nhiều bản viết như vậy, thì nghĩa là tan nát. Hằng hà sa số các đức Như lai đại loại như vậy ở nơi quốc độ của mình, đưa ra tướng lưỡi rộng dài ..., câu này cũng là nói tắt. Đủ thì phải nói, "hằng hà sa số các đức Như lai đại loại như vậy đều ở nơi quốc độ của mình, khi nghe bản kinh này của Như lai tuyên thuyết, thì đưa ra tướng lưỡi rộng dài ..." Tướng lưỡi rộng dài là 1 trong 32 tướng đại trượng phu của chư Phật, biểu hiện đức thành thật. Tướng lưỡi rộng dài bình thường của Phật là đưa ra thì phủ mặt đến chân tóc (Trí độ luận cuốn 8) và chạm thấu bên tai (Chính 1/5). Nay nói tướng lưỡi ấy trùm khắp đại thiên quốc là nói thần lực của Phật. Và khi nào nói đưa ra tướng lưỡi rộng dài là nói Phật nói rất thật về pháp rất cao, rất trọng đại. Nói lời thành thật là Phật đem sự thành thật của Phật mà nói, và chúng ta tin là tin vào sự thành thật ấy. Chứ điều được nói vượt quá mức trí thức chúng sinh, không thể theo trí thức ấy mà giảng giải, đem trí thức ấy mà hiểu biết. Điều được nói ấy là sự bất khả tư nghị của đức Di đà - là kinh này, là pháp môn tịnh độ Cực lạc.

Tán dương những sự bất khả tư nghị, hết thảy chư Phật đều giữ gìn cho, đó là tên của kinh này. Tên ấy có nghĩa là bản kinh ca tụng những sự bất khả tư nghị của đức Di đà, và bản kinh như vậy được chư Phật giữ gìn cho. Giữ gìn cho, chính văn là hộ niệm, nghĩa là giữ và nhớ (Vạn 33/84B và 107A). Khi nào tên kinh được nói Phật hộ niệm là nói kinh ấy thuộc tối thượng đại thừa. Phật sở hộ niệm kinh, học giả có người còn hiểu là bản kinh nói về những vấn đề của Phật. Hiểu như vậy càng sát nghĩa, nhất là đối với kinh Di đà. Và chư Phật 6 phương lặp lại tên kinh Di đà để khuyên người quốc độ của các ngài tin tưởng, ấy là chư Phật làm như đức Phật bổn sư: tán dương đức Di đà, tán dương pháp môn nói về đức Di đà là bản kinh này.

Thu tử, ý tôn giả nghĩ thế nào, tại sao bản kinh này mệnh danh thêm rằng Hết thảy chư Phật đều giữ gìn cho? Thu tử, vì thiện nam hay thiện nữ nào nghe bản kinh này mà thọ trì, lại được nghe danh hiệu của các đức Như lai, thì thiện nam hay thiện nữ ấy được các đức Như lai cùng giữ gìn cho, được sự không thoái chuyển đối với tuệ giác vô thượng. Thế nên, Thu tử, các người hãy tin nhận lời của Như lai nói, của các đức Như lai nói.

Đây là đoạn hai, giải thích tên kinh này.

Thọ trì, thọ là tiếp nhận, do tín lực: sức mạnh tin tưởng, trì là nhớ giữ, do niệm lực: sức mạnh ký ức. Được nghe danh hiệu của các đức Như lai là được nghe danh hiệu của chư Phật 6 phương, đặc biệt được nghe và niệm danh hiệu của đức bổn tôn Di đà. Thọ trì kinh này, và trì niệm danh hiệu của đức Bổn tôn thì được chư Phật giữ gìn, nghĩa là được bất thoái chuyển đối với vô thượng bồ đề, nên kinh này tên là Hết thảy chư Phật đều giữ gìn cho. Như trên đã nói, giữ gìn, chính văn là hộ niệm, nghĩa đủ là giữ và nhớ: chư Phật không những giữ cho và nhớ đến kinh này, mà còn giữ cho và nhớ đến người thọ trì kinh này và trì niệm danh hiệu đức Bổn tôn. Đoạn này ngài Huyền tráng dịch đủ hơn, "Thu tử, vì lý do gì kinh này tên là Pháp môn tán dương công đức Phật độ bất khả tư nghị, hết thảy chư Phật đều nhiếp thọ cho? Thu tử, vì kinh này tán dương công đức Phật độ bất khả tư nghị của thế giới Cực lạc của đức Vô lượng thọ phật, lại được mười phương chư Phật thế tôn vì muốn phương tiện lợi ích an lạc cho các hữu tình, nên tại quốc độ của mình, ngài nào cũng hiện đại thần biến, nói lời thành thật, chắc chắn, khuyến cáo hữu tình tín thọ pháp môn này, do vậy mà kinh này tên là Pháp môn tán dương công đức Phật độ bất khả tư nghị, hết thảy chư Phật đều nhiếp thọ cho. Lại nữa, Thu tử, thiện nam hay thiện nữ nào hoặc đã nghe, hoặc sẽ nghe, hoặc đang nghe, nghe kinh này rồi tin hiểu sâu xa, thì chắc chắn được mười phương hằng sa chư Phật thế tôn nhiếp thọ cho làm đúng như kinh này dạy, nên ai cũng quyết chắc được sự không thoái chuyển đối với vô thượng bồ đề, ai cũng quyết chắc được sinh quốc độ Cực lạc là Phật độ thanh tịnh của đức Vô lượng thọ phật. Thế nên, Thu tử, tôn giả và mọi người ai cũng nên tin tưởng, tiếp nhận và lý giải lời nói của Như lai và của mười phương chư Phật thế tôn, nỗ lực tinh tiến mà làm đúng như lời nói ấy, đừng sinh ngờ vực, lo ngại".

Mục 6. Nói Về Ích Lợi Của Pháp Môn Tịnh Độ Cực Lạc

Thu tử, nếu có người nào đã phát nguyện, đang phát nguyên, sẽ phát nguyện, nguyện sinh quốc độ của đức A di đà phật, thì những người này cùng được sự không thoái chuyển đối với tuệ giác vô thượng, và đối với quốc độ ấy thì hoặc đã sinh, hoặc đang sinh, hoặc sẽ sinh. Do vậy, Thu tử, những người thiện nam thiện nữ ai tin thì nên phát nguyện nguyện sinh Cực lạc.

Sinh Cực lạc, như đã nói trong phần dẫn nhập, sự ấy có 2 mặt, là sinh quốc độ ấy ở về hướng tây quốc độ này, là sinh quốc độ ấy ngay nơi quốc độ này, và sinh nghĩa là tâm tịnh thì độ tịnh (còn nói vãng sinh là nói cho dễ hiểu). Nên bất cứ ai nhất tâm mà tin lời nói thành thật của Phật (tín), nhất tâm mà nguyện sinh Cực lạc (nguyện) và nhất tâm mà niệm hiệu Di đà (hạnh), thì ích lợi họ có được thật bất khả tư nghị, ấy là được sinh Cực lạc và, trước đó, được không thoái chuyển vô thượng bồ đề. Ai tin thì nên phát nguyện nguyện sinh Cực lạc, ngài Huyền tráng dịch thêm vài chữ thôi nhưng rất cần: "ai tin hiểu sâu xa thì nên phát nguyện nguyện sinh Cực lạc, đừng sống phóng dật". Đừng sống phóng dật là tự chế ngự mà nỗ lực, và nỗ lực liên tục, trong sự niệm Phật. Chính sự bất phóng dật này mới quyết định được hay không được sinh Cực lạc, không thoái chuyển hay thoái chuyển vô thượng bồ đề.

Mục 7. Nói Về Sự Khó Của Pháp Môn Tịnh Độ Cực Lạc

Thu tử, như nay đây Như lai tán dương những sự bất khả tư nghị của chư Phật như lai, chư Phật như lai cũng tán dương những sự bất khả tư nghị của Như lai mà nói như vầy: đức Thích ca thế tôn có thể làm được việc rất khó và hiếm có, ấy là ở trong quốc độ Sa bà mà thuộc thời kỳ dữ dội đầy cả năm thứ vẩn đục - thời kỳ vẩn đục, kiến thức vẩn đục, tâm lý vẩn đục, con người vẩn đục, đời sống vẩn đục - lại thực hiện được tuệ giác vô thượng, và nói cho mọi người cái pháp mà cả thế giới đều khó tin. Thu tử, các người nên biết, Như lai đã ở trong thời kỳ dữ dội đầy cả năm thứ vẩn đục mà làm việc khó làm, ấy là thực hiện tuệ giác vô thượng, lại nói cho cả thế giới cái pháp rất khó tin này thì đó là việc rất khó.

Như nay đây Như lai tán dương những sự bất khả tư nghị của chư Phật như lai nói rõ là tán dương sự bất khả tư nghị của đức Di đà bằng cách nói bản kinh này, lại tán dương chư Phật mười phương xuất ra tướng lưỡi rộng dài mà khuyên người quốc độ mình tin bản kinh này. Thời kỳ dữ dội đầy cả 5 thứ vẩn đục, coi việc 2 của phần Lược ghi Lăng nghiêm. Trong thời kỳ ấy mà thành Phật được là việc rất khó có, rồi nói về tịnh độ Cực lạc là pháp môn mà cả thế giới khó tin, thì đó là việc rất khó có hơn nữa. Nói về sự cao tột của pháp môn tịnh độ Cực lạc mà nói như vậy thì thật rất giản dị mà cực kỳ độc đáo.

Phần này ngài Huyền tráng dịch còn có 1 đoạn nữa, ý nói người nào nghe được, tin được và làm được pháp môn tịnh độ Cực lạc thì cũng là người rất khó có. Đoạn ấy như sau, "Thu tử, trong thời kỳ dữ dội của quốc độ Sa bà tạp nhiễm này, thiện nam hay thiện nữ nào nghe nói về pháp môn cả thế giới rất khó tin này mà có thể tin hiểu, thọ trì, diễn giảng, thực hành đúng như lời dạy mà người ấy được nghe, thì tôn giả phải biết người ấy cũng rất khó có ... Người ấy mạng chung thì quyết định sinh Cực lạc quốc độ ..., mau chóng thành tựu vô thượng bồ đề".

 

Mục 8. Kết Thúc

Khi đức Thế tôn tuyên thuyết kinh này hoàn tất thì trưởng lão Thu tử và các vị đại tỷ kheo, chư thiên, nhân loại, tu la, và các chúng khác trong toàn thể thế giới, nghe đức Thế tôn dạy, ai cũng hoan hỷ, tin tưởng, tiếp nhận, đảnh lễ mà cáo thoái.

Bản dịch của ngài Huyền tráng, sau các vị đại tỷ kheo còn kể các vị đại bồ tát. Còn đảnh lễ mà cáo thoái thì ngài Huyền tráng dịch phụng hành.

Thần chú Bạt nhổ gốc rễ nghiệp chướng, vãng sinh tịnh độ Cực lạc: Nam mô a di đa bà dạ, đá tha dà đá dạ, đá địa dạ tha, a di lị đô bà tì, a di lị đá tất đam bà tì, a di lị đá tì ca lan đế, a di lị đá tì ca lan đá, dà di nị, dà dà na, chỉ đa ca lệ, sa bà ha (21 lần).

Long thọ bồ tát nguyện sinh Cực lạc mà mộng cảm thần chú này. Tam tạng pháp sư Da xá tụng ra, tam tạng pháp sư Cầu na bạt đà trùng dịch. Muốn thọ trì thần chú này thì súc miệng, đốt hương, quì trước tượng Phật, chắp tay mà tụng. Mỗi ngày đêm 6 buổi, mỗi buổi 21 biến. Thì các tội tứ trọng, ngũ nghịch, thập ác, phỉ báng đại thừa, đều tiêu tan cả ... Tụng đủ hai trăm ngàn biến thì mầm mống bồ đề nảy sinh, đủ ba trăm ngàn biến thì tận mặt nhìn thấy đức bổn tôn Di đà. Tụng thần chú này thì đức bổn tôn Di đà thường trú ở trên đỉnh đầu, ngày đêm hộ trì, không cho kẻ ác tìm được cơ hội, hiện tại yên vui, mạng chung thì tùy ý mà sinh tịnh độ (Chính 12/348 và 351).

 

Lời nói cuối au khi lược giải kinh Di đà

Trường a hàm có nói đến 4 thành pháp: ở trung quốc, gần thiện hữu, tự cẩn thận và phước đời trước (Chính 1/57). Lược giải: do 4 pháp mà thành tựu đạo quả : ở trung quốc là ở những xứ có chánh pháp, gần thiện hữu là được sống với thầy bạn tốt, tự cẩn thận là bất phóng dật, phước đời trước là không bịnh hoạn thiếu thốn. Tôi nhận rằng tư tưởng này đã là căn bản của pháp môn tịnh độ, đặc biệt là tịnh độ Cực lạc.

Cực lạc có lạc gì đâu đối với người cần kiếm lạc thú. Ở đó không có nữ nhân. Ở đó không có đấu tranh. Ở đó chim kêu gió thổi cũng là Phật pháp. Có gì là lạc thú đâu. Do vậy mà kẻ nào nhận định rằng Cực lạc phát triển từ phước cảnh chư thiên, kẻ ấy phi vô học thì phỉ báng đối với Phật pháp.

Cực lạc là cảnh giới niết bàn phi trạch diệt vô vi. Đó là thượng thiện xứ toàn thượng thiện nhân. Ở đó không có yếu tố thiên nhiên và nhân tạo tạo ra vô minh phiền não. Ở đó đầy đủ, và cực kỳ hoàn myլ về 4 thành pháp đã dẫn.

Và đó là nói Cực lạc ở hướng tây. Nếu nói Cực lạc là sinh Cực lạc là ngay nơi cõi này, ngay nơi sinh tử giới, thì Cực lạc ấy là "quảng đại vô biên tế", là "hoa tạng thế giới" (Chính 26/230 và 233). Cõi người mà chư thiên ở cao, cách cả trăm do tuần vẫn còn nghe hôi hơn mùi nhà xí, cõi người ấy, người niệm Di đà và sinh Cực lạc ngay ở đấy, và chỉ thấy là cõi Cực lạc của mình.

Mặt khác, "trong tương lai, kinh pháp mất hết đi nữa, Như lai cũng thương chúng sinh mà giữ kinh này thêm một trăm năm. Ai gặp được cũng thỏa nguyện cả. Và từ đó về sau, kinh này cũng không còn, chỉ còn lại 4 chữ A di đà phật rộng độ quần sinh" (Vạn 150/360A trích dẫn). Đó là điều có thể thấy trước quá rõ.


Chân thành cảm ơn quý cư sĩ Nguyễn Văn Củng, Đoàn Viết Hiệp và Nguyễn Anh Tuấn đã phát tâm chuyển tác phẩm này từ dạng Help File, VPS font sang dạng Word, VNI font. Thích Nhật Từ 3-5-2000


Phần | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 |

 


Cập nhật: 3-6-2000

Trở về thư mục "Kinh điển"

Đầu trang