Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
ĐỌC 3 QUYỂN SÁCH PHẬT

1. THE BUDDHIST HANBOOK: A COMPLETE GUIDE TO BUDDHIST SCHOOLS, TEACHING, PRACTICE, AND HISTORY, by John Snelling. New York: Inner Traditions: 1998. 373 pages.

            Quyển sách cầm tay này dễ học, đáp ứng đúng và hợp thời nhu cầu của độc giả Mỹ cần một quyển tham khảo giản dị về đạo Phật tại châu Mỹ. Sách giới thiệu theo cách viết hiện đại về lịch sử, triết học, giáo lý và các hệ phát tư tưởng của Phật giáo mà tất cả đều cùng quy về một đích điểm chung là chuyển hóa con người cao thượng hơn bằng từ bi và trí tuệ. Các chương như "Tại sao là Phật giáo", hay "Phật giáo và Tâm lý trị liệu"; từ lịch sử Ðức Phật đến giáo lý của Ngài như Tứ Diệu Ðế, Bát Chánh Ðạo, các khuynh hướng lớn của Nguyên thủy, Bắc tông, Mật thừa; người đọc theo dõi tiến trình phát triển về phương Ðông cho đến tiến trình phát triển về phương Ðông cho đến Nhật Bản, lên phía Bắc đến Tây Tạng, rồi thản nhiên đi vào phương Tây và ảnh hưởng ngay cả đến những tư tưởng gia như Carl Jung, R. D. Laing..., là những đề tài thực tiễn và có hệ thống, gọn rõ, giúp độc giả có thể tham khảo mau chóng những gì cần thiết.

            Sách gồm cả một chương phụ lục "Ai là Ai" (Who 's who) có ảnh hưởng trong Phật giáo phương Tây hiện đại, từ những vị Thiền sư nổi danh như U Ba Khin, Ajahn Chah, Mahasi Sayadaw, Walpola Rahula, H. Gunaratana, U. Silànanda..., đến các Phật gia Tây Tạng như Ðức Ðạt lai Lạt ma, Lạt ma Trungpa Rinpoche, và các nhà "thời thế tạo anh hùng" như Alan Watts, Joseph Goldstein, Jack Kornfield, ... Thích Thiên Ân cũng được liệt vào trong chương về "thiền", có lẽ nhờ nơi tác phẩm "Zen and Buddhism" cơ bản của thầy, trong khi đó, Thích Nhất Hạnh và Thích Huyền Vi lại bị liệt vào phần "linh tinh". Ngoài ra, còn có một danh sách các địa chỉ cần thiết, danh sách các lễ hội lớn của Phật giáo và một bản liệt kê các sách cần học thêm.

            2. THE COMPLETE GUIDE TO BUDDHIST AMERICA: THE MOST COMPREHENSIVE INTRODUCTION TO BUDDHISM IN AMERICA, WITH DOZENS OF ARTICLES BY LEADING BUDDHIST TEACHERS AND STUDENTS AND DETAILED LISTINGS TO OVER A THOUSAND BUDDHIST MEDITATION CENTERS IN THE UNITED STATES AND CANADA, edited by Don Morreale. Boston: Shambala, 1998, 403 pages.

            Tựa sách dài lê thê nói lên đầy đủ chi tiết nội dung của quyển sách chỉ dẫn này, gồm hàng ngàn trung tâm và hội nhóm tu tập Thiền tại Bắc Mỹ. Ðiều này một mặt cho thấy Phật giáo, nhất là Thiền tông, phát triển vượt bậc tại Mỹ từ hai thập niên qua, mặt khác lại chứng tỏ một "kỹ nghệ tu thiền" đang thịnh hành tại nơi "đất lành chim đậu này". Trong thời Thiền khoàng kim của Trung Hoa, ta thấy mỗi một thiền sư được một vài, nhiều lắm hai ba mươi, đệ tử đắc pháp; đắc pháp rồi mới có thể tách riêng để tiếp tục thiết lập một trung tâm mới, giáo hóa một số hành giả khác. Hiện nay, tại Mỹ, lấy đâu ra hàng ngàn "thiền sư" chứng đắc để có được một liệt kê các trung tâm Thiền như ghi nhận trong sách này. Hóa ra, trong thời mạt pháp, tu tập một vài năm, đôi khi một vài tháng, rồi ai cũng có thể thành "thiền sư" cả!

            Mỗi một mục từ cung cấp địa chỉ, mô tả đại khái, cách thức liên lạc, "thiền sư" hướng dẫn chương trình tu tập thường xuyên hay những khóa nhập thất. Sách sắp xếp theo truyền thống Nam, Bắc tông, Tây Tạng, với những tiểu luận chen rải rác đây đó để nói về các giáo pháp căn bản của mỗi truyền thống, kinh nghiệm cá nhân của các "thiền sư", và các phương pháp tu tập khác biệt nhau, do những nhà nổi tiếng thời danh của Phật giáo phương Tây viết. Một sách dẫn theo thứ tự ABC, và một phụ lục liệt kê các trung tâm theo từng địa phương giúp những ai muốn tìm hiểu hay tu tập ở nơi trung tâm Thiền gần nhất là một tiện lợi vô cùng cho người sử dụng quyển sách thuộc loại tham khảo này. Cùng với quyển "The Buddhist Handbook" của John Snelling vừa kể trên, quyển "The complete Guide to Buddhist America" này của Don Moreale đáp ứng đúng nhu cầu của phong trào tu học Thiền tại Bắc Mỹ.

            3. AMERICAN BUDDHISM: A BIBLIOGRAPHY ON BUDDHIST TRADITIONS AND SCHOOLS IN THE U.S.A AND CANADA, compiled by Martin Baumann. Boston: Shambala, 1999.

            Trong hai thập niên qua, nghiên cứu về Phật giáo tại Bắc Mỹ đã khởi sắc vượt bậc. Quyển thư tịch này có mục đích làm một hướng dẫn sơ thảo cho những tường thuật có tính cách học giả và nghiên cứu về lịch sử, sự phát triển và hiện trạng Phật giáo tại Mỹ và Canada. Vì chỉ là sơ thảo cho nên không hoàn toàn đầy đủ về mọi mặt. Công trình hoàn chỉnh đã được Michelle Spuler biên tập về Phật giáo tại châu Úc, hiện hành trên mạng máy tính toàn cầu tại địa chỉ: <http://www.vuw.ac.nz/religion/spuler/biblio.htm>; còn chính Martin Baumann thì biên tập về Phật giáo tại châu Âu cho website: <http://www.rewi.uni-hannover.de/for.htm>. Ở trong thư tịch về American Buddhism này, chỉ có các sách và tiểu luận quan trọng, có giá trị, được liệt dẫn mà thôi. Trong đó, thỉnh thoảng có thêm thắt một vài nhận định hay ký sự của một số người có tiếng, hoặc hướng dẫn tham khảo vào trong mạng, băng videos và phim ảnh về Phật giáo Mỹ quốc.

            Quyển thư tịch này được chia làm 3 phần: phần 1, liệt dẫn những nghiên cứu tổng quát về hiện trạng Phật giáo Bắc Mỹ; phần 2, mô tả nền Phật giáo này theo truyền thống và tông phái; phần 3, nêu lên những vấn đề còn bị bế tắc trong tiến trình lịch sử và hội nhập của Phật giáo vào xã hội Mỹ.

            Tác giả đã ghi nhận rằng đây chỉ là một sơ thảo, để đo lường mức độ nhu cầu cũng như ảnh hưởng của một thư tịch chuyên đề như thế này, và kêu gọi những người chú ý đến vấn đề này đóng góp để sách được hoàn chỉnh, lần sau.

http://www.buddhismtoday.com/viet/diemsach/3quyensach.htm

 


Vào mạng: 1-5-2002

Trở về mục "Điểm sách"

Đầu trang