Trang tiếng Anh

      Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt

   

...... ... .  . .  .  .
PHÊ BÌNH
KÝ SỰ HÀNH HƯƠNG ĐẤT PHẬT
Thích Nhật Từ

Chương VI
Đạo Lý của các Tông Phái Nhà Phật

 

1. Ý nghĩa của chữ độ: Ông Phan Thiết viết "Phạn ngữ độ là ‘paramitas’ [sic, paaramiitaa] có nghĩa là kẻ đưa đò qua sông. Đấy là hình ảnh của hành giả dùng Phật pháp như chiếc đò qua bến mê" (I. 134). Đây là ngộ nhận đáng tiếc. Thực ra, paaramiitaa hay còn viết là paaramii có nghĩa là "sự trọn vẹn, hoàn hảo (completeness), tuyệt hảo (perfection), hay trạng thái cao nhất (highest stage)." Nó không có nghĩa kẻ đưa đò sang sông như ông Phan Thiết đã nhầm. Một từ khác có sự liên hệ với paaramiitaapaara"m, có nghĩa là "bờ bên kia" tượng trưng cho trạng thái an lạc, giải thoát. Paara"m thường được dụ cho niết-bàn (nibbaana // nirvaa.na) và paaramiitaa là phương tiện, là cách thức để vượt sang bờ bên kia đó, tức là phương tiện để đạt niết-bàn hay giải thoát. Lộ trình vượt sang bờ giải thoát như vậy thường được gọi là "paara"m gacchati." Người Trung Quốc dịch chữ paaramiitaa thành chữ "độ" với nghĩa bóng hơn là nghĩa đen, nhằm ám chỉ cho các phương pháp tu tập được Phật dạy trong Kinh như những công cụ "toàn hảo" giúp chúng sanh vượt sang bờ giải thoát. Trong tiếng Anh, chữ "save" có nghĩa là cứu vớt, cứu giúp, khác hẳn với nghĩa của chữ paaramiitaa trong Paali và Sanskrit, và do đó, nếu dùng chữ này để dịch paaramiitaa thì sẽ dễ dẫn đến sự hiểu lầm cho rằng giải thoát trong Phật giáo là một quá trình được cứu vớt, và do đó dễ nhầm lẫn với từ cứu chuộc (redeem) trong Ky-tô giáo.

Trong văn học Phật giáo Sanskrit, paaramiitaa có 6 loại, thường được dịch trong Hán Việt là lục độ hay lục ba-la-mật (S. .saa.dpaaramitaa). Lục độ là (1) bố thí ba-la-mật (S. daanapaaramitaa), 2. Giới ba-la-mật (S. siilapaaramitaa), 3. Kiên trì ba-la-mật (k.saantipaaramitaa), 4. Tinh tiến ba-la-mật (viiryapaaramitaa), 5. Thiền định ba-la-mật (dhyaanapaaramitaa) và 6. Trí huệ ba-la-mật (praj~naapaaramitaa). Trong văn học Phật giáo Paali, ngoài lục độ ra còn có 4 độ nữa, tổng cộng là 10 độ. Các ba-la-mật này được xem là các phương tiện đưa người sang bờ ni?t-bàn, bằng sự tự nỗ lực tu tập của từng cá nhân, một cách toàn hảo.

2. Khái niệm "vô độ": khi trình bày về ý nghĩa chữ "độ" trong Phật giáo, ông Phan Thiết đưa ra một khái niệm hoàn toàn tự bịa để bóp méo giáo pháp của Phật, đó là chữ "vô độ." Ông cho rằng "Pháp tính thường hằng bất biến [sic] và vì pháp tính là luật nên sự độ trở thành vô nghĩa" (I. 135). Sai lầm này là do ông Phan Thiết hiểu sai ý nghĩa chữ độ và chữ pháp tính trong Phật giáo. Độ với ý nghĩa vừa trình bày ở trên là sự thực hiện toàn thiện về tâm rộng lượng giúp người, về phát triển đạo đức, về sự kiên trì trong tu tập, về nỗ lực, về thiền định và về trí tuệ. Độ như vậy luôn luôn có giá trị đạo đức và ý nghĩa tu tập cho từng cá nhân. Kế đến khái niệm pháp tính (dhammataa) không phải là thường hằng bất biến mà là duyên sinh, vô thường và vô ngã, không thực thể.

3. Sai về tự đo: ý nghĩa của chữ độ trong Phật giáo là "Tự độ." Hay nói đúng hơn, sự toàn thiện đời sống đạo đức, trí tuệ luôn là sự nỗ lực của từng cá nhân, trên cơ sở giáo pháp chỉ đường của đức Phật. Để cố tình giải thích sai chữ tự độ, nhằm xúi giục người Phật tử từ bỏ Phật như vị thầy chỉ đường, từ bỏ giáo pháp của ngài như con đường, và từ bỏ tăng đoàn tức những người hổ trợ chúng ta trên đường tu học, ông Phan Thiết viết sai lệch như sau: "tam thế có biết bao nhiêu Phật, biết theo thầy nào? Cũng có thể chẳng cần theo thầy nào cả. Ví như Bồ-đề-đạt-ma chủ trương vô kinh sách [sic], theo pháp ‘vô vi’ [sic] bỏ luôn Phật pháp tăng [sic], rồi ngồi diện bích 9 năm sau cũng đắc quả" (I. 135). Ý đồ này của ông Phan Thiết thể hiện rõ hơn ở câu sau đây: "Theo tôi không nên dùng chữ sect, cult, order . . . để dịch chữ tông phái. Chữ Buddhist là kẻ theo đạo Phật rất giầu ý nghĩa vì mỗi người theo Phật đều có thể là một tông phái: Bát vạn thiên tư pháp môn, vô lượng tông phái [sic]" (I. 134).

4. Quy kết sai lầm: ông Phan Thiết còn cho rằng đạo Phật cóp-pi Bà-la-môn: "Các học giả đạo Phật trong Thượng Tọa bộ nương theo triết học và thần học ấy [Bà-la-môn và sáu phái triết học] mà xây dựng Phật học [sic] . . . Đại chúng bộ chạy theo thần thoại trong tân kinh điển Bà-la-môn là bộ luật Manu [sic], cổ tích Purana, anh hùng ca Mahabharata xây dựng Phật Thích-ca, các đức Phật và thế giới quan thần thoại" (I. 137). Cách chụp mũ không có cơ sở này của ông Phan Thiết là mục tiêu chính của ông trong toàn bộ tác phẩm này. Người viết đã nhiều lần chứng minh sự sai lầm của nó, nên ở đây không lập lại.

5. Khái niệm pháp tính: Trước nhất xin nêu ra sự ngụy biện mâu thuẫn của ông Phan Thiết nhằm làm cho người đọc lẫn lộn đạo Phật với Bà-la-môn. Ông bảo "Nét căn bản của thần học Bà-la-môn và Phật học chung nhau pháp tính và rất giống nhau ở cứu cánh: Đại Hồn (Bà-la-môn), Phật tính (đạo Phật)" (I. 137, d.19-21). Câu này hoàn toàn mâu thuẫn với câu sau đây: "có một bản thể thường hằng chi phối không? Đạo Bà-la-môn trả lời là có. Nó là cái pháp (dharma, dhamma). Pháp là cái luật thường hằng bất biến, qui luật muôn thủa. Phật Tổ im lặng về cái pháp tổng quát này" (I. 137, d.27-30). Rõ ràng ông Phan Thiết là một kẻ ngụy biện. Kế đến, khái niệm pháp mà ông Phan Thiết trình bày đó là của đạo Phật chứ không phải của Bà-la-môn. Ông lấy của đạo Phật rồi gán tên cho nó là của đạo Bà-la-môn để kết luận đạo Phật không có đề cập đến, thì quả thật là trò chơi gian lận.

a. Ông Phan Thiết lẫn lộn hai khái niệm "pháp" (dhamma // dharma) và "pháp tính" (dhammataa). Chữ pháp (dhamma) có 16 nghĩa trong văn học Paali: (I) lời dạy của Phật, (ii) bản chất, (iii) trí tuệ, (iv) công lý, (v) chân lý, (iv) điều kiện hay trạng thái căn bản, (vii) hành vi công đức, (viii) lãnh vực kiến thức, (ix) đức tính, (x) định, (xi) vô ngã, (xii) giới khoản trong luật, (xiii) nguyên nhân, (xiv) mọi sự vật hiện tượng, (xv) duyên khởi, (xvi) niết-bàn. Chữ pháp tính dhammataa được kết hợp bởi chữ dhamma và tiếp vĩ ngữ taa, và có nghĩa là "bản chất" hay "tính chất" của sự vật. Nó còn mang nghĩa như "tự nhiên, thông thường" (natural, normal, regular), hay "nó là như vậy" (it is so) hay "nó diễn ra như vậy" (it happens so). Ví dụ, dhammataa esaa có nghĩa là "đây là cách thức," mệnh đề esaa Buddhaana dhammataa có nghĩa là "đây là cách thức hay con đường của chư Phật." (A. II. 21; S. I. 140). Nói cách khác, pháp tính " (dhammataa) và tính chất của các sự vật, hay pháp (dhamma). Pháp tính hay tính chất của mọi sự vật theo kinh điển Paali là vô thường, vô ngã và duyên khởi. Về phương diện thời gian, mọi sự vật vô thường. Về phương diện không gian hay vật lý, mọi sự vật vô ngã và chỉ là tổ hợp của nhiều yếu tố. Nguyên lý phổ quát này bất di, bất dịch, tồn tại như chân lý khách quan: "Dù cho các đức Phật có ra đời hay không, thiết chế này của thế giới, tình trạng của các sự vật và tính tương thuộc của các sự vật vẫn là như vậy" [S. II. 25-6]. Do đó, chữ pháp và pháp tính trong Phật giáo không bao giờ đồng nghĩa, như ông Phan Thiết đã sai lầm, với "thần tính của Brahma" (I. 138, d.8). Ông Phan Thiết sai lầm hơn khi viết rằng "Ai tới được pháp ấy là nhập pháp giới tức thành Phật" (I. 138, d.16-7).

b. Cũng trong phần này, ông Phan Thiết còn sai lầm khi viết rằng "Con đường thành Phật trải qua quá trình tam bảo. . . Muốn giải thoát khỏi luân hồi phải qua cái cửa là tăng" (I. 138), hay "những ai muốn chọn con đường giải thoát của ngài [Phật Thích-ca] phải qua cái cửa là tăng già" (I. 121, d.22). Hai sơ đồ tu tập giải thoát (I. 138-9) do ông tự bịa ra hoàn toàn không có trong kinh điển Phật giáo.

c. Ông Phan Thiết sai lầm khi cho rằng (i) brahman đồng nghĩa với Phật tính; và khả năng giác ngộ của chúng sinh để thành Phật là ngã tính; (ii) Phật là pháp và pháp cũng là Phật, (iii) Phật cũng chính là Phạm thiên (I. 139). Sai lầm thứ nhất do không hiểu rõ nghĩa của chữ brahman và Phật tính. Sai lầm thứ hai do hiểu sai nghĩa câu: "ai thấy duyên khởi (pa.ticcasamuppaada) là thấy pháp (dhamma)" (M. I. 190-1). Sai lầm thứ ba là do không hiểu được các khái niệm bầu cũ rượu mới trong văn học Phật giáo.

d. Không có gì sai với tinh thần Phật dạy khi "sự độ [với nghĩa sự toàn hảo về phương diện đạo đức và trí tuệ] là phá hủy nghiệp, thay đổi nghiệp" (I. 140). Và sự độ với ý nghĩa như vậy không có gì là "trái hẳn với qui luật của pháp tính" (I. 140), mà trái lại, nó là hiện tượng rất tự nhiên: có nỗ lực trau dồi đạo đức và trí tuệ thì chắc chắn cải tạo được nghiệp xấu ác, trở thành thánh thiện, an lạc, giải thoát, niết-bàn.

6. Các sai lầm ở phần Phật giáo Tiểu thừa (I. 141-4)

a. Ý chí tự do: Khái niệm này không phải là sản phẩm riêng của triết học phương Tây. Trong Phật giáo có khái niệm cetanaa cũng mang ý nghĩa tương tự. Cetanaa là danh động từ của ceteti có nghĩa là suy nghĩ liên hệ đến hành động. Nó còn có nghĩa là chủ ý, tác ý, ý chí, thiên hướng, động cơ. Nó mang tính chất trung tính về đạo đức. Ông Phan Thiết sai lầm khi cho nó "Cũng là một cái vô minh, một cái dục tốt" (I. 142, d.1). Nó không phải là vô minh, nếu chủ đích của nó hướng tới đạo đ?c và trí tuệ, và trong trường hợp này, nó là một ý chí tốt.

b. Sai thuật ngữ: tư-đà-hàm, ông Phan Thiết viết sai thành tu-đà-hàm (I. 142, d.14), "Chúng thiện phụng hành" mà ông Phan Thiết viết sai thành "chung thiện phùng hành" (I. 142, d.18), ỷ ngữ là nói thêm thắt, thêu dệt mà ông bảo là "nói bá láp" (I. 142, d.30).

c. Các sai lầm khác: Ngay khi Phật còn sống, giới luật Phật giáo chia làm 2 loại: loại dành cho người tu và loại dành cho người tại gia, có gia đình. Giới cho các vị tỳ-kheo là 250 giới và 348 giới cho tỳ-kheo ni, giới cho sa-di là 10, giới cho cư sĩ tại gia là 5 giới và 8 giới. Vì không biết các điều sơ đẳng này nên ông Phan Thiết đã viết bậy bạ sau đây: "Sau khi Phật nhập diệt, mối đạo bành trướng dưới triều đại Asoka, giới luật nới rộng cho cả kẻ không xuất gia với chiết giảm ít nhiều [sic]. Giới luật cho tỳ-kheo nam và nữ khác nhau và có khoảng 250 điều [sic]. Ưu bà tắc, ưu bà di (không xuất gia) chỉ cần giữ ngũ giới, Sa-di (tu tập) giữ 8 giới [sic]" (I. 143).

7. Các sai lầm ở phần Phật giáo Đại Thừa (I. 144-6)

a. Ông Phan Thiết lập lại quan điểm sai lầm rằng đại thừa "chạy theo triết học và thần thoại đương thời viết ra các kinh đại thừa" (I.144, d.18-9). Ông tỏ ra sai lầm nghiêm trọng hơn khi cho rằng giáo lý nguyên thủy không có ý nghĩa độ sinh, tinh thần giác tha (I. 144, d.23-4).

b. Ông Phan Thiết không phân biệt được sự khác nhau giữa Phật, người thành lập đạo giải thoát, với Pháp tức lời dạy về giải thoát của Phật, với Tăng tức cộng đồng tu tập giải thoát theo sự hướng dẫn của Phật thông qua giáo pháp của ngài. Ông viết: "Phật Tổ và tăng già theo Phật đều là những "pháp" đã giải thoát, đạt quả vị niết-bàn" (I. 144, d.25-6).

c. Trong kinh điển Phật giáo đại thừa không hề có câu nào ghi rằng "Phật Thích-ca là ngón tay chỉ mặt trăng" (I. 145, d.28), như ông Phan Thiết cố tình viết trật, để đề cao ý nghĩa chuộc tội ảo tưởng và bất thật của Jesus. Ông viết "Phật Thích-ca là ngón tay chỉ mặt trăng. Thấy trăng rồi thì ngón tay vô dụng, còn Jesus vừa là ngón tay vừa là mặt trăng" (d. 28-9). Kinh Viên Giác chỉ so sánh những lời dạy của đức Phật trong kinh điển Phật giáo như ngón tay chỉ, để nhìn thấy được mặt trăng. Đức Phật nào có ví mình như ngón tay. Nguyên văn câu đó như sau "Nhất thiết tu-đa-la giáo như tiêu nguyệt chỉ" nghĩa là "tất cả các lời dạy [của tôi, tức Phật Thích-ca] cũng như ngón tay chỉ mặt trăng mà thôi" cốt để nhắc những người học Phật rằng đừng cho rằng hiểu kinh điển là chân lý tối hậu, mà phải thực hành và chứng đắc được nó. Bởi lẽ, cái biết chỉ đem lại giá trị "kiến thức" trong khi các "thực hành và chứng đắc" mang lại giá trị đạo đức và giải thoát khổ đau. Đức Phật muốn nhắc mọi người rằng đừng ngộ nhận và đồng hóa "những gì được dùng để mô tả chân lý" với "bản thân của chân lý."

d. Ông Phan Thiết cũng còn sai lầm khi đồng hóa khái niệm "Vô minh" của Phật giáo với khái niệm "Tội tổ tông" của Ky-tô giáo, và cho rằng cứu chuộc của Ky-tô giáo có giá trị hơn cách cứu độ bằng giáo pháp của Phật Thích-ca. Ông còn ngông cuồng bảo rằng Jesus vừa là ngón tay vừa là mặt trăng trong khi đức Phật chỉ là ngón tay (I. 145). Thứ nhất, khái niệm tội tổ tông không có thực, mà chỉ do óc tưởng tượng của những nhà thần học Ky-tô giáo nhằm thánh hóa cái chết của chúa Jesus trên cây thập ác. Thay vì nói ông chết vì tội tuyên truyền một học thuyết trái với đạo Do Thái, các nhà thần học bảo ông chết để chuộc tội tổ tông. Tội tổ tông vốn không có, sự chuộc tội của Jesus, do đó, cũng không có. Vô minh trái lại là trạng thái tâm thức mê mờ không nhận chân được lý duyên khởi, nguyên lý vô thường và vô ngã của các sự vật hiện tượng, cũng như không nhìn thấy có con đường giải thoát và niết-bàn. Kế đến, tinh thần cứu độ của đức Phật thật là cao thượng, nhân bản, thiết thực, vì nó nhằm chỉ ra cái vô minh đang ngự trị trong mỗi con người và chính mỗi con người phải tự xóa bỏ nó bằng cách thực hành thiền định và phát triển trí tuệ mà đức Phật đã giảng dạy.


Lời giới thiệu| 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 |

 


Cập nhật: 27-4-2000

Trở về thư mục "Điểm sách"

Đầu trang