Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt    

   

...... ... ..  . ..  .  .
HAI KHUÔN MẶT TÂM THỨC
Nguyên tác Tây Tạng: Lama Gendun Rinpoche
Dịch sang tiếng Anh: Anila Rinchen Palmo
Việt dịch: Lục Thạch

3

CHUYỂN HÓA CÁC CẢM XÚC

            Khi chúng ta có lối cư xử tốt và làm nhiều việc tốt thì những công đức được tích lũy qua thời gian này sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ tới tâm chúng ta; chúng ta bắt đầu cảm thấy mình ý thức về các sự việc nhiều hơn; tâm của chúng ta thoát dần dần sự u mê; cảm giác phát triển thành trực giác thuần túy

            Nếu chúng ta thường xuyên hành thiền thì dấu hiệu đầu tiên của giai đoạn phát triển tâm linh mới này sẽ là kinh nghiệm tánh không. Thế gian có vẻ không vững chắc, không có cái gì cố định hay thường tồn như trước nữa, nhưng tất cả đều có vẽ hoàn toàn tự nhiên, không có cảm giác xa lạ nào.Nếu bản ngã của chúng ta sẳn sàng lìa bỏ ý niệm cụ thể về thế gian, thì sự trong sáng của tâm trong khi tham thiền sẽ gia tăng, "cảm giác" sẽ biến dần chỉ còn lại tâm trong sáng.

            Đây chính là loại môi trường, mà trong đó chúng ta có thể tập nhìn vào thật tánh của cái mà chúng ta vẫn gọi là "cảm xúc". Dùng sự trong sáng mới đạt được của mình như một ngọn đèn pha, chúng ta sẽ thấy các cảm xúc chính là lực trí huệ. Ngay trong khoảnh khắc khám phá đầu tiên sự thực phía sau chiếc mặt nạ bản ngã là sự rối loạn cảm xúc được phá hủy và trong một phần của giây chúng ta nhận biết trí huệ. Khoảnh khắc này sẽ qua đi nhưng chúng ta ghi nhớ nó và chúng ta tự biến đổi, thái độ của chúng ta đối với các cảm xúc của mình sẽ hoàn toàn khác trước.

            Nhưng trước khi khoảnh khắc này xuất hiện, sẽ có nhiều nổ lực tìm hiểu các cảm xúc, một số nổ lực này sẽ không thành công, một số nổ lực khác tự cho thấy là sai lầm sau khi một thời gian đã trôi qua, thường là nhờ vào sự hướng dẫn của một người có kinh nghiệm. Trước khi sự trong sáng thật sự xuất hiện, chúng ta ta có tham vọng thấy cảm xúc là một cái gì khác thì chúng ta sẽ bị lạc hướng.

            Cũng như trong việc ứng dụng các pháp đối trị, những giai đoạn đầu của việc thực hành được xếp đặt để có thể đạt sự trong sáng cao độ. Đây là pháp minh sát quán một thành phần của đạo pháp truyền thống, được đăït ra cho những người tu tập, với môn thiền quán không chính thức, tâm quán chiếu tánh chất thật của chính tâm.

            Những người dùng pháp quán tưởng hình ảnh phổ quát có một pháp đặc biệt hoà tan trong tâm, thế giới cụ thể vào chân không và tưởng tượng năm cảm xúc là năm phương tiện phổ quát của tâm trí đã giác ngộ. Những việc quán tưởng này được dùng để tái luyện tâm trí cho một tri kiến về sự vật vốn đã mất khi bản ngã nắm quyền kiểm soát. Chagme Rinpoche gọi việc này là chuyển hóa cảm xúc, và xếp vào một phần riêng trước khi xét tới nhận thức trực tiếp của tâm dùng chính sự trong sáng nội tại của nó.

                1.- Làm cho các cảm xúc biến mất bằng quán tưởng

                     Ngay khi một cảm xúc độc hại nào xuất hiện trong tâm, hãy niệm chú Sobhawa và nghĩ rằng mọi vật đều tan biến vào chân không, tưởng tượng năm cảm xúc độc hại trong tâm, hoặc chính các cảm xúc hoặc mầm mống của chúng, trở thành năm vị Phật Thiền (Ngũ Phật Thiền Định), là những hình ảnh phổ quát tượng trưng cho năng lực đã được thanh tịnh của năm cảm xúc. Quán tưởng thật rõ ràng sự tức giận của mình biến thành hình dạng Dorje Sempa (Vajrasattva, Kim Cương Tát Đỏa). sự kiêu ngạo của mình hóa thành Ratnasambhava (Phật Bảo Sinh), sự tham dục là Phật A Di Đà, sự ganh tị biến thành Amoghasiddhi (Phật Bất Không Thành Tựu) và sự si mê biến thành hình dạng Vairocana (Tì Lô Giá Na)

            Tưởng năm vị Phật này phát ra những tia sáng đầy vũ trụ. Những tia sáng này không chỉ thanh lọc tất cả những nghiệp xấu xa do năm độc trong mỗi người gây ra mà đồng thời còn thanh lọc chính những cảm xúc đó. Tâm thức của chúng sinh thoát mọi cảm xúc, do đó tiêu diệt mọi khả năng tái sinh vào bất cứ một trạng thái hiện hữu nào. Những tia sáng lại hòa tan vào hình các vị Phật, hình các vị Phật tan thành ánh sáng rồi mờ dần vào chân không.

            Chúng ta nên thực hành pháp thiền quán này mỗi khi một cảm xúc nào xuất hiện trong tâm, rồi nguyện như sau; "Từ kiếp này cho tới các kiếp sau của tôi, nguyện tất cả những người nào tiếp xúc với tôi qua việc trông thấy tôi; hay nghe tôi nói, hay nghĩ về tôi, sẽ thấy năm cảm xúc độc hại của họ được thanh lọc. Nguyện tôi đạt được khả năng thanh lọc này. Thêm nữa, khi tôi đạt giác ngộ, nguyện cõi Phật mà tôi phóng chiếu từ tâm sẽ không chứa một cảm xúc độc hại nào cả".

            Có thể nguyện thầm hay nguyện lớn tiếng khi thực hành môn thiền quán có hình tướng này để thanh lọc năm cảm xúc và làm cho chúng tan biến vào chân không.

                2.- Thần linh quán và các cảm xúc

                     Nền tảng của pháp thiền quán về vị thần Yidam (Bổn tôn) là như sau:

            Theo nghĩa tối hậu, vũ trụ như một cung điện thanh tịnh, là trụ xứ của chư vị thần linh. Tất cả chúng sinh ngự trong cung điện này đều đã là những vị thần Yidam từ lúc bắt đầu có thời gian. Quán tưởng cung điện này cùng các vị thần thật rõ ràng, và có ý thức về nó, sẽ hóa giải sự vô minh của chúng ta. Không thể có chuyện chúng ta phát sinh ái dục đối với các vị thần Yidam, chúng ta cũng không thể sân hận những vị thần được quán tưởng này. Nếu tất cả đều là thần linh trong sạch thì mọi người đều bình đẳng, vì vậy không có lý do gì để phân biệt kẻ hơn người kém. Ở đây không có chỗ cho kiêu ngạo hay ganh tị. Vậy, chúng ta thấy là với các pháp quán tưởng này, tất cả năm cảm xúc độc hại tự động chấm dứt.

            Vì vô minh, chúng ta không trông thấy tính chất thật của năm uẩn, hay năm nguyên tố tạo nên thể xác và tâm thức của chúng ta. Năm uẩn sắc, thọ, tưởng, hành, thức và những năng lực mà chúng tùy thuộc đã từ thời vô thủy chính là những năng lực hiển lộ như các vị Phật và người phối ngẫu của họ. Vì không biết như vậy, chúng ta tự coi mình chỉ là những con người bình thường, và chúng ta cảm nhận hoạt động của những năng lực này như những cảm xúc rắc rối xuất hiện thường xuyên trong tâm trí chúng ta.

            Thật ra những nguyên tố này và năng lực của chúng rất thanh tịnh. Trong thực tế năm cảm xúc độc hại chính là năm loại trí huệ. Sự khác biệt độc nhất giữa một cảm xúc và trí huệ tương ứng của nó là sự có ý thức hay không ý thức. Khi chúng ta có ý thức về tính chất thật của sự vật thì chúng ta trông thấy năm trí huệ, ngược lại chúng ta chỉ trông thấy năm cảm xúc độc hại và kinh nghiệm của chúng như năm cảm xúc độc hại. Vậy, điều quan trọng lànhận ra rằng, một cảm xúc không phải là một cái gì có tính chất bất tịnh, vấn đề chỉ đơn giản là chúng ta không biết tính chất thật của một cảm xúc: một trong năm trí huệ.

            Nếu chúng ta coi mình là một vị thần Yidam thanh tịnh mà trong lúc đó vẫn coi người khác là tầm thường và không trong sạch, thì đó chỉ là một hình thức kiêu ngạo. Đó là thái độ còn tiếp tục lệ thuộc tính ngã chấp, vì dù chúng ta đã sẳn sàng coi mình là thần linh, chúng ta vẫn tiếp tục khinh người khác là tầm thường với tất cả mọi lỗi lầm thông thường. Như vậy nhất định không phải là niềm kiêu hãnh thanh tịnh về tính chất thiêng liêng của mình. Mỗi khi chúng ta buông bỏ bản ngã, chúng ta có thể cảm nhận trí huệ nguyên thủy không có bản ngã, vì nó vượt lên trên bản ngã, là vô ngã. Đây là tâm đích thực của thần linh, và đối với tâm này không chỉ chúng ta là thần linh, mà mọi chúng sinh trong vũ trụ cũng là thần linh. Trong trạng thái ý thức thanh tịnh này, không có chỗ cho tham, sân, si, ganh tị và kiêu ngạo.

            Cách quán như vậy cũng áp dụng cho việc xét tính chất của năm cảm xúc độc hại được trình bày sơ lược ở phần kế tiếp.


Giới thiệu | chương 1 | chương 2 | chương 3 | chương 4 | chương 5

 


Vào mạng: 27-11-2001

Trở về mục "Đạo đức-Tâm lý học Phật giáo"

Đầu trang