Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .
NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN BIẾT KHI VÀO MIẾN ĐIỆN

Trước khi đi Miến, nhiều bạn bè nhờ người viết nên lượm lặt các thông tin liên hệ đến các trung tâm thiền học, hoặc các thủ tục cần thiết, để chia sẻ cho những ai cùng có hướng đi ấy, đỡ phải mất nhiều thời gian băn khoăn, lo ngại về  thủ tục xin visa, cách tổ chức, pháp môn về các trường thiền. Về cách tổ chức và pháp môn của mỗi thiền viện được trình bày trong các bài độc lập khác. Phần này chỉ trình bày những phần linh tinh mà trong các bài viết khác chưa trình bày được.

1. Xin Visa tại Ấn

Visa qua Miến nếu là du lịch, tham quan thì chính phủ Miến chỉ cho 28 ngày và sẽ có hiệu lực từ ngày mình đặt chân đến phi trường Miến. Mình có thể làm bất kỳ nơi nào có Đại Sứ Quán hoặc Tổng Lãnh Sự Quán Miến. Thông thường thì cách một ngày lấy. Số tiền khoảng 25 đô Mỹ. Thời gian từ ngày cấp cho đến ngày khởi hành đi Miến là 3 tháng. Theo cách ghi của người Miến, thời gian đó là thời gian visa được cấp, làm cho nhiều người không hiểu được họ muốn nói điều gì. Do đó, mình có thể làm sớm hơn, chứ không nhất thiết phải chờ gần tới ngày đi mới làm như visa của một số nước khác.

Điểm đặc biệt của đất nước này mà các nước khác không hề có, đó là cấp visa hành thiền (meditation visa). Muốn có được visa này, cần có giấy bảo lãnh (sponsorship letter) của các tổ chức tu thiền tại Miến. Các loại giấy bảo lãnh này có thể nhờ các vị đang tu tại các thiền viện hoặc Tăng Ni sinh đang học tu tại trường Đại Học Quốc Tế Truyền Bá Phật Giáo Nguyên Thuỷ (International Theravāda Buddhist Missionary University) xin giúp, hoặc có thể liên hệ trực tiếp các thiền viện qua hệ thống internet, nhờ các vị tổ chức tại bản viện gởi cho.

Lưu ý là dầu sau khi đã có giấy bảo lãnh rồi, nhưng ở tại Ấn Độ muốn được visa thiền định vẫn phải chờ xét duyệt tối thiểu từ 2 - 3 tháng. Theo họ nói, cơ quan sứ quán Miến sẽ gởi giấy tờ của đương sự đó về cơ quan hữu trách như sở di trú chẳng hạn và chờ giấy chấp thuận từ chính quyền trung ương, sau đó họ mới cấp cho. Tuy vậy, quyền quyết định tối cao vẫn là Đại Sứ. Mặc dầu mình xin visa thiền định, nhưng loại visa họ ghi vô hộ chiếu là Entry, nghĩa là visa vào, và chỉ được một lần vô thôi. Mặc dầu trên văn bản pháp lý, họ phân nhiều loại visa như là  thương mại, hội nghị, thiền định (và một số loại khác nữa) nhưng đều đóng là Entry cả. Thời gian  cho phép visa đó cũng chỉ 28 ngày kể từ ngày vào Miến Điện, nhưng điểm lợi là mình có thể gia hạn thêm. Phí tổn cho loại visa này cao hơn loại du lịch chút đỉnh, khoảng 30 đô. Sau khi mình vào các trung tâm thiền viện rồi, thủ tục còn lại các vị phụ trách văn phòng giúp hoàn toàn, mình không bị phân tâm cho việc giấy tờ nữa.

2. Làm Visa tại Việt Nam

Tại Việt Nam chỉ có một cơ quan đại diện của bộ ngoại giao Miến là Đại Sứ Quán đặt tại Hà Nội, không có Tổng Lãnh Sự đặt ở Sài Gòn như một vài nước khác, nên mọi thủ tục giấy tờ phải gởi ra Hà Nội để làm. Thông thường thì không cần đích thân ra làm visa, có thể gởi ai đó khi có người ra, hoặc gởi bưu điện theo dạng bảo đảm cũng được. Khi qua Miến, người viết được nhiều vị giới thiệu, cô Bình đang làm trong Sứ Quán Miến rất nhiệt tình và giúp đỡ rất nhiều người, đặc biệt Tăng Ni, liên hệ đến chuyện nhận và chuyển hộ chiếu, cũng như visa rất có thể được cấp trong thời gian sớm nhất.

3. Visa Miễn Phí (Gratis Visa)

Nếu khi làm visa thiền định, may mắn được giới chức của Sứ Quán đóng mộc Gratis vào thì chẳng những mình miễn đóng visa phí tại nước đó, mà tại Miến cũng có thể được miễn. Như đã nói “có thể”, nên dầu có một số trường hợp đã lấy được gratis visa, nhưng qua Miến vẫn phải đóng tiền khi gia hạn. Còn nếu mình ở tu viện để học thêm thì khi vị Thầy trụ trì viết đơn bảo lãnh cho mình, cũng nên ghi đầy đủ chi tiết visa mình loại gì. Có khi chỉ nhờ vài thông tin cần thiết mà mình rất có thể khỏi đóng visa phí cho năm đó ! Nên nhớ mang theo hình thẻ nhiều nhiều một chút. Làm thủ tục ở bất cứ trường thiền nào cũng phải nộp 9 tấm hình cả.

4. Làm Visa tại Singapore

Có lẽ cũng hữu ích cho những ai có duyên quá cảnh tại Singapore. Nếu muốn qua Miến, có thể xin visa tại đó thì tiện hơn. Cũng là meditation visa, nhưng tại Singapore họ cho 3 tháng, nhưng ở Thái hoặc các nước khác chỉ cho 28 ngày mà thôi. Như vậy, nếu mình tính ở đó thời gian ngắn trong vòng 2- 3 tháng, xin được visa tại Singapore, sẽ tiện cho mình không bị giam hộ chiếu tại Bộ Tôn Giáo hoặc Sở Di Trú để hoàn tất thủ tục hoặc phải đóng tiền thêm.

5. Gia Hạn

Thời gian gia hạn 3 tháng, 6 tháng hoặc 1 năm tuỳ mình. Nếu gia hạn 3 tháng, visa phí là 36 Mỹ kim, một năm 90 Mỹ kim. Các vị thiền sinh ở Miến cho biết, lúc trước nếu mình muốn ở lâu hơn một năm cũng không sao, sau khi hết một năm, các vị có thể gia hạn nữa. Nhưng lúc này tình hình thay đổi, hết một năm các vị phải ra khỏi Miến và xin vô lại.

Có một vài trường hợp mang visa du lịch (tourist visa), dự định viếng vài trung tâm thiền rồi đi nước khác, nhưng vì nhu cầu ở lại tu thiền nhân mùa an cư với đại chúng, nên nhờ các vị phụ trách visa ở thiền lâm Shwe-Oo-Min lên xin giúp. Quá khứ cho thấy một số trường hợp đã được gia hạn và đóng mộc là Meditation visa, và như vậy khỏi bể hạ nữa.

Nếu vì muốn học thêm Pāli hoặc Abhidhamma chẳng hạn, thì mình phải tự lo lấy, và gần như mọi cửa ngõ mình vào nộp hồ sơ  đều có chút đỉnh “gọi là” để các vị ấy giải quyết cho nhanh, bằng không thì trì hoãn mình sẽ trễ hạn, và mỗi ngày phải nộp 3 Mỹ kim vì trễ. May mắn là chỉ có Bộ Tôn Giáo và Sở Di Trú là hai cơ quan giải quyết chuyện này ! Ngay cả các trung tâm thiền viện khi làm giấy tờ giúp cho thiền sinh đôi lúc còn gặp phải trường hợp ấy. Chẳng hạn Thiền Lâm Pa-Auk[1] tại Mawlamyine (đọc là Mô-lăm-nhai), mỗi lần gởi hộ chiếu lên Yangon để gia hạn, các thiền sinh phải nộp trước từ 2 đến 3 tháng, nhưng khi hoàn tất giấy tờ, họ trả lại hộ chiếu, đôi khi đính kèm giấy báo nợ là 36 hay 69 Mỹ kim gì đó, vì đã nộp hồ sơ gia hạn trễ. Và cứ thế mà đóng tiền phạt, không thể kêu cứu và biện hộ nơi đâu được.

Có vị hỏi đất nước Miến theo truyền thống Phật giáo, mà tại sao lại nhận “tiền típ” hay nói đúng hơn là tiền hối lộ như tôi đã viết ở trên ? Đó là một đề tài hấp dẫn, mà người viết không trình bày ở đây, chỉ chia xẻ một chút những gì thấy nghe về vấn đề đó thôi. Mình cũng nên thông cảm cho giới chức bậc thấp của nhà nước, vì lương bổng rất thấp. Các thầy cô giáo dạy tại trường Đại học Phật giáo ở Yangon, một tháng chỉ được 10 Mỹ kim mà thôi. Các người lao công quét dọn Tăng hoặc Ni xá, nấu nướng, trồng cỏ, tỉa hoa, tưới nước, v.v… chỉ được ngày cơm 3 bữa đạm bạc và cộng thêm 3 Mỹ kim tiền lương cho mỗi tháng ! Lúc đầu tôi băn khoăn hỏi, tại sao họ sống được ? Nhưng dần dần rồi cũng tìm ra được chút manh mối, đời sống của họ thật đơn giản, nếu có điều kiện thì cho con cái ăn học, bằng không thì thôi; và cách nữa, nếu là công chức nhà nước như các cơ quan nói trên, là xin thêm tiền “tip” từ các người đến làm thủ tục giấy tờ, bằng không thì chịu nghèo vậy!

Trong thời gian visa đang được xét duyệt để gia hạn, mình khó có thể đi đó đây. Vì mỗi lần mua vé đi xa, có nơi phải nộp sáu bản copy hộ chiếu, và các chú đặc trách kiểm soát an ninh khu lộ đó đều xét hộ chiếu, visa của mình rất kỹ !

6. Ở Chùa Ngoài

Liên hệ đến những vị muốn học thêm Pāli, Abhidhamma thì cần phải nương nhờ một tu viện nào đó để đăng ký và gia hạn visa. Việc này mình phải nhờ vào các vị đã từng ở Miến tu học có chút quen biết, uy tín giới thiệu, và nhờ các vị trụ trì viết giấy giới thiệu để gia hạn visa như mình muốn.

Tiền cúng dường để vị trụ trì chi trả điện nước, hư hao, v.v… cho nơi chư Ni thường ở khoảng 20 Mỹ kim mỗi tháng, và mình tự lo cơm nước lấy. Thật ra, hệ thống điện nước tại các tự viện Miến, được các vị học ở Miến nói lại, nhà nước cung cấp miễn phí cả, nhưng mình cúng dường như vậy vẫn là điều quý để duy trì các cơ sở đã xây dựng rồi.

Có một tu viện Tăng nuôi rất đông Tăng chúng, đặc biệt là các vị Sa-di nhỏ tuổi, và còn mở  các lớp dạy thiện nguyện bảy ngôn ngữ cho những sinh viên nghèo không có điều kiện đến các trung tâm ngoại ngữ học. Chư Tăng ở đó có thể đóng 30 Mỹ kim cho phòng ở và bao luôn cơm nước sáng trưa. Nếu mình ăn chay thì các vị phụ trách nhà bếp sẽ đáp ứng mình như nguyện. Các Sư học ở Miến cho rằng, tu viện đó mình có thể xin tạm trú được, nhưng hơi ồn một chút. Muốn ở thì phải đăng ký trước một tháng và phải được sự đồng ý của Hoà thượng trụ trì trước. Chư Tăng trú ngụ ở đó cũng vất vả chuyện thiếu hụt nước. Một vài Sư học ở trường Đại học Phật giáo gần đó qua phụ trách một vài môn như tiếng Pháp, tiếng Anh.

7. Thực Phẩm

Mọi thức ăn ở Việt Nam hầu như đều có ở Miến cả. Rất nhiều món ngoại nhập, gần như không món nào không có. Giá cả cũng vừa phải, có lẽ là tương đương với Việt Nam. Tuy nhiên, cũng  có một số món và trái cây quá mắc, ví dụ, táo (bom) hơi lớn một chút bán tại siêu thị hơn nửa Mỹ kim một cái. Thực phẩm tại thiền viện, người viết đã trình bày trong các bài nói về các thiền viện nên không lập lại ở đây.

8. Chuyển Ngân

 Ở Miến, Mỹ kim và Euro mới đổi được mà thôi. Các loại tiền tệ khác như Canada, Úc, bảng Anh, …. đều không đổi được. Ở đó, không có hệ thống chuyển tiền như Western Union, Money Grams như các nước khác. Các loại gởi khác như cheque, money order, hoặc chuyển thẳng vô trương mục đều không được. Các Tăng Ni sinh, thiền sinh ở Miến đều phải chuẩn bị mọi thứ trước cả, hoặc nhờ thân hữu từ các nước gởi cho khi có người qua Miến. Các chi phí trả tại phi trường khi rời Miến, khi đóng tiền gia hạn visa, khi gọi điện thoại ra nước ngoài đều phải chi trả bằng Mỹ kim cả.

9. E-mail

Tại các thiền viện kiểm tra mail không thể được, ngoại trừ khi có việc cần thiết lắm, và việc đó thực hiện được khi thiền viện đó có hệ thống internet, ví dụ Pa-Auk hoặc Shwe Oo Min. Mạng yahoo và hotmail (và có lẽ một số mạng khác nữa) không mở trực tiếp được mà phải thông qua cổng: www.bypass.ds4a.com. Một giờ trả gần một đô.

10. Điện Thoại

Rất ít người sử dụng mobile phone, chỉ có giới thương gia giàu có mới đủ điều kiện để xài. Mỗi người sử dụng di động phải đóng tiền bảo hiểm hay loại phí gì đó cho chính phủ hai ngàn (2.000) đô Mỹ. Vị nào có điện thoại di động quả là rất giàu! Muốn gọi điện thoại để báo tin hoặc thăm viếng phải vào bưu điện để gọi và cước phí rất cao. Hoàn toàn không có hệ thống gọi công cộng đi nước ngoài như Ấn Độ, Thái Lan hoặc các nước khác. Gọi qua Mỹ: 5 đô mỗi phút; tương tự cho Việt Nam: 3 đô; qua Ấn: 3 đô. Từ 3 nước tiêu biểu trên cũng đủ để hình dung sự đắc đỏ khi gọi các nước khác như thế nào!

11. Thời Gian Ở  Các Thiền Viện

Các thiền viện không ghi cụ thể vấn đề này, gần như không có giới hạn. Duy chỉ có Thiền viện Shwe Oo Min có đề cập vấn đề này, ghi rằng thiền sinh chỉ được ở tối đa một năm. Sau khi ra ngoài một thời gian rồi thì thiền sinh có thể xin vô trở lại. Điều đó thiết nghĩ cũng hữu ích cho thiền sinh. Thứ nhất, sau một thời gian tu lâu như vậy, thiền sinh ra ngoài tiếp xúc trần cảnh mới thấy thực sự hiện nay tâm thức của mình ở mức độ nào, chánh niệm và tỉnh giác được thiết lập thật sự chưa ? Tâm mình có còn tham sân si như lúc trước hay là đã giảm thiểu một phần nào ? Thứ hai, việc đi đó đây ấy cũng giúp thiền sinh mở rộng kiến văn, tầm nhìn về Phật Pháp tại xứ Miến, sự linh động hay cứng nhắc của mỗi Thiền Sư về pháp hành. Thứ ba, giúp hành giả đánh giá đúng mức hơn về ân đức che chở của một thiền viện mà mình đã ở quá lâu, đôi lúc chính mình lại quên đi !

Có nhiều thiền sinh ở tại Shwe Oo Min khá lâu. Có lẽ các vị ấy có điều kiện tự thân hỗ trợ hoặc kêu gọi Phật tử  hỗ trợ thiền viện, hoặc đóng góp về mặt chuyển ngữ cho các thiền sinh không biết tiếng Anh, hoặc phụ trách công tác viết giáo tài như Miến - Triều (tiếng Hàn quốc), hoặc biên tập các bài pháp tiếng Miến, tiếng Anh  để hỗ trợ thiền sinh, hoặc giúp các tân thiền sinh đi vào nề nếp ăn ở, thời khoá, v.v… Tuy nhiên, theo thiển kiến của người viết, ở một nơi nào quá lâu rất dễ sanh nghiệp chướng, như kiêu mạn, tự cho mình đi đúng đường, mình tu có công phu hơn, pháp mình đang hành là tối thượng, v.v…

12. Thay Đổi Trường Thiền

 Nếu mình đã tu một nơi nào đó, phát hiện rằng môi trường, hoàn cảnh không phù hợp với thể chất, hoặc pháp môn không phù hợp với căn tánh của mình, nên sự chuyển hoá nội tâm gần như không thấy, vậy có nên thay đổi trường thiền không ? Các vị Thiền Sư có đồng ý cho mình thay đổi không ? Trên nguyên tắc là không được, vì trong thời gian mình ở tại thiền viện thì hồ sơ của mình đã được gởi lên Bộ Tôn Giáo Chính Phủ và Sở Di Trú để đăng ký, nên việc chuyên thiền viện gần như không hợp pháp. Cách tốt nhất là mỗi nơi ở thử vài tháng, nhất là ở Yangon, khi mọi thủ tục giấy tờ có thể làm nhanh hơn. Nếu thấy phù hợp, khi gần hết hạn mình có thể gia hạn thêm cũng không sao. Hoặc khi gần hết hạn mình có thể xin ra ngoài và vào thiền viện khác, và từ đó mình làm lại thủ tục mới.

Cũng có một số trường hợp dường như bị kẹt, khi xin giấy bảo lãnh từ một thiền viện nào đó, và đã cam kết rằng những ngày tháng tại Miến các vị sẽ ở đó, bây giờ xin đến một thiền viện khác, vị Thượng toạ Trụ trì hoặc vị phụ trách văn phòng gần như không muốn, hoặc vị Phật tử phát tâm hỗ trợ cho chuyến tu học ấy không muốn, nên việc đến thiền viện khác để học pháp cũng bị trở ngại. Có lẽ cũng nên biết rõ hơn, vị Thầy hướng dẫn thiền tập, nhiều nơi chưa hẳn là trụ trì và không phụ trách văn phòng, nên mới hẹp hòi như vậy. Có một số vị khéo léo nên đã chuyển thiền viện dễ dàng, mỗi nơi ở lâu mau tuỳ theo mình, học được rất nhiều điều hay của các vị Thầy hướng dẫn, hoặc những kinh nghiệm quý báu từ các bạn đồng tu, và cả cách tổ chức nữa.

13. Thời Tiết

 Có 3 mùa khá rõ rệt. Mùa nóng từ tháng 3 đến tháng 5 dương lịch. Mùa mưa từ tháng 6 đến tháng 10. Mùa lạnh từ tháng 11  đến tháng 2. Vào mùa an cư, từ 15 - 6 đến 15 - 9 âm lịch, đúng nghĩa là “vũ an cư” vì  mưa thật nhiều vào mùa đó. Chư Tăng, thiền sinh đi  thọ trai, lên thiền đường, v.v... đều phải có dù.  Khí hậu vào mùa hè từ tháng 3 đến 6 cũng khá nóng ở khu vực Yangon và các vùng lân cận, nhưng có lẽ không nóng bằng Ấn Độ. Mùa Đông gần như là mát, chứ cũng không lạnh như  Bắc Ấn. Và có một số vùng khá cao ở Miến, vào mùa hè một số vị lên các nơi ấy tịnh tu. Nguơì viết nghe các vị ở đó nói lại, khí hậu nơi ấy cũng mát như Đà Lạt vậy. Nói chung, khí hậu trung bình từ 15 – 40 độ C.

14. Tránh Đến Trường Thiền Trong Mùa An Cư

Sau mùa kiết hạ theo truyền thống Bắc truyền (15 – 07 âm lịch), rất có thể có nhiều Thầy, Cô Bắc Truyền hoặc các Sư Khất Sĩ qua đó xin vô tu tại các thiền viện. Một số vị Thiền Sư đồng ý ngay khi mình đến xin, nhưng cũng có một số vị không mấy hoan hỷ khi mình đến trong giai đoạn  an cư (15 / 06 – 15 / 09) dù rằng mình được ở lại. Bởi vì các vị cho rằng chư Tăng không biết luật, nên ngay từ phút đầu rất có thể có thành kiến với hành giả. Cũng nên lưu ý điều này khi đi dự các khoá tu hoặc tham quan đối với các nước theo truyền thống Theravāda.

Người viết đã đến Miến sau tháng 7 âm lịch và đều gặp phải trường hợp này hầu hết tại các thiền viện, dĩ nhiên là mức độ nặng nhẹ khác biệt. Dù cho thiền sinh có giải thích  rằng ở Việt Nam ngoại trừ các Sư theo truyền thống Nguyên Thuỷ, còn chư Tăng còn lại đều theo truyền thống Đại thừa nhập hạ từ  15 - 4 đến 16 - 7 âm lịch đi nữa, cũng chưa hẳn các vị thông cảm. Những lý do khác, như hết visa ở Ấn hay ở nước nào đó nên sẵn tiện qua đây tu thiền rồi xin visa trở lại các nước ấy là điều dường như không ai quan tâm. Cho nên, tốt nhất cố gắng sắp xếp qua trước 15 tháng 6 âm lịch để an cư luôn thể, và dĩ nhiên trong mùa an cư mà xin đi nơi khác là điều không nên, và sái với luật định nữa.

15. Một Số Đồ Cá Nhân Cần Mang Theo

Ở trường thiền Pa-Auk, y loại nào cũng đắp được, nhưng ở một vài nơi khác, các vị hay để ý đến y mình mặc. Đặc biệt các Sư Khất Sĩ  đắp y bá nạp, điều này cũng lạ đối với các vị. Y loại vải thô, rút mồ hôi, không nên vàng sáng quá là phù hợp nhất. Các loại y tơ rông, hơi sáng và láng một chút thật sự không phù hợp khi ở trong các rừng thiền. Không hợp bởi vì y tơ rông bận rất nóng, sáng quá không phù hợp với hạnh sống đơn giản thanh bần.

HT thiền chủ ở Pa-Auk chính thức không cho chư Tăng, Ni mặc y màu vàng sáng, đỏ, bởi vì thiền viện của Ngài ở trong rừng, y chư Tăng phải thiệp với màu của núi rừng, nên chư Tăng của thiền viện Ngài đều mặc y màu đà đen, giống với các nhà Sư Đại thừa ở một số nước. Các nước khác như Tích Lan, Lào, Cam-pu-chia, Việt Nam (Nam Tông và Khất Sĩ) đều có thể đắp y theo màu của nước đó, nhưng đừng sáng quá là được.

- Nếu không phải Đại thừa, chư Tăng nên mang bát theo là tốt nhất. Tại một vài trường thiền cũng có thể mượn bát, nhưng một số nơi không có bát dư. Tại thiền lâm Pa-Auk, thiền sinh có thể mượn gần như mọi thứ đều được, như: bát, toạ cụ, muỗng, ca, đèn bin, nhưng một số trường thiền khác vì không có dư, nên không thể mượn được.

- Ở Miến mọi chư Tăng đều cần toạ cụ cả. Thiền toạ trên thiền đường, thọ trai, đảnh lễ chư tôn đức đều cần dùng đến toạ cụ. Toạ cụ các vị Khất Sĩ Việt Nam cỡ nhỏ hơn Miến.

- Dép nên mang loại đơn giản nhất, như là dép lào hoặc dép cao su. Ở rừng thiền Pa-Auk gần như là mang dép lào cả. Ở các trường thiền khác chư Tăng Miến phần lớn mang dép dành cho chư Tăng, hoặc có thể mang dép theo ý mình muốn cũng được.

- Nguồn điện ở Miến 220 V. Nên mang theo đèn bin tự sạt, hoặc bin sạt, rất cần khi ở trong các rừng thiền.

- Dù che mưa nắng, đặc biệt rất cần trong mùa mưa. Ở Miến có vài kiểu dù vừa đẹp, chắc, mà lại không mắc lắm; có thể mua sau khi tới Miến.

- Đồng hồ báo thức.

- Nên mang mùng theo cho bảo đảm. Một số nơi không có đủ mùng cho thiền sinh.

- Mang theo các vật dụng cá nhân thường dùng như giấy toilet, xà phòng tắm, xà phòng giặt đồ, kem, bót đánh răng, v.v..

Tất cả những đồ trên đều có thể sắm tại Miến, ngoại trừ mùng.

16. Một Số Quy Định Chung

Ngoài Giới Bổn chư Tăng Ni tự giữ lấy. Mỗi thiền viện đều có một vài điều luật riêng. Các vị có thể tham khảo thêm khi tới mỗi chỗ. Tuy nhiên, đây là những điều gần như áp dụng cho mọi thiền viện. Nếu thiền sinh nào phạm phải một trong những điều quy định sau, lập tức yêu cầu rời khỏi thiền viện, hoặc được nhắc nhở:

- Chư Tăng, Ni và cư sĩ không được hút thuốc, uống các chất gây kích thích, gây say, gây hưng phấn. Không được nhai trầu hoặc bất cứ loại khác tương tự. 

- Khi có duyên sự ra ngoài, nhất là ở cách đêm, phải thưa với các vị chức sự hoặc trụ trì trong trường thiền.

- Các thiền sinh được khuyên là phải giữ im lặng (Noble silence), hạn chế nói chuyện tối đa. Điều này tuỳ thuộc vào khả năng tu tập của mỗi hành giả và tính nghiêm khắc của mỗi thiền viện.

- Luôn bày tỏ lòng tôn trọng đối với các vị ở cùng phòng.

- Luôn luôn giữ phòng sạch sẽ và gọn gàng.

- Cư sĩ nam không được mặc áo thun 3 lỗ, quần cụt. Nên mặc áo dài tay, quần ống dài hoặc xà-rông như Miến.

- Cư sĩ nữ không được mặc đồ mỏng, bó sát, khêu gợi, màu quá sáng; không được mặc áo không có tay, váy cụt.

- Không được chạy bộ hoặc tập thể dục ở các nơi trống trãi, gây ảnh hưởng đến các thiền sinh khác. Có thể tập thể dục tại phòng từ 10 – 15 phút.

- Trước khi đi phải  quét dọn phòng sạch sẽ, giặt giũ mùng, ra trải giường, v.v…  và trả lại cho văn phòng.

17. Tụng Giới và Thứ Bậc Tại Các Thiền Viện

Chư Tăng Đại Thừa và Khất Sĩ không được mời tụng Giới Bổn chung ở hầu hết các trường thiền. Ở thiền lâm Chanmyay vị Sư trù trì nghĩ rằng các Sư Khất Sĩ là Nguyên Thuỷ nên mời tụng giới chung. Nhưng nếu mình khai báo rõ ràng thì được nghỉ. Chư Ni tại Miến dầu một số thọ Tỳ-khưu-ni giới đến từ các nước có truyền thống Tỳ-kheo-ni vẫn bị xem như là các Sa-già-lê (tu nữ), nên hoàn toàn không có tụng đọc Giới Bổn gì cả. Về phần chư Ni bên ấy không ai quan tâm đến hạ lạp gì cả, dù rằng có vị Ni đã trình bày thứ bậc chư Ni trong Ni đoàn, nhưng các HT không vị nào quan tâm.

Nếu trường thiền có cả Tăng Ni và nam nữ cư sĩ tu chung một thiền đường, thọ thực cùng một trai đường, ví dụ thiền lâm Chanmyay,  thì chư Ni đều đi sau nam cư sĩ. Khi thọ trai trong cùng một trai đường, chư Ni ngồi phía dưới cư sĩ nam. Cho nên, chư Ni từ bất cứ truyền thống nào vào tu đều được, bận màu sắc gì cũng được (ngoại trừ thiền lâm Pa-Auk).

18. Trường thiền của Thiền Sư U Bakhin và N.S. Goenka

Có vài trung tâm tu thiền của Thiền Sư cư sĩ Goenka, cũng tổ chức các khoá 10 ngày, 8 ngày và 20 ngày như ở Ấn Độ và các nước khác. Tuy nhiên, khác với các trường thiền ở Ấn, các vị phụ giáo ở đó không nhận chư Tăng, còn các đối tượng khác đều nhận. Có lẽ bởi vì truyền thống trọng Tăng ở Miến, mà cũng có thể hồi giờ chưa có chư Tăng nào đến đó tu, nên các vị phụ giáo không biết ứng xử như thế nào cho đúng cách. Và cũng có lẽ, trường thiền tại Miến đã quá đủ để chư Tăng vào đó thọ học rồi, mặc dầu cách Quán cảm thọ (Vedanānupassanā) không được nhấn mạnh trong các thiền viện do chư Tăng tổ chức.


[1] Phát âm là Ba-Âu. Một số vị Việt Nam đọc là Bò-ốc, nhưng khi phát âm như vậy,  người Miến hoặc nước ngoài gần như không ai hiểu cả.

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/khivao_miendien.htm

 


Vào mạng: 1-5-2006

Trở về mục "Quà tặng cuộc sống"

Đầu trang