Trang tiếng Anh

Đạo Phật Ngày Nay 

Trang tiếng Việt   

   

...... ... ..  . ..  .  .

36 Ngàn Ngày

Thiện Lợi

Chỉ ngần ấy thôi! không hơn nữa, nếu có cũng chỉ là vài năm. Bạn thấy sao? Đủ chứ? hay vẫn còn thiếu? Ba mươi sáu ngàn ngày là thời gian thông thường cho một kiếp người. Nó cứ trôi nhanh, mỗi ngày được tính theo hệ mặt trời lặn mọc. Vậy thì đời người như cục đá mài dao, một ngày trôi qua nó sẽ bị bào đi một chút. Càng lúc càng mòn, đời người cũng vậy, mỗi lúc mỗi già và càng bước gần đến cái chết. Ấy là chưa tính đến những vận mệnh bất chợt, chợt đến rồi đi, nhanh như bóng nắng, có lại hoàn không là chuyện tình thường. Ba mươi sáu ngàn ngày, người có dám đếm không? nếu được thì từ phút này trở đi hãy đếm cho chính xác, xem mình sống được bao lâu. Đừng quên sót một ngày nào. Nhớ kỹ, vì nó trôi qua thời không bao giờ trở lại.

Có một cậu bé ngồi nhìn những áng mây đang tụ hình một tòa lâu đài tráng lệ. Cậu mừng rỡ reo hò, nghĩ rằng lâu đài ấy mãi thuộc về mình. Thế là nhắm mắt xuýt xoa, cậu tận hưởng nó, rồi chạy báo tin cho mẹ biết. Khi quay trở ra, vừa kéo tay mẹ vừa mừng khoe thì tòa lâu đài đã biến mất lúc nào. Cậu khóc khi úp mặt vào vai mẹ, người mẹ an ủi và giải thích tận tường thì cậu mới hiểu ra. Chúng ta là cậu bé ấy, cũng có khi không. Vì những điều thật không phải trường cửu thì mình lại mắc phải, buông không thẳng tay, lìa không nỡ bước. Vướng víu mãi, cho đến lâu đài hủy tan thì mới đành chịu. Đó là duyên nợ, là hấp lực buộc ràng thân phận chúng ta. Ngược lại người hiểu thế tình thì khác, thận trọng đếm từng ngày một, sống từng phút giây một, không hoang phí một ngày nào, chẳng phản bội với thời gian. Người ấy khéo lật từng trang đời, họa trên ấy những gì đẹp nhất, rồi đóng khung một trang ngày hữu dụng cho đời.

Ba mươi sáu ngàn ngày, người tham sống sẽ thấy nó ít ỏi; bậc hiểu đời thì cảm thấy quá nhiều. Ví như Khổng Tử nói:“ Đời người với tuổi bảy mươi thật là hiếm có!”. Rõ ràng thời loạn khi xưa, lòng người vốn nhiều chao đảo, sợ chết, sợ già, sợ nhà tan cửa nát, sợ không có công danh, đủ thứ sợ, đã làm cho đời người giảm bớt niên kỷ, ngược lại tìm lấy những phút giây để sống cho thật nghĩa lý thì càng khó hơn. Đủ thấy rằng sinh mệnh của con người hoàn toàn lệ thuộc vào sức mạnh tâm lý; tâm lý an tịnh thì mọi thứ đều tịnh; tâm lý cuồng si thì tất cả đều si. Nói nôm na, khi trong lòng bạn hoàn toàn không còn lo âu sợ hãi nữa thì quá tốt rồi, chết không sợ, già không sợ, bệnh cũng không sợ, thì đạo lý 36 ngàn ngày này với bạn đâu có gì là lạ. Thâm nhập vào lý này, Nguyễn Du trong truyện Kiều đã viết như sau: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.”. Không giống như Tần Thủy Hoàng ngày xưa, đã không dám bơi mình vào thế giới nội tại để khám phá đâu là sinh tư,û để rồi phải sống hoang đường trong ý tưởng là “Tìm một sự sống vĩnh cửu”, và phải thí mạng biết bao người nơi đất Phù Tang ( Nhật Bổn ). Thiệt quả là vô ích, cả một vị Hoàng Đế như vậy cũng không nhận tri được đạo lý này. Nhưng Lão Tử thì hoàn toàn khác: “Buổi sáng thấy được Đạo, chiều chết cũng an vui.”. Lẽ sống chết trên hình thể vật lý không còn quan trọng, quan trọng là tâm linh an nhàn và thư thản giữa mọi thăng trầm trong cuộc sống. Trong kinh Pháp Cú kệ 113, đức Phật chúng ta lại càng vĩ đại hơn khi tuyên bố một câu bất hủ: “Dù sống 100 năm mà không thấu hiểu pháp sinh diệt, không bằng sống 1 ngày mà thấu rõ pháp sinh diệt.”. Vậy là bạn cũng đã hiểu phần nào về tính hữu dụng trong từng ngày một rồi.

Sống mà không nhận thức được mọi tình huống, hoàn cảnh và hiện tượng đang diễn ra chung quanh ta là tạm bợ, là đến đi thì chúng ta sẽ như cái chong chóng luôn bị gió đời cứ cuốn bay đi mãi. Ngày xưa có một thiếu phụ, chồng chết sớm, chỉ có một đứa con duy nhất rất đáng yêu. Cô ta đã dành hết tình thương cho đứa bé, xem nó như trái tim của mình. Một ngày nọ vì duyên phận trớ trêu, nên đứa bé đã qua đời ở tuổi lên 8, khiến cô trở thành một người tuyệt vọng và tìm đến cái chết. Khi đó cô gặp được đức Phật và khẩn lời cầu xin Ngài tìm cách cải tử hoàn sinh cho con trai cô. Để thuyết phục đức Phật nhận lời, cô đã dập đầu cầu khẩn đến độ rớm máu. Cuối cùng Ngài đã nhận lời với một điều kiện thật đơn giản là yêu cầu cô phải đi tìm bằng được một gia đình không hề có người chết và lấy nơi đó một chút đất mang về để Ngài làm cho đứa bé sống lại. Người mẹ mừng rỡ vâng lời và liền chạy đi tìm ngôi nhà ấy. Năm này tháng nọ, càng cố tìm cô càng trở nên thất vọng. Cho đến một ngày gặp lại Phật, nghe Ngài giảng giải thuyết phục, cô đã hoàn toàn tỉnh ngộ và xin Phật được xuất gia. Thì ra, hiểu đạo rồi thì con người sẽ không còn phải dập đầu đến chảy máu, chạy đi tìm những mục tiêu viễn vong.

Ba mươi sáu ngàn ngày, mỗi ngày bạn chỉ cần một viên gạch hữu ích để xây lên cho đời mình một tòa sống thật đẹp. Chúng ta xây bằng những viên gạch yêu thương, tha thứ, bình đẳng và từ bi ...vv...cần phải dùng thêm những chất liệu kiên bền như ngồi thiền và niệm Phật. Được như vậy chúng ta sẽ có một ngôi nhà giải thoát và an lạc kiên cố để không một thứ phiền não nào có thể chọc thủng được. Nụ cười của chúng ta tuyệt không phải là những nụ cười của vui buồn đắp đổi, mà là niềm vui thật sự, sẳn sàng đón nhận tất cả cạm bẩy thế gian, ngay cả cái già cái chết lại càng không chút gì sợ hãi. Đừng nói là 36 ngàn ngày, một kiếp nhân sinh, cho dù là 36 ngày hay 36 phút cũng thấy vui lòng. Trên đời có muôn vạn điều khó, nhưng khó nào con người cũng vượt qua được. Duy chỉ có cái khó này, người đời thường bị chùn chân, đó là vượt qua Sống và Chết. Đúng như trong Tịnh Độ tông của Phật Giáo cũng có một câu nói bất khả di dịch :

“ÁI BẤT TRỌNG BẤT SINH TA BÀ

NIÊM BẤT NHẤT BẤT SINH TỊNH ĐỘ”

(Nếu không vì một chữ Ái thì con người sẽ không còn rơi rớt trong sinh tử, ngược lại, niệm Phật mà không nhất tâm chí thành thì bao giờ mới sinh về Tịnh Độ.)

Vậy mấu chốt trong chuỗi sống này là gì? Chúng ta cần phải tìm, khi tìm được rồi thì mỗi ngày là một ngày vui. Một ngày là tịnh độ, và chúng ta có tới 36 ngàn ngày tịnh độ. Vui trong đời này, vui trong từng ngày,vui trong từng hơi thở, từng bước đi, mọi hành động đều vui. Ba nghiệp thảy đều trong sạch, nói năng, suy nghĩ và việc làm đều tạo cho chúng ta muôn sự cảm khoái. Mấu chốt đó là đối mặt với sinh tử bằng trí tuệ, từ bi và song tu Thiền Tịnh, chỉ có vậy thì chúng ta mới đột phá được mọi bóng đen của nhận thức rêu phong.

                                                                                                                         


 

 

http://www.buddhismtoday.com/viet/cuocsong/36nganngay.htm

 


Vào mạng: 03-08-2008

Trở về mục "Quà tặng cuộc sống"

Đầu trang